Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI XẢY RA


Trước khi ra đi, sứ đồ Phao-lô dặn dò Ti-mô-thê, “hãy giảng đạo” (2 Ti-mô-thê 4:2). Theo nguyên văn Hi-lạp, danh từ “đạo” ở đây là “Logos” (Lời). Chúng ta rất khó quyết định Logos ở đây ngụ ý Chúa Jêsus hay kinh văn Kinh thánh, vì cả hai đều là Logos của Đức Chúa Trời.

Logos Đức Chúa Trời là một thân vị sống động. Logos nhục hoá (hay Ngôi Lời nhập thể) và Logos kinh văn là hai phương diện của một thân vị hằng sống, là Con Đức Chúa Trời, Jêsus Christ.


Thánh kinh khải thị nhiều sự chuyển động của Lời Chúa như: Lời Đức Chúa Trời  nảy nở, lớn lên (Công vụ 6:7), Lời Chúa tiến hành trong chúng ta (Giăng 8:37); Lời Chúa chạy rất nhanh (2 Tê-sa-lê-ni-ca. 3:2); Lời ấy cũng được trồng trong tín đồ (Gia-cơ 1;21), nhưng có một điểm đặc sắc về chuyển động của Lời là Lời của Đức Chúa Trời  xảy ra, Lời Chúa trở nên một cái gì đó cho dân Ngài.

Câu Kinh thánh đầu tiên chép về Lời Chúa xảy ra là Sáng-thế-ký 15:1. Bản Kinh thánh American Satandard Version (ASV) dịch, “Lời Đức Giê-hô-va đã đến cùng Áp-ram trong một khải tượng”. Các bản Kinh thánh Anh văn và Việt văn thường dịch câu nầy là “Lời Đức Giê-hô-va đã đến (came) trong một khải tượng” Nhưng theo nguyên văn Hê-bơ-rơ, câu nầy nên dịch là “Lời Đức Giê-hô-va đã xảy ra cùng Áp-ram trong một khải tượng”. “Xảy ra” theo nguyên văn là hayah. Động từ hayah nầy có thể dịch là to happen, to become-- xảy ra hay trở nên. Động từ nầy được dùng ở Sáng-thế ký 1:1 vá 19:26—“Trái đất đã trở nên vô hình và trống không”—“Nhưng vợ Lót…đã biến thành một tượng muối”. Đức Giê-hô-va đã nói cùng Áp-ram rằng Ngài là thuẫn đỡ và là phần thưởng lớn của ông. Lời trấn tỉnh đó đã xảy ra, đã trở thành thực tế, thực tại trong tấm lòng, trong đời sống của Áp-ram, nên ông được trấn tỉnh, vững vàng trong cuộc sống giữa tình thế vào lúc đó, là ông sống trước sự tranh chiến của các vua chúa đương thời.

Theo nguyên văn Hê-bơ-rơ, tác giả sách các Vua thứ nhất chương 17 câu 2 và 8, cũng như chương 18 câu 1 đều chép rằng: “có lời Đức Giê-hô-va xảy ra với Ê-li”. Lời Chúa không chỉ đến như một hành động bên ngoài, nhưng lời ấy phải được cấu tạo, được sáp nhập vào bản thể Ê-li để tạo ra sự biến đổi tâm tánh bên trong của ông.

Mùa gặt lẽ thật về việc lời Chúa xảy đến cho một đầy tớ Chúa là kinh nghiệm trong cuộc đời của tiên tri Giê-rê-mi. Theo bản Kinh thánh ASV, sách Giê-rê-mi có chép trên 32 lần câu “lời Đức Giê-hô-va đã đến (came) cùng Giê-rê-mi”. Trong nguyên văn Hê-bơ-rơ, tất cả các chữ “came” đều là hayah—to happen, to become. Nếu sách Giê-rê-mi chép “ Đức Giê-hô-va phán cùng Giê-rê-mi”, đó là việc phán lời cách bình thường, nhưng khi nào sách chép: “lời Đức Giê-hô-va đã đến, hay đã phán cùng Giê-rê-mi”, thì đều ngụ ý lời Chúa đã xảy ra cùng ông.Tên tri nói, "Nếu tôi nói: Tôi sẽ chẳng nói đến Ngài nữa; tôi sẽ chẳng nhân danh Ngài mà nói nữa, thì trong lòng tôi như lửa đốt cháy, bọc kín trong xương tôi, và tôi mệt mỏi vì nín lặng, không chịu được nữa" (20:9)Đó là lời Chúa xảy ra trong ông.

Vào đầu thời Tân ước, sử gia Lu-ca đã ghi lại một lời nghiêm trọng “Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-bê-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm tổng đốc Giu-đê, Hê-rốt làm chư hầu Ga-li-lê, Phi-líp em người làm chư hầu xứ Y-tu-rê và Tra-cô-nít, Ly-sa-nia làm chư hầu A-by-len,  An-ne và Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm, lúc ấy lời Đức Chúa Trời đến với Giăng con Xa-cha-ri ở nơi đồng vắng” (Lu-ca 3:1). Lu-ca dùng danh tánh 7 nhân vật vĩ đại đương thời như Sê-sa Ti-bê-rơ, tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát, vua Hê-rốt, vua Phi-lip, vua Ly-si-nia, thượng tế An-ne, Cai-phe để làm cột mốc ghi lại một sự việc vô cùng quan trọng, “Lời Đức Chúa Trời đã đến cùng Giăng (Báp-tít)”.Theo nguyên văn Hi lạp, chữ “đến” ở đây là gínomai, đồng nghĩa với chữ Hê-bơ-rơ hayah, có nghĩa là to become, to happen, to be created.

Được lời Chúa xảy ra trong kinh nghiệm, được lời Đức Chúa Trời cấu tạo, tiến hành, lớn lên, trồng sâu trong chúng ta, là một đặc ân, là một phước hạnh vĩnh cửu.

Phúc âm Giăng khải thị Chúa Jêsus là Con Đức Chúa Trời và cũng là chính Đức Chúa Trời nhục hoá. Sách cũng bày tỏ rằng những ai được Lời Đức Chúa Trời xảy ra cho, được lời Kinh thánh trở nên, được lời ấy cấu thành bên trong lòng, họ đều là các “thần”. Theo nguyên văn chữ “thần” là gods (các đức chúa trời con). Giăng 10:35, “Nếu Chúa gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời đến là thần (mà Kinh thánh không thể bãi bỏ được). Bản Hi lạp dịch câu nầy là “If thoses He called gods, to whom the word of God became, and the scripture is not able to be abolished”. Câu nầy nói rằng những ai mà được Lời Đức Chúa Trời xảy ra, hay Lời Chúa trở thành cho họ, họ sẽ là các thần, các đức chúa trời.

Người thì sinh ra người, thú vật thì sinh ra thú vật. Giăng 1:12-13 chép, “Nhưng hễ ai đã tiếp nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền bính trở nên con cái Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ tin đến danh Ngài;  kẻ ấy chẳng phải sanh bởi khí huyết, chẳng phải bởi tình dục, cũng chẳng phải bởi ý người, nhưng bởi Đức Chúa Trời vậy”. Nên Đức Chúa Trời  phải sinh ra các đức chúa trời. Các con cái Đức Chúa Trời  hay các đức chúa trời con, cũng đồng nghĩa. Đây là một câu Kinh thánh khó hiểu, khó tin, và đa số dân Chúa tránh né câu nầy.

Nguy cơ của người rao Lời Chúa là tích luỹ giáo lý, các chủ đề về các điều trong Kinh thánh, và liên tục nói đi nói lại về điều đó. Chúng ta thường thích đi nghe giảng một vài điều mới lạ, vài ý tưởng mới, rồi bạn giảng lại các điều đó cho tính giả của mình như máy ghi âm phát lại điều nó đã thu được. Vì trong thực tế, việc  đó chỉ là thu thập dữ liệu cho nghề nghiệp rao giảng của chúng ta.

Chúa Jêsus phán, “những lời Ta phán cùng các ngươi đều là Linh và sự sống” (Giăng 6:63). Lời Chúa không chỉ là một câu nói. Lời Chúa phải là biến cố xảy ra trong đời sống chúng ta. Lời Chúa là Linh và sự sống. Lời Đức Chúa Trời sẽ có giá trị đích thực khi nó được cấu tạo, kết tinh, sáp nhập, xảy ra, trở nên Linh và sự sống trong các bạn. Ngôi Lời Đức Chúa Trời đã trở thành xác thịt trong thân vị Chúa Jêsus, một nhân tánh vô tội. Dù chúng ta là loài thọ tạo ô tội được cứu chuộc, nhưng trên cùng nguyên tắc, Lời Đức Chúa Trời  phải được cấu tạo trong chúng ta, khi ấy chúng ta mới có thể trở thành Cơ Đốc nhân trưởng thành thuộc linh, và là người cung cấp Lời Đức Chúa Trời có hiệu quả lớn, từ sự sống bề trong của mình.

Tóm lại khi đọc Kinh thánh, hay nghe giảng Lời Chúa, lời Đức Chúa Trời  có thể chỉ đến với chúng ta cách khách quan, vào tai bên đây, lọt qua tay bên kia và bay mất. Nhưng khi bởi ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, Lời Chúa thấu suốt vào trong chúng ta, sáp nhập, cấu tạo, xảy ra, tạo tác, trở nên Linh và sự sống trong bản thể chúng ta cách chủ quan, thì đó là sự việc quí giá đời đời. Người nào được sự cấu tạo, xảy ra như vậy của lời Chúa, người đó mới có thể rao giảng Lời Chúa cách có kiến hiệu. Lời giảng ấy sẽ truyền đạt Đức Chúa Trời cho người nghe.

Chúa Jêsus có nói về Giăng Báp-tít trong Ma-thi-ơ 11:7 như sau, “Khi họ ra về, Jêsus mới nói cùng quần chúng về Giăng rằng: "Các ngươi đã ra xem chi trong đồng vắng? Xem cây lau bị gió rung chăng?”. Nhờ sự sống và quyền năng của Lời Đức Chúa Trời xảy ra trong ông, nên Giăng Báp-tít đã không là cây lau rung động trước gió dữ. Chúa Jêsus cũng nói thêm, “Giăng là đèn thắp và sáng”. (Giăng 5:35a).

Với tiên tri Giê-rê-mi, Chúa tuyên hứa, “Nầy, ngày nay, Ta lập ngươi lên làm thành vững bền, làm cột bằng sắt, làm tường bằng đồng, nghịch cùng cả đất nầy, nghịch cùng các vua Giu-đa, các quan trưởng nó, các thầy tế lễ, và dân trong đất.  Họ sẽ đánh nhau với ngươi, nhưng không thắng ngươi; vì Ta ở cùng ngươi đặng giải cứu ngươi, Đức Giê-hô-va phán vậy” (Giê-rê-mi 1:18-19).

Sau nhiều năm được Lời Chúa cấu tạo và xảy ra trong chính mình, Giê-rê-mi đã trở thành cột sắt, thành đồng chống nổi với cả tập đoàn bội đạo đối với Đức Chúa Trời, là các vua, các quan trưởng, các thầy tế lễ và dân chúng trong cả cuộc đời chức vụ cô đơn, khốn khổ, để rao lời phán xét của Đức Chúa Trời. Tất cả là do ông đã được Lời Đức Chúa Trời hayah trong mình mà thôi.

Giê-rê-mi cai quản các dân,
Bằng lời phán xét rất gian truân;
Hạnh nhân, nồi nước người nhìn thấy,
Phá đổ, xây trồng Chúa định phần.
Ngọn lửa trong ông lời nóng cháy,
Chúa Trời bên cạnh nhủ khuyên luôn;
Nên dù hung thủ hằng săn đuổi,
Cột sắt, thành đồng luôn vững chân.

Minh khải --2-10-2013