Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Chức tế lễ thánh

wasserfall

Phần 1: Sự ấn định dành cho chúng ta: Trở thành thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời

1.Phi-e-rơ 1:3,18-19; 2:5-6,9,1-2, Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4-6, Khải Huyền 5:10, Lu-ca 1:74-75
Cầu nguyện: Xin Chúa ban cho chúng con tối nay Thánh Linh của sự khôn ngoan và khải thị. Chúng con không chỉ muốn thông công về chức tế lễ thánh mà chúng con muốn chạm đến Ngài. Chúng con không chỉ muốn nói về điều đó như là một đề tài mà chúng con muốn có hiện thực ngay trong hội nghị này. Amen.

Trong 1.Phi-e-rơ chúng ta đã đọc nhiều câu Kinh Thánh tuyệt vời. Tôi muốn đi qua những câu này. Đã có một sự bắt đầu. "Ngợi khen Ðức Chúa Trời, là Cha Ðức Chúa Giê-su Christ chúng ta" (1.Phi-e-rơ 1:3). Điều đó bắt đầu với Đức Chúa Trời. Không phải chúng ta bắt đầu mà Đức Chúa Trời đã bắt đầu, đó là việc của Ngài và những gì Ngài đã hoàn tất. Ngài đã lấy lòng thương xót lớn mà kêu gọi chúng ta. Dĩ nhiên, tôi không cảm thấy mình có gì đặc biệt hay đáng được hưởng điều này. Nó không liên quan đến cảm xúc, nhưng đó là công việc Đức Chúa Trời đã thực hiện, đã kêu gọi chúng ta bằng lòng thương xót lớn của Ngài. Còn chúng ta là gì? Chúng ta đã được sinh lại. Chúng ta đã từng chết vì tội lỗi mình, nhưng bây giờ chúng ta được sinh lại. Chúng ta tiếp nhận một sự sống mới và có một niềm hy vọng tuyệt vời. Không phải là chúng ta đã được sinh lại là tất cả, để rồi chúng ta chỉ chờ đợi Giê-ru-sa-lem Mới đến, nhưng chúng ta đã nhận được một niềm hy vọng sống động qua sự phục sinh của Đấng Christ từ trong những kẻ chết. Vâng, nó có liên quan đến sự sống.Sự xây dựng nhà Đức Chúa Trời bởi chức tế lễ thánh. Đó là một đặc quyền, tôi muốn khích lệ tất cả anh em đứng lên để có một cái nhìn tốt hơn về chức tế lễ thánh.Chúng ta không muốn chỉ nói về đề tài này để thu thập thêm hiểu biết hay kiến thức, mà tối nay trong buổi nhóm này, chúng ta muốn đi vào hiện thực của nó: chúng ta là những thầy tế lễ thánh. Đó là sự ấn định cho chúng ta, Chúa đã gọi chúng ta để khiến chúng ta trở nên một dân phục vụ Ngài. Điều này đối với Ngài rất quan trọng. Trong thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời đã giải cứu một dân tộc để mang họ đến với chính Ngài. Tôi thường cảm động vì Chúa đã mang dân Ngài vào miền đất tốt lành. Điều này thật tuyệt vời, tôi luôn trân trọng về điều này. Nhưng tối nay, tôi cũng cảm động vì Chúa đã mang dân sự đến cùng Ngài, để dân tộc này thuộc riêng về Ngài. Điều này thật quý giá! Trở thành một dân tộc thuộc về chính Đức Chúa Trời, là dân của Ngài, là sở hữu của Ngài.

Hãy tiếp đến câu 18 và 19, khải thị từ trời càng ngày càng rõ hơn. Chúng ta cần biết là những gì cha ông chúng ta truyền lại không được tích cực lắm. Chúng ta đã được sinh lại, nhận được sự sống mới, nhưng chúng ta cũng cần chú ý về lối sống từ cha ông. Nhưng chúng ta cũng được tự do khỏi nó, "vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em đã được chuộc khỏi sự ăn ở không ra chi của cha ông truyền lại" (1.Phi-e-rơ 1:18). Chúng ta đã được chuộc bởi huyết báu của Đấng Christ, của Chiên Con. Hãy trân trọng điều đó. Toàn bộ tạo vật đã được đóng đinh với Đấng Christ. Tôi đã được đóng đinh với Đấng Christ, nên bây giờ tôi tự do. Như vậy bây giờ tôi có thể tích cực, tôi không phải ở trong mọi điều độc ác, mọi điều gian xảo, mọi thứ giả trá, lòng ghen ghét ... mà tôi có thể từ bỏ nó (1.Phi-e-rơ 2:1). Vì đã được tự do khỏi lối sống của cha ông và tự do khỏi tạo vật cũ, tôi có thể nói với Chúa: "Lạy Chúa, con đứng về phía Ngài và con từ bỏ". Không chỉ từ bỏ mà tôi còn như trẻ con mới đẻ, ham thích sữa tinh khiết của Lời Chúa. Tôi rất quý vì chúng ta có thể cùng nhau nếm những câu này. Thật là ngon phải không. Nhưng tôi muốn nhiều hơn nữa. Tôi vui vì bây giờ chúng ta có cả một hội nghị để cùng nhau thưởng thức Lời Chúa, không chỉ một mình mà với cả hội thầy tế lễ. Tất cả đều được phép cùng nhau dâng của lễ cho Cha.

Hãy tiếp tục với câu 5 và 6, mỗi chúng ta không chỉ ở một mình, từ bỏ tất cả những điều cũ, và thưởng thức Lời Chúa. Thật tốt nếu chúng ta có mối quan hệ với Chúa. Nhưng còn nhiều hơn thế nữa. Chúng ta là những hòn đá sống và được xây dựng thành một căn nhà thuộc linh. Căn nhà này không trống rỗng hay hoang tàn, mà trong đó có các thầy tế lễ. Tất cả chúng ta ở đây là những viên đá sống để xây dựng thành ngôi nhà này, nhưng cũng đồng thời là các thầy tế lễ phục vụ ở bên trong. Có những hoạt động phục vụ, nhưng không phải ở bất cứ nơi nào hay ở nơi mà tôi nghĩ là tốt: "Nơi này tốt, ở đây tôi có thể xây một căn nhà cho Đức Chúa Trời", vì Chúa đã nói: "Vì trong Kinh Thánh có chép rằng: Nầy, ta đặt tại Si-ôn hòn đá góc nhà đã chọn lựa và quí báu; Ai tin đến đá ấy sẽ không bị xấu hổ" (câu 6). Không có nơi nào tốt hơn nơi này vì thật tốt để ở đây, tại Si-ôn và là thầy tế lễ để phục vụ ở đây. Ngợi khen Chúa!

"Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn" (câu 9). Ha-lê-lu-gia! Chúng ta là những người được lựa chọn, là thầy tế lễ hoàng gia. Đây là một điều rất lớn lao. Đúng vậy, sự ấn định đã dành cho chúng ta là thật vĩ đại. "Một dân tộc thánh", chúng ta không chỉ là một dân nào đó mà là một "dân tộc thánh". Ở nơi nào trên trái đất này có một dân như vậy? Người ta có thể tìm thấy một dân tộc thánh như vậy ở đâu? Chính là ở đây, trong Hội Thánh, có một dân như vậy. Nhưng chúng ta không chỉ ở với nhau mà còn loan truyền điều gì đó. Là thầy tế lễ hoàng gia, là dòng giống được lựa chọn, chúng ta mang Đức Chúa Trời đến với con người, đó là điều quý báu mà chúng ta đã nhận được. Sự nhân đức của Chúa là một kho báu, và chúng ta có thể mang kho báu này đến với người khác, và loan truyền điều đó với niềm hân hoan vì đã nhận ra rằng mình cũng từng ở trong nơi tối tăm, không có gì đẹp ở đó cả. Và Chúa cũng đã gọi chúng ta vào nơi sáng láng lạ lùng của Ngài. Bây giờ chúng ta đang ở trong ánh sáng, chúng ta không muốn thấy những người xung quanh phải ở trong bóng tối. Vì vậy, chúng ta đến với họ và nói: "Này anh, tôi đã phát hiện một kho báu. Anh đừng ở trong nơi tối tăm mà hãy vào nơi sáng láng. Chúa cũng kêu gọi anh nữa. Anh hãy đi vào ánh sáng". Trong thời Cựu Ước, Chúa đã biệt riêng một dân cho Ngài, đã giải thoát họ ra khỏi ách nô lệ của Ai Cập và mang họ đến với Ngài như trên cánh chim đại bàng. Chúa đã làm tất cả để dân này trở thành sở hữu của Ngài. Và bây giờ, Ngài muốn dân này cũng hầu việc Ngài và muốn toàn bộ dân làm chức tế lễ thánh cho Ngài. Đáng tiếc là dân sự đã phạm tội, và sau đó người Lê-vi đã nhận được chức vụ này như một quà tặng.

Nhưng không chỉ trong Cựu Ước mà Đức Chúa Trời muốn có các thầy tế lễ, ngày nay chúng ta cũng được kêu gọi để trở thành thầy tế lễ. Nhưng thật không may, con người đã làm điều này trở nên một cái gì đó khác thường, và có rất nhiều quan niệm về từ "thầy tế lễ". Một đồng nghiệp của một chị em trong Hội Thánh hỏi chồng chị có phải là mục sư hay linh mục không? Chị trả lời: "Không! Nhưng tôi cũng là một thầy tế lễ, cùng với các thánh đồ khác. Tất cả chúng tôi đều là thầy tế lễ. Không ai trong Hội Thánh là không có việc, không có chuyện một người đứng đó giảng và làm tất cả mọi chuyện. Tôi là thầy tế lễ không phải theo nghĩa này. Nhưng tôi là một thầy tế lễ cùng với mọi thánh đồ". Tất cả chúng ta là thầy tế lễ trong nhà Chúa, tất cả quen biết Chúa. Khi ở nhà, mỗi người có mối quan hệ gần gũi với Chúa và chúng ta đang hầu việc Ngài. Bên cạnh đó trong cuộc sống Hội Thánh, tất cả chúng ta cùng nhau phục vụ Chúa, kể cả người trẻ nhất. Tiên tri Giê-rê-mi đã từng nói: Tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi không thể nói lời của Ngài. Tôi sợ cái dân này. Đoạn Đức Chúa Trời trả lời: Đừng nói tôi còn quá trẻ, mà ngươi là một thầy tế lễ, là tôi tớ của Đức Chúa Trời (Giê-rê-mi 1:6-8). Chúng ta tất cả là những tôi tớ của Đức Chúa Trời, dự phần vào cuộc sống Hội Thánh và là các thầy tế lễ cùng gánh vác trách nhiệm này. Đó là điều rất quý đối với Đức Chúa Trời. Thật là kỳ lạ khi chúng ta thấy trong toàn bộ Kinh Thánh, Đức Chúa Trời luôn nhấn mạnh về thầy tế lễ và chỉ ra cho chúng ta: Ta muốn có các thầy tế lễ. Các thầy tế lễ của Ta ở đâu? Tại sao họ lại không nên thánh để hầu việc? Những kẻ muốn thánh hóa mình để hầu việc Ta trong sự hiện của Ta và đứng trước mặt Ta ở đâu? Những người như vậy ở đâu? Chúa đã gọi chúng ta như vậy, Ngài muốn có một dân như vậy để phục vụ Ngài. Như vậy mới có thể làm Đức Chúa Trời thỏa lòng. Chức tế lễ thánh là dành cho Đức Chúa Trời.

Trong các buổi thông công trước hội nghị, tôi thực sự đánh giá cao về chức tế lễ thánh này. Đó là một sự kêu gọi cao cả và cũng là một đặc quyền. Trong Dân Số Ký 18:7, Chúa nói với A-rôn:"

Nhưng ngươi và các con trai ngươi phải kỹ lưỡng lo cho xong chức tế lễ, quản trị các điều chi thuộc về bàn thờ, và vật chi ở phía trong màn; các ngươi phải làm việc mình tại đó. Chức tế lễ của các ngươi là một việc ta phong cho như một của ban". Tôi thích câu này: "phong cho như một của ban", đó là một quà tặng. Điều mà chúng ta đã nhận được là: trở thành một thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, một điều rất quý giá. Ngài đã ban cho nó cho chúng ta như một đặc ân vậy. Và còn hơn thế nữa. Thậm chí việc được phép phục vụ Đức Chúa Trời đã là một điều rất lớn rồi, không phải ai cũng được như vậy. Câu tiếp theo nói: "người ngoại nào đến gần sẽ bị xử tử".Không phải ai cũng đến gần được. Đó là một đặc ân mà chúng ta đã nhận được từ Đức Chúa Trời.

Chúng ta được sinh lại, được chuộc bởi huyết báu, có thể từ bỏ mọi điều ác độc, gian xảo; chúng ta có thể thưởng thức Lời Chúa, bước vào trong Nơi Thánh và ở đó chúng ta được phép đứng trước Ngài và hầu việc Ngài. Điều quan trọng nhất không phải là làm nhiều việc, mà là chúng ta đứng trước Ngài. Thật là một điều lớn lao vì chúng ta là những kẻ đã chết do tội lỗi của mình, bây giờ bởi lòng thương xót lớn của Ngài mà chúng ta được phép đứng trước Ngài và là những thầy tế lễ phục vụ Ngài.

Mỗi ngày tôi nhận thức được giá trị của điều này nhiều hơn nữa. Từ lâu lắm rồi tôi không có cảm nhận về nó. Tôi biết tôi là một Cơ Đốc nhân, nhưng không ý thức rõ rằng mình cũng là một thầy tế lễ. Nhưng qua sự thông công, qua Lời Chúa, và các buổi thông công với Chúa và với các thánh đồ, càng ngày tôi càng học để biết yêu quý điều này hơn. Mỗi buổi sáng khi thức dậy, chúng ta ý thức rất rõ là mình phải đi làm. Nó đơn giản là như thế. Nếu tôi không đi làm, thì tôi phải chịu một hậu quả không dễ chịu lắm, nên tôi không muốn lãnh nó. Vì thế tôi phải đi làm. Nếu tôi là một giáo viên, thì tôi cũng ý thức mình là một giáo viên. Nhưng đối với việc tôi là một thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời thì tôi ý thức như thế nào? Tôi trân trọng điều đó như thế nào? Tôi đã nói với Chúa: "Chúa phải ban cho con một khải tượng". Nếu chỉ hiểu biết thì không đủ, tôi cần một khải tượng và tôi cũng muốn thấy. Tôi không chỉ muốn hiểu mà muốn Chúa viết điều đó vào lòng tôi. Trong thời gian qua, tôi rất thưởng thức điều được chép trong sách Phục Truyền 10:8-9: "Trong lúc ấy, Ðức Giê-hô-va biệt chi phái Lê-vi riêng ra, đặng khiêng hòm giao ước của Ðức Giê-hô-va, chầu trước mặt Ðức Giê-hô-va, phục sự Ngài, và nhân danh Ngài chúc phước, cho đến ngày nay. Bởi cớ đó, Lê-vi không phần, không nghiệp với anh em mình; Ðức Giê-hô-va là cơ nghiệp của người y như Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi đã phán cùng người". Thật ngạc nhiên phải không? Trừ người Lê-vi, tất cả các chi phái của Israel nhận được đất từ miền đất tốt lành. Người Lê-vi không nhận được gì từ miền đất tốt lành, họ không có một mảnh đất gì. Nhưng họ nhận được một điều khác tốt hơn, quý giá hơn: chính Chúa. Ngợi khen Chúa. Chỉ những từ này không thôi thì đã thật sự quý giá. "Chính Chúa". Tôi không hiểu, nhưng tôi muốn có điều đó và tôi muốn kinh nghiệm. "Đức Giê-hô-va là cơ nghiệp của người y như Giê-hô-va Ðức Chúa Trời ngươi đã phán cùng người". Chúng ta là thầy tế lễ, và chính Chúa là phần thừa kế của chúng ta. Thật rất quý báu khi chúng ta có thể chạm và nếm Chúa, đến gần Ngài và được phép ở trong sự hiện diện của Ngài. Từ đó, tôi càng biết quý điều tôi đã nhận được: Tôi được phép làm một thầy tế lễ trong nhà Đức Chúa Trời.

Có một chỗ mà nhiều người biết trong thư Hê-bơ-rơ mà trước đây tôi nghĩ là mình biết. Tôi biết điều đó, nhưng câu hỏi là tôi đã kinh nghiệm điều đó thường xuyên như thế nào? Tôi đang nói đến Hê-bơ-rơ 4:14-16: "Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã vượt qua các tầng trời, tức là Ðức Chúa Giê-su, Con Ðức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đức tin mà chúng ta đã tuyên xưng. Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng có thể cảm thương sự yếu đuối chúng ta, bèn có một thầy tế lễ bị cám dỗ trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội. Vậy, chúng ta hãy dạn dĩ đến gần ngai ơn phước, để nhận được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong lúc cần". Tôi biết con đường đến đó đã được mở tự do và tôi đã có lối vào để đến với thầy tế lễ thượng phẩm này. Tôi biết! Nhưng tôi đã thực sự đến đó thường xuyên như thế nào? Tôi đã vào nơi Chí Thánh nhiều như thế nào? Con đường đến đó đã được thông thoáng, nhưng nếu tôi không đi thì tôi có được gì? Câu hỏi tiếp theo đây làm tôi cảm động: tôi ở trong đó bao lâu? Ôi, Chúa Giê-su! Thỉnh thoảng chúng ta vào đó, nhưng chỉ ở có vài phút rồi lại đi ra, nên Chúa không có đủ thời gian để ban thức ăn cho chúng ta và giúp chúng ta. Chúng ta chỉ nhận được chút xíu vì chúng ta chỉ ở đó trong một thời gian ngắn. Nhưng thật quý vì chúng ta là thầy tế lễ, đó cũng là phần của chúng ta. Tôi càng ngày càng thưởng thức rằng chính Chúa là phần của tôi, nhưng tôi đã thưởng thức phần tôi có nhiều như thế nào và tôi ở trong sự hiện diện của Ngài bao lâu? Tôi có một mong ước là tôi sẽ ở trong sự hiện diên của Chúa nhiều hơn nữa. Tôi muốn trở thành người làm theo Lời Chúa. Ngợi khen Chúa về ngai ơn phước này. Tôi xúc động vì ngai ơn phước không phải chỉ là một vật hay một nơi nào đó, mà ở trên ngai này có người ngồi. Và người này là thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại của chúng ta. Ngài là sự giúp đỡ cho chúng ta trong mọi lúc có nhu cầu. Nó không chỉ liên quan đến sự giúp đỡ nhưng tôi còn chạm được Chúa. Khi tôi nhận được sự giúp đỡ của Chúa, tôi biết mình đã chạm được Ngài và Ngài đã trở thành phần của tôi.

Là các thầy tế lễ ở nơi này, trong nơi Chí Thánh, chúng ta có liên quan đến các việc thiên thượng. Và điều này là rất nghiêm túc. Một mặt, chúng ta là những thầy tế lễ thánh, và được phục vụ Đức Chúa Trời là một đặc ân lớn, nhưng mặt khác chúng ta cần phải có sự kính sợ Chúa, vì nhiệm vụ này có liên quan đến việc của Đức Chúa Trời. Tôi nhớ đến 1.Cô-rinh-tô 2:13: "chúng ta nói những điều ấy không dựa vào lời nói mà sự khôn ngoan của loài người đã dạy đâu, song dựa vào lời lẽ mà Ðức Thánh Linh đã dạy, dùng lời lẽ thuộc linh để giải bày những việc thuộc linh". Thánh Linh rất quan trọng, chúng ta phải đi trong Thánh Linh, đeo đuổi sự nên thánh và sống theo Thánh Linh trong đời sống mỗi ngày, vì đây là một nhiệm vụ cao cả, rất nghiêm túc và có liên quan đến chính Đức Chúa Trời. Trong 2.Sa-mu-ên 6, Đa-vít muốn mang hòm giao ước về Giê-ru-sa-lem sau một thời gian dài bị thất lạc. Nguyện vọng này rất tốt, nhưng cách mà họ làm lúc đó đã không thể làm hài lòng Đức Chúa Trời. "Khi đến sân đập lúa của Na-côn, vì những con bò vấp chân, U-xa giơ tay đỡ hòm giao ước của Ðức Chúa Trời" (câu 6). Ông này có ý định tốt phải không? Ông thấy hòm giao ước có thể bị rớt xuống và bị hư, nên đã chạm tay vào hòm giao ước. Nhưng Đức Chúa Trời đã ấn định rằng chỉ có các thầy tế lễ mới được khiêng hòm giao ước. Điều đó đã dẫn đến hậu quả là: "Cơn thạnh nộ của Ðức Giê-hô-va bèn nổi phừng cùng U-xa; Ðức Chúa Trời đánh phạt ông vì sự vi phạm này, và ông chết tại đó, gần bên hòm giao ước của Ðức Chúa Trời" (câu 7). Tôi rất có ấn tượng về điều này. Được phục vụ Đức Chúa Trời là một đặc quyền và cũng là chuyện rất nghiêm túc. Tôi đã thưa với Chúa: "Lạy Chúa, xin làm cho con được nên thánh trong đời sống của con. Con không muốn dùng bàn tay dơ bẩn này để chạm đến những vật thuộc về Chúa. Con muốn được nên thánh cũng như Chúa là thánh khiết". Không phải ngẫu nhiên mà Chúa nói chúng ta làm chức tế lễ thánh. Chúng ta không nên hoảng sợ mà cần có một lòng khao khát xin Chúa: "Chúa ơi, xin thánh hóa con ngày càng nhiều hơn. Con cần sự giúp đỡ, nên con đến với Ngài. Chúa có thể giúp con được".

Nhiều Cơ Đốc nhân chờ đợi những điều sẽ đến sau này, trong một tương lai nào đó như Giê-ru-sa-lem Mới, trời mới, đất mới. Tuy nhiên, Chúa chỉ cho chúng ta thấy rằng, những gì Ngài đã ban cho chúng ta hôm nay cũng là những điều mà chúng ta sẽ kinh nghiệm trong cõi đời đời. Chúng ta không cần phải chờ đợi nhưng chúng ta có thể kinh nghiệm điều đó ngày hôm nay. Là thầy tế lễ để phục vụ Đức Chúa Trời đã có trong thời nay. Chúng ta làm chức thầy tế lễ thánh và hoàng gia và chúng ta muốn thực hiện nhiệm vụ này cũng như sốt sắng trong tâm linh của mình. Vì thế người ta có thể thấy và nói rằng: "Ồ, đó là một hội các thầy tế lễ thánh, chứ không chỉ một thầy tế lễ. Họ là một và cùng nhau hầu việc Chúa". Đây là một lời chứng tuyệt vời. Nó không chỉ có ở trong cõi đời đời mà ngày nay đã có. "Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa; ngai của Ðức Chúa Trời và Chiên Con sẽ ở trong thành; các tôi tớ Ngài sẽ hầu hạ Ngài" (Khải Huyền 22:3). Ngợi khen Chúa. Đó là sự ấn định của chúng ta để hầu hạ Chúa ở nơi đó và ngày nay thực hiện điều này trong nếp sống Hội Thánh. Qua đó, Đức Chúa Trời có thể chuẩn bị cho hiện thực của Giê-ru-sa-lem Mới ngay trong hiện tại, cùng với chúng ta. Không chỉ với một anh em nào đó hay một nhóm anh em nào đó mà với tất cả chúng ta. Xin Chúa ban cho chúng ta một sự mong muốn để thực hiện và kinh nhiệm điều đó trong cả hội nghị này, và trong năm sắp đến để Chúa có thể xây dựng Hội Thánh qua chức tế lễ thánh. Tôi cảm động về sự xây dựng Hội Thánh, nó không phải là một cái gì đó lạnh lùng, hay thuộc về kỹ thuật, mà nó là hội các thầy tế lễ thánh, là mối quan hệ giữa chính Đức Chúa Trời với dân của Ngài, là dân kinh nghiệm Đức Chúa Trời trong sự hiện diện của Ngài và đi đến ngai ơn phước.

Chúng ta muốn thực hiện và đầu tư cho chức vụ này. Thật bình thường khi đầu tư cho thế gian. Ví dụ, khi sếp tôi nói tôi là một nhân viên giỏi nên được tăng lương, tôi có thể cho rằng nó là tốt và Chúa đã chúc phước tôi. Nhưng chúng ta không nhận ra rằng càng ngày chúng ta càng có ít thời gian cho Chúa hơn. Đó không phải là kinh nghiệm của chúng ta sao? Khi chúng ta làm việc được sếp khen thì chúng ta muốn làm việc nhiều hơn, như vậy cái gì còn lại cho Chúa? Sức lực, năng lượng, thời gian của chúng ta không phải là không có giới hạn. Nếu chúng ta đầu tư hết cho thế gian này thì phần cho Chúa chỉ còn rất ít ỏi. Có thể chúng ta muốn phục vụ, nhưng không còn sức nữa, không còn tình yêu dành cho Chúa vì đã đầu tư tất cả tình yêu cho thế gian rồi. Vì yêu các việc của thế gian, nên không còn tình yêu dành cho Chúa nữa. Nếu tôi không yêu Chúa nữa thì tôi cũng không phục vụ Ngài tiếp, vì không còn đánh giá cao nó nữa. Tôi cảm thấy thật là tốt khi Chúa tiếp tục nói với chúng ta về vấn đề này. Thu thập thêm sự hiểu biết không phải là điều quan trọng đối với chúng ta mà mỗi chúng ta cần nhận thức rõ: tôi cũng là một thầy tế lễ. Chúa đã kêu gọi tôi, không chỉ một mình tôi là thầy tế lễ mà cùng với tất cả các thánh đồ trong cuộc sống Hội Thánh tại địa phương tôi ở. Không phụ thuộc vào chuyện tôi già hay trẻ, hay như thế nào, chuyện đó không quan trọng, Chúa đã kêu gọi chúng ta.

Ngày nay, chúng ta hầu việc Chúa và cho đến cõi đời đời chúng ta vẫn tiếp tục hầu việc. Điều này sẽ tồn tại, thế gian sẽ qua đi (1.Giăng 2:17). Chúng ta đừng yêu thế gian này, thế gian và mọi thứ của nó sẽ qua đi. Chúng ta hãy đọc Hê-bơ-rơ 1:10-12 "Lại có phán: Hỡi Chúa, ban đầu trước hết Chúa đã dựng nền đất, Và các từng trời cũng là công việc của tay Chúa. Trời đất sẽ hư đi, nhưng Chúa hằng có; Trời đất sẽ cũ đi như cái áo; Ngài sẽ cuốn nó lại như cái áo choàng, Rồi trời đất sẽ biến đổi, Nhưng Chúa vẫn y nguyên, Các năm của Chúa không hề cùng". Toàn bộ thế gian, cũng như trời và đất, tất cả sẽ bị cuộn lại như chiếc áo choàng. Như vậy đầu tư vào nó có ích gì? Điều đó không đáng, nhưng thật đáng giá để phục vụ Chúa và nó sẽ còn đến đời đời và không có sự kết thúc. Tôi muốn đánh giá cao điều này.

Tôi đã từng nói: thầy tế lễ là một nghề nghiệp. Nhưng một anh em khác đã sửa tôi: Đó không phải là một nghề nghiệp, vì khi trở về nhà sau giờ làm việc, chúng ta sẽ rũ bỏ mọi suy nghĩ liên quan đến công việc để làm chuyện khác. Nhưng là thầy tế lễ, chúng ta không thể làm như vậy được, cũng như khi ở nhà chúng ta cũng không thể cởi bỏ chiếc áo thầy tế lễ được. Chúng ta luôn luôn là thầy tế lễ. Đó cũng là một đặc quyền. Tôi cũng không bao giờ về hưu. Ngợi khen Chúa. Hiện nay tiền hưu trí ngày càng bị giảm dần, trong tương lai có thể chúng ta không còn nhận được bao nhiêu nữa. Nhưng thật may mắn vì chúng ta đã học để đầu tư vào chức vụ thầy tế lễ này và nó sẽ tồn tại không chỉ trong thời gian ngắn hay lúc về hưu mà nó tồn tại cho đến đời đời. Tôi muốn kinh nghiệm và thưởng thức điều này nhiều hơn nữa. Thật là tốt nếu chúng ta có thể phục vụ Chúa trong nơi làm việc để các đồng nghiệp có thể nói: Người này không chỉ là một nhân viên tốt mà là một thầy tế lễ của Chúa. Chúng ta có thể làm chứng cho Chúa và loan truyền sự nhân đức của Ngài trong gia đình, trong trường học, trong lúc làm việc,… Chúng ta nên đi làm với sự nhận thức rõ ràng: tôi là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời. Trong cuộc sống hôn nhân, gia đình, trong những buổi nhóm, ... chúng ta cũng có thể phục vụ Chúa.

Mọi hoàn cảnh đều là những dịp tốt để chúng ta phục vụ như là các thầy tế lễ. Cũng như ở mọi nơi, và không có ngoại lệ. Chúng ta có thể làm được điều đó không? Tôi đã có nhiều kinh nghiệm như vậy. Tại thành phố Neuchâtel, Thụy Sĩ, hai anh em học khoa tiếng Pháp tại trường đại học, cũng là nơi làm việc của tôi. Họ đã thực hiện công việc của thầy tế lễ ở khắp nơi như giảng Phúc Âm, mời người khác đến nhóm. Dĩ nhiên trong lúc dạy trên giảng đường, tôi không thể bảo tất cả sinh viên đến nhóm như họ, nhưng tôi sẵn sàng hỗ trợ các anh em như vậy qua sự cầu nguyện, và trong buổi nhóm có thể chia sẻ Phúc Âm cho những người mới. Hôm kia, ba anh em ở cùng một nơi trên giảng đường, tất cả đều là thầy tế lễ, tôi không thể nói tự do trong lúc làm việc, hai anh em kia thì tự do chia sẻ. Sau giờ học, một sinh viên nói với tôi: "Hẹn gặp thầy trong buổi nhóm". Ngợi khen Chúa. Thật là tốt khi chúng ta đi làm với một nhận thức rõ: ở nơi làm việc, tôi cũng là một thầy tế lễ của Chúa. Trong cuộc sống hôn nhân, tôi cũng hầu việc Chúa. Vợ chồng tôi cũng là các thầy tế lễ. Trong cuộc sống gia đình, hay trong cuộc sống Hội Thánh, hay mọi nơi đều là những cơ hội tốt đế thực hiện công việc thầy tế lễ, không có sự ngoại lệ. Chúng ta đã được kêu gọi để phục vụ Chúa và sống trong sự hiện diện của Ngài. Lúc nào cũng có thể đến với Chúa cả. Tại nơi làm việc, khi đi từ phòng này sang phòng khác, trong khoảng khắc chúng ta có thể đến với ngai ơn phước , chỉ cần hai giây thôi. Chúng ta có thể nói: "Lạy Chúa Giê-su, bây giờ con cần Chúa giúp đỡ". Dù tôi nghĩ là mình không cần sự giúp đỡ, thì điều đó không đúng, lúc nào cũng là lúc cần thiết để nhận sự giúp đỡ từ Chúa. Ngợi khen Chúa! Trong thời gian này, chúng ta hãy để Chúa xây dựng chúng ta thành hội các thầy tế lễ thánh và chúng ta hãy làm quen với thầy tế lễ thượng phẩm của chúng ta và chức vụ của Ngài. Qua đó, chúng ta nhận được sự giúp đỡ của Ngài để tất cả chúng ta có thể cùng nhau phục vụ Chúa ngay trong hội nghị này và sau đó tại nơi chúng ta ở, để con người có thể thấy được chứng cớ của Chúa qua việc họ thấy một hội thầy tế lễ thánh và hoàng gia. Ngợi khen Chúa.