Cách đây bảy năm, tôi thông công với các sinh viên trong trường đại học về một đoạn Kinh Thánh. Khi thấy họ nói khác với những điều tôi đã nghe và đã đọc trong sách giải nghĩa Kinh Thánh, tôi rất bất bình nên tranh luận khá gây gắt với họ. Họ càng giải thích, tôi càng “cãi tới bến”. Họ mới nói với tôi rằng: “Tranh luận với nhau không có ích gì. Tại sao bạn lại không đến gặp trực tiếp tác giả của Kinh Thánh để hỏi. Tác giả của Kinh Thánh là Chúa Jesus, Ngài không ở đâu xa mà đang sống trong bạn. Bạn nên hỏi Ngài nghĩ gì khi Ngài nói như vậy. Chỉ những gì Ngài nghĩ mới có giá trị thôi”.
Những lời này đã làm tôi thức tỉnh. Lâu nay sao tôi không chịu đến với Chúa để hỏi. Hỏi thì hỏi. Thế là tôi quyết tâm hỏi Chúa liên tục về đoạn Kinh Thánh đó. tôi phải nghe được câu trả lời của Ngài cho bằng được. Sau hai ba tháng, Chúa đã trả lời tôi rất rõ, và Chúa xác nhận điều mà những người trẻ tuổi kia nói. Thật là tuyệt vời! Từ đó cuộc đời của tôi bước sang một trang khác hoàn toàn mới mẻ. Tôi có thể nghe được tiếng Chúa và sống trong sự hiện diện của Ngài.
Sao chúng ta lại không hỏi Ngài? Các bạn ơi, Chúa Jesus chính là tác giả của Kinh Thánh. 2.Ti-mô-thê 3:16 cho biết là toàn bộ Kinh Thánh (cả sách Cựu Ước và sách Tân Ước) là lời của Đức Chúa Trời. Tuy Kinh Thánh viết bởi bàn tay con người (trên 40 tác giả), nhưng Đức Chúa Trời đã dẫn dắt họ. Không những thế từng lời trong Kinh Thánh có ẩn chứa hơi thở (Thánh Linh) của Ngài. Và Chúa Jesus còn có một cái tên khác là “Lời của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 19:13). Hơn nữa, Kinh Thánh cũng cho biết Chúa đang sống trong những người tin Ngài.
Có giáo sư thần học lỗi lạc nào giỏi hơn Chúa không? Họ chỉ là những người nghiên cứu Kinh Thánh, còn Chúa là tác giả. Ai có thể giải thích một quyển sách tốt hơn chính tác giả của quyền sách đó? Thậm chí các nhà thần học đó lại mâu thuẫn với nhau rất nhiều. Nếu bạn đọc nhiều sách giải thích một đoạn Kinh Thánh cùng một lúc, bạn sẽ thấy như bị “tung hỏa mù”, vì mỗi người nói một kiểu.
Kinh Thánh cho biết Chúa Jesus rất muốn làm thầy của chúng ta, Ngài muốn dạy dỗ chúng ta. Ma-thi-ơ 23:8 cho biết chính Đức Chúa Trời là thầy của chúng ta. Trước khi, Chúa rời khỏi thế gian, Chúa đã hứa “Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều ta đã phán cùng các ngươi” (Giăng14:26)
Sứ đồ Giăng cũng nói tương tự như vậy với những tín đồ bình thường trong Hội Thánh: “Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết; nhưng vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận” (1.Giăng 2:27). “Sự xức dầu” này cũng chính là Thánh Linh mà Cơ Đốc nhân nào cũng đã nhận được khi tin và tiếp nhận Chúa Jesus. Như vậy, mỗi Cơ Đốc nhân có một người tuyệt vời nhất và giỏi nhất ở bên trong.
Chúa rất muốn chúng ta nghe được tiếng Ngài, muốn chúng ta gần gũi Ngài. Trong Giăng 10, Chúa muốn mối quan hệ giữa Ngài với bạn cũng gần gũi như chiên với người chăn vậy đó. Chính Chúa là người chăn hiền lành (Giăng 10:11), Chúa muốn chiên của Ngài nghe tiếng và đi theo Ngài: “Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta” (Giăng 10:27).
Trong Giăng 15:15, Chúa còn muốn Ngài là bạn thân của chúng ta nữa. “Ta chẳng gọi các ngươi là đầy tớ nữa, vì đầy tớ chẳng biết điều chủ mình làm nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi điều ta đã nghe nơi Cha ta”.
Bạn nghĩ sao về những câu Kinh Thánh trên? Những câu trên là chỉ là một lý thuyết đối với bạn hay là hiện thực? Bạn có nghe được tiếng Chúa không? Bạn có tin những câu đó là chân lý không? Nếu bạn tin nó, thì bạn phải kinh nghiệm được nó. Hãy xin Chúa cho bạn gần gũi và nghe tiếng Ngài. Hãy để Chúa làm thầy của bạn.
Hãy đến với Chúa, Chúa không chỉ muốn giải thích Kinh Thánh cho bạn mà Ngài còn muốn là tất cả của bạn nữa. Không có gì hạnh phúc trên đời này bằng được nghe chính Đức Chúa Trời nói với mình và sống trong sự hiện diện của Ngài.
Sưu tầm