Thứ Ba, 3 tháng 7, 2012

Giáo Hội Tin Lành Cải Cách Pháp (Église Réformée de France)


Các giáo hội Cải Cách được thành lập tại Việt Nam đều do các tổ chức truyền giáo từ bên ngoài mang vào. Kể từ khi xảy ra phong trào Cải Cách trong lòng Giáo Hội Kitô ở đầu thế kỷ XVI tại châu Âu, Đạo Tin Lành đã có mặt tại Việt Nam từ rất sớm vào thế kỷ XVII qua các mục sư tuyên úy, qua các tín đồ thương nhân người Pháp, Hà Lan hay Anh đi trên các thương thuyền ghé Việt Nam để làm ăn buôn bán . Dĩ nhiên, họ chỉ làm công việc mục vụ mà chưa có những nỗ lực truyền giáo.




Đến khoảng năm 1790-1825, người ta thấy trong hàng ngũ quân viễn chinh Pháp tại Việt Nam có viên sĩ quan hải quân, Jean Baptiste Chaigneau, một tín đồ Tin Lành, từng làm cố vấn cho họ Nguyễn2 .


Không kể tại các nước thuộc các châu lục khác, chỉ riêng tại Hòa Kỳ vào thập niên 1970, đã có hơn 300 giáo hội khác nhau phát xuất trực tiếp hay gián tiếp từ phong trào Cải Cách Kitô giáo từ đầu thề kỷ XVI tại châu Âu. Trong công cuộc mở mang lãnh thổ, khai thác tài nguyên và di dân sang các châu lục, người châu Âu, châu Mỹ cũng mang theo những hành trang văn hóa của chính mình, trong đó có Đạo Tin Lành. Nhiều Giáo Hội Cải Cách khác nhau đã lần lượt đến Việt Nam.

 
               Giáo Hội Tin Lành Cải Cách Pháp (Église Réformée de France)


Từ cuối thế kỷ XIX, sau khi Pháp xâm chiến Việt Nam tiếp theo hiệp ước bảo hộ 1884, giới Tin Lành Pháp 3 đã phái một số mục sư đến Việt Nam làm tuyên úy cho những tín đồ Tin Lành làm việc trong các cơ quan quân sự và dân chính tại Đông Dương 4.


Năm 1894 nhà thờ Tin Lành đầu tiên tại Đông Dương được một mục sư tuyên úy người Pháp tổ chức ở Hải Phòng. Năm 1902 nhà thờ Tin Lành Pháp lần lượt được thiết lập tại Hà Nội ở địa điểm Phố Hàng Da, rồi tại Sài gòn ở địa điểm số 2bis đường Norodom (tức là Thống Nhất, rồi nay là Lê Duẩn Sàigòn). Về sau giới Tin Lành Pháp lập thêm nhà thờ tại Đà Lạt 5.


Giới Tin Lành Pháp 6 đã chủ định mở mang công cuộc truyền bá Tin Lành cho người Việt, nên từ năm 1918 đã vận động lập một phái bộ nghiên cứu chuẩn bị cho một kế hoạch truyền giáo Tin Lành ở Đông Dương.


Ngày 21.3.1921, Phái bộ họp mặt từ giã tại Nhà nguyện phố Madame ở Paris để đến làm việc tại Hà Nội, với 4 thành viên đầu tiên là Mục sư Paul Monet, Mục sư Ulysse Soulier, và hai thanh niên truyền giáo Samuel Vũ Tam Thất, và Đội Dương. Paul Monet xuất thân là một kỹ sư trắc địa làm việc trong ngành công binh của Pháp, Soulier làm việc cho cộng đoàn Tin Lành Pháp, hai nguòi còn lại là những cựu binh Việt được đưa sang Pháp thời thế chiến I.


Phái bộ đến Hà Nội cuối tháng 2 năm 1922. Paul Monet bắt đầu hoạt động 7 với việc thành lập một Hội Sinh Viên An Nam 8, điều hành tờ Tạp Chí 9 của Hội và Trung Tâm hoạt động cho sinh viên tại số 5 Phố Vọng Đức Hà Nội. Với ý thức hội nhập văn hóa, Monet tổ chức và trang trí Trung Tâm theo kiểu Á Đông, đề cao việc học chữ quốc ngữ và phát triển tinh thần truyền thống Á Đông qua các bài diễn thuyết. Trung Tâm tại Vọng Đức đúng là một câu lạc bộ sinh viên kiểu hiện đại: có thư viện, có bếp ăn tập thể, có ký túc xá, có các chương trình diễn thuyết, du khảo cho sinh viên đến các cơ sở kinh tế, thắng cảnh văn hóa du lịch để mở rộng tầm nhìn và gây dựng ý thức truyền thống và phát triển nơi thanh niên trí thức.


Paul Monet chủ trương không tổ chức việc truyền giáo trực tiếp, nhưng tạo điều kiện phục vụ tốt nhất cho sinh viên và từ đó giúp họ làm quen và có thiện cảm với các hoạt động thể hiện tinh thần và tư duy Kitô trong các chương trình của Trung Tâm. Kế hoạch của Paul Monet không được sự tán đồng của nhiều người trong giới Tin Lành Pháp và cả của những thành phần chống đối bên ngoài Tin Lành. Sự rạn nứt khởi đầu bằng việc Ulysse Soulier chuyển lên địa điểm truyền giáo tại Bắc Ninh cho các đối tượng bình dân hơn. Tài trợ từ các tổ chức Tin Lành ở chính quốc Pháp được chuyển hết cho hoạt động của Soulier. Nguồn tài trợ không đủ, lại thiếu sự thống nhất trong chủ trương truyền giáo, Phái Bộ Nghiên Cứu Pháp tan rã, cho dù có Georges Bois , ngươi tán đồng chủ trương của Monet, được cử đến thay thế Ulysse Soulier từ tháng Ba năm 1923.


Giữa năm 1924, vì thiếu tài trợ, Trung Tâm Thanh Niên tại Hà Nội phải đóng cửa. Từ mùa hè năm 1924, Georges Bois 10 ở lại Việt Nam làm giáo sư triết học tại Trường Albert Sarraut Hà Nội cho đến năm 1947. Đến tháng 7 năm 1925, mọi hoạt động của Phái Bộ Nghiên Cứu phải chấm dứt. Paul Monet tham gia tích cực một thời gian cho tổ chức Hướng Đạo với Jean Hoffet 11 và Emmanuel Niedrist 12, có nhiều bài trong tập Cahiers de la Jeunesse cổ vũ cho việc nâng cao nếp sống và tinh thần của giới thanh thiếu niên Việt Nam thông qua sinh hoạt Hướng Đạo.


Paul Monet mất ngày 26.6.1941 tại Marseille sau những lao lực và thao thức truyền giáo.
Các hoạt động của giới Tin Lành Pháp từ sau đó chỉ hạn chế trong sinh hoạt mục vụ tại 4 trung tâm chính cho các tín đồ Tin Lành Pháp tại Hà Nội Hải Phòng trước 20.07.1954 và tiếp tục ở Sài gòn và Đà Lạt cho đến trước 30.04.1975. Một số cá nhân tín đồ Tin Lành Pháp, do cương vị có ảnh hưởng trong chính quyền Pháp, hay do các hoạt động nghiên cứu về pháp chế đã góp phần yểm trợ cho giới Tin Lành Hoa Kỳ trong các nỗ lực truyền giáo tại Việt Nam, như ở Trung Kỳ 13  (1925-1935) và Tây Nguyên (1940-45).


Cho tới trước 30.4.1975, Mục sư Bertrand de Luze rồi Pierre Médard vẫn là những người hoạt động tích cực tại Nhà Thờ Tin Lành Pháp số 2b Đường Thống Nhất Sài Gòn, cổ võ cho và tham gia nhiều sinh hoạt đại kết Kit-tô-giáo, nhất là trong dịp tuần lễ cầu nguyện cho hợp nhất Ki-tô giáo hằng năm và vào các dịp đại lễ Phục Sinh và Giáng sinh mỗi năm (tổ chức thánh ca và cầu nguyện đại kết giữa một số anh chị em thuộc nhiều giáo hội Tin Lành khác nhau (Mennonite, Cải Cách Tin Lành Pháp, Cơ Đốc Phục Lâm) và Công giáo tại 2bis Thống Nhất hay nhà nguyện bên trong bênh viện Grall hay nhà nguyện Regina Pacis đường Tú Xương Sài Gòn 14)
 
Chú thích


1 Mục sư tuyên úy J. Pannier làm việc tại chi hội Hà Nội năm 1902-1905 đã lục tìm được nhiều chứng liệu tại thư viện Hà Nội. Georges Bois, Histoire des Missions en Indochine et les Protestants francais (Lịch Sử Các Phái Đoàn Truyền Giáo tại Đông Dương và các tín đồ Tin Lành Pháp). Villeneuve-les-Avignon: Manuscrits, 1952, 119pages , 13x19cm, t. 18-24 (Les premiers protestants en Indochine).


2 Georges Bois, Histoire des Missions en Indochine et les Protestants francais (Lịch Sử Các Phái Đoàn Truyền Giáo tại Đông Dương và các tín đồ Tin Lành Pháp). Villeneuve-les-Avignon: Manuscrits, 1952, 119pages , 13x19cm, t. 19.


3 Nói chung Đạo Tin lành tại Pháp đi theo xu hường Cải Cách Calvin, nhưng các tổ chức truyền giáo cho các thuộc đia khác nhau của Pháp thì rất khác nhau. Tổ chức mới nhất cho đến trước 1975 bảo trợ cho sinh hoạt Tin Lành Pháp tại Sài Gòn thuộc vào Commission géné rale des Églises Réformées Francaises d'outre-mer, CGERFOM. (Đỗ Hữu Nghiêm, Phương pháp truyền giáo của Tin Lành giáo tại Việt Nam. Sài Gòn: Viện Đại Học Sài Gòn, Trường Đai Học Văn Khoa, Luận Án Cao Học Sử Học, 1968, 319t, khổ A4, tt. 47-48,


4 Georges Bois, Histoire des Missions en Indochine et les Protestants francais (Lịch Sử Các Phái Đoàn Truyền Giáo tại Đông Dương và các tín đồ Tin Lành Pháp). Villeneuve-les-Avignon: Manuscrits, 1952, 119pages , 13x19cm. Tác giả có nói đến Théophile Boisset, một mục sư tuyên úy Pháp đến làm việc tại Hải Phòng năm 1884


5 Các mục sư và truyền đạo Pháp đến làm việc tại Việt Nam: Các mục sư Théophile Boisset (Hải Phòng, từ 1884), Jacques Pannier (Hà Nội, 1902-1905), Métayer (Sài Gòn, 1902), Louis de Saint-André, Hà Nội,1904-1911); Adolphe de Richemond (Hà Nội, 1906-) Truyền đạo Mercadier và Bonnet (Hải Phòng, 1902-1911), Thư báo truyền đạo Bonnet (Đà Nẵng, 1902...); André de Richemond (Hà Nội,...); Ulysse Soulier (Hà Nội, 1922-23); Paul Monet (Hà Nội, 1922-1925), Georges Bois, Hà Nội, 1923-1925), Thomas Calas (Hà Nội, 1930-...); Bertrand de Luze (Sài Gòn, Đà Lạt, 1949-...); Pierre Médard (1960-1975)


6 Tức tổ chức La Société des Missions de Paris với các Mục sư Raoul Allier, Marc Boegner và Thiếu Tá Roux là những người cổ động tích cực lập ra các Annamita, những đơn vị tài trợ từ các chi hội Tin Lành Pháp.


7 Đỗ Hữu Nghiêm, Phương pháp truyền giáo của Tin Lành giáo tại Việt Nam. sđd, tt.132-142.


8 Foyer des Étudiants Annamites


9 Tạp chí song ngữ Việt Pháp Bulletin du Foyer des Étudiants Annamites, số 1 ra tháng 7/1923 và số cuối cùng 5-6, cho bán niên thứ hai năm 1924. Ngoài ra P. Monet cung cho ra đời tạp chí tam cá nguyệt "L'Évangile en Indochine Francaise, 6 số, 1922-23)


10 Trong quá trình nghiên cứu của tôi, trong thời gian từ 1965 cho đến khi qua đời (1972), Ông G. Bois là người đã tận tình trao cho tôi bản thảo của chính ông và nhiều tư liệu mà ông cắt từ trong các báo chí và sách vở. Đó là một gương mẫu bác ái Ki-tô mà ít có ai sánh kịp và tôi chiêm ngưỡng bái phục với lòng biết ơn. Ông không nề hà tôi là một tín đồ Công giáo.


11 J.H. Hoffet là một nhà địa chất học, sau làm giáo sư tại Trường Đại Học Hà Nội. Trong suốt 8 năm giảng dạy tại Hà Nội cho đến khi mất tích năm 1945 trong cuộc chiến tranh chống Nhật, ông đặc biệt đào tạo nhóm 30 sinh viên địa chất của ông tại Phân Khoa Khoa Học. Một số sinh viên Tin Lành đã tham gia Van Vollenhoven do ông gây dựng. (G. Bois, Histoire des Missions, sđd, tt.90-91).


12 E. Niedrist đến Đông Dương với tư cách một kỹ sư điện năm 1934, làm Phó Giám Đốc nhà máy điện Huế.Ngay đầu năm 1936, ông thành lập Liên Đoàn Hướng Đạo Đông Dương, tạo một tinh thần đoàn kết thân ái giữa nhiều nhóm hướng đạo khác nhau. Ông mất ngày 30.6.1945 ở gần Stung Treng sau khi bị quân Nhật bắn bi thương trong cuộc kháng Nhật trong rừng rậm... (G. Bois, Histoire des Missions, sđd, tt.87-90).


13 Các tổ chức Annamitas vẫn tồn tại sau năm 1925, và được Saillens cổ võ, hy vọng tài trợ cho các nỗ lưc truyền giáo mới tai Đông Dương.. Năm 1928, Poujol mở chiến dịch đấu tranh cho Tin Lành được tự do hoạt động tôn giáo. Cũng trong thời gian 1928-1929, Peyron, một cựu ủy viên của Cứu Thế Quân cũng đến thăm Đông Dương theo lời mời của Thất và Đương. Năm 1929-1930, giới Tin lành đấu tranh trong nghị trường và báo chí Pháp cho tự do hoạt động của Tin Lành ở Đông Dương. Tại Đại Hội Tin Lành Pháp năm 1930, vấn đề truyền bá Tin Lành cho Đông Dương lại được nêu ra, nhất là do hai ông Allegret và André de Richemond.Sau năm 1930, một nhóm thanh niên Pháp Việt với sự thúc đẩy của Hoffet va Niedrist xúc tiến việc tổ chức phong trào hướng đạo ở Trung Kỳ.
Trong giai đoạn 1940-1945, Viên Khâm Sứ Trung Kỳ người Pháp là Grandjean đã có những hành động làm lợi cho Đạo Tin Lành tại khu vục Trung Kỳ và Ban Mê Thuột, nhất là liên quan tới Mục sư Nguyễn Hậu Nhương và Viên Trú Sứ Pháp Salomon. (Đỗ Hữu Nghiêm, Đạo Tin Lành nơi các dân tộc ít người ở Nam Trường Sơn -Tây Nguyên, 1928-1975. HCM: Viện Khoa Học Xã Hội Tại Tp HCM, Trung Tâm Sử Học, Khảo Luận sử học, 1995, 163tt., bản vi tính khổ A4, tt. 73-75. Marcel Catarini & Philippe Grandjean, Le Statut de Missions en Indochine. Hanoi: IDEO, 1942.


14 Vào dịp đai lễ Phuc Sinh năm 1965, Ca Đoàn Trùng Dương thuộc Liên Đoàn Sinh Viên Công Giáo Sài Gòn đã tổ chức với sự tham gia của Ca Đoàn Mennonite, Ca Đoàn Cơ Đốc Phục Lâm tại nhà nguyện Regina Pacis một Buổi Thánh Ca Cầu Nguyện Đại Kết dưới sự chủ tọa chính của Đức Khâm Sứ Tòa Thánh Angelo Palmas và hai mục sư Hội Trưởng Hội Thánh Tin Lành Mennonite Luke Martin và Hội Trưởng Giáo Hội Cơ Đốc Phục Lâm Ralph E. Neall. Rất đông tín đồ của ba giáo hội đã tham dự buổi ca nguyện đại kết này.