SỰ THIẾU HIỂU BIẾT CỦA CHÚNG TA
Loại khó khăn thứ sáu nảy sinh từ kiến thức yếu kém của chúng ta về sử ký, địa lý, và các phong tục tập quán vào thời đại mà Thánh Kinh đã được viết ra. Thí dụ trong Công vụ 13:7 Phao-lô có nói đến quan trấn thủ (bản Diễn Ý dịch là Tổng trấn”) của đảo Chíp-rơ các tỉnh dưới quyền cai trị của người La-mã gồm hai hạng: thuộc về hoàng đế và thuộc về thượng nghị viện. Quan cai trị một tỉnh dưới quyền hoàng đế được gọi là “propractor” còn quan cai trị một tỉnh thuộc quyền thượng nghị viện thì được là “trấn thủ (hay “tổng trấn”). Mãi đến tương đối gần đây thôi, theo các thông tin chính xác nhất mà chúng tôi được biết, thì đảo Chíp-rơ là một tỉnh thuộc quyền của hoàng đế, do đó, vị quan cai trị nó đúng ra phải là một prapractor; nhưng Lu-ca lại gọi ông ta là quan trấn thủ.
Sự việc này chắc chắn có vẻ như là một trường hợp rõ ràng là có sai lầm về phía Lu-ca, nên cả đến các nhà giải kinh bảo thủ cũng bị bắt buộc phải thừa nhận rằng Lu-ca đã phạm một sai lầm nhỏ. Nhưng các nhà phê bình phá hoại lại lấy làm thích thú khi tìm ra được “sai lầm” ấy. Tuy nhiên, càng về sau này và công trình sưu tầm nghiên cứu càng thấu đáo hơn đã đưa ra ánh sáng, cái sự kiện rằng vào đúng lúc Lu-ca viết (sách Công vụ), thượng nghị viện cũng vừa có một cuộc trao đổi với hoàng đế, do đó, Chíp-rơ đã trở thành một tỉnh dưới quyền của thượng nghị viện, cho nên viên quan cai trị nó là một quan trấn thủ và rút cục thì Lu-ca mới đúng, còn chính các nhà phê bình văn học kia đã sai lầm.
Đã nhiều lần các công cuộc sưu tầm và phát giác - địa lý học, sử học và khảo cổ học - đã đem phần thắng về cho Thánh Kinh và khiến các nhà phê bình phải xấu hổ. Thí dụ, sách Đa-ni-ên tự nhiên là một trong những quyển sách mà những người ngoại đạo và các nhà phê bình phá hoại thù ghét nhất. Một trong những luận cứ mạnh mẽ nhất của họ chống lại tính cách chân thực và thực hữu của nó là một nhân vật tên Bên-xát-sa chẳng hề được sử ký biết đến. Họ lý luận rằng toàn thể các sử gia đều nhất trí rằng Nabonidus là nhà vua cuối cùng của Ba-by-lôn, và rằng vua ấy đã không có mặt trong thành phố ấy lúc nó bị đánh chiếm, cho nên Bên-xát-sa phải là một nhân vật hoàn toàn là của thần thoại, và cả câu chuyện ấy đều là truyện truyền kỳ chứ không phải là sử ký. Luận cứ của họ có vẻ như rất vững vàng. Thật vậy, nó có vẻ như chẳng có thể chối cãi vào đâu được.
Tuy nhiên, Sir Henry Rawlinson đã phát giác được tại Mugheir và nhiều di chỉ khác nữa trong xứ Canh-đê nhiều khối đất nung hình trụ, trên đó Bên-xát-sa (Belzarazar) là tên mà Nabonidus đã đặt cho trưởng nam của vua ấy. Chẳng có gì để nghi ngờ, là vua ấy đã trị vì với cương vị nhiếp chính trong thành phố ấy lúc cha mình vắng mặt, và một dấu chỉ cho việc ấy mà chúng ta có được là nghị định bổ nhiệm Đa-ni-ên vào chức vụ thứ ba trong việc cai trị vương quốc (Dân 5:16) còn bản thân vua ấy là nhà vua thứ hai, cho nên Đa-ni-ên chỉ đứng sau chính vua ấy mà thôi.
Thế là Thánh Kinh đã chiến thắng, và các nhà phê bình bị làm nhục. Mới đây chẳng bao lâu, các nhà phê bình phá hoại đã khẳng định khá quả quyết rằng Môi-se đã không thể viết Ngũ kinh vì vào thời của ông người ta vẫn chưa biết chữ viết, nhưng nhiều phát giác gần đây đã chứng minh chẳng chút nghi ngờ rằng chữ viết đã có từ trước thời của Môi-se. Do đó, các nhà phê bình phá đám đã bị bắt buộc phải từ bỏ luận cứ của họ, tuy họ từng có ác ý là cứ ngoan cố bám chặt lấy kết luận của họ.
DỐT NÁT VỀ CÁC ĐIỀU KIỆN HOÀN CẢNH
Loại khó khăn thứ năm nảy sinh từ sự dốt nát liên hệ đến các điều kiện về hoàn cảnh trong đó các quyển sách đã được viết ra và các mạng lịnh đã được ban bố. Thí dụ, lệnh truyền của Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên phải tận diệt các dân tộc trong xứ Ca-na-an có vẻ tàn ác và khủng khiếp đối với kẻ dốt nát về các điều kiện về hoàn cảnh, nhưng khi ta hiểu được tình hình đạo đức mà các dân tộc ấy đã sa vào, nỗi tuyệt vong hoàn toàn nếu muốn cải thiện họ, và nhược điểm của chính dân Y-sơ-ra-ên, thì việc phải tận diệt các dân tộc ấy có vẻ là một hành động của lòng nhân từ thương xót đối với tất cả các thế hệ kế tiếp và đối với chính họ. Chúng ta sẽ đi sâu hơn các dân tộc trong xứ Ca-na-an.
TÍNH CÁCH PHIẾN DIỆN CỦA CHÚNG TA
Loại khó khăn thứ tám nảy sinh từ tính cách đa diện của Thánh Kinh. Con người có đầu óc cởi mở, rộng rãi nhất vẫn còn phiến diện, nhưng chân lý lại là đa diện, và Thánh Kinh thì cởi mở, rông rãi về đủ mọi phương diện. Cho nên, đối với tâm trí hẹp hòi của chúng ta, một thành phần này của Thánh Kinh có vẻ như mâu thuẫn với một thành phần khác. Thí dụ theo quy luật chung thì con người ta hoặc là có tinh thần theo Calvin, hoặc là theo Arminius, cho nên có những phần trong Thánh Kinh nhất định là phải ủng hộ co thuyết của Calvin, gây khó khăn rất nhiều cho những người có tâm trí thiên về Arminius, trong khi nhiều phần khác trong Thánh Kinh thì nhất định là phải ủng hộ cho Armanius và gây nhiều khó khăn cho loại người có tinh thần theo Calvin. Thế nhưng cả hai phía đều đúng cả.
Ngày nay, nhiều người trong chúng ta có tâm trí cởi mở rộng rãi đủ để đồng thời lãnh hội cả phương diện chân lý theo Calvin lẫn phương diện chân lý theo Arminius, nhưng một số khác thì không. Thế là họ thắc mắc, bối rối, lúng túng vì Thánh Kinh; nhưng không phải do Thánh Kinh gây rắc rối cho họ, mà vì chính họ thiếu khả năng lãnh hội các tư tưởng có tính cách bao quát. Cũng vì thế mà có vẻ như Phao-lô mâu thuẫn với Gia-cơ, và lắm khi có vẻ như Gia-cơ mâu thuẫn với Phao-lô, còn những gì Phao-lô viết ở chỗ này, dường như lại mâu thuẫn với những gì chính ông viết ở chỗ khác. Tuy nhiên, tất cả rắc rối đều do chính tâm trí hẹp hòi của chúng ta không nắm bắt được phần chân lý rộng lớn của Đức Chúa Trời mà thôi.
TÂM TRÍ GIỚI HẠN CỦA CHÚNG TA
Loại khó khăn thứ chín nảy sinh từ sự kiện Thánh Kinh thì bàn về cái vô hạn, còn tâm trí của chúng ta lại có giới hạn. Đặt các sự kiện của Đấng vô hạn vào trong khả năng hạn chế của trí khôn bị giới hạn của chúng ta nhất thiết phải là điều vô cùng khó khăn, chẳng khác gì nhét cả đại dương vào trong một chiếc cốc tí hon. Các khó khăn thuộc loại này có liên hệ với giáo lý của Thánh Kinh về Đức Chúa Trời Ba Ngôi, giáo lý về thần tánh và nhơn tánh của Chúa Cứu Thế.
Với những ai quên rằng Đức Chúa Trời vốn vô hạn, thì giáo lý về Đức Chúa Trời Ba ngôi có vẻ giống như việc làm quái dị trong Toán học là muốn biến một thành ba. Tuy nhiên, một khi ta đã ghi khắc được vào trong tâm trí rằng giáo lý về Đức Chúa Trời Ba Ngôi vốn là một nỗ lực nhằm nhồi nhét các sự kiện về Đấng vô hạn vào trong các hình thức của tư tưởng hữu hạn, và các sự kiện về Đức Thánh Linh vào trong các hình thức diễn tả vật chất, thì các khó khăn sẽ đều tan biến cả.
TÍNH CÁCH KHÓ TRI NHẬN NHỮNG ĐIỀU THUỘC LINH CỦA CHÚNG TA
Loại khó khăn thứ mười nảy sinh từ tính cách cứng nhắc, khó tin nhận những điều thuộc linh của chúng ta. Người tiến bộ nhất trong lãnh vực thuộc linh vẫn còn ấu trĩ, nên không thể trông mong nhìn thấy được mọi sự, như một Đức Chúa Trời thánh khiết tuyệt đối nhìn thấy chúng, trừ phi khi người ấy đặt lòng tin cậy đơn sơ của mình vào Ngài. Thuộc về loại khó khăn này là những điều có liên quan với giáo lý của Thánh Kinh về sự hình phạt đời đời. Nhiều khi, đối với chúng ta giáo lý này có vẻ như không thể là đúng, là thật, nhất định không thể là đúng là thật được; nhưng tất cả sự khó khăn nảy sinh từ sự kiện chúng ta vẫn còn đui mù thuộc linh đến nổi chưa có quan niệm đầy đủ về tính cách đáng ghê sợ của tội lỗi, nhất là tính cách đáng sợ của cái tội chối bỏ con quang vinh vô hạn của Đức Chúa Trời. Thế nhưng khi nào chúng ta trở thành thánh khiết, trở nên giống như Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ thấy rõ tính cách lớn lao nghiêm trọng của tội lỗi y như chính Ngài nhìn thấy nó, thì chừng đó, chúng ta sẽ chẳng còn thấy có chút khó hiểu nào trong giáo lý về sự hình phạt đời đời cả.
Khi nhìn lại mười loại khó khăn vừa kể trên, chúng ta thấy tất cả đều nảy sinh từ tình trạng bất toàn của chúng ta, chứ không phải là do sự bất toàn của Thánh Kinh. Thánh Kinh vốn toàn hảo, nhưng vì chúng ta vốn bất toàn, nên chúng ta mới gặp khó khăn với bộ Sách ấy. Dù vậy, càng tăng trưởng để đạt đến chỗ toàn thiện toàn mỹ như Đức Chúa Trời, những điều khó hiểu cho chúng ta sẽ cứ ngày càng giảm bớt đi; cho nên chúng tôi bị bắt buộc phải đưa ra lời kết luận rằng khi nào chúng ta trở nên trọn vẹn như Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ chẳng còn gặp chỗ khó hiểu nào nữa trong Thánh Kinh.