Cũng không khó để hiểu lý
do tại sao vị vua già, đặc biệt nếu ông thực sự là một người dại, lại cảm thấy
không cần đến lời khuyên răn. Sau khi ông đã truyền ra mệnh lệnh trong nhiều
năm ròng, có thể ông đã tạo nên một tâm lý tự tin vốn không thể chấp nhận ý
nghĩ là ông nên nhận lãnh sự khuyên dạy từ người khác. Lời của ông đã trở thành
luật, và đối với ông, những điều đúng là đồng nghĩa với ý muốn của ông và những
điều sai có nghĩa là những điều đi ngược lại những gì ông muốn. Chẳng bao lâu
sau, tư tưởng cho rằng không có một ai đủ thông minh hay đủ tốt để khuyên can
mình sẽ dễ dàng đi sâu vào tâm trí ông.
Không kể đến quá trình đạo
đức đã đưa ông đến tình trạng cứng lòng của mình, hồi chuông đã được rung lên
để cảnh báo ông. Xét về chi tiết, ông là một người hư mất. Thân xác héo hon,
già cỗi của ông vẫn còn đó giống như một loại mồ mả có thể di chuyển được làm
chỗ ở cho một linh hồn đã chết. Hy vọng đã mất từ lâu. Ðức Chúa Trời đã lìa bỏ
ông trong tính tự phụ tai hại của mình. Và rồi chẳng bao lâu sau ông cũng sẽ
chết về phần xác, và ông chết cái chết của một kẻ dại dột.
Tình trạng tấm lòng bác bỏ
sự khuyên răn là đặc trưng của dân Y-sơ-ra-ên qua nhiều thời kỳ khác nhau trong
lịch sử của họ, và những thời kỳ này luôn luôn kéo theo sự đoán phạt. Khi Ðấng
Christ đến với người Do Thái, Ngài thấy họ đã chìm ngập trong sự tự tin ngạo
mạn đến độ không thèm chấp nhận sự khiển trách. "Chúng tôi là dòng dõi
Áp-ra-ham," họ đáp cách lạnh lùng khi Ngài phán với họ về tội lỗi và nhu
cầu cần sự cứu rỗi của họ. Người dân bình thường đã nghe Ngài và ăn năn, nhưng
những thầy tế lễ người Do Thái đã làm vương làm tướng quá lâu để có thể sẵn
sàng từ bỏ địa vị đầy dẫy đặc quyền của họ. Giống vị vua già, họ đã quen với
việc lúc nào cũng được coi là đúng. Quở trách họ tức là lăng mạ họ. Họ không
chấp nhận sự khiển trách.
Các Hội Thánh và những tổ
chức Cơ Ðốc đã cho thấy khuynh hướng rơi vào cùng một sai lầm vốn đã hủy diệt
Y-sơ-ra-ên: đó là
Sự bất khả trong việc tiếp
nhận lời khuyên.
Sau một thời gian phát
triển và công việc thành công, tâm lý của sự tự khen giết chết người lộ diện.
Sự thành công tự bản thân nó trở thành nguyên nhân của thất bại sau đó. Những
nhà lãnh đạo đi đến chỗ xem mình như là người duy nhất thật được Ðức Chúa Trời
lựa chọn. Họ là những đối tượng rất đặc biệt của đặc ân thiêng liêng; thành
công của họ đủ làm bằng chứng cho thấy điều đó. Vì thế họ phải đúng, và bất cứ
ai cố khuyên giải họ điều gì đều bị gạt phăng như một người lăng xăng quấy rầy,
không có đủ thẩm quyền, là những người đáng lẽ ra phải xấu hổ vì dám chê bai
những điều tốt hơn nơi họ.
Nếu có bạn nào tưởng rằng
tôi đang chơi chữ thì hãy thử tìm đến một nhà lãnh đạo tôn giáo nào đó mà kêu
gọi ông ta chú ý đến chỗ yếu đuối và tội lỗi trong tổ chức của mình xem sao.
Bạn đó chắc chắn sẽ bị tống khứ đi ngay, bằng cách này hay cách khác, và nếu
bạn vẫn kiên trì ở lại đó, bạn sẽ phải đối mặt với những bản báo cáo và thống kê
chứng minh rằng bạn sai lầm nghiêm trọng và hoàn toàn ở ngoài vòng trật tự.
"Chúng tôi là dòng dõi Áp-ra-ham" sẽ là chủ đề của lời biện hộ. Và ai
mà lại cả gan phê phán gay gắt dòng dõi Áp-ra-ham?
Những người nào đã bước vào
một trạng thái không còn có thể tiếp nhận lời khuyên răn thì những người đó
hoàn toàn không có được lợi ích gì từ những lời cảnh báo này. Sau khi một người
đã bước qua vách núi thẳng đứng, chúng ta chẳng còn có thể làm được gì nhiều
cho người ấy; nhưng chúng ta có thể lắp đặt những bảng báo hiệu dọc đường đi để
ngăn ngừa người tiếp theo sẽ sa xuống vực. Ðây là một vài báo hiệu:
1. Ðừng bảo vệ Hội Thánh
hay tổ chức của bạn bằng cách chống lại sự phê bình, chỉ trích. Nếu sự phê phán
đó là điều sai trật, nó cũng chẳng có hại gì. Nếu nó đúng, bạn cần phải lắng
nghe và làm một điều gì đó để khắc phục cái chưa tốt.
2. Ðừng quan tâm đến những
gì bạn đã hoàn thành được, nhưng hãy lưu tâm đến những cái bạn đã có thể hoàn
thành được nếu bạn vâng theo Ðức Chúa Trời một cách hoàn toàn. Thật tốt hơn khi
nói (hay cảm thấy) rằng, "Chúng tôi là đầy tớ vô ích; điều chúng tôi đã
làm là điều chắc phải làm."
3. Khi bị khiển trách, đừng
chú ý đến người khiển trách. Ðừng hỏi liệu người khiển trách là bạn hay kẻ thù
của bạn. Một kẻ thù thường có tác dụng lớn hơn trong việc khiển trách hay phê
bình so với một người bạn vì họ không bị ảnh hưởng bởi sự thông cảm hay đồng
cảm.
4. Hãy giữ lòng bạn rộng mở
trước sự sửa trị của Ðức Chúa Trời và sẵn sàng tiếp nhận sự sửa phạt của Ngài
bất luận ai là người cầm roi. Tất cả những thánh nhân vĩ đại đều đã học biết
tiếp nhận sự sửa dạy trong ân điển - và đó có thể là một lý do tại sao họ lại
là những thánh nhân vĩ đại.
Trách Nhiệm Của Cấp Lảnh
Đạo
Lịch sử của Y-sơ-ra-ên và
Giu-đa chỉ ra một lẽ thật được thấy rõ ràng trong toàn bộ lịch sử, đó là: người
dân đang là hoặc sẽ trở nên giống như những người lãnh đạo họ. Các vị vua dẫn
đầu về đạo đức cho thần dân mình.
Công chúng không bao giờ có
thể tự hành động cách ồ ạt. Không có một người lãnh đạo thì giống như không có đầu,
mà thân thể không đầu là một thân thể bất lực. Lúc nào cũng vậy, phải có ai đó
dẫn đầu. Ngay cả bọn du thủ du thực tham gia vào vụ cướp hay mưu sát cũng không
phải là một mớ vô tổ chức như vẻ ngoài của nó. Đâu đó đằng sau sự bạo lực là
một người lãnh đạo mà ý tưởng của người đó chỉ đơn giản là được thi hành.
Y-sơ-ra-ên đôi lúc nổi loạn
và chống lại những người lãnh đạo mình, quả thật là thế, tuy nhiên các cuộc nổi
loạn không phải là tự phát. Dân sự chỉ quay sang một người lãnh đạo mới và đi
theo ông ta. Họ đi theo Đa-vít trong sự thờ phượng Đức Giê-hô-va, Sa-lô-môn
trong việc xây đền thờ, Giê-rô-bô-am trong việc làm con bò vàng và Ê-xê-chia
trong việc khôi phục lại sự thờ phượng trong đền thờ.
Thật chẳng có gì đáng khen
khi đám đông lại quá dễ dẫn dắt như vậy, nhưng chúng ta không phải là đang đề
cao hay khiển trách; chúng ta đang nói đến sự thật, và sự thật chính là dân sự
đi theo nhà lãnh đạo, hoặc là tốt hơn, hoặc là tệ hơn. Một người tốt có thể
thay đổi cục diện đạo đức của cả một quốc gia; hay một nhà lãnh đạo tham ô và
tha hóa có thể dẫn cả quốc gia đến cảnh nô lệ. Câu tục ngữ: “Rau nào sâu nấy”
tóm gọn trong 4 chữ một lẽ thật được dạy rất rõ ràng trong Kinh Thánh và hết
lần này lại lần khác được lịch sử minh họa.
Cơ Đốc giáo ngày nay trong
thế giới phương Tây là cái mà những nhà lãnh đạo nó là như vậy trong quá khứ đã
qua, và đang trở nên giống như những nhà lãnh đạo của nó trong hiện tại. Hội
Thánh địa phương sớm trở nên giống như mục sư của mình, và điều này là thật
ngay cả trong những nhóm không tin tưởng nơi các mục sư. Người chăn thật của
nhóm đó không mấy khó nhận ra; ông ta thường là người có thể đưa ra những lý
luận mạnh mẽ chống lại bất cứ Hội Thánh nào có mục sư. Một nhà lãnh đạo có tâm
trí mạnh mẽ của một nhóm địa phương, người thành công trong việc gây ảnh hưởng
lên bầy chiên bằng việc dạy Kinh Thánh hay những buổi nói chuyện ứng khẩu trong
các kỳ hội họp chính là người chăn, bất luận ông ta có chối cãi thế nào.
Điều kiện tồi tệ của các
Hội Thánh ngày nay có thể được truy nguyên trực tiếp từ những người lãnh đạo.
Khi mà, như đôi lúc đã xảy ra, các thành viên của một Hội Thánh địa phương chổi
dậy và đuổi mục sư đi vì giảng về lẽ thật, họ vẫn đang theo chân một người lãnh
đạo. Đằng sau việc làm của họ chắc chắn sẽ tìm được một tay chấp sự xác thịt
(và thường là giàu có) hay một trưởng lão chiếm quyền định đoạt ai sẽ là mục sư
và ông ta sẽ phải nói gì hai lần vào mỗi Chúa Nhật. Trong những trường hợp đó,
vị mục sư không thể hướng dẫn bầy chiên. Ông chỉ làm việc cho người lãnh đạo;
một hoàn cảnh thật đáng thương.
Có một vài yếu tố góp phần
vào tình trạng lãnh đạo thuộc linh tệ hại ngày nay. Dưới đây là một vài điều:
1. Sự sợ hãi. Ước muốn được
yêu thích và ngưỡng mộ vốn rất mạnh mẽ, ngay cả giữa vòng các mục sư, cho nên,
thay vì phải chịu sự phản đối của công chúng, vị mục sư chịu cám dỗ để rồi chỉ
ngồi đó và mỉm cười duyên dáng với dân sự. “Sự sợ loài người gài bẫy,” Thánh
Linh phán, và không có nơi nào hơn là ở trong chức vụ.
2. Cảnh túng quẫn tài
chính. Các mục sư Tin Lành nổi tiếng là những người được trả lương thấp và gia
đình của mục sư thường là có đông người. Ghép hai sự thật này lại với nhau thì
bạn sẽ có một hoàn cảnh sẵn sàng để đưa đến nan đề và cám dỗ cho người của Đức
Chúa Trời. Khả năng của giáo đoàn để chặn đứng dòng chảy của tiền vào trong Hội
Thánh khi ông mục sư giảng một điều gì đó đụng chạm đến họ là rất phổ biến. Một
mục sư bình thường sống từ năm này sang năm khác, phải đương đầu với nhiều vấn
đề. Có được sự lãnh đạo thuộc linh mạnh mẽ cho Hội Thánh thường đồng nghĩa với việc
mời gọi những thiếu thốn tài chánh đến, vì thế, những sự lãnh đạo đó bị giấu
đi. Nhưng điều tội lỗi là ở chỗ sự lãnh đạo bị giữ lại trong thực tế lại là một
sự lãnh đạo bị đảo ngược. Người lãnh đạo không dẫn bầy chiên của mình lên triền
núi thì sẽ dẫn bầy mình xuống vực thẳm mà không hay.
3. Tham vọng. Khi Đấng
Christ mới bắt đầu chức vụ, Ngài bị cám dỗ để tìm kiếm một chỗ cho riêng mình,
và việc làm vừa lòng đám đông là một phương cách, mà thời gian đã chứng thực,
để leo lên cao trong các quỹ đạo Hội Thánh. Thay vì dẫn dắt dân sự mình đến nơi
mà họ phải đến, ông mục sư/truyền đạo khéo léo dẫn họ đến nơi mà ông biết họ
muốn đến. Theo cách này ông tạo nên một vẻ bề ngoài của một nhà lãnh đạo mạnh
mẽ, nhưng lại tránh đối đầu với bất kỳ ai, và vì thế bảo đảm một sự yêu thích
của giáo hội khi Hội Thánh lớn hay một chức vụ cao hơn được mở ra.
4. Sự kiêu ngạo lý trí.
Thật không may là trong các quỹ đạo tôn giáo lại có thần tượng của giới trí
thức, vốn, trong quan điểm của tôi, chỉ là một trào lưu hippi được xoay mặt sai
trái của nó ra ngoài. Một tay hippi, thay vì long trọng tuyên bố chủ nghĩa cá
nhân, trong thực tế là một trong những người lệ thuộc nhiều nhất vào những con
người tuân thủ giáo điều, vì thế người trí thức trẻ trên bục giảng run rẩy
trong cái đại học Oxford bóng lộn mà anh ta đã lau chùi sạch sẽ vì sợ rằng mình
sẽ bị luận tội khi nói một điều gì đó sáo rỗng hay quá quen thuộc. Dân sự trông
chờ anh ta dẫn họ vào đồng cỏ xanh nhưng thay vào đó, anh dẫn họ vào sa mạc khô
cằn.
5. Sự thiếu vắng của kinh
nghiệm thuộc linh thật. Không ai có thể dẫn một người khác đi xa hơn chỗ mà
chính anh ta đã đi. Đối với nhiều mục sư, điều này giải thích sự thất bại trong
lãnh đạo của họ. Chỉ đơn giản là họ không biết mình đi đâu.
6. Sự chuẩn bị không đầy
đủ. Các Hội Thánh bị cản trở nhiều bởi những tay nghiệp dư tôn giáo, về phương
diện văn hóa, không thích hợp để phục sự tại bàn thờ, và dân sự phải gánh chịu
hậu quả. Họ bị dẫn đi sai lối và không biết điều đó.
Phần thưởng của sự lãnh đạo
tin kính là rất lớn và những trách nhiệm của người lãnh đạo cũng rất nặng nề
đến độ không một ai dám khinh suất với chúng.