Thứ Ba, 25 tháng 10, 2016

PHÚC ÂM GIĂNG BÀI 8




NHU CẦU CỦA NGƯỜI ĐẠO ĐỨC – SỰ TÁI SINH CỦA SỰ SỐNG (1)

Sau khi nguyên tắc sự sống và mục đích sự sống đã được đề ra trong Giăng chương 2, người viết đã đề cập đến chín trường hợp được chép trong chương ba đến chương mười một để minh chứng nguyên tắc sự sống như đã được đưa ra trong dấu lạ đầu tiên ở chương hai. Ông dùng những trường hợp này tượng trưng cho một vài điểm thuộc linh và đầy ý nghĩa. Những trường hợp này trước hết bày tỏ tình trạng và nhu cầu của con người, sau đó chúng bày tỏ thế nào Chúa có thể giải quyết mọi tình trạng và đáp ứng mọi nhu cầu của con người. Sự sống đáp ứng nhu cầu của con người trong mọi trường hợp. Chúng ta cần phải nhận biết rằng sự sống ở đây có nghĩa là chính Chúa, là Lời, là chính Đức Chúa Trời đã trở nên xác thịt. Mặc dầu Chúa có thể đã giải quyết hàng ngàn cảnh huống của con người, Giăng chỉ lựa chọn chín trường hợp trong số đó để minh họa thế nào Chúa là sự sống, và Ngài đã có thể và hiện đang có thể đáp ứng nhu cầu của mọi hoàn cảnh của con người.


TÌNH TRẠNG VÀ NHU CẦU CỦA LOÀI NGƯỜI
Trước hết chúng ta hãy xem xét tình trạng của con người trong mỗi trường hợp. Trường hợp đầu tiên trong chương ba nói về một người đạo đức, thuộc giai cấp thượng lưu đã đến với Chúa. Ông là một người vô cùng lịch sự, có văn hóa cao, rất sùng đạo, có lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời và kính sợ Ngài. Trường hợp thứ hai trong chương bốn bày tỏ một tình trạng hoàn toàn ngược lại. Trường hợp thứ nhất là về một người đàn ông đạo đức; trường hợp thứ hai là về một người đàn bà vô đạo đức. Người thứ nhất hòa nhã, thuộc giới thượng lưu, trong khi người thứ hai thì phóng túng, hạ cấp. Người đàn bà gian ác này có năm đời chồng và đang sống với người thứ sáu, mà người này không phải là chồng của bà. Trường hợp thứ ba trong chương bốn nói về một thanh niên đau ốm sắp chết. Trường hợp thứ tư trong chương năm nói về một người đàn ông bịnh hoạn đã ba mươi tám năm. Ông vô cùng yếu đuối thậm chí không thể nhích được một bước. Trường hợp thứ năm trong chương sáu nói về đoàn dân đói khát đang tìm thức ăn. Trường hợp thứ sáu trong chương bảy nói về những người đang khát, mà cơn khát của họ không thể được thỏa mãn bởi tôn giáo tốt nhất hay bất cứ điều gì trong đời này. Trường hợp thứ bảy trong chương tám bày tỏ một người đàn bà tội lỗi đã phạm một tội ghê gớm, đang bị lên án và làm nô lệ cho tội của mình. Trường hợp thứ tám trong chương chín và mười nói về một người mù bẩm sinh. Cuối cùng, trường hợp thứ chín trong chương mười một nói về La-xa-rơ, là người chết và đã chôn được bốn ngày.

Tình trạng của những người được đề cập trong chín trường hợp này tượng trưng cho tình trạng của mọi người. Một số người tốt giống như Ni-cơ-đem, trong khi những người khác gian ác giống như người đàn bà Sa-ma-ri. Những người khác nữa đang hấp hối giống như thanh niên tại Ca-bê-na-um. Hầu hết mọi người đều yếu đuối như người bịnh ba mươi tám năm. Họ muốn làm lành, nhưng không có sức lực để thực hiện ao ước ấy. Họ biết tôn giáo, nhưng vì yếu đuối, họ không có năng lực sống bày tỏ những tiêu chuẩn của tôn giáo hay thực hiện các qui tắc của tôn giáo ấy. Những người khác thì đói, thèm thuồng một điều gì đó để hưởng thụ, trong khi một số người đang khao khát một điều gì đó ngoài những gì cuộc sống loài người có thể cung ứng cho họ. Một số người có những nỗi khát khao vô cùng đến nỗi không một điều gì trong đời này có thể thỏa mãn họ. Một số người không ngừng phạm tội, đang ở dưới sự lên án và làm nô lệ cho tội lỗi mình. Một số người mù như người mù ấy, không mù về phương diện vật lý nhưng mù về phương diện tâm lý và thuộc linh. Cuối cùng, tình trạng sau hết của mọi người là sự chết, vì họ đang ở trong sự chết và đồng thời đang đi trên con đường dẫn đến sự chết. Họ đã chết rồi, nhưng về sau tất cả đều sẽ chết. Mọi người đều là những người chết sắp chết. Vì vậy, chín trường hợp này mô tả tình trạng thật của mọi người. Những tình trạng này nói lên nhu cầu của con người, mà chỉ Chúa là sự sống mới thật sự đáp ứng được.

TÌNH TRẠNG VÀ NHU CẦU CỦA MỖI CÁ NHÂN
Mọi tình trạng của chín trường hợp này đều được tìm thấy trong mỗi người. Một người có thể ở trong mọi tình trạng của mọi người. Chẳng hạn như anh em có thể là người tốt, hay ít nhất anh em có ý định làm người tốt. Có thể anh em rất tin kính, kính sợ Đức Chúa Trời và tìm kiếm Ngài. Nhưng đồng thời anh em cũng làm một điều gì đó rất xấu xa, một điều gì đó đáng xấu hổ. Anh em có thể là người lịch sự, sùng kính, đạo cao đức trọng, nhưng đã từng làm một điều gì đó thấp hèn. Một mặt, anh em là người thuộc giai cấp thượng lưu; mặt khác, anh em là một người hạ cấp.

Anh em cũng đau ốm và sắp chết về mặt đạo đức và thuộc linh. Có thể anh em rất sống động về vật lý, nhưng đang hấp hối về đạo đức và thuộc linh. Ngay cả về mặt vật lý, anh em đang hấp hối hằng ngày. Rõ ràng anh em đang sống, nhưng thật ra anh em sắp chết.

Một tình trạng khác nữa ấy là anh em là người yếu ớt. Anh em biết mình nên làm lành và biết điều gì là đúng, nhưng thiếu sức mạnh hay năng lực để làm theo. Có thể anh em chưa đến hai mươi lăm tuổi, nhưng đã bịnh “ba mươi tám năm”. Anh em biết mình nên yêu thương người khác, nhưng anh em yếu đuối quá; anh em muốn giữ mọi luật lệ của Đức Chúa Trời và ao ước làm vừa lòng Ngài, nhưng không thể làm được. Nói cách khác, anh em ao ước làm lành, nhưng không có khả năng thực hiện điều mình ao ước. Anh em cần quyền năng thích ứng của sự sống.

Đói và khát cũng là hai điều mô tả tình trạng của anh em. Nhiều lúc anh em cảm thấy mình là một người đói; nhiều lúc anh em khát khao bằng tiến sĩ, khát khao tiền bạc, hay thú vui. Anh em cần Chúa là bánh sự sống để thỏa mãn cơn đói của mình và cần nước sống của Ngài để làm anh em đã khát.

Một tình trạng khác có thể được tìm thấy nơi cá nhân anh em, ấy là tình trạng tội lỗi của anh em. Anh em tội lỗi. Anh em là tội nhân và anh em phạm tội. Anh em cần sự tha thứ của Chúa cũng như cần được giải cứu khỏi ách nô lệ của tội.

Về phương diện khác, anh em ở trong tình trạng mù lòa. Mặc dầu có thể mắt thuộc thể của anh em có thị giác hoàn hảo, anh em vẫn không thể nhận ra ý nghĩa của đời người, và đặc biệt là anh em không thể thấy những điều thuộc linh. Anh em mù lòa, cần Chúa mở mắt mình và ban cho mình thị giác.

Tình trạng sau cùng của anh em là tình trạng của người chết, là người mà cuối cùng rồi cũng sẽ chết. Anh em có bao giờ nhận thức rằng mình là người chết không? Không ai sống động trong linh, mọi người đều chết. Anh em cần sự sống phục sinh của Chúa Jesus.

Trong tình trạng sa ngã của mình, mỗi người đều có mọi phương diện của chín trường hợp này. Mỗi người đều ở trong mọi trường hợp này ít nhất tới một mức độ nào đó. Mỗi tình trạng là một dấu chỉ về nhu cầu thật của mọi người.

CHÚA ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA LOÀI NGƯỜI
CÁCH ĐẦY ĐỦ
Chúng ta đã thấy tình trạng và nhu cầu của loài người trong chín trường hợp này. Bây giờ chúng ta cần phải thấy làm thế nào Chúa có thể bước vào trong tình trạng sa ngã của loài người và đáp ứng mọi nhu cầu của họ. Trong mỗi trường hợp, Chúa trình bày chính Ngài là Đấng có thể đáp ứng cho sự thiếu hụt của loài người. Chín trường hợp này minh chứng cách đầy trọn là Chúa đáp ứng mọi nhu cầu của loài người cách đầy đủ.

Trường hợp thứ nhất cho thấy Chúa có thể ban cho chúng ta sự tái sinh, mà thậm chí một người thuộc tầng lớp cao như Ni-cơ-đem cũng cần kinh nghiệm để có được sự sống của Đức Chúa Trời và vào được vương quốc của Đức Chúa Trời. Trường hợp người đàn bà Sa-ma-ri tội lỗi và không thỏa mãn bày tỏ rằng Chúa có thể thỏa mãn một con người như vậy bằng nước sống của Ngài là dường nào. Đối với trường hợp người hấp hối Chúa là quyền năng sự sống chữa lành. Trường hợp người yếu đuối đã bịnh ba mươi tám năm cho thấy quyền năng làm sống động của sự sống Chúa. Trong trường hợp đoàn dân đói đang cần ăn, Chúa trình bày chính Ngài là bánh sự sống. Trong trường hợp của những người khát, Chúa bảo đảm với họ rằng Ngài có thể thỏa mãn cơn khát của họ bởi sông nước sự sống tuôn chảy. Trong trường hợp người đàn bà sống trong tội, chúng ta thấy Chúa có thể giải cứu một người như vậy khỏi tình trạng tội lỗi của bà và giải thoát bà khỏi ách nô lệ của tội. Trong trường hợp người mù, Chúa mở mắt anh và ban cho anh ánh sáng. Cuối cùng trong trường hợp La-xa-rơ, là người đã chết, đã chôn, thậm chí đang thối rữa trong mồ mả, quyền năng sự sống phục sinh của Ngài được bày tỏ ra cách đầy trọn.

Trong tất cả những trường hợp ấy, việc Chúa đáp ứng nhu cầu của con người cách đầy đủ đã được minh chứng cách trọn vẹn. Không một tình trạng nào của con người mà Ngài không thể giải quyết. Không một nhu cầu nào Ngài không thể đáp ứng. Ngài thật có khả năng! Ngài thật đầy đủ! Ngài có thể giải quyết mọi nan đề của chúng ta và cung ứng cho mọi nhu cầu của chúng ta! Ngợi khen danh Ngài!

SỰ TÁI SINH, ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT ĐỂ KINH NGHIỆM SỰ CỨU RỖI ĐẦY TRỌN
Mọi khía cạnh của công tác Chúa như đã được bày tỏ và biểu thị trong chín trường hợp này là những phương diện khác nhau trong sự cứu rỗi đầy trọn của Chúa, đó là 1) tái sinh, 2) làm thỏa mãn bằng nước sống, 3) chữa lành bằng quyền năng của sự sống, 4) làm cho sống động bằng quyền năng của sự sống, 5) nuôi dưỡng bằng bánh sự sống, 6) thỏa mãn cơn khát bằng những sông nước sống, 7) giải thoát khỏi tội, 8) mở mắt đui mù và 9) làm cho sống lại. Tất cả những điều này đều được bao hàm trong sự cứu rỗi của Chúa, điều đầu tiên trong số đó là sự tái sinh. Tái sinh là khởi điểm của sự sống thuộc linh. Mọi kinh nghiệm thuộc linh đều bắt đầu với sự tái sinh. Nếu được tái sinh, chúng ta đủ điều kiện tham dự vào mọi điều khác trong sự cứu rỗi của Chúa. Sự tái sinh là điều kiện tiên quyết để kinh nghiệm mọi điều khác trong sự cứu rỗi của Chúa. Đó là lý do vì sao trường hợp tái sinh được ghi lại đầu tiên. Mọi kinh nghiệm về những điều khác đều dựa trên kinh nghiệm tái sinh. Trước khi có thể được thỏa mãn bằng nước sống, chúng ta phải được tái sinh. Nước sống tuôn ra từ kinh nghiệm đầu tiên là sự tái sinh. Không có sự tái sinh, nước sống của Chúa không bao giờ ở trong anh em. Tất cả những kinh nghiệm khác đều có cùng một nguyên tắc như vậy. Người hấp hối cần được tái sinh để có thể được chữa lành và sống đời đời. Người yếu đuối trước hết phải được tái sinh, rồi mới có thể sống động bằng quyền năng của sự sống. Một người trước hết phải được tái sinh rồi mới có thể nuôi mình bằng chính Chúa là bánh sự sống. Việc vui hưởng chất dinh dưỡng của sự sống tùy thuộc rất nhiều vào sự tái sinh. Để có được dòng nước sự sống cũng tùy thuộc vào sự tái sinh. Nếu không được tái sinh, cơn khát của anh em không bao giờ được thỏa mãn bởi nước sống của Chúa. Việc được giải cứu khỏi tội và được mở mắt đui mù đều cần sự tái sinh trước hết. Không được tái sinh, không ai có thể được giải cứu khỏi tội hay nhận được thị giác thuộc linh. Hơn nữa, không ai có thể tham dự vào sự sống phục sinh trước khi kinh nghiệm sự tái sinh. Sự cứu rỗi của Chúa bắt đầu với sự tái sinh và kết thúc với sự sống phục sinh. Do đó, chúng ta cần cẩn thận xem xét trường hợp đầu tiên, tức trường hợp Ni-cơ-đem, là trường hợp bày tỏ rằng con người cần được tái sinh.

I. SỰ PHÓ THÁC CỦA CHÚA
Trước khi xem xét trường hợp Ni-cơ-đem, chúng ta cần nhận biết rằng điều Chúa phó thác cho con người không nằm trong phép lạ, mà là trong sự sống (2:23-3:1).

Chữ “Nhưng” trong 3:1 (RcV) cho thấy trường hợp của Ni-cơ-đem khác với những trường hợp trong các câu trước, 2:23-25. Tất cả những trường hợp đó đều là các trường hợp người ta tin Chúa vì thấy các phép lạ Ngài làm. Chúa không thể phó thác chính Ngài cho những con người như vậy. Nhưng trường hợp của Ni-cơ-đem, tức trường hợp sự sống trong sự tái sinh thì bày tỏ rằng Phúc Âm Giăng không vì những điều thuộc về phép lạ, nhưng vì sự sống. Đó là lý do tại sao ngay cả những phép lạ Chúa thực hiện cũng được gọi là dấu hiệu trong sách này, nghĩa là Chúa đến vì sự sống chứ không phải vì phép lạ.

II. SỰ TÁI SINH
Trường hợp đầu tiên, tức trường hợp Ni-cơ-đem, là trường hợp của sự tái sinh. Ni-cơ-đem là một người thuộc giai cấp cao nhất, chúng ta cần xem xét các mỹ đức và phẩm chất của ông. Trước hết, ông là giáo sư có những thành đạt cao nhất trong ngành giáo dục. Là giáo sư của người Do Thái, ông dạy Cựu Ước, là Lời Thánh. Thứ hai, Ni-cơ-đem là “người lãnh đạo dân Do Thái”. Ông có một địa vị tôn trọng và có uy quyền ở một mức độ nào đó. Thứ ba, ông là một người lớn tuổi. Là người lớn tuổi, ông có rất nhiều kinh nghiệm. Ông là người đầy kinh nghiệm. Thứ tư, chắc chắn ông là người đạo đức, người tốt. Nếu nhìn vào cách ông nói chuyện, anh em sẽ nhận biết ông là người đạo đức. Thứ năm, Ni-cơ-đem là người thật sự tìm kiếm Đức Chúa Trời. Mặc dầu ít nhiều ông sợ người Pha-ri-si, ông vẫn đến với Chúa Jesus vào ban đêm. Điều này cho thấy ông đang tìm kiếm Đức Chúa Trời. Thứ sáu, ông rất khiêm nhường. Ni-cơ-đem là một người già, có thể sáu mươi hay bảy mươi tuổi, nhưng ông đến gặp Chúa Jesus, là người chỉ mới trên ba mươi tuổi. Việc một người kinh nghiệm, học thức và lớn tuổi lại đến gặp một người trẻ hơn mình nhiều chứng tỏ đức khiêm nhường của người ấy. Hơn nữa, dầu Ni-cơ-đem là giáo sư, ông gọi Chúa Jesus là Ra-bi. Giữa vòng người Do Thái, gọi một người là Ra-bi có nghĩa là tự hạ mình xuống. Thứ bảy, Ni-cơ-đem là một người thành thật. Lời nói của ông bày tỏ tính chân thật của mình. Anh em có thể tìm được một người nào tốt hơn Ni-cơ-đem không? Ông là người thuộc tiêu chuẩn cao, thành đạt cao và đạo cao đức trọng.

Khi Ni-cơ-đem đến với Chúa Jesus, Ngài nắm lấy cơ hội bày tỏ nhu cầu thật của nhân loại. Trong khi trò chuyện với Ni-cơ-đem, Chúa bày tỏ rằng dầu tốt đến đâu, chúng ta vẫn cần được tái sinh. Sự tái sinh là nhu cầu đầu tiên của loài người. Người đạo đức cũng như người vô đạo đức đều cần được tái sinh. Nhiều Cơ Đốc nhân có quan niệm sai lầm rằng người ta cần được tái sinh chỉ vì họ sa ngã. Nhưng nếu chưa bao giờ sa ngã, con người vẫn cần được tái sinh. Thậm chí nếu A-đam không sa ngã, ông vẫn cần được tái sinh. Đó là lý do vì sao Đức Chúa Trời đặt ông trước cây sự sống. Nếu A-đam ăn trái cây sự sống, thì ông hẳn đã được tái sinh rồi.

Vì chúng ta là con người, tất cả chúng ta đều có sự sống của loài người. Nan đề không phải là sự sống loài người của chúng ta tốt hay xấu. Dầu chúng ta có loại sự sống loài người ra sao chăng nữa, hễ chưa có sự sống thần thượng, chúng ta vẫn cần được tái sinh. Được tái sinh đơn giản có nghĩa là có sự sống thần thượng ngoài sự sống loài người của mình. Mục đích đời đời của Đức Chúa Trời là con người làm chiếc bình chứa đựng sự sống thần thượng. Bản thể của chúng ta với sự sống loài người là cái bình chứa đựng. Đức Chúa Trời là sự sống. Sự sống thần thượng là mục tiêu của Đức Chúa Trời. Sự sống thần thượng là chính Đức Chúa Trời. Mục tiêu của Đức Chúa Trời là chúng ta, tức những con người với sự sống loài người, nhận được sự sống thần thượng vào bản thể mình làm sự sống thật của mình. Đó là ý nghĩa thật của sự tái sinh. Nhiều Cơ Đốc nhân chưa sáng tỏ về sự thật này. Họ nghĩ rằng sự tái sinh là cần thiết chỉ vì chúng ta sa ngã và tội lỗi. Theo quan niệm này, chúng ta cần được tái sinh vì sự sống chúng ta xấu và không thể cải thiện. Quan niệm ấy sai lầm. Tôi xin nhắc lại là cho dầu A-đam trong vườn Ê-đen không bao giờ sa ngã, ông vẫn cần được tái sinh, cần được sinh lại, để có được sự sống khác, là sự sống của Đức Chúa Trời. Vì vậy, được tái sinh là nhận lãnh sự sống thần thượng, tức là nhận lãnh chính Đức Chúa Trời.

Sự tái sinh nghĩa là gì? Sự tái sinh không phải là bất cứ một sự cải thiện hay vun trồng nào ở bề ngoài; cũng không phải một sự thay đổi hay hoán cải mà không có sự sống. Sự tái sinh là sự sinh lại đem đến một sự sống mới. Điều này tuyệt đối là vấn đề sự sống, không phải vấn đề việc làm. Sự tái sinh đơn giản là có sự sống khác với sự sống chúng ta đã có. Chúng ta đã nhận được sự sống loài người từ cha mẹ mình; bây giờ chúng ta cần nhận lãnh sự sống thần thượng từ Đức Chúa Trời. Vì vậy sự tái sinh nghĩa là có sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời thêm vào sự sống loài người mà chúng ta đã sở hữu. Cho nên sự tái sinh đòi hỏi một sự sinh ra khác để sở hữu một sự sống khác. Được tái sinh, được sinh lại, không có nghĩa là điều chỉnh hay sửa đổi chính mình, mà có nghĩa là có sự sống của Đức Chúa Trời, y như được cha mẹ sinh ra có nghĩa là chúng ta có sự sống của cha mẹ mình. Được tái sinh là được sinh bởi Đức Chúa Trời (Gi. 1:13), và được sinh bởi Đức Chúa Trời là có sự sống của Ngài, tức là sự sống đời đời (3:15-16). Nếu có sự sống của Đức Chúa Trời, chúng ta là con cái của Ngài. Sự sống của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta quyền trở nên con cái của Ngài (Gi. 1:12), vì bởi sự sống ấy, chúng ta có bản chất thần thượng của Đức Chúa Trời (2 Phi. 1:4) và có mối liên hệ trong sự sống với Đức Chúa Trời, tức là quyền làm con (La. 8:15; Ga. 4:5-6; “danh phận con cái” trong tiếng Hi Lạp là “quyền làm con”).

A. Quan Niệm Sai Lầm Của Loài Người Và Của Tôn Giáo: Cần Sự Dạy Dỗ Tốt Hơn Để Cải Thiện Con Người
Theo văn hóa loài người và Do Thái giáo, Ni-cơ-đem nghĩ rằng người ta cần phải cư xử tốt lành. Vì con người phải có hành vi tốt và thờ phượng Đức Chúa Trời cách đúng đắn, họ cần nhiều sự dạy dỗ. Ni-cơ-đem cho rằng Đấng Christ là một giáo sư đến từ Đức Chúa Trời. Điều này cho thấy có lẽ ông nghĩ mình cần những sự dạy dỗ tốt hơn để tự cải thiện. Nhưng câu trả lời của Chúa trong câu sau bày tỏ cho ông biết ông cần được sinh lại. Sinh lại là được tái sinh bằng sự sống thần thượng, là sự sống khác với sự sống con người đã nhận được do sự ra đời thiên nhiên. Vì vậy, nhu cầu thật của ông không phải là sự dạy dỗ tốt hơn, mà là sự sống thần thượng. Ni-cơ-đem đang tìm kiếm những sự dạy dỗ, là những điều thuộc về cây kiến thức, nhưng câu trả lời của Chúa xoay ông lại với nhu cầu sự sống, là điều thuộc về cây sự sống (đc. Sáng. 2:9-17). Chúa nhấn mạnh với Ni-cơ-đem rằng điều ông cần là phải được sinh lại. Do đó, nhu cầu thật của loài người là được tái sinh bằng một sự sống khác. Tất cả chúng ta phải nhận biết rằng điều mình cần không phải là tôn giáo hay sự dạy dỗ để điều chỉnh hoặc sửa đổi bản thân, nhưng là một sự sống khác, tức sự sống của Đức Chúa Trời, để tái sinh chúng ta. Loài người cần sự tái sinh vì họ cần sự sống thần thượng. Dầu tốt đến đâu, anh em vẫn không có sự sống của Đức Chúa Trời. Anh em cần một sự sinh ra khác để nhận lãnh sự sống của Đức Chúa Trời với bản chất thần thượng của Ngài. Mặc dầu cảm thấy mình tốt lành, nhưng anh em phải thừa nhận mình không có sự sống của Đức Chúa Trời với bản chất thần thượng của Ngài. Một sự sinh ra khác, tức sự tái sinh, là điều cần thiết để anh em nhận lãnh một sự sống khác, tức sự sống thần thượng của Đức Chúa Trời.

Câu trả lời của Chúa cho Ni-cơ-đem vượt quá quan niệm loài người, truyền thống, tôn giáo của ông. Dường như Chúa nói với ông: “Ni-cơ-đem ơi, điều ngươi cần không phải sự dạy dỗ, mà là một sự sống khác. Dầu ngươi tốt đến đâu chăng nữa, ngươi chỉ có sự sống loài người. Ngươi cần sự sống thần thượng. Ni-cơ-đem ơi, ngươi không nhận thức rằng do tìm kiếm kiến thức, ngươi đang ở trên con đường của cây kiến thức sao? Ngươi không ở trên con đường của cây sự sống”. Ni-cơ-đem không ở trên con đường dẫn ông đến Giê-ru-sa-lem Mới, mà ở trên con đường đưa ông đến hồ lửa. Tuy nhiên, Ni-cơ-đem không biết mình đã ăn phải cây không nên ăn.

B. Nhu Cầu Thật Sự Của Con Người – Được Sinh Lại
1. Không Phải Vào Lòng Mẹ Và Được Sinh Ra Một Lần Nữa
Khi Ni-cơ-đem nghe mình phải được sinh lại, ông nghĩ rằng điều đó có nghĩa là ông phải trở vào lòng mẹ và được sinh ra lại. Câu trả lời của ông chứng tỏ ông không biết cách vận dụng linh mình. Ông hiểu lầm lời Chúa. Sau đó, Chúa Jesus nói rằng điều gì sinh bởi xác thịt là xác thịt. Dường như Ngài muốn nói với Ni-cơ-đem: “Dầu ngươi có trở vào lòng mẹ rồi ra khỏi đó bao nhiêu lần đi nữa, ngươi vẫn là xác thịt. Điều gì sinh bởi xác thịt là xác thịt. Ni-cơ-đem ơi, ngươi không cần nói rằng ngươi không thể trở vào lòng mẹ và ra đời lần thứ hai, vì dầu ngươi có làm được điều đó, ngươi vẫn không có gì thay đổi. Dầu ngươi có ra đời như vậy và được trẻ lại, sau sáu mươi hay bảy mươi năm, ngươi cũng sẽ giống y như hiện nay. Ngươi không cần loại sinh lại ấy”. Ni-cơ-đem không cần sinh lại theo thời gian, nhưng cần sinh lại trong bản chất.

2. Nhưng Sinh Bởi Nước Và Linh
“Jesus đáp rằng: Quả thật, quả thật, Ta nói cùng ngươi, nếu người nào chẳng bởi nước và Thánh Linh mà sanh, thì không thể vào nước Đức Chúa Trời được”. Vì các Cơ Đốc nhân trải qua nhiều thế kỷ đã sử dụng tâm trí thay vì linh mình, nên họ đã đưa ra nhiều cách giải nghĩa khác nhau về câu này. Cách đây năm mươi năm tôi được dạy dỗ rằng nước trong câu này tượng trưng cho Lời, và sinh bởi nước và Linh nghĩa là sinh bởi Lời và Linh. Điều này được căn cứ trên 1 Phi-e-rơ 1:23 và Gia-cơ 1:18. Một cách giải nghĩa khác, là cách giải nghĩa tệ hại hơn hết về phân đoạn này, nói rằng nước ở đây chỉ về nước ối của chính bà mẹ. Theo sự giải thích này, sinh hai lần là lần thứ nhất sinh bởi nước trong tử cung người mẹ, và lần thứ hai sinh bởi Thánh Linh. Sự giải nghĩa này hoàn toàn vô lý và chúng ta cần phải quên đi.

Chúng ta cần đứng vững vàng và biết lý luận khi đến với câu này. Chúng ta phải thừa nhận rằng Ni-cơ-đem và Chúa Jesus đang nói chuyện bằng những lời đơn giản. Nếu Chúa nói với Ni-cơ-đem những lời không đơn giản, thì Ngài hẳn đã giải thích cho ông phần nào rồi. Có lẽ Ni-cơ-đem hẳn đã hỏi Chúa nước có nghĩa là gì. Nhưng Chúa Jesus không giải thích lời Ngài và Ni-cơ-đem không xin Ngài giải nghĩa, chứng tỏ rằng những lời này dễ hiểu đối với Chúa và ông. Do đó, những từ ngữ “bởi nước và Linh” chắc hẳn phải dễ hiểu đối với Ni-cơ-đem, không cần phải giải thích gì. Vì chính những từ ngữ này đã được Giăng Báp-tít nói trong Ma-thi-ơ 3:11 với người Pha-ri-si, nên chắc hẳn người Pha-ri-si đã hoàn toàn hiểu những lời này. Giăng bảo họ rằng ông làm báp-têm trong nước, nhưng một Đấng Khác sẽ đến, là Đấng sẽ làm báp-têm trong Linh. Sau khi nghe lời Giăng nói đó, có lẽ người Pha-ri-si đã thảo luận với nhau, vì vào thời ấy đó là một lối nói mới. Vì người Pha-ri-si rất nghiêm túc, sau khi nghe Giăng Báp-tít nói lời ấy, chắc hẳn họ đã thảo luận nhiều về điều ông đã nói. Vì Ni-cơ-đem là người Pha-ri-si, ông hẳn quen thuộc với những từ ngữ này. Bây giờ Ni-cơ-đem, một người Pha-ri-si, đang nói chuyện với Chúa, và Chúa nói những từ ngữ quen thuộc này với ông, ấy là sinh lại là sinh bởi nước và bởi Linh.

Nước là dấu hiệu quan trọng nhất trong chức vụ của Giăng Báp-tít, tức là chôn và kết liễu những con người của cõi sáng tạo cũ. Trong chức vụ của ông, Giăng Báp-tít đến để làm báp-têm bằng nước. Ông nói rằng họ phải ăn năn, nhận biết mình đang sa ngã, không ích lợi cho việc gì trừ ra là đem đi chôn. Tất cả những ai nghe Giăng giảng và ăn năn đều được báp-têm trong nước. Điều này có nghĩa rằng là những con người sa ngã của cõi sáng tạo cũ, họ đã bị kết liễu. Đó là chức vụ của Giăng. Hơn nữa, Giăng bảo người ta rằng chức vụ của ông là vì chức vụ của Chúa Jesus. Vì nước là dấu hiệu quan trọng nhất trong chức vụ của Giăng Báp-tít, Linh là điều quan trọng nhất trong chức vụ của Jesus, ấy là để sinh ra những con người trong cõi sáng tạo mới. Hai khái niệm chính yếu này, tức nước và Linh, khi được kết hợp với nhau sẽ là toàn thể khái niệm của vấn đề tái sinh. Sự tái sinh, tức sinh lại, là kết liễu những người trong cõi thọ tạo cũ với tất cả những việc làm của họ và bắt đầu sinh họ ra trong cõi sáng tạo mới với sự sống thần thượng. Sinh lại có nghĩa là gì? Có nghĩa là nhờ nước mà bị kết liễu bởi chức vụ của Giăng và nhờ Linh mà được sinh ra bởi chức vụ của Jesus.

Ngày nay làm thế nào chúng ta có được chức vụ của Giăng Báp-tít? Chúng ta có chức vụ ấy bằng cách ăn năn. Khi một người ăn năn, thừa nhận mình là một người sa ngã, không ích lợi gì hết, thì người ấy đã tiếp nhận chức vụ của Giăng. Dĩ nhiên chúng ta không cần Giăng có mặt theo nghĩa đen, vì chức vụ của ông đã ở trong Tân Ước. Khi rao giảng Phúc-âm, trước hết chúng ta rao giảng chức vụ của Giăng. Đó là lý do vì sao chúng ta giảng rất nhiều về tội và sự ăn năn. Chúng ta là Giăng Báp-tít thời nay. Cách đây bốn mươi năm, tôi là một Giăng Báp-tít, do kết quả của chức vụ ấy, nhiều người đã ăn năn. Đó không phải chức vụ của tôi, mà là chức vụ của Giăng. Theo một ý nghĩa, ai tiếp nhận chức vụ ấy đều bị kết liễu, và theo một ý nghĩa khác họ được sinh bởi nước. Tiếp theo sự ăn năn, mọi người phải tin vào Chúa Jesus và tiếp nhận chức vụ sự sống của Ngài để được sinh ra. Để nhận sự cứu rỗi, chúng ta cần cả sự ăn năn lẫn đức tin. Ăn năn là tiếp nhận chức vụ của Giăng, và tin là tiếp nhận chức vụ của Chúa Jesus. Đó là sự tái sinh. Tất cả chúng ta đều trải qua tiến trình tái sinh này. Bây giờ chúng ta hiểu sinh bởi nước và Linh nghĩa là gì.

Chúa làm cho Ni-cơ-đem hiểu rõ tình trạng của mình. Dầu tốt hay xấu, mọi người đều cần được kết liễu bởi nước và rồi được sinh ra với sự sống thần thượng. Đó là sự sinh ra lần thứ hai, không phải từ lòng mẹ, nhưng được sinh ra bởi nước và bởi Linh.