CHỨC VỤ TÂN ƯỚC (1)
Đọc Kinh Thánh: 2
Cô-rin-tô 2:12-17
Sau lời giới thiệu
(1:1-2:11), Phao-lô đến phần nói về chức vụ Tân Ước (2:12-3:11). Chức vụ hoàn
toàn khác với ân tứ phép lạ bên ngoài. Vào năm 1940, trong khi giảng về
2Cô-rin-tô, anh Nee đặc biệt nhấn mạnh đến sự khác nhau giữa 1 và 2 Cô-rin-tô.
Anh chỉ ra rằng Sách thứ nhất nói đến ân tứ phép lạ bên ngoài, nhất là việc nói
tiếng lạ. Anh Nee dùng minh hoạ con lừa của Ba-la-am nói tiếng người, chỉ ra rằng
đó là ân tứ phép lạ đích thực. Chắc chắn đó là phép lạ mà con lừa bỗng nhiên nhận
được khả năng nói tiếng người. Anh Nee nói tiếp rằng ân tứ có thể thình lình nhận
được. Tuy nhiên, anh chỉ ra rằng có thể phải mất đến hai mươi năm mới sinh ra
chức vụ.
Nói về chức vụ, anh
Nee nói rằng Christ phải được thêu dệt vào trong bản thể chúng ta. Điều này có
nghĩa là Christ phải được cấu tạo vào trong chúng ta. Chức vụ là vấn đề cấu tạo.
Chúng ta cần được cấu tạo bằng những gì Christ là, bằng những gì Ngài đã làm, bằng
những gì Ngài đã đạt được, và bằng những gì Ngài đã đoạt được. Christ đã đoạt
được ngai, vinh hiển và quyền năng cao nhất. Christ cũng có những thành tựu nào
đó. Những thành tựu của Ngài là kết quả của những gì Ngài đã hoàn thành và đạt
được. Ngày nay, những gì Christ là, những gì Christ đã làm, những gì Ngài đã đoạt
được, và những gì Ngài đã đạt được, tất cả đều ở trong Linh ban-sự-sống. Điều
này có nghĩa là Linh ban-sự-sống là hiện thân của Christ trong bốn vấn đề này.
Linh bao-hàm-tất-cả này là hiện thận của những gì Christ là, về những gì Christ
đã làm, về những gì Christ đã đoạt được và về những gì Christ đã đạt được. Linh
bao-hàm-tất-cả này là thức uống bao-hàm-tất-cả, thức uống có nhiều nguyên liệu
.
Như chúng tôi nhiều
lần đã chỉ ra, Linh bao-hàm-tất-cả được hình bóng bởi dầu xức trong Xuất Ai Cập
Kí chương 30. Dầu xức này bao gồm dầu, tổng hợp với bốn loại hương liệu: một dược,
nhục quế, xương bồ, và quế bì. Dầu xức này mô tả Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả.
Linh này bây giờ đang được cấu tạo vào trong chúng ta. Kết quả là sự cấu tạo Đức
Chúa Trời đã-trải-qua-tiến-trình với con người được chuộc. Tín đồ là những người
được cấu tạo Linh bao-hàm-tất-cả này sẽ trở thành chấp sự của Christ, và công
tác và sự phụng sự của họ sẽ là chức vụ trong Tân Ước.
Chức vụ trong Tân Ước
là duy nhất. Tân Ước chỉ có một chức vụ. Cả Phao-lô lẫn Phi-e-rơ đều có phần
trong chức vụ này. Tất cả sứ đồ đều chia sẻ cùng một chức vụ trong Tân Ước. Chức
vụ duy nhất này là chức vụ của giao ước mới. Một chức vụ như thế không có được
bởi cầu nguyện và kiêng ăn. Bất cứ điều gì nhận theo cách đó đều là ân tứ chứ
không phải chức vụ. Chức vụ được sinh ra như là kết quả của việc được cấu tạo
Linh ban-sự-sống bao-hàm-tất-cả. Với tất cả những gì Christ là, Christ có,
Christ đã đạt được và đoạt được phải được cấu tạo vào trong từng tế bào, vào
trong chính bản thể của những người được chọn và được chuộc của Đức Chúa Trời.
Đây là cách duy nhất để có chức vụ.
Gánh nặng của tôi
không chỉ là rao giảng phúc âm hay dạy Kinh Thánh. Gánh nặng của tôi là thực hiện
chức vụ Tân Ước này và giúp những người nào chân thành tìm kiếm Chuá và quan
tâm đến khát vọng của lòng Ngài để cùng chia sẻ chức vụ này. Đây là chức vụ mà
Phao-lô nói đến trong 2 Cô-rin-tô, nhất là trong chương 3, từ liệu chức vụ được
dùng nhiều lần. Phao-lô đã so sánh chức vụ này với chức vụ Cựu Ước. Chức vụ của
Tân Ước cao hơn chức vụ Cựu Ước. Chức vụ Tân Ước không chỉ là vấn đề sự sống mà
còn là sự cấu tạo trong sự sống và của sự sống. Do đó, chức vụ này cần có thời
gian để lớn lên và trưởng thành.
Vào năm 1943, tôi bị
bệnh lao suýt chết. Tôi cảm tạ Chuá vì chính Ngài và vì chức vụ của Ngài, Ngài
đã dung thứ cho tôi và giữ gìn tôi. Anh Nee đã từng bảo chúng tôi rằng vì phải
mất nhiều năm Chuá mới kiếm được một người được cấu tạo bởi chính Ngài nên
chúng ta cần chăm sóc sức khoẻ một cách đúng đắn. Điều này có nghĩa là chúng ta
nên làm mọi điều có thể để không phải chết sớm. Nếu thật sự thuộc linh, chúng
ta sẽ học cách chăm sóc sức khoẻ để sống thọ.
Cần phải mất nhiều
năm để lớn lên và được cấu tạo Đức Chúa Trời Tam-Nhất. Là người đã trải qua nhiều
điều trong nhiều năm, tôi có thể làm chứng rằng một người cần phải mất ít nhất
sáu mươi năm trước khi sự cấu tạo này đạt đến mức trưởng thành. Tuy nhiên, để
điều này diễn ra trong một người vào tuổi sáu mươi nên người đó cần được cứu
trước tuổi hai mươi. Một người được cứu ở tuổi bốn mươi có lẽ không thể được
trưởng thành trong sự cấu tạo thần thượng ở tuổi sáu mươi. Trong suốt hai mươi
năm đầu của đời sống Cơ Đốc, chúng ta cần học tập những vấn đề nào đó. Sau đó,
chúng ta cần hai mươi năm nữa để được cấu tạo Linh ban-sự-sống.
Khi người trẻ nghe
lời này về việc cần bao lâu để được cấu tạo thành chấp sự của giao ước mới thì
có thể họ thất vọng. Hỡi người trẻ, tôi khích lệ anh em đừng nhụt chí về việc
phải mất hai mươi năm để học nhiều thứ và hai mươi năm nữa để được cấu tạo.
Chúng ta đang nói đến sự sống cao nhất, sự sống thần thượng được cấu tạo vào
trong sự sống con người chúng ta. Chắc chắn điều này đòi hỏi thời gian. Ngay cả
trong sự sống con người thiên nhiên, ở tuổi bốn mươi, một người còn chưa trưởng
thành đủ. Chắc chắn tôi không tin tưởng vào một tổng thống chỉ mới bốn mươi tuổi.
Trong mọi sự chúng ta làm, chúng ta cần kinh nghiệm. Ngay trong việc lái xe, điều
này cũng đúng. Lái xe càng nhiều năm, càng có kinh nghiệm, và càng có kỹ năng.
Tôi không tin rằng một người dưới sáu mươi tuổi là đủ trưởng thành để hoàn toàn
thích hợp với chức vụ tổng thống hay người đứng đầu một quốc gia. Đây là minh
hoạ cho sự sống cần có thời gian để lớn lên.
Giữa vòng chúng ta
cần có nhiều người trưởng thành hơn. Tôi hi vọng rằng những năm tới sẽ có nhiều
người cha trong sự khôi phục của Chuá. Có những người cha như thế, những người
cha trưởng thành như thế giữa chúng ta thì thật là phước hạnh. Chính sự hiện diện
của họ giữa vòng chúng ta là phước hạnh lớn.
Tôi nói lại, chức vụ
không được hình thành trong một thời gian ngắn. Tôi rất vui vì tôi đã nghe một
lời như thế từ anh Nee vào năm 1943. Gần hai mươi năm sau, Chuá sai tôi đến đất
nước này.
Bây giờ, chúng ta
suy xét 2:12-17, những câu này là lời giới thiệu cho phần chức vụ Tân Ước.
Chương 1:1-2:11 là lời giới thiệu cho toàn bộ Sách 2 Cô-rin-tô. Nhưng 2:12-17
là lời giới thiệu cho phần chức vụ. Sau phần này, chúng ta có một phần dài nói
về chấp sự của giao ước mới (3:12-7:16).
I. SỰ THẮNG THẾ VÀ
HIỆU QUẢ CỦA GIAO ƯỚC MỚI
A. Quan Tâm Đến Hội
thánh Nhiều Hơn Quan Tâm Đến Phúc Âm
Phao-lô giới thiệu
chức vụ theo cách rất cá nhân và thân mật, theo một cách không mang tính giáo
lí chút nào. Trong 2:12, Phao-lô không nói: “Tôi đã hoàn thành lời giới thiệu của
tôi. Bây giờ tôi muốn cho anh em một số giáo lí về chức vụ của chúng ta”. Trái
lại, Phao-lô nói: “Vả (Hơn nữa), khi tôi đã vì Phúc Âm của Đấng Christ mà đến
Trô-ách, Chúa cũng đã mở cửa cho tôi (một cánh cửa cũng đã mở ra cho tôi trong
Chúa), nhưng vì tôi không gặp anh em tôi là Tít, nên tâm linh tôi chẳng được
yên ổn, bèn từ giã họ mà qua Ma-xê-đoan”. (2:12-13). Ngoài những gì ông đã đề cập
trong câu 10 và 11, vị sứ đồ còn bảo tín đồ Cô-rin-tô nhiều hơn nữa về mối quan
tâm đối với họ. Dù một cánh cửa được mở ra cho ông ở Trô-ách, tức là trong Chuá
chứ không phải vì nổ lực của con người, ông cũng không có sự yên ổn trong linh
khi ông không thấy Tít ở đó. Ông nóng lòng muốn gặp Tít để nghe thông tin về ảnh
hưởng của Thư thứ nhất của ông ở giữa họ. Vì thế, ông rời Trô-ách mà đến
Ma-xê-đoan (c. 13), nóng lòng gặp Tít để biết thông tin vì ảnh hưởng lớn của
ông đối với họ. Sự quan tâm của ông đến Hội thánh nhiều hơn là quan tâm đến việc
rao giảng phúc âm.
Phao-lô là người sống
và hành động trong linh, như được chỉ ra trong 1 Cô-rin-tô 16:18. Một cánh cửa
đã được mở ra cho ông trong Chuá. Phao-lô thận trọng chen vào cụm từ “trong
Chuá” để cho thấy rằng ông không mở cửa qua bất kỳ loại kỹ năng thiên nhiên hay
thủ đoạn nào. Cánh cửa được mở ra bởi Chúa chứ không bởi nổ lực của con người.
Nhưng dù cánh cửa đã được mở trong Chuá nhưng Phao-lô cũng không thấy được yên ổn
trong linh. Làm thế nào chúng ta có thể dung hoà việc cánh cửa đã được mở ra bởi
Chúa và việc Phao-lô không cảm thấy yên ổn trong linh để ở lại đó? Điều này dường
như mâu thuẫn. Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhấn mạnh rằng lí do
Phao-lô thấy không yên ổn là vì ông chưa gặp được Tít. Sự quan tâm của ông
không chủ yếu vì rao giảng phúc âm, nhưng sự quan tâm của ông là tìm gặp Tít để
biết tình hình của người Cô-rin-tô. Phao-lô đang đợi Tít báo cáo cho ông nghe về
cách tín đồ Cô-rin-tô đáp ứng Thư thứ nhất của ông. Do đó, Phao-lô đi đến
Ma-xê-đoan. Thư tín này được viết ở Ma-xê-đoan sau khi ông ở Ê-phê-sô trong
chuyến hành trình thứ ba của chức vụ ông (8:1; Công. 20:1).
Chúng ta đã thấy rằng
Chuá mở cửa nhưng Phao-lô lại bỏ cánh cửa mở đó mà đi. Dường như ông không đi
theo sự mở cửa của Chuá mà chỉ đi theo những gì làm cho linh ông yên ổn. Ở đây,
chúng ta tìm thấy câu trả lời về việc mở cửa và sự yên ổn trong linh. Khi anh
em có điều gì đó được Chuá làm theo cách bên ngoài, nhưng bên trong linh của
anh em không yên nghỉ thì anh em sẽ theo điều nào, theo tình hình bên ngoài hay
theo cảm nhận bên trong linh? Phao-lô theo cảm nhận trong linh ông. Có khi Chuá
làm hai điều cùng một lúc: Ngài sẽ mở điều gì đó bên ngoài nhưng bên trong Ngài
sẽ không cho anh em cảm nhận về sự yên ổn. Điều này để anh em lại trong vị trí
cần chọn lựa giữa tình huống bên ngoài và cảm nhận bên trong. Nếu trong tình huống
này, anh em vận dụng linh để quan tâm đến linh thì anh em thật sự thuộc linh.
Điều này có nghĩa là nếu anh em vâng theo cảm nhận bề trong và không đi theo
tình hình mở ra bên ngoài thì anh em thật sự là người thuộc linh. Đây là trường
hợp của Phao-lô trong những câu này. Ông đi theo những gì làm cho linh ông yên ổn,
đi đến Ma-xê-đoan để kiếm thông tin từ Tít về tín đồ Cô-rin-tô.
B. Một Cuộc Diễu
Hành Khải Hoàn Kỷ Niệm Chiến Thắng Của Christ
Trong câu 14,
Phao-lô nói: “Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài lãnh đạo chúng tôi cách khải hoàn
trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi mà rải mùi thơm về sự tri thức
Ngài khắp chốn”. Về câu này, Conybeare nói như vầy: “Động từ được dùng ở đây có
nghĩa là dẫn một phu tù trong cuộc diễu hành khải hoàn; cụm từ đầy đủ có nghĩa
là dẫn phu tù trong sự chiến thắng trên những kẻ thù của Christ…. Đức Chúa Trời
đang cử hành lễ chiến thắng của Ngài trên những kẻ thù; Phao-lô (đã từng là kẻ
thù rất lớn của Phúc Âm) là một phu tù đi theo trong đoàn diễu hành khải hoàn,
nhưng (đồng thời, bởi sự thay đổi đặc trưng của ẩn dụ) lại là một người mang
hương, rắc hương (là điều luôn luôn được làm trong những dịp này) khi đoàn diễu
hành tiến lên. Một số kẻ thù bị chinh phục phải chết khi đoàn diễu hành đi đến
thủ đô; đối với họ, mùi hương là mùi của sự chết dẫn đến chết; đối với những
người còn lại là những người được tha thì mùi của sự sống dẫn đến sự sống”.
Cùng một ẩn dụ đó được dùng trong Cô-lô-se 2:15. Đức Chúa Trời luôn luôn lãnh đạo
các sứ đồ cách khải hoàn như thế trong chức vụ của họ. Từ “chúng tôi” ở đây nói
đến những phu tù bị chinh phục trong đoàn khải hoàn của Christ, cử hành lễ và
tham dự vào sự khải hoàn của Christ. Các sứ đồ là những phu tù như thế; là các
phu tù của Christ trong chức vụ của họ cho Ngài, chuyển động của họ là lễ kỷ niệm
của Đức Chúa Trời về chiến thắng của Christ trên những kẻ thù của Ngài.
Trong phần thứ hai
của Thư Tín này, từ 2:12 đến 7:16, vị sứ đồ nói về chức vụ của ông và của các đồng
công của ông. Trước hết, ông ví chức vụ của họ với lễ kỷ niệm về chiến thắng của
Christ. Chuyển động của họ trong chức vụ của họ cho Christ giống như một cuộc
diễu hành khải hoàn từ nơi này đến nơi khác dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Trời.
Phao-lô và các đồng công của ông là phu tù của Christ, mang mùi hương thơm ngát
của Christ vì sự vinh hiển khải hoàn của Ngài. Họ bị Christ chinh phục và đã trở
thành phu tù của Ngài trong đoàn diễu hành của Ngài, rải hương thơm của Christ
từ nơi này đến nơi khác. Đây là chức vụ của họ vì Ngài.
Trong câu 14,
Phao-lô chỉ ra rằng ông là phu tù của Christ. Ông đã chiến đấu chống lại
Christ, vị Tướng thiên thượng, nhưng cuối cùng ông đã bị đánh bại, bị khuất phục,
và bị bắt, và vì thế trở thành phu tù của Christ. Sau-lơ người Tạt-sơ đã chiến
đấu chống lại Christ, chống lại gia tể của Đức Chúa Trời, và chống lại các Hội
thánh. Nhưng trong khi đang chiến đấu, ông đã bị Christ đánh bại và khuất phục
trên đường đi Đa-mách. Lúc đó, Chuá Jesus nói với ông đừng đá vào mũi đót, tức
là đừng chống lại Ngài. Dường như Chuá Jesus muốn nói với Sau-lơ: “Ngươi đang
làm gì vậy? Tại sao ngươi dám đá vào mũi đót? Ngươi không biết rằng khuất phục
ngươi là điều rất dễ đối với Ta sao? Ta chỉ cần khảy ngón tay út của Ta là
ngươi sẽ bị đánh bại, bị khuất phục và bị bắt lấy”. Sau khi Sau-lơ người Tạt-sơ
bị bắt lấy, ông được đặt vào trong đoàn diễu hành khải hoàn của Christ. Ba phu
tù đầu tiên trong đoàn diễu hành này là Phi-e-rơ, Giăng và Gia-cơ. Là một trong
những phu tù trong đoàn kẻ chiến bại, Phao-lô đang được dẫn đi trong cuộc diễu
hành khải hoàn của Christ.
Phao-lô dùng ẩn dụ
về cuộc diễu hành được tổ chức trong danh dự về chiến thắng của một vị tướng
La-mã để minh hoạ cho việc ông ở trong chức vụ là như thế nào. Chức vụ của
Phao-lô là một cuộc diễu hành khải hoàn của Vị Tướng chiến thắng, tức là Chuá
Jesus đang dẫn nhiều phu tù. Phao-lô và các đồng công của ông là phu tù trong
cuộc diễu hành đó. Điều này cho thấy rằng chức vụ đúng đắn của Tân Ước là một
cuộc diễu hành khải hoàn kỷ niệm chiến thắng của Christ. Bên trong, tôi cũng có
cảm nhận rằng tôi là phu tù trong cuộc diễu hành khải hoàn của Christ. Là một
phu tù như thế, tôi là một nhân chứng rằng đã có lần tôi là kẻ thù, nhưng tôi
đã bị đánh bại, bị khuất phục, bị bắt, và bị làm cho quy phục Đấng Christ.
Chức vụ Tân Ước là
để làm chứng về Christ là Đấng Chiến Thắng và Đấng Đắc Thắng. Tôi tin rằng khi
Phao-lô đang diễu hành trong đoàn diễu hành khải hoàn của Christ, ông có thể ngợi
khen Chuá vì chiến thắng của Ngài và như vậy làm chứng về Ngài. Cũng vậy, là
phu tù của Christ, ngày nay tôi cũng đang làm chứng về Ngài. Tôi có thể làm chứng
rằng tôi đã bị Ngài đánh bại, bị Ngài bắt lấy và bị Ngài khuất phục. Bây giờ
tôi là một phu tù thuận phục, nói A-men với chiến thắng của Ngài và ngợi khen
Ngài. Đây là chức vụ của chúng ta. Trong sự khôi phục của Chuá, chúng ta ở
trong đoàn diễu hành, kỷ niệm chiến thắng của Christ. Nếu ai hỏi anh em đang
làm gì trong nếp sống Hội thánh, anh em có thể trả lời: “Chúng tôi đang diễu
hành, một cuộc diễu hành khải hoàn kỷ niệm chiến thắng của Christ. Tất cả chúng
ta đều đã bị đánh bại, đều bị khuất phục, và đều bị Ngài bắt lấy, và bây giờ,
chúng ta thuận phục Ngài”.
Chúng tôi đã chỉ ra
rằng trước hết Phao-lô ví chức vụ như một kỷ niệm về chiến thắng của Christ. Sự
chuyển động của các sứ đồ trong chức vụ giống như một lễ kỷ niệm khải hoàn từ
nơi này đến nơi khác dưới sự lãnh đạo của Đức Chúa Trời. Bất cứ nơi nào đoàn diễu
hành đi qua, họ cử hành chiến thắng của Christ và làm chứng về chiến thắng của
Christ trên họ. Ha-lê-lu-gia, tất cả chúng ta đều bị Christ đánh bại! Bây giờ
chúng ta là những phu tù thuận phục trong đoàn diễu hành của Christ.
Có thể anh em đã là
Cơ Đốc nhân nhiều năm nhưng không nhận biết rằng chức vụ Tân Ước là một đoàn diễu
hành kỷ niệm chiến thắng của Christ. Ai đã đánh bại chúng ta, khuất phục chúng
ta, bắt chúng ta, và làm cho chúng ta qui phục? Đấng Christ đắc thắng đã làm điều
này. Ha-lê-lu-gia vì chức vụ Tân Ước là một đoàn diễu hành cử hành chiến thắng
của Đấng Christ!
Trong câu 14,
Phao-lô cũng ví chính ông và các đồng công của ông như là những người mang
hương thơm rải mùi hương của sự tri thức của Đấng Christ trong chức vụ khải
hoàn của Ngài như trong một đoàn diễu hành khải hoàn. Các sứ đồ là những người
mang hương thơm như thế trong chức vụ của họ về Đấng Christ cũng như những phu
tù trong đoàn chiến thắng của Ngài. Về cụm từ “mùi thơm về sự tri thức”,
Vincent nói: “Theo cách dùng tiếng Hy Lạp, mùi thơm và tri thức cùng là ngữ đồng
vị, để cho tri thức về Đấng Christ được biểu tượng hoá như hương thơm truyền đạt
bản chất và hiệu lực của nó qua công tác của các sứ đồ”. Tri thức vượt trỗi của
các sứ đồ về Đấng Christ đã trở thành mùi thơm ngọt ngào.
Trong câu 15,
Phao-lô nói tiếp: “Vì chúng tôi đối với Đức Chúa Trời là mùi thơm của Christ, ở
giữa kẻ được cứu và ở giữa kẻ bị hư mất”. Được dầm thấm Christ, các sứ đồ trở
thành mùi thơm của Christ. Họ không chỉ là mùi thơm ngọt ngào được Christ sản
sinh, nhưng chính Christ là mùi thơm đang được toả ra trong đời sống và công
tác của họ cho Đức Chúa Trời, cả trong những người đang được cứu, như là hương
thơm từ sự sống đến sự sống, lẫn trong những người đang hư mất, như là mùi từ sự
chết đến sự chết.
Câu 16 chép: “cho kẻ
nầy, mùi của sự chết làm cho chết (dẫn đến sự chết); cho kẻ kia, mùi của sự sống
làm cho sống (dẫn đến sự sống). – Ai đương nổi sự nầy ư? – Cụm từ “dẫn đến sự
chết” và “dẫn đến sự sống” có nghĩa là kết quả là sự chết hay kết quả là sự sống.
Điều này nói lên những hiệu quả khác nhau của chức vụ của các sứ đồ trên những
người khác nhau. Đó là vấn đề sự sống và sự chết! Chỉ có những phu tù của Đức
Chúa Trời trong Christ, là những người được dầm thấm Christ bởi Linh, mới có tư
cách và đủ phẩm chất cho điều này (3:5-6). Từ Hy Lạp dịch chữ đủ tư cách cũng
có nghĩa là thành thạo, đủ phẩm chất, thích hợp và xứng đáng. Cũng từ được dùng
trong 3:5.
C. Cung Ứng Lời Của
Đức Chúa Trời
Trong câu 17,
Phao-lô nói: “Chúng tôi thì chẳng như nhiều kẻ vì lợi mà pha lộn đạo Đức Chúa
Trời (bán rong lời Đức Chúa Trời); nhưng chúng tôi lấy lòng thành thực bởi Đức
Chúa Trời mà giảng đạo (nói) ấy ở trước mặt Đức Chúa Trời trong Christ”. Trong
câu này, “nói…trong Christ” là cung ứng Lời của Đức Chúa Trời. Từ “bán rong”
cũng có nghĩa là bán lẻ, bán dạo, bán những điều kém phẩm chất với giá cao bởi
những người bán rong hạ lưu theo cách lừa đảo. Nhiều người đã tham gia vào loại
bán dạo này, pha trộn Lời của Đức Chúa Trời vì lợi ích của họ. Tuy nhiên, các sứ
đồ không làm như vậy. Xuất phát từ sự chân thật và từ Đức Chúa Trời trong chức
vụ của họ, họ nói trong Christ lời của Đức Chúa Trời trong cách nhìn của Đức
Chúa Trời. Chức vụ của các sứ đồ thật chân thật và đích thực làm sao!
--