Vào
thế kỷ thứ nhất, Ê-phê-sô là thành phố hải cảng và là thủ phủ của tỉnh A-si, Thổ
Nhĩ Kỳ hiện nay. Tại Ê-phê-sô có trục đường giao thông thủy bộ trong khu vực.
Đánh giá được yếu tố địa lợi đó của Ê-phê-sô, nên sứ đồ Phao-lô đã công tác tại
đó 3 năm ròng rã để xây dựng một Hội thánh lớn tại thành phố và qua Ê-phê-sô
rao giảng lời chức vụ cho cả vùng đến nỗi sử gia Lu-ca ghi: “hết thảy những kẻ
trú tại A-si, cả người Do-thái lẫn người Hi-lạp đều nghe Lời Chúa” (Sứ. 19:10).
Theo
Sứ đồ 20, Phao-lô nói rằng ông đã rao giảng phúc âm ân điển Đức Chúa Trời,
vương quốc Đức Chúa Trời và cả nghị quyết của Đức Chúa Trời cho Hội thánh
Ê-phê-sô. Rồi khi Phao-lô ở tù lần thứ nhất, ông viết thơ tín lẽ thật thần thượng
đỉnh cao, là thơ Ê-phê-sô. Theo các bản chép tay cổ nhất thì Ê-phê-sô 1:1 chép,
“Phao-lô, sứ đồ của Christ Jêsus, do ý chỉ của Đức Chúa Trời đạt cho các thánh
đồ ở….”. Từ ngục thất La mã Phao-lô nhờ Ti-chi-cơ mang thơ nầy về Ê-phê-sô, sao
chép ra nhiều bản rồi điền tên các hội thánh trong vùng vào chỗ trống, vì đây
là bức thư luân lưu, và Ê-phê-sô nhận thơ trước nhất. Hội thánh Ê-phê-sô đi đầu
so với các hội thánh trong vùng, và các đồng công thường xuyên ghé thăm hội
thánh đó.
Phao-lô viết thơ luân lưu Ê-phê-sô và năm 64 S.C. và câu cuối cùng là :
“nguyện ân điển ở với hết thảy những kẻ thương yêu Chúa Jêsus Christ chúng ta
trong sự không phai lạt”(6:24). Đến năm 90, sau khi Phao-lô qua đi, Chúa truyền
sứ đồ Giăng gởi thơ cho hội thánh Ê-phê-sô, trong đó Ngài trách họ: “ngươi đã bỏ
tình thương yêu ban đầu” (Khải. 2:4). Chưa đầy 30 năm mà tình thương yêu Chúa của
hội thánh đi đầu và tiêu biểu là Ê-phê-sô đã tàn phai.
Hơn
thế nữa, vào năm 65 khi Phao-lô viết thơ I Ti-mô-thê, tại hội thánh đầu mối nầy
là Ê-phê-sô đã có mấy đồng công dạy dỗ nhiều điều khác bản chất đường lối Tân ước, tức là họ rao giảng nhiều
điều đi ngược lại sự dạy dỗ của các sứ đồ (I Ti. 1:3). Rồi vào năm 67 khi viết
thơ cho Ti-mô-thê lần thứ hai Phao-lô nói thêm rằng: “con biết rằng mọi người ở
A-si đã xây bỏ ta…”.Trong tỉnh A-si có trên 7 hội thánh, mà hội thánh Ê-phê-sô
dẫn đầu trong hành động xây bỏ sự dạy dỗ của các sứ đồ. Thậm chí họ còn lìa bỏ
Phao-lô vào mấy năm sau cùng của đời ông trên đất. Đau đớn thay!
Năm
54 Phao-lô có viết thơ cho hội thánh Tê-sa-lô-ni-ca, “ chúng tôi không ngớt nhớ
đến công việc của đức tin, công lao của tình thương yêu, và sự nhẫn nại của hi
vọng anh em”. Lời nầy nói lên tình trạng các hội thánh đương thời nói chung.
Công việc của họ là công tác do đức tin phát sinh, công lao của họ có động lực
tình yêu thương thúc đẩy, sự nhẫn nại chịu khổ của họ có sức mạnh của hi vọng về
vinh quang động viên. Nhưng sau đó khoảng 30 năm, tình trạng các hội thánh đều
suy đồi, đến nỗi Chúa chẩn bệnh hội thánh dẫn đầu là Ê-phê-sô như sau: “ta biết
công việc ngươi, công lao của ngươi, sự nhẫn nại ngươi”.Chúa như nói: “ các
ngươi có vỏ bỏ ruột, có guồng máy, có nếp sống hội thánh theo nghi thức, có
chương trình đầy đủ mà nội dung mất rồi. Các ngươi có công việc, công lao, sự
nhẫn nại suông mà thiếu đức tin, tình yêu và hi vọng cặp theo. Các kỳ lễ, các sự
nhóm họp hòa lẫn, các chương trình đại sự của các ngươi trong Danh Ta lấy làm
“nặng nề cho Ta, Ta lấy làm mệt mà gánh lấy”. Tóm lại trong miền công tác của
Phao-lô, hội thánh Ê-phê-sô đi đầu, rồi lôi cuốn các hội thánh phụ cận, tách bỏ
sự dạy dỗ của các sứ đồ, trở nên suy đồi và nguội lạnh tình yêu với Chúa.
Tại
sao có tình huống như trên? Anh em có đặt vấn đề tại sao chăng? Chúng ta phải
tìm hiểu lý do để tránh vết xe đổ ấy cho hôm nay.
Trước
khi hội thánh Ê-phê-sô được thành lập, tức trước khi Phao-lô đến Ê-phê-sô lần
thứ hai, nhà hùng biện A-bô-lô đã ghé thăm thủ phủ đó. Ông ấy là môn đệ còn sót
lại của Giăng Báp-tít. Ông am hiểu kinh thánh. Ông có khẩu tài, có linh nóng
cháy rao giảng lời Chúa, nhưng không thấm nhuần Đường Lối của Chúa lắm.Dầu ông
có được Bê-rít-sin và A-qui-la, hai đồng công của Phao-lô, giúp đỡ đôi phần về
nội dung Tân ước, nhưng môn đồ không thể trổi hơn thầy mình là Giăng Báp-tít được.
Trước khi chết, Giăng Báp-tít dung dưỡng các môn đồ mình lập một tôn giáo mới cạnh
tranh với chức vụ của Chúa Jêsus (Math. 9:14; Giăng 4:1).
Phao-lô là người quãng đại thuộc linh nên nhìn nhận chức năng tưới nước
các hội thánh của A-bô-lô.Trong I Côr. 3:5,6 Phao-lô nhìn nhận A-bô-lô là người
cung cấp, rồi đến chương 4 cùng sách đó, ông ngụ ý A-bô-lô cũng là sứ đồ. Trước
khi qua đời, Phao-lô còn dặn dò Tít, đồng công trẻ tuổi của mình, phải ân cần
tiếp đãi, cung cấp đầy đủ cho A-bô-lô và luật sư Xê-na, đồng công của A-bô-lô,
trên đường công tác, dù họ ở trong đoàn đồng công khác, cũng như đã gây lắm nan
đề cho Thân Thể Chúa rồi.
Về mặt
tích cực, A-bô-lô có tưới nước các hội thánh thật sự. Nhưng về mặt tiêu cực, chắc
chắn do sự dốt nát thuộc linh của mình, ông cũng không thể không gieo giống xấu
các nơi, nhất là tại Ê-phê-sô. Vào thời Phao-lô giảng các lẽ thật đỉnh cao như
nội dung thơ luân lưu Ê-phê-sô mà Lu-ca nhận xét rằng A-bô-lô “ chỉ biết
báp-têm của Giăng mà thôi” (Sứ. 18:25). Điều đó chứng tỏ đồng công A-bôlô quá tụt
hậu so với chuyển động đương thời của Chúa.
Khi
cung ứng lời và công tác tại Cô-rinh-tô, A-bô-lô tạo ra vài nan đề. Sau khi ông
đi rồi, hội thánh Cô-rinh-tô chia bè lập cánh. Vì cớ đó nên theo I Côr.16:12
Phao-lô thúc giục A-bô-lô cùng đi với ông đến Cô-rinh-tô để giải quyết nan đề
chia rẽ. A-bô-lô không đồng ý đi chung với Phao-lô. Điều đó chứng tỏ, dù ông là
người thuộc linh, có ân tứ tưới nước, nhưng ông không phụng sự dưới khải tượng,
ông còn hạn hẹp trong chính mình.
Tại
Cô-rinh-tô, A-bô-lô đã gieo giống tiêu cực, thì ông cũng không thể không gieo
các điều tiêu cực khác tại Ê-phê-sô, vì ông rao giảng nhiều điều không cập nhật
với chuyển động của Chúa theo nội dung Tân ước vào thời ký đó. Từ Ê-phê-sô, các
lời giảng dạy không theo kịp thời của A-bô-lô đã phát sinh các sự dạy dỗ của
Ba-la-am (Khải. 2:14), sự dạy dỗ về đảng Ni-cô-la (c. 6,15), sự dạy dỗ của
Giê-sa-bên (c.20) gây tàn phá các hội thánh và sản sinh Ba-by-lôn lớn về sau.
Xin
Chúa dùng hình ảnh thiếu hụt của đồng công A-bô-lô cảnh cáo chúng ta đang khi
ta còn làm công tác rao giảng lời trong nhà Chúa hôm nay. Ta có rao giảng khác
với sự dạy dỗ của các sứ đồ chăng? Ta có tụt hậu so với chuyển động của Chúa
hôm nay chăng? Nguyện Chúa thương xót anh em chúng ta.. Amen./.
Minh Khải