SẢN SUẤT CÁC BÔNG TRÁI CỦA VƯƠNG QUỐC
Mathiơ 16:13-18, 21:43
HỘI THÁNH ĐƯỢC ĐỀ CẬP.
Chúng tôi đã nói khá nhiều về Vương quốc và đã hơn một lần nêu lên rằng phúc âm Mathiơ luận đặc biệt về Vương quốc. Nhưng ngay giữa phúc âm này, thình lình hội thánh được giới thiệu. Jésus không nói: “Ta sắp nói về điều khác. Ta đã nói về Vương quốc, bây giờ ta nói về Hội thánh, rồi sau đó ta sẽ nói về Vương quốc nhiều hơn nữa”. Coi như các môn đồ đã hiểu hội thánh có nghĩa gì, chớ không phải ý tưởng mới đâu. Có thể anh em kinh ngạc khi tôi bảo rằng dân Do Thái đã hiểu về hội thánh. Trong một bài giảng luận dài và lý thú, mà cuối cùng Ê tiên đã bị ném đá, Ê tiên đã nói rằng đã ở “trong hội thánh trong đồng vắng” (Sứ 7:38).
Điểm chính là hai hội thánh xưa và nay giống nhau hay khác? Dĩ nhiên có điều mới ở đây, vì Jésus phán: “Ta sẽ kiến tạo hội thánh ta”, đến nỗi bất cứ điều gì hội thánh kia có, thì hội thánh mà Ngài sắp xây dựng lại khác. Thực vậy, Ngài đã cấu tạo một dân Ysơraên mới.
Nhiều anh em từng hỏi tôi: “Sự dị biệt của Vương quốc và hội thánh là gì?” tôi không bàn chi tiết, chỉ thảo luận về các điểm kỹ thuật trong sự việc.
TẠI SAO CÓ CÁC CUỘC HỘI ĐỒNG?
Mục đích nhóm các cuộc hội đồng này là gì? Chúng tôi sẽ trả lời bẳng cách đề ra các câu hỏi khác.
Thứ nhất, tại sao Tân ước bàn nhiều về sự cung phụng lời cho cơ đốc nhân? Dĩ nhiên anh em nhìn nhận rằng đó là một thực sự. Phần lớn Tân ước liên quan đến các cơ đốc nhân.
Tại sao Phao lô, Phierơ, Giăng quá lưu tâm đến các cơ đốc nhân? Thực vậy họ đã liên hệ cách mạnh mẽ đến các cơ đốc nhân. Một lần kia Phao lô nói chúng ta không nên “lo phiền chi hết”, lần khác khi đề cập các hoạn nạn của mình ông nói thêm: “sự lo lắng về hết thảy các hội thánh”. Các con người này đã có mối lo lắng và lưu tâm về các cơ đốc nhân. Phao lô đã nói về anh em Galati “Ta vì cớ các con mà chịu cơn quặn thắt” (4:19). Nếu anh em có thể trả lời câu hỏi này anh em có thể trả lời câu hỏi thứ nhất của tôi: “tại sao chúng tôi đã tổ chức hội đồng trải nhiều năm.
Câu trả lời tìm thấy trong hai khúc kinh văn mà chúng ta đã đọc. Chúng ta có sự chuyển tiếp trong cả hai khúc kinh văn này. Trong khúc một có sự chuyển tiếp rât đẹp, còn trong khúc thứ hai có sự chuyển tiếp bi thảm.
Chúa phán cùng dân Do Thái đương thời: “Bởi vậy ta nói cùng các ngươi, Vương quốc Đức Chúa Trời sẽ cắt khỏi các ngươi, giao cho dân sinh bông trái (hoa lợi) của Vương quốc ấy”. Đó là sự chuyển tiếp bi thảm – lấy Vương quốc Đức Chúa Trời khỏi một dân và giao cho dân khác. Chúng tôi sẽ trở lại sự chuyển tiếp thứ nhất. Chúng tôi xin nói cách nhanh chóng rằng hội thánh là sự trưng tập mọi chân lý về Vương quốc Đức Chúa Trời.
Bây giờ chúng ta sẽ nhìn vào sự chuyển tiếp thứ hai này. Dân Ysơraên đã có mọi sấm ngôn của Đức Chúa Trời. Chúng ta có thể nói rằng họ có mọi lẽ thật, vì tất cả đã đến qua Môise, qua các đấng tiên tri, và họ đã có toàn bộ nội dung kinh Cựu ước, mà vốn là nội dung của Vương quốc Đức Chúa Trời trong thời kỳ phân phát cũ. Họ đã có mọi lời dạy dỗ, mọi lẽ thật, mọi luật pháp, các thi thiên và tiên tri, nhưng họ đã không sinh hoa lợi, bông trái của Vương quốc, và có một sự dị biệt rất lớn lao giữa việc có lẽ thật và sinh bông trái của lẽ thật. Có một sự dị biệt rất lờn lao giữa việc có tri thức về Vương quốc và có bông trái của Vương quốc. Anh em biết Tân ước luôn luôn nêu lên hiểm họa lớn lao trong lịch sử dân Đức Chúa Trời, vì Tân ước đã dùng sự chết của dân Ysơraên thứ nhất trong đồng vắng để cảnh cáo các cơ đốc nhân. Dân đó đã có đủ loại dấu lạ tại Ai Cập, mọi chứng cớ của chiên con vượt qua, huyết quí báu và mọi kinh nghiệm giải phóng khỏi Ai Cập và vượt qua biển đỏ bằng chính quyền năng của Đức Chúa Trời. Họ đã có mọi sự dự trù siêu nhiên của Đức Chúa Trời trong đồng vắng, nhưng thế hệ đó đã bị diệt mất trong đồng vắng. Điều đó không tạo ra chuyển tiếp lớn, và tôi nói rằng điều đó được dùng ba lần trong Tân ước như lời cảnh cáo cho các cơ đốc nhân. Rồi sách cuối cùng của Tân ước, khải thị cho thấy Hội thánh cơ đốc ở trong tình trạng suy đồi, và Chúa Jésus đã hiện ra cùng sứ đồ Giăng để đưa ra các lời cảnh cáo mạnh mẽ về sự suy đồi này.
Nên Tân ước chứa đựng lởi cảnh cáo, sự sợ hãi này, vì cớ có nhiều điều tốt dành cho họ mà họ có thể bỏ mất. Đó là câu trả lời cho nghi vấn: Tại sao có các cuộc hội đồng.
NHỮNG BIẾN ĐỘNG TRONG SINH HOẠT CƠ ĐỐC NHÂN.
Tại đây tôi xin nói cùng các cơ đốc nhân trưởng thành và có kinh nghiệm nhất, thậm chí cùng các anh em vốn là các nhà lãnh đạo, các giáo sư và các giảng sư của dân Đức Chúa Trời: Hãy cẩn thận hầu anh em không bao giờ đến chỗ Đức Chúa Trời không có thể làm điều gì lớn hơn trong đời sống anh em như Ngài đã từng làm trước kia. Anh em có thể có nhiều kinh nghiệm và nhiều lịch sử. Có thể anh em đã làm cơ đốc nhân trải nhiều năm và đã làm nhiều công tác cơ đốc cùng rao giảng, nhưng anh em đừng bao giờ đến chỗ Đức Chúa Trời không còn có thể làm việc lớn hơn cho anh em như Ngài đã làm trước kia.
Đến đây chúng tôi đã giảng dài dòng rồi. Anh em nghĩ chúng ta đến đây để làm gì? Anh em đến đây để nhận gì? Há chỉ để ghi chép các bài giảng chăng? Đó không phải là ý tưởng của tôi về hội đồng này. Chúng ta ở đây vì một biến động ý tưởng tổ chức các hội đồng này là để tạo ra các biến động, còn các lời giảng chỉ có ý định tạo ra các biến động như vậy cho chúng ta.
Tôi không nêu chính mình làm gương mẫu, nhưng các biến động đều phát sinh từ các cuộc hội đồng. Tôi đã không nói điều này trải 30 năm rồi: “có hội đồng để giảng cho các cơ đốc nhân là tốt lắm”. Đức Chúa Trời đã tạo ra một biến động hệ trọng trong đời sống tôi. Tôi đã là người cung phụng (mục sư chủ tọa) cho các giáo hội trải nhiều năm. Tôi đã tổ chức một khối lượng công tác cơ đốc lớn lao. Tôi là một mục sư bận rộn. Tôi vốn là một giáo sư Kinh Thánh. Tôi có chân trong hiệp hội giáo sư Kinh Thánh. Rồi Đức Chúa Trời đã đưa đến cho tôi một biến động, một biến động hệ trọng như vậy trong đời giảng sư của tôi, toàn bộ quá khứ tôi đều không ra gì. Kể từ biến động đó, mọi sự đều đã thay đổi. Đã có một sự cung phụng mới mẻ vì có sự sống mới. Tôi đã luôn luôn gọi đó là biến động “trời mở ra” của tôi.
Tôi không có ngụ ý tôi làm gương mẫu cho anh em, nhưng tôi đưa ra nguyên tắc. Tôi mong Đức Chúa Trời tạo biến động cho anh em, hầu cuộc đời anh em chuyển biến.
Lưu tâm và mục đích chúng tôi khi tổ chức các cuộc hội đồng này hầu anh em có thể nói: “Đức Chúa Trời đã làm một việc mới cho tôi”. Chúng tôi biết một anh em ở Bắc Âu, người mà Chúa đã dùng nhiều rồi. Anh đã đến hội đồng, Đức Chúa Trời đã gặp anh theo một đường lối đến nỗi ngày nay anh nói: “Vào lúc đó, đại hội đồng đó, Đức Chúa Trời đã ban cho tôi một quyển Kinh Thánh mới và một khải tượng hoàn toàn mới mẻ”. Kể từ đó Đức Chúa Trời đã dùng anh trải nhiều năm, mà trước đây Ngài chưa hề dùng như vậy.
Điều tôi đang nói là đã có một sự chuyển tiếp xảy ra. Tôi sẽ bắt đầu ở lúc đầu, nơi sự chuyển tiếp thực sự bắt đầu, tức sự việc gom góp các bông trái của Vương quốc vào hội thánh, có nghĩa hội thánh trở nên hiện thân các bông trái của Vương quốc.
TÍNH CÁCH RIÊNG BIỆT CỦA CHỨNG CỚ
Điều thứ nhất về Vương quốc, hoặc trong Cựu ước hay trong Tân ước là đây: Vương quốc của Đức Chúa Trời luôn luôn có tính cách chọn lọc và riêng biệt. Sự cai trị của Đức Chúa Trời đến cùng các dân tộc và đã nắm lấy một dân, chọn lọc nó khỏi nhiều dân.
Luật đầu tiên của Vương quốc Đức Chúa Trời là sự phân rẽ. Anh em sẽ chỉ vào lịch sử của Ysơraên để xem điều đó. Đức Chúa Trời phán cùng Ysơraên: “ngươi là dân biệt riêng và khác biệt với các dân khác trong thế giới”. Ysơraên đã mất tư cách dị biệt đó, vì họ cưới gả lẫn lộn với các dân tộc khác. Anh em được đọc các sách Exơra và Nêhêmi. Thật là nghiệp vụ kinh khiếp khi phải phân rẽ dân Chúa với những kẻ họ cưới gả. Họ đã đánh mất tính cách riêng biệt của sự sống và nhiệm mạng mình, và tính cách riêng biệt của chứng cớ trong thế giới. Họ đã làm mất bông trái của Vương quốc Đức Chúa Trời. Họ đã có mọi truyền thống, mọi giáo lý và sấm ngôn, nhưng họ đã mất mọi bông trái của chúng.
Nên bông trái đầu tiên của Vương quốc Đức Chúa Trời phải được khôi phục là một tình trạng tuyệt đối riêng biệt của sự sống và chứng cớ. Cơ đốc giáo đang ở trong một địa vị kinh khiếp ngày nay. Có nhiều kẻ bảo rằng thời kỳ của cơ đốc giáo đã qua, và nó không còn năng lực đáng kể nữa. Dĩ nhiên, đó là một quan điểm cực đoan, nhưng có nhiều sự thật trong đó. Tác dụng của cơ đốc giáo Tân ước đã mất cách lớn lao, không còn ai nói: “những kẻ làm đảo lộn thế giới đã đến đây”. Cơ đốc giáo đã rối loạn vì thiếu hụt quyền năng. Vì lý do gì? Hội thánh đã pha trộn với thế giới. Hội thánh đang bị lưu đày trong thế giới. Hội thánh đang sử dụng phương tiện, đường lối và tài nguyên để phát triển.
Có thể anh em bảo rằng tôi lạc hậu, nhưng tôi tin rằng không cần có mọi trò giải trí thế tục và mọi thứ điều hành cơ đốc giáo. Tôi tin rằng có thể có chứng cớ sinh động nhất và sinh hoạt hoan hỉ nhất mà không cần trò giải trí thế tục nào. Mất quyền năng vì mất tính cách riêng biệt.
NHỜ KHẢI THỊ THẦN THƯỢNG CÓ ÁNH SÁNG THẦN THƯỢNG
Tôi muốn trở lại cùng việc sinh tử này, và tôi muốn anh em lắng nghe, đặc biệt là các anh em của tôi đang có sự cung phụng lời. Trước đây tôi đã nói rằng Vương quốc của Đức Chúa Trời là Vương quốc của ánh sáng. Đó là một điều lớn đầu tiên trong biến động của tôi. Nhờ kinh nghiệm tôi đã giải thích điều này rồi. Tôi đã thuật lại thể nào tôi là một giáo sư Kinh Thánh và giảng dạy rất nhiều. Tôi vốn là thành viên của vài học viện thần học, tôi đã thường lui tới cùng họ, nghiên cứu mọi bậc thẩm quyền của Thánh Kinh. Đôi khi tôi nghiên cu1u quá nặng nhọc, đến nỗi tôi muốn đi bách bộ vì đầu óc tôi nhức nhối, quay cuồng. Tôi đã phải tìm rơm rạ để hầm gạch, một công việc nhọc nhằn, nhưng chết cóng. Mọi công tác của đầu óc tôi, lý trí tôi – tức “thịt và huyết” khải thị mọi sự cho tôi. Rồi cơn biến động đã đến. Có sự dị biệt nào? Không còn lý luận nữa, nhưng sự khải thị. Không còn công tác của đầu óc loài người, nhưng sự soi dẫn của Đức Thánh Linh. Vâng, Kinh Thánh đã trở nên một quyển sách mới. Trước kia tôi đã có thể giảng thuyết một bài dài theo thơ Ê phê sô, nhưng khi Đức Chúa Trời tạo ra sự chuyển dịch đó, tôi đã thấy những điều mà trước đây tôi chưa hề thấy trong sách đó. Linh tôi đã được giải phóng và tôi đã có một thế giới mới. Sự chuyển dịch từ sự lý luận đến sự khải thị, và đó là một sự chuyển dịch rất diệu kỳ.
NHỮNG BÔNG TRÁI CỦA VƯƠNG QUỐC
ĐƯỢC TÌM THẤY TRONG HỘI THÁNH
Bây giờ chúng ta trở về khúc Kinh Thánh đầu tiên mà chúng ta đã đọc. Khi được soi dẫn Phierơ bảo: “Ngài là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. Jésus đã phán gì? Ô, Simôn, ngươi là người có phước. Thịt và huyết đã không khải thị điều đó cho ngươi. Ngươi đã không nhận được điều đó ở trường học, hay nhờ vào thần học viện. Ngươi đã không nhận bởi nỗ lực của óc não ngươi. Thịt và huyết đã không khải thị điều đó cho ngươi, nhưng Cha ta ở trên trời”. Anh em có thể đọc qua cả Tân ước và anh em sẽ tìm thấy câu “thịt và huyết” nhiều lần, và bất cứ khi nào anh em gặp thành ngữ đó anh em thấy có một sự phủ quyết. Kinh Thánh chép: “thịt và huyết” không thể thừa hưởng Vương quốc Đức Chúa Trời” (I Cô 15:50), và các chương 1 và 2 của I Côrinhtô là một sự mở rộng cho thực sự đó. “Người thiên nhiên, thuộc hồn – một chữ khác thay cho thịt và huyết, không tiếp nhận được những điều của Linh Đức Chúa Trời…, người không thể biết chúng” (I Cô 2:14). Thịt và huyết không thể biết những điều của Linh Đức Chúa Trời, nhờ Linh mới biết được.
Đây là một sự chuyển dịch. Phierơ đã nhận được mọi lời dạy dỗ của Jésus và đã thấy các công tác kỳ diệu của Ngài. Ông đã biết mọi điều đó, nhưng tất cả không thể cứu ông khỏi việc chối Chúa. Phierơ đã mâu thuẫn với những lời dạy dỗ thụ huấn, nhưng sau đó ông đã thấy “trời mở ra” và được phóng thích khỏi chính mình. Sự chuyển dịch lớn lao đã xảy ra. Bây giờ lời dạy dỗ đã nên sinh động. Trước kia chỉ là chân lý, lời, bây giờ nên sinh động. Ông đã bước vào bông trái của Vương quốc, và bông trái của Vương quốc là sự sáng. Ysơraên cổ đã bước vào bóng tối. Jésus phán cùng họ “các con của Vương quốc sẽ bị ném vào tối tăm ở ngoài” (Mathiơ 8:12), và đó là nơi họ đã ngụ trải 2000 năm rồi – trong sự tối tăm ở ngoài “với sự khóc lóc và nghiến răng”. Vương quốc đã cất khỏi họ để giao cho một dân sinh hoa lợi của Vương quốc, và Phierơ bảo rằng đó là Hội thánh, tức dân tộc thánh, đến nỗi trong hội thánh các bông trái của Vương quốc được tìm thấy.
DỐC CẠN BẢN NGÃ ĐỂ KẾT QUẢ NHIỀU HƠN
Tôi nói rằng khúc này trong Mathiơ 16 tượng trưng một sự chuyển dịch lớn lao. Đó là sự chuyển dịch ra khỏi mọi điều gì ngụ ý là thịt và huyết, sự chuyển dịch khỏi năng lực thiên nhiên, khỏi trí tuệ thiên nhiên và mọi điều gì trong chúng ta thậm chí trong cơ đốc giáo để chuyển qua những gì trong sự sống và sự khải thị. Anh em có muốn điều đó chăng? Với tất cả những gì anh em có thể có, há anh em không muốn có nhiều hơn sao? Tiếp sau sự chuyển dịch trong đời sống mình, ông đã cứ tiến lên luôn. Chúng tôi đã nói rằng sau biến động lớn đó, ông còn vài biến động khác, nhưng mỗi biến động mới mẻ đều đưa ông vào các bông trái của Vương quốc càng hơn.
Anh em đang làm gì về điều đó? Anh em có đang nói: “Chúa ôi, xin làm cho tôi như vậy!” Anh em có muốn điều đó chăng? Anh em có sự can đảm để làm điều đó chăng? Anh em có nhận biết rằng ngay sau thời kỳ trong Mathiơ 16, Jésus đã bắt đầu bảo cùng các môn đồ mình rằng Ngài phải đi lên Giêrusalem, bị phó vào tay kẻ ác và họ sẽ giết Ngài chăng? Phierơ nói: “Chúa ôi, không được đâu. Điều đó không xảy ra cho Chúa đâu”. Vào lúc đó Phierơ gặp nguy cơ là đang đóng cửa trời lại, vì cửa trời mở ra nằm bên đường thập tự. Anh em sẽ chỉ có thêm bông trái của Vương quốc khi anh em giảm bớt các hoa lợi của bản ngã. Phierơ đã dốc cạn bản ngã chính mình trong thập tự của Chúa Jésus. Ông là con người đã bị phá vỡ, nhưng đó là con đưởng dẫn đến sự sung túc thiên thượng.
Anh em có thưa, “Chúa ôi, xin cho mọi điều này nên thiết thực cho tôi” chăng?