Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

CÂY PHỦ VIỆT NHÀ GIU-ĐA




  1. Cụ Gia-cốp nói tiên tri về nhà Giu-đa: “Cây phủ việt chẳng hề đời khỏi nhà Giu-đa, kẻ lập pháp không dứt khỏi giữa chơn nó cho tới chừng Đấng Si-lô hiện tới”.
    Phủ việt là cái rìu và cái búa do vua cấp cho đại tướng cầm quân để trừng trị kẻ có tội. Nghĩa đen thì phủ việt là vương trượng, quyền trượng của quốc gia, thường làm bằng vàng.
     Bản ASV chú thích “kẻ lập pháp” là: a lawgiver, đó là Christ, Đấng lập pháp. Nhờ sự soi dẫn từ lời chúc phước trên của Gia-cốp, nên người chắt chít dòng vua, là Gia-cơ, đã đặt bút viết: “Chỉ có một Đấng lập pháp, một Đấng xét đoán, tức là Đấng có thể cứu cũng có thể diệt… cho đến chừng Chúa (là Đấng Si-lô) hiện đến, … kìa quan án đứng trước cửa”. Dù quan án có quyền tư pháp, là Đấng Si-lô chưa đến, nhưng Chúa đã giao phủ việt, cờ mao, quyền hành pháp “có thể cứu, cũng có thể diệt” cho nhà Giu-đa, và giữa họ có Đấp lập pháp, hằng sống, thường xuyên ban mệnh lệnh, các nguyên tắc chỉ đạo cho dân Đức Chúa Trời. Quyền bính hành pháp của nhà Giu-đa chính là quyền bính Đấng Christ thăng thiên giao cho các sứ đồ hôm nay.
    Theo sự bố trí thần thượng ở Dân số ký 2 và 10, Giu-đa trực tiếp lãnh đạo Y-sa-ca, Sa-bu-lôn và cũng gián tiếp chỉ đạo, phối hợp và tương giao với ba đoàn của Ru-bên, Ép-ra-im và Đan lãnh đạo. Bốn cánh quân này như bốn đoàn công tác của Chúa. Ngài không bao giờ có ý định tập trung hóa các công nhân, tức các người hướng dẫn dân Ngài thành một đoàn thống nhất. Phao-lô tự chứng: “chúng tôi chẳng muốn khoe khoang quá mực, chỉ theo giới hạn mà Đức Chúa Trời đã phân chia cho chúng tôi làm mực”. Tuy vậy, theo thứ tự trước sau, có chiều ngang thì cũng có chiều dọc, Gia-cốp dành quyền ưu tiên cho Giu-đa: “Hỡi Giu-đa! Các anh em sẽ khen ngợi con… các con trai cha sẽ quì lạy trước mặt con”.
    Ba đoàn công tác kia được ba người hướng dẫn là Ru-bên đức độ, Ép-ra-im năng nỗ và Đan sâu sắc lãnh đạo trực tiếp. Nhưng Kinh thánh khải thị rõ thế nào họ vẫn luôn phối hợp và thuận phục Giu-đa cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Khu vực trách nhiệm khác khu vực bè phái.
    Đầu sách Quan xét chép: “Sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên bèn cầu hỏi Đức Giê-hô-va mà rằng: ai là người trong chúng tôi sẽ đi lên trước mặt đặng đánh dân Ca-na-an? Đức Giê-hô-va đáp rằng: ấy là người Giu-đa phải đi lên, kìa ta đã phó xứ vào tay họ”. Đọc tiếp anh em sẽ thấy do sự phối hợp với Giu-đa mà Si-mê-ôn nhận được cơ nghiệp sớm, mà Si-mê-ôn ở dưới cờ hiệu của Ru-bên thống lĩnh. Giu-đa độc quyền và kiêu ngạo chăng? Không bao giờ.

    Thi thiên 68 miêu tả cuộc chuyển động khải hoàn của Chúa trên trái đất hôm nay. Nhìn vào đoàn quân chinh phục đắc thắng có thừa ấy, anh em thấy: “kìa, Bên-gia-min nhỏ, là người cai trị chúng nó, các quan trưởng Giu-đa và hội đồng của họ, các quan trưởng Sa-bu-lôn và các quan trưởng Nép-ta-li”. Tại sao theo sự bố trí ở Dân số ký, Bên-gia-min đã phải theo cờ hiệu Ép-ra-im, còn Nép-ta-li đồng công với Đan, mà ở đây hai chi phái ấy gây xáo trộn và bước theo chân của Giu-đa? Chúa có mâu thuẩn với chính Ngài chăng? Thi thiên 68 mặc khải rằng Bên-gia-min trị vì, Sa-bu-lôn và Nép-ta-li cai trị, còn Giu-đa tể trị, có quyền lập pháp.
     Ép-ra-im vì ganh ghét Giu-đa nên đứng lên phá hủy kế hoạch phối hợp với bốn cánh quân, lãnh đạo mười chi phái, lập một nước khác kình địch vương quyền nhà Giu-đa. Chỉ còn Bên-gia-min và một thiểu số từ các chi tộc khác về cùng Giu-đa, cho nên cuộc chuyển động của Thi thiên 68 là sự di hành công tác của thiểu số người đắc thắng rải rác ủng hộ cây phủ việt Giu-đa.

    Đức Chúa Trời rất quãng đại, nhẫn nại cho phép đoàn của Ép-ra-im tồn tại và phụng sự Ngài cùng mở rộng vương quốc (thực ra là bộ mặt pha trộn của vương quốc) giữa các dân tộc. Thí dụ Thi thiên 80 mô tả sự dấy lên của đoàn Ép-ra-im trong tình trạng thất bại đáng thương. Ngài vẫn sai phái Ê-li, Ê-li-sê, Giô-na, A-mốt củng cố và bồi dưỡng họ. Đoàn công tác của Ép-ra-im, theo sách tiên tri Ô-sê phác họa là một dự biểu về đoàn công tác của Lao-đi-xê giàu có sau này. Ép-ra-im là vỏ bọc Giu-đa; Lao-đi-xê là cái tán, cái lộng rầm rộ che cho Đấng Christ ngự trên ngai lập pháp của Phi-la-đen-phi. Giô-na-than có cái nhìn thuộc linh sâu sắc, nên tỏ bày ước ao cùng Đa-vít: “Anh (Giu-đa) sẽ làm vua Y-sơ-ra-ên, còn tôi (Bên-gia-min) sẽ làm tể tướng anh”.

    Điều đó là đúng, nhưng với Phao-lô ở Tân ước thì lại sai lầm. Phao-lô đã bách hại Đường lối cách nhiệt thành trước khi ông, một người Bên-gia-min qui phục vương quyền Giu-đa của Jesus, Chủ của Đường lối. Nhưng sau khi đầu phục và phối hợp với chi phái Giu-đa, Phao-lô quá mê tâm khi nghe theo người Giu-đa là lãnh tụ Gia-cơ, đến nỗi suýt phá hỏng cuộc gia tể Tân ước của Chúa, qua việc làm dối trá che mắt thiên hạ ở Sứ đồ 21. Phối hợp, tương giao với Gia-cơ (cây phủ việt thời đó) là tốt, vì đó là cách giữ sự hiệp nhất của toàn thân thể, để cho một dòng chảy thần thượng từ Giê-ru-sa-lem tưới mát tất cả; nhưng Gia-cơ chỉ tể trị chung, còn Phao-lô phải trị vì trong giới hạn Đức Chúa Trời phân định cho mình. Phao-lô không phản loạn quyền bính tể trị là đúng, nhưng khi ông nhường cờ hiệu có sắc thái riêng của mình – sự giảng phúc âm cho kẻ không chịu cắt bì (Gal 2: 7) – cho Gia-cơ, thuộc chi phái Giu-đa, là sai lầm đáng trách. Mỗi đoàn công tác đều có màu sắc công tác riêng theo sự ủy nhiệm và ký thác của Chúa. Đừng đồng nhất hóa các hướng công tác và bản chất công tác của riêng mỗi đoàn
     Tôi buồn cười khi thấy các sự phối hợp của các công nhân Chúa hôm nay không giống bức tranh rập ràng ở Dân 2: và 10: Ông anh Ru-bên, người đôn hậu cao niên, tuy anh là người nhu nhược, bị hoen ố thân thể và danh giá mình, nhưng anh vui lòng dẫn đoàn mình “đi sau” đoàn của người em vốn có nhiều ta-lâng hơn mình. Hồn của Ép-ra-im rất năng nổ sôi trào, có máu ưa đứng đầu như Đi-ô-trép. Trong quá khứ Ép-ra-im đã khai chiến với Giép-thê, người Ma-na-se để này tỏ sự ghen tỵ và giành giựt vinh dự. Họ nói: “Vì sao ngươi đi đánh dân Am-môn không gọi chúng ta đi với? Chúng ta sẽ đốt nhà ngươi luôn với ngươi”. Họ nào kinh nghiệm lời vàng của Phao-lô: “chớ làm chi vì phe đảng hoặc vì hư vinh”.

    Sau khi ủng hộ Áp-sa-lôm thất bại, người Y-sơ-ra-ên mà Ép-ra-im là chủ chốt, đã tranh chấp gay gắt cùng Giu-đu vì sợ rằng Giu-đa sẽ chiếm chỗ cao hơn họ trong vương triều phục hồi của Đa-vít. Tôi thấy các công nhân ngày nay chỉ tìm cách hại nhau đến chết, dìm nhau chớ ít khi thấy họ “nhận biết ân điển đã ban cho” bạn mình, do đó ngăn trở sự giao lưu giữa các công nhân Đức Chúa Trời. Chớ phủ nhận nhau, hãy tiếp nhận nhau “vì Đức Chúa Trời đã tiếp nhận người”.

    Theo tâm lý chung không ai chịu mang danh kẻ đến sau trong cuộc chuyển động của Chúa. Người đi trước thường lấy thái độ của “kẻ biết rồi” với anh em hậu đội. Phải chăng đó là lý do mà anh Đan sâu sắc đã phải trở nên kẻ phản loạn sau cùng, vì bị tập thể kinh thường, xua đuổi? Kẻ rốt trở nên đầu. Hiệu năng thuộc linh của công nhân định vị họ. Nhưng chúng tôi thấy dầu hậu đội có năm ta-lâng đi nữa, Đan cũng không nên loại trừ Giu-đa, vì Phao-lô có ân tứ lớn đâu đã xóa bỏ ảnh hưởng của Gia-cơ đi trước?
    Cầu xin Tướng Đạo Binh của Đức Giê-hô-va, thương xót điều động cho các anh Giu-đa, Ru-bên, Ép-ra-im và Đan tương giao với nhau trong linh, phối hợp nhau trong trật tự thần thượng, chuyển vận hòm giao ước, chuyên lo chinh phục Đất Lành là Đấng Christ tổng bao hàm. Amen./.
    Minh Khải