Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

NGÀ VÀ LAM BỬU THẠCH


NGÀ VÀ LAM BỬU THẠCH


          Tân phụ Su-la-mít nói thêm về Người yêu của nàng: “Thân mình người khác nào ngà bóng láng cẩn ngọc xanh”.
Thực ra chữ “thân mình” ở đây nên dịch là bụng (lòng) như ở 5: 4 “lòng tôi cảm động vì cớ người”. Cả hai chữ này là meim theo tiếng Hi bá lai.
Meim dịch là “ruột” ở Ê-xê-chi-ên 3: 3 – Sách Chúa được bụng Ê-xê-chi-ên ăn đến đầy ruột. Ê-xêch 7: 19 theo nguyên văn là: “hoặc vàng, hoặc bạc không thể làm chúng nó no hồn, không thể làm cho chúng nó đầy ruột…”. Nghĩa đen của meim là bowels (ruột già) – hiểu nghĩa bóng là lòng dạ, phần sâu kín, bụng.
Còn ngọc xanh ở đây là Lam ngọc, Thanh ngọc hay đá Lam bửu, màu thiên thanh. Xuất 24: 10 chép “Đức Chúa Trời Y-sơ-ra-ên, dưới chân Ngài có một vật giống Lam ngọc trong ngần, khác nào như sắc trời thanh quang”. Vậy Lam bửu thạch dẫn ý về thượng giới và những gì trên trời.
Ngà ngụ ý điều gì? Ngà cũng là xương, xương voi. Voi chịu chết hoặc đau đớn mới sinh ra ngà. Ngà ám chỉ sự sống, nhân tính phục sinh của Christ, còn đền ngà ở trong Thi Thiên 45 là các Hội thánh kiến tạo bằng Christ phục sinh. Do đó, lòng dạ bằng ngà ở đây là tấm lòng cấu tạo bằng nguyên tắc phục sinh, không phải lòng dạ thiên nhiên, chật hẹp, vị kỷ. Còn cẩn Ngọc lam bửu là lòng dạ hướng thượng và chỉ chứa đựng những gì thuộc về trời.
Có lời chép về bụng dạ của Chúa Jesus Christ chúng ta như sau: “Sự sốt sắng về nhà Chúa tiêu nuốt tôi” – “Đương khi còn ban ngày, chúng ta cần phải làm công việc của Đấng đã sai ta…”. “Chúng ta hãy đi nơi khác, vào những làng gần đây, để ta cũng rao giảng ở đó nữa, vì cốt tại việc đó mà Ta đã đến” – Mặt Ngài quyết hướng đến Giê-ru-sa-lem để làm xong mọi điều Cha giao phó.
Hơn nữa trong con người nhân tánh của Christ, Ngài chứa nổi cả bản thể Đức Chúa Trời. “Vì sự đầy đủ của thể yếu Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Ngài cách có hình thể… Trong Ngài đã giấu kín mọi của báu về sự khôn ngoan tri thức”. “Cha thương yêu con đã giao hết mọi sự trong tay Con” – Sau khi phục sinh, Con Người Jesus Christ hưởng mọi sự từ Cha, như: bản thể, thuộc tánh, mỹ đức, vương quốc, ngai vàng, vinh quang, vinh dự của Cha – Đó là lòng dạ bằng ngà bóng láng cẩn Ngọc lam bửu.
Về lòng dạ mình thánh Augustine cầu nguyện: “Ngôi nhà của hồn tôi quá chật hẹp cho Ngài bước vào, xin Ngài mở rộng nó. Nó đổ nát, xin Chúa xây dựng lại. Tôi thú nhận và tôi biết rằng nó chứa đựng nhiều điều làm phật ý mắt Ngài”.
Chúa phán: “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, Đấng đã đem ngươi lên khỏi xứ Ai-cập, hãy hả hoác miệng ngươi ra, thì Ta sẽ làm đầy dẫy nó” (Thi  81: 10). Nhưng lòng chúng ta chật hẹp biết bao! Lòng dạ ta như đất có đá khiến lời Chúa như lúa giống mọc không sâu. Lòng chúng ta quá nhỏ bé đến nổi Chúa than phiền: “lời Ta không tiến hành được trong các ngươi” (Giăng 8: 17).
Lòng dạ nhiều tín đồ không chứa được Chúa và lời Ngài bao nhiêu. Chúa và lời Ngài bị nghẹt ngòi trong họ. Vì lòng dạ quá ích kỷ, nhỏ bé nên họ chưa hề có kinh nghiệm này của Phao-lô: “Tôi nghĩ đến hết thảy anh em dường ấy là phải lắm, vì anh em ở trong lòng tôi”. Chúng ta không thể bao hàm mọi anh em, nhất là các anh em có ân tứ cao trọng hơn mình.
Phao-lô khuyên anh em vị kỷ ở Cô-rinh-tô như sau: “Hỡi người Cô-rinh-tô, đối với anh em miệng chúng tôi hả ra, lòng chúng tôi mở rộng. Anh em hẹp hòi chẳng phải tại chúng tôi, bèn là tại chính anh em hẹp dạ… Tôi nói với anh em như nói với con trẻ. Anh em cũng hãy mở rộng (lòng) ra”. Con trẻ chưa có bụng dạ bằng ngà, bằng Christ phục sinh, nên bị hạn chế mọi mặt.
E-xơ-ra cầu nguyện: “Hồn tôi dính vào bụi đất, xin hãy khiến tôi sống lại tùy theo lời Chúa”. Phao-lô cũng khuyên: Hãy để tâm chí xu hướng về các sự ở trên, đừng xu hướng về các sự dưới đất”. Nhưng trong thực tế bụng dạ anh em chúng ta vừa nhỏ hẹp, vừa hướng nội để lấy mình làm chúa và kiêu ngạo; rồi còn nhìn xuống để tìm những gì mau qua trong trần thế.
Những tấm lòng vàng, lòng rộng rãi như cát bờ biển như lòng Sa-lô-môn ở đâu? Bụng dạ nhỏ bé phải trãi qua cơn đau đớn để được tái tạo bằng ngà, bằng Christ phục sinh thì bụng dạ đó mới được mở rộng. Kẻ có lòng rộng rãi không còn lấy mình làm trung tâm, nhưng chứa đựng nổi Đức Chúa Trời vô hạn và Thân Thể Con Ngài. Tấm lòng đó tự động hướng thượng, tâm ý chăm về việc của Đức Chúa Trời, cũng không chăm về lợi riêng mình, nhưng chăm về lợi kẻ khác nữa. Bụng dạ giống như ngà cẩn Ngọc lam bửu là như vậy./.