Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Ai ăn thổ sản ca-na-an?




Trong thơ Colose, Phao lô nói rằng mọi nghi lễ, yến tiệc, hình thức trong Cựu ước “đều là cái bóng của những sự sẽ đến, còn thể thì là Đấng Christ”. Đấng Christ là cái thể, là thực tế của mọi nội dung Cựu ước. Vậy hình ảnh nào trong Cựu ước là hình bóng của cái thể trong hai câu Kinh thánh ở Colose 2:6-7, chép rằng, “anh em đã tiếp nhận Christ Jesus là Chúa thể nào, thì hãy ăn ở (bước đi) trong Ngài thể ấy, châm rễ và xây dựng trong Ngài”.


 Nếu không có cái bóng trong Cựu ước thì hai câu Kinh thánh trên rất trừu tượng khó hiểu. Vì Chúa là gì để chúng ta có thể bước đi, châm rễ và xây dựng trong đó?-- Vâng, Chúa tương tợ đất đai, như là miếng đất, là xứ Canaan cho chúng ta sinh hoạt trong đó.

Sáng thế ký 1:9 chép, “ phải có chỗ khô cạn bày ra... Đức Chúa Trời lập cảnh vườn tại Ê đen ...Giê hô va Đức Chúa Trời khiến đất mọc lên các thứ cây đẹp mắt, và trái thì ăn ngon, giữa vườn lại có cây sự sống...”. Y sác chúc phước tiên tri cho Gia cốp: “ nầy mùi hương của con ta khác nào mùi hương của cánh đồng mà Đức Giê hô va ban phước cho...cầu xin Đức Chúa Trời cho con sương móc từ trời xuống, được màu mỡ của đất, và dư dật lúa mì cùng rượu”. Môi se nói cùng thế hệ thứ hai của dân Israel, “vì Giê hô va Đức Chúa Trời ngươi sẽ khiến ngươi vào xứ tốt tươi, có nhiều khe, suối, nước sâu phun lên trong trũng và trên núi, xứ có lúa mì, lúa mạch, dây nho, cây vả, cây lựu, dầu ô-liu và mật, xứ đó ngươi sẽ ăn bánh đầy đủ, chẳng thiếu món chi, đá xứ đó là sắt và từ trong núi ngươi lấy đồng ra”.Tất cả các khúc kinh thánh trên đây và nhiều câu khác nữa đều là hậu cảnh của Colose 2:6-7. Đấng Christ là đất đai, là đất hứa để chúng ta cư trú trong đó. Ngài như là đất màu mỡ và chúng ta như cây đẹp mắt có trái ngon, chăm rễ và lớn lên trong Ngài.

Theo Dân số ký 33, sau 42 trạm thử thách kể từ ngày xuất hành ra khỏi Ai cập, tuyển dân thế hệ thứ hai được vào đất hứa. Còn theo Mathio 1, sau 42 thế hệ gian khổ, con cháu Áp ra ham, tượng trưng người tín đồ của dòng dõi Người Thứ Hai, được đến Đấng Christ. Vậy Đấng Christ là thực tại của đất lành mà con dân Isarel vào chiếm hữu cùng định cư. Và xin anh em đừng cười lầm Phao lô lẩm cẩm khi ông đã trải qua hơn 30 năm theo Chúa, tức khi thân thể tàn tạ, bị lao lý, ông lại đặt bút viết: “hầu cho tôi được (to gain) Đấng Christ và được ở trong Ngài” (Phil. 3:8-9). Há không phải Phao lô đã ở trong Chúa khi mới tin Ngài lúc đầu tiên sao, mà lúc gần lâm chung ông còn mong được ở trong Ngài nữa?

Bản khôi phục dịch câu “được ở trong Ngài” là “được nhận thấy trong Ngài”, có nghĩa được chìm ngập, đồng hóa, thấm nhuần trong Chúa. Đó là mục tiêu Phao lô thời Tân ước mà vốn là đích điểm của thánh đồ Cựu ước. Và những ai đã trải nghiệm 42 trạm do Chúa xử lý ấy, đến khi người bề ngoài “sợ sệt mà lên cao, và hãi hùng lúc đi đường, lúc ấy cây hạnh trổ bông, cào cào trở nên nặng, và sự ước ao chẳng còn nữa”, người ấy sẽ định cư tại xứ thánh, ngồi dưới gốc cây nho và dưới cây vả thưởng thức đầy đủ mọi hương vị của thổ sản Canaan.

Sau đây là một số thổ sản Canaan mà chúng tôi thấy Chúa đã từng dọn bàn cho các thánh đồ trong xứ thánh trước mặt kẻ thù nghịch của họ:

Thứ nhất là mỡ của lúa mì. Thi thiên 81: 16 chép, “Ta (Chúa) sẽ lấy màu mỡ ngũ cốc (mỡ lúa mì) mà nuôi họ. Hạt lúa mì nói lên cuộc sống nhân sinh hạn chế và yếu ớt của Đấng Christ và cơ đốc nhân. Hạt lúa mì phải bị chôn xuống đất và tiêu hủy đi mới có ích lợi. Đấng Christ là Đấng Tạo Hóa toàn năng, nhưng Ngài phải cam chịu hạn chế  trong thân xác yếu ớt, phải im lặng trước các lời thách đố ngạo mạn cùng “lời cứng cỏi mà các tội nhân bất kỉnh kia đã nói nghịch Ngài”. Chúng ta được ăn mỡ lúa mì, mỡ béo của Đấng Christ là sự nhịn nhục, kiên nhẫn khi theo Chúa mà “vô cớ chúng nó gài kín lưới cho tôi, và vô cớ đào một cái hầm cho hồn tôi”.

Thứ hai, Đức Chúa Trời phán “và làm cho ngươi được no nê bằng mật ong nơi vầng đá”. Đá thiên nhiên nguyên khối trong Kinh thánh ám chỉ bản ngã chưa xử lý của chúng ta. Sau nhiều năm được Chúa trừng trị, đập vỡ bản ngã, chúng ta đã vỡ ra trong ô nhục. Trong thể yếu bản ngã mình, chúng ta thấy có sức sống mãnh liệt. Nó đã từng quyết tâm không xin lỗi mình phạm thật sự, cắn răng cố quyết giữ lập trường xác thịt của mình. Không có nghĩa hôm nay bản ngã trở nên nhu nhược, dao động, nhưng những cứng rắn, cố ý thuở xưa nay đã buông trôi. Đó là phút giây no nê vị ngọt của mật ong từ bản ngã nằm dài trước mặt Chúa. Chúng ta không còn muốn dành điều gì cho mình cả (Phục 32:13b).

Thứ ba, “người có uống huyết của nho như rượu” (Phục 32:14). Nước vắt của trái nho màu tím đỏ, để lâu nước sẽ lên men thành rượu. Hồn lừa đảo của Gia cốp thật sự tan vỡ dần , không phải chỉ tại Phi nê ên khi thiên sứ đấm trẹo hông, nhưng khi ông đã từng ngậm bồ hòn vì biết bố vợ là La ban 10 lần lừa đảo mình, và ngậm miệng khi dần dần ngầm hiểu bọn con mình gạt mình trong vụ Giô sép mất tích, vì chính mình đã từng lừa cha, gạt anh trước rồi. Vua Đa vít tan nát cõi lòng, xấu hỗ cực độ và ngậm miệng khi ông thấy con đầu lòng Am nôn bắt chước mình, bắt gái hãm hiếp, thấy Áp sa lôm loạn luân, định giết cả đến ông, vì gươm của Chúa báo trả tội tà dâm và sát nhân của mình. Hồn dơ bẩn “theo cách ăn ở hư không của tổ phụ truyền lại” sẽ chóng vỡ tan trong sinh hoạt gia đình đông người, khi con cái biểu hiện tánh cũ của cha mẹ. Sau khi bị Chúa cho người ta chà đạp mình tan vỡ cùng cực, huyết nho sẽ tràn chảy, đó là rượu mà Chúa, Lương Nhơn của ta cũng mong uống lấy (Nhã 5:1).

Thứ tư, “ dầu của đá lửa cứng hơn hết” (Phục 32:13). Chúa nói cùng Ê xê chi ên, “Ta làm cho trán ngươi cứng như kim cương, cứng hơn đá lửa”. Đó là sự trang bị, sự cứng rắn, vững chắc thuộc linh, có cần khi hầu việc Chúa. Còn về tính ngoan cố, bướng bỉnh thiên nhiên của dân Ngài, Chúa miêu tả: “hỡi Israel, vì Ta biết ngươi cứng cỏi, gáy ngươi là gân sắt, trán ngươi là đồng”( Ê sai 48:4). Thú thật có nhiều sự việc phải sau nhiều năm chúng ta mới vâng phục Chúa để làm theo. Nếu không cứng đầu, cứng cổ, mà vâng lời Chúa sớm hơn, các lời phước hạnh nầy đã xảy ra cho chúng ta từ lâu rồi: “ôi chớ chi dân Ta khứng nghe Ta...thì chẳng bao lâu Ta chế phục các thù nghịch của chúng nó...” (Thi 81:13-14). Tình trạng đầu hàng, buông bỏ mọi sự, phó mình vào tay Chúa, đã truyền dầu Thánh Linh liên tục tưới ướt chúng ta. Đó là một ít thổ sản mà chúng ta, những người hèn mọn đã vui hưởng đôi phần. Cám ơn Chúa.

Tóm lại, những ai đã bị phá vỡ, bị xử lý tan nát bản ngã, những người đó đang ở trong đất hứa, là Đấng Christ, là Thân Thể hữu cơ của Ngài—họ đang ăn thổ sản vậy./.
Minh Khải.