Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

NGAI PHÁN XÉT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

NGAI PHÁN XÉT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

I.QUAN ÁN TOÀN TRÁI ĐẤT:

   Theo Sáng thế ký 18:25, Áp-ra-ham xưng nhận Đức Chúa Trời là “Quan Án của cả trái đất”. Nhưng Đức Chúa Trời Cha giao quyền phán xét cho Con Ngài là Chúa Jesus, như Giăng 5:22 nói: “Cha cũng không phán xét ai hết, nhưng giao trọn quyền phán xét cho Con”. Còn trong Công vụ 17:31, Phao-lô cho thấy rằng “vì Ngài (Đức Chúa Trời) đã ấn định một ngày mà Ngài sẽ lấy sự công chính phán xét thế giới bởi Người (Jesus) Ngài đã lập”.
   Chúa Jesus là Thẩm Phán tối cao của cả trái đất. Esai 33:22 khải thị Đức Giê-hô-va (Chúa Jesus) có ba quyền là: tư pháp, lập pháp và hành pháp trong cả vũ trụ.
II. PHÂN BIỆT TÒA ÁN VÀ NGAI PHÁN XÉT

    Chúa sẽ xét xử mọi tín đồ tại tòa án của Ngài. 2 Cor. 5:10 nói “vì tất cả chúng ta đều phải bị phơi bày (nguyên văn) trước tòa án Christ để mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hoặc ác mình đã làm lúc còn trong thân xác”. 1 Cor. 4:5 cũng nói, “vậy chớ nên xét đoán quá sớm, hãy đợi Chúa đến, Ngài sẽ đưa ra ánh sáng những gì hiện đang được che giấu trong bóng tối, và phơi bày những mưu định trong lòng”. Còn Rô 14:10 chép, “vì tất cả chúng ta ( là Phao-lô và thánh đồ Rô ma, chớ không phải người vô tín) đều sẽ ứng hầu ( nguyên văn: “đứng”) trước tòa án của Đức Chúa Trời...” Chúa phán...mọi đầu gối sẽ quì trước mặt Ta”. Như vậy mọi người chúng ta sẽ tường trình về chính mình với Đức Chúa Trời”.
   Theo tiếng Hi lạp, từ ngữ “tòa án” ở 2 Cor. 5:10 và Rô 14:10 là “bema”, nên dịch là  the tribunal, the judical bench, ghế dài của quan tòa, chứ không phải là thronos (throne), là ngai như ở Mathio 25:31, và Khải 20:11.
   Tân ước chép hai lần về tòa án xét xử tín đồ ở 2 Cor. 5:10 và Rô-ma 14: 10; và hai lần chép về ngai phán xét người vô tín ở Mathio 25:31 và Khải 20:11.
   Mathio 25:31, “khi Con người (Chúa Jesus) ngự đến trong vinh quang với tất cả các thiên sứ, Ngài sẽ ngồi trên ngai vinh quang. Muôn dân (còn sống sót sau đại nạn) sẽ tụ họp trước mặt Ngài...”. Còn Khải 20:11,12 chép, “ bây giờ tôi đã thấy một ngai lớn và trắng với Đấng ngồi trên ngai....Tôi đã thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ đều đương đứng trước ngai”.
   Ngai để xét xử dân vô tín, tòa án để phán quyết về thánh đồ. Vì theo Giăng 5:24, sau khi tin Chúa, tín đồ được xá miển án phạt tội lỗi mà mọi tội nhân đáng phải gánh chịu, Heb.9:27.

III. DÂN PHẢI HẦU TÒA VÀ DÂN ĐỨNG TRƯỚC NGAI:

1. Người Khai Trình Và Người Bị Cáo:
   Chúng ta phải sáng tỏ một vấn đề: tín đồ phải khai trình, nộp bản tự khai trước tòa án về quá trình sống và làm việc của mình kể từ ngày tin Chúa. Còn các bị cáo vô tín phải đứng trước vành móng ngựa hoặc của ngai vinh quang hay của ngai lớn và trắng để bị xét xử. Các bị cáo không tự khai bao giờ. Quan tòa phải nhờ đến thiên sứ làm nhân chứng, sách vở hồ sơ lý lịch, và sự nghị án của Bồi thẩm đoàn. Tất cả để chứng minh cho các bị cáo thấy rằng họ là tội nhân. Họ phải ngậm miệng và nhận tội lỗi mình đã làm. Esai 27:12, Khải 20:4, Rô 3:19.

2. Người Vô Tín Sống Và Người Vô Tín Chết:
   Công vụ 10:42 và 2 Tim.4:1 khải thị Chúa Jesus là Quan án xét xử người sống và kẻ chết vô tín.
   Sau chiến trận Hạt-ma-ghê-đôn để kết thúc cơn đại nạn, các dân tộc còn sống sót trên mặt đất rất là ít oi, như các trái ô-liu thưa thớt còn sót lại trên cành cây sau mùa hái trái. Đó là minh họa sống động của nhà tiên tri Ê-sai (24:13). Họ là dân vô tín còn sống sót, được thiên sứ đưa về thung lũng Giô-sa-phát, bên kia suối Xết-rôn, ngoại ô thành phố Jerusalem. Và cuộc xét xử  được Mathio 25:31-46 trình bày rõ ràng. Dân Israel và cơ đốc nhân sót lại trong đại nạn không làm bị cáo tại đây. Bị cáo vô tín được kể là “chiên” sẽ làm công dân vương quốc ngàn năm trên đất ngay sau đó. Bị cáo bị kể là “dê” được đưa vào hồ lửa ngay. Họ sẽ gặp Antichrist và tiên tri giả, hai lãnh tụ của họ, mà đã vào đó trước họ rồi. Đó là sự xét xử dân vô tín còn sống.
   Sau phiên toà nầy một ngàn năm, sẽ có ngày phán xét chung cuộc trên dân vô tín mà đã chết kể từ thời A-đam. Ngục tạm giam là âm phủ đã quản chế họ từ ngày có người vô tín chết đến giờ đó. Người ở lâu hơn hết trong đó đã chịu khổ trong lửa đến 7000 năm rồi. Sau 1000 năm bình an, họ sẽ sống lại để ứng hầu trước ngai lớn và trắng.
   Không có ai là tín đồ làm bị cáo vào lúc đó. Theo 1Cor. 6:2,3 và Khải 20:4, tín đồ làm bồi thẩm đoàn, để giúp đỡ Chánh Án xét xử dân vô tín trong khu vực mà họ đã sống chung với dân vô tín ấy trước kia trên đất. Vì thánh đồ biết cuộc sống tội lỗi của họ.
   Mọi sách vở, hồ sơ lý lịch được mở ra, để mọi bị cáo ngậm miệng nhận tội mình. Sau đó Chúa cho mở sách sự sống đối chiếu, và có thể Ngài phán với họ, “các ngươi không vào hồ lửa vì các tội phạm của mình, nhưng vì các người đã chối bỏ phương pháp cứu rỗi của Ta. Các người đã phạm tội là do di truyền từ A-đam. Nhưng tên các ngươi không được ghi trong sách sự sống, nên hãy vào hồ lửa chịu hình phạt chung khổ sai đến đời đời”. Không tin Chúa là bị ném vào hồ lửa, chớ không phải vì là tội nhân mà vào hồ lửa.
   Nếu thánh đồ còn làm bị cáo trước ngai lớn và trắng thì sự cứu chuộc và cứu rỗi của Chúa không có hiệu lực. Sự chết của Chúa cũng vô giá trị.

IV. CÁC DIỄN BIẾN DẪN ĐẾN NGAI LỚN VÀ TRẮNG:

   Tuần lễ thứ 70 trong lời tiên tri của Daniel là 7 năm cuối cùng của thời đại nầy, trong đó Đức Chúa Trời sẽ (1) xử lý Israel để thu hoạch 144.000 người Do thái hầu thành lập quốc gia Israel trong thiên hi niên; (2) khai quang thế giới ngoại đạo và thu hoạch dân tạm gọi là “chiên” để làm công dân vương quốc ngàn năm; (3) và phân định toàn bộ dân Chúa để thu hoạch Cô dâu của Christ và những người phải vào chốn khóc lóc và nghiến răng.
   Trước và ngay đầu đại nạn có người “nam tử” là dân đắc thắng đã chết, nay sống lại, lên ngai Đức Chúa Trời (Khải 12:), dân trái đầu mùa (Khải 14:1-6); dân đắc thắng (Khải 3:10; Lu 21:36, Math. 24:39-42)...tất cả đều được biến hóa và cất lên trước và đầu cơn đại nạn. Có thể có chừng bốn hoặc năm đợt cất người đắc thắng lên trời. Đa số thánh đồ bị Chúa để lại trong đại nạn với người Do thái như Khải 12:17 và 14:12 đã nói. Mãi đến khi kèn 7 thổi, Chúa đích thân thu hoạch đại bộ phận dân Ngài như thu hoạch vụ mùa lúa mì chính yếu (Khải 14:14-16). Đừng nghĩ rằng bạn sẽ ra đi trước cơn đại nạn, nếu bạn không là người đắc thắng.
   Trong đại nạn, hội thánh giảng cho mọi người, thiên sứ bay giữa  trời giảng cho dân thờ con thú, hai chứng nhân là Môi-se và Eli giảng cho dân Israel.
   Bảy kèn, nhất là kèn 6 tiêu diệt gần hết dân số nhân loại. Bảy bát trút ngay trận Hạt-ma-ghê-đôn, để kết thúc đại nạn. Chúa Jesus hiện ra với đoàn quân đắc thắng và hàng vạn thiên sứ. Ngài bắt Satan và nhốt riêng trong vực sâu; bắt Antichrist (con thú) và tiên tri giả, ném vào hồ lửa trước nhất ( Khải 19).  Sau khi xử án các dân ngoại còn sống sót ( Math. 25:31-46), tiệc cưới Chiên Con là thời kỳ hoan hỉ suốt 1000 năm trong vương quốc bắt đầu. Vương quốc Chúa được thể hiện trên trái đất cũ nay phục hồi, với ba thành phần: dân chiên làm công dân, dân Do thái làm đoàn tế lễ; dân đắc thắng cùng trị vị với Chúa.
   Sau đó Satan được thả ra để trắc nghiệm các công dân vương quốc. Vô số người sẽ theo Satan, đem quân vây thành Jerusalem. Lửa từ trời giáng xuống, quét chúng vào hồ lửa ngay, khỏi phải truy tố chúng ra tòa, vì chúng đang đương trường phạm pháp.
   Ngay sau đó Chúa mở phiên tòa chung thẩm tại ngai lớn và trắng xét xử thế giới ngoại bang kể từ thời A-đam, các thiên sứ ác và các quỉ nhỏ. Các bị cáo đều bị ném vào hồ lửa chung với âm phủ là ngục tạm giam bị cáo vô tín suốt 7000 năm qua, nay vô dụng.
   Trời đất cũ bị thiêu hóa và trời mới đất mới hiện ra, “là nơi sự công nghĩa cư trú: (2 Phi. 3:13). Thành thánh từ trời hiện ra trên trái đất mới, dẫy đầy vinh quang Đức Chúa Trời đến đời đời. Amen./.