Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2011

CÁC THỜI KỲ HAY CÁC SỰ PHÂN PHÁT TRONG KINH THÁNH

CÁC THỜI KỲ HAY CÁC SỰ PHÂN PHÁT TRONG KINH THÁNH

Giáo phụ Augustine nói: “Hãy phân biệt các thời đại mà cả kinh thánh sẽ hòa hợp”.
Thật vậy, nếu không phân biệt được các thời kỳ, kinh thánh sẽ là một “mê hồn trận”. Nhưng một khi đã thực hiện việc ấy, thì kinh thánh sẽ là một công trình đồ khảm hay một bản nhạc tuyệt đẹp, hoàn toàn hòa hợp, đầy dẫy màu sắc rất đáng chú ý.
Về các sự phân phát, Witness Lee nói thêm, “đỉnh điểm của thần học Hội Anh Em là họ đã mở kinh thánh trong sự việc các thời kỳ. Thần học Tin Lành cải chánh từ bỏ tư tưởng về các thời kỳ và tin rằng kinh Cựu ước y như kinh Tân ước. Trong thần học này không có sự khác biệt nào giữa thời đại luật pháp và thời đại ân điển”.
Thời kỳ hay sự phân phát theo kinh thánh là gì? Danh từ Hi lạp oikonomia ở Êph 1: 10, bản Phan Khôi dịch “sự định sẵn”, bản Scofield và ASV dịch là “sự phân phát”, còn bản nhuận chánh Việt văn và bản Khôi phục dịch là “cuộc gia tể”. Từ liệu oikonomia có nghĩa: luật ngôi nhà, sự quản lý hay quản trị người nhà, do đó diễn ý sự phân phát quản trị, kế hoạch hay cuộc gia tể.
Các giáo sư Hội Anh Em đã khám phá 7 sự phân phát của Đức Chúa Trời trong lịch sử loài người, từ khi con người được sáng tạo đến cuối nước ngàn năm. Đó là các sự phân phát: vô tội, lương tâm, nhân trị, lời hứa, luật pháp, ân điển và vương quốc. Nhưng họ thích nói rằng chỉ có 4 sự phân phát:
1.Sự phân phát trước luật pháp là thời các tổ phụ, vì La mã 5: 14 chép “từ A-đam đến Môi-se”. Thời đại này bao gồm 4 thời kỳ ngắn hơn là vô tội, lương tâm, nhân trị và lời hứa.
2.Sự phân phát sau luật pháp là thời Cựu ước từ Môi-se đến Đấng Christ sinh ra. Chúa Jesus nói trong Math 11: 13, Lu 16: 16 rằng luật pháp và các tiên tri chấm dứt ở Giăng báp-tít. Đó cũng là thời kỳ luật pháp.
3.Sự phân phát ân điển là thời đại bao trùm từ khi Đấng Christ đến lần nhất cho tới khi Ngài đến lần nhì (Sứ 3: 20-21, La 15: 15). Đây là thời kỳ Tân ước, thời đại Hội thánh.
4.Sự phân phát vương quốc hầu đến là thời đại thứ tư, kéo dài từ lần đến thứ hai của Đấng Christ đến cuối thời đại vương quốc (Khải 20, I Cô 15: 24-28).
Sự phân phát là một giai đoạn trong đó con người được trắc nghiệm về sự vâng phục của anh ta đối với vài khải thị đặc biệt về ý chỉ của Đức Chúa Trời ban cho thời đại mình. Trong mỗi một thời đại, Đức Chúa Trời đều có cách đối xử riêng với con người, và đưa ra các đòi hỏi khác nhau. Nhưng trong mỗi thời đại con người đều thất bại cả. Các sự phân phát tuy cần được phân biệt nhau nhưng trưng bày thứ tự tiệm tiến về các sự đối xử của Đức Chúa Trời với nhân loại.
Nhiều người có quan niệm sai lầm rằng các lời trong Cựu ước chỉ dành cho dân thời Cựu ước. Những người khác lại tối tăm nghĩ rằng toàn bộ Cựu ước đều dành cho chúng ta, dân Tân ước. Thật ra chúng ta phải phân biệt các lẽ thật chỉ có tính cách thời kỳ Cựu ước, không áp dụng cho thời Tân ước, đồng thời phải tìm ra các lẽ thật có tính miên viễn, có giá trị đời đời. Thí dụ: lệnh truyền tiêu diệt dân Canaan là lẽ thật theo sự phân phát Cựu ước, còn trong mọi thời đại sự cứu rỗi đều bởi ân điển do đức tin. Trước thập tự giá, ân điển Đức Chúa Trời dự bị con đường đến gần Ngài qua huyết sinh tế tiêu biểu của bò, chiên, hướng đến Cứu Chúa sẽ trở nên Chiên Con Đức Chúa Trời cất tội lỗi thế gian. Sau thập tự giá dân chúng phải tiếp nhận Chúa Jesus.
Sau khi con người bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời đặt con người dưới sự quản lý về trách nhiệm luân lý, tức con người phải cư xử theo lương tâm. Con người đã thất bại, thời lỳ lương tâm đã qua, nhưng con người phải tiếp tục trong trách nhiệm luân lý của mình khi Đức Chúa Trời ban thêm các khải thị về chính Ngài, để con người phục hồi trong thời Tân ước còn phải sống đúng lương tâm mình – như Phao-lô, xem Sứ 23: 1; 24: 14-16; II Cô 4: 2. Trách nhiệm của con người với lương tâm còn mãi qua các thời đại. Đó là lẽ thật đời đời.
Một số cơ đốc nhân khác cổ động sự phục hồi ngày Sa bát, cổ xúy sự vâng giữ luật pháp thời kỳ thứ hai, chứng tỏ họ lẫn lộn Cựu ước và Tân ước, không phân biệt nổi luật pháp và ân điển phải tách biệt là làm sao, lạc hậu đối với các bước tiến khải thị của Chúa.
Ngày Sa bát được lập ra ở sự phân phát thứ nhất, đến sự phân phát thứ hai, nó thành một điều luật. Còn luật pháp Cựu ước có 3 phương diện: a) nguyên tắc, b) điều răn về đạo đức, c) các nghi lễ. Thời ân điển, nguyên tắc luật pháp, tức là làm theo luật pháp, được thay thế bằng nguyên tắc đức tin. Các điều răn về đạo đức được Chúa Jesus và các sứ đồ nâng cao, bổ túc còn áp dụng mãi mãi. Còn các luật lệ về nghi lễ như dâng sinh tế, giữ ngày sa bát, cắt bì, kiêng cử thức ăn, lễ tiệc hội hè đều chỉ áp dụng cho dân Cựu ước. Đó là dân phụng sự Đức Chúa Trời bằng kiểu rập các vật trên trời (Hêb 9: 23), còn dân Tân ước là sáng tạo mới, phục sự Chúa bằng các vật thiên thượng.
Trong các lớp mẫu giáo, các cháu bé học và xem hình thú vật, hình người trong các sự vật thiên nhiên … trước khi chúng được xem tận mắt các vật thật trong đời sống. Theo Khải 12, sự phân phát luật pháp được ví sánh như mặt trăng, có ánh sáng vay mượn, chiếu trên dân thời đó. Nên trong Cô-lô-se 2: 16 Phao-lô quả quyết, “chớ để ai xét đoán anh em về đồ ăn uống, hoặc ngày lễ, hoặc ngày trăng non, hoặc ngày sa bát, ấy đều là bóng của những sự sẽ đến, còn thể thì là Đấng Christ”. Hê-bơ-rơ 10: 1 cũng chép, “luật pháp chỉ là cái bóng của những sự tốt đẹp hầu đến” – những sự tốt đẹp đó là sáng tạo mới, Hội thánh Tân ước và mọi nội dung thuộc linh trong đó. Các lễ nghi Cựu ước đều là hình bóng.
Dù đã được thoát khỏi sự thống trị và sự rủa sả của luật pháp cũ, cơ đốc giáo còn bảo tồn giai cấp tư tế trung gian, duy trì đền thánh vật chất. Thực ra giai cấp tế lễ trung gian nhà A-rôn là giải pháp cứu vãn tạm thời của Đức Chúa Trời khi toàn dân Y-sơ-ra-ên sa ngã và từ bỏ chức tế lễ phổ thông đời đời mà Chúa ban hành trong sự phân phát thứ hai (Xuất 19: 5-6). Dù Chúa đã phục hồi chức tế lễ phổ thông, nhưng dân Tân ước vẫn chễnh mãng đặc quyền đó (Khải 1: 6, Math 23: 8-13, I Phi 2: 5). Họ cũng không áp dụng đền thờ ngày nay là Đấng Christ (Math 12: 5-6) và là Hội thánh (I Cô 3: 16).
Nhiều tín đồ hôm nay không hiểu nổi phước hạnh Chúa hứa ban cho Áp-ra-ham là gì. Đối với dân Y-sơ-ra-ên Cựu ước, phước đó là phước hạnh vật chất như đất đai, sự thịnh vượng. Phao-lô cho thấy sự thuộc linh hóa phước đó ỏ Gal 3: 14 là “hầu cho hạnh phước của Áp-ra-ham nhờ Christ Jesus mà giảng trên các dân ngoại, để chúng ta nhận lãnh lời hứa về Đức Linh”. Thời Cựu ước phước là vật chất, ngày nay phước đó là Đức Linh tổng kết.
Chúng ta cũng phải phân biệt rõ rằng trong thời phân phát trước, Linh Chúa đã có thể lìa bỏ vua Sau-lơ, nhưng hôm nay Linh Chúa ở với ta và ở trong ta đời đời (Giăng 14: 17) vì Linh này liên kết với nhân linh ta không thể phân ly (I Cô 6: 7).
Trong chương 10 của quyển sách nhan đề “Các điểm trọng yếu của lẽ thật trong các thơ tín của Phao-lô”, tác giả Witness Lee dành 4 trang bàn luận về lời tốt lành, là lời ban đầu về Chúa và lời sự công nghĩa (Hêb 6: 1, 5; 5: 13). Lời sơ cấp về Christ thuộc về giai đoạn mẫu giáo thuộc linh, dường như sữa; còn lời sự công nghĩa chứa đựng tư tưởng sâu nhiệm hơn của Đức Chúa Trời về sự công nghĩa trong các sự đối xử phân phát và tể trị của Ngài đối với dân mình thì dường như đồ ăn cứng. Lời này khó nhận thức hơn lời ân điển (Sứ 14: 3; 20: 32) và lời sự sống (Phil 2: 16).
Witness Lee nói: “đây là tại sao rất ít cơ đốc nhân ngày nay hiểu kinh thánh theo đường lối các sự phân phát của Đức Chúa Trời … Khi chúng ta đến với lời Đức Chúa Trời, chúng ta phải chú tâm đến các sự phân phát của Đức Chúa Trời. Chú tâm đến các sự phân phát của Đức Chúa Trời là hiểu được lời sự công nghĩa”. Tôi kết luận bài viết này với lời trên đây