Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

VÀNG VÀ BÍCH NGỌC

VÀNG VÀ BÍCH NGỌC

Sáng thế ký 2 chép: “Tên sông thứ nhứt là Bi-sôn, ngã đó chảy quanh xứ Ha-vi-la, là nơi có vàng, vàng xứ này rất cao, đó lại có trân châu và hồng mã não” (bản Hoa văn). Còn khi đọc sách Khải thị, sách đối ứng Sáng thế ký, ngoài vàng, chúng ta gặp nhiều lần chép bích ngọc. Thí dụ: “Đấng ngự đó xem giống như bích ngọc…”, “sự sáng của thành… dường như bích ngọc, trong như thủy tinh… tường thì xây bằng bích ngọc, thành thì bằng vàng ròng, giống như pha lê trog vắt… Nền thứ nhứt bằng bích ngọc…”.
     Vàng là quí kim dẫn đầu các kim loại như bạc, đồng, chì, sắt  trong Kinh thánh; còn mọi loại đá quí trong Kinh thánh thì bích ngọc đứng địa vị chủ chốt, dù là hồng bửu thạch thường dẫn đầu. Vàng biểu hiệu thân vị Đức Chúa Trời, bản chất Ngài bất hủ, không mục nát, thuần chất tinh tuyền như vàng ròng. Bích ngọc bày tỏ vinh quang biểu lộ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời Cựu ước là Đức Chúa Trời tinh tuyền, không bao hàm yếu tố loài người, là vàng ròng, vàng cao tuổi. Đức Chúa Trời phục sinh trong Tân ước, Đức Chúa Trời cứu chuộc là Linh tổng bao hàm của Đức Chúa Trời Tam nhất như bích ngọc long lanh chói sáng, không thuần chất, nhưng trộn lẫn giữa thần tánh Đức Chúa Trời và nhân tánh của Jesus; bích ngọc là đá quí hợp chất.

Trong thời đại này, chúng ta “trở nên các kẻ dự phần bản chất thần thượng” (II Phi 1: 4a) trong Christ là vàng luyện. Có y sĩ mài vàng cho bệnh nhân uống. Về ý nghĩa thuộc linh, Môi-se cũng nghiền vàng thành bụi rải trên mặt nước và cho dân Y-sơ-ra-ên uống. Hội thánh Lao-đi-xê nghèo túng vì không mua vàng bằng đức tin hành động, có nghĩa không có thần đức của Christ sáp nhập ở bề trong bản thể. Cụ Gióp không kiêu căng khi tự làm chứng về giá trị nhân phẩm vinh hóa của mình, “khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ bước ra như vàng”.

Sau nhiều năm được Đức Chúa Trời tra tay, làm tan sạch cáu cặn, chất pha, vàng thần thượng tiếp vào trong anh em sẽ kết khối, khi ấy chức vụ lời trong anh em sẽ là bình vàng (II Ti 2:20 ), lời anh em nói sẽ là lời vàng như Châm ngôn 25:11 nói, “lời nói phải thì khác nào các trái thanh yên (cam) bằng vàng có cẩn bạc” (bản ASV), và cuối cùng tấm lòng nhỏ nhen, ích kỷ bẩm sinh của anh em sẽ trở thành tấm lòng vàng, quãng đại thuộc linh, nhân từ và không còn thương yêu anh em mình bằng đầu lưỡi. Phao-lô có tấm lòng vàng đó, ông nói: “đối với anh em miệng chúng tôi hả ra, lòng chúng tôi mở rộng”. Tấm lòng vàng mới dám đem của ra rải, có tấm lòng vàng mới hàm chứa Đấng Chrits, là Người Mới (Ê-phê-sô 3: 17) và nhất là chứa đựng nỗi Đức Chúa Trời vô hạn lượng mà thậm chí trời của các từng trời còn không chứa nỗi Ngài!

Con người được dựng nên có hai diện. Đức Chúa Trời phán: “Chúng ta hãy sáng tạo con người trong hình ảnh (image) của chúng ta, theo sự giống hệt (likeness) của chúng ta” (Sáng 1: 26 ASV). Hình ảnh liên hệ bản chất, bản tính bề trong; sự giống hệt, hình dạng, dáng mạo ở bề ngoài là biểu hiện. Ngày nay chúng ta có hình ảnh Đức Chúa Trời, là Christ, là vàng đã thử lửa ở bên trong, ngày đó chúng ta có thêm sự biểu lộ, sự chiếu sáng như bích ngọc ở bên ngoài. Đã vui hưởng bản chất Đức Chúa Trời thì sẽ biểu hiện vinh quang Ngài.

Có bao giờ anh em suy nghĩ đến dáng mạo, thân hình, da dẻ của mình như thế nào trong thành thánh chăng? Trong sách Ca thương, Giê-rê-mi không quá lời khi mô tả dân quyền quí của thành Sa-lem thời cực thịnh, “các người sang trọng của nó tinh khiết hơn tuyết, trắng hơn sữa, nước da hồng hào hơn san hô (hồng ngọc), mình mẩy sáng ngời như lam bửu thạch”. Đó là thực sự, dáng mạo của Christ tiền nhục hóa khi hiện ra cùng Đa-ni-ên khi ông ấy cầu nguyện suốt 21 ngày, như “ngọc thủy thương” cũng là thật. Chắc anh em không thể không tin chắc rằng “khi ấy những người công nghĩa sẽ chói rạng như mặt trời trong nước của Cha họ”. Ngày đó, dáng mạo anh em sẽ “như bích ngọc, trong như thủy tinh”, lóng lánh chói ngời. Loài người thường tự hào về người hùng của họ là người có “mình đồng, da sắt”, khi vào thành thánh mọi con cái Đức Chúa Trời đều có “mình vàng, da ngọc”.
Để làm sáng tỏ thêm giá trị cùng công dụng của vàng và bích ngọc, chúng ta phải so sánh đền tạm thế hạ theo Xuất Ai-cập ký và Nhà Trại (đền tạm) trường cửu trong Khải thị. Trong đền tạm, Môi-se dùng vàng để đúc, để bọc các vật thánh kín giấu bên trong. Dân chúng bên ngoài chỉ thấy tấm lá phủ ghồ ghề bằng da hải cẩu, cá nược. Đền tạm cựu ước tiêu biểu sinh hoạt, chức vụ thế hạ của dân Đức Chúa Trời, di hành trong sa mạc, tức là Chúa Jesus, các thành đồ cá nhân cũng như cả hội thánh. Tất cả là đền tạm có ẩn tàng cả khối vàng của Đức Chúa Trời bên trong. Còn Nhà Trại vĩnh cửu được kiến tạo bằng vàng, được “trang điểm bằng mọi thứ bửu thạch” (Khải 21: 19). Đức Chúa Trời ẩn mình ở đây, nhưng biểu lộ tối hậu ở đó qua chúng ta.
Nói tóm lại, sinh hoạt đền tạm là phương tiện để chúng ta hiện hữu ở đây, để chúng ta chiến đấu đánh đuổi Sa-tan, trị vì cách thuộc linh cho Chúa. Khi còn đi trong đồng vắng chúng ta cần có nhiều vàng để chế tạo “cây phủ việt vàng” (Ê-xơ-tê 4: 11b), làm quyền bính; cần đội mão miện bằng vàng (Ê-xơ-tê 8: 15), ám chỉ vinh dự và danh giá của chúng ta trước mặt dân Chúa (Giô-suê 3: 7; Dân 27: 20); cần có bình ô-me bằng vàng (Hê 9:4) mới đủ sức chứa đựng và cất giữ những gì Đức Chúa Trời ký thác cho mình vận dụng. Biết bao kẻ không có bình ô-me bằng vàng ấy nên đã đánh mất ơn thiên triệu, chức vụ lời, mất quyền bính, mất sự tươi mới của ma-na thiên thượng và nhất là mất mão miện rồi. Còn sống trên đất có Sa-tan, kẻ thù truyền kiếp, trong hành trang mình anh em không thể thiếu ba món tùy thân đó. Chúng ta còn sợ cướp bóc.

Ngày kia, khi vào nước Cha, sống giữa ánh sáng thần thượng chói lòa, “loài chó, thuật sĩ, kẻ gian dâm” tức kẻ cướp đều bị đẩy ra ngoài thành, Đức Chúa Trời phô bày cung điện vàng ngọc bóng lộn, là Nhà Trại vĩnh cửu. Kinh thánh không còn nhắc đến vương trượng và bình ô-me nữa, chỉ đề cập đến mão miện bằng vàng, ngai vàng và đờn cầm bằng vàng mà thôi.
“Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của Ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có”./.
Minh Khải