KIẾN ỐC GIỮA DÒNG ĐỜI BÃO TỐ
Ê-sai 54: 10 - 17
Ê-sai chương 54 tương tự Khải thị 21. Từ câu 1 đến 10 Chúa ví sánh dân Ngài như người vợ được phục hồi, còn từ câu 11 đến 17 dân thánh được kiến tạo chung với các nguyên tố thần thượng để trở thành kiến ốc vĩnh cửu, chế ngự kẻ thù Sa-tan. Trong Khải thị 21, dân được chuộc trong trời mới đất mới cũng như là vợ (câu 2) và như thành phố (câu 10 – 27).
Kiến ốc ở Ê-sai 54 được xây dựng trên trái đất cũ, thành thánh ở Khải thị 21 biểu lộ trên trái đất mới.
Câu 11 “cùng khốn bị bão lung lay”. Câu này là nguồn soi dẫn cho Ma-thi-ơ: “có người khôn cất nhà mình trên vầng đá, có mưa tuôn, nước đổ, gió thổi, bổ vào nhà ấy, song không sập”. Vào thời cuối cùng Sa-tan điên cuồng giận dữ, dân Chúa không thể đứng nổi nếu không ẩn mình trong kiến ốc của Đức Chúa Trời và chính mình làm một bộ phận để xây dựng nên kiến ốc. Anh em có liên kết, bám sát, gắn liền với kiến ốc Chúa chăng?
Câu 11 “Ta sẽ xếp đặt các viên đá ngươi theo các màu sắc trắng bạc”. Xưa kia Đa-vít dự bị các thứ ngọc đủ màu cho Sa-lô-môn kiến tạo đền thờ. “Nhưng nay các chi thể dầu nhiều, nhưng chỉ có một Thân thể”. “Vì như trong một Thân thể chúng ta có nhiều chi thể, và các chi thể không đồng một công dụng”.
“Ta sẽ lập các nền tảng của ngươi bằng lam bửu thạch” (sapphire). Cụ Phan dịch là thanh ngọc. Ngai tiền phương, ngai vận hành trong công tác của Chúa làm bằng ngọc lam bửu này. Xin xem Xuất 24: 10 và Ê-xê-chi-ên 1: 26. Nền tảng đời sống, nền hội thánh địa phương, cơ sở toàn bộ công cuộc gia tể đều được xây bằng ngọc lam bửu, đều được đặt trên ngai của Đức Chúa Trời phục sinh. Con người. Giê-rê-mi ngồi trên đó nên “các vua, quan trưởng, thầy tế lễ … đều đã đánh nhau” với ông, nhưng không thắng ông (Giê 1: 10, 19 – 20). Vầng đá nền của hội thánh gồm có nhiều nền tảng hợp lại, mà mỗi một nền tảng nhỏ cũng đều là lam bửu thạch đồng nhất, nên các cửa âm phủ bó tay đối với hội thánh.
Câu 12 “Ta sẽ làm các cửa sổ (ngọn tháp) ngươi bằng bạch mã não” (bản ASV). Nhìn lại tàu vuông của Nô-ê, chúng ta thấy tàu có 2 cửa, cửa sổ ở trần tàu, cửa ra vào ở hông tàu. Cửa sổ đặt trên cao, cũng là phần ngọn tháp để giao thông với linh giới. Cửa này xây dựng bằng bạch mã não (agate), có bản dịch là hồng ngọc. Nhưng nhìn vào hàng thứ ba của 12 viên ngọc trên bảng đeo ngực thầy thượng tế, tôi tin rằng agate ở đây và viên thứ 8, agate, ở đó đều nên dịch là bạch mã não.
Nội dung, cách sắp xếp 12 viên ngọc trên bảng đeo ngực là sơ đồ, là mô hình gói ghém các ý tưởng thần thượng, các nguyên tắc thuộc linh liên quan cuộc gia tể của Đức Chúa Trời có với dân Ngài trải mọi thời đại. Hàng ngọc thứ 3 gồm có ngọc số 7 xích ngọc (jacinth), ngọc số 8 bạch mã não và ngọc số 9 ngọc tử bửu (hay tử tinh – amethyst). Xích ngọc và tử bửu thạch đều có màu đỏ tía, còn bạch mã não chói sáng như kim cương để tăng cường sức chiếu sáng cho hai viên ngọc hai bên.
Cửa sổ của kiến ốc thần thượng được kiến tạo như vậy, cửa bằng bạch ngọc, hai thanh cửa bằng ngọc đỏ tía. Đó là cửa của vua chúa, vì màu đỏ tía là màu vương giả. Nhiều kiến ốc của Chúa thiếu cửa sổ, nên không có chim bồ câu lên xuống dò đường, hoặc cửa sổ đã bị đóng kín, nên Chúa phán “vì cớ đó ban đêm ở trên các ngươi mà không có sự hiện thấy, các ngươi sẽ ở trong tối tăm mà không nói tiên tri, mặt trời sẽ lặn trên các tiên tri đó…”. Hội thánh phải là lầu son gác tía thuộc linh của Chúa.
“Lấy ngọc thạch lựu (carbuncle) làm các cửa ngươi”. Ngọc thạch lựu màu đỏ tươi chói sáng, tiếng Anh hiện đại là garnet hoặc spinel, hồng ngọc bảo. Đây là một loại ngọc chiếu sáng lấp lánh. Tiếng Hê-bơ-rơ là bareqeth, chỉ xuất hiện 2 lần ở xuất 28: 17 và 39: 10. Còn ngọc thạch lựu ở Ê-sai 54: 12 là eqdach, xuất hiện một lần duy nhất, nghĩa đen là “đá chói sáng” cũng màu đỏ tươi chiếu bóng lấp lánh.
Theo sơ đồ hàng ngọc thứ nhất của bảng đeo ngực, thì các cửa của kiến ốc phải được xây bằng 3 loại ngọc. Từ ngoài nhìn vào trong, đó là: thứ nhất hồng bửu thạch (sardius) màu đỏ tươi, thứ hai hoàng ngọc (topaz) màu vàng và ngọc thứ ba phải đối xứng với hồng bửu thạch là ngọc thạch lựu ở đây. Nhờ ánh sáng từ ngọc thạch lựu mà hai viên ngọc kia chiếu hai màu vàng, đỏ ra ngoài đường. Đến đây tôi nhớ lời nhà truyền đạo chỉ dẫn cánh cửa hẹp cho cơ đốc nhân trong quyển Thiên lộ lịch trình. Khi cơ đốc nhân không thấy cái cửa ấy, nhà truyền đạo nói, “anh không thấy ánh sáng chói sáng ra ở đàng kia sao?”. Muốn vào cửa kiến ốc, người ngoài phải kinh nghiệm Đức Chúa Trời cứu chuộc (là hồng bửu thạch), càng nhận thức và vui hưởng cùng áp dụng công tác hoàn tất của Christ, anh em càng được bước vào ánh sáng chói lọi ở phía trong.
Hội thánh là thành phố xây trên núi, rọi ánh sáng cho muôn dân, mà cửa của hội thánh là các người danh giá, các cột trụ, các sứ giả chói sáng. Hội thánh có chiếu sáng hay không đều do cửa ngọc đó.
“Bờ cõi người đều làm bằng đá quí”. Hội thánh càng có nhiều thành viên biến đổi thì càng vững và tách rời khỏi dòng đời, có bờ có cõi phân rẽ.
Câu 14 “ngươi sẽ được đứng vững trong sự công bình”. Sự công bình là thể yếu của vương quốc Christ.
“Tránh khỏi sự hiếp đáp”. Khi hội thánh còn ấu trĩ thường bị các quyền lực tối tăm hà hiếp (Thi 129: 1 – 2). Nay đã chấm dứt.
Câu 15 – 17 mô tả tình trạng chiến tranh thuộc linh khi hội thánh đã là kiến ốc vương giả, là thành của Đức Chúa Trời. Sa-tan sẽ sai nhiều thợ rèn đúc các lời dối trá để mạ lỵ, để trình bày sai về hội thánh và các thành viên trong đó, nhưng hắn sẽ chẳng thạnh lợi bao giờ. Các tôi tớ Đức Chúa Trời phải mừng rỡ khi có nhiều lời nói xấu nhằm vô hiệu hóa chức vụ họ.
Khi nào kiến ốc Đức Chúa Trời kiên cố, xây bằng đủ thứ ngọc quí, đủ thứ màu sắc, đầy dẫy ánh sáng, đứng trên thế thăng thiên, ngày đó anh em sẽ thấy Sa-tan như con rắn phun “lũ lụt tràn ngập, ngọn nước đổ vào nhà đó, thì không rúng động được, vì đã được cất chắc chắn”.
Cám ơn Chúa “giao ước bình an” của Chúa chẳng chuyển, Đức Giê-hô-va, Đấng thương xót chúng ta là “Đấng kiến trúc và tạo lập thành” nầy phán hứa như vậy./.