LỖ TAI XÉT THỬ LỜI NÓI
Sách Gióp hai lần chép câu: “Vì lỗ tai xét thử những lời nói” (Gióp 12: 11; 34: 3). Câu này diễn tả giác quan nghe của loài người, đặc biệt là của các thánh đồ.
Nhờ hồn, thân thể hướng vào trong, cũng nhờ phương tiện của hồn, linh con người hướng ra bên ngoài. Hồn kết chặt cả hai. Đa số anh em nghĩ rằng 5 giác quan thân thể chúng ta không có ý nghĩa thuộc linh, nhưng theo sự khải thi trong kinh thánh thì khác hẳn. Theo kinh thánh, sự sống hồn nguời được biểu hiện qua năm giác quan cách rõ nét. Mọi phần của đời sống vật lý chúng ta liên kết chặt chẽ với tội lội hay sự cứu rỗi. Các cơ quan thân thể chúng ta biểu diễn tình trạng thuộc linh của mình. Nếu các nơi bí mật của lòng chúng ta, nơi có “các nguồn sự sống” (Châm 4: 23) bị trục trặc trong các mối liên hệ thuộc linh của chúng, các biểu hiện xấu sẽ được ghi nhận ngay trên thân thể.
Cụ Gióp nói bằng kinh nghiệm về giác quan nghe: “Lỗ tai há chẳng xét lời nói sao” (Gióp 12: 11). Chữ “xét” ngụ ý xét đoán để quyết định, thử thách để chọn lựa. Chúa Jesus rất thường phán “ai có tai, hãy nghe” trong 4 sách phúc âm. Trong sách Khải thị Ngài phán chuyên sâu hơn: “ai có tai hãy nghe điều Linh phán cùng các hội thánh”. Và trước viễn tượng rùng rợn do sự tàn sát diệt chủng của Anti-Christ, sứ đồ Giăng cũng đặt bút: “ai có tai, hãy nghe” (Khải 13: 9). Anh em chúng ta thường bảo rằng tai này là tai bề trong, tai của tấm lòng. Điều đó rất sai trật. Người nói như vậy đã mắc chứng đau mắt loạn sắc, vì lầm lẫn các câu trên đây với lời Ê-tiên: “Hỡi những người cứng cổ, lòng và tai chẳng chịu cắt bì” ở Sứ 7: 51 rồi.
Thật vậy, các câu trên đây ngụ ý lỗ tai vật lý của chúng ta, đã được huấn luyện để chọn lựa nghe, để xét nhận nghe nghững điều đúng theo tâm tính sự sống hồn chúng ta. Tôi xin minh chứng điều này qua kinh thánh.
Lần kia, có tiếng từ trời phán cùng Chúa Jesus rằng: “Ta đã tôn vinh rồi, lại sẽ còn tôn vinh nữa” (Giăng 12: 28-30). Quần chúng nghe như tiếng sấm, còn Chúa Jesus nghe rõ tinh tường. Lần khác trên đường Đa-mách, sau khi té xuống đất Sau-lơ nghe được tiếng phán bằng tiếng Hê-bơ-rơ của Chúa Jesus nói cùng ông, còn những kẻ đi với ông thấy ánh sáng, nhưng chẳng nghe được lời Đấng phán cùng ông, họ chỉ nghe tiếng nói ồ ồ (Sứ 9: 7; 22: 9; 26: 14).
Về Ê-sai có chép rằng sau khi được Chúa tẩy sạch, điều chỉnh sự sống trong hồn, tai vật lý ông được mở ra nghe Đức Chúa Trời tam nhất thảo luận với nhau về nhân sự trong linh trường. Sau khi nghe rõ, Ê-sai tự nguyện, tự phát xin Chúa cho ông đầu quân: “Tôi thưa rằng: có tôi đây, xin hãy sai tôi” (Ê-sai 6: 8). Từ đó về sau, mọi biến cố, biến động trong dân Đức Chúa Trời, Ê-sai nhờ tai vật lý nghe được tiếng Đức Giê-hô-va phán trong đó. Ê-sai từng chất vấn Chúa: “Ai tin điều đã rao truyền cho chúng ta, và cánh tay Đức Giê-hô-va đã được tỏ ra cho ai?” Chúa đã từng dặn ông: “… dân này…. nghe nhưng chẳng hiểu chi… Hãy làm cho dân này béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!” (Ê-sai 53: , 7: 9-10). Tai của đa số thính giả Ê-sai chưa được huấn luyện để nghe lời Đức Chúa Trời. Họ chỉ nghe tiếng Ê-sai mà không hiểu Lời.
Trong vấn đề nghe tiếng Chúa có nguy cơ mà anh em chúng ta thường mắc phải. Do hồn được điều chỉnh, ăn khớp thông suốt với linh của mình (trộn lẫn với Chúa Jesus), chúng ta có khả năng dùng tai vật lý của mình để xét việc nghe, chọn lời nói, lựa các biến cố nói lên tiếng và lời của Chúa, chớ trong Tân ước hầu như ít khi các thánh đồ được nghe tiếng trực tiếp từ Chúa qua tai vật lý của mình. Kẻ thù là Sa-tan phán qua tai ngoài của các thầy bói, đồng cốt, các đầy tớ của nó. Còn về các kẻ tin Phao-lô nói: “Sự tin do sự nghe, mà sự nghe do lời (Rhema) của Christ vậy” (La 10: 17). Các sự biến thiên hoàn giới hoặc lời Đức Chúa Trời do ta nghe và đọc, có thể phát sinh ấn tượng thuộc linh bên trong ta, đó là các rhema, giúp chúng ta hiểu, nghe được ý định của Chúa.
Theo kinh nghiệm, chúng ta luôn luôn nghe những gì mình muốn nghe, tâm tính hồn chúng ta cai trị, quyết định mình nên nghe, chọn lọc nghe điều gì. Sau khi hồn chúng ta đã được biến đổi, tức là Chúa Jesus Christ đã sửa đổi tâm tính chúng ta, Ngài sẽ ban cho chúng ta khả năng nghe như Ngài nghe. Điện tín viên không nghe tiếng máy, tiếng morse, tai anh ta đã được huấn luyện để khám phá nội dung điện văn. Chúng ta thường nghe thánh đồ làm chứng: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, tôi đã nghe được tiếng Ngài”. Họ đã nghe như thế nào? Tâm tính của hồn sẽ giúp cho tai vật lý chọn lựa, khám phá những gì để hồn có thể giải thích đó là tiếng Chúa. Ê-sai than thở: “Cánh tay Đức Giê-hô-va (là Christ) đã được khải thị cho ai?” (Ê-sai 53: 1). Chúng ta chỉ nghe điều gì mình muốn nghe mà thôi. Hoặc chúng ta có tâm tính của hồn để có thể khám phá, phân biệt cánh tay hoạt động ở giữa xã hội loài người, hay mình sẽ như “thú vật” không phân biệt nổi sự gì xảy ra quanh mình như tác giả Thi-thiên đã nói: “Trước mặt Chúa tôi ở khác nào một con thú vậy” (Thi 73: 22). Cơ đốc nhân không có khả năng để xét nghiệm, phán đoán các sự việc, các lời trong thế giới để hiểu được ý định của Đức Chúa Trời cách kịp thời, người đó khác nào cơ đốc nhân thuộc thể!
Tôi vô cùng thích thú vì ngày kia phát hiện được biểu đồ trong sách Gióp có thể giúp anh em chúng ta lượng định, đánh giá lại khả năng tai vật lý của mình đã nghe được tiếng Đức Chúa Trời bao nhiêu qua các sự biến cố trong vũ trụ và trái đất hôm nay. Người đắc thắng (là Gióp) làm chứng về mình:
“Những trụ của trời rúng động (run sợ) và sững sờ khi Đức Chúa Trời hăm dọa. Ngài lấy quyền năng mình mà khiến biển dậy lên, và nhờ sự khôn ngoan mình mà đánh vỡ Ra-háp. Linh Chúa điểm trang các từng trời; Tay Chúa đấm lũng rắn thoảng qua lẹ. Kìa, các điều ấy chỉ là biên giới của các đường lối Ngài; Chúng ta được nghe tiếng thì thầm của Chúa ít oi thay! Nhưng ai có thể hiểu rõ tiếng sấm của quyền năng Ngài” (Gióp 26: 11-14).
Vào ngày ngũ tuần của hơn 2.000 năm trước, Phi-e-rơ bảo đó là khởi đầu của “những ngày sau rốt” (Sứ 2: 17). Khi gần qua đời, Phao-lô nhấn mạnh thời đại ông sống là: “trong các ngày sau rốt sẽ có những thời kỳ khó khăn (trầm trọng)” (II Ti 3: 1). Thế thì, đã bước sang thế kỷ 21, các ngày sau rốt ấy dù chưa chấm dứt thì chúng sẽ cực kỳ trầm trọng đến thế nào? Ai có thể nghe được, hiểu rõ tiếng sấm quyền năng Chúa trong thập niên có thể là cuối cùng của thời đại này chăng?
“Các trụ của các từng trời rúng động” là ý nghĩa câu “những quyền lực của các từng trời bị rúng động” (Ma-thi-ơ 24: 29). Bầu trời, không trung là hoàng cung của triều đình Sa-tan cai trị trên địa cầu, mà chỉ kể từ khi có loài người cũng đã ngót 60 thế kỷ. Ngày nay các vua ấy (Đa 10: 13, 20-21), các kosmoskrators, các bá chủ, chấp chánh, chủ trị vô hình ấy (Ê-ph 6: 12) đã bị truất phế, đuổi đi, bị sững sờ vì quyền bính các hội thánh địa phương trên đất đã tuyên bố án lệnh, trục xuất các trụ đỡ ấy của vương quốc Sa-tan.
“Ngài… khiến biển dậy lên”. Các đợt sóng thần vừa qua thật đáng sợ, nhưng còn hứa hẹn các biến động khi “nước biển ầm ầm sôi bọt”, khi “dưới đất các dân khốn khổ, cùng đường vì biển và sóng ầm ầm” (Lu 21: 25). Tiếc thay tai chúng ta chưa nghe nổi lời Chúa trong đó, lòng chúng ta chưa bị đánh động. Tôi lo cho anh em còn đầu tư cách quá tuyệt đối vào thế gới, còn đầu tắt mặt tối mãi miết làm ăn, đợi có cơ ngơi khá rồi mới hầu việc Chúa, tôi e sóng thần đến đùa anh em hết thảy.
“Nhờ sự khôn ngoan mình mà đánh vỡ Ra-háp”. Ra-háp là ai, mà nhờ thấy nó bị đánh vỡ Gióp nghe được tiếng Chúa? Theo nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, Ra-háp có nghĩa “con quái vật giận dữ”, còn các bản dịch khác như King James dịch Ra-háp là kẻ kiêu ngạo, sự ngạo mạn. Vào thời tiên tri Ê-sai, con quái vật ngạo mạn này là đế quốc Ai-cập. Chúa phán: “sự cứu giúp của người Ai-cập chẳng qua là hư không vô ích, nên ta đặt trên cho nó là Ra-háp, ngồi yên chẳng động” (Ê-sai 30: 7). Trải qua lịch sử loài người, biết bao con quái vật, lớn có nhỏ có, kiêu ngạo như vậy đã bị Đức Chúa Trời đánh vỡ, hạ xuống. “Chúa đã chà nát Ra-háp khác nào kẻ bị đánh chết” (Thi 89: 10). Có Ra-háp chà nát dân Đức Chúa Trời trong nhiều nước như Ha-man, Neron, Hit-ler…, hoặc tàn hại dân thánh trong phạm vi một nước như Sau-lơ, Hê-rốt, hại các đồng công như Giô-áp, dẫn dân nổi loạn như Áp-sa-lôm… Sau khi Ra-háp bị hạ xuống có chép: “Đức Chúa Trời không hồi cơn giận Ngài, những kẻ giúp đỡ Ra-háp đều cúi mình dưới chân Ngài” (Gióp 9: 13). Tôi rất vui mừng vì cuối cùng Ra-háp trong công cuộc xây dựng hội thánh sẽ bị Chúa “đánh chết” cho dân Ngài tiến lên.
“Linh Chúa điểm trang các từng trời”. Trong địa vị thuộc linh, nhiều thánh đồ đang đóng trại trên trời, trên bình diện thăng thiên. Chúa điểm trang họ làm Tân phụ Christ.
“Tay Chúa đấm lũng rắn thoảng qua lẹ”. Con rắn này là Sa-tan. Hắn có các chuyển động uốn mình nhanh chóng giữa loài người và qua các hội thánh. Nhiều anh em chưa biết chống cự Sa-tan, chưa triệt để đuổi quỉ, nên hội thánh chậm phát triển.
Sau một số thí dụ lớn như vậy, cụ Gióp kết luận rằng các điều đó: chỉ là biên giới của các đường lối Ngài; (qua đó) chúng ta nghe được tiếng thì thầm của Chúa ít oi thay”.
Qua các sự kiện xảy ra cho mình, cho các đồng công, cho hội thánh, các biến cố thế giới, anh em có khả năng nghe được gì, có thấy biên giới đường lối Chúa chăng? Thập kỷ sau có thể là thập kỷ kết thúc của tuần lễ 70 chăng? Tôi e đa số anh em chúng ta còn “ở trong sự tối tăm, nên nỗi ngày đó thoạt đến trên anh em như kẻ trộm”. Giữa chúng ta còn nhiều anh em “ngủ như kẻ khác”, không “thức canh và tỉnh táo”. Anh em không nghe và hiểu được các sự xử lý tể trị của Đức Chúa Trời trên đời sống cá nhân, do đó ngủ mê và mù tịt tiếng sấm động của quyền năng Chúa trong lịch sử loài người. Mỗi lần sắp có biến động toàn cầu, Sê-ra-phin kêu như tiếng sấm: “hãy đến!”. Anh em có nghe chăng? Còn vua Đa-vít có khả năng nghe tiếng Chúa qua các biến động. Ông nói: “Đức Chúa Trời có phán một lần, tôi có nghe sự này hai lần, rằng sự quyền năng thuộc về Đức Chúa Trời” (Thi 62: 11)./.