LỜI TRÍ TUỆ VÀ LỜI TRI THỨC
“Vậy người này nhờ Linh ban cho lời trí tuệ, kẻ kia cũng nhờ một Linh ấy ban cho lời tri thức” (I Cô 12: 8).
Đức Chúa Trời đã lập trong hội thánh, thứ nhứt là sứ đồ, thứ nhì là tiên tri, thứ ba là giáo sư” (I Cô 12: 28).
“Chúng ta có các ân tứ khác nhau theo như ân điển đã ban cho chúng ta: hoặc ai nói tiên tri, hãy theo lượng đức tin mà nói … hoặc ai dạy dỗ hãy chăm mà dạy dỗ” (La 12: 6 – 7).
Chức năng của Linh, của Christ và của Đức Chúa Trời lộ rõ trong I Cô 12. Nhưng La-mã 12: 4 – 8 là phần phụ thêm hay lời giải thích các chức năng của I Cô 12: 14 – 27, tức của tai, mắt, chân, tay … Trong ba bảng liệt kê đó, ân tứ tiên tri và giáo sư luôn đứng đầu vì Đức Chúa Trời đánh giá cao và nhấn mạnh. Cả ba Thân vị của Đức Chúa Trời đều có liên quan đến hai ân tứ đầu nhất đó. Linh ban cho các lời trí tuệ và lời tri thức, là các ân tứ phép lạ của Ngài. Christ ban ân điển cho một số chi thể để họ nói tiên tri và dạy dỗ, từ sự tích lũy ân điển thần thượng và kinh nghiệm Christ. Ân điển là Đức Chúa Trời trong Christ cho các thánh đồ vui hưởng, các chi thể nào vui hưởng dồi dào sẽ có thể nói tiên tri hoặc dạy dỗ. Sứ đồ là vị tiên tri có sự ủy nhiệm, Đức Chúa Trời điều dụng chức nhiệm của các tiên tri và giáo sư trong công tác để làm hoàn hảo các chi thể và gián tiếp kiến tạo Thân thể Christ.
Vì còn nhiều anh em thân yêu ham chuộng các ân tứ hạng chót như nói tiếng lạ, thông dịch tiếng lạ hay quá ham thích các ân tứ siêu nhiên như chữa bệnh, làm phép lạ bắt rắn (Mác 16: 18), hoặc làm dấu kỳ phép lạ (Hê-bơ-rơ 2: 4) nên tôi viết bài này nhằm xoay hướng anh em trở về tư tưởng trung tâm của Đức Chúa Trời trong cuộc gia tể Tân ước.
Các ân tứ siêu nhiên như phép màu trên đây được các thánh đồ thi hành ngoài sự cảm biết và khả năng của mình. Họ thực hiện được các kỳ tích đó do mặc được Đức Thánh Linh như áo mặc, Ngài đầy dẫy họ ở bên ngoài, hoặc Đức Thánh Linh nắm lấy họ làm áo mặc cho Ngài. Con lừa của Ba-la-am nói được tiếng người do phép lạ thần thượng, nhưng nó không có sự sống con người. Người có các ân tứ phép màu cũng như thế. Họ không có dồi dào sự sống nội trú thực nghiệm của Chúa, nhưng Đức Thánh Linh gán ghép cho họ các khả năng siêu nhiên.
Đôi khi anh em vì nhiệt thành và dốt nát nên cổ động toàn bộ hội thánh tìm kiếm các ân tứ hạng chót, các ân tứ phép lạ bề ngoài này, trong khi Chúa qui định rằng mỗi loại ân tứ chỉ được vài ba chi thể thi hành. Vì sự cổ súy sai lạc đó, nhiều thánh đồ thiện chí đã sa vào tay kẻ thù và sử dụng các ân tứ từ nguồn gốc giả mạo.
Trong công tác chức vụ làm hoàn hảo các thánh đồ để xây dựng Thân thể Christ, lời trí tuệ và lời tri thức là nhu cầu chính yếu. Người nói tiếng lạ không dùng tâm trí mình, còn người nói lời trí tuệ và lời tri thức đều sử dụng tâm trí. Phao-lô nói: “Nhưng trong hội thánh thà tôi nói năm lời bằng tâm trí, để dạy dỗ kẻ khác nữa, hơn là một vạn lời bằng tiếng lạ” (I Cô 14: 19).
Lời của trí tuệ hay lời khôn ngoan phát xuất từ linh người nói. Đó là lời của sứ đồ hay của đấng tiên tri do sự khải thị thần thượng trong linh người. Các lời này luận về các điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, đã được Đức Chúa Trời tiền định làm phần của chúng ta. Phao-lô nói: “Christ là sự khôn ngoan (trí tuệ) của Đức Chúa Trời … ở giữa những kẻ trưởng thành chúng tôi cũng giảng sự khôn ngoan … là lẽ mầu nhiệm vốn được giấu kín, mà từ trước các đời Đức Chúa Trời đã dự định cho sự vinh hiển chúng ta” (I Cô 1: 24, 2: 6 – 7). “Lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ … đã được khải thị cho các sứ đồ và tiên tri thánh của Ngài trong linh”, nên lời giảng của các sứ đồ và tiên tri đều là lời trí tuệ.
Đáng buồn vì trong sự khôi phục thần thượng hôm nay có nhiều anh em không có kinh nghiệm đấng tiên kiến và lời trí tuệ, lời khải thị trong linh của nhà tiên tri Tân ước. Anh em ta cần cầu xin “Đức Chúa Trời của Chúa chúng ta là Jesus Christ, là Cha vinh hiển ban cho anh em linh của sự khôn ngoan và sự khải thị để thông biết Ngài”. Về trí tuệ thuộc linh, Đa-ni-ên giỏi hơn các nhà thông thái Ba-by-lôn đến mười lần. Còn về E-xơ-ra, do nhận được sự khôn ngoan thần thượng làm cơ sở, ông không kiêu ngạo khi tự làm chứng rằng: “Tôi có sự hiểu biết hơn kẻ già cả” (Thi 119: 98-100). Vua Sa-lô-môn được sự trí tuệ, sự thông sáng cao và lòng rộng rãi như cát bờ biển cũng do sự khải thị từ Linh Đức Chúa Trời.
Nhiều tôi tớ Đức Chúa Trời lầm lẫn sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là Christ, mà họ cần nhận được trong linh, với sự hiểu biết, kiến thức, tức những điều tai nghe, mắt thấy về các số liệu, hiểu biết thế giới. Họ dùng mọi phương tiện để lãnh hội các hiểu biết đó, nhưng không hề nhận được sự khải thị trong linh mình để có được vị trí siêu việt.
Khi gần lâm chung, Phi-e-rơ nói rằng Phao-lô nhận được trí tuệ thần thượng mới viết nổi các thơ tín cao thâm, là các lời trí tuệ, trong đó có mấy lời khó hiểu cho kẻ dốt nát. (II Phi 3: 16). Công cuộc gia tể Tân ước ở Việt Nam chưa phát triển mạnh vì không có nhiều tiên tri và cũng chưa có nhiều người trưởng thành hiểu được các lời ấy để giải thích cho các hội thánh. Đây là sự thiếu hụt của anh em chúng ta. Anh em còn ham thích các lời tiếng lạ mà chểnh mãng lời khải thị. Một tôi tớ Chúa bảo chúng tôi rằng: “không nên chia sẻ lời quá cao so với trình độ còn thấp kém của anh em trong các buổi nhóm”. Phát biểu đó minh chứng rằng anh ấy và các thánh đồ quanh anh ấy còn quá non kém không thể chịu nổi các sự khải thị, lời trí tuệ thần thượng. Họ chỉ có thể uống sữa và còn lâu lắm mới đạt đến tri thức mãn túc thuộc linh. Chúng ta cầu nguyện nhiều cho các thánh đồ Việt Nam. Vì chúng tôi tin rằng bởi sự thương xót của Chúa, rồi đây Ngài sẽ dấy lên nhiều Ê-xê-chi-ên được “thấy trời mở ra … xem những sự hiện thấy (khải tượng) của Đức Chúa Trời” trong linh (Ê-xê-chi-ên 1: 1). Chúa cũng sẽ ban cho chúng ta các Phao-lô thấy “các khải tượng và các sự khải thị của Chúa” (II Cô 12: 1) để rao giảng cho chúng ta, làm giàu có các hội thánh. Hiện nay, còn nhiều anh em chúng ta không đương nổi các lời khôn ngoan, khải thị, nhưng cầu xin Linh của lẽ thật, Linh của thực tế đưa hết thảy anh em chúng ta vào mọi lẽ thật sâu nhiệm đó.
Đó là lời trí tuệ. Còn lời tri thức là gì? Theo thượng hạ văn, tiếp theo sứ đồ và tiên tri là giáo sư, sau ân tứ nói tiên tri là ân tứ dạy dỗ. Vậy lời tri thức là lời truyền tri thức tổng quát những điều về Đức Chúa Trời và Chúa. Do chức vụ lời trí tuệ của sứ đồ Phao-lô, thánh đồ ở Cô-rinh-tô có tri thức thuộc linh rất cao. Thí dụ ở I Cô 8: 1-7, các thánh ở Cô-rinh-tô biết rằng Đức Chúa Trời là Cha, muôn vật đều từ trong (out of) Ngài mà ra và chúng ta cũng qui về (into) Ngài. Họ biết Cha là nguồn gốc muôn vật, và muôn vật qui về Cha, ngụ ý sẽ tập kết, tổng hiệp, qui tụ về Cha. Còn về Chúa Jesus Christ, họ hiểu muôn vật đều do (through) Ngài mà có. Chúa là phương tiện thần thượng để muôn vật qui về cứu cánh của Cha. “Chúng ta cũng vậy” cũng do (through) Ngài. Chúa là đường đi, là phương tiện để anh em chúng ta đạt chung cuộc thần thượng. Thánh đồ Cô-rinh-tô có lời tri thức cao cả đó là do lời trí tuệ của Phao-lô rao truyền.
Khi mới tiếp xúc sự hiểu biết và lời tri thức của công cuộc khôi phục đa số thánh đồ mới cảm thấy choáng váng vì chạm phải ánh sáng tri thức quá lớn – lớn đến nỗi họ như bị quáng mắt. Kinh thánh chép rằng tại hội thánh An-ti-ốt “có mấy tiên tri và giáo sư”. Giáo sư phải đi bên cạnh tiên tri, dùng các lời tri thức giảng dạy lời trí tuệ cho mọi thánh đồ. Ngày kia “trái đất sẽ đầy dẫy tri thức Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che lấp biển” (Ê-sai 11: 9), nhưng biết bao giờ tri thức thuộc linh đó bao phủ đất nước chúng ta?
Sự khải thị ban cho trong linh, thuộc tiên tri, còn khải tượng trong tâm trí là phần của giáo sư. “Ở đâu thiếu khải tượng dân chúng phóng túng” (Châm 29: 18). Sa-lô-môn tuyên bố như vậy. Chúa tuyên án cho dân khinh thường tri thức thuộc linh: “Dân ta bị diệt vì cớ thiếu tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì ta cũng bỏ người, đặng ngươi không làm thầy tế lễ cho ta nữa” (Ô-sê 4: 6).
Xưa kia vua Giô-sa-phát lập một đoàn giáo sư đi khắp các thành Giu-đa, lấy luật pháp dạy dỗ dân chúng. Cầu xin Vua Giô-sa-phát thiên thượng ban cấp Thân thể Christ nhiều vị giáo sư lớn như E-xơ-ra, như Phao-lô, A-qui-la, Bê-rít-sin dạy dỗ thánh đồ các hội thánh về lời trí tuệ, lời lẽ thật, lời sự sống, lời đức tin, lời phúc âm, lời thập giá cũng như lời của ân điển cách đầy đủ.
Tóm lại, nếu thánh đồ chỉ ham thích lời Chúa trong sự nói tiếng lạ mà thôi, chứng tỏ các hội thánh còn ấu trĩ, xác thịt. Còn nếu lời trí tuệ của Đức Giê-hô-va lấy làm hiếm hoi, những khải tượng chẳng năng có (I Sa 4: 1), minh chứng chưa có nhiều tiên tri giữa các hội thánh. Ai tích trữ lời tri thức mà không thi hành sẽ đi theo vết xe đổ của Lao-đi-xê tự mãn, còn anh em nào khinh bỉ lời tri thức của Chúa, viện cớ sợ văn tự làm cho chết, sớm hay muộn cũng sẽ ngã chết vì thiếu tri thức thuộc linh, Chúa sẽ từ bỏ chức vụ tế lễ của họ.
Con đường của chức vụ lời trí tuệ và chức vụ giải nghĩa lời tri thức là đường một chiều, càng lúc càng lên cao, không thể dừng lại hay thối lui, nhưng rất dễ ngã té dọc đường vì các cực đoan lầm lẫn. Cầu xin Đức Thánh Linh ban dồi dào hai loại lời ấy cho anh em chúng ta./.