Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

HẬU CẢNH CỦA CÁC CÂU KINH THÁNH DO CÁC TÁC GIẢ TÂN ƯỚC TRÍCH DẪN


HẬU CẢNH CỦA CÁC CÂU KINH THÁNH
DO CÁC TÁC GIẢ TÂN ƯỚC TRÍCH DẪN

Mọi học giả kinh thánh đều nhìn nhận rằng kinh Cựu ước chứa đựng kinh Tân ước, còn Tân ước giải nghĩa Cựu ước. Thí dụ mọi lời, mọi ý tưởng, mọi hình ảnh trong sách Khải thị đều xuất phát từ Cựu ước. Tôi thấy lắm công nhân khi cung cấp lời Chúa không còn nhớ mối liên hệ thiết yếu đó của hai phần kinh thánh, nên đôi khi lời rao giảng không súc tích, nhưng có tính cực đoan, một chiều. Ba thí dụ sau đây giúp anh em thấy được tầm quan trọng của việc tìm hậu cảnh các câu kinh thánh trích dẫn từ Cựu ước.
1.Chúng ta đọc “Nhưng tôi tự hỏi: họ há chưa nghe sao? Thật đã nghe rồi, tiếng của họ đã vang khắp đất, các lời (rhema) của chúng đã truyền cùng thiên hạ” (La-mã 10: 18).
Theo đây có “tiếng của chúng” và “lời (rhema) của chúng”, nhưng chúng là những ai? Câu 15 ở trên giải đáp đó là “những kẻ giảng tin lành” (báo tin mừng). Nếu chúng ta chỉ thấy chân, tiếng và lời nói của những kẻ báo tin mừng mà thôi, thì không đây đủ. Thi 19: 1-6 là hậu cảnh của La-mã 10: 18. Theo Thi-thiên 19 thì “chúng” ở đây là các từng trời, các thiên thể và hành tinh mà có mặt trời đóng trại giữa. Trong thái dương hệ, Christ như mặt trời, các sứ giả của Ngài là các hành tinh quay xung quanh. Tóm lại, bản thân những kẻ báo tin mừng ở La-mã 10 phải là một vì sao quay quanh Chúa, là sứ giả thăng thiên – âm thanh của họ bủa khắp đất, rhema của họ truyền đến cực địa, chẳng chi tránh được hơi nóng của mặt trời hay của họ được vì họ ở trên cao. Người truyền phúc âm phải có cuộc sống cao và ẩn giấu như vậy.
2.Có bao giờ anh em tìm hậu cảnh của Hê-bơ-rơ 2: 13 chăng? Câu này chép lời của Chúa Jesus sau khi Ngài sống lại: “Đây này, tôi và các con cái mà Đức Chúa Trời đã ban cho tôi”. Tác giả Hê-bơ-rơ trích dẫn lời đó từ Ê-sai 8: 18, và ông ngụ ý tiên tri Ê-sai và hai con trai mình, làm hình bóng cho Christ và dân Ngài – cả ba “là dấu và điềm trong Y-sơ-ra-ên”.
Các quyển kinh thánh Anh văn có phần tham chiếu Tân Cựu ước với nhau cách đầy đủ. Dù vậy ít khi anh em suy nghĩ sâu hơn về nơi xuất xứ, về nguyên do nào tác giả Tân ước trích dẫn các câu đó.
Tên của Ê-sai có nghĩa “sự cứu rỗi của Chúa”. Con trai đầu của ông tên là “Sê-a-gia-súp” – có nghĩa “dân sót trở về” (7: 3). Con thứ hai tên là Ma-he-sa-la-hát-bát” (8: 3) – có nghĩa “sự cướp mau lên”.
Sau khi Christ sống lại, ba danh tánh này được ứng dụng cho chúng ta như thế nào? – Nhờ Chúa là sự cứu rỗi (tên Ngài là Jesus – Giê-hô-va cứu rỗi) – nên cho dù sự cướp bóc nhà Chúa, tàn phá dân Chúa qua Ba-by-lôn vật lý và huyền bí, cuối cùng đoàn Sê-a-gia-súp, dân sót của Ngài cũng trở về. Đó là Hội thánh Phi-la-đen-phi khôi phục, là dấu, là điềm trong dân Đức Chúa Trời trước ngày Christ tái lâm.
3.Khải-thị 13: 9-10 chép về khổ nạn của thánh đồ trong cơn đại nạn: “ai có tai hãy nghe. Nếu ai dành cho sự phu tù, anh ta sẽ đi tù; nếu ai muốn giết (người) bằng gươm, anh ta phải bị giết bằng gươm. Đây là sự nhẫn nại và đức tin của các thánh đồ” (sát nghĩa). Hai câu này gom ý các câu Ê-sai 33: 1, Giê 15: 2; 43: 11, Sáng 9: 6, Math 26: 52. Trong cơn đại nạn, mọi tín đồ bị bỏ lại sẽ bị hoặc đi phu tù hay giết bằng gươm. Kẻ bị tù do Chúa định, kẻ bị An-ti-Christ giết chết là trả lại nợ máu mà mình đã gây ra trước kia.
Đọc Giê 15: 1-3 anh em sẽ thấy tình cảnh thảm hại của các thánh đồ trong cơn đại nạn mà cảnh trạng dân Chúa thời Giê-rê-mi làm tiêu biểu cho họ.
Giê 15: 1 Dù cho Môi-se hay Sa-mu-ên làm trạng sư can gián, cầu thay cho họ, Chúa cũng không nghe. Họ bị đuổi ra khỏi sự bảo vệ của Chúa.
Câu 2 – Khi bị xua đuổi rồi, họ sẽ đi đâu? Chúa phán: kẻ thì bị giết chết, kẻ chịu đói kém, kẻ chịu tù đày, người thì bị thú dữ hại.
Nếu không xem lại xuất xứ là Giê-rê-mi 15 về cảnh thành Giê-ru-sa-lem bị quân Canh-đê phá vỡ, tàn sát, chúng ta không có hình ảnh đầy đủ và rùng rợn về ngày đại nạn giáng trên các thánh đồ gánh chịu.
Để có tư liệu, ánh sáng, sự khải thị khi rao giảng lời thập giá, lời ân điển, lời phúc âm, lời lẽ thật, lời sự sống trong Tân ước anh em phải tìm lại gốc rễ, xuất xứ, các hình bóng, hình ảnh, từ ngữ, các phần lịch sử trong Cựu ước liên quan các lời, các câu kinh thánh đó trong Tân ước. Đó là cách rao giảng lời sâu sắc, có cơ bản nhất mà các tác giả Tân ước đã sở đắc.
Tôi đề nghị anh em nghiên cứu và rao giảng I Phi 3: 14-15 theo xuất xứ là Ê-sai 8: 11-13 với toàn bối cảnh ở Ê-sai 7, 8; II Vua 16 và II Sử 28. Sau đó rao giảng Phi-líp 3: 2, 5, 8 từ hậu cảnh Sáng 49: 27. Anh em giải nghĩa Hê-bơ-rơ 2: 11 theo bối cảnh cựu ước là cả Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp đều lấy người thân tộc làm vợ - Chúc anh em thành công./