Đê-bô-ra được Linh Đức Giê-hô-va cảm thúc hát: “trong ngày Sam-ga, con trai A-nát và nhằm lúc Gia-ên, các đường cái đều bỏ hoang, những hành khách nương theo các lối quanh quẹo, trong Y-sơ-ra-ên thiếu các quan trưởng cho đến chừng ta là Đê-bô-ra chổi dậy như một người mẹ trong Y-sơ-ra-ên”.
Nhà bà Đê-bô-ra ở trong vùng đồi núi Ép-ra-im ở giữa khoảng Bê-tên và Ra-ma. Ra-ma này là quê hương của tiên tri Sa-mu-ên, nằm trên đường ranh giới chi phái Ép-ra-im và Bên-gia-min. Ra-ma cách Giê-ru-sa-lem 6 dặm về phía Đông Bắc, còn Bê-tên cách Ra-ma 5 dặm về phía Bắc.
Bà Đê-bô-ra ngồi dưới gốc cây chà là (kè) Đê-bô-ra để xét đoán dân chúng đến cùng bà. Thi thiên 92: 12 chép: “người công bình sẽ thịnh vượng như cây kè, đầy nhựa sống và xanh tươi”. Nữ tiên tri Đê-bô-ra giống như cây kè cung cấp trái ngọt và bóng mát cho dân thánh đang bị ngoại bang chà đạp hung tàn.
Là tiên tri, lẽ tự nhiên Đê-bô-ra thường nhận được các sự khải thị từ Đức Chúa Trời và lời hiện hành của Ngài để giải đáp mọi nan đề và cấp dưỡng dân thánh. Công việc thường xuyên của bà là gì? Kinh thánh chép: “trong lúc đó Đê-bô-ra, nữ tiên tri … đã xét đoán dân Y-sơ-ra-ên”. Rõ ràng Đê-bô-ra là quan xét, là quyền bính của Đức Chúa Trời trong thời kỳ đó.
Kinh thánh chép “dân Y-sơ-ra-ên lên đến cùng người, đặng nghe sự xét đoán” Dân 27: 21 chép: “người phải ra mắt Ê-li-a-sa, thầy tế lễ, rồi người (Ê-li-a-sa) sẽ vì Giô-suê cầu hỏi sự xét đoán của U-rim trước mặt Đức Giê-hô-va”. Trong cả hai trường hợp từ liệu “sự xét đoán” có thể dịch là “phán quyết”. Cảm tạ Chúa, dù dân chúng thường xuyên chống đối, nhưng các tiên tri Đức Chúa Trời vẫn cứ xét đoán dân chúng, vẫn đưa ra các phán quyết do khải thị thần thượng soi dẫn. Phao-lô nói: “tôi tỏ ý kiến (sự quyết định tư pháp) như kẻ đã được thương xót để làm người đáng tin” (I Cô 7: 25). Anh em có thể tin nỗi các quyết định tư pháp của các tiên tri quyền bính chăng?
“Bà đã sai (người) và gọi Ba-rác, con trai A-bi-nô-am từ Kê-đe trong đất Nép-ta-li đến…”. Do phán quyết Chúa ban cho, Đê-bô-ra sai người kêu gọi Ba-rác từ Kê-đe đất Nép-ta-li đến ứng hầu trước mặt Đức Giê-hô-va tại cây kè Đê-bô-ra.
Theo Giô-suê 21: 32, Kê-đe của chi phái Nép-ta-li, xứ Ga-li-lê là thành của con cháu Ghẹt-sôn. Có thể Ba-rác là người Ghẹt-sôn, chi phái Lê-vi chăng. Bước chân đầu tiên của Ba-rác là phải vâng lời quyền bính đại biểu của Đức Chúa Trời, đến ra mắt bà tại núi Ép-ra-im. Với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy sự khải thị từ người Đức Chúa Trời đều phải đưa chúng ta lên cư trú miền đồi núi. Núi Ép-ra-im là vùng núi chế ngự cả khu trung bộ xứ thánh. Dù anh em có sống trong Kê-đe, thành ẩn náu – cứu ân của Christ - ở bước đầu, anh em cũng cần lên miền núi khi người Đức Chúa Trời kêu gọi anh em.
Đê-bô-ra nói cùng Ba-rác: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đã truyền lịnh này, hãy chọn đem theo ngươi một vạn người trong con cháu Nép-ta-li và trong con cháu Sa-bu-lôn”. Trước sự dâng mình của Ba-rác và các quan tướng các cấp, Đê-bô-ra hát: “khá ngợi khen Đức Giê-hô-va vì những quan trưởng đã cầm quyền quản trị trong Y-sơ-ra-ên và bá tánh dâng mình cách vui lòng … Lòng ta ái mộ các quan trưởng của Y-sơ-ra-ên, là những người trong dân chúng dâng mình cách vui lòng, đáng ngợi khen Đức Giê-hô-va”. Đê-bô-ra là quyền bính quyết định, Ba-rác là quyền bính chấp hành.
“Vậy Đê-bô-ra đứng dậy đi cùng Ba-rác đến Kê-đe, Ba-rác nhóm hiệp người Sa-bu-lôn và người Nép-ta-li tại Kê-đe, có một vạn người đi theo sau người, và Đê-bô-ra cũng đi lên với người”. Điều bất năng mà các tôi tớ Đức Chúa Trời thường gặp là khó nhóm họp, vận động dân Chúa đi vào phương án của Chúa. Tôi tớ thành công của Đức Chúa Trời là người có thể vận động mọi người một ta-lâng, đưa mọi chi thể của Thân Thể Christ đi ra làm việc. Theo Giô-suê 20: 7, Kê-đe nằm trên núi Nép-ta-li, núi của xứ Ga-li-lê.
Ba-rác được sinh trưởng trong thành Kê-đe, trên núi Nép-ta-li- cứu ân hoàn bị của Đức Chúa Trời, cao như đỉnh núi – nhưng ông phải trải qua núi Ép-ra-im, dưới bóng cây chà là, nhận lãnh và am hiểu các tư tưởng, các khải thị của Chúa, mà đối với Ba-rác, chúng cũng cao như núi Ép-ra-im. Rồi đỉnh núi cuối cùng Ba-rác phải theo chân Đê-bô-ra cùng bước lên với cả đoàn tinh binh đến là Tha-bô.
Đê-bô-ra truyền lịnh của Chúa: “Hãy chọn đem theo người một vạn người trong con cháu Nép-ta-li và trong con cháu Sa-bu-lôn mà đi thẳng đến núi Tha-bô”.
Theo Giô-suê 19: 22, núi Tha-bô thuộc về chi phái Y-sa-ca. Chúa truyền Ba-rác mộ quân từ Nép-ta-li và Sa-bu-lôn, còn các bậc chỉ huy thuộc hạ của Ba-rác lại từ chi phái Y-sa-ca, vì Đê-bô-ra hát: “Các quan trưởng của Y-sa-ca đều theo Đê-bô-ra, Y-sa-ca và Ba-rác đồng một ý nhau”. Địa hình, địa vật núi Tha-bô và trũng Ki-sôn ở dưới núi các vị quan tướng đó đều quen thuộc. Tha-bô-và chiến trường Ki-sôn không gì khác hơn là sự kinh nghiệm tình trạng chiến tranh thuộc linh trong đời sống của các Đê-bô-ra và Ba-rác hiện tại.
Bọn tà linh có báo cáo cho Sa-tan khi thấy anh em và hội thánh đã lên Tha-bô thuộc linh rồi chăng? Kinh thánh chép: “người ta thuật lại cho Si-sê-ra hay rằng Ba-rác … đã đi đến núi Tha-bô”. Và khi hội thánh đăng quang, chiếm các địa vị thuộc linh, các nơi cao trên trời trong Đấng Christ.
Người Đức Chúa Trời luôn thấy trước chiến thắng và các tôi tớ Chúa luôn đánh thắng Sa-tan từ địa vị đã đắc thắng, còn Sa-tan vốn đã bị phế thải nên thường bị động và co cụm. Chúa phán trước cùng Ba-rác lúc còn ở núi Ép-ra-im “ta sẽ khiến Si-sê-ra … đến cùng ngươi tại khe Ki-sôn, luôn với các xe cộ và quân lính của hắn, ta sẽ phó hắn vào tay ngươi”.
Khi giờ hành động đến, nữ tiên tri Đê-bô-ra hạ lệnh cho Ba-rác: “hãy đứng dậy vì nầy là ngày Đức Giê-hô-va phó Si-sê-ra vào tay ngươi. Đức Giê-hô-va há chẳng ở đằng trước người sao”.
Cám ơn Chúa, rồi Ba-rác đi xuống núi Tha-bô, có mười ngàn người đi theo. Đê-bô-ra mô tả chiến thuật đánh như vậy là: “Bấy giờ các kẻ còn sót lại trong dân đều xuống, đến cùng các tráng sĩ đặng ra trận, dân Đức Giê-hô-va xuống đánh kẻ dòng sĩ”. Hội thánh Đức Chúa Trời ngày nay ít kinh nghiệm lối cầu nguyện quyền bính, không chuyên tâm thực hành phụng sự Chúa từ địa vị đăng quang trên trời, trên bè lũ Sa-tan và dân chúng. Chúa Jesus phán về Ngài và những kẻ liên hiệp chặt chẽ với Ngài rằng: “Đấng từ trên mà đến là trên hết thảy, kẻ từ đất mà ra là thuộc về đất, và nói cũng thuộc về đất, còn Đấng từ trời đến thì trên hết thảy”. Đối với Đức Chúa Trời thánh khiết, Đấng Cứu chuộc, chúng ta cần thật nhận biết mình vốn là bụi đất, còn đối với Sa-tan và thế giới chúng ta phải tin cậy và phô diễn nguồn gốc thiên thượng, thần thượng của mình là giấu kín với Đấng
Christ trong Đức Chúa Trời.
Tóm lại, trong Kê-đe trên núi Nép-ta-li, Ba-rác hưởng cứu ân hoàn bị trong thành ẩn náu, Ba-rác lên núi Nép-ta-li nhận các khải tượng thuộc linh về nhu cầu Đức Chúa Trời và sự chiến bại của kẻ thù. Sau đó, ông cùng đoàn quân phải đứng trên núi Tha-bô phô diễn sự toàn thắng của Chúa và mãi mãi kiềm chế, đè bẹp địch quân dưới lòng khe thấp thỏi.
Có ai dám bước theo bước chân của Ba-rác chăng? Xin Chúa dấy lên nhiều Ba-rác như vậy. Amen./.
Minh Khải
Minh Khải