Từ sau cuộc cải chánh giáo hội, các học giả Kinh thánh vẫn
luôn tranh luận để kết luận chủ đề chính của Kinh thánh là gì. Người thì nói
Kinh thánh chép về câu chuyện cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Người khác bảo Kinh
thánh là cuốn sách đạo đức, là áng văn chương tuyệt mỹ chép nhiều câu châm ngôn
hay ho. Số người khác cho rằng kinh thánh là sách tiên tri, sách đạo đức học,
sách lịch sử, hay sách khoa học gì đó, vì rằng những phát minh, khám phá của
khoa học vẫn đi sau các tuyên bố về mặt khoa học từ Kinh thánh. Trường phái khác
lại cho rằng Kinh thánh là câu chuyện tình thần thượng giữa Đức Chúa Trời và
loài người. Người Do thái cho rằng Kinh thánh chủ yếu chép về luật pháp.
Hôm nay tôi lấy một chủ đề “Ân điển và luật pháp trong kế hoạch
đời đời của Đức Chúa Trời”
để bàn bạc cùng các bạn:
Tôi không amen với một số người thay đổi chữ “luật pháp”
(law) trong kinh thánh thành chữ “kinh luật”. Epheso 2: 15 chép, “nhờ ở trong xác thịt Ngài mà Ngài đã
bãi bỏ sự thù nghịch, là luật pháp bằng điều răn và giới mạng (ordinaces)”. Chữ
“Luật pháp” theo tiếng Hê-bơ-rơ là Torah, được chép 216 lần trong Cựu ước; còn
hai chữ “điều răn” và “giới mạng” cũng chép khá nhiều lần. Điều răn ám chỉ 10
điều răn, giới mạng là các luật lệ phụ thuộc. Tất cả gọi chung là luật pháp.
Thí dụ Xuất hành chương 21 đến 23 chép về các giới mạng (ordinaces) bổ túc cho
10 điều răn. Nhưng tất cả cũng gồm chung trong luật pháp (Torah) của Đức Chúa
Trời.
Học giả người Do thái,
Aaron Chouravong, nghĩ rằng trái cây thực sự mà Adam và Eve đã ăn là quả lựu, vì cớ nó có 613 hạt và bộ Luật
pháp cũng bao gồm 613 mệnh lệnh trong Cựu Ước (bao gồm cả mười điều răn).
1.
Bản chất của luật pháp Đức Chúa Trời
Rô-ma 7:12, 14 chép, “luật pháp là thánh, điều răn cũng là
thánh, công nghĩa và lương thiện.- chúng ta biết luật pháp là thuộc linh; nhưng tôi lại thuộc
xác thịt, bị bán cho tội lỗi”.
Bản chất của luật pháp của Đức Chúa Trời là thánh khiết, công
nghĩa, lương thiện và thuộc linh. Một người cha đặt qui luật cho gia đình mình,
các qui luật đó nói lên con người của người cha thuộc loại người gì. Luật pháp
của một quốc gia phản ánh tình trạng đạo đức cấp lãnh đạo của quốc gia đó. Luật
pháp của Đức Chúa Trời minh họa bản chất và thân vị của Ngài. Luật pháp, nhất
là 10 điều răn như là chân dung, như lời chứng chân xác của Ngài. Luật pháp của
Đức Chúa Trời bày tỏ các thuộc tính của Ngài. Nó cũng là sự biểu hiện, sự khải
thị về Ngài cho dân chúng. Mười điều răn là một phần của luật pháp Đức Chúa Trời,
phô bày Ngài là Đấng yêu thương, sáng láng, thánh khiết, công nghĩa. Chúa còn là
Đức Chúa Trời độc tôn, duy nhất,
rất ghen tuông thuộc linh.
2.
Ân điển là gì?
Ân điển hay ân sủng là Đức Chúa Trời làm thay thế mọi sự cho bạn. Ân điển là Đức
Chúa Trời trong Đấng Christ là phần hưởng cho bạn vui hưởng, chiếm hữu, kinh
nghiệm. Còn luật pháp là gì? Luật pháp là những gì Đức Chúa Trời đòi hỏi con
người thi hành, tuân thủ.
Trước khi ban hành bộ luật pháp thần thượng cho con người, Đức
Chúa Trời ban lời hứa chứa đựng ân điển của Ngài cho họ. Từ ban đầu Chúa hứa, “Ta
sẽ làm cho mầy (Satan) cùng người nữ, dòng dõi mầy (Antichrist) cùng dòng dõi
người nữ (Jesus Christ) nghịch thù nhau. Người sẽ giày đạp đầu mầy, còn mầy sẽ
cắn gót chân người” (Sáng 3:15). Dòng dõi người nữ là Chúa Jesus. Khoảng 2000
năm sau, là chừng 500 năm trước khi ban hành luật pháp, Chúa hứa lần nữa cùng
Abraham, “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; Ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng
làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người
nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả ngươi; và các chi tộc nơi thế giới sẽ
nhờ ngươi mà được phước.” (Sáng 12:2-3). Ân phước Đức Chúa Trời hứa cho Abraham,
theo Galati 3:14 giải nghĩa thì đó là Đức Thánh Linh từ Chúa Jesus phục sinh
ban xuống cho người tin. Phao lô nói, “hầu cho hạnh phước của Áp-ra-ham nhờ
Christ Jêsus mà giáng trên dân Ngoại bang, để chúng ta cậy đức tin mà nhận lãnh
Đấng đã hứa là Thánh Linh”.
Ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời là ban ân điển, hồng ân,
gói ghém trong lời hứa của Ngài cho con người. Ngài không có ý định ban luật
pháp nghiêm khắc.
Dòng dõi người nữ là Chúa Jesus. Chúa Jesus đã bị con rắn cắn
gót chơn. Ngài đã chết trên thập tự giá như A-đam sau cùng. Ngài đã phục sinh
và trở nên Linh ban sự sống- “A-đam sau hết lại nên Linh ban sự sống” (1 Cor.
15:45). Đức Linh nầy là ân phước mà Đức Chúa Trời đã hứa ban cho các dân tộc
qua dòng dõi Abraham (Jesus Christ).
3.
Tại Sao Đức Chúa Trời ban hành luật pháp
Ân điển mà Đức Chúa Trời dự định ban cho con người là dòng dõi
người nữ, cũng là ân phước hứa cùng Abraham, là Thánh Linh. Nhưng tại sao 430
năm sau đó, Ngài lại ban luật pháp?
Phao-lô cho biết ân điển không chỉ bắt đầu từ thời đại Tân ước.
Khi đọc Galati chúng ta nhận thấy lời hứa được ban cho vào khi Đức Chúa Trời
kêu gọi Abraham. Nói cách khác Đức Chúa Trời rao giảng phúc âm cho Abraham và bảo
ông trông đợi Đấng Christ mà qua Ngài ơn phước sẽ đến trên khắp thế giới. Vào
thời điểm Đức Chúa Trời ban ân điển cho Abraham, thì luật pháp chưa có. Thơ
Galati nói với chúng ta một cách rõ ràng rằng Đức Chúa Trời không ban luật pháp cho Abraham, mà ban
cho lời hứa, tức là phúc âm, “Kinh Thánh cũng thấy trước rằng Đức Chúa Trời sẽ
xưng dân Ngoại bang là công nghĩa bởi đức tin, nên trước đã giảng Tin Lành cho
Áp-ra-ham rằng: “Muôn dân đều sẽ nhờ ngươi mà được phước.” (3:8). Trong Galati,
Phao-lô nói rằng phúc âm của chúng ta dựa trên phúc âm của Abraham và ân điển của
chúng ta dựa trên ân điển mà Abraham tiếp nhận được. Lời hứa chúng ta nhận được
căn cứ vào lời hứa được ban cho Abraham, và Đấng Christ chúng ta nhận được là
chính dòng giống của Abraham. Ngài là người Israel –“Ấy vậy, ai có đức tin thì
nấy được phước với người có lòng tin là Áp-ra-ham” (3:9).
Thế thì tại sao chúng ta cần có luật pháp? Phao lô nói rằng,
“Vậy thì luật pháp để làm chi? Luật pháp đã được thêm vào (to be added) vì có sự
quá phạm” (Ga 3:19).
Sau khi sa ngã, con loài người được cấu tạo thành tội nhân hư
hoại bên trong. Nhưng họ không thấy bản chất mình là gì, cũng không nhìn nhận sự
hư hoại di truyền của mình, cho nên họ không thấy cần nhận ân điển là Chúa
Jesus. Do đó Đức Chúa Trời ban cho con người luật pháp, rồi đòi hỏi họ tuân
theo, hầu họ bị thất bại và bị vạch trần. Chúa ban luật pháp cho họ để họ vi phạm
và ngậm miệng nhận mình là tội nhân hư hỏng, hầu họ tìm kiếm ân điển.
Tại núi Sinai, dân Israel tuyên bố họ sẽ tuân thủ luật pháp,
nhưng lịch sử sa bại và vong quốc của Israel suốt hai mươi sáu thế kỷ qua—từ
năm 606 T.C đến ngày nay- là một minh họa chứng tỏ con loài người đã vi phạm luật
pháp của Đức Chúa Trời không thôi. Điều đáng tiếc là ngày nay còn nhiều con dân
Chúa không hiểu kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời, nên vẫn cỗ xúy người ta
vâng giữ luật pháp để xưng nghĩa cho mình. Họ bỏ qua ân điển, họ chưa thấy con
người của họ bất năng như
thế nào trước sự đòi hỏi gắt gao của luật pháp.
4.
Tiếp nhận ân điển
Chúa rao phúc âm về ân điển, về giao ước mới cho Abraham 2000
năm trước khi loài người tội lỗi thực sự tiếp được ân đển vào chính mình—tức là
sau khi Chúa Jesus sống lại.
Trong thời Cựu ước, dân Chúa không tiếp nhận ân điển vào
trong mình, Linh Đức Chúa Trời chỉ hạn chế ngự trên một thiểu số như vua, thầy
tế tễ, tiên tri, và các thánh đồ kỉnh kiền. Khi ấy lời hứa về sự cứu rỗi, sự
tha thứ các tội lỗi chưa có hiệu lực thì làm sao dân chúa dám đến gần Đức Chúa
Trời? Lửa thánh khiết từ Đức Chúa Trời sẵn sàng quét sạch tội nhân nào dám đến
gần Ngài. Nhưng qua đền tạm và mọi lễ nghi, mọi của lễ, dân cựu ước như đã được
tha thứ trước, dù Chúa Jesus chưa chịu chết thay thế. Đền tạm và các của lễ
cũng là các hình bóng đa điện về Chúa Jesus. Ai nhờ các của lễ và đền tạm thì
như là đã nhận ân điển, sẽ được đến gần Đức Chúa Trời.
Vào thời Tân ước, sứ đồ Giăng nói, “Ngày chót, là ngày trọng
thể trong kỳ lễ, Jêsus đứng lên kêu rằng: “Nếu người nào khát, hãy đến cùng ta
mà uống. Kẻ nào tin ta thì các sông nước
hằng sống sẽ chảy từ trong lòng người ấy, y như Kinh thánh đã chép vậy.” Ngài
phán điều đó chỉ về Thánh Linh mà kẻ tin Ngài sẽ nhận lãnh; bởi bấy giờ Thánh
Linh chưa ban xuống, vì Jêsus chưa được vinh hóa” (Giăng 7:37-39). Bản King
James dịch câu “chưa ban xuống“ là “chưa có”, vì các môn đồ đầu tiên không tiếp
nhận Jesus vật lý được. Họ chỉ nhận Linh Jesus Christ phục sinh.
Khi phục sinh, Chúa Jesus được vinh hóa. Ngay tối hôm đó,
Ngài hà hơi trên các môn đồ và bảo họ “hãy tiếp nhận Thánh Linh” (Hơi thở thánh
khiết)- Giăng 20: 22. Linh của Chúa là ân phước Đức Chúa Trời đã hứa cho
Abraham, là ân điển. Chúa Jesus đã làm trọn mọi đòi hỏi của luật pháp thay cho
con người, nên họ nhận được ân điển.
5. Chết dưới luật pháp của Đức Chúa Trời:
Trong thời cựu ước, những ai nhận biết
cách sâu xa về các tội lỗi của mình, đó là những người đã chịu chết dưới luật
pháp. David cầu nguyện, “Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy thương xót tôi tùy lòng nhân
từ của Chúa; Xin hãy xóa các sự vi phạm tôi theo sự từ bi rất lớn của Chúa. Xin
hãy rửa tôi cho sạch hết mọi gian ác, Và làm tôi được thanh khiết về tội lỗi
tôi. Vì tôi nhận biết các sự vi phạm tôi, Tội lỗi tôi hằng ở trước mặt tôi”
(Thi 51).—E-xơ-ra cầu nguyện, “Ồ, Đức Chúa Trời tôi! Tôi hổ ngươi thẹn mặt, chẳng
dám ngước mặt lên Ngài, là Đức Chúa Trời tôi; vì gian ác chúng tôi đã thêm nhiều
quá đầu chúng tôi, và tội chúng tôi cao lớn tận trời. Từ ngày tổ phụ chúng tôi
cho đến ngày nay, chúng tôi đã cực cùng phạm tội” (Exra 9)—Đa-ni-ên thưa với
Chúa, “chúng tôi đã phạm tội, làm sự trái ngược, ăn ở hung dữ, chúng tôi đã bội
nghịch và đã xây bỏ các giềng mối và lệ luật của Ngài” (Đa 9).
Anh em có cúi đầu, nhìn nhận và thú
nhận như vậy về mình với Chúa chưa? Anh em đã chết chưa?
Tôi xin nêu ra vài người trong Tân ước
đã chịu chết dưới luật pháp như:- Phao-lô. Ông nói, “vì nếu luật pháp không
nói: "Ngươi chớ tham dục” (điều răn thứ 10 ), thì tôi không biết sự tham dục
là gì. Song tội lỗi đã nhơn dịp bởi điều răn mà gây nên đủ thứ tham dục trong
tôi; vì không có luật pháp thì tội lỗi đã chết rồi. Trước kia tôi không có luật pháp mà
tôi sống, nhưng khi điều răn đến thì tội lỗi lại sống, còn tôi thì chết.” (Rô.
7:7- 9). Phao-lô nhìn nhận mình là con người tham dục, đã chết rồi. Về sau ông
nói, “tham lam là sự thờ hình tượng”, (Colose 3:5).
Vào khoảng năm 59 S.C ông nói mình là
sứ đồ đi sau các anh em khác (I Cor. 4:9), đến khoảng năm 64 S.C. Phao-lô nói
ông là một thánh đồ nhỏ nhất (Epheso 3: 8) rồi chừng vài năm trước khi qua đời,
khoảng năm 65 S.C., ông nói “Christ Jêsus đã đến trong thế giới để cứu các kẻ
có tội, ấy là lời đáng tin đáng nhận mọi bề, trong số đó ta là tội đồ đầu nhất”
(1 Tim 1:15). Bản King James dịch, “to save sinners; of whom I am chief”. Điều
ngạc nhiên là Phao-lô nói “tôi đang là đầu lĩnh các tội nhân”. Thường thường
chúng ta làm chứng ngược lại: tôi vốn là tội nhân, ít năm sau, chúng ta nói : tôi
là thánh đồ nhỏ bé; cuối cùng sẽ nói: tôi là sứ đồ hay mục sư chi chi đó. Gia
cơ 1:22-15 nói Lời Chúa là luật pháp, như gương soi sẽ vạch trần chân tướng
chúng ta từ từ cho chúng ta thấy. Nên trước khi chết, tức là sau 30 năm chức vụ
hầu việc Chúa, Phao lô cảm nhận ông vẫn đang là tội nhân, có thể sa ngã qua
phía thế giới Satan bất cứ lúc nào. Bạn có càng lúc thấy rõ mình là gì không?
Ánh sáng từ Chúa sẽ hạ bệ và giết chúng ta như vậy hầu chúng ta tiếp nhận ân điển
càng hơn nữa.
Trong Kinh Tân ước, Chúa gia cấp luật
pháp Cựu ước lên một cấp siêu việt, làm cho chúng ta càng bất năng tuân thủ.
Bài giảng trên núi trong Mathio 5:-7:, là hiến pháp của vương quốc Đức Chúa Trời.
Chúa Jesus nói, “Các ngươi đã nghe phán rằng: 'Chớ phạm tội gian dâm.' Song ta
nói cùng các ngươi, hễ ai ngó đàn bà mà động tình ham muốn, thì trong lòng đã
phạm tội gian dâm cùng người rồi” (5:27-28). Câu “Nghe phán rằng” là lời của luật
pháp Cựu ước, còn câu “song Ta nói” là luật Tân ước do Chúa ban hành. Dân Chúa
có thể tránh được tội ngoại
tình cụ thể, nhưng rất khó thoát khỏi tội ngoại tình trong tư tưởng, phải không
bạn?
Lời Phao-lô trong 1 Co-rinh-tô 13:
4-7, “Tình thương yêu hay kiên nhẫn và nhân từ; tình thương yêu chẳng ganh
ghét; tình thương yêu chẳng khoe mình, chẳng lên mặt, chẳng ở phi lễ, chẳng tìm
tư lợi, chẳng nhạy giận, chẳng niệm ác, chẳng vui về sự bất nghĩa, nhưng vui về lẽ thật.
Tình thương yêu bao dung mọi sự, tin mọi sự, hi vọng mọi sự, nhẫn nại mọi sự”.
Tôi cảm thấy những câu nầy, như tia quang tuyến X thuộc linh, thần thượng soi
thấy tâm can, và vạch trần mỗi chúng ta. Bạn thực hành nỗi các đòi hỏi của luật
yêu thương ở đây không? Nếu lòng bạn chân thành mở ra trước mặt Chúa thì ánh
sáng từ Matio 5-7 và 1 Cor 13, là tân luật pháp, cũng đã giết bạn chết rồi.
Kết luận:
Theo kế hoạch đời đời, Đức Chúa Trời
muốn ban cấp Con Ngài, Jesus Christ, cho chúng ta vui hưởng, chiếm hữu hầu
chúng ta trở thành các con của Đức Chúa Trời, rồi xây dựng hội thánh, Thân Thể
Đấng Christ và cuối cùng đi đến thành thánh Jerusalem mới. Nhưng con người đã bị
thần đời nầy làm đui mù tâm tư, không thấy mình là tội nhân hư hoại và không cần
tiếp nhận Chúa Jesus. Lịch sử 2600 năm vong quốc của dân Israel là một thị trợ
mà Đức Chúa Trời vẫn đang dùng để cho nhân loại thấy rằng bản chất loài người
đã hư hoại đến cực điểm.
Nhưng các bạn ơi, các bạn có thật sự
thấy mình hư hỏng đến mức như vậy chưa? Dù các bạn đã tiếp nhận Chúa rồi, nhưng
ngày nay các bạn có thực sự cần Linh ban sự sống của Chúa Jesus càng lúc càng dẫy
đầy và kết tinh, thành hình trong mình chăng, vì tình trạng hư hoại vẫn còn ở
trong chúng ta như Phao-lô nói ở 1 Tim. 15 đó?
Chúng ta cảm tạ Đức Chúa Trời vì Ngài
đã ban cho 613 điều luật trong Cựu ước, và bộ luật cao cấp trong Tân ước là bài
giảng trên núi của Chúa, và lời dạy dỗ của các sứ đồ trong Tân ước cho chúng
ta. Chắc chắn chúng sẽ phát ánh sáng, đánh hạ, giết chết những ai khiêm ti, hạ
mình, hầu người đó sẽ tiếp nhận được ân điển càng dư dật của Đức Chúa Trời.
Phao-lô nói “Vả, luật pháp đã xen
vào, hầu cho sự quá phạm thêm lên; nhưng nơi nào tội lỗi đã thêm lên, thì ân điển
lại càng dư dật muôn phần hơn, hầu cho như tội lỗi đã nhơn sự chết mà làm vua
thể nào, thì ân điển cũng phải nhơn sự công nghĩa mà làm vua thể ấy, để dẫn đến
sự sống đời đời bởi Jêsus Christ, Chúa chúng ta” (Rô 5:20-21).
Các sự vi phạm chắc chắn sẽ gia tăng
trong sự nhận thức thuộc linh của những người được Đức Linh Linh mặc khải cho họ
thấy chính con người của họ là gì và như thế nào. Đó là những người khiêm nhường,
phủ phục như Exora, Đa-ni-ên, Phao-lô, họ sẽ nhận ân điển gia bội của Đức Chúa
Trời. “Đức Chúa Trời chống trả kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ân điển cho kẻ khiêm nhường”
(1 Phiero 5:5).
Minh Khải 27-9-2014