Chủ Nhật, 10 tháng 7, 2016

SÁCH KHẢI THỊ BÀI 2 ,




KHẢI THỊ VỀ ĐẤNG CHRIST LÀ ĐỘC ĐÁO
VÀ CHUNG CUỘC
Trong bài này, chúng ta đến với khải thị về Đấng Christ. Khi đọc sách Khải Thị, không bao nhiêu Cơ Đốc nhân lưu ý đầy đủ đến khải thị về Đấng Christ trong sách này. Tư liệu “sự khải thị về Jesus Christ” được thấy trong 1:1 và những người nghiên cứu Kinh Thánh có ý kiến khác nhau về việc giải nghĩa từ liệu đó. Một số người nói rằng từ liệu ấy có nghĩa là sách Khải Thị được Đấng Christ ban cho như một khải thị. Giải nghĩa như vậy làm cho khải thị về Đấng Christ mang tính khách quan và không chính xác. Nếu đọc toàn bộ sách Khải Thị, chúng ta sẽ nhận thấy các từ liệu ấy hàm ý rằng sách Khải Thị là sự mặc khải về chính Đấng Christ. Đây là một bức tranh, một sự mô tả về Đấng Christ, chứ không chỉ là một khải thị được Đấng Christ ban cho. Chúng ta phải thấy Đấng Christ là trung tâm, tâm điểm và nhân vật nổi bật nhất trong toàn bộ sách Khải Thị. Vì thế, chúng ta phải nhận lấy tư liệu “sự khải thị về Jesus Christ” một cách chủ quan. Đây không chỉ là một khải thị được Đấng Christ ban cho mà còn là một khải thị bày tỏ Đấng Christ cho chúng ta.
Đấng Christ được khải thị trong những lời tiên tri, hình bóng và lời lẽ rõ ràng của Cựu Ước. Theo một ý nghĩa, chúng ta không cần Tân Ước, vì nếu đọc Cựu Ước, lưu ý kĩ những lời tiên tri, hình bóng và lời lẽ rõ ràng về Đấng Christ, chúng ta sẽ có sự khải thị về Đấng Christ. Qua những khải thị ấy chúng ta có thể hình dung Christ là Jesus Christ như thế nào.Tuy nhiên, dù những khải thị về Đấng Christ trong Cựu Ước có hoàn hảo thế nào đi nữa cũng vẫn chưa trọn vẹn. Vì thế, chúng ta phải đến với Tân Ước là sự khải thị trọn vẹn về Đấng Christ. Nếu chỉ đọc các sách Phúc Âm, Công vụ các Sứ đồ và các Thư tín, chúng ta sẽ thấy nhiều phương diện về Đấng Christ nhưng chúng ta sẽ không thấy những phương diện được đề cập trong sách Khải Thị. Trong bài này, chúng ta phải thấy những phương diện độc đáo và đặc biệt của sự khải thị về Đấng Christ trong sách này.

I. ĐẤNG CHRIST TRONG SỰ THĂNG THIÊN
CỦA NGÀI
Trong sách Khải Thị, Đấng Christ được khải thị là Đấng thăng thiên (5:3-6, 8-14). Trong bốn sách Phúc Âm, chúng ta thấy Đấng Christ nhục hóa, sống trên đất, chịu đóng đinh và phục sinh. Tuy nhiên, chúng ta chưa thấy nhiều về Đấng Christ trong sự thăng thiên của Ngài. Thậm chí trong các Thư tín, chúng ta cũng không thấy nhiều về sự thăng thiên của Đấng Christ. Dù các sách Phúc Âm, Công vụ các Sứ đồ và các Thư tín nói đôi điều về sự thăng thiêng của Đấng Christ, nhưng trong các sách ấy, chúng ta không tìm thấy một bức tranh rõ ràng nào về quang cảnh hay tình trạng trên các tầng trời sau khi Đấng Christ thăng thiên. Nếu muốn thấy bức tranh này, chúng ta phải đến với sách Khải Thị để có chân dung về Đấng Christ trên các tầng trời sau khi Ngài thăng thiên. Trong sách này, chúng ta có một bức tranh đầy đủ và rõ ràng về chính Đấng Christ và thăng thiên vào các tầng trời. Hơn nữa, trong bức tranh này, chúng ta thấy quang cảnh, cảnh tượng, tình trạng trên các tầng trời sau khi Đấng Christ thăng thiên. Chỉ khi nào nhìn thấy khải thị này, chúng ta mới thờ phượng Ngài cách thỏa đáng.
A. Sư tử - Chiên con
Trong sự thăng thiên của Ngài, Đấng Christ là Sư tử - Chiên con (5:5-6). Trong Phúc Âm Giăng, Giăng Báp-tít đã tuyên bố: “Kìa, Chiên con của Đức Chúa Trời” (Gi.1:29). Nhưng trong quang cảnh trên các tầng trời sau khi Đấng Christ thăng thiên, Đấng Christ chính yếu được khải thị là Sư tử, không phải Chiên con. Đang khi Giăng khóe vì “không thấy ai đáng mở sách ấy hoặc xem nó” (Khải.5:4) thì một trong các trưởng lão nói với ông: “Chớ khóc; kìa, Sư tử thuộc chi phái Giu-đa, Cội Gốc của Đa-vít, đã đắc thắng để mở sách và tháo bảy ấn ấy” (5:5). Trước khi Chúa chịu đóng đinh mà Giăng khóc thì còn có lí. Nhưng sau khi Ngài thăng thiên mà ông còn khóc là khờ dại. Ngày any, anh em có khóc không? Nếu vẫn còn khóc có nghĩa là anh em chưa thấy khải tượng về Đấng Christ thăng thiên trong Khải Thị chương 5. Anh em cần ngắm xem Sư tử của chi phái Giu-đa. Sáng Thế Kí 49:8 và 9 nói tiên tri về Đấng Christ là Sư tử của Giu-đa, và chỉ trong sách Khải Thị chúng ta mới được biết rằng Đấng Christ là Sư tử của chi phái Giu-đa. Sư tử của chi phái Giu-đa, cội gốc của Đa-vít, đã đắc thắng và xứng đáng mở ra các ấn của cuộc gia tểĐức Chúa Trời. Sau khi Giăng nghe một trong các trưởng lão tuyên bố như vậy, ông thấy “chính giữa ngai và bốn sinh vật, cùng chính giữa các trưởng lão, có một Chiên Con đứng, như đã bị giết” (5:6). Ông đã thấy Sư tử là Chiên con Đấng Christ là Sư tử hay Chiên con? Ngài là cả hai. Vì thế, chúng ta có thể gọi Ngài là Sư tử - Chiên con.
Tại sao Đấng Christ vừa là Sư tử vừa là Chiên con? Đó là vì chúng ta có hai nan đề chính là tội lỗi và Sa-tan. Hầu hết Cơ Đốc nhân chỉ quan tâm đến nan đề tội lỗi mà quên nan đề Sa-tan. Đừng nghĩ là chồng mình quá khó tính. Đừng trách người chồng mà hãy trách Sa-tan ở đằng sau người chồng. Cũng vậy, người vợ nào cũng tốt cả. Những điều xấu từ người vợ thật ra không phải đến từ họ mà từ sa-tan là kẻ ở đằng sau họ. Chiên con đối kháng với tội lỗi và giải quyết nan đề tội lỗi, còn Sư tử thì xử lí Sa-tan. Là Chiên con, Đấng Christ đã hoàn thành sự cứu chuộc, đã rửa sạh chúng ta khỏi những tội phạm. Là Sư tử, Ngài đã xử lí Sa-tan. Ngài có đủ khả năng đáp ứng những nhu cầu của chúng ta và giải quyết những nan đề của chúng ta. Bây giờ, tội không còn nữa, Sa-tan đã bị kết liễu, chúng ta đã được cứu chuộc và được giải cứu khỏi bàn tay chiếm đoạt của kẻ thù.
B. Đấng xứng đáng
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta vừa là Chiên con vừa là Sư tử. Chúng ta có một Đấng cứu rỗi là Sư tử-Chiên con. Đấng ấy xứng đáng mở sách đó. Ngoài Ngài, không người nào trong vũ trụ xứng đáng mở ra bí mật, huyền nhiệm của cuộc gia tể Đức Chúa Trời. Nhưng Sư tử - Chiên con xứng đáng vì Ngài đã hoàn thành sự cứu chuộc và giành được chiến thắng trên Sa-tan. Hễ khi nào Cơ Đốc nhân nói Đấng Christ là xứng đáng thì ý tưởng của chúng ta là Ngài xứng đáng được chúng ta ngợi khen, cảm tạ và thờ phượng. Khi chúng ta nói: “Chúa Jesus ơi, Ngài thật xứng đáng” thì không bao nhiêu người trong chúng ta nhận thấy Ngài xứng đáng mở các ấn về sự bí mật của cuộc gia tểĐức Chúa Trời. Chúng ta chỉ có quan niệm là Đấng Christ xứng đáng nhận được sự thờ phượng, lời ngợi khen và cảm tạ từ nơi chúng ta là những tạo vật nhỏ bé của Ngài. Nhưng đó là một quan niệm thiếu sót về sự xứng đáng của Chúa. Tuy nhiên, hầu hết các bài thánh ca về sự xứng đáng của Đấng Christ đều nói lên quan niệm thiếu sót như vậy về sự xứng đáng của Ngài. Không có nhiều bài thánh ca ngợi khen Đấng Christ vì Ngài xứng đáng mở ra bí mật của cuộc gia tể Đức Chúa Trời. Phương diện này về sự xứng đáng của Chúa mang tính hoàn vũ và không thể dò lường được. Tất nhiên, Đấng Christ xứng đáng để chúng ta ngợi khen. Thậm chí, Ngài còn xứng đáng để chúng ta dâng đời sống mình. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận thấy rằng theo Khải Thị Chương 5, sự xứng đáng của Đấng Christ là vấn đề Ngài xứng đáng mở ra bí mật của cuộc gia tểĐức Chúa Trời. Vũ trụ là một bí mật mà các khoa học gia không thể nào dò tìm được. Đơn gian là họ không hiểu được ý nghĩa hay mục đích của vũ trụ vì đó là bí mật được giữ kín đối với họ. Nhưng Đấng Christ thì xứng đáng mở ra bí mật vì Ngài xứng đáng mở ra các ấn của cuộc gia tể Đức Chúa Trời.
Khải Thị 5:5 chép rằng sư tử ấy xứng đáng mở sách và bảy ấn của sách. Sách này là một cuộn sách bằng da hoặc bằng vật liệu khác. Vì sách ấy được cuộn lại, nên khó biết được sách ấy dài bao nhiêu. Cuộn sách trong Khải Thị chương 5 kéo dài cho đến cõi đời đời. Chỉ có Đấng Christ mới xứng đáng mở cuộn sách dài đời đời này. Đừng nghĩ rằng anh em đã thấy được mọi sự hàm chứa trong sách ấy. Không, chúng ta sẽ cần đến cả cõi đời đời để thấy hết tất cả những gì được ghi trong đó. Khi ở trong Giê-ru-sa-lem Mới, chúng ta vẫn còn đọc nội dung của sách này. Trong cõi đời đời chúng ta sẽ nói: “Bây giờ tôi thấy thêm điều gì đó”. Đức Chúa Trời sẽ làm cho chúng ta kinh ngạc đời đời. Sự kinh ngạc về việc mở sách ấy sẽ kéo dài cho đến đời đời. Khi ở trong cõi đời đời, anh em có thể nói: “Sự kinh ngạc của Chúa là đời đời. Dù hiện đang ở trong cõi đời đời, nhưng chúng ta vẫn không thể nhìn thấy hết.” Đấng Christ xứng đáng mở ra cuốn sách về huyện nhiệm của Đức Chúa Trời.
C. Được các thiên sứ và tất cả
Những tạo vật khác thờ phượng
Vì Đấng Christ xứng đáng như vậy nên trong quang cảnh thuộc trời này. Ngài được các thiên sứ và tất cả những tạo vật khác thờ phượng. Hai mươi bốn trưởng lão đại diện cho các thiên sứ, và bốn sinh vật đại diện cho tất cả những tạo vật khác. Những thiên sứ có các trưởng lão, là 24 trưởng lão thiên sứ, đang đi đầu trong việc thờ phượng Đấng Christ. Trong bức tranh này, chúng ta thấy 24 trưởng lão đang ngợi khen và tất cả các thiên sứ đang ngợi khen, bốn sinh vật đang ngợi khen và tất cả những tạo vật khác đang ngợi khen. Tất cả cùng chung thờ phượng Đức Chúa Trời và Chiên con. Đấng Christ mà chúng ta tin là một Đấng Christ hoàn vũ như vậy
II. ĐẤNG CHRIST TRONG SỰ QUẢN TRỊ CỦA NGÀI
Bây giờ, chúng ta đến với Đấng Christ trong sự quản trị của Ngài. Trong vũ trụ có một sự quản trị. Vũ trụ không hoạt động cách vô nghĩa mà hoạt động theo sự quản trị của Đức Chúa Trời. Dù chúng ta không thể nhìn thấy Đấng quản trị ấy, nhưng Ngài vẫn đang thi hành sự quản trị thần thượng của Ngài. Tất cả những trận động đất, như trận động đất xảy ra gần đây tại miền bắc Trung Quốc, đều đến từ sự quản trị của Ngài. Christ không chỉ là Đấng cứu rỗi, Sư tử và Chiên con, mà còn là Đấng quản trị toàn thể vũ trụ.
A. Giữa các Hội thánh
Trước hết, Đấng Christ đang điều hành mục đích Đức Chúa Trời giữa các Hội thánh, đang vận dụng chức tế lễ để chăm sóc các Hội thánh (1: 11-18). Trong chương 1, Đấng Christ được khải thị là Con Loài Người mặc áo dài của thầy tế lễ thượng phẩm. Ngày nay, trong sự quản trị của Đức Chúa Trời, Đấng Christ đã vận dụng chức tế lễ của Ngài để chăm sóc các Hội thánh. Giữa các Hội thánh, Ngài mặc áo dài tế lễ. Hơn nữa, Ngài “thắt đai vàng ngang ngực” (1:13). Thật thú vị khi thấy rằng Ngài không thắt đai ngang lưng ma thắt ngang ngực. Điều này hàm ý là toàn bộ công tác của Ngài đã được hoàn tất và Ngài hiện đang chăm sóc các Hội thánh yêu dấu của Ngài trong tình yêu thương. Ngày nay, Đấng Christ không còn làm việc nữa, nhưng Ngài đang chăm sóc chúng ta. Thậm chí Ngài đang khiển trách và sửa phạt chúng ta trong tình yêu thương. Ngài là Thầy tế lễ yêu dấu đang chăm sóc các Hội thánh của Ngài ngày nay.
B. Trên các tầng trời
Sách Khải thị cho thấy rõ rằng một mặt, Đấng Christ đang ở giữa các Hội thánh, và mặt khác, Ngài đang ở trên các tầng trời thực hiện cuộc gia tể của Đức Chúa Trời. Chứng cớ mạnh mẽ nhất về điều này nằm trong 5:7, là câu nói về việc Đấng Christ nhận lấy cuộn sách: “Chiên Con đến, lấy sách ở tay phải Đấng ngự trên ngai.” Cuộn sách về cuộc gia tể của Đức Chúa Trời đã được đặt vào tay Đấng Christ; Ngài hiện nắm giữ cuộc gia tể Đức Chúa Trời và thi hành cuộc gia tể ấy. Chúng ta không thấy khải thị này trong bất cứ sách nào khác của Tân Ước. Trong khi Đấng Christ ở trên các tầng trời thi hành cuộc gia tể của Đức Chúa Trời là điều chủ yếu liên quan đến việc Đức Chúa Trời phán xét trái đất, thì Ngài cũng chăm sóc dân của Đức Chúa Trời (7:1-3; 8:3-5). Điều này được khải thị đầy đủ trong chương 7 và 8. Đức Chúa Trời có hai dân – con cái Israel và các thánh đồ được chuộc. Dù trái đất này có bị Đấng Christ phán xét bao nhiêu trong sự quản trị của Đức Chúa Trời thì Ngài vẫn chăm sóc dân Israel được chọn và Hội thánh được chuộc. Ha-lê-lu-gia, tất cả chúng ta đều đang ở dưới sự chăm sóc của Đấng Christ trong sự quản trị của Ngài. Tôi tin chắc rằng ngày nay Đấng Christ đang chăm sóc quốc gia Israel. Các quốc gia khác có nói gì hay làm gì cũng không thành vấn đề vì quốc gia Israel đang ở dưới sự chăm sóc bởi sự quản trị hoàn vũ của Đấng Christ. Những quốc gia khác có thể cố làm điều này điều kia, nhưng tất cả đều vô ích vì sự quan phòng của Đấng quản trị hoàn vũ. Tất cả chúng ta đều phải thờ phượng Christ là Đấng quản trị, là Đấng ở trên trời quản trị mọi sự để hoàn thành cuộc gia tể của Đức Chúa Trời cho Israel.
III. ĐẤNG CHRIST TRONG SỰ TRỞ LẠI CỦA NGÀI
A. Bí mật như kẻ trộm
Không sách nào bày tỏ sự trở lại của Đấng Christ rõ bằng Khải Thị. Sách này cho biết sự trở lại của Đấng Christ có hai phương diện – phương diện bí mật và phương diện công khai. Điều này là khả dĩ vì Đấng Christ vốn kì diệu. Trước hết, Ngài sẽ trở lại cách bí mật như kẻ trộm (3:3b; 16:15). Không kẻ trộm nào cho anh em biết trước thời điểm anh ta đến. Trong việc bí mật đến như kẻ trộm, Đấng Christ sẽ đến để lấy đi những điều quý báu. Không kẻ trộm nào lấy những thứ vô giá trị. Kẻ trộm chỉ đến lấy đi những gì quý giá. Đấng Christ bảo chúng ta phải tỉnh thức, và phán: “nếu con không tỉnh thức, Ta sẽ đến như kẻ trộm, và con hẳn chẳng biết giờ nào Ta vụt đến trên con” (3:3b). Thời điểm Ngài đến cách bí mật thì không thể biết được. Tất cả chúng ta phải tự hỏi: “Tôi có quý báu không? Tôi có xứng đáng được Christ lấy đi khi Ngài bí mật đến không?”
B. Công khai trên mây
Đến gần cuối cơn dại nạn, Đấng Christ sẽ đến trên mây cách công khai (1:7;14:14). Giữa vòng Cơ Đốc nhân, có hai quan niệm về sự đến lần thứ hai của Đấng Christ. Theo một quan niệm Đấng Christ sẽ đến trước đại nạn, và theo quan niệm kia, Ngài sẽ đến sau đại nạn. Vì nhiều Cơ Đốc nhân chưa nhìn thấy hai phương diện về sự đến của Đấng Christ – phương diện bí mật và phương diện công khai nên họ cứ tranh cãi với nhau. Cả việc đến trước đại nạn lẫn sau đại nạn đều có nền tảng Kinh văn. Nhưng vì phiến diện nên hầu hết Cơ Đốc nhân không có cái nhìn toàn diện về sự trở lại của Đấng Christ. Trước hết, Đấng Christ sẽ đến cách bí mật, và sau đó, Ngài sẽ đến công khai. Sự đến bí mật của Ngài dành cho các thánh đồ đắc thắng, còn sự đến công khai của Ngài dành cho cả đất. Vì thế, 1:7 chép: “Kìa, Ngài cỡi đám mây mà đến, mọi mắt sẽ trông thấy Ngài”. Khi Đấng Christ đến trên mây, cả đất sẽ nhìn thấy Ngài. Chúng ta phải sáng tỏ rằng sự trở lại của Đấng Christ trước hết sẽ bí mật, và cuối cùng sẽ được biểu lộ cách công khai.
IV. ĐẤNG CHRIST TRONG SỰ PHÁT XÉT CỦA NGÀI
Theo một ý nghĩa rất tích cực, sách Khải Thị là sách về sự phán xét. Là Đấng quản trị của Đức Chúa Trời, Christ sẽ phán xét mọi sự. Trước hết, Ngài sẽ phán xét Hội thánh, và sau đó, Ngài phán xét thế giới.
A. Phán xét cả thế giới
Đấng Christ sẽ phán xét cả thế giới bằng ấn thứ sáu, tiếng kèn thứ bảy và bảy bát (6:12-17; 8:1-2; 11:14-15; 15:1, 7-8; 16:1-21). Hơn 19 thế kỉ đã trôi qua kể từ khi Đấng Christ thăng thiên, thế giới bị đoán phạt bởi thiên tai. Nhưng khi ấn thứ sáu được mở, thế giới sẽ bị đoán phạt bởi những tai họa siêu nhiên. Khải Thị 6:12 và 13 chép: “Tôi lại thấy khi Chiên con mở ấn thứ sáu, thì có một cơn động đất rất lớn, mặt trời trở nên đen như vải bằng lông, cả mặt trăng trở nên như huyết, các ngôi sao trên trời sa xuống đất như cây vả bị cơn gió lớn rung đổ trái non xuống”. Mặt trời trở nên tối đen như vải bằng lông, mặt trăng trở nên như huyết và các vì sao sa xuống đất đều là những tai họa siêu nhiên. Bảy tiếng kèn cũng sẽ là những tai họa siêu nhiên. Bốn tiếng kêu đầu sẽ đem đến sự phán xét trên đất, biển, các sông, mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Cơn đại nạn sẽ bắt đầu với tiếng kèn thứ năm, tiếp tục với tiếng kèn thứ sáu, và chấm dứt với bảy bát của tiếng kèn thứ bảy. Tất cả những điều này là những sự phán xét được Đấng Christ thì hành trên thế giới.
B. Phán xét ba-by-lôn Lớn
Trong Khải Thị chương 17 và 18, chúng ta thấy sự phán xét trên Ba-by-lôn Lớn, tức thế giới Cơ Đốc bội đạo. Ngoài việc phán xét toàn thể thế giới, Chúa còn thi hành một sự phán xét đặc biệt trên thế giới Cơ Đốc, tức Ba-by-lôn Lớn.
C. Phán xét An-ti-christ, tiên tri giả, Sa-tan
và những người theo chúng
Đấng Christ cũng sẽ phán xét An-ti-christ, tiên tri giả, Sa-tan và những người theo chúng (19:11-20:3, 7-10). An-ti-christ là người đại tội (2 Tê.2:3), và chiếc sừng nhỏ (Đa.7:8), còn tiên tri giả là kẻ cộng tác với An-ti-christ. An-ti-christ, tiên tri giả và Sa-tan là tam nhất theo cách ma quỷ và hình thành một bộ ba giả mạo. Vì An-ti-christ quá quyến rũ và thu hút nên hắn sẽ có rất nhiều người theo. Nhưng tất cả những người theo hắn đều sẽ bị tiêu diệt cùng với An-ti-christ, tiên tri giả và Sa-tan. Đấng Christ sẽ phán xét An-ti-christ và tiên tri giả bằng tai họa siêu nhiên: đất mở ra và chúng rơi thẳng vào hồ lửa. Chúng sẽ không chết, không bị chôn và không sống lại để rồi sau đó đối diện với sự phán xét tại ngai trắng lớn. Đối với chúng, không cần trải qua những bước ấy. Chúng sẽ rơi vào hồ lửa một cách siêu nhiên
D. Phán xét kẻ chết
Cuối cùng, là Đấng quản trị, Christ sẽ phán xét kẻ chết (20:11-15). Đừng nghĩ rằng nếu bạn chết đi thì mọi sự đều sẽ ổn thỏa. Có thể bạn muốn chết, nhưng Chúa muốn làm cho bạn sống. Nếu bạn không sẵn lòng để Ngài làm sống động ngay hôm nay vì sự cứu rỗi thì đến cuối thời đại sáng tạo cũ, Ngài sẽ làm cho bạn sống lại để chịu phán xét. Đến khi ấy, Ngài sẽ không làm cho bạn sống lại theo ý nghĩa tích cực mà theo ý nghịa tiêu cực. Giăng 5:28 và 29 chép: “Vì giờ đến, mọi người ở trong mồ mả đều nghe tiếng Ngài và ra khỏi….ai đã làm ác thì sống lại để chịu định tội”. Những người chết chưa tin sẽ không bị chôn mãi cho đến đời đời. Họ sẽ được sống lại, bị phán xét rồi bị quăng vào hồ lửa.
V. ĐẤNG CHRIST TRONG VIỆC SỞ HỮU TRÁI ĐẤT
Khi đã phán xét thế giới xong, Đấng Christ sẽ trở lại để chiếm hữu trọn vẹn trái đất (10:1-7; 18:1). Cả trái đất sẽ thuộc về Ngài, không có phần nào thuộc về ai khác. Ngày nay, nhiều quốc gia đang đánh nhau để mở rộng lãnh thổ, nhưng họ đánh nhau là vô ích, vì bất cứ những gì họ đoạt được rốt cuộc cũng sẽ thuộc về Đấng Christ. Khi trở lại để sở hữu trái đất, Đấng Christ sẽ như một Thiên sứ khác. Nhiều lần sách Khải Thị dùng danh xưng này được dùng để chỉ về Christ vì là Đấng quản trị của Đức Chúa Trời, Ngài đã cư xử như một thiên sứ. Trong Cựu Ước, Đấng Christ được gọi là Thiên sứ của Chúa (Sáng.22:11-12; Xuất.3:2-6), Đấng được Đức Chúa Trời sai đi để thực hiện sứ mạng của Đức Chúa Trời. Khi đến chiếm trái đất, Ngài sẽ đến với tư cách là Đấng đã được Đức Chúa Trời giao cho sứ mạng vì mục đích ấy. Ngài sẽ là một Thiên sứ khác có uy quyền lớn và sẽ đến trong vinh hiển của Ngài (18:1). Khi Ngài đến, Đấng Christ sẽ đặt “chân phải trên biển, chân trái trên đất”(10:2). Điều này hàm ý rằng Ngài sẽ giẫm lên biển và đất, có nghĩa là Ngài sẽ chiếm hữu biển và đất (Phục.11:24; G-suê.1:3). Theo Kinh Thánh, nơi nào chân anh em giẫm đến đều trở nên sản nghiệp của anh em.Vì Đấng Christ sẽ giẫm lên biển và đất, nên cả biển lẫn đất sẽ thuộc về  Ngài. Sau khi sở hữu trái đất, Christ sẽ hoàn thành huyền nhiệm của Đức Chúa Trời (10:7). Đến khi ấy, cuộc gia tể của Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn được biểu lộ. Cuộc gia tể của Đức Chúa Trời sẽ không còn là huyện nhiệm nữa mà là một bí mật đã được mở ra.
VI. ĐẤNG CHRIST CAI TRỊ TRONG VƯƠNG QUỐC
Sau khi chiếm hữu trái đất, Đấng Christ sẽ cai trị trên đất với tư cách là Vua trong vương quốc, cùng với những tín đồ đắc thắng của Ngài cai trị các quốc gia (20:4, 6; 2:26-27). Không ai trong chúng ta vui vẻ với những người cai trị trái đất này. Là một người từng đi đây đó khắp nơi trên thế giới và biết tình hình thế giới, tôi nhận thức rằng nói về vấn đề cai trị thì nơi nào trên thế giới cũng kém cỏi. Đâu là những nhà cai trị đúng đắn? Chúng ta đang chờ đợi ngày Đấng Christ đến làm Vua để cai trị trái đất. Đấng Christ sẽ cai trị trong vương quốc của Ngài, và chúng ta sẽ đồng làm vua với Ngài.
VII. ĐẤNG CHRIST TRONG TÍNH TRUNG TÂM VÀ BAO
QUÁT CỦA NGÀI TRONG CÕI ĐỜI ĐỜI
Cuối cùng, trong sách Khải Thị, chúng ta thấy Đấng Christ trong tính trung tâm và bao quát của Ngài trong cõi đời đời. Trong cõi đời đời, Đấng Christ sẽ là mọi sự. Ngài sẽ là trung tâm và bao quát trong Giê-ru-sa-lem Mới (21:9-10,23) như cây sự sống lớn lên trong sông nước sự sống (22:1-2). Trong Khải Thị 21:23, chúng ta có một bức tranh rõ ràng về tính trung tâm và bao quát của Christ. Ở đó chúng ta thấy Đức Chúa Trời là ánh sáng, còn Đấng Christ tức Chiên con, là ngọn đèn. Ánh sáng luôn ở trong đèn. Vì thế, đừng bao giờ tách ánh sáng khỏi đèn; ánh sáng và đèn phải là một. Đức Chúa Trời là ánh sáng, Đấng Christ là đèn, và Giê-ru-sa-lem Mới là nơi chứa ngọn đèn ấy. Đức Chúa Trời chiếu sáng trong và qua Đấng Christ, còn Đấng Christ chiếu sáng trong và qua Giê-ru-sa-lem Mới. Qua điều này, chúng ta thấy rằng Đấng Christ sẽ là trung tâm và bao quát của cõi đời đời sắp đến. Đức Chúa Trời trong Đấng Christ và Đấng Christ trong những người được cứu chuộc sẽ chiếu sàng suốt cõi đời đời. Đó sẽ là quang cảnh trong cõi đời đời khi Đấng Christ là trung tâm, chu vi và mọi sự trong Giê-ru-sa-lem Mới. Đây là Đấng Christ của chúng ta-
-còn nữa