2 Cô-rinh-tô 12:2 chép, “có một người trong Christ”. Loài người
suy nghĩ về công tác Cơ Đốc, Đức Chúa Trời suy nghĩ về loại người của người Cơ
Đốc. Trong cả Cựu ước và Tân Ước không có danh nào lớn hơn danh “người của Đức
Chúa Trời”. Danh nầy là vàng của đền thờ, là tiêu chuẩn vĩnh cửu cân đo theo
siếc-lơ nơi thánh.
Giô-suê 14:6,7 chép, “Ca-lép, con trai Giê-phu-nê, người Kê-nít, nói cùng người (Giô-suê) rằng:
Ông biết điều thuộc về tôi và ông mà Đức Giê-hô-va, đã phán cùng Môi-se, người
của Đức Chúa Trời, tại Ca-đe-Ba-nê-a. Khi
Môi-se, tôi tớ của Đức Giê-hô-va..”. Chức năng, chức vụ của Môi-se là “tôi
tớ của Đức Giê-hô-va”, loại người của ông là “người của Đức Chúa Trời”. Trong
sách 2 Các vua 4: 9 ghi lại cảm nhận của người phụ nữ ở Su-nem về đấng tiên tri
Ê-li-sê, bà nói với chồng mình, “Tôi biết rằng người năng đến nhà chúng ta đây,
là một người thánh khiết của Đức Chúa Trời”. Phao-lô cũng chủ ý khuyên
Ti-mô-thê phải quí trọng và vun trồng tính cách của mình là “người của Đức Chúa
Trời”. Ông nói với Ti-mô-thê, “Nhưng, hỡi
con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó, mà đuổi theo sự công
nghĩa, kỉnh kiền, đức tin, thương yêu, nhẫn nại, nhu mì--Cả Kinh Thánh đều được
Đức Chúa Trời hà hơi vào, có ích cho sự dạy dỗ, thuyết phục, sửa trị, luyện tập
trong sự công nghĩa, hầu cho người của Đức Chúa Trời được
trọn vẹn và sẵn sàng đầy đủ để làm mọi việc lành” ( 1 Ti-mô-thê 6:11; 2
Ti-mô-thê 3:16-17).
Có một sự khải thị trong Kinh thánh mà ít
người chú ý là khải thị về từ ngữ “con người” (the man). Không phải “a man “mà
là “the man”. Thật rất khó dịch chữ “the man” ra tiếng Việt với ý nghĩa trọn
vẹn của mạo từ “the” theo Anh văn, cũng như theo tiếng Hê-bơ-rơ.
Hai câu Kinh thánh đó là Sáng thế ký
26:12-13, “Y-sác gieo hột giống trong xứ
đó; năm ấy gặt được bội trăm phần; vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho. Người (The man) nên thạnh vượng, của cải càng
ngày càng thêm cho đến đỗi người trở nên rất lớn”
Bản Kinh thánh Anh văn ASV dịch Sáng thế ký
26:13 như sau, “and the man waxed great, and grow more and more until he became
very great”. Câu nầy nói về tính cách luân lý của Y-sác, vượt ngoài cái vật
chất là sự giàu có của ông đang có. Con người của ông đã trở nên rất lớn.
Anh em có chú ý chữ “the man” (con nguời) không?
Đấy là lần xuất hiện đầu tiên của chữ “con người” (the man) trong Kinh thánh
Cựu ước. Danh từ “the man” nói lên loại người của Y-sác.
Mùa gặt lẽ thật của chữ “the man” là
Sáng-thế ký chương 42, 43 và. Đó là 7 câu :
- 42:30, “Người (the man) đương làm chúa tại xứ
Ê-díp-tô nói với chúng tôi.
- 42:33, “Người (the man) làm chúa xứ đó dạy rằng…”
- 43:3, “Giu-đa thưa: Người đó (the man) có nói quyết
cùng các con rằng:…”.
- 43:5, “vì người đó
(the man) đã nói rằng: Ví em út không theo xuống …”
- 43:7, “Thưa rằng: Người đó (the man) hỏi kỹ càng về
chúng tôi…”
- 43:13, “Bay hãy đứng dậy đi, dẫn em út theo và trở
xuống đến người đó (the man)”
- 43:14, “Cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng xui cho bay
được ơn trước mặt người (the man)..
Đáng tiếc là khi đọc Kinh thánh Việt văn,
chúng ta đã bỏ sót ý nghĩa trọng đại ở đây. Đây không phải là “người đó” nhưng
là “con người” (the man). Kính thánh nhấn mạnh tính cách trưởng thành về mặt
luận lý của Giô-sép.
A-đam
là người thuộc đất. Theo tự điển Merriam-Webster, từ “khiêm tốn” trong tiếng Anh
(humility) được bắt nguồn từ tiếng Latin, “humilis” nghĩa là “thấp;” “humus”
nghĩa là “đất.” Như thế, khiêm tốn (humility) tức là nhận ra tình trạng thật
của mình – vốn dĩ là đất bụi. Trong trang đầu sách Kinh Thánh cũng diễn đạt ý
tương tự, tổ tông của loài người có tên gọi Adam. Danh từ “Adam” được
xuất phát từ danh từ “adamah” (ădāmâ) (Sáng-thê-ký 2:7; 3:19), theo tiếng Hebrew, nghĩa là “đất.” Nói
tóm lại, con người dù có thông minh tài trí tới đâu, vốn dĩ mình cũng chỉ là
cát bụi.
Gióp có
vẻ khoe khoang khi nói rằng ông là “người vàng” sau khi ra khỏi lò thử luyện
của Chúa. Ông nói, “Nhưng Chúa biết con
đường tôi đi; khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng” (Gióp 23:10)
“Vì, Đức Chúa Trời ơi, Chúa đã thử thách
chúng tôi, Rèn luyện chúng tôi y như luyện bạc. Chúa đã đem chúng tôi vào lưới, Chất
gánh nặng quá trên lưng chúng tôi. Chúa
khiến người ta cỡi trên đầu chúng tôi; Chúng tôi đi qua lửa qua nước;
Nhưng Chúa đem chúng tôi ra nơi giàu có”.
(Thi-thiên 66:10-12). Trong mấy câu kinh thánh nầy vua Đa-vít tin tưởng rằng
mình sẽ là “người bạc” sau các sự thử luyện của Chúa.
Sứ đồ Giăng có được khải tượng về Đức Chúa
Trời và về Đấng Christ trên ngai có dáng mạo như bích ngọc (Đức Cha đời đời) và
hồng ngọc (Đức Con cứu chuộc) – “Đấng
ngồi đó rực rỡ như bích ngọc và hồng mã não” (Khải thị 4:3). Mục tiêu của
Đức Chúa Trời là muốn mọi thánh đồ sớm trở thành các loại ngọc trong thành thánh
đời đời. Đó là tính cách luân lý trưởng thành của chúng ta.
Khi đọc sách Ma-thi-ơ, tôi được ấn tượng rất
sâu đậm về từ ngữ “đấng tiên tri”. Ma-thi-ơ 1:21-22 chép, “Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jêsus, vì chính con trai
ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội. Mọi việc đã
xảy ra như vậy, để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán:..”.
Bản Truyền thống Hiệu Đính sửa lại là “nhà tiên tri”, còn bản Nhuận Chánh bỏ
sót chữ “đấng” quan hệ đó. Mạo từ “đấng” (hay “nhà”) đứng trước chữ “tiên tri”
nhấn mạnh con người và tính cách đáng tin cậy của nhà tiên tri. Các bản Kinh thánh
Anh Văn như bản ASV đều luôn luôn dịch là “the prophet”. Từ ngữ “nhà tiên tri”
xuất hiện khoảng 20 lần trong sách Ma-thi-ơ. Như tôi đã nói, Chúa chú ý con người,
loại nguời của nhà tiên tri, nên sứ đồ Ma-thi-ơ nhấn mạnh chữ “nhà” (đấng) đến
khoảng 20 lần. Đấy không phải là các “ông tiên tri” có nghề nói tiên tri suông nhưng
là các “nhà tiên tri” đáng tin cậy trong các lời tiên báo của họ về Chúa
Jêsus. Lời của các nhà tiên tri rất
chính xác. Đó là lời của các đấng chân thật.
Phao-lô thường mô tả về loại người của dân
Chúa, ông không nói sơ lược về hành động của họ. Tính cách của dân Chúa là điều
hệ trọng. 1Cô-rinh-tô 5:11“Nhưng nay tôi
viết cho anh em rằng, nếu có kẻ nào tự xưng là anh em, mà lại gian dâm, thờ
hình tượng, mắng nhiếc, say sưa, bức sách, thì chớ lân la với họ, cũng chớ ăn
chung với người thể ấy nữa”. Theo nguyên văn Hi lạp, đây là 6 danh từ nói
lên 6 loại người. Các tính chất như gian dâm, thờ hình tượng đã cấu tạo vào
trong họ. Từ đầu đến chân, từ trong ra ngoài, cả con nguời họ đầy chất gian dâm
hay tập quán thờ hình tượng..v..v..
Phao lô mô tả 6
loại Cơ Đốc nhân xác thịt đó vào khoảng năm 59 S.C. Nhưng vào khoảng năm 67
S.C, trước khi ra đi để ở với Chúa, Phao-lô càng lúc càng cảm nhận Hội thánh
chung đã sa bại trở nên “ngôi nhà lớn”. Ông nói trong 2 Ti-mô-thê 2:20-21, “Trong một nhà lớn, không những có bình vàng
bình bạc mà thôi, cũng có cái bằng gỗ bằng đất nữa, thứ thì dùng việc sang, thứ
thì dùng việc hèn. Vậy, ai giữ mình cho khỏi
những điều ô uế đó, thì sẽ như cái bình quí trọng, làm của thánh, có ích cho
chủ mình và sẵn sàng cho mọi việc lành”.
Phao-lô dùng hình ảnh những chiếc bình vàng,
bình bạc, bình gỗ và bình đất (bình gốm) để làm biểu hiệu cho tính cách của dân
Chúa trong nhà lớn. Ông không nói những công dụng của những chiếc bình nầy, mà
ông nêu lên tính chất của các chiếc bình, nói ra giá trị nội tại của chúng. Trong
chương 3 câu 1 đến 7 ông nói đến 19 loại người trong Hội Thánh chung trong ngày
sau cùng. Đây là 19 danh từ miêu tả tính cách 19 loại tín đồ châ thật của Chúa,
không phải Cơ Đốc nhân giả mạo,--mà hầu hết các bản Kinh thánh Việt văn đã dịch
sai lạc thành 19 tính từ miêu tả 19 tính chất.
Đây là 19 danh từ số nhiều miêu tả 19 loại
người: những người ái kỷ, những người ham tiền, những người vênh vang, những
người kiêu ngạo, những người nhạo báng, những người bội nghịch cha mẹ, những
người vong ân phụ nghĩa, những người không thánh khiết, những người thiếu tình
cảm tự nhiên, những người dữ tợn, những người phỉ báng, những người không tự
chế, những người dữ tợn, những người không yêu mến điều lành, những người phản
bội, những người táo bạo, những người đui mù vì kiêu ngạo, những người ưa thích lạc thú, những người yêu mến Đức
Chúa Trời.
Trong 19 loại người nầy thì có đến 18 loại
người tiêu cực, hư hoại, là những bình gỗ, bình gốm trong nhà lớn. Họ là con
dân, là các đầy tớ Chúa, không phải người vô tín. Chỉ có nguời thứ 19 là người
được ví sánh như bình vàng, bình bạc. Phao-lô có chơi chữ về 4 loại nguời yêu
như sau: (1) lovers of self -những người ái kỷ; (2) lovers of money - những
người ham tiền; (3) lovers of pleasure- những người ưa thích lạc thú; (4)
lovers of God--những người yêu mến Đức Chúa Trời.
Chín phần mười hoặc ba phần tư dân Chúa
trong Hội thánh chung, theo cảm nhận của Phao-lô từ khoảng 20 thế kỷ về trước,
đều hư hoại, đều có tính cách như gỗ và đất. Đáng kinh khủng thay!
Như tôi đã nói, Đức Chúa Trời chú tâm tìm
kiếm loại Cơ Đốc nhân tốt. Ngài để ý đến loại người của mỗi chúng ta. Do đó Đức
Thánh Linh cảm thúc các tác giả Kinh Tân ước phô bày 27 loại người qua 27 sách
Tân uớc. Đọc qua các sách Tân Ước tôi thấy các loại người tốt nhất như sau:
- Ma-thi-ơ 13:43 - Người công nghĩa.
- Mác 6:2 - Người công nghĩa và thánh khiết.
- Lu-ca 1:2 - Thừa sai của Lời
- Giăng 10:35 - đức chúa trời
- Công vụ 6:3; 11:24 - Người đầy Thánh Linh
- Rô-ma 8:30 - Người vinh hoá
- 1 Cô-rinh-tô 2:14 - Người thuộc linh
- 2 Cô-rinh-tô 3:6 - Người cung phụng giao ước mới
- Ga-la-ti 3:29; 4:1 - Người thừa kế
- Ê-phê-sô 4:16 - Người trưởng thành
- Phi-líp 3:15 - Người hoàn hảo
- Cô-lô-se 3:10 - Người mới
- 1 Tê-sa-lô- 5:5 - Con sự sáng
- 2 Tê-sa-lô 1:10 - Thánh đồ
- 1 Ti-mô-thê 4:6 - Người cung phụng Christ-Jêsus
- 2 Ti-mô-thê 3:17 - Người của Đức Chúa Trời
- Tít 1:7 - Quản gia của Đức Chúa Trời
- Phi-lê-môn 1, 9 - Tù nhân của Chúa Jêsus
- Hê-bơ-rơ 2:11 - Người được thánh hoá
- Gia-cơ:12; 2:5 - Người yêu Đức Chúa Trời
- 1 Phi-e-rơ 2:11 - Lữ khách
- 2 Phi-e-rơ 2:4 - Người kỉnh kiền
- 1 Giăng 2:13-14 - Phụ lão
- 2 Giăng 1 - Người biết lẽ thật
- 3 Giăng 8 - Đồng công của lẽ thật
- Giu đe 1 - Nô lệ Jêsus Christ
- Khải thị 2:7 - Người đắc thắng
Thưa anh chị
em,
Trong bản danh
sách 19 loại người của nhà lớn và trong bản danh sách 27 loại người của Tân
ước, anh chị em là một loại nguời nào? Thiên đàng đánh giá tiên tri Đa-ni-ên là
“người rất được yêu quí..”(Đa-ni-ên
10:11). Đức Chúa Trời hãnh diện về Gióp trước mặt Sa-tan khi Ngài nói với
Satan, “Ngươi có nhìn thấy Gióp, tôi tớ
của ta chăng; nơi thế giới chẳng có người nào giống như nó, vốn trọn vẹn và
ngay thẳng, kính sợ Đức Chúa Trời, và lánh khỏi điều ác? “ (Gióp 1:8)—vì
Gióp không tin theo Chúa vì động cơ lợi dụng. Ngài cũng hãnh diện về Môi-se trước
mặt chị em Mi-ri-am và A-rôn khi Ngài nói với họ, “Hãy nghe rõ lời Ta. Nếu trong các ngươi có một tiên tri nào, Ta là Đức
Giê-hô-va sẽ hiện ra cùng người trong sự hiện thấy, và nói với người trong cơn
chiêm bao. Tôi tớ Môi-se Ta không có như vậy,
người thật trung tín trong cả nhà Ta. Ta nói chuyện cùng người miệng đối miệng,
một cách rõ ràng, không lời đố, và người thấy hình Đức Giê-hô-va. Vậy các ngươi
không sợ mà nói hành kẻ tôi tớ Ta, là Môi-se sao?” (Dân-sô-ký 12: 6-8) --vì
“Môi-se là người rất khiêm nhu hơn mọi người trên thế giới” (Dân-số ký 12:3).
Nguyện Chúa cho tính cách luân lý của mỗi
chúng ta là sự kết tinh của bản chất và mỹ đức của Ngài để chúng ta trở thành
người truởng thành thuộc linh, phản ảnh một trong những loại người trên đây mà
Đức Thánh Linh phác hoạ ra trong 27 sách Tân ước. Amen.
Minh Khải.
23-11-2013