Thứ Ba, 5 tháng 11, 2013

SỰ AN NGHỈ SA-BÁT



Có lẽ thơ Hê-bơ-rơ được viết ra khoảng năm 67 S.C. Sau 20 thế kỷ, cuộc tranh luận về tác quyền của thơ Hê-bơ-rơ vẫn chưa ngã ngũ. Chúng ta không thể xác quyết Phao-lô là tác giả thơ tín nầy, dù trong các ứng viên mà các học giả đề nghị như A-bô-lô, Phi-líp, Bê-rít-sin, Lu-ca ….thì ông là người sáng giá nhất, có nhiều tư cách nhất. Nhưng chúng ta không thể xác quyết ông là tác giả thơ nầy. Có bảy sách trong Tân Ước mà giáo hội nghị Hội Thánh chậm phê chuẩn là Lời Đức Chúa Trời, trong đó có thơ Hê-bơ-rơ. Những sách nầy là: Gia-cơ, Hê-bơ-rơ, 2 và 3 Giăng, 2 Phi-e-rơ, Giu-đe và Khải-Thị của Giăng. Các sách nầy được Giáo hội nghị năm 397 S.C. nhóm họp tại Carthage, Tunisia, Bắc Phi Châu, công nhận là một phần của kinh điển Tân ước. Trong thơ Hê-bơ-rơ nầy có một điều rất khó hiểu, tôi xin trình bày như sau:


Hê-bơ-rơ 4:9,11 “Vậy thì còn lại một sự nghỉ ngơi sa-bát cho dân Đức Chúa Trời--Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã”. 

Lẽ thật về sự an nghỉ sa-bát rất là rối rắm, gây khó hiểu cho Cơ Đốc nhân hôm nay. Vì có đến vài ba sự an nghỉ sa-bát.

1- Đây không phải là sự an nghỉ sa-bát mà giáo hội Cơ Đốc Phục Lâm An Thất Nhật rao giảng. Sự an nghỉ sa-bát mà họ tin là sự an nghỉ vào ngày thứ bảy mỗi tuần lễ hôm nay, y như sự tuân thủ ngày sa-bát trong thời Cựu Ước. Sự dạy dỗ nầy đã lỗi thời đối với ánh sáng cập nhật của Tân-ước. Trong bốn sách phúc âm có chép chừng 5 lần Chúa Jêsus cố ý bãi bỏ quy luật tuân giữ ngày sa-bát trong Cựu- ước trong các chỗ như: Ma-thi-ơ 12:9-12; Mác 3:1-6; Lua-ca 13:10-17; Giăng 5:5-18; 9:1-16.

2- Hê-bơ-rơ 3:9-11, 16-19, “Là nơi tổ phụ các ngươi thử Ta, dò Ta, và thấy công việc Ta bốn mươi năm. Cho nên Ta chán phiền dòng dõi nầy, và phán rằng: 'Trong lòng họ lầm lạc luôn, Chẳng từng biết đường lối Ta.' Ta bèn thề trong thạnh nộ Ta rằng: 'Họ sẽ chẳng hề vào sự nghỉ ngơi của Ta!'--Vậy, ai là kẻ nghe, rồi chọc tức? Há chẳng phải hết thảy những kẻ đã nhờ Môi-se mà ra khỏi Ai-cập sao? Lại Ngài chán phiền ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải những kẻ phạm tội, mà thây họ đã ngã trong đồng vắng sao? Ngài lại thề với ai rằng không được vào sự nghỉ ngơi của Ngài? Há chẳng phải với những kẻ không vâng phục sao? 

Dường ấy, chúng ta thấy họ không thể vào đó được vì cớ vô tín” 
Phần Kinh thánh trên đây nói về sự an nghỉ trong miền đất tốt lành, là mục tiêu của con cái Y-sơ-ra-ên mà đã được cứu chuộc và giải phóng ra khỏi Ai-cập. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ nói: “Lại Ngài chán phiền ai trong bốn mươi năm? Há chẳng phải những kẻ phạm tội, mà thây họ đã ngã trong đồng vắng sao? Dường ấy, chúng ta thấy họ không thể vào đó được vì cớ vô tín” (Hê-bơ-rơ 3:17, 19).

Trong thế hệ thứ nhất, có trên 600 ngàn người nam trên 20 tuổi ra khỏi Ai-cập vào buổi tối lễ Vượt-Qua đầu tiên. Nhưng chỉ có Ca-lép và Giô-suê được vào đất hứa an nghỉ. Dân-số-ký 14: 28-35 cho chúng ta biết thêm phán quyết của Đức Chúa Trời trên 600 ngàn người nầy như sau: “Hãy nói với dân chúng: Đức Giê-hô-va nói rằng: Ta chỉ sự hằng sống ta mà thề, Ta sẽ đãi các ngươi tùy theo lời Ta đã nghe các ngươi nói; những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Các ngươi mà người Ta đã tu bộ, hết thảy bao nhiêu cũng vậy, từ hai mươi tuổi sắp lên, là những kẻ đã lằm bằm cùng Ta, thì chẳng hề được vào xứ mà Ta đã thề cho các ngươi ở, ngoại trừ Ca-lép, con trai của Giê-phu-nê, và Giô-suê, con trai của Nun. Nhưng Ta sẽ đem vào xứ những con trẻ của các ngươi mà các ngươi có nói rằng: Chúng nó sẽ bị làm một miếng mồi; rồi chúng nó sẽ biết xứ các ngươi đã chê bai. Còn những thây các ngươi sẽ ngã nằm trong đồng vắng nầy. Con cái các ngươi sẽ chăn chiên nơi đồng vắng trong bốn mươi năm, và sẽ mang hình phạt vì tội thông dâm của các ngươi, cho đến chừng nào thây của các ngươi đã ngã rạp hết trong đồng vắng. Các ngươi đi do thám xứ bao nhiêu ngày, nghĩa là bốn mươi ngày, thì các ngươi cũng sẽ mang hình phạt vì tội gian ác mình bấy nhiêu năm, nghĩa là bốn mươi năm, một năm đền cho một ngày; bấy giờ các ngươi sẽ biết Ta đã xây khỏi các ngươi. Ta, Đức Giê-hô-va, đã phán: Ta sẽ làm điều nầy cho cả hội chúng hung dữ nầy đã hiệp lại nghịch cùng Ta; chúng nó sẽ bị hao mòn và chết tại trong đồng vắng nầy” (Bản Truyền Thống). 
Khi tác giả thơ Hê-bơ rơ viết những lời trong chương 3 và 4 nầy, án lệnh của Chúa đã được thi hành trên dân Y-sơ-ra-ên Cựu ước xong rồi. Vậy ông viết chương 3 và 4 nầy, nhất là câu 4:9: “Vậy thì còn lại một sự nghỉ ngơi sa-bát cho dân Đức Chúa Trời” với ngụ ý gì? Ông muốn cảnh cáo toàn bộ Cơ Đốc nhân Do thái, cơ đốc nhân ngoại bang vào thời của ông. Họ có thể phạm tội, vô tín, bất phục mà sẽ bị ngã chết trong đồng vắng tâm lý (thuộc hồn) không được vào sự an nghỉ sa-bát trong vương quốc 1000 năm của Đấng Christ, và tôi tin lời cảnh cáo mạnh mẽ nầy cũng được áp dụng cho chúng ta, là Cơ Đốc nhân từ các dân tộc trên toàn thế giới ngày nay. Tôi có ngụ ý tín đồ nào còn sống trong thân xác đây mà đã sa ngã trong hồn, làm mọi cho bản ngã, thì người đó vẫn còn được cứu, nhưng sẽ bị hình phạt trong nơi khóc lóc và nghiến răng, chứ không được vào Vương quốc Đấng Christ.

Theo Lời Chúa phán trong Dân-số ký 14 trên đây, thế hệ thứ hai đều được vào đất hứa. Nhưng trong lập luận của tác giả Hê-bơ-rơ, ông chỉ chú ý đến 600 ngàn người nam ra khỏi Ai-cập ( cũng ngầm ý 600 ngàn bà vợ) là hình ảnh tiểu biểu mà ông muốn dùng để cảnh cáo Cơ Đốc nhân Tân ước coi chừng không được vào vương quốc. Trong các chỗ khác Tân ước cũng chỉ nhấn mạnh bức tranh ngã chết trong sa mạc của thế hệ thứ nhất. Thí dụ: 1 Cô-rinh-tô 10:5, “Song phần nhiều trong vòng họ không đẹp lòng Đức Chúa Trời, nên đã ngã chết nơi đồng vắng”.- Giu-đe câu 5, “Dầu anh em đã học những điều nầy rồi, tôi cũng muốn nhắc lại cho anh em rằng, xưa kia Chúa giải cứu dân mình ra khỏi xứ Ê-díp-tô, sau lại tiêu diệt những kẻ không tin”. Tại sao Phao-lô và Giu-đe nhắc lại tình trạng ngã chết của dân ra khỏi Ai-cập, tất cả chỉ để cảnh cáo chúng ta hãy cẩn thận kẻo sa ngã. Và theo lập luận của Phao-lô ở 1 Cô-rinh-tô 9:27, ông cũng “e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”. Theo nghĩa đen chữ “ bị bỏ” ở đây là : disapproved, disqualified. Ông sợ rằng cuối cùng ông bị Chúa loại bỏ tại toà án của Ngài, và ông không được vào vương quốc. Cho nên trong Hê-bơ-rơ chương 4, tác giả chỉ nhấn mạnh hình ảnh những người ngã chết mà thôi. Chỉ nên ứng dụng một vài phương diện của một hình ảnh thí dụ trong Cựu ước mà thôi. A-đam là tiêu biểu của Đấng Christ, nhưng không thể áp dụng phương diện A-đam phạm tội cho Ngài được, chỉ áp dụng những mặt tích cực mà thôi. Thì ở đây cũng vậy.

Các bạn dám quả quyết rằng mình sẽ được vào sự an nghỉ sa-bát trong vương quốc Đấng Christ nay mai không? Danh từ “sa-bát” có nghĩa là “sự an nghỉ”. Tôi thấy có ba sự an nghỉ sa-bát dành cho con dân của Chúa như sau:

a/ Sự an nghỉ trong tâm linh, trong tâm hồn và trong tấm lòng khi chúng ta đến với Chúa Jêsus, tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa và Chúa của mình. Chúa phán hứa, “Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các con được an nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28).

b/ Sự an nghỉ sa-bát trong vương quốc thiên hi niên:-- Chúa và các sứ đồ miêu tả sự an nghỉ trong vương quốc như sau: “Ta bảo cho các ngươi biết: Từ đông phương, tây phương sẽ có nhiều người đến ngồi cùng bàn với Áp-ra-ham, Y-sác, và Gia-cốp trong vương quốc thiên đàng”(Ma-thi-ơ 8:11). Trong bản Kinh thánh Hi-lạp văn song ngữ hay Anh văn như bản King James, động từ “ngồi” ở đây là recline, có nghĩa là nằm dựa cách thoải mái. Ma-thi-ơ 25:21 ghi: “Chủ nói với người rằng: 'Đầy tớ lương thiện trung tín kia ơi, tốt lắm! Ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, Ta sẽ đặt ngươi trên việc lớn; hãy vào sự vui mừng của chủ ngươi.” 2 Phi-e-rơ 1:11 ghi, “nhờ đó, con đường vào vương quốc đời đời của Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ được rộng mở cho anh em”.

Dự an nghỉ nầy trước hết dành cho người Do thái chưa tin và Cơ Đốc nhân Do thái, vì Chúa nói,” Nhưng các con bổn quốc sẽ bị liệng ra chốn tối tăm ở ngoài, tại đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng” (Ma-thi-ơ 8:12). Các con bổn quốc là dân Do thái nói chung. Những độc giả của thơ Hê-bơ-rơ là Hội Thánh Do-thái đương thời với tác giả. Còn trong thơ Ga-la-ti do Phao lô viết cho các Hội Thánh dân ngoại tại xứ Ga-la-ti, ông có nói, “Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: Hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21).

Tác giả thơ Hê-bơ-rơ kết luận cách mạnh mẽ, “Vậy, chúng ta phải gắng sức vào sự yên nghỉ đó, hầu cho không có một người nào trong chúng ta theo gương kẻ chẳng tin kia mà vấp ngã” (4:11). Vấp ngã là ngã chết trong đời sống thuộc linh mà theo tác giả, đó là không được vào vương quốc.

Các bạn đừng tưởng rằng việc vào nước 1000 năm của Đấng Christ là việc đương nhiên và dễ dàng cho mọi người tin Chúa. Chỉ những tín đồ đắc thắng như Ca-lép và Giô-suê mới được vào đó cách thảnh thơi. Đại đa số dân Chúa bị quăng vào nơi khóc lóc và nghiến răng. Đó không phải là ngục luyện tội hay hồ lửa. Thí dụ Ma-thi-ơ 25:30, “Còn tên đầy tớ vô ích kia, hãy ném nó ra chỗ bóng tối bên ngoài, nơi đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng”, hoặc Lu-ca 12:45-47: “Nhưng nếu đầy tớ ấy tự nhủ: ‘Chủ ta chưa về ngay đâu,’ nên bắt đầu đánh đập tôi trai, tớ gái, rồi ăn uống say sưa. Chủ nó sẽ đến trong ngày nó không ngờ, trong giờ nó không biết, sẽ trừng phạt nó nặng nề và cho nó đồng số phận với kẻ bất trung. Đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng và không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nặng. Nhưng đầy tớ nào không biết ý chủ, mà làm việc đáng phạt, thì sẽ bị đòn nhẹ. Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều hơn, thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn”. Ma-thi-ơ 8:12 cũng chép,“Nhưng các con của vương quốc lại bị ném ra chỗ bóng tối bên ngoài, nơi sẽ có than khóc và nghiến răng.” Theo tôi tin, đó là nơi sửa phạt kỷ luật trong thời gian vương quốc 1000 năm, dành cho các đầy tớ bất trung của Chúa. Chúa gọi họ là “đầy tớ” thì ngụ ý họ không phải là người vô tín.


c/ Sự an nghỉ sa bát trong trời mới và mới: 1 Cô-rinh-tô 15:24-27 chép: “Đoạn, cuối cùng đến, là lúc Ngài sẽ giao nước lại cho Đức Chúa Trời là Cha, sau khi Ngài đã bãi bỏ mọi chấp chánh, mọi quyền bính, và mọi thế lực. Vì Ngài cần phải làm Vua cho đến chừng Đức Chúa Trời đem mọi thù nghịch để dưới chân Ngài. Thù nghịch bị diệt trừ sau cùng là sự chết. Vì có chép:“Đức Chúa Trời đã khiến muôn vật đều phục dưới chơn Ngài.” Mà đã nói rằng:“Muôn vật đều phải phục Ngài,” thì rõ ràng phải trừ ra Đấng khiến muôn vật phục Ngài. Khi muôn vật đã phục Ngài, thì bấy giờ chính Con cũng sẽ phục Đấng đã khiến muôn vật phục mình, hầu cho Đức Chúa Trời làm mọi sự trong mọi sự”. Khải- thị 22:3-5 chép: “Chẳng còn có sự nguyền rủa nữa, nhưng ở trong thành có ngai của Đức Chúa Trời và Chiên Con, các đầy tớ Ngài sẽ phụng sự Ngài, được thấy mặt Ngài và danh Ngài sẽ ở trên trán của họ. Đêm không còn có nữa; họ không cần ánh sáng đèn hay ánh sáng mặt trời, vì Chúa là Đức Chúa Trời sẽ sáng toả họ, và họ sẽ làm vua cho đến đời đời vô cùng”.
Có một tôi tớ Chúa có thiện ý khi góp ý với tôi những lời sau đây.“Theo ý tôi, để cho “công bằng”, nên kể thêm một sự yên nghỉ nữa (vào 3 sự an nghỉ trên đây) : Sự yên nghỉ của ngày Thứ Bảy, đó cũng là điều mà thư Hê-bơ-rơ có nhắc đến trong 4:4,10”.

Lời của hai câu 4 và 10 của Hê-bơ-rơ chỉ là lập luận của tác giả. Vì vào thời đểm tác giả viết thơ nầy, sự an nghỉ sa-bát Cựu uớc đã qua, không còn áp dụng cho Hội Thánh là sáng tạo mới trong Đấng Christ phục sinh. Vả lại Hê-bơ-rơ 4:9 xác nhận “Vậy thì còn lại một ngày yên nghỉ cho dân Đức Chúa Trời”. Chữ “còn lại” là “So then there remain a sabbath rest for the people of God”. Câu nầy ngụ ý chỉ còn một sự an nghỉ sa-bát nên chú ý là sự an nghỉ sa-bát thiên hi niên. Sự an nghỉ Sa-bát ở Mathi-ơ 11:28, cũng qua rồi, sự an nghỉ Sa-bát trong trời mới đất mới thì chưa đến, chỉ có sự an nghỉ sa-bát thiên hi niên là nan đề nóng bỏng mà thôi.

Hai phân đoạn Kinh thánh nầy ở 1 Cô-rinh-tô 15 và Khải-thị 22 miêu tả sự an nghỉ sa-bát của con cái Đức Chúa Trời trong cõi đời đời. Họ chỉ vui hưởng mọi sự Chúa là gì và có gì, rồi đồng trị vì với Ngài đến vĩnh viễn.

Sự an nghỉ sa-bát của giai đoạn 1 và 3 là ban tứ miển phí, là quà tặng của Đức Chúa Trời cho mọi người được cứu. Đó là phần hưởng của mọi con dân của Ngài. Nhưng sự an nghỉ sa-bát trong giai đoạn 2, là giai đoạn 1000 năm trong vương quốc Đấng Christ, không ban cấp miển phí, nhưng là phần thưởng cho những ai đắc thắng.

Xưa kia Ca-lép và Giô-suê đã trả giá rất đắt, thậm chí bằng chính sinh mạng mình mới nhận lãnh được. Hình ảnh nầy làm biểu hiệu cho chúng ta ngày nay. Trên 600 ngàn người nam mà chỉ có hai người vào sự an nghỉ đó. Trong mấy tỉ cơ đốc nhân Tân ước thì có bao nhiêu người được Đức Chúa Trời phê chuẩn cho vào vương quốc đó an nghỉ đây? Không ai biết được. Tôi tin số lượng đó là thành phần thiểu số. Bạn dám chắc mình được vào sự an nghỉ sa-bát trong vương quốc nầy không? Hãy trả giá thật cao để nhận được điều đó.

Có hai trường phái Thần học chính yếu trong Hội-Thánh chung: Một là trường phái Calvinism, và thứ hai là phái Arminianism. Tôi xin nói tóm tắt là phái Calvin tin sự cứu rỗi chắc chắn, do đó những ai bị quăng vào nơi khóc lóc nghiến răng phải là người vô tín. Còn trường phái của Arminius cho rằng người tín đồ có thể mất sự cứu rỗi cách dễ dàng, do đó họ tin rằng những người bị hình phạt nơi khóc lóc nghiến răng đó là những tín đồ mất sự cứu rỗi của mình. Cá nhân tôi không tin như vậy vì sự cứu rỗi của người được tái sinh không bao giờ mất. Chúa Jêsus tuyên hứa “Ta ban cho nó sự sống đời đời, nó hẳn chẳng hư mất bao giờ, chẳng ai giựt nó khỏi tay Ta, Cha Ta, là Đấng đã ban nó cho Ta, vốn lớn hơn hết, chẳng ai có thể giựt nó khỏi tay Cha Ta” (Giăng 10:28-29). Chúa đã gọi người có một ta-lâng là “đầy tớ” thì họ không thể là người vô tín được. Đây chỉ là sự sửa phạt có tính kỷ luật áp dụng cho những tín đồ thất bại trong đời sống thuộc linh hay bất trung trong phụng sự Chúa. Cuối cùng họ cũng vào thành thánh Giê-ru-sa-lem mới và hưởng cuộc sống vĩnh hằng trong trời mới đất mới.

Tóm lại Chúa Jesus là sự an nghỉ của chúng ta, là dân Tân ước. Tác giả thơ Hê-bơ-rơ có sự cảm thúc và gánh nặng từ Chúa về gương sa bại của cả một thế hệ đầu tiên khi họ ra khỏi Ai-cập. Ông dùng hình ảnh đó để minh hoạ, hỗ trợ, nhấn mạnh cho lập luận của ông là có thể nhiều Cơ Đốc Nhân Do thái và Cơ Đốc Nhân các dân tộc sẽ không được vào vương quốc ngàn năm, vì cớ các Cơ Đốc nhân nầy theo vết xe đổ của dân Y-sơ-ra-ên thời Môi-se. Có một anh em nói với tôi, “nếu họ không vào đó thì họ đi đâu?” Họ phải vào nơi khóc lóc nghiến răng, --không phải hồ lửa hay ngục luyện tội,-- đó là tuyên bố của chính Chúa Jêsus, chứ không phải lời bịa đặt của tôi.

Minh Khải. 20-10-2-13