Chú ý: từ ngữ Linh là Thánh Linh, còn linh là
tâm linh con người
Khi một tín đồ chưa kinh nghiệm công tác vững
chắc của thập tự giá, là điều Thánh Linh đem đến, người ấy có thể kinh nghiệm
sự giải cứu khỏi tội nhưng vẫn còn thuộc hồn và không thể đắc thắng sự sống
thiên nhiên của mình. Trong các chương trước, chúng ta đã nói về nếp sống và
công tác thuộc hồn của tín đồ. Nếu cẩn thận nghiên cứu cách cư xử và hành động
thuộc hồn của một tín đồ, chúng ta thấy rằng cả hai đều ra từ tình cảm của
người ấy. Mặc dù hồn bao gồm ba phần chính yếu – tâm trí, tình cảm và ý muốn –
nhưng hầu hết các tín đồ thuộc hồn đều sống bằng tình cảm. Chúng ta hầu như có
thể nói rằng họ bị tình cảm kiểm soát trong nếp sống thuộc hồn. Đây là tình cảm
có vẻ chiếm phần lớn hơn tâm trí và ý muốn trong nếp sống loài người; công tác
của tình cảm cũng có vẻ chiếm vai trò lớn hơn trong cách sống loài người hằng
ngày so với các phần khác của hồn. Vì vậy, chúng ta có thể thầy rằng hầu hết
các hành động của các tín đồ thuộc hồn đều xuất phát từ tình cảm của họ
CHỨC NĂNG CỦA
TÌNH CẢM
Các cảm xúc loài người của chúng ta – vui
mừng, hạnh phúc, hoan hỉ, phấn khởi, thở dài, cáu giận, kích động, chán nản,
buồn rầu, sầu khổ, phiền muộn, đau đớn, khổ sở, lo âu, bối rối, băn khoăn,
nhiệt tình, lãnh đạm, yêu mến, ham thích, khao khát, thương cảm, nhân hậu, yêu
thích, ưa chuộng, quan tâm, ao ước, mong đợi, hãnh diện, lo sợ, hối hận, căm
ghét..v…v…tất cả đều ra từ tình cảm của chúng ta. Mọi công tác liên hệ đến suy
nghĩ của chúng ta đều ra từ tâm trí, cơ quan suy nghĩ. Mọi công tác liên hệ đến
việc đưa ra quyết định đều xuất phát từ ý muốn, cơ quan đưa ra quyết định của
chúng ta. Ngoài các tư tưởng, quyết định và các công tác liên quan ra, mọi chức
năng khác đều ra từ tình cảm. Phần lớn các cảm xúc khác nhau đều là chức năng
của tình cảm. Vì tình cảm bao gồm một phạm vi rộng lớn như vậy nên mọi tín đồ
thuộc hồn đều là tín đồ tình cảm.
Tình cảm con người rất phức tạp vì nó bao gồm
gồm một phạm vi rộng lớn. Để giúp các tín đồ hiểu thêm, chúng ta sẽ chia tình
cảm thành ba phần chính: (1) yêu mến, (2) ao ước, và (3) cảm xúc. Ba phần này
bàn đến ba phương diện các chức năng của tình cảm. Nếu một tín đồ có thể đắc
thắng ba phương diện này, người ấy sẽ sớm bước vào trong nếp sống thuộc linh
thuần khiết
Tóm lại, tình cảm loài người của chúng ta bao
gồm điều mà chúng ta thường gọi là “bảy xúc cảm”, không gì khác hơn là các cảm
xúc khác nhau chúng ta có trong lòng. Dù đó là cảm xúc yêu thương, căm ghét,
vui mừng, buồn rầu, phấn khởi, nản lòng, hứng thú, hay thờ ơ, tất cả những điều
này đều bao gồm các cảm xúc khác nhau trong lòng chúng ta. Vì vậy, tất cả đều
thuộc về tình cảm
Nếu chú ý đến các cảm xúc khác nhau trong
tình cảm của mình, chúng ta sẽ thấy rằng tình cảm của mình rất dễ thay đổi.
Trong thế giới , có lẽ hiếm có gì dễ thay đổi như tình cảm. Chúng ta có thể cảm
thấy thế này vào phút trước và ngay phút sau chúng ta đã cảm thấy khác rồi.
Tình cảm thay đổi theo các cảm xúc và cảm xúc thay đổi rất nhanh. Vì vậy, nếu
một người sống bởi tình cảm, nếp sống người ấy sẽ không có nguyên tắc.
Tình cảm con người luôn luôn có chức năng
phản ứng ngược lại. Điều này nghĩa là khi cảm xúc của con người năng động theo
hướng này trong một thời gian thì chắc chắn sẽ có phản ứng ngược lại theo sau.
Thí dụ, sau sự vui mừng cực độ là sự buồn rầu, sau sự phấn khích là sự chán
nản, sau sự cuồng nhiệt là cảm giác muốn thoái lui. Thậm chí trong vấn đề sự
yêu mến, dù khởi đầu là tình yêu nhưng sau một thời gian, một số tác động có
thể thay đổi cảm xúc của một người; khi ấy, sự căm ghét tột độ có thể vượt xa
tình yêu ban đầu.
ĐỜI SỐNG TÌNH
CẢM CỦA TÍN ĐỒ
Càng nghiên cứu hoạt động của đời sống tình
cảm của mình, chúng ta càng biết sự thay đổi bất thường và không đáng tin cậy
của nó. Nếu các tín đồ không sống theo linh nhưng theo tình cảm thì có gì đáng
ngạc nhiên đâu khi cách sống của họ trồi sụt như sóng biển? Nhiều tín đồ cảm
thấy buồn về cách sống của mình vì các kinh nghiệm của họ không ổn định. Đôi
khi, họ dường như đang ở trên tầng trời thứ ba, vượt trên mọi sự trong cuộc
sống loài người; vào những lúc khác, họ dường như trượt dốc và chia sẻ chung số
phận với những người tầm thường. Đời sống họ là một chuỗi những thăng trầm.
Không cần phải có một điều gì đó to lớn và nặng nề bên ngoài thay đổi họ; chỉ
cần một điều nhỏ bất như ý thôi là họ đã không thể chịu nổi rồi. Cho nên, họ sa
ngã.
Hiện tượng này liên hệ đến việc một tín đồ bị
tình cảm kiểm soát chứ không được linh kiểm soát. Vì tình cảm vẫn là yếu tố
chính trong nếp sống của người ấy và chưa được đem đến thập tự giá nên linh
không thể được làm vững mạnh bởi Thánh Linh. Vì vậy, linh tín đồ vẫn yếu; người
ấy không thể kiểm soát toàn bản thể mình, cũng không thể đắc thắng tình cảm để
nó trở nên thứ yếu, hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát của linh. Nếu một tín đồ có
thể giao nộp tình cảm của mình cho thập tự giá qua Thánh Linh và chấp nhận
Thánh Linh làm Chúa trên mọi sự, người ấy chắc chắn có thể tránh được loại nếp
sống trồi sụt này
Tình cảm có thể được xem là kẻ thù lớn nhất
đối với nếp sống của một tín đồ thuộc linh. Một tín đồ phải bước đi theo linh.
Để làm được điều này, người ấy phải lưu tâm đến mỗi sự dẫn dắt của linh bên
trong mình. Cảm thúc của linh thì dịu dàng, tinh tế và sắc bén. Nếu một tín đồ
không chăm chú chờ đợi để tiếp nhận và biện biệt sự khải thị trong trực giác
thuộc linh của mình thì người ấy không bao giờ có thể có được sự hướng dẫn của
linh. Do đó, sự yên lặng hoàn toàn của tình cảm là yêu cần tiên quyết để bước
đi theo linh. Cảm thúc nhỏ nhẹ và tinh tế của linh thường bị tín đồ nhầm lẫn và
phớt lờ vì các cảm xúc của người ấy đang gào thét như sóng lớn. Cơ bản, chúng
ta không thể đổ lỗi cho tiếng nói nhỏ nhẹ của linh. Thật ra, chúng ta có thể
cảm nhận được cảm thúc của linh cách thích đáng, nhưng khi các cảm xúc khác bị
pha trộn trong đó thì chúng ta không thể có sự biện biệt. Ai giữ cho tình cảm
của mình luôn bình tịnh sẽ thấy rằng rất dễ nhận ra tiếng nói của trực giác.
Sự thất thường của tình cảm không chỉ cản trở
tín đồ bước đi theo linh mà còn trực tiếp khiến người ấy bước đi theo xác thịt.
Vì không thể bước đi theo linh nên người ấy tự phát bước đi theo xác thịt. Nếu
không thể có được sự hướng dẫn trong linh mình thì tự phát người ấy sẽ bước
theo sự thôi thúc của tình cảm. Ngay khi linh ngừng hướng dẫn, tình cảm sẽ bắt
đầu hướng dẫn. Vào lúc đó, một tín đồ sẽ tự phát nhận lấy tình cảm thúc và nhận
lấy các sự thôi thúc của hồn làm sự chuyển đổi của linh. Một tín đồ tình cảm có
thể được ví như một hồ nước đầy bùn đất. Hễ không có ai đến khuấy thì nước có vẻ
rất trong; nhưng khi bị khuấy lên thì nước hồ sẽ đục ngầu.
CẢM THÚC VÀ
TÌNH CẢM CỦA NGƯỜI TÍN ĐỒ
Nhiều tín đồ không biết cách phân biệt cảm
thúc với tình cảm. Thật ra, điều này không khó. Tình cảm luôn luôn bước vào từ
bên ngoài con người, trong khi cảm thúc được Thánh Linh ban cho bên trong linh
con người. Thí dụ, khi một tín đồ nhìn ngắm vẻ đẹp của thiên nhiên, cảm xúc bên
trong người ấy tự phát dâng tràn. Người ấy cảm nhận cảnh đẹp và thấy vui mừng.
Đây là tình cảm. Có lẽ, khi người ấy thấy một người đáng yêu, một loại cảm xúc
kỳ lạ dấy lên bên trong người ấy như thể có một lực hút lôi kéo người ấy. Đây
cũng là tình cảm. Cả cảnh đẹp và người đáng yêu đều ở bên ngoài con người; do
đó, các cảm xúc mà chúng sản sinh ra đơn giản thuộc về tình cảm.
Tuy nhiên, cảm thúc thì không như vậy. Cảm
thúc chỉ được tác động bởi Thánh Linh trong con người. Chỉ có Thánh Linh mới có
thể cảm thúc linh. Vì Thánh Linh sống bên trong linh ta, nên cảm thúc phải ra
từ bên trong. Cảm thúc không cần bị kích động bởi cảnh đẹp hay người đẹp; cảm
thúc có thể xảy ra trong môi trường tĩnh lặng nhất. Trái lại, tình cảm lập tức
mất tinh thần khi không còn tác nhân kích động bên ngoài nữa. Do đó, một tín đồ
tình cảm chỉ sống theo môi trường của mình. Người ấy phải được khuấy động và
khích lệ thì mới có thể tiến lên; nếu không, người ấy sẽ dừng lại. Cảm thúc khi
không đòi hỏi sự giúp đỡ bên ngoài. Thật ra, khi tình cảm bị tác động bởi môi trường
bên ngoài, nó sẽ bối rối, khiến một tín đồ không thể biết mình nên bước theo
điều gì.
Một tín đồ phải cẩn thận để không xem sự bình
tĩnh và không bị kích động là thuộc linh. Điều này còn kém xa so với lẽ thật. Chúng
ta phải biết rằng tình cảm không chỉ có thể khiến cho con người phấn khích mà
có thể khiến con người chán nản. Khi tình cảm thúc giục chúng ta, chúng ta cảm
thấy rất phấn khích. Như sự phấn khích thuộc về tình cảm thì sự bình tĩnh cũng
thuộc về tình cảm. Một tín đồ thường xưng nhận nhiều lỗi lầm vì người ấy ở dưới
ảnh hưởng của tình cảm; nhưng khi người ấy thức tỉnh khỏi tình trạng đang ở,
người ấy sẽ đè nén các cảm xúc của mình và cho đó là thuộc linh. Tuy nhiên,
người ấy không nhận thức rằng sự khuấy động của tình cảm vào lúc này sẽ sản
sinh ra phản ứng ngược lại với sự phấn khích nên tự phát người ấy sẽ bình tĩnh
lại. Sự bình tĩnh hoặc yên lặng này khiến tín đồ đánh mất mối quan tâm về công
tác của Đức Chúa Trời; người ấy sẽ không yêu mến con cái Đức Chúa Trời lắm. Dần
dần, người bên ngoài của tín đồ sẽ không sẵn lòng công tác. Vì vậy, linh bị giam
cầm và sự sống của linh không thể tuôn chảy ra. Vì người ấy không còn sốt sắng nữa
và trở nên hết sức bình tĩnh, nên người ấy có thể nghĩ rằng mình đang bước đi
theo linh. Người ấy có thể nghĩa rằng mình vẫn đang bước đi theo tình cảm, chỉ
là lần này nó theo một phương diện khác của tình cảm.
Trong thực tế, số tín đồ xoay qua sự bình
tĩnh thuộc tình cảm này cũng rất ít. Phần đông các tín đồ đều tiếp tục phấn
khích bởi tình cảm. Khi bị kích động, họ làm nhiều điều vượt quá giới hạn bình
thường. Khi bình tĩnh và nhớ lại các hành động của mình bởi sự tác động của
chức năng tình cảm này, họ không thể không tự cười mình và cho rằng mình đã
hành động cách vô lý. Điều này thường đúng đối với những việc được thực hiện theo
tình cảm. Khi hồi tưởng lại, một tín đồ thường cảm thấy xấu hổ và hối tiếc về
sự thô lỗ của mình. Tín đồ nào bị tình cảm tác động thì thật đáng thương; linh
người ấy vô quyền trong việc bắt phục tình cảm đến chết và phủ nhận sự kiểm
soát của nó.
Có hai lý do khiến các tín đồ bước đi theo tình cảm. Thứ nhất, nhiều
tín đồ chưa từng hiểu bước đi theo linh là gì và cũng không tìm kiếm để bước đi
theo linh; vì vậy, họ bước đi theo sự tác động của tình cảm. Trong các hoàn
cảnh này, họ không có nhiều kinh nghiệm và không thể biết cách từ chối sự thôi
thúc của tình cảm khi nó được kích hoạt. Họ đơn giản bị tình cảm điều khiển, và
làm những điều không nên làm. Không phải cảm thúc thuộc linh của họ không dấy
lên bất cứ sự chống đối nào trong trực giác. Tuy nhiên, vì sự yếu đuối, họ nghe
theo tình cảm và phớt lờ trực giác của mình. Khi đó, tình cảm của họ càng trở
nên mạnh hơn cho đến khi họ mất kiểm soát và bước đi theo tình cảm. Sau khi làm
nhiều điều không nên làm, họ lại ăn năn. Thứ hai, có các tín đồ đã nhận biết sự
khác biệt giữa linh và hồn trong kinh nghiệm. Khi bị ảnh hưởng bởi tình cảm,
học biết điều này ra từ hồn và lập tức kháng cự. Tuy nhiên, ngay cả loại tín đồ
này cũng có đôi lúc bước đi theo tình cảm. Đây là một sự giả mạo thành công.
Nếu tín đồ không thuộc linh, như trường hợp thứ nhất ở trên, người ấy sẽ bị cảm
xúc mãnh liệt của tình cảm thắng hơn. Nếu một tín đồ đã thuộc linh rồi, tình
cảm thường giả mạo cảm thúc thuộc linh. Nhìn bên ngoài, tình cảm và cảm thúc thuộc
linh. Nhìn bên ngoài, tình cảm và cảm thúc thuộc linh có vẻ giống y như nhau;
vì vậy, tín đồ thấy rất khó phân biệt chúng. Do sự thiếu hiểu biết , tín đồ bị
lừa dối và có nhiều hành động thuộc hồn
Tín đồ phải nhận thức rằng nếu người ấy bước
đi theo linh, mọi hành động của người ấy phải theo một số nguyên tắc. Đây là vì
linh có các quy luật, lối mòn và nguyên tắc. Bước đi theo linh là bước đi theo
các quy luật của linh. Trong nguyên tắc thuộc linh, mọi điều “đúng” và “sai”
đều có tiêu chuẩn xác định rõ ràng. “Phải” là “phải”, dù bầu trời âm u hay
quang đãng; còn “không”, dù con người phấn khích hay nản lòng. Nếp sống Cơ Đốc
tuân theo một nguyên tắc xác định. Nếu tín đồ không hoàn toàn đặt tình cảm của
mình vào chỗ chết, nếp sống người ấy sẽ không có tiêu chuẩn cố định. Người ấy
sẽ sống bởi các cảm xúc không ổn định mà không có nguyên tắc xác định.
Một nếp sống có nguyên tắc thì hoàn toàn khác
với một nếp sống trong cảm xúc. Một tín đồ bước đi theo tình cảm không quan tâm
đến các nguyên tắc hoặc lý lẽ thường tình trong việc cân nhắc làm hay không làm
một điều gì đó; người ấy chỉ quan tâm đến các cảm xúc của mình. Nếu có một điều
gì đó người ấy thích, làm người ấy vui hoặc người ấy yêu mến, thì người ấy sẽ
bị cám dỗ dù người ấy biết rất rõ là làm như vậy không hợp lý và ngược với các
nguyên tắc. Nếu người ấy cảm thấy lãnh đạm, u sầu và chán nản thì người ấy sẽ
không hoàn toàn bổn phận của mình vì các cảm xúc của người ấy không đồng ý với
điều đó. Nếu con cái Đức Chúa Trời chú ý đến tình cảm một chút, họ sẽ nhận thức
nó hay thay đổi biết bao và bước đi theo nó thật nguy hiểm biết bao. Khi lời
Đức Chúa Trời-- nguyên tắc thuộc linh – phù hợp với cảm xúc của họ thì họ làm;
nếu không, họ từ chối và không chú ý đến lời đó nữa. Loại cách sống này hoàn
toàn thù nghịch với nếp sống thuộc linh. Ai ao ước có nếp sống thuộc linh phải
bước đi theo nguyên tắc của Đức Chúa Trời từng lúc một.
Một đặc điểm để biện biệt tín đồ thuộc linh
trong cách đối xử hoàn cảnh là người ấy bình tĩnh. Bất kể bên ngoài xảy ra
chuyện gì hoặc người ấy bị khiêu khích thế nào, người ấy vẫn luôn bình tĩnh và
bình an, duy trì loại đặc điểm không thể thay đổi này. Đây là vì tình cảm của
người ấy, là điều bị phục dưới sự kích động, đã được xử lý bởi thập tự giá. Hơn
nữa, ý muốn và linh người ấy đầy quyền năng của Thánh Linh nên người ấy có thể
điều chỉnh mọi cảm xúc của mình. Vì vậy, sự kích động bên ngoài không thể lay
chuyển người ấy. Nhưng nếu không để cho thập tự giá xử lý tình cảm của mình thì
người ấy sẽ rất nhạy cảm với sự ảnh hưởng, điều chỉnh, chuyển động và kích động
bên ngoài. Vì tình cảm dễ thay đổi nên những người bị điều chỉnh bởi tình cảm
cũng hay thay đổi. Chỉ cần có một chút đe dọa từ bên ngoài hoặc một chút gia
tăng trong công tác thôi, họ đã hoảng loạn và bối rối không biết làm gì rồi.
Nếu muốn đạt đến sự hoàn hảo, họ phải để cho thập tự giá thực hiện công tác sâu
hơn trong tình cảm của mình.
Một tín đồ chỉ cần nhớ rằng Đức Chúa Trời
không dẫn dắt giữa vòng sự hỗn loạn thì mọi sự đều ổn rồi. Điều này sẽ canh giữ
người ấy khỏi nhiều sai lầm. Người ấy đừng bao giờ quyết định làm gì hoặc bắt
đầu làm gì khi lòng người ấy đang xao động và tình cảm người ấy đang náo động.
Đây là lúc sự thôi thúc trong tình cảm mạnh mẽ nhất và người ấy sẽ phạm sai lầm
nếu bước đi theo điều đó. Tâm trí người ấy cũng trở nên không đáng tin cậy khi
cảm xúc người ấy đang ở trong tình trạng hỗn loạn, vì tâm trí rất dễ bị tác
động bởi tình cảm. Một khi tâm trí bị làm suy yếu, chúng ta không thể phân biệt
đúng sai. Đồng thời, lương tâm cũng không đáng tin cậy. Khi tình cảm xúc động
và tâm trí bị lừa dối, lương tâm sẽ đánh mất tiêu chuẩn của nó để biện biệt
đúng sai cách chính xác. Trong một tình trạng như vậy, bất cứ điều gì tín đồ
quyết định làm chắc chắn đều không đúng đắn và sẽ gây phiền hối tiếc về sau.
Người ấy phải vận dụng ý chí của mình để từ chối, ngăn chặn và đắc thắng các
cảm xúc của mình. Chỉ khi nào cảm xúc của người ấy không còn xôn xao nữa và
hoàn toàn bình tịnh thì người ấy mới có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Cũng vậy, một tín đồ không nên làm bất cứ
điều gì có thể khuấy động tình cảm của mình. Đôi khi, tình cảm của chúng ta rất
bình an và bình tịnh, nhưng vì hành động theo ý riêng nên chúng ta khuấy động
tình cảm. Loại kinh nghiệm này rất thường xảy ra, và nó gây tổn hại cho nếp
sống thuộc linh của chúng ta. Bất cứ điều gì quấy rầy sự yên tĩnh của hồn (tình
cảm) chúng ta thì phải bị từ chối. Chúng ta không chỉ nên tự kiềm chế để không
làm gì khi tình cảm đang rối loạn, mà còn phải học tập không làm bất cứ điều gì
gây ra một sự rối loạn như vậy. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ rằng chỉ cần
tình cảm ở trong tình trạng không bị quấy rầy thì các hành động của chúng ta sẽ
đúng đắn. Nếu bị dẫn dắt bởi “tình cảm bình tịnh” chứ không phải bởi linh thì
chúng ta đang khuấy động tình cảm của mình. Những người có kinh nghiệm giữa
vòng chúng ta có thể nhớ lại rằng trong việc gặp một ai đó hay viết một bức
thư, tình cảm có thể rất bị khuấy động. Khi đó, những điều này ở ngoài ý muốn
của Đức Chúa Trời.
TÌNH CẢM VÀ
CÔNG TÁC CỦA CHÚA
Ở chỗ khác chúng ta đã nhấn mạnh rằng chỉ có
linh mới làm công tác thuộc linh; mọi công tác khác đều không có giá trị thuộc
linh. Vì điều này rất quan trọng nên bây giò chúng ta sẽ đi vào chi tiết hơn.
Ngày nay, con người chú ý nhiều đến tâm lý
loài người. Một số người công tác cho Chúa đã chuyên cần nghiên cứu tâm lý. Họ
nghĩ rằng nếu lời nói, sự dạy dỗ, sự trình bày, thái độ và cách giải thích của
họ có thể hấp dẫn tâm lý con người thì họ sẽ chiếm được nhiều người cho Chúa.
Tâm lý này là công tác của tình cảm. Dù có đôi lúc nó tỏ ra hữu dụng nhưng chỉ
lệ thuộc vào tình cảm thì không hề có ý nghĩa thuộc linh.
Chúng ta đã biết rằng điều con người thiếu là
sự tái sanh – sự tái sanh của linh. Một công tác hoàn toàn vô dụng nếu nó không
khiến linh chết của con người được làm cho sống động, khiến con người nhận được
sự sống bất thọ tạo của Đức Chúa Trời và khiến con người có Thánh Linh nội cư
trong linh được tái sanh của mình. Nếu chủ đích của công tác tín đồ không phải
là truyền đạt sự sống cho người khác thì kết quả sự rao giảng của người ấy
không gì khác hơn là người ấy nài khuyên dân chúng thờ phượng ma quỷ. Tâm lý của
người khác đều không thể giúp họ nhận được sự sống. Nếu chính Thánh Linh không
làm công tác thì mọi sự đều vô ích.
Một tín đồ phải nhận thức rằng tình cảm của
mình hoàn toàn là thiên nhiên; nó không phải là nguồn sự sống của Đức Chúa
Trời. Nguyện người ấy thật sự thừa nhận rằng tình cảm của mình không có sự sống
của Đức Chúa Trời! Vì vậy, người ấy không nên tính đến chuyện sử dụng quyền
năng của tình cảm qua nước mắt, vẻ mặt đau buồn, khóc lóc hay các sự biểu hiện
tình cảm khác để cứu người. Không một chức năng nào trong tình cảm của người ấy
có thể tác động đến linh tối tăm của con người theo bất cứ cách nào. Nếu Thánh
Linh không ban sự sống cho con người thì không ai có thể nhận được sự sống. Nếu
chúng ta không lệ thuộc Thánh Linh, nhưng thay vào đó lại lệ thuộc tình cảm thì
chúng ta sẽ thấy rằng mọi nổ lực công tác của chúng ta đều không hiệu quả và
không thật sự kết trái.
Tình cảm không bao giờ có thể ban sự sống cho
con người. Những người công tác cho Chúa phải rõ rằng nếu họ lệ thuộc vào chính
mình thì không điều gì trong họ có thể sản sinh ra sự sống của Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể dốc hết mọi phương pháp tâm lý để kích thích tình cảm một người
hầu khơi dậy mối quan tâm của người ấy đối với tôn giáo; chúng ta có thể khiến
người ấy cảm thấy ăn năn, buồn rầu và hổ thẹn về lịch sử của mình trong quá khứ
và thấy sợ sự thẩm phán sắp đến; chúng ta có thể khiến người ấy ngưỡng mộ một Đấng
Christ, ao ước tiếp xúc với các Cơ Đốc nhân khác và đầy thương xót với người
nghèo; chúng ta thậm chí có thể khiến người ấy vui mừng đang khi làm mọi điều
này, nhưng chúng ta vẫn không thể khiến người ấy được tái sanh. Dù chúng ta có
thể khiến người ấy quan tâm, hối tiếc, buồn rầu, hổ thẹn, sợ hãi, ngưỡng mộ, ao
ước, thương xót, vui mừng,v.v.., nhưng mọi điều này đều chỉ là các chức năng
khác nhau của tình cảm. Con người có thể có tất cả những điều này nhưng vẫn
chết chóc về mặt thuộc linh, vì chưa hiểu được Đức Chúa Trời bằng trực giác. Từ
quan điểm loài người của chúng ta, chẳng phải người nào sở hữu được các phẩm
chất này thì sẽ là Cơ Đốc nhân hạng nhất sao? Tuy nhiên, đây chỉ là các sự thôi
thúc của tình cảm và không thể đủ để chứng minh sự tái sinh của một người. Sự
biểu lộ của sự tái sanh là hiểu được Đức Chúa Trời trong trực giác của người
được tái sanh, tức là linh người ấy được kích hoạt. Vì vậy, khi công tác, chúng
ta đừng nghĩ rằng người ta thay đổi thái độ với chúng ta, có cảm nhận tốt về
chúng ta và thể hiện mọi cảm xúc như trên là đủ rồi. Đây không phải là sự tái
sanh!
Nếu các công nhân của Chúa nhớ rằng mục đích của
họ là giúp dân chúng nhận được sự sống của Đấng Christ thì họ sẽ không bao giờ
sử dụng tình cảm của mình để khiến dân chúng tán thành sự dạy dỗ của Đấng
Christ và có thiện cảm đối với nếp sống Cơ Đốc. Khi chúng ta thừa nhận rõ rằng
con người thiếu sự sống của Đức Chúa Trời – sự kích hoạt linh – chúng ta sẽ
nhận thức rằng mọi công tác được thực hiện bởi dựa nương nơi chính mình đều vô
ích. Bất kể một số người thay đổi thế nào, người ấy cũng chỉ có thể thay đổi
trong ranh giới của “bản ngã”. Người ấy không bao giờ có thể bước ra ngoài ranh
giới này và thay đổi sự sống của mình thành sự sống của Đức Chúa Trời. Vì vậy,
nguyện chúng ta thật sự nhìn thấy thực tại là “mục đích thuộc linh cần phương
tiện thuộc linh”. Mục đích thuộc linh của chúng ta khiến dân chúng được tái
sanh. Vì vậy, khi công tác, chúng ta chỉ được dùng những phương tiện thuộc
linh; tình cảm chẳng có ích lợi gì.
Sứ đồ Paul nói rằng mọi người nữ cầu nguyện
hoặc nói tiên tri phải trùm đầu. Về vấn đề này, có nhiều sự giải thích và ý
kiến trái ngược nhau. Mặc dù ở đây chúng ta không quyết định sự giải thích nào
đúng, nhưng có một điều rõ ràng: ý định của vị sứ đồ là ngăn chặn sự tác nhiệm
của tình cảm. Ông có ý định trùm mọi điều khuấy động tình cảm lại. Người nữ rất
dễ rao giảng và cầu nguyện để khuấy động
tình cảm của người khác. Từ quan điểm vật lý, dường như chỉ có đầu bị trùm lại,
nhưng từ quan điểm thuộc linh, chủ đích của việc trùm đầu là đặt vào chỗ chết
mọi điều thuộc về tình cảm. Mặc dù trong Kinh Thánh, các anh em không được phép
trùm đầu về mặt thuộc thể, nhưng theo ý nghĩa thuộc linh, các anh em phải trùm
đầu mình giống như các chị em!
Từ điều này chúng ta có thể thấy rằng tình
cảm có thể dễ dàng được biểu hiện trong công tác của Chúa; nếu không, vị sứ đồ
sẽ không cần đưa ra một loại ngăn cấm như vậy. Trong công tác thuộc linh ngày
nay, gần như nan đề lớn nhất là có quyền năng hấp dẫn hay không. Dường như ai
có sự hấp dẫn thiên nhiên thì sẽ có lợi thế và kết quả công tác của họ sẽ vượt
trội hơn người khác. Nhưng ai không có sự hấp dẫn thiên nhiên dường như bị đánh
bại và thành tựu công tác của họ kém hơn so với người khác. Ý định của vị sứ đồ
trùm lại mọi điều thuộc về hồn, bất kể nó có sự hấp dẫn cách thiên nhiên hay
không. Mọi điều thiên nhiên phải được trùm lại. Vì vậy, tất cả các đầy tớ của
Chúa phải học bài học này từ các chị em. Sự hấp dẫn thiên nhiên của chúng ta
không thể giúp đỡ công tác thuộc linh của chúng ta và việc thiếu sự hấp dẫn
thiên nhiên cũng không thể gây ngăn trở. Chúng ta hãy kiềm chế khỏi mọi tư
tưởng như vậy. Nếu xem xét quyền năng hấp dẫn của mình, chúng ta sẽ đánh mất
tấm lòng lệ thuộc. Tương tự, nếu xem xét sự thiếu hấp dẫn của mình, chúng ta sẽ
không bước đi theo linh. Nếu các công nhân của Chúa không bước đi theo linh thì
mọi kết quả công tác của họ đều vô ích.
Các công nhân của Chúa ngày nay tìm kiếm điều
gì? Nhiều người tìm kiếm quyền năng thuộc linh. Nhưng quyền năng thuộc linh
thật ra từ việc trả giá. Hễ chúng ta chết đối với tình cảm của mình thì chúng
ta sẽ có sức lực thuộc linh. Chúng ta đánh mất sức lực thuộc linh vì chúng ta
sử dụng tình cảm quá nhiều và quá nhiều niềm ao ước, sự yêu mến và cảm xúc. Nếu
chúng ta không bước đi theo các cảm xúc của tình cảm, và trong mọi sự đều giao
nộp cho sự chết các niềm ao ước và hành động khiến chúng ta vui sướng, chúng ta
sẽ nhìn thấy sức lực và quyền năng trong nếp sống loài người của mình. Sự chết
sâu hơn của thập tự giá có thể đổ đầy chúng ta bằng quyền năng thuộc linh;
ngoài điều này ra thì không còn cách nào khác. Khi thập tự giá xử lý các niềm
ao ước của chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng sống cho Đức Chúa Trời, tự
phát quyền năng thuộc linh sẽ được biểu lộ ra từ chúng ta.
Hơn nữa, nếu một tín đồ không đắc thắng tình
cảm của mình trong công tác thuộc linh, tình cảm sẽ ngăn trở người ấy tiến lên
theo nhiều cách. Hễ ảnh hưởng của tình cảm còn đó thì sức lực thuộc linh của
tín đồ không đủ để điều chỉnh tình cảm. Do đó, người ấy không thể hoàn thành ý
muốn cao nhất của Đức Chúa Trời. Tình cảm sẽ sử dụng mọi loại sự việc để ngăn
trở công tác tiến lên. Chúng ta hãy xem thí dụ về sự mệt mỏi vật lý của mình.
Chúng ta cần phân biệt giữa nhu cầu nghỉ ngơi do (1) sự mệt nhọc trong thân
thể, (2) sự mệt mỏi trong tình cảm, hoặc (3) cả sự mệt nhọc trong thân thể lẫn
sự mệt mỏi trong tình cảm. Đức Chúa Trời không muốn chúng ta bắt linh, hồn hoặc
thân thể mình làm việc quá sức. Đức Chúa Trời ao ước chúng ta nghỉ ngơi khi mệt
mỏi. Nhưng chúng ta cần biết nhu cầu nghỉ ngơi của mình có liên hệ đến sự mệt
nhọc của thân thể hay sự mệt mỏi trong tình cảm, hoặc sự mệt mỏi trong tình cảm
của chúng ta có đang dùng sự mệt nhọc trong thân thể như một cái cớ để đòi nghỉ
ngơi. Nhiều lần, chúng ta ao ước được nghỉ ngơi thật sự là do lười biếng. Thân
thể chúng ta cần nghỉ ngơi, tâm trí và linh chúng ta cũng vậy, nhưng chúng ta
không nên nghỉ ngơi vì lười biếng, là điều ra từ bản chất ác của tình cảm. Sự
lười biếng và sự mệt mỏi dùng sự mệt nhọc vật lý làm cái cớ. Tóm lại, tình cảm
chúng ta đang tìm kiếm niềm vui thích thú tiêu khiển. Tín đồ phải cảnh giữ
chống lại điều này bò vào trong suốt sự nghỉ ngơi đúng đắn của họ
SỬ DỤNG TÌNH
CẢM CÁCH ĐÚNG ĐẮN
Nếu một tín đồ để cho thập tự giá thực hiện
công tác sâu hơn trong tình cảm của mình thì người ấy sẽ sớm học tập để tình
cảm không ngăn trở linh nhưng thậm chí hợp tác với linh. Thập tự giá sẽ xử lý
mọi sự sống thiên nhiên của tình cảm, đổi mới tình cảm và làm cho tình cảm trở
thành công cụ của linh. Trước đây chúng ta đã nói rằng người thuộc linh không
phải là một linh, không phải là không có tình cảm. Trái lại, người ấy sử dụng
tình cảm của mình để biểu hiện sự sống thần thượng bên trong.Trước khi được Đức
Chúa Trời xử lý, tình cảm không thể là công cụ của linh. Đúng hơn, tình cảm
hành động theo niềm ao ước riêng của nó. Sau khi được tẩy sạch, tình cảm có thể
trở nên cơ quan biểu hiện linh. Linh cũng biểu hiện sự sống của linh qua tình
cảm. Linh cần tình cảm biểu hiện tình yêu và cảm nhận của linh đối với sự chịu
khổ của con người; linh cũng cần tình cảm khiến con người cảm thúc sự vận hành
của trực giác. Cảm thúc của Linh được tỏ cho con người qua cảm nhận của một
tình cảm yên lặng. Nếu vâng phục linh, tình cảm sẽ khiến linh yêu điều Đức Chúa
Trời yêu và ghét điều Ngài ghét.
Sau khi hiểu biết lẽ thật về việc không sống
theo tình cảm, một số tín đồ nghĩ sai rằng nếp sống thuộc linh là một nếp sống
không có tình cảm. Họ nghĩ rằng chúng ta cần loại bỏ tình cảm để có thể trở nên
không có tình cảm, giống như gỗ đá vậy. Nếu một tín đồ không hiểu ý nghĩa sự
chết của thập tự giá, người ấy không thể biết ý nghĩa của việc giao nộp tình
cảm có sự chết và hoàn toàn sống theo linh. Chúng ta không đang nói rằng tín đồ
phải trở nên hết sức cứng rắn, như sắt đá vậy: người ấy cũng không phải trở nên
không có tình yêu thì mới được xem là người thuộc linh, như thể thuật ngữ
“người thuộc linh” chỉ về một người không có tình yêu vậy. Trái lại, người dịu
dàng, cảm thông, đầy thương xót và yêu thương nhất chính là người thuộc linh.
Trở nên hoàn toàn thuộc linh và giao nộp tình cảm của mình cho thập tự giá
không có nghĩa là một tín đồ sẽ đánh mất tình cảm của mình và trở nên vô cảm.
Khi nhìn thấy thể nào tình yêu của một tín đồ thuộc linh lớn hơn tình yêu của
người khác, chúng ta sẽ biết rằng người thuộc linh không phải là không có tình
cảm; đúng hơn, tình cảm của người ấy khác với tình cảm của người thường.
Trong việc giao nộp hồn mình cho thập tự giá,
chúng ta phải nhớ rằng sự sống của hồn sẽ bị đánh mất, chứ không phải chức năng
của hồn. Đóng đinh chức năng của hồn lên thập tự giá nghĩa là chúng ta không
còn suy nghĩ, quyết định hay cảm nhận. Chúng ta phải luôn luôn ghi nhớ sự kiện
này: đánh mất hồn là chỉ sống bởi sự sống của Đức Chúa Trời cách liên tục,
không sống bởi sự sống thiên nhiên. Đó là sẵn lòng không theo bản ngã hoặc bước
đi theo niềm vui thích của bản ngã, nhưng thuận phục ý muốn của Đức Chúa Trời.
Hơn nữa, thập tự giá và sự phục sinh là hai sự kiện không thể tách biệt. “Vì nếu
chúng ta tăng trưởng với Ngài trong tình trạng sự chết của Ngài thì chúng ta
cũng sẽ thật sự ở trong hình trạng phục sinh của Ngài” (Rô ma 6:5). Sự chết của
thập tự giá không có nghĩa là tiêu hủy tình cảm, tâm trí và ý muốn của sự sống–
hồn không bị triệt tiêu khi trải qua sự chết. Chúng chỉ đánh mất sự sống thiên
nhiên trong sự chết của Chúa; chúng được phục sinh trong sự sống Ngài. Sự chết
và sự phục sinh khiến các cơ quan tác nhiệm của hồn đánh mất sự sống của chúng
ta rồi sau đó khiến chúng được Chúa đổi mới và sử dụng. Cho nên, một người
thuộc linh không phải là không có tình cảm; đúng hơn, tình cảm của người ấy là
hoàn hảo và cao quý nhất; như thể tình cảm đó được sáng tạo mới bởi tay Đức
Chúa Trời vậy. Nếu ai gặp khó khăn ở đây, thì nan đề nằm ở nơi lý thuyết của
người ấy vì trong kinh nghiệm thuộc linh thì không có nan đề nào cả.
Tình cảm phải trải qua công tác của thập tự
giá (Matt.10:38-39) để từ bỏ bản chất nóng nảy, sự cuồng tín và sự rối loạn để
hoàn toàn thuận phục linh. Mục đích của công tác thập tự giá là để linh có
quyền bính điều chỉnh chức năng của tình cảm.
W.N.
(Người thuộc linh)