Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

SÁCH KHẢI THỊ BÀI 17



QUANG CẢNH Ở TRÊN TRỜI SAU KHI ĐẤNG CHRIST THĂNG THIÊN
          
Tất cả các Cơ đốc nhân đều biết rằng Đấng Christ đã thăng thiên và ngày nay, Ngài đang ở trên trời. Tuy nhiên, không bao nhiêu người quen thuộc với quang cảnh ở trên trời sau khi Đấng Christ thăng thiên. Quang cảnh này khá đặc biệt và chúng ta cần thấy rõ điều này.
Khải thị 4: 1 chép: “Sau những việc ấy tôi đã thấy, kìa, có một cái cửa mở ra trên trời và tiếng thứ nhất mà tôi nghe như tiếng kèn nói với tôi kìa, lại nói rằng: Hãy lên đây, ta sẽ chỉ cho ngươi những điều về sau cần phải xảy đến!” Kế hoạch của Đức Chúa Trời được ẩn giấu trên trời. Khi Đức Chúa Trời tìm được một người ở trên đất vừa theo lòng Ngài thì trời mở ra cho người ấy. Trời đã mở ra cho Gia-cốp (Sáng. 28: 12 – 27), cho Ê-xê-chi-ên (Êxc. 1: 1), cho Jesus (Mat. 3: 16), cho Ê-tiên (Công 7: 56) và cho Phi-e-rơ (Công. 10: 11). Ở đây trong 19: 11, trời đã mở ra cho Giăng là người viết sách này và cũng sẽ mở ra cho tất cả những người tin Chúa trong cõi đời đời (Gi. 1: 51
).

I.NGAI Ở TRÊN TRỜI

Câu 2 chép: “Tức thì tôi ở trong linh, thấy kìa, có một cái ngai đặt trên trời.” Ở trên trời, trước hết có một ngai và sách Khải Thị tập trung vào ngai ấy. Bắt đầu với chương 4, sách này khải thị sự quản trị hoàn vũ của Đức Chúa Trời. Ngai của Đức Chúa Trời trong sách Khải Thị là trung tâm quản trị của Đức Chúa Trời. Trong khi ngai trong các Thư tín là ngai ân điển mà từ đó chúng ta nhận được sự thương xót và tìm thấy ân điển (Hê. 4: 16) thì ngai ở đây là ngai phán xét mà từ đó thế giới phải chịu phán xét. Đây là ngai Đức Chúa Trời ở trên trời. Toàn thể vũ trụ, đặc biệt là trái đất, đều ở dưới ngai này. Bất cứ điều gì Sa-tan thực hiện ở không trung và bất cứ điều gì con người thực hiện ở trên đất đều ở dưới ngai của Đức Chúa Trời trên trời. Ngày nay, con người có thể làm gì tùy thích nhưng ngai Đức Chúa Trời ở trên trời vẫn là uy quyền trên mọi người và mọi việc. Không ai có thể làm gì và không gì có thể xảy ra ngoài sự cai trị của ngai Đức Chúa Trời. Dường như ngai này không thể thấy được và không được con người nhận biết, nhưng thật ra ngai ở hậu trường, đang cai trị trên mọi người và mọi sự. Vào thời điểm của Đức Chúa Trời và vì hoàn thành mục đích của Đức Chúa Trời, sự phán xét thích hợp luôn ra từ ngai ấy đến nhân loại và trên những việc xảy ra trên đất. Trong sách Khải Thị, kết quả cuối cùng đến từ sự hoàn tất việc thi hành sự phán xét của Đức Chúa Trời. Sự phán xét này ra từ ngai và giải quyết tình trạng hỗn loạn cả trời lẫn trên đất do sự phản loạn của Sa-tan và sự sa ngã của con người gây ra.
A.   Cầu vồng quanh ngai có dáng vẻ của lục bửu thạch
Trong câu 3, chúng ta thấy có “một cầu vồng bao quanh ngai giống như lục bửu thạch.” Cầu vồng là một dấu hiệu về giao ước của Đức Chúa Trời với con người và các sinh vật rằng Ngài sẽ không hủy diệt bằng nước lụt nữa (Sáng. 9: 8 –17). Trong sách này Đức Chúa Trời sẽ phán xét trái đất cùng với tất cả những cư dân của nó. Cầu vồng quanh ngai Ngài cho thấy rằng Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời lập giao ước, Đức Chúa Trời thành tín là Đấng sẽ giữ giao ước của Ngài trong khi thi hành sự phán xét, Ngài sẽ không phán xét nhân loại bằng nước lụt nữa, cũng không hủy diệt toàn thể nhân loại nữa nhưng sẽ giữ lại một số người để làm các dân tộc trên đất vì vinh hiển của Ngài (21: 24, 26). Cầu vồng ấy cho thấy rằng Đức Chúa Trời thành tín trong sự quản trị của Ngài đối với nhân loại. Trong chương này, Đức Chúa Trời sắp phán xét nhân loại nhưng trong việc thi hành sự phán xét, Ngài nhớ lại giao ước Ngài đã lập với Nô-ê. Ngài là Đức Chúa Trời phán xét và cũng là Đức Chúa Trời giữ giao ước.
Cầu vồng “trông giống như lục bửu thạch.” Lục bửu thạch là một loại đá quý có màu xanh lá cây là màu tượng trưng cho sự sống ở trên đất. Điều này cho thấy rằng trong khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét của Ngài trên đất thì Ngài vẫn nhớ lại giao ước của Ngài mà dung ha cho một số sự sống ở trên đất như được chỉ ra trong Sáng thế ký 9: 11. Lục bửu thạch là một loại đá quý thật rắn chắc. Vật nhắc nhở Đức Chúa Trời giữ giao ước của Ngài thật rắn chắc. Có một vật nhắc nhở chắc như vậy ở quanh ngai Ngài.
B.   Từ ngai ra những chớp, tiếng và sấm
Trong câu 5, chúng ta được biết rằng “từ ngai ra những chớp, tiếng và sấm.” Tất cả những điều đó chỉ về cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời trong sự phán xét của Ngài.     Trong các Thư tín, từ ngai ân điển tuôn ra sự thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời cho bất cứ người nào đến gần Ngài qua huyết cứu chuộc của Đấng Christ. Nhưng tại đây, từ ngai phán xét lại phát ra những chớp, tiếng và sấm là những lời cảnh báo cho thế giới tội lỗi. Trong sách Khải Thị, sau khi tất cả những sự phán xét của Đức Chúa Trời đã được thi hành thì ngai của Đức Chúa Trời sẽ là ngai cung ứng sự sống đời đời, từ đó tuôn ra sông nước sự sống với cây sự sống mọc trong dòng sông ấy. Tất cả tín đồ dự phần trong sự thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời ngày nay bằng cách đến gần ngai ân điển của Đức Chúa Trời đều sẽ vui hưởng dòng sông sự sống và cây sự sống ra từ ngai Đức Chúa Trời để làm sự cung ứng sự sống của mình cho đến đời đời, trong khi những người vô tín, tức những người sẽ bị phán xét bởi ngai phán xét của Đức Chúa Trời thì sẽ không có phần trong sự vui hưởng đời đời ra từ    ngai đời đời của Đức Chúa Trời.
C.   Bảy ngọn đèn lửa cháy trước ngai
Câu 5 cũng cho biết rằng “có bảy ngọn đèn bằng lửa cháy trước ngai, tức là bảy Linh của Đức Chúa Trời.” Điều này hàm ý rằng Đức Chúa Trời sẽ chạm đến trái đất bằng bảy ngọn đèn, bằng bảy Linh của Ngài đang rực cháy, chiếu sáng, quan sát, dò xét và phán xét. Bảy ngọn đèn ở đây chỉ về bảy ngọn đèn của giá đèn trong Xuất Ai Cập Ký 25: 37 và bảy ngọn đèn của giá đèn trong Xa-cha-ri 4: 2. Bảy ngọn đèn lửa là bảy Linh của Đức Chúa Trời tượng trưng cho sự soi sáng và dò xét của Linh tăng cường gấp bảy của Đức Chúa Trời. Trong Xuất Ai Cập Ký chương 25 và Xa-cha-ri chương 4, bảy ngọn đèn tượng trưng cho sự soi sáng của Linh Đức Chúa Trời trong sự chuyển động của Đức Chúa Trời, là vì sự xây dựng của Đức Chúa Trời, hoặc xây dựng nhà trại hoặc xây dựng Đền thờ. Ở đây, bảy ngọn đèn là vì sự phán xét của Đức Chúa Trời và cũng là điều đem đến sự xây dựng của Đức Chúa Trời – xây dựng Giê-ru-sa-lem Mới. Trong khi Đức Chúa Trời thi hành sự phán xét của Ngài thì Linh tăng cường gấp bảy của Ngài sẽ thực hiện sự xây dựng đời đời của Đức Chúa Trời bằng cách dò xét, soi sáng, phán xét và truyền dẫn. Điểm này được phát triển đầy đủ trong các chương theo sau. Kết quả là sự tổng kết thành thánh, tức Giê-ru-sa-lem Mới.
D.   Biển pha lê trước ngai
Câu 6 chép: “Trước ngai dường có biển pha lê giống như thủy tinh.”       Biển pha lê là nơi     thu thập và chứa đựng mọi sự đã bị Đức Chúa Trời phán xét. Biển  này không có nước mà có lửa (15: 2). Từ khi xảy ra trận lụt, Đức Chúa Trời, theo lời Ngài hứa không phán xét trái đất và mọi sinh vật bằng nước nữa (Sáng. 9: 15) nhưng luôn phán xét con người bằng lửa (Sáng. 19: 24; Lê. 10: 2; Dân. 11: 1; 16: 35; Đa. 7: 11; Khải. 14: 11; 18: 8; 19: 20; 20: 9 – 10; 21: 8). Ngai phán xét của Đức Chúa Trời giống như ngọn lửa hừng, từ đó một dòng lửa tuôn ra (Đa. 7: 9 – 10). Ngọn lửa phán xét của Đức Chúa Trời sẽ quét tất cả những điều tiêu cực trong toàn thể vũ trụ vào biển pha lê này mà cuối cùng trở thành hồ lửa (20: 14). Là tổng hợp toàn bộ sự phán xét bằng lửa của Đức Chúa Trời, biển pha lê “giống như thủy tinh,          biểu thị rằng mọi điều tiêu cực dưới sự phán xét của Đức Chúa Trời đều trong suốt như pha lê. Bất cứ điều gì được phán xét và giữ lại trong biển pha lê đều hoàn toàn được phơi bày; không gì ẩn giấu. Trong chương này, chúng ta có cầu vồng ở quanh ngai Đức Chúa Trời, biểu thị rằng Đức Chúa Trời sẽ giữ lời Ngài hứa trong Sáng Thế Ký 9: 8–17 và chúng ta cũng có biển pha lê bằng lửa, hàm ý rằng Đức Chúa Trời vẫn phán xét tất cả những điều tiêu cực bằng lửa.
                  II. ĐỨC CHÚA TRỜI NGỰ TRÊN NGAI
                  A.Giống như bích ngọc và hồng bửu thạch                   
Khi Giăng nhìn thấy ngai được đặ ở trên trời, ông đã thấy “Đấng ngự đó xem giống như bích ngọc và hồng bửu thạch, có cầu vồng bao quanh ngai giống như lục bửu thạch.” Đức Chúa Trời ở trên ngai có dáng vẻ của bích ngọc. Theo 21: 11, bích ngọc là “đá quý nhất... trong như pha lê.” Màu sắc của nó chắc hẳn là màu xanh lá cây đậm, tượng trưng cho sự sống trong sự phong phú của nó. Bích ngọc ở đây, cũng như trong 21: 11, tượng trưng cho sự vinh hiển có thể truyền đạt được của Đức Chúa Trời trong sự sống phong phú của Ngài (Gi. 17: 22, 2). Đây là dáng vẻ của Đức Chúa Trời và cũng sẽ là dáng vẻ của thành thánh là Giê-ru-sa-lem Mới (21: 11). Tường thành và nền đầu tiên được xây bằng bích ngọc (21:18 –19). Theo Kinh Thánh  màu xanh lá cây tượng trưng cho sự sống. Vì thế màu sắc của bích ngọc hàm ý rằng Đức Chúa Trời ngự trên ngai chính là Đức Chúa Trời của sự sống. Màu sắc của Đức Chúa Trời trước tiên là xanh lá cây, làm chứng rằng Ngài là nguồn sự sống.
Đức Chúa Trời trên ngai cũng giống như hồng bửu thạch. Hồng bửu hạch là đá quý nhất có sắc đỏ tượng trưng cho sự cứu chuộc. Ngày nay, Đức Chúa Trời không những là Đức Chúa Trời của sự sống mà còn là Đức Chúa Trời của sự cứu chuộc. Trong khi bích ngọc hàm ý Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời vinh hiển trong sự sống phong phú của Ngài thì hồng bửu thạch tượng trưng cho Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời cứu chuộc.Vì chúng ta là những vật thọ tạo của Ngài, đã sa ngã nên Ngài đến cứu chuộc qua huyết của Đấng Christ. Vì vậy, Ngài có hai màu sắc– màu sắc của sự sống và màu sắc của sự cứu chuộc. Ngài là Đức Chúa Trời ban sự sống và cũng là Đức Chúa Trời cứu chuộc. Trên bảng đeo ngực của thầy tế lễ thượng phẩm trong Cựu Ước, viên đá thứ nhất là hồng bửu thạch và viên cuối cùng là bích ngọc (Xuất. 28: 17, 20). Điều này biểu thị rằng những người được Đức Chúa Trời cứu chuộc có khởi đầu trong sự cứu chuộc của Đức Chúa Trời và hoàn tất trong vinh hiển sự sống của Đức Chúa Trời.
                             B. Trong tay phải Ngài có cuộn sách
Theo 5: 1, trong tay phải của Đấng ngự trên ngai có một cuộn sách. Đức Chúa Trời ban sự sống và cứu chuộc ấy có một huyền nhiệm ở trong tay Ngài. Huyền nhiệm ấy liên quan đến phần định của vũ trụ và được niêm bằng bảy ấn. Huyền nhiệm bí mật của vũ trụ, được Đức Chúa Trời của sự sống và sự cứu chuộc nắm giữ.
  III. HAI MƯƠI BỐN TRƯỞNG LÃO NGỒI TRÊN HAI MƯƠI BỐN 
                                      NGAI Ở QUANH NGAI       
Câu 4 chép: “Xung quanh ngai lại có hai mươi bốn ngai, trên những ngai ấy có hai mươi bốn trưởng lão ngồi, mình mặc áo trắng, đầu đội mão miện vàng.” Các trưởng lão trong câu này không phải là các trưởng lão của Hội thánh mà là các trưởng lão của thiên sứ, vì ở đây, trước khi Chúa đến lần thứ hai, họ đã ngồi trên ngai rồi ( Mat. 19: 28; Khải 20: 4). Trong sự sáng tạo của Đức Chúa Trời, các thiên sứ là các vị cổ xưa nhất. Trong Kinh Thánh có nhiều loại trưởng lão khác nhau: các trưởng lão của dân Israel, các trưởng lão của các Hội thánh và ở đây là các trưởng lão của thiên sứ. Các trưởng lão thiên sứ là các trưởng lão của toàn cõi thọ tạo của Đức Chúa Trời. Việc họ ngồi trên ngai với mão miện bằng vàng trên đầu cho thấy rằng họ phải là những bậc cai trị vũ trụ cho đến vương quốc thiên hi niên là khi quyền cai trị trái đất sẽ được giao cho các thánh đồ đắc thắng (Hê. 2: 5 – 9; Khải 2: 26 – 27; 20: 4). Áo trắng mà họ mặc cho thấy rằng các trưởng lão thiên sứ không có tội nên họ không cần huyết của Chiên Con rửa sạch như các thánh đồ được cứu chuộc (7: 14).
Hai mươi bốn trưởng lão ấy mặc áo trắng và đội mão miện bằng vàng trên đầu. Việc họ mặc áo trắng và “cầm một đàn hạc và những bát vàng đầy hương” (5: 8) hàm ý rằng bây giờ họ cũng là các thầy tế lễ trước mặt Đức Chúa Trời, trong khi những người đắc thắng cai trị sẽ là các thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ trong vương quốc thiên hi niên (20: 6). Hai mươi bốn thiên sứ ấy ắt hẳn là các thầy tế lễ hoàn vũ. Mão miện bằng vàng của họ hàm ý rằng họ cũng là những bậc cai trị. Họ là những thầy tế lễ phụng sự Đức Chúa Trời và là những vua cai trị trên cõi thọ tạo của Ngài. Trước khi tạo dựng con người, Đức Chúa Trời đã có những thiên sứ dẫn dắt làm thầy tế lễ và công cụ cai trị của Ngài. Theo Ê-xê-chi-ên chương 28, trước khi Sa-tan sa ngã, hắn đã là một thiên sứ như vậy. Hắn từng là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời và cũng là vua. Thậm chí khi ma quỷ là Sa-tan cám dỗ Chúa Jesus, chỉ cho Ngài “mọi vương quốc thiên hạ trong giây lát,” hắn nói: “Ta sẽ cho ngươi hết thảy uy quyền  này và vinh hiển của chúng, vì uy quyền đã được giao cho ta, và ta muốn giao cho ai tùy ý” (Lu. 4: 5 – 6). Thế giới được ban cho hắn trước thời A-đam. Cho nên, đã có một thời đại Đức Chúa Trời giao uy quyền cho Sa-tan, lập hắn làm vua cai trị trên vũ trụ đó. Cũng vậy hai mươi bốn trưởng lão này là các thầy tế lễ và các vua của Đức Chúa Trời.
Số các trưởng lão là 24, gồm 2 nhân 12. Mười hai là số trọn vẹn trong sự quản trị của Đức Chúa Trời (Mat. 19: 28). Đa-vít đã chia các trưởng lão và người Lê-vi làm 24 nhóm (I Sử.24 và 25) để thực hiện sự phục vụ mang tính quản trị của Đức Chúa Trời. Số 24 hàm ý rằng trước khi Hội thánh được bổ nhiệm để thay thế họ, các trưởng lão thiên sứ là những vị thi hành sự quản trị của Đức Chúa Trời. Mười hai nhân hai tượng trưng cho sự mạnh mẽ bằng cách tăng lên gấp đôi, hàm ý rằng sự quản trị thần thượng được các trưởng lão thực hiện thì mạnh mẽ.
                IV. BỐN SINH VẬT Ở GIỮA VÀ QUANH NGAI       
Trong Kinh Thánh , số các sinh vật là bốn luôn luôn tượng trưng cho bốn đầu cùng đất, bao gồm cả vũ trụ hay toàn thể trái đất. Trong Sáng Thế Ký 2: 10, một dòng sông trở nên bốn đầu nguồn lan ra khắp trái đất. Trong Giê-rê-mi 49: 36 có bốn phương trời và trong Ê-sai 11: 12, Khải Thi 7: 1 và 20: 8 có bốn góc đất. Vì thế, số các sinh vật khải thị rằng chúng đại diện cho tất cả các tạo vật ở dưới đất và ở trên trời ngoại trừ các thiên sứ là các vị đại diện bởi 24 trưởng lão. 
A.   Đầy mắt đằng trước, đằng sau và bên trong       
Câu 6 chép: “Còn chính giữa và xung quanh ngai” có “bốn sinh vật, đằng trước và đằng sau đều đầy mắt.” Theo câu 8, chúng “khắp trong ngoài đều đầy mắt.” Điểm nổi bật nhất của bốn sinh vật là mắt của chúng. Chúng đầy mắt đằng trước, đằng sau và bên trong và có thể nhìn thấy mọi phương hướng mà không cần xoay người. Mắt là để các sinh vật nhận lấy ánh sáng và khải tượng. Bốn sinh vật đầy mắt hàm ý rằng chúng hoàn toàn không mờ đục nhưng trong suốt mọi mặt và mọi phương diện. Cơ đốc nhân cần phải đầy mắt giống như vậy. Khi đầy mắt, chúng ta trong suốt. Nếu không có mắt, một người hoàn toàn mờ đục. Mắt của chúng ta làm cho chúng ta trong suốt. Nếu chúng ta có hàng trăm mắt trên thân thể mình, cả bên trong lẫn bên ngoài thì toàn bản thể chúng ta trở nên trong suốt. Trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, chúng ta là những người được cứu chuộc cần phải giống như vậy.
B.   Mỗi sinh vật có sáu cánh

Câu 8 chép: “Bốn sinh vật ấy, mỗi một đều có sáu cánh.” Bên ngoài, bốn sinh vật ấy giống như Chê-ru-bim trong Ê-xê-chi-ên 1: 5 – 10 và 10: 14 – 15. Theo sáu cánh của chúng, chúng giống như Sê-ra-phim trong Ê-sai 6: 2. (Chê-ru-bim trong Xuất Ai Cập Ký 25: 20 và I Các Vua 6: 27 có hai cánh và Chê-ru-bim trong Ê-xê-chi-ên 1: 6 có bốn cánh). Chúng ắt hẳn là sự kết hợp Chê-ru-bim và Sê-ra-phim. Là Sê-ra-phim, chúng là vì sự thánh biệt của Đức Chúa Trời (Ês. 6: 3), chỉ về bản chất của Đức Chúa Trời; và là Chê-ru-bim, chúng là vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Êxc. 10: 18 – 19; Hê. 9: 5), chỉ về sự biểu lộ của Đức Chúa Trời. Cho nên, chúng đại diện cho bản chất và sự biểu lộ của Đức Chúa Trời.
                   C. Có dáng vẻ của sư tử, bò con, con người và chim ưng đang bay 
Câu 7 chép: “Sinh vật thứ nhất giống như sư tử, sinh vật thứ nhì như bò con, sinh vật thứ ba có mặt như người và sinh vật thứ tư như chim ưng đang bay.” Quanh ngai của Đức Chúa Trời, 24 trưởng lão đại diện cho toàn bộ các thiên sứ, trong khi bốn sinh vật đại diện cho toàn bộ các sinh vật khác. Sinh vật thứ nhất giống như sư tử đại diện cho dã thú; sinh vật thứ hai giống như bò con đại diện cho gia súc; sinh vật thứ ba giống như con người đại diên cho nhân loại; và sinh vật thứ tư giống như chim ưng đại diện cho loài chim. Trong sáu loài sinh vật được Đức Chúa Trời tạo dựng (Sáng. 1: 20 – 28) có hai loài không được đại diện ở đây là bò sát trên đất và những sinh vật sống dưới nước. Đầu của những loài bò sát là con rắn, một biểu tượng về Sa-tan là kẻ thù của Đức Chúa Trời, kẻ đang bị ném vào hồ lửa, sẽ không có chổ trong trời mới đất mới; và các sinh vật sống dưới nước ở trong nước bị Đức Chúa Trời phán xét, sẽ không còn ở trong trời mới đất mới nữa (21: 1). Cho nên, hai loài này không được đại diện trước mặt Đức Chúa Trời  cho đến đời đời.
Trong bốn sinh vật, bò con là vật tinh sạch nhưng sư tử và chim ưng thì không tinh sạch (Lê. 11: 3 – 8, 13 – 19). Sau khi được chuộc tất cả chúng đều trở nên tinh sạch (Công. 10: 11 – 16). Trong các sinh vật bò con và con người thì nhu mì và hiền lành nhưng sư tử và chim ưng thì hoang dã và hung dữ. Qua sự cứu chuộc, chúng có thể ở chung với nhau (Ês. 11: 6 – 9). Sự cứu chuộc của Đấng Christ không chỉ dành cho con người mà còn dành cho “mọi sự” (Côl. 1: 20), vì Ngài đã chết thay cho “mọi sự” (Hê. 2: 9).
                        V. THỜ PHƯỢNG ĐỨC CHÚA TRỜI
Trong 4: 8– 11, chúng ta thấy sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Tại đây chúng ta chưa có sự thờ phượng Chiên con, vì đến chương sau Chiên con mới xuất hiện. Chương này chỉ trình bày quang cảnh mà khi Đấng Christ thăng thiên, Ngài đã bước vào. Tại đây, Đức Chúa Trời được thờ phượng bởi bốn sinh vật đại diện cho mọi vật (cc 8 – 9) và bởi 24 trưởng lão đại diện cho tất cả các thiên sứ (cc 10 – 11). Trong quang cảnh này, mọi tạo vật đều thờ phượng Đức Chúa Trời. Theo câu 8, các sinh vật nói: “Thánh thay, thánh thay, thánh thay Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn năng, đã có, hiện có và còn đến!” “Thánh thay” được nói ba lần như Ê-sai 6: 3 hàm ý Đức Chúa Trời là tam nhất. Cũng vậy, sự hiện hữu của Đức Chúa Trời được đề cập trong ba thì (tenses) hàm ý Ngài là tam nhất. Những lời ngợi khen của cả bốn sinh vật (c. 9) lẫn 24 trưởng lão (c. 11) bao gồm ba điều, hàm ý chúng đang ngợi khen Đức Chúa Trời Tam Nhất. Hai điều đầu tiên là “vinh hiển, tôn trọng” như nhau ở hai nơi nhưng điều cuối cùng thì khác biệt. Trong những lời ngợi khen của bốn sinh vật, điều cuối cùng là  “cảm tạ,” vì chúng được cứu chuộc và biết ơn về sự cứu chuộc từ ân điển của Đức Chúa Trời, trong khi những lời ngợi khen của 24 trưởng lão, điều sau cùng là “quyền năng,” vì là các bậc cai trị của vũ trụ chứ không phải là các tạo vật được cứu chuộc, họ đánh giá cao quyền năng của Đức Chúa Trời mà nhờ đó họ cai trị.
Trong câu 11, 24 trưởng lão nói: “Chúa đáng được vinh hiển, tôn trọng quyền năng, vì Chúa đã dựng nên muôn vật và ấy là vì ý muốn Chúa mà muôn vật đã có và được dựng nên.” Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời có mục đích, có một ý muốn từ niềm vui thỏa riêng của Ngài. Ngài đã tạo dựng muôn vật vì ý muốn của Ngài để Ngài có thể hoàn thành và thực hiện mục đích Ngài. Sách này bày tỏ sự quản trị hoàn vũ của Đức Chúa Trời, cho chúng ta thấy mục đích của Đức Chúa Trời. Vì vậy, trong lời ngợi khen của 24 trưởng lão về sự sáng tạo của Ngài, sự sáng tạo của Ngài liên quan đến ý muốn của Ngài.
Là những vị thực hiện sự quản trị của Đức Chúa Trời trong vũ trụ, 24 trưởng lão thiên sứ      thốt lên những lời ngợi khen của họ về ý muốn liên quan đến sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Người ta có thể dễ dàng nhận biết sự sáng tạo của Đức Chúa Trời nhưng hiếm có người biết ý muốn, mục đích sáng tạo của Đức Chúa Trời. Lời ngợi khen của các trưởng lão thiên sứ là lời giới thiệu nội dung của sách này, là sách bày tỏ ý muốn mục đích sáng tạo của Đức Chúa Trời – có được một nơi ở đời đời vì sự thỏa mãn và biểu lộ của Đức Chúa Trời. Nơi ở ấy là thành thánh, tức Giê-ru-sa-lem Mới. Trong Giê-ru-sa-lem Mới ý muốn của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo sẽ hoàn toàn được lộ ra và được ứng nghiệm. Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn thỏa mãn và hoàn toàn được biểu lộ trong và qua Giê-ru-sa-lem Mới. Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo của Ngài và là mục tiêu của sách Khải Thị. Lời ngợi khen của các trưởng lão thiên sứ chỉ ra điều này cho chúng ta và sách Khải Thị tiếp tục tiến đến điều này, rồi cuối cùng, đem chúng ta đến với điều này, tuyệt đích của ý muốn của Đức Chúa Trời trong sự sáng tạo của Ngài.
Còn nữa--