Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

ĐỒNG CÔNG SULAMIT



Vua Sa-lô-môn giả dạng làm một nông dân yêu một thôn nữ ở miền nam Israel. Sau đó vua về Jerusalem. Thôn nữ Sulamit trải qua nhiều biến động trong cuộc đời. Rồi ít lâu đó vua Sa-lô-môn trở lại với tư cách một vị vua, rước Sulamit về Jerusalem. Trước khi được Sa-lô-môn rước đi, Sulamit đã trở thành nột tôi tớ Chúa, một đồng công của Sa-lô-môn. Chúa Jesus đến lần thứ nhất như người Naxaret mộc mạc. Ngài sẽ trở lại lần hai với đại quyền đại vinh của một Hoàng Đế.
Bài nầy tương giao về đồng công Sulamit


   Vừa nhìn thấy Chúa đưa Eva đến cùng mình, A đam buộc miệng phát biểu, “bây giờ mới có người nầy, là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi, nàng sẽ được gọi là người nữ, vì từ người nam mà có”. Nếu đổi câu nầy ra  ngôn từ nồng thắm của người Việt, A đam có thể nói, “mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai”.

   Khi xây dựng Ê va, khi tạo thành người nữ, Đức Chúa Trời chỉ dùng xương sườn của A đam, Ngài không dùng phụ gia hay một chất liệu nào khác. Nên chúng ta có thể nói Ê va là chính A đam mở rộng, Ê va là hình thức khác của A đam. Huyền nhiệm nầy là lớn, tôi nói về Christ và hội thánh. Hội thánh là sự gia tăng của Christ.

   Đọc Nhã ca 6:13 tôi thấy kinh văn đó phảng phất lời nói của A đam trên đây, “Sula mít ơi, hãy trở về! Hãy trở về, trở về, để chúng tôi được ngắm nhìn cô”. A đam thấy Ê va giống ông, là bản sao của ông. Ngày nay chúng ta ngắm nhìn đồng công Su la mít, và thấy nàng rất giống quân vương Sa lô môn.

    Điều khác biệt là lúc ấy Ê va vô tội, còn Su la mít là cô thôn nữ đen đúa, khét mùi nắng nồng. Theo tiếng Hê bơ rơ, tên Su la mít là danh từ giống cái của danh từ Sa lô môn, cả hai tên đều có nghĩa là “sự thái bình”.

    Tác giả sách Nhã ca dùng 6 chương miêu tả sự biến đổi của Su la mít, từ một thôn nữ thiên nhiên trở thành công chúa, em gái song sinh của vua Sa lô môn. Cô đã trải qua một số giai đoạn như: có đôi mắt bồ câu, sau đó trở nên hoa huệ, các trụ khói, cái kiệu, mão miện, miếng vườn, các thiên thể, nơi thánh của Đức Chúa Trời, Giê ru sa lem thuộc thiên, quân đội làm Ma quỉ run sợ, và cuối cùng là bản sao nữ phái của Sa lô môn, đồng công Su la mít khả ái và yêu quí.

   Muốn làm đồng công của Chúa, trước hết chúng ta phải như thôn nữ tìm kiếm và theo đuổi Chúa vì sự thỏa mãn nơi Ngài ( Nhã 1:2—2:7). Bước thứ hai, ta được kêu gọi thoát ra khỏi bản ngã do hiệp một với thập tự giá của Chúa (2:8—3:5). Thứ ba , ta được kêu gọi sống trong bình diện thăng thiên, như một sáng tạo mới (3:6—5:1). Thứ tư, ta được kêu gọi từ bỏ xác thịt để sống bên trong bức màn nơi chí thánh (5:2—6:13). Bốn bước nầy giúp chúng ta trở thành đồng công Su la mít, sự tái sản xuất của Sa lô môn.

    Anh em ơi, anh em hãy ngắm xem các đồng công của Chúa ở hôm nay, là các công nhân, các full-timers (người dâng trọn thì giờ), các Na xi rê, coi họ có giống đồng công Su la mít chăng? Su la mít phải giống y như Sa lô môn trong sự sống, trong bản chấ, trong sự biểu hiện và trong chức năng, y như Ê va đối với A đam.

    Sau khi được tái sản sinh thành bản sao của Sa lô môn, đồng công Su la mít cần có đủ tư cách. Các tư cách nàng được cấu tạo do các thuộc tánh của sự sống thần thượng trang bị. Các thuộc tánh nầy biểu lộ trong các mỹ đức phàm nhân của nàng. Linh của Chúa dùng Nhã ca 7:1-9 miêu tả các mỹ đức của Su la mít. Đây là các dấu hiệu về sự trưởng thành của nàng trong sự sống thần thượng. Nếu thiếu hụt các tư cách nầy, nàng không đủ khả năng đồng công với Chúa.

    Câu 1, “ hỡi công nương” (công chúa). Nàng đã trưởng thành trong sự sống hoàng gia của Ngài để cùng Christ trị vì như La mã 5:17 nói, “những kẻ nhận lãnh ân điển...do một người là Jesus Christ mà trị vì càng hơn là dường nào”.

   “ Chân em đi dép đẹp làm sao!”. Đây là vẻ đẹp của nàng khi rao phúc âm. La mã 10:15, “bàn chân của những kẻ truyền rao tin lành thật xinh đẹp biết bao”.

   “Vế em khác nào vòng trang sức, tuyệt tác của một nghệ sĩ tài năng”. Vế nói lên năng lực đi đứng vững chắc của nàng, do công tác biến đổi khéo léo của Đức Thánh Linh sản xuất. 2 Cor. 3:18 nói ta được “biến đổi trở nên giống hình ảnh Ngài”.

   “Rốn em như chung rượu tròn không bao giờ cạn. Bụng em như đống lúa mạch có hoa huệ bao quanh”.Các phần bên trong của nàng, là rốn và bụng, chứa đầy sự sống thần thượng do uống rượu nho (huyết Chúa), và ăn lúa mạch bằng đức tin ( hoa huệ). Đồng công Su la mít có sự tích lũy rất dồi dào về ân điển và sự sống. Đấng Christ phục sinh là kho tàng chứa sẵn trong nàng. Nàng là người giàu có thuộc linh trong đức tin, Gia cơ 2:5.

   “Ngực em như đôi nai tơ, như cặp hoàng dương song sinh”.Nàng có khả năng năng động nuôi dưỡng người khác theo cách sinh động. Chúa nói, “hãy cho chiên ta ăn” (Giăng 21:15,17). Trẻ con sống nhờ ngực mẹ mình.

    “Cổ em như ngọn tháp ngà, mắt em là hồ nước Hết bôn bên cổng thành Bát ra bim; mũi em như ngọn tháp Li ban nhìn xuống thành Đa mách”. Cứng cổ ngụ ý sự bất phục. Cổ nàng như ngọn tháp ngà nói lên ý muốn thuận phục của nàng. Đó là công tác biến đổi của Linh tạo thành trong nàng qua nhiều nỗi đau khổ, để nàng thực hiện ý muốn của Chúa. Mắt nàng rộng mở như hồ nước, nói lên đôi mắt của tấm lòng nàng mở ra đối với ánh sáng thần thượng. Mắt bồ câu chỉ tập chú một mục tiêu, điều đó là tốt, nhưng không nhìn xa thấy rộng, không thấy các chuyển động của Đức Chúa Trời trong cả vũ trụ. Mũi nàng to lớn như ngọn tháp bày tỏ khả năng cảm xúc của nàng cao lớn. Nàng rất nhạy bén và tinh tế trong khả năng biện biệt mọi sự ở mức độ cao.

   “Đầu em ngẩng cao như núi Cạt mên, tóc em màu tía óng ả, khiến cho vua cũng mê mải vấn vương bởi các lọn tóc em”. Đầu nói lên tư tưởng và chủ tâm nàng mạnh mẽ vì Đức Chúa Trời.Tóc màu tía ngụ ý vinh quang vương quyền của Đức Chúa Trời.Tóc óng ả nhưng cuộn lại thành từng lọn, bày tỏ nàng thuận phục và vâng phục Chúa trong sự dâng mình. Tại đây chúng ta thấy vẻ đẹp và sự thuận phục của nàng. Trong hồn chúng ta, phần cuối cùng được biến đổi là ý muốn, và tại đây nàng thuận phục, nói lên ý muốn nàng đã được biến đổi. Chúa phải chế phục chúng ta đến khi chúng ta là một với Ngài trong ý muốn của mình, đển nỗi chúng ta không chỉ chấp nhận ý muốn Ngài, mà còn yêu thích ý muốn ấy.

    “Em đẹp biết bao, em diễm tuyệt vô cùng, người yêu dấu ơi, em làm anh say đắm! Dáng em như thân cọ dừa, ngực em là chùm trái chín. Anh thầm nghĩ, ta sẽ trèo lên cây cọ dừa, níu lấy các tàu có chùm trái chín; ước gì ngực em như chùm nho, hơi thở em ngát mùi hương táo. Và môi em đượm rượu tuyệt hảo. Mong sao rượu cứ êm ả chảy vào người em yêu, tràn lên đôi môi người đang ngủ”.

   Đây là các lời vua khen Su la mít. Nàng đã trưởng thành thuộc linh như cây cọ dừa, cây chà là, có tầm thước vóc giạc cao lớn. Khả năng nàng nuôi dưỡng kẻ khác rất lớn, vì ngực nàng như chùm trái chín. Chúa vui thỏa vì tầm vóc trưởng thành thuộc linh của nàng. Chúa mong rượu nho tuôn tràn từ môi miệng nàng để nuôi dưỡng dân Ngài, là những người đang ngủ. Hơi thở ngát mùi hương táo từ môi nàng ám chỉ trực giác thuộc linh của nàng cũng góp phần dinh dưỡng cho thánh đồ.

    Sau khi được biến đổi trở thành bản sao Sa lô môn, và được Nghệ sĩ tài năng tạo tác các tư cách như trên, Su la mít còn cần điểm thứ ba là đồng công với Chúa, dự phần trong công tác của Chúa, chứ không làm việc suông cho Ngài.

    Nhiều công nhân có lòng trọn thành với Chúa, nhưng tự thị, tự biên, tự diễn khi hầu việc Chúa. Họ cứ làm công tác cho Chúa theo tâm ý riêng của họ mà Chúa có ưng thuận hay không, họ không cần biết. Phao lô nói, “chúng tôi đồng công với Chúa” (2 Cor. 6:1). Còn về Ti mô thê, ông nói, “ Ti mô thê, anh em của chúng ta và đồng công của Đức Chúa Trời trong phúc âm của Đấng Christ” (2 Tes. 3:2). Các đồng công Su la mít hôm nay phải chờ đợi Chúa khải thị cho biết công tác của Ngài, sau đó phải làm công tác theo các sự chỉ dẫn của Chúa. Su la mít thưa cùng quân vương, “Người Yêu ơi, hãy đến, chúng mình sẽ đi ra ngoài đồng, và nghỉ đêm nơi làng quê. Chúng mình sẽ dậy sớm đi thăm vườn nho, xem thử nho đã nứt lộc, hoa đã nở, thạch lựu đã trổ bông hay chưa. Tại đó em sẽ dâng tặng tình yêu cho anh. Trái táo rừng tỏa ngát hương thơm, tại cửa chúng ta có sẵn mọi thứ trái ngon cả mới lẫn cũ, em để dành cho anh, anh yêu dấu của em!”.

    Chúng ta cảm thấy được sự thân mật của đồng công Su la mít khi cùng vua công tác, thăm viếng các miếng vườn ( các hội thánh), làng mạc. Nàng đang dự phần công tác của vua.
   Phao lô khuyên hội thánh Cô rinh tô: “hãy làm công việc của Chúa cách dư dật luôn”( 1Cor. 15:58). Phao lô cũng làm chứng rằng Ti mô thê “làm công việc của Chúa” như ông vậy ( 1Cor. 16:10).

    Anh em có thực sự làm công việc của Chúa không? Công tác đại sự của Ngài là xây dựng Thân Thể hoàn vũ. Tôi thấy nhiều thánh đồ xây hội thánh trong Hội Thánh, xây vương quốc của mình trong công việc đại sự của Chúa. Họ đang làm công việc của họ, không phải công tác của Chúa. Với lòng nhiệt thành, tận hiến họ đang làm nhiều kỳ công cho Chúa, chớ không làm việc với Chúa và không làm công tác đích thực là của Chúa. Họ không phải là đồng công Su la mít. Xin Chúa thương xót chúng ta. Amen./.
Minh Khải—

            ĐỒNG CÔNG VỚI CHÚA

  1. Mời Chúa ra đồng, có tôi đồng công,
Ngày xưa tôi quí linh vụ cá nhân;
Tầm mắt thu hẹp, chặn ngăn công tác,
Trái đất Chúa giao thiếu tôi dự phần.
Trưởng tiến với Chúa, gánh tôi thêm nặng,
Chuyên tâm dõi theo thánh hội trên đất,
Toàn thể tinh cầu, lòng tôi ôm ấp,
Các thánh khắp nơi, ước mong quen mặt.

  1. Mời Chúa vô làng, có tôi đồng đi,
Nguyền xin thăm viếng trăm hội thánh chung,
Từ lúc dâng mình, đời tôi thay đổi,
Muốn Chúa với tôi viếng thăm nhiều vùng.
Nếp sống lữ khách, giúp tôi kinh nghiệm,
Ban đêm núi cao hết lòng van khấn;
Thành kính dâng Ngài tình yêu tươi mới,
Trái mới rất ngon, Chúa ôi, vui nhận.

  1. Mời Chúa thăm vườn, chúng ta đồng đi,
Bình minh trong sáng, sương đọng cánh hoa;
Thường ở trong làng, được quen cây cối,
Chú ý búp nho, ngắm hoa lựu già.
Xử lí đúng mức, chức năng nghiêm trọng,
Tôi luôn tiến lên khởi động công tác;
Ngài sẽ di động cùng tôi chu tất,
Đóng lẫn mở ra, quá ư kinh ngạc.

Minh Khải cảm tác theo Nhã ca 7:11-13

(Bài nầy hát theo điệu (tune) của thánh ca Anh ngữ “Comple in Thee!No work of mine” của Aaron R.Wolfe và Talmadge J. Bittikofer)

Minh Khải