Thứ Năm, 6 tháng 6, 2013

Những tiêu biểu (Hình Bóng)

Hòm giao ước

Để nghiên cứu các tiêu biểu trong Cựu Ước, trước hết chúng ta phải có một nền tảng của Tân Ước. Tân Ước nói về Đấng Christ, sự cứu chuộc của Ngài, hội-thánh và Thánh Linh. Đó là bốn điều thuộc linh lớn. Các tiêu biểu chính yếu trong Cựu Ước là các tiêu biểu về bốn điều này. Chúng tượng trưng cho Đấng Christ, sự cứu chuộc, hội-thánh hay Thánh Linh. Trong Cựu Ước, chúng ta thấy bức ảnh trước khi nhìn thấy con người [thật]. Trong Tân Ước, trước hết chúng ta nhìn thấy con người, rồi trở lại Cựu Ước để nhìn thấy bức ảnh. Nếu đã nhìn thấy thực tại về Đấng Christ, sự cứu chuộc, hội-thánh và Thánh Linh, thì việc nhìn thấy các tiêu biểu Cựu Ước sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta.

Công trình tái tạo trong Sáng-thế Ký chương 1 là một tiêu biểu về cõi sáng tạo mới. Trong chương hai, Ê-va là một tiêu biểu của hội-thánh trong tình trạng vô tội.Khi suy nghĩ về chính mình, chúng ta nghĩ về tội vì chúng ta liên hệ khắng khít với tội. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời cho chúng ta thấy rằng mối liên hệ giữa Đấng Christ và hội-thánh thì ở ngoài vòng tội lỗi, vì mối liên hệ ấy bắt đầu trong Sáng-thế Ký chương 2 chứ không phải Sáng-thế Ký chương 3. A-đam liên hệ với Ê-va trong Sáng-thế Ký chương 2. Do đó, mối liên hệ của họ không liên quan gì đến tội, cũng như Đấng Christ và hội-thánh không liên quan gì với tội. Khi nghĩ về hội-thánh, chúng ta đừng bao giờ nghĩ về tội. Theo cái nhìn của Đức Chúa Trời, hội-thánh không có tội. Sự chết của Chúa Giê-su cho tội nhân là để tha thứ tội lỗi. Nhưng sự chết của Ngài cho hội-thánh không phải vì tội lỗi mà là vì sự sống. Trong Sáng-thế Ký chương 3, chúng ta thấy lá cây vả và da thú. Trong chương bốn, chúng ta thấy các của lễ. Về sau, chúng ta thấy Y-sác. Y-sác là ai? Ông là một tiêu biểu về hội-thánh, Thánh Linh, sự cứu chuộc hay Chúa Giê-su? Khi đọc Tân Ước, chúng ta có thể nhận thấy Y-sác có phần nào chỉ về Chúa Giê-su. Không những Y-sác được sinh bởi Áp-ra-ham hay Sa-ra, mà ông còn được sinh bởi lời hứa. Vậy, Y-sác có phần nào giống Chúa Giê-su. Đối với Sa-ra, Y-sác là con độc sanh của cha mình. Điều này cũng giống Chúa Giê-su. Đối với Áp-ra-ham, mọi sự mà Y-sác có đều do thừa hưởng; Y-sác đơn giản hưởng thụ cơ nghiệp của mình. Về mặt này, ông thật sự giống Chúa Giê-su. Đức Chúa Trời sai Thánh Linh đến thế giới. Linh bảo toàn hội-thánh và gả hội-thánh cho Đấng Christ làm vợ của Chiên Con. Cha của Y-sác sai người đầy tớ già đến quê hương và bộ lạc của chính ông mà tìm một thiếu nữ, tức Rê-bê-ca, để làm vợ Y-sác. Ở đây có một sự tương hợp. Nếu so sánh Cựu Ước với Tân Ước, chúng ta có thể tìm thấy nhiều điều trong Tân Ước tương hợp với các tiêu biểu Cựu Ước. Trong thưGa-la-ti, Y-sác tượng trưng cho những Cơ-đốc-nhân thuộc linh. Ích-ma-ên chỉ về một lối sống thuộc xác thịt trong hội-thánh, trong khi Y-sác chỉ về một lối sống thuộc linh. Ích-ma-ên được sinh bởi Áp-ra-ham qua A-ga, tức là qua xác thịt. Ích-ma-ên tượng trưng cho việc làm riêng của con người. Y-sác được sinh ra sau khi Áp-ra-ham mất hết hi vọng sinh con; Y-sác được sinh bởi lời hứa của Đức Chúa Trời. Do đó, ông tượng trưng cho công tác của Thánh Linh. Đó chỉ là một ví dụ về tiêu biểu.Nếu xem qua Kinh Thánh từng chương một, chúng ta sẽ tìm ra nhiều tiêu biểu khác nhau. Sách cung cấp nhiều tiêu biểu nhất là Sáng-thế Ký. Chúng ta có thể nói rằng Sáng-thế Ký là vườn ươm mà từ đó các cây con của toàn bộ Kinh Thánh lớn lên.
Toàn bộ sách Xuất Ê-díp-tô Ký là một tiêu biểu về việc chúng ta được cứu khỏi thế giới. Lễ Vượt-qua là tiêu biểu về lễ bẻ bánh. Vượt qua Biển Đỏ là tiêu biểu về sự báp-têm. Việc lằm bằm và lang thang trong đồng vắng là các tiêu biểu về con cái Đức Chúa Trời ở những tình trạng khác nhau. Nước sống là tiêu biểu về Thánh Linh.
Đền tạm là tiêu biểu về Chúa Giê-su chúng ta khi Ngài đi lại trên đất. Đó cũng là tiêu biểu về việc chúng ta trải qua cuộc hành trình trong thế giới. Đền tạm không có sàn nhà, và được dựng trong đồng vắng. Chúng ta phải chờ đến Giê-ru-sa-lem Mới rồi mới nhìn thấy những con đường bằng vàng. Trong khi trải qua thế giới, chúng ta có mối tương giao vinh hiển với Chúa. Mục tiêu của Đức Chúa Trời là ban cho chúng ta Ca-na-an; Ngài không muốn chúng ta cứ ở lại trong đồng vắng.
Tiến xa hơn nữa, chúng ta nhận thấy trong sách Dân-số Ký dân Y-sơ-ra-ên đi qua bốn mươi hai trạm sau khi họ ra khỏi Ai-cập và trước khi họ vào Ca-na-an. Mỗi trạm đều có ý nghĩa của nó. Khi đọc địa danh của các trạm, chúng ta có được một bức tranh về cuộc hành trình của con người cũng như điều kiện để con người bước vào Ca-na-an.
Các của lễ, lễ tiệc và qui định liên quan đến việc tẩy sạch đều là những tiêu biểu, và chúng ta phải nghiên cứu chúng.
Sách Giô-suê là một sách có những tiêu biểu sâu nhiệm. Tôi không nói rằng tất cả những tiêu biểu trong sách ấy đều sâu nhiệm. Tôi nói rằng có nhiều điều sâu nhiệm trong sách Giô-suê. Để hiểu ý nghĩa việc dân Y-sơ-ra-ên bước vào Ca-na-an và cuộc chiến tại Ca-na-an, trước hết chúng ta phải biết Ca-na-an tượng trưng cho điều gì. Một số người nghĩ rằng Ca-na-an chỉ về thiên đàng. Nhưng nếu Ca-na-an tượng trưng cho thiên đàng thì sẽ có chiến trận trên thiên đàng sao? Nếu cẩn thận trong khi đọc, chúng ta sẽ kết luận rằng Ca-na-an không thể là tiêu biểu về thiên đàng. Đó là tiêu biểu về vị trí thiên thượng của chúng ta. Điều này tương tự như cõi thiên thượng được nói đến trong Ê-phê-sô. Một mặt, chúng ta được đồng ngồi với Đấng Christ trong cõi thiên thượng. Mặt khác, chúng ta chiến đấu chống lại các thế lực thuộc linh trong cõi thiên thượng (Êph. 6:12). Trong việc nghiên cứu tiêu biểu, chúng ta đừng dừng lại tại sách Giô-suê, mà còn phải nghiên cứu sách Ê-phê-sô.Thật ra, sách Giô-suê không những phải được đọc chung với Ê-phê-sô, mà còn phải được đọc chung với Hê-bơ-rơ nữa. Việc tiến vào Ca-na-an trong sách Giô-suê tượng trưng cho hai điều: cuộc chiến thuộc linh (trong Ê-phê-sô) và sự an nghỉ (trong Hê-bơ-rơ). Ở đây, sự an nghỉ rõ ràng chỉ về vương quốc. Vì vậy, Ca-na-an không phải là tiêu biểu về thiên đàng mà là tiêu biểu về sự an nghỉ có tính chất vương quốc. Không phải người nào đã đi qua dưới huyết của chiên con hay ăn chiên con của lễ Vượt-qua đều bước vào Ca-na-an; chỉ hai người được vào [Ca-na-an]. Những người khác đều chết trong đồng vắng. Nhiều người được kêu gọi nhưng một số ít được chọn. Vậy, Ca-na-an là tiêu biểu về vương quốc. Việc tiến vào Ca-na-an tượng trưng cho việc chúng ta trị vì trong vương quốc. Một khi được sáng tỏ về điểm căn bản này thì chúng ta sẽ nhận thấy phần nào trong Giô-suê là tiêu biểu về vị trí của một Cơ-đốc-nhân trong cõi thiên thượng ngày nay và phần nào là tiêu biểu về phần thưởng của người ấy trong tương lai.
Nhiều hành động bất pháp trong sách Các Quan Xét tượng trưng cho cuộc sống ngoan cố của con người, và tình trạng ấy phát sinh mọi sự hỗn loạn.
Trong sách Sa-mu-ên, chúng ta nhận thấy việc con người trị vì và việc Đức Chúa Trời phó thác uy quyền của Ngài cho con người. Trước khi một người theo đuổi lòng của Đức Chúa Trời được dấy lên, thì một người theo đuổi lòng người bước vào. Đa-vít là một người theo đuổi lòng của Đức Chúa Trời, nhưng trước ông là Sau-lơ, người theo đuổi lòng người. Sau-lơ rõ ràng tượng trưng cho sự trị vì của anti-christ. Chúng ta thấy thê nào vị vua được Đức Chúa Trời chọn đi vào chiến trận và thế nào ông vui hưởng sự bình an. Chúng ta thấy những trận chiến của Đa-vít và vinh quang của Sa-lô-môn. Sự trị vì của Sau-lơ tượng trưng cho tình trạng trong cơn đại nạn, sự trị vì của Đa-vít tượng trưng cho tình trạng sau cơn đại nạn, và sự trị vì của Sa-lô-môn tượng trưng cho thời đại một ngàn năm. Tất cả những điều đó đều là các tiêu biểu rõ ràng.
Việc Sa-lô-môn xây dựng đền thờ cũng là tiêu biểu về việc Đấng Christ xây dựng hội-thánh. Đền thờ ở tại Giê-ru-sa-lem, tượng trưng cho hội-thánh nhóm lại và thờ phượng trong danh Chúa, vì Đức Chúa Trời đặt danh Ngài tại Giê-ru-sa-lem. Giê-ru-sa-lem là nơi duy nhất Đức Chúa Trời chấp nhận và tại đó Ngài đặt danh của chính Ngài (1 Vua. 14:21). Khi Giê-rô-bô-am dấy lên, ông lập bàn thờ tại Bê-tên và Đan để thờ phượng, và Đức Chúa Trời đã lên án hành động ấy. Đức Chúa Trời muốn con người chỉ thờ phượng tại nơi danh Ngài được thiết lập. Ngài không muốn con người thờ phượng tại chỗ nào khác. Trong những thời kỳ phục hưng, các vị vua dẹp bỏ các bàn thờ ấy. Nhưng vài vị vua không dẹp chúng. Đó là tiêu biểu về nhiều cuộc phục hưng đã diễn ra trong hội-thánh. Về sau, đền thờ bị hủy diệt; đó là tiêu biểu về việc hội-thánh trở nên hoang tàn. Về sau, Nê-hê-mi, Xa-cha-ri và Xô-rô-ba-ên trở về xây dựng đền thờ. Tuy đền thờ được xây dựng lại không được vinh hiển bằng đền thờ đã bị hủy diệt, nhưng có một sự bắt đầu khôi phục để trở về với chỗ đứng nguyên thủy. Đó là tiêu biểu về sự khôi phục hội-thánh. Sự khôi phục ấy sẽ được hoàn thành khi Chúa tái lâm. Lúc ấy hội-thánh sẽ là một hội-thánh vinh hiển.

W.N.