Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

NHỮNG NGƯỜI CAI TRỊ DÂN CHÚA



Chúa Jêsus từng làm chứng về sự uỷ nhiệm thần thượng của Ngài như sau “Jêsus đáp rằng: “Công việc của Đức Chúa Trời, ấy là các ngươi tin Đấng mà Ngài đã sai đến”. (Giăng 6:29). Thành ngữ “Cha Đấng sai Ta” xuất hiện khoảng 43 lần trong phúc âm Giăng. Sự lặp đi lặp lại câu “Cha Đấng sai Ta” nhấn mạnh chân lý: Đức Chúa Trời luôn luôn bổ nhiệm người cai trị trên dân Ngài. Chúa Jêsus là Con Người do Đức Chúa Trời Cha bổ nhiệm cai trị trên dân của Ngài.


Đức Chúa Trời cũng đã hiện ra trong bụi gai cháy uỷ nhiệm Môi-se chức nhiệm cai trị dân Y-sơ-ra-ên. Cô-rê và bạn bè ông nghi ngờ sự uỷ nhiệm ấy. Cô-rê nói, “Môi-se sai đòi Đa-than và A-bi-ram, con trai Ê-li-áp; nhưng hai người đáp rằng: chúng tôi không đi lên đâu.  Há là điều nhỏ mọn mà ngươi đã đem chúng ta ra khỏi xứ đượm sữa và mật, đặng làm cho chúng ta chết trong đồng vắng, mà ngươi lại còn muốn vận dụng quyền lãnh đạo trên chúng ta nữa sao? Quả thật, ngươi không có dẫn chúng ta đến trong một xứ đượm sữa và mật đâu, ngươi không cho chúng ta đồng ruộng hay là vườn nho làm sản nghiệp đâu! Ngươi toan khoét mắt của dân nầy ư? Chúng ta không đi lên đâu” (Dân-số-ký 16:12-14).

 Nan đề đối với dân Chúa là làm sao nhận ra và chấp nhận người cai trị mà Đức Chúa Trời uỷ nhiệm. Tôi đọc Kinh Thánh nhiều năm mà chưa thấy các nhà cai trị tự lập hay các nhà lãnh đạo do dân chúng bầu lên được Chúa chấp nhận.

Các quan xét 9:7-15 “Giô-tham hay đặng điều đó, bèn đi lên đứng trên chót núi Ga-ri-xim, cất tiếng la rằng: Hỡi người Si-chem, hãy nghe ta, và nguyện Đức Chúa Trời nghe các ngươi!  Các cây cối đều đi đặng xức dầu cho một vua cai trị chúng nó. Chúng nó nói cùng cây ô-li-ve rằng: Hãy trị vì chúng tôi. Cây ô-li-ve đáp: Ta há sẽ bỏ dầu ta mà Đức Chúa Trời và loài người đều tôn vinh, đặng đi xao động trên các cây cối ư?  Các cây cối lại nói cùng cây vả rằng: Hãy đến trị vì chúng tôi.  Nhưng cây vả đáp rằng: Ta há sẽ bỏ sự ngọt ngon và trái tươi tốt ta đặng đi xao động trên các cây cối ư?  Đoạn, các cây cối nói cùng cây nho rằng: Hãy đến trị vì chúng tôi.  Nhưng cây nho đáp: Ta há sẽ bỏ rượu ngon ta, là thứ làm cho vui Đức Chúa Trời và người ta, đặng đi xao động trên các cây cối ư?  Bấy giờ, hết thảy cây cối nói cùng gai gốc rằng: Hãy đến trị vì chúng tôi.  Gai gốc đáp cùng các cây cối rằng: Nếu bởi lòng chân thật mà các ngươi muốn xức dầu ta làm vua các ngươi, thì hãy đến núp dưới bóng ta; bằng không, nguyện lửa ra từ gai và thiêu nuốt cây bá hương Li-ban đi!”.

Đây là quyền dân chủ chọn người lãnh đạo, quyền người dân lựa người cai trị trên nhà của Chúa, trái ngược sự khải thị về sự uỷ nhiệm thần thượng trên đây.

Tại sao các nhân vật như cây ô-liu, cây vả, cây nho đều từ chối sự chọn lựa và đề cử làm người cai trị của gia đình họ nhà cây như vậy?  Tại sao cây cối nói về sự “trị vì” mà ba nhân vật nầy lại nói sự trị vì dễ trở thành việc làm xao động trên cây cối? Phao-lô cũng từng nói về những nhà cai trị làm điên đảo dân  Đức Chúa Trời . Ga-la-ti chép lời đó, “Ước chi những kẻ làm điên đảo anh em tự chặt lấy mình đi thì hơn!” (Ga-la-ti 5:12)

Theo Lời Chúa trong Kinh Thánh, người Chúa chọn phải cai trị bằng cách cho dân Chúa ăn uống. Người cai trị phải có khả năng nuôi dưỡng dân Ngài. Tiên tri Ê-sai nói, “Khi một người sẽ bắt anh em mình tại nhà cha mà nói với rằng: Ngươi có áo choàng; hãy làm đầu chúng ta, …Trong ngày đó người kia lên tiếng đáp rằng: Không, ta không làm thầy chữa lành, vì trong nhà ta không có bánh cũng không có áo; chớ lập ta làm quan cai dân chúng” (3:6-7). Trên bờ biển Ti-bê-ri-át, Chúa Jêsus dặn dò sứ đồ Phi-e-rơ “hãy cho chiên ta ăn” .

Đức Chúa Trời vẫn luôn tìm kiếm những người có khả năng cho dân Ngài ăn để làm nhà cai trị trên họ. Đó là lý do ba nhân vật ô-liu, cây vả và cây nho đều đánh giá cao chức năng cấp dưỡng dân Chúa cao hơn chức nhiệm chủ trị, quí trọng hơn chức tước làm xao động trên dân Chúa. Con người thiên nhiên thích có chức vị bề ngoài, ăn trên ngồi trước trên dân Chúa, chớ không tích cực tìm kiếm chức năng cung phụng dân Ngài. Trong Ma-hi-ơ chương 20 Chúa nói, “Jêsus bèn gọi họ đến mà phán rằng: "Các ngươi biết rằng các vua chúa dân Ngoại bang đều chủ trị họ, và các quan lớn đều cầm quyền trên họ.  Song trong các ngươi thì không phải như vậy đâu; trái lại, hễ ai muốn làm lớn trong các ngươi thì phải làm tôi tớ của các ngươi,  còn hễ ai trong các ngươi muốn làm đầu thì phải làm tôi mọi các ngươi;  cũng như Con người đã đến không phải để được người ta phục sự, bèn để phục sự người ta, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Câu 25-28). Theo nguyên văn Hi-lạp, chữ “phục sự” là “diakono”. Diakono là to minister, cung phụng, cung dưỡng, cấp dưỡng. Người cai trị dân Chúa phải là người phục vụ, người cấp dưỡng họ.

Anh em có khả năng cung cấp dầu ô-liu cho dân Chúa không? Anh em có sở hữu nhiều trái vả ngon ngọt hầu đãi đằng dân Ngài không? Anh em có trữ lượng rượu nho đổ ra làm phấn chấn tín đồ mệt mỏi trên đường đời chăng? Suốt quá trình hơn 30 năm phụng sự Chúa và cấp dưỡng các Hội Thánh, Phao-lô “bị đổ ra như lễ rưới rượu (lễ quán) trên sinh tế và cuộc phụng sự của đức tin anh em” mình (Phi-líp 2:17). Có một câu hát trong một thánh ca luôn gây ấn tượng cho tôi về sự đổ ra của những người cai trị thiên triệu nầy, “chà nát các trái nho mới, chắc thưởng thức nước nho bổ dưỡng thôi…”.

Chức vụ cung cấp dầu ô-liu, bánh trái vả ngọt hay rượu nho hảo hạng xuất phát từ các cuộc đời bị phá vỡ, bị đè nén khốc liệt dưới bàn tay xử lý của Đức Chúa Trời. Đó là những gì dân Chúa ngày nay đang cần, chớ không phải chức quyền cai trị dân Chúa bằng lệnh lạc, bằng giáo quyền của tổ chức loài người.

Cuối cùng những con nguời do dân chủ bầu bán cũng sẽ đến- A-bi-mê-léc, một cây gai gây đau nhức, đáng rủa sã. Sách Truyền-đạo chương 9: câu 13 đến 15 cho chúng ta biết lời của vua Sa-lô-môn bình luận về vua A-bi-mê-léc như sau, “Ta cũng đã thấy sự khôn ngoan nầy dưới mặt trời, thật lấy làm cả thể.  Có thành nhỏ kia được một ít dân chúng, một vua cường thạnh đến vây hãm nó, đắp những lũy cao lớn cùng nó.  Vả, trong thành ấy có một người nghèo mà khôn, dùng sự khôn ngoan mình giải cứu thành ấy: Song về sau không ai nhớ đến người nghèo đó”.

Cây gai là tiêu biểu của sự rủa sả. Cây gai là hiện thân của điều ác, là điểm hội tụ chất dộc của địa ngục. Vì Sáng-thế-ký 3: 17-18; 1 Sa-mu-ên 23:6-7 và Hê-bơ-rơ 6:7-8 chép, “đất sẽ bị rủa sả vì ngươi; trọn đời ngươi phải chịu khó nhọc mới có vật đất sanh ra mà ăn.  Đất sẽ sanh chông gai và cây tật lê, và ngươi sẽ ăn rau của đồng ruộng--Trái lại, hết thảy kẻ hung ác đều giống như gai chông mà người ta liệng ra xa, Không thể lấy bằng tay được; Người ta phải dùng đồ bằng sắt hay là cán cây lao đặng nắm nó. Rồi chính tại chỗ, nó bị thiêu trong lửa--Vì đất nào đã thấm nhuần mưa móc từng sa trên nó mà sanh cây cỏ thích dụng cho người cày cấy, thì được phước của Đức Chúa Trời.  Nhưng nếu nó sanh gai gốc, tật lê, thì bị bỏ và sắp bị rủa, kết cuộc là phải đốt”.

 Tôi có 4 câu thơ bình luận về A-bi-mê-léc:

Giành được ngôi vua, sống cạnh tranh,
A-bi-mê-léc giết các anh,
Si-chem phản nghịch cùng vua ấy,
Bể sọ, mạng vong trước cửa thành
  
Đó là lối chủ trị trên dân Chúa. Đó là cách hành xử của các nhà cai trị do dân lập lên. Vua Sau-lơ cũng có lối trị dân độc ác như vậy, vì chính tiên tri Sa-mu-ên truyên bố về Sau-lơ trước mặt dân chúng: “Bây giờ, kìa vua các ngươi đã chọn, và đã cầu xin. Đức Giê-hô-va đã lập người làm vua trên các ngươi” (1 Sa-mu-ên 12:13). Vua Sau-lơ tiêu biểu cho mẫu nhà cai trị dân Chúa do quyền dân chủ lựa chọn và thiết lập.

Theo lời Chúa Jêsus, tôi cũng xin hỏi anh em: anh em có muốn làm công việc của Đức Chúa Trời là tiếp nhận các nhà cai trị thiên triệu như Chúa Jêsus và Môi-se không? Những hình ảnh nhà cai trị như cây ô-liu, cây vả, cây nho và cây gai không bao giờ thiếu vắng trong nhà Chúa hôm nay. Nhưng anh em chấp nhận những ai?

Dân thành Si-chem như đã diễn trước sự đồng lòng hiệp ý của loài người trong thế kỷ 21, là họ sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri của Chúa về sự quang lâm của cây gai Antichrist. –“Ta nhơn danh Cha Ta mà đến, các ngươi không tiếp nhận ta; nếu có kẻ khác nhơn danh mình mà đến, thì các ngươi sẽ tiếp nhận người ấy” (Giăng 5:43).

Giô-tam, con trai Ghê-đê-ôn như đang hỏi anh em, “Các bạn tiếp nhận sự cai trị của cây bá hương thiên triệu hay của cây gai dân lập đáng rủa sã?”/.

Minh Khải 26-10-2013