Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Sự Nổi Lên Của Nim-rốt



Sau cơn nước lụt thời Nô-ê (2458 T.C- Sáng 7:1-24) các tôn giáo bắt đầu hình thành cách rõ ràng. Trong Sáng thế ký chương 10, chúng ta thấy 70 người ra từ dòng dõi Nô-ê. Trong số ba con trai Nô-ê, chúng ta thấy Sem trở thành tổ phụ của các dân tộc Á châu (Sáng 10: 21-31); Gia- phết là tổ phụ các dân tộc Âu châu (Sáng 10: 2-5); Cham trở thành tổ phụ các dân tộc Phi châu (Sáng 10: 6-20). Như vậy có 70 dòng dõi của ba con trai Nô-ê, mà từ đó hình thành các chi phái rãi rác các khu vực Trung Đông và thế giới ngày nay.


Nếu chúng ta xem Sáng 10, Kinh thánh giải thích cách đặc biệt và chi tiết về nhân vật có tên là Nim-rốt (Sáng 10: 8-12). Tại sao Đức Chúa Trời đặc biệt đề cập về Nim-rốt, con trai thứ sáu của Cúc, mà Cúc là con cả của Cham. Bởi Nim-rốt, cháu nội Cham, trở thành người sáng lập tôn giáo Babylon, là tôn giáo đầu tiên do con người tổ chức.

Con trai đầu lòng của Cham là Cúc; Cúc có 6 con trai (Sáng 10:7-8). Năm con đầu tiên sống tản lạc cùng định cư trong khu vực Arabi và Phi châu. Tuy nhiên, Nim-rốt con thứ sáu của Cúc, định cư trong khu vực Iraq gần sông Ơ-phơ-rát và sông Ti-gơ-rơ ngày nay. Theo truyền thuyết, Nim-rốt rất thân cận với chú út của ông là Ca-na-an. Ca-na-an là người thấy ông nội của mình là Nô-ê say rượu nằm ngủ trần truồng trong trại. Cham là cha của Ca-na-an không che đậy sự lõa lồ của Nô-ê là cha mình. Cha của Ca-na-an phạm lỗi khi kể lại cho Sem và Gia-phết tình trạng say rượu của Nô-ê. Vì việc nầy, Ca-na-an bị ông nội rủa sã (Sáng 9:25).

Sau việc đó, Cham có mối liên hệ không tốt với cha mình là Nô-ê. Đặc biệt là khi Cúc, con đầu lòng của Cham, sinh ra người con thứ sáu, là con trai út, ông đặt tên nó là Nim-rốt. Dường như Cham cảm thấy không thoải mái nên việc chống lại cha mình lên đến đỉnh điểm. Tên Nim-rốt có nghĩa đen là “chúng ta hãy nổi loạn”, một cái tên rất bất trị và hiếu chiến. Nim-rốt có đặc tính bất trị từ khi ông còn trẻ. Ông dũng cảm và giỏi chiến đấu, vì trong khu vực đó không ai có thể chống lại ông. Đó là lý do Kinh thánh nói rằng, “ông lớn lên làm một anh hùng trên mặt đất” (Sáng 10:8).

Vào thời Nim-rốt sống, do tác động của đại hồng thủy, có những biến động mạnh mẽ về nhu yếu phẩm cho cuộc sống loài người, như thức ăn, quần áo, nhà ở. Ban đầu con người chỉ ăn trái cây và các loại hạt. Vì khi Đức Chúa Trời dựng nên con người, lúc đầu, Ngài chỉ ban cho con người, “mọi thứ cây cỏ kết hột mọc khắp mặt đất và các loại cây xanh có quả có hột giống” làm thức ăn (Sáng 1:29). Sau khi A-đam sa ngã, Đức Chúa Trời cho phép ông ăn những cây cỏ trong đồng ruộng. 

Nhưng sau nước lụt, không giống như trước, Đức Chúa Trời cho phép con người ăn thịt thú vật. “Phàm vật chi chuyển động và có sự sống thì dùng làm đồ ăn cho các ngươi. Ta cho mọi vật đó như ta đã cho thứ rau xanh » (Sáng 9 :3). Bời vì sau nước lụt, trái cây, hạt giống, cây trồng cùng rau cỏ khó tìm cho đủ ăn, nên con người bắt đầu ăn thịt thú vật. Lúc đầu các thú vật như hổ, sư tử ăn rau cỏ, nhưng chúng đã thành dã thú ăn thịt sống sau nước lụt, và đôi khi chúng ăn thịt loài người. Do đó, loài người vào lúc đó cần một tay «thợ săn can đảm», là người có đủ khả năng săn bắt giỏi và đủ sức chống lại những con mãnh thú.

Sáng thế ký 10: 9 giới thiệu Nim-rốt là một «thợ săn can đảm ». Nim rốt là thợ săn giỏi nhất vào thời của ông. Nim-rốt săn thú, cung cấp thức ăn cho người ta. Ông cung cấp thức ăn, quần áo, chỗ ở. Ông cũng bảo vệ họ khỏi sự tấn công của thú dữ, tức là cứu mạng sống của họ. Kết quả Nim-rốt được mọi người tôn trọng, và dần dần ông nổi lên như « đức chúa trời » của họ.

Trong Sáng thế ký 10: 10-12, lãnh địa của Nim-rốt mở rộng ờ Si-nê-a (Iraq và vịnh Ba-tư ngày nay) kéo dài đến Asiri. Nim-rốt xây thành Babylon, ở bờ sông Ơ-phơ-rát làm thủ đô của vương quốc ông. Là một « người anh hùng » và một « thợ săn dũng cảm », Nim-rốt muốn hợp nhất lãnh địa của ông theo tên của ông và mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới. Vỉ vậy ông bắt đầu xây dựng tháp Ba-bên để vươn đến các từng trời trong thành phố Babylon nầy ( Sáng 11: 4).

Ba-bên nghĩa là « cổng trời ». Tên nầy hàm ý chính Nim-rốt có ý định ngồi trên đỉnh tháp Ba-bên và được loài người ngợi khen như một vị thần. Nim- rốt muốn trở thành thần, và loài người bắt đầu hiệp lại thờ lạy ông. Đấy là sự bắt đầu của tôn giáo Babylon.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã không đẹp lòng với điều Nim-rốt đang làm (Sáng 11: 4-6). Vào lúc đó 70 chi tộc của Trung Đông có chung một ngôn ngữ và giọng nói (Sáng 11:1). Nim-rốt là người có quyền lực chính trị và quân sự cai trị họ. Tuy nhiên khi Giê-hô-va Đức Chúa Trời thình lình làm cho ngôn ngữ họ thành 70 ngôn ngữ khác nhau, sự giao tiếp giữa các chi tộc bị phá bỏ và họ bị tan lạc khắp thế giới. Khi họ bắt đầu sinh sống và tản lạc trong các khu vực khác nhau, họ tạo ra các khu vực khác nhau dựa trên tôn giáo Babylon mà họ đã tin và phục vụ các thần khác nhau đó. Hiện tượng nầy đã tiếp tục cho đến ngày nay.

Sáng thế ký 9 :28-29 nói. sau nước lụt, Nô-ê còn sống 350 năm. So sánh Sáng 10: 20-25 và 11: 9-16 của Sáng thế ký, chúng ta thấy 101 năm sau cơn nước lụt, loài người mới sanh ra nhiều thứ tiếng và tản lạc trên cả trái đất. Vào lúc đó, Nim-rốt độ chừng 70 tuổi, là tuổi thanh xuân đầy phong độ, vì thời đó loài người thọ đến 800 hay 900 tuổi. Cho nên các dân tộc mang hột giống đạo Babylon gieo khắp địa cầu. Cuối cùng trước và trong cơn đại nạn, chúng ta thấy có hai Babylon, vừa tôn giáo và chính trị ở Khải thị chương 17 và 18. Đó là mùa gặt đạo Babylon của Nim-rốt ở tháp Ba-bên, trong thành Babylon hồi xưa vậy.
M.K. biên soạn 17-6-2014