CÁC HỘI THÁNH ĐẦU TIÊN
( 30-100 S.C.)
Theo lịch sử La Mã thì Phết tu được bổ nhiệm làm Tổng đốc tại Sê sa rê vào năm 60 S.C., và lấy năm 30 S.C. làm khởi điểm cho hội thánh tại Giê ru sa lem, chúng ta có thể coi các thời điểm sau đây gần như đúng:
- Thành lập hội thánh Giê ru sa lem 30 S.C.
- Ê tiên bị ném đá 31-32 S.C.
- Sau lơ tin Chúa 31-32 S.C.
- Cọt nây tin Chúa 35-40 S.C.
- Giáo hội nghị tại Giê ru sa lem 50 S.C.
- Phao lô đến La mã 60-61 S.C.
- Caesar Nero bắt bớ hội thánh 64 S.C.
-Phao lô, Phiero tử đạo 67-68 S.C.
- Thành phố và đền thờ Giê ru sa lem bị tàn phá 70 S.C.
- Giăng bị tù đày và viết sách Khải Thị 95 S.C.
Trong Công vụ 1:1, Lu ca ghi, “sách trước nhất, tôi đã thuật về mọi điều Jesus đã khởi sự làm và dạy dỗ cho đến ngày Ngài được tiếp lên”. Phúc âm Lu ca chép những gì Chúa đã khởi làm việc và dạy dỗ khi Ngài còn sống trên đất, sách Công vụ chép những gì Ngài tiếp tục làm và dạy qua các sứ đồ và hội thánh của Ngài. Mác cũng xác chứng rằng: “ còn các môn đồ đi ra rao giảng khắp nơi, Chúa cùng làm việc với họ” (Mác 16:20). Các hội thánh đầu tiên trong khoảng thời gian năm 30 đến 100 S.C. là công việc của Đấng Christ thăng thiên, là Đấng từng hứa rằng” Ta sẽ xây dựng Hội Thánh Ta trên Vầng đá nầy...”.
Sách Công vụ ghi lại việc Hội thánh được thành lập và lan tràn. Sách nầy mô tả phúc âm từ thành Giê ru sa lem lan tràn đến kinh thành La mã. Tân ước chỉ nói đến sự lan tràn của phúc âm khắp xứ Palestine, phía bắc tới An ti ốt ( Syria), phía nam tới Ethiopia, phía tây tới Roma, thông qua Tiểu Asi và Hi lạp, tức là thế giới xung quanh Địa trung hải.
Chúa dùng hai đoàn công tác chức vụ: đoàn Phi e rơ đến cùng những kẻ chịu cắt bì (Do thái); đoàn Phao lô giảng cho các dân tộc ngoại bang (Gal. 2:9). Chúa cũng đã dùng Phi e rơ mở cửa đầu tiên để rao phúc âm cho dân Do thái chịu cắt bì, và cho các dân tộc ngoại bang.
I.CÁC HỘI THÁNH Ở GIU ĐÊ, GA LI LÊ VÀ SA MA RI:
A. Giê ru salem và Giu đê:
Trước khi về trời Chúa Jesus truyền lệnh các sứ đồ, môn đồ rằng họ phải rao phúc âm theo các địa điểm theo thứ tự như sau: Giê ru sa lem,Giu đê, Sa ma ri, và cùng trái đất. Từ Giê ru salem, hội thánh đã khởi diễn và lan tràn đến khắp các nơi có người Do thái cư trú trong cả đế quốc La mã.
Hội thánh đã khai sinh đầu tiên tại phòng cao trong ngôi nhà một chị em tên là Mari tại thành Giê ru sa lem. Đây là nơi mà Chúa Jesus và các sứ đồ giữ lễ vượt qua lần cuối cùng, cũng là nơi Chúa lập lễ bẻ bánh cho hội thánh. Chủ nhân ngôi nhà là chị Ma ri, mẹ của Mác, cũng gọi là Giăng. Bố của Mác là người La mã. 1 Phi ero 5:13 nói Mác là con thuộc linh của Phi e rơ. Chính Phi e rơ và các sứ đồ, môn đồ đã họp tại nhà nầy suốt 10 ngày sau khi Chúa lên trời. Rồi khi Đức Linh Linh giáng trên 120 môn đồ tại phòng cao nầy, vào ngày Ngũ tuần, Hội thánh Giê ru sa lem khai sinh. Phòng cao nầy là một trong các điểm nhóm của hội thánh. Sứ đồ 12 chép, phòng nhóm nầy đã cầu nguyện cho Phi e rơ, khi ông bị giam cầm trong ngục thất.
Người Do thái từ mọi vùng của thế giới quanh Địa Trung hải đều có mặt tại Giê ru sa lem để dự lễ Ngũ tuần vào thời điểm hội thánh khai sinh. Họ được nghe lời Chúa bằng tiếng bản xứ mà họ đang kiều cư. Sau khi tin Chúa tại Giê ru salem, họ trở về trú quán mình, rao phúc âm, trước cho người đồng hương, sau cho dân bản xứ đó, nên trong một thời gian ngắn, nhiều hội thánh được thành lập ở rất nhiều nơi mà các sứ đồ chưa đến. Sự lan tràn của hội thánh rất nhanh. Thí dụ, xem Công vụ 28, nước Italy đã có nhiều hội thánh địa phương trước khi Phao lô đến. Sứ đồ 2:10 nói đến người Do thái ở Bạt thê, Mê đi, Ê lam mít, cả ba địa điểm nầy nằm trong nước Ba tư hiện nay. Li by và Sy ren đều nằm ở Bắc Phi Châu..v.v.. Tất cả các địa phương nầy đều có hội thánh dấy lên trong thế kỷ thứ nhất.
Vào ngày Ngũ tuần tổng số người tin Chúa là 3000 người. Khấu trừ số tín đồ vốn là dân kiều cư các xứ khác, họ phải về xứ, số thánh đồ còn tại trong hội thánh Giê ru sa lem cũng khá đông và đến khi người què ở cửa Đẹp tin Chúa, tổng số tín đồ của hội thánh Giê ru salem lên đến khoảng 5000 người. Khoảng 30 năm sau, Gia cơ nói về hội thánh Giê ru sa lem có “hàng vạn người Do thái đã tin” (Sứ 21:20).
Mười hai sứ đồ vừa là sứ đồ đi ra rao phúc âm, thành lập các hội thánh, và cũng là các trưởng lão quản lý hội thánh. Sứ đồ 9: nói việc thành lập các hội thánh tại Ly-đa và Gióp bê, trong xứ Giu đê. Tại Ly-đa có Ê-nê được chữa bệnh và tại Gióp-bê có Ta-bi-tha được sống lại từ kẻ chết.
Phi e rơ thường ra đi thăm nhiều địa phương, nhưng lâu lâu ông phải trở về Giê ru sa lem để thi hành chức nhiệm trưởng lão. Phao lô không là trưởng lão, nên ông không có nhu cầu trở về hội thánh nhà cách cần kíp.
Gia cơ, em Chúa đã tin Ngài vào ngày Chúa phục sinh khi Ngài hiện ra cách riêng tư cho ông (1 Cor: 15:7). Từ năm 30 S. C., Gia cơ đã lớn lên trong Chúa và dần dần ông hầu như là trưởng lão đầu nhất trong hội thánh tại Giê ru sa lem, khi người ta thường kể đến tên ông trước, thí dụ Gal. 2:9 chép“ Gia cơ, Sê pha, Giăng..,”. Ông chủ tọa cuộc giáo hội nghị tại Giê ru sa lem vào năm 50. Các thành phố Cựu ước như Bết lê hem xưa có 10 trưởng lão cai trị dân chúng ( Ru tơ 4:), nhưng hội thánh Giê ru salem chọn trưỡng lão ra sao chúng ta không biết.
Theo Rô ma 1:16, Phao lô nói phúc âm “là quyền năng của Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do thái, sau là người Hi lạp”. Người Hi lạp đại điện cho các dân tộc ngoài dân Do thái. Sau năm 30, Phiero và các sứ đồ đã đi khắp đế quốc La Mã, rao phúc âm và thành lập rất nhiều hội thánh giữa người Do thái kiều cư ở Bon tu (phía nam Black Sea), Galati (Thổ nhĩ kỳ), Cáp Ba đốc (Thổ nhĩ kỳ). Phi e rơ thường dẫn vợ mình theo trong các chuyến hành trình chức vụ ( 1Cor.9:5). Ông có lập được một hội thánh tại cổ thành Babylon, xứ Yrak, và hội thánh ở đó có gởi lời chào thăm thánh đồ Do thái trong 1 Phi. 5:13.
B.Thành Samari và xứ Samari:
Samari là cố đô của Bắc quốc Israel trong thời phân chia đất nước. Samari cũng là tên gọi của cả một miền, là phần lớn lãnh thổ của Bắc quốc. Dân Sa mari không phải là dân Do thái thuần chủng. Họ là dòng dõi tạp chủng, pha trộn giữa những người thuộc 10 chi phái Israel không bị đem đi lưu đày sang Asiri khi Samari thất thủ vào năm 721 T.C. Họ cưới gả lẫn lộn trải nhiều thế hệ với các dân tộc mà quân Asiri đem đến từ các vùng khác nhau trong đế quốc của họ; như người Babylon, Cu tha, A-va, Ha mát, Sê-phạt-a-vim ( 1 Vua 17:24). Người Do thái chính thống ở Giu đê khinh miệt và cho rằng dân Sa ma ri là dân Do thái lai tạo, nên hai bên nghịch thù nhau từ thời đó cho đến khi hội thánh khai sinh.
Khi còn sống trên đất, Chúa Jesus đã mở ra với dân Samari tại thị trấn Si-kha, qua trung gian người phụ nữ bên giếng Gia cốp. Sứ đồ 8: kể lại sự thành lập các hội thánh trong xứ Samari qua nhà giảng phúc âm là Phi líp. Ông giảng tại Samari và nhiều thành của người Samari cặp bờ biển Địa Trung hải từ A-xốt trên đường quốc lộ ven biển để đi đến Sê sa rê, là quê quán của ông (Sứ 8:40). Sa-ma-ri và Si kha là hai trong nhiều hội thánh địa phương tại xứ Sa-ma-ri mà chúng ta biết tên.
C.Xứ Ga-li-lê:
Sử gia Luca không ghi lại sự khai sinh các hội thánh tại xứ Ga-li-lê, nhưng ở Công vụ 9:31, Lu ca chép, “ấy vậy Hội Thánh (phổ thông) trong cả Giu đê, Ga-li-lê, Samari đều được bình an, xây dựng, bước đi trong sự kính sợ Chúa và trong sự an ủi của Thánh Linh mà được thêm lên”.
Xứ Ga-li-lê là lãnh địa cai trị của vua chư hầu Hê-rốt, mà dinh thự vua ở Sepphoris. Trong xứ Ga-li-lê có nhiều thị trấn, và các sứ đồ đã thành lập nhiều hội thánh và tôi tin trong số đó có ba hội thánh sau đây:
Thứ nhất là Na-xa-rét, trú quán của Chúa và gia đình Ngài. Gia cơ, em Chúa đã gặp Ngài vào buổi chiều ngày phục sinh, tôi tin Gia cơ và người nhà, cùng nhiều thánh đồ khác đã họp lại bẻ bánh trong nhà của họ tại Na-xa-rét rất sớm, sau lễ Ngũ tuần.
Thứ nhì là Cana, quê quán của sứ đồ Na-tha-na-ên ( Giăng 2: và 21:2). Chúa Jesus và các môn đồ đã dự tiệc cưới trong ngôi nhà của Na-tha-na-ên hay nhà của dòng họ ông. Họ đã thấy vinh quang Ngài trong việc Ngài hóa nước thành rượu nho hảo hạng lúc trước, thì lẽ nào Na-tha-na-ên không xây dựng được hội thánh tại Ca-na sao?
Thứ ba là Ca-bê-na-um.Thị trấn nầy là trung tâm cho giai đoạn công tác chức vụ của Chúa tại xứ Ga-li-lê. Từ Ca-bê-na-um Ngài và các môn đồ ra đi và trở về, khi họ đi khắp các thành và làng mạc xứ Ga-li-lê để rao giảng phúc âm vương quốc. Giăng 4:43-53 và Lu ca 8:3 có chép về Chu-xa là quan đại thần, là quan gia tể của vua Hê rốt, cùng vợ là Gian-nơ đang ngụ tại Ca-bê-na-um. Chúa chữa bệnh con trai hấp hối của ông bà, cả nhà tin, rồi bà Gian-nơ dùng của cải mình phục sự Chúa suốt 3 năm rưỡi chức vụ của Ngài. Tôi tin rằng hội thánh Ca-bê-na-um là một hội thánh đầy ân điển trong vùng, vì hội thánh có nhiều chị em rất mực yêu mến Chúa như Gian-nơ, Su-xan-nơ và nhiều người khác.
Công vụ 15 chép khi đi dự Giáo hội nghị lần thứ nhất tại Giê-ru-sa-lem, Phao-lô, Ba-na-ba, Tít phải đi bộ từ An-ti-ốt xứ Syria ở phía bắc xuống Giê-ru-sa-lem và phải “trải qua Phê-nê-xi (Lebanon) lẫn Samari, thuật lại việc người ngoại bang trở lại cùng Chúa làm cho anh em vui mừng quá đổi” (câu 3-4). Đây là anh em trong các hội thánh ở tại Ty-rơ (Sứ 21:3-4), Si-đôn (Sứ 27:3) thuộc xứ Phê-ni-xi và thánh đồ ở Ga-li-lê, Sa-ma-ri. Các câu kinh thánh nầy bày tỏ rằng vào năm 50 S.C., đã có nhiều hội thánh địa phương hiện hữu tại Liban, Ga-li-lê và Sa-ma-ri rồi. Qua Phao lô, họ được sống trong sự tương giao của Thân thể Chúa.
II.CÁC HỘI THÁNH CỦA CÁC DÂN TỘC:
Rô-ma 16:4 chép lời Phao-lô làm chứng tốt về Bê-rít-sin và A-qui-la: “họ vì mạng sống tôi mà đưa cổ ra, nên chẳng những chỉ một mình tôi cảm tạ họ, nhưng cả các hội thánh ngoại bang cũng vậy”. Theo nguyên văn, chữ “dân ngoại” là “các dân tộc”. Đối với dân Do Thái , mọi dân tộc khác đều là dân ngoại bang. Rô-ma 1:16 Phao-lô nói phúc âm là “quyền năng Đức Chúa Trời để cứu mọi người tin, trước là người Do thái, sau là người Hi-lạp”. Chúng ta đã bàn qua lịch sử các hội thánh người Do-thái, bây giờ chúng ta xem qua lịch sử các hội thánh người Hi lạp, là đại diện các dân tộc.
A.Hội Thánh Tại Sê-Sa-Rê:
Người dân ngoại bang đầu tiên được Đức Chúa Trời lựa chọn để mở đường xây dựng hội thánh Ngài là một sĩ quan quân đội La mã, ở thành Sê-sa-rê, là Cọt-nây, khoảng năm 35-40 S.C.
Thành phố Sê-sa-rê ở trên bờ biển Địa trung hải, trong địa phận của xứ Sa-ma-ri, cách Giê-ru-sa-lem chừng 50 dặm về phía Tây bắc. Đây là tỉnh lỵ La mã tại xứ Palestine, là trú sở quan Tổng đốc La Mã, và là tổng hành dinh quân sự của xứ nầy. Người ta cho rằng Cọt-nây là viên bách nhân đội trưởng, chỉ huy đội vệ sĩ của quan Tổng đốc La mã. Như vậy, sau viên Tổng đốc, Cọt-nây là một trong những người quan trọng nhứt và có tiếng tăm trong cả vùng.
Cọt nây là người hiền đức và sùng đạo. Chắc qua nhà hội Do thái, ông biết ít nhiều về Đức Chúa Trời của người Do thái và của tín đồ Đấng Christ. Dầu Cọt-nây cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời, nhưng ông vẫn còn thuộc về dân ngoại bang.
Chính Đức Chúa Trời đã lựa chọn Cọt-nây làm người dân ngoại đầu tiên mở cửa cho phúc âm. Ngài chỉ huy tất cả công việc. Ngài bảo Cọt-nây cho người đi mời Phi-e-rơ. Đức Chúa Trời phải dùng khải tượng đặc biệt khiến Phi-e-rơ phá lệ Do thái giáo truyền thống mà quyết định đi đến Cọt-nây. Ngài tán thành việc Cột-nây vào hội thánh bằng cách ban Đức Thánh linh cho họ. Cọt-nây là trái đầu mùa của thế giới ngoại bang.
Từ thành phố Gióp-bê, Đức Chúa Trời sai Phi-e-rơ, người Do thái đến cùng Cọt-nây, người ngoại bang. Cũng tại thành Gióp-bê (Gia-phô) nầy, 800 năm trước, Đức Chúa Trời phải dùng chút áp lực buộc Giô-na, người Do-thái, quyết định đi thành phố Ni-ni-ve của người ngoại bang để rao giảng. Chú ý, Cọt-nây không buộc phải bỏ công việc trong quân đội.
Hội thánh tại Sê-sa-rê còn có một nhà lãnh đạo quan hệ nữa là Phi-líp, vì Sê-sa-rê là quê hương của Phi-líp. Hồi ký của bác sĩ Lu-ca có đọan ghi chép, “hôm sau, chúng tôi (Phao-lô và Lu-ca) lên đường đi đến Sê-sa-rê, vào nhà Phi-líp, nhà truyền giảng phúc âm, và là một trong bảy chấp sự, rồi ở lại đó. Ông có bốn người con gái đồng trinh, có ơn nói tiên tri. Trong lúc chúng tôi ở lại đó mấy ngày, có một nhà tiên tri tên A-ga-bút từ Giu-đê xuống...Các tín hữu tại đó và chúng tôi đều xin Phao-lô đừng lên Giê-ru-sa-lem”(Sứ 21:8-14).
Thời điểm đó là năm 58-60 S.C. Anh em có nghĩ rằng vào thời điểm đó khi Phao-lô bị giam lỏng hai năm trong dinh quan Tổng đốc thì anh Cọt –nây, anh Phi-líp và hội thánh Sê-sa-rê có thăm viếng và chăm sóc cho vị sứ đồ chăng?—vì Lu-ca ghi, “đoạn quan truyền cho đội trưởng giữ Phao-lô, nhưng phải cho người được thong thả, cũng đừng cấm thân hữu nào đến cung phụng người”( Sứ 24:23). Chắc chắn Phao-lô có cơ hội tương giao lời chức vụ cho Cọt-nây và Phi-líp.
B.Hội Thánh Tại An-ti-ốt:
An-ti-ốt (xứ Syria) là đô thị thứ ba của La mã, có 500.000 dân. Nó chỉ đứng sau kinh thành La mã và Alexandria. Đây là cửa ngỏ của Địa trung hải đi vào các đại lộ Đông phương. An-ti-ốt cách Giê-ru-sa-lem 300 dặm về phía bắc. An-ti-ốt được gọi là “Nữ hoàng Đông phương”, vì được tăng phần mỹ lệ bằng sự giàu có của La mã, sự thẩm mỹ của Hi lạp và sự xa hoa của Đông phương sản xuất. Dân thành phố nầy thờ thần Át-tạt-tê, kèm theo những nghi lễ phóng túng, hư hoại và ô uế không sao tưởng tượng được.
Thánh đồ Do thái tản lạc trong thời Ê-tiên tuận đạo, đã đến An-ti-ốt rao giảng cho dân Do thái tại đó. Sau đó có mấy thánh đồ từ Chíp-rơ đến giảng cho dân Hi lạp và La mã tại An-ti-ốt. Chúa ở cùng họ, số người tin khá đông, đến nỗi Hội thánh Giê-ru-sa-lem sai Ba-na-ba đến chăm sóc họ. Hội thánh An-ti-ốt khai sinh từ đó.
Đây là một hội thánh có nếp sống biểu lộ thực tại Thân Thể Chúa. Trong hội thánh có nhiều sắc dân như Âu châu, Á Châu và Phi châu sống hòa hợp. Sau-lơ (Phao-lô) từ Tạt sơ di trú về đó theo lời mời của Ba-na-ba. Các trưỡng lão và người trách nhiệm đã hết lòng tìm kiếm Chúa, nên Đức Thánh Linh đã làm một công tác mới lạ và lớn là hình thành một đoàn công tác chức vụ để rao giảng phúc âm cho các dân tộc. An-ti-ốt vừa là hội thánh địa phương và cũng là trung tâm công tác lớn cho thế giới ngoại bang. Tại An-ti-ốt, các thánh đồ được gọi một biệt danh (nick name) có ý châm biếm là “cơ đốc nhân” ( christian, chrétien) trước nhất.
Chúa đã dùng Phi-e-rơ mở cửa phúc âm cho các dân tộc vào Hội thánh, nhưng đoàn Phao lô là đoàn lãnh sứ mạng rao phúc âm và lập các hội thánh giữa các dân tộc trong các nước quanh vùng Địa Trung hải.
Trong Rô-ma 16:7, Phao-lô nói đến An-trô-ni-cơ và Giu-nia, thân nhân của ông, đã là các sứ đồ trước ông. Các sứ đồ nầy cư trú trong hội thánh La mã, và có lẽ họ đã rao phúc âm và lập các hội thánh tại nước Italy và các nước lân cận như Tây ban nha, Pháp v.v...
Trong 2 Cor. 10:13-16, Phao-lô nói đến giới hạn của miền công tác mà Đức Chúa Trời giao cho đoàn ông và các đoàn khác. Ông muốn rao phúc âm cho các miền bên kia thành phố Corinhto nữa, mà Corinhto nằm trong xứ Hi lạp. Ông nói “tôi đã công bố rộng rãi phúc âm của Christ khắp nơi, từ Giê-ru-sa-lem và miền phụ cận cho đến xứ Ilyri (Macedonia- Rô. 15:19).
Phao lô là người Israel, chi phái Bên-gia –min, thành viên phe Pha-ri-si, công dân La mã của thành Tạt-sơ. Tạt sơ là trung tâm đại học lớn thứ ba trong đế quốc La mã, chỉ kém Nhã điển và Alexandria. Lúc sanh ra, ông đã có quyền công dân La mã, và ông thuộc gia đình quyền thế. Ông có căn bản văn hóa Do thái, La mã và Hi lạp. Sau khi tin Chúa, ông thoát chết tại Giê-ru-sa-lem, ông về lại và sống tại Tạt sơ. Ông đã rao giảng và lập nhiều hội thánh trong xứ Cilicia, và Tạt sơ là hội thánh quê nhà.
Rồi vào khoảng năm 45-48 S.C., Banaba và ông cùng Mác ra đi truyền giáo lần thứ nhất, lập các hội thánh ở các địa phương ở Á châu như Ba phô ở Chíp rơ, An-ti-ốt xứ Bi si đi, Y-cô-ni, Lít-trơ, Đẹt-bơ..v.v... Vòng hành trình thứ hai lập các hội thánh cở Âu châu như Phi líp ( tên “Philip” là kỷ niệm vua Philip, cha của Alexandre đại đế), Tê sa lô ni ca, Bê rê, Corinhto...Vòng truyền đạo thứ ba mở hội thánh E-phê-sô và rao Lời Chúa suốt ba năm tại Ê phê sô.... Vòng hành trình thứ tư ông đi đến kinh thành La mã trong địa vị tù nhân vì cớ phúc âm của Chúa.
Phao lô có nhiều đồng công và đồng ngũ trong Chúa như Lu ca, Ti mô thê, Mác, Tít. A qui la, Bê rít sin...v.v..
Theo Cô-lô-se 4:11,14, Lu ca là người ngoại bang duy nhất được dự phần trứ tác kinh Tân ước. Josephus nói Lu ca là dân thành Phi líp. Ông được nhìn nhận là người có văn hóa, giỏi khoa học, thông thạo tiếng Hê-bơ-rơ cổ và tiếng Hi lạp cổ điển. Còn về nghề nghiệp, ông là thấy thuốc. Ông nhập đoàn của Phao-lô lần đầu tiên tại Trô ách vào năm 50, khi ông dùng đại danh từ “chúng tôi” (Phao lô và Lu ca) để viết hồi ký (Sứ 16:10). Sau khi Phao lô ra khỏi ngục tù và rời khỏi thành Phi líp, Luca ở lại Phi líp 6 năm. Truyền thuyết hội thánh nói Luca kết hôn cùng Li đi tại Phi líp. Lu ca tái kết hợp với Phao lô ở Sứ 20:6, và sống bên cạnh Phao lô đến khi Phao lô qua đời, có lẽ để chăm sóc sức khỏe cho vị sứ đồ.
Ti mô thê là người Do thái xuất thân từ thành Lít trơ, có bà ngoại và mẹ là người kỉnh kiền, yêu mến Kinh thánh.
Theo bi văn trong hầm mộ ở La mã, thì Bê-rít sin là một phụ nữ La mã, có tài năng phi thường và thuộc gia đình quyền quí. Vì bà kết hôn với A-qui-la, người Do thái, bà bị khai trừ khỏi giai cấp quí tộc của mình. Một phần hội thánh ở Ê-phê-sô và La mã đã nhóm trong tư gia của hai vợ chồng nầy trong hai giai đoạn khác nhau trong chức vụ của Phao lô.
Tôi chỉ trình bày đời sống vài đồng công của Phao lô và không có đủ khả năng nói đến tất cả các đồng công khác nữa.
Vào thế kỷ thứ nhất nầy, các hội thánh sinh hoạt theo địa phương. Đơn vị là làng mạc, thị trấn hay thành phố. Mỗi hội thánh chỉ có một ban trưởng lão, và mỗi địa phương chỉ có một hội thánh mà thôi. Người lãnh đạo hội thánh địa phương là “trưởng lão” và cũng được gọi là “giám mục”. “Trưởng lão” là nói về địa vị--lớn hơn người khác về thuộc linh, hay tuổi tác; “giám mục” là công việc của trưởng lão—giám sát, trông nom hội thánh.
Chiến lược của đoàn Phao lô là chỉ lập hội thánh tại đô thị lớn, nằm trên trục lộ giao thông. Rồi hội thánh tại đó phải rao phúc âm và lập các hội thánh trong các địa phương nhỏ hơn kế cận với mình. Thí dụ , Phao lô để 3 năm lo xây dựng hội thánh Ê-phê-sô lớn mạnh, lo giảng lời chức vụ cho cả tỉnh A si qua một trường học tại thành phố Ê-phê-sô. Tại Ê-phê-sô, Phao lô có một đồng bộc yêu dấu là Ép-a-phơ-ra. Chính người đồng công nầy đem phúc âm đến thị trấn nhỏ kế cận là Cô-lô-se (Col. 1:7; Phlm 1:). Hội thánh Cô lô se được xây dựng và nhóm họp trong nhà trưởng lão Phi lê môn. Vợ của Phi lê môn là chị Áp-phi, và con trai cũng ở trong chức vụ, tên là A-chíp.
Trên đây là vài nét đơn sơ về lịch sử các hội thánh đầu tiên trong thời kỳ từ năm 30 đến năm 100 S.C./.
( Nguồn: The records and the letters of the apostolic age by Ernest D. Burton...)