Chúa Jesus là con người của lịch sử. Mathiơ bắt đầu câu chuyện về chức vụ công khai của Chúa Jesus với phần giới thiệu mở rộng, với trung tâm chính là Đấng Christ. Mathiơ ghi lại gia phổ và sự giáng sanh của Chúa Jesus, tiếp đến là sự chuẩn bị cho chức vụ bằng phép báp têm và sự cám dỗ, nhằm làm rõ bản chất con người cũng như sứ mệnh lịch sử của Chúa Jesus, đồng thời thiết lập bối cảnh cho những điều sẽ xảy đến trong câu chuyện.
Nhìn chung các gia phả có chức năng thiết lập địa vị cho một người nào đó.Việc kể tên Chúa Jesus chung với Đa vít và Apraham trong gia phổ chứng tỏ Chúa là con người lịch sử, có thật như hai vĩ nhân trong Cựu ước; còn câu chuyện giáng sinh minh họa bản chất chức vụ Mesia của Chúa Jesus và tính phổ quát của sự cứu rỗi mà Ngài mang đến. Gia phổ Chúa Jesus tương tợ như các gia phổ khác trong Sáng thế ký, nhưng nhân vật sinh ra ở đây là Con Đức Chúa Trời, Ngài có một lịch sử tại đây. Điều đó cho thấy Chúa Jesus hoàn tất lời hứa Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho dân Do thái và dân ngoại.
Riêng câu chuyện giáng sinh thì cho thấy rằng Chúa Jesus là một Môi se mới. Ngài bị chính quyền thời đó bắt bớ, và được cứu thoát trong phút chót, để rồi hồi hương theo như Đức Chúa Trời chỉ dẫn. Như thế lời tiên tri được ứng nghiệm. Chúa Jesus là Con Đức Chúa Trời, Con gương mẫu, vâng phục trọn vẹn, là linh hồn và niềm hi vọng của Israel. Các thế lực lãnh đạo thời ấy, Hê rốt, các thầy tế lễ... được mô tả là một thế lực thù nghịch, tìm cách cản trở sự thi hành chức vụ của Con Đức Chúa Trời.
Xưa Môi se tạo nên lịch sử cho dân Israel, bây giờ Chúa Jesus là Con người lịch sử, tạo ra lịch sử của Đức Chúa Trời trong nhân loại, là xây dựng Hội thánh, bản sao của Ngài—Ngài là nhân vật chính.
I. Ngoại Giáo Làm Chứng Về Đấng Christ Lịch Sử:
Cơ đốc giáo có những khởi điểm của mình trong lịch sử trần thế. Bởi vì những giá trị của cơ đốc giáo liên kết chặt chẽ với thân vị, sự sống, sự chết của Đấng Christ, nên phải xem xét đến bằng chứng về sự thực hữu trong lịch sử của Đấng Christ. Nhiều người từng phủ nhận sự thật là Đấng Christ được bày tỏ trong lịch sử nhân loại.Thật may mắn là có bằng chứng lịch sử ngoài Kinh thánh về sự thực hữu của Đấng Christ.
A. Bằng Chứng Ngoại Giáo:
Tacitus (55-117 S.C.) người đứng đầu những sử gia La Mã đã liên kết tên gọi và nguồn gốc của cơ đốc nhân với “Christus” (Jesus), một người ở dưới triều đại của Caesar Tiberius “chịu chết bởi bản án tử hình của quan Tổng đốc Pontus Pilate”.
Pliny là quan án của Bithynia và Pontus ở Tiểu Á, viết thơ lên Caesar Trajan khoảng năm 112 để xin lời khuyên xem ông phải xử thế nào với những cơ đốc nhân. Bức thư của ông cung cấp thông tin quí giá ngoài Kinh thánh về Đấng Christ. Pliny bày tỏ lòng rất kính trọng đối với phẩm chất đạo đức trung thực của những cơ đốc nhân bằng cách viết về việc họ không chịu phạm tội trộm cắp hoặc tội ngoại tình, không chịu nói sai lời, cũng không giấu hoặc không trả vật đã ký thác cho họ. Ông nói tiếp rằng họ “hát cho Đấng Christ như cho Đức Chúa Trời”.
Trong cuốn sách Lives of twelve caesars : Vita Claudius (25:4), Suetonius nói dân Do thái bị trục xuất khỏi La mã bởi vì những cuộc gây rối vì cớ Christos (Christ).
Một nhân chứng khác là người khá châm biếm—và vì vậy là một nhân chứng có giá trị--là Lucian ( 125-190), người sống vào khoảng năm 170. Ông viết cuốn sách châm biếm cơ đốc nhân và đức tin họ. Lucian mô tả Đấng Christ là “một kẻ bị đóng đinh trên thập tự ở Palestine” vì Christ bắt đầu thành lập “nhóm đạo mới nầy”. Ông viết rằng Đấng Christ dạy cơ đốc nhân tin họ là anh em và phải tuân giữ những luật lệ của Ngài. Ông cũng chế giễu cơ đốc nhân về việc “thờ phượng kẻ ngụy biện bị đóng đinh kia”.
Những lời chứng nầy là bằng chứng lịch sử rất có giá trị, vì đến từ những người tri thức La mã vốn khinh thường cơ đốc nhân và thù ghét họ. Ngoài Kinh thánh, dựa trên những lời chứng nầy và cũng là các tác phẩm lịch sử, người ta có thể kết luận rằng có bằng chứng giá trị cho sự tồn tại thật trong lịch sử của Đấng Christ.
B. Lời Chứng Từ Người Do Thái:
Josephus (khoảng 37-100), một người Do thái giàu có, cố gắng biện minh Dothái
giáo cho những người La mã trí thức bằng những tác phẩm của mình, cũng đề cập đến Đấng Christ. Ông cũng là một sử gia, sanh ra và được giáo dục tại Giê ru sa lem. Ông là một tướng lãnh trong quân đội Do thái, bị bắt sang kinh thành Rô ma, khi Jerusalem bị thất thủ và tàn phá vào năm 70 S.C. Josephus viết về Gia cơ “em của Jesus, là người còn được gọi là Christ.Trong đoạn khác, Josephus viết về Đấng Christ như sau,“ vào khoảng thời gian nầy, có Jesus là một người khôn ngoan, thông thái. Theo lời đề nghị của các yếu nhân giữa vòng chúng ta, Pilate đã lên án đóng đinh Ngài vào thập tự giá. Đến ngày thứ ba, Ngài lại sống và hiện ra với những kẻ theo Ngài. Ngày nay các cơ đốc nhân được gọi theo tên Ngài, không bị tiêu diệt”. Chắc chắn Josephus không phải là bạn của cơ đốc giáo, và vì thế lời đề cập đến Đấng Christ của ông càng mang giá trị lịch sử cao hơn.
C. Bằng Chứng Của Cơ Đốc Nhân Ngoài Kinh Thánh:
Nhiều sách phúc âm thứ kinh, Công Vụ, Thư tín và các văn phẩm khải thị căn cứ vào tính có thật trong lịch sử của Chúa Jesus Christ. Những điều nầy được sưu tập trong Apocryphal New Testament (Tân Ước thứ kinh) của Montague R. James (Oxford University Press, 1924). Những bia khắc trên đá và những bức tranh chim bồ câu, con cá, cái neo và những biểu tượng cơ đốc khác trong hầm mộ làm chứng cho niềm tin vào một Đấng Christ lịch sử cũng như sự tồn tại của lịch sử cơ đốc, ngày Chúa nhật, Hội thánh.
Đáng tiếc, khi chọn ngày để bắt đầu lịch cơ đốc, một cha trưởng tu viện người Scythian là Dionysius Exiguus (chết khoảng năm 550), trong tác phẩm Cyclus Paschalis của mình, ông đã chọn năm 754 A.U.C. (tính từ khi thành lập thủ phủ Rô ma) thay vì năm chính xác hơn là 749 A.U.C., làm năm sinh của Đấng Christ.
Trong Mathio 2:1 viết Chúa Jesus sinh ra “đang đời vua Hê rốt”. Trong Antiquities (18.6.4), Josephus đề cập đến vụ nguyệt thực năm 750 A.U.C. trước khi Hê rốt qua đời. Bởi vì việc giết con trẻ Do thái và chuyến đi trốn sang Ai cập xảy ra trước khi Hê rốt chết, điều nầy cho chúng ta năm khả dỉ về thời gian Chúa Jesus sanh ra, là năm 749 A.U.C., hoặc khoảng năm thứ 5 T.C.
Theo Giăng 2:20, dân Do thái nói đền thờ xây dựng 46 năm cho đến thời điểm đó. Josephus và sử gia La mã là Dio Cassius ghi lại thời gian bắt đầu xây dựng đền thờ là năm 779 A.U.C.. Theo Lu ca 3:23 thì Chúa Jesus “khoảng 30 tuổi” thi hành chức vụ. Vậy lấy 779 trừ đi số tuổi 30 nầy thì cho ra năm 749—hoặc là năm thứ năm T.C.—là năm khả dỉ cho sự giáng sanh của Ngài, hoặc sớm hơn khoảng năm năm so với cách tính của chúng ta cho kỷ nguyên cơ đốc.
II. THÂN THẾ:
A.Sinh Nhật: ngày 25-12 không phải là sinh nhật của Chúa Jesus. Ngày đó là sinh nhật của thần mặt trời trong đạo Babylon mà caesar Constantine đã gán cho sinh nhật của Chúa khi Hội thánh trở thành quốc giáo La Mã.
Các nhà thiên văn học xưa nay xác nhận rằng vì sự giao thao ánh sáng của hai hành tinh lớn là Mộc tinh( Jupiter) và Thổ Tinh (Saturn) giao hội vào khoảng năm 6-5 T.C, mà như sinh ra “một vì sao” chói sáng, chiếu ngay chỗ nằm của Chúa Jesus suốt một thời gian dài, để các bác sĩ Đông phương tìm gặp Ấu Chúa.
Thiên sứ nói cùng Giô sép, “Nàng (Mari) sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Jesus..”Jesus là tiếng Hi lạp, còn tiếng Heboro tương đương là Giô suê. Cả hai đều có nghĩa là” Jehovah Cứu Chúa” hay “Jehova là sự cứu rỗi”. Tên “Jesus” là một tên thông dụng trong vòng dân Do thái. Nhưng sau khi Chúa Jesus chết, mọi người Do thái ngoài hội thánh vấp phạm, nên họ không bao giờ đặt tên con mình là “Jesus”. Còn trong Hội thánh, dù có sẵn Jesus Giúc tu (Col. 4:11 ) nhưng về sau không thánh đồ nào dám đặt tên con mình là “Jesus” nữa, vì kính trọng Chúa.
Nguyên quán: Chúa Jesus được sinh ra tại một tiểu thị trấn là Bết Lê hem (Nhà bánh). Đó là quê hương của vua David. Bết lê hem cách Jerusalem chừng 10 km về phía tây nam.
David cưới vợ Uri, sinh ra 4 con trai. Một trong bốn người nầy là Salomon, làm vua. Giô sép, bố dượng của Chúa Jesus là hậu tự của Salomon. Anh em của Salomon là Nathan, để lại hậu tự là trinh nữ Mari, mẹ Chúa. Vương quyền của Chúa Jesus căn cứ trên Mari, mẹ Ngài, vì bà là hậu tự của vua David, và vì có cấm lịnh của Chúa không cho hậu tự Salomon làm vua nữa.
Trú Quán: Trú quán nhưng là nơi thường trú của Chúa Jesus là thị trấn Na xa rét, trong xứ Ga li lê, trên trục lộ giao thông xuyên qua xứ thánh Israel. Trước khi kết hôn, Giô sép và Mari đã sống tại đó. Sau khi Mari sinh Chúa Jesus tại Bết lê hem, ông bà đem Chúa lánh nạn xuống Ai cập. Từ Ai cập trở về , ông bà cưới nhau và sống tại Na xa rét đến mãn đời. Cho nên Chúa Jesus đích thật là một người Na xa rét, là dạng người Do thái bị dân Do thái chính thống ở Giu đê khinh thường.
Chúa Jesus đã sống ẩn dật 30 năm tại Na xa rét, ở miền núi xứ Ga li lê, trong một gia đình nghèo có đến 9 nhân khẩu. Chúa Jesus có 4 em trai và 2 em gái. Mọi người Do thái đều phải học lấy một nghề để hộ thân. Phao lô may trại, Chúa theo nghề của cha nuôi là thợ mộc. Nhiều người nghĩ rằng các dấu vết về sự nghèo túng đã được tìm thấy trong lời dạy dỗ của Ngài về những chiếc áo vá và loại thức ăn rẽ tiền nhất là thịt chim sẻ. Ngài làm thợ mộc tại đó (Mác 6:3). Có nhiều phúc âm ngoại kinh kể lại những chuyện phi lý về các phép lạ Ngài làm thời thơ ấu (lấy đất sét nắn hình chim sẻ rồi thả bay đi). Những chuyện nầy hoàn toàn tương phản tính lành mạnh và đáng tin của truyện ký Kinh thánh. Năm Chúa 12 tuổi, trong câu chuyện Ngài đàm đạo với các nhà thông thái tại Giê ru sa lem (Lu. 2:45-52), chúng ta thấy Chúa Jesus đã ý thức mối liên hệ giữa Ngài và Đức Chúa Trời, khi Ngài bảo rằng Đức Chúa Trời là Cha Ngài. Sự tương phản giữa mấy tiếng”cha của con” của bà Mari và “Cha tôi” trên môi miệng của Chúa Jesus, rất đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Xứ Ga li lê: Sử gia Josephus ước lượng dân số xứ Ga li lê vào thời đó có 3 triệu người. Xứ nầy có nhiều đô thị Hi lạp, rất giàu có.Thủ phủ của chính quyền La mã và cung điện của vua chư hầu Hê rốt ở tại Sepphoris, cách Na xa rét chừng 4 dặm.
Thành Na xa rét: Thành nầy ở trong lòng chảo phía nam một ngọn đồi cao hơn mặt biển chừng 380 mét. Leo lên ngọn đồi hết 10 phút, ta thấy một phong cảnh vô song của xứ Galilee. Phía bắc có thắng cảnh gồm những ngọn đồi và thung lũng phì nhiêu, lấm chấm thành thị thịnh vượng, và đằng xa có đỉnh núi tuyết Hẹt môn. Gần đó, cách 3 dặm, là quê hương tiên tri Giô na. Phía nam là đồng bằng Gít rê ên, chạy từ sông Giô đanh đến Địa trung hải, là sân khấu chính của dân Israel chiến đấu trải qua bao đời để sinh tồn. Cách Na xa rét 10 dặm về phía tây, ta thấy trọn núi Cạt mên, là nơi trong cuộc giao tranh với Ba anh, Ê li đã kêu lửa từ trời giáng xuống. Cũng chừng đó về phía tây nam, có đèo Hạt ma ghê đôn là chiến trường nổi tiếng của các nước; đèo nầy gợi cho Chúa Jesus về trận đánh lớn cuối cùng của các thời đại mà chính Ngài sẽ cỡi ngựa bạch, đưa đoàn người đắc thắng đến đó để toàn thắng kẻ thù. Chỉ cách Na xa rét 8 dặm về phía nam có Su nem, là nơi Ê li sê làm cho con trai người nữ Su nem sống lại. Gần đó có suối Ha- rốt, là nơi Ghê đê ôn và 300 chiến sĩ của ông đánh bại quân Ma đi an. Và Gít rê ên, là nơi Giê sa bên khả ố, đã gặp số phận vô phước. Rồi núi Ghinh bô a, là nơi vua Sau lơ bị quân Philitin giết chết. Và Ên đô rơ, là nơi bà bóng cầu hồn Sa mu ên. Khe Ki sôn là nơi Đê bô ra và Ba rác chế phục quân Canaan. Đứng trên đỉnh đồi Na xa rét, ta thấy trọn vẹn mọi chỗ đó. Thật là trung tâm của những phối hợp lịch sử kỳ lạ biết bao! Ta có thể tưởng tượng Chúa Jesus thường leo lên ngọn đồi nầy và suy gẫm sâu xa về lịch sử đã được cấu tạo để đưa Ngài vào thế giới.
Tiếng Nói Xứ Galilee: Tiếng Aram là tiếng nói thông dụng của dân chúng. Đó là tiếng nói mà Chúa Jesus đã dùng. Ngài được dạy dỗ bằng tiếng Hê bơ rơ, là tiếng của Cựu ước và của dân Ngài. Ngài cũng biết tiếng Hi lạp, vì là tiếng nói phổ thông thời ấy, và Chúa có đọc kinh thánh sách Ê sai bản Bảy Mươi bằng tiếng Hi lạp trong nhà hội Na xa rét. Chúa Jesus thông thạo cả Cựu ước tiếng He bo rơ và Bản Bảy Mươi. Dầu vậy dân Giu đê vẫn khinh dể âm sắc trong giọng nói của dân Ga li lê, khi họ nói cùng Phi e rơ, “vì giọng nói ngươi tỏ (khai) ngươi ra” ( Math.26:73). Chúa Jesus học truyện tích và huấn giới Cựu ước qua bà mẹ tin kính và dịu hiền. Mọi nhà hội đều có lớp dạy Kinh thánh cho trẻ em.
III. ĐỜI SỐNG VÀ CHỨC VỤ:
Luca là một sử gia có thực tài. Trong hai tác phẩm của mình, ông dùng niên hiệu của ba caesars để làm dấu mốc thời gian cho lịch sử Hội Thánh. Ông ghi ở Luca 2:1 về Augustus ra lệnh điều tra dân số, và (3:1) có ghi” vào năm thứ 15 triều caesar Tiberius...” Giăng khởi thi hành chức vụ mình. Tiberius khởi trị vì từ năm 14 S.C., vậy Giăng khởi sự rao giảng sự ăn năn vào khoảng năm 27 hay 28 S.C. Chúa Jesus nhỏ hơn Giăng 6 tháng tuổi, Ngài thi hành chức vụ khi Ngài được 30 tuổi. Trong thời Cựu ước, khi một thầy tế lễ được 30 tuổi mới được phép vào đền thờ hầu việc.
Phúc âm Giăng chép 4 kỳ lễ Vượt qua xảy ra trong chức vụ của Chúa Jesus. Chức vụ Ngài kéo dài 3 năm rưỡi.
1). Từ khi Chúa chịu báp têm đến lễ Vượt qua đầu tiên ở 2:13 là nửa năm.
2). Từ lễ Vượt qua ở 2:13 đến lễ hội Phu rim ở chương 5: là một năm. Và ngay sau lễ Phu rim là lễ Vượt qua thứ hai. Lễ Phurim cử hành vào tháng Adar (12), lễ vượt qua vào tháng Nisan (Giêng).
3).Từ lễ hội Phu rim ở chương 5: đến lễ Vượt qua ở 6:4 cũng là một năm.
4. Từ lễ Vượt qua thứ ba đến lễ Vượt qua cuối cùng theo cuộc gia tể của Đức Chúa Trời, ở 12:1; 19:4 , khoảng thời gian nầy cũng là một năm. Chúa bị đóng đinh vào dịp lễ Vượt qua nầy, đó là khoảng năm 29 S.C.
Vua Artaxerxes Longmanus cai trị đế quốc Ba tư từ năm 465 đến 425 T.C. Bố của vua là vua A suê ru ở sách Ê xơ tê, và kế mẫu của ông là Hoàng thái hậu Ê xơ tê.Trong đời trị vì của mình, ông có ra hai chiếu chỉ về sự tái thiết Jerusalem, đó là vào năm 457 T.C. (Exora 7:) ban cho Exora và vào năm 445 T.C. (Nê.2:) ban cho Nê hê mi.
Có hai trường phái giải nghĩa về 70 tuần lễ ở Daniel 9: -Robert Anderson (hội Anh Em) tin 69 tuần lễ năm là 483 năm khởi diễn từ năm 445 T.C.; còn số học giả khác tin rằng năm 457 T.C. là khởi điểm. Lấy con số 483 trừ đi 457, chúng ta sẽ có con số 26, khả dĩ là năm Chúa Jesus khởi đầu chức vụ- năm 26 S.C.
IV. SỰ CHẾT VÀ SỰ SỐNG LẠI:
Người Do thái ném đá khi xử tử phạm nhân. Công dân La mã, như Phao lô, chỉ bị chém đầu khi bị xử tội. Thần dân La mã phải bị đóng đinh khi bị hành quyết. Exora 6:1 bày tỏ đây là lối thực hành của người Ba tư mà người La mã áp dụng.
Chúa Jesus bị đóng đinh vào khoảng 9 giờ sáng ngày thứ sáu, đến 3 giờ chiều cùng ngày thì Ngài tắt hơi. Rạng đông ngày thứ nhất là Chúa nhật, Chúa đã sống lại.
Napoléon Bonapartes đã nói về Christ như sau: “ Tôi quen biết rất nhiều người và tôi xin nói với anh em rằng Chúa Jesus không phải là một người. Ngài truyền lịnh cho chúng ta phải tin, và không viện ra một lý do nào khác ngoài lời Ngài phán kinh khủng rằng: Ta là Đức Chúa Trời. Các triết gia muốn giải quyết các sự huyền nhiệm của vũ trụ bằng lời biện thuyết rỗng của họ. Họ thật điên rồ, và giống như trẻ con khóc đòi cho được mặt trăng làm đồ chơi. Đấng Christ chẳng bao giờ ngập ngừng. Lời Ngài phán có quyền uy cặp theo. Đạo Ngài là một sự huyền nhiệm, nhưng đạo ấy cứ tồn tại bởi chính năng lực của nó. Ngài tìm kiếm và tuyệt đối đòi hỏi sự yêu thương của người ta, là cái khó hơn hết trong thế giới nầy.
Alexandre đại đế, Caesar, Hannibal đã chiếm được thế giới nhưng chẳng có bạn hữu. Đương thời tôi đây, có lẽ chỉ có một mình tôi yêu mến ba ông ấy. Alexandre, Caesar, Hannibal và chính mình tôi đã sáng lập những đế quốc, nhưng trên cái gì? Trên võ lực. Còn Chúa Jesus sáng lập vương quốc Ngài trên sự yêu thương, và chính giờ nầy, hằng bao nhiêu triệu người vui lòng chết vì Ngài. Chính tôi cũng đã làm cho rất nhiều người tríu mến, đến nỗi họ vui lòng chết vì tôi nhưng tôi phải có mặt. Bây giờ tôi bị đày ra đảo Sainte Helene nầy, thì bạn hữu tôi đâu? Tôi bị lãng quên, chẳng bao lâu sẽ trở về bụi đất và làm đồ ăn cho giòi bọ. Có một vực sâu rộng lớn giữa cảnh khốn nạn của tôi và nước đời đời của Đấng Christ. Ngài được tuyên rao, kính mến, thờ lạy và nước Ngài đang lan rộng khắp trái đất. Đây có phải là sự chết chăng? Tôi xin nói với anh em: sự chết của Đấng Christ chính là sự chết của Đức Chúa Trời. Tôi xin nói với anh em lần nữa: Chúa Jesus Christ chính là Đức Chúa Trời”.
(Nguồn: The historicity of Jesus by Kurt Aland and H.H.Hally)