|
NGƯỜI MẸ CANH GIỮ NHỮNG THI HÀI CON MÌNH
Bà đã gánh chịu nỗi thống khổ lớn hơn bất cứ người nữ nào trong thời Cựu ước. Trong năm tháng, từ lúc mùa gặt lúa mì bắt đầu cho đến khi những cơn mưa sớm rơi xuống, Rít – ba đã canh giữ những thi hài người chết không được chôn của hai đứa con bà, nằm cạnh thi hài của năm đứa cháu ngoại Sau-lơ. Tên Rít- ba đem đến ý nghĩa của sự đau đớn mãnh liệt, dường như chỉ có người mẹ tận tụy mới được phú cho sức chịu đựng đó.
Người ta đã bỏ mặc những người bà yêu thương, những con người đã bị treo cổ và bị rủa sả, nhưng bà đã đứng cạnh họ chết, cũng như bà đã ở bên cạnh họ khi họ còn sống. Bà không thể nào ngăn trở việc bắt và treo cổ hai đứa con cùng những người thân của bà, nhưng bà có thể trông chừng và ngăn trở những điều ô nhục nào xâm phạm trên thể xác của họ. Mang theo một chiếc bao vải, bà trải nó ra để che nắng cho bà ban ngày và để bà nằm nghỉ ban đêm. Dầu phải bị ngạt thở bởi sức nóng ban ngày và chịu giá buốt bởi không khí lạnh ban đêm, Rít – ba vẫn luôn ở ngay bên cạnh những thi thể bị ô nhục, đen đúa kỳ quái vì bị cháy sém dưới sức nóng mặt trời đó. Bà trông coi cẩn thận để chúng không bị bất kỳ một tổn hại nào. Lúc đứng, lúc ngồi, nửa thức, nửa ngủ, và rồi run rẫy với những cố gắng táo bạo, bà xua đuổi những con chó sói và loài chim kên kên đang muốn ăn nuốt những người chết của bà. Ngày hôm nay, chúng ta có thể nhìn vào Rít- ba với sự ngạc nhiên, thán phục vì tình yêu và lòng kiên nhẫn của bà, và thật là một người có đức tin! Bà tin tưởng không sớm thì muộn Đức Chúa Trời cũng sẽ đoái thương và giải cứu xứ sở khỏi nạn đói. Bà cũng tin tưởng trong lòng rằng là những người thân của bà, sau cùng cũng sẽ được chôn cất chu đáo. Bà biết việc họ bị treo lên đó không phải vì tội lỗi của chính họ, mà là vì tội của những người khác, và bà không thể nào bỏ mặc họ được .
Rít- ba, với nỗi đau thương của mình, bà tượng trưng cho hàng ngàn người vợ, người mẹ, người chị, người con; hoặc ngồi bên cạnh giường những người thân hoặc than khóc trước cái chết của họ. Cũng cô độc và lặng lẽ như Rít- ba, biết bao nhiêu người đã từng phải gánh chịu những nỗi đau thương, khốn khổ của riêng mình. Sự rèn thử vô cùng cay đắng của Rít- ba bắt nguồn từ tội lỗi của Sau- lơ, bà đã là vợ lẽ của ông. Sau cái chết của Sau- lơ, Áp-ne để bà riêng ra cho mình. Là tổng quản của Sau- lơ và là người nhiếp chính cho con trai Sau- lơ là Ích-bô-sết, Áp- ne hiểu theo luật thời đó, tài sản của Sau-lơ một phần sẽ rơi vào tay của Rít- ba. Hai người đàn ông tranh cải nhau về Rít- ba. Sau đó, Áp- ne bị mưu hại bởi Giô- áp và vua Đa-vít hay được điều này, tất cả những việc đó xảy ra không lâu sau thời gian Sau- lơ bị cắt đầu; đó là những thống khổ khác mà Rít- ba phải gánh chịu.
Bà có hai con trai với Sau-lơ: Át-mô- ni và Mê-phi-bô-sết. Chúng đã bị định phải chết vào thời gian bị nạn đói trong triều đại Đa-vít; ba năm liền đói kém đã làm cho Đa-vít bối rối, vì trong khi tìm kiếm nguyên nhân xảy ra cơ cực này, Đa- vít được biết do bởi Sau-lơ đã giết hại người Ga-ba-ôn mà họ chưa được phục thù. Để làm theo ý Đức Giê-hô-va, ông sai treo cổ hai người con của Sau-lơ và Rít –ba cùng 5 cháu ngoại trai của Sau-lơ, có lẽ là những đứa con của Mê-ráp, chị Mi-canh, con gái Sau-lơ. Bảy hậu tự này của Sau – lơ bị treo lên ở Ghi-bê-a, gợi cho chúng ta về tội lỗi của cha sẽ bị nhắc đến đời con và cháu. Mặc dù Rít- ba không liên quan gì đến tội lỗi của Sau-lơ chống lại người Ga-ba-ôn, bà cũng phải liên quan một phần đến những điều đáng kinh khiếp này.
Rít-ba, người đã được mặc những y phục vua chúa khi làm nàng hầu trong cung điện của Sau-lơ, bây giờ mang vào người chiếc bao vải để than khóc, và có lẽ đã trải bao vải lên trên tảng đá chận giữ cây trụ hình mà trên đó, con và cháu của chồng bà bị treo. Theo một chú thích cổ, thì bà đã làm một cái trại bằng các chiếc bao để che thân thể các con bà, điều mà hầu như có thể đúng vì các loại bao ở thời Cựu ước là những mảnh vải thô cứng, lấy từ lông của những con dê và lạc đà, được dệt trên khung cửi. Một vài nhà bình luận chú thích rằng việc trải chiếc bao tỏ ra sự ăn năn của đất, vì đã để khô hạn và đói kém. Khi Rít- ba lấy bao che phủ các thi hài của con bà, có lẽ bà muốn làm một dấu chỉ với Đức Chúa Trời rằng bà sẽ canh gác chúng cho đến khi Ngài nguôi giận và chờ mưa đến. Việc Rít- ba canh giữ lâu dài trên những thi thể của các người con là một điển hình bất hạnh nhất trong văn chương về tình yêu của người mẹ. Nhiều nhà họa sĩ lừng danh đã vẽ lại sự đau thương của Rít- ba trên khung vải. Turner đã vẽ được một trong những bức nỗi tiếng nhất về đề tài này: bảy thi thể được vẽ nằm trên đá, bao phủ mảnh vải bố. Rít –ba một tay che mặt, một tay cầm ngọn đuốc cháy sáng để uy hiếp những thú rừng hung dữ. Một con sư tử nép mình cạnh đó và một con chim bay lượn phía trên.
Nỗi thống khổ của Rít- ba cuối cùng đã đến tai Đa- vít. Ông nhớ lại hài cốt không được chôn cất của Sau-lơ và Giô-na-than vẫn còn nằm tại Gia-be xứ Ga-la-át. Vua sai đem hài cốt họ về bỏ chung với thi thể các con cháu Rít-ba, rồi đem chôn chung trong ngôi mộ của gia tộc họ tại Xê-la, thuộc phần đất Bên-gia-min. Có lẽ Rít- ba là người trông coi việc chôn cất những hài cốt này và có lẽ bà cũng tự hỏi có người nữ nào từng trải qua thảm kịch lớn hơn như thế. Rõ ràng không một người nữ nào từng chịu đựng tình trạng đau đớn và sự khổ sở âm thầm sâu nặng như Rít-ba./.