Hoàng Trọng Thừa
(1875-1953)
Năm 1991, trong dịp đại lễ Kỷ Niệm 80 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam (1911-1991), tôi ra Đà Nẵng dự kỳ lễ đặc biệt này. Một buổi chiều bất ngờ tôi được đưa đi thăm nghĩa trang Hội Thánh Tin Lành Hội An, nơi tạm thời an nghỉ của các tôi con Chúa. Trong số những ngôi mộ, nổi bật lên mộ chí của cụ cố Mục sư Hoàng Trọng
Thừa, trên tấm bia tôi đọc được hàng chữ: "Hội Thánh Tin Lành Trung Bộ lập mộ". Tại sao cụ Mục sư Hoàng Trọng Thừa lại được vinh dự này?
Ông Hoàng Trọng Thừa sanh năm 1875, tại làng Nam Trung, huyện Bình Xương, tỉnh Thừa Thiên Huế (bấy giờ gọi là Gia Định). Về gia thế của ông chúng tôi không thấy ở đâu nói, ông Thừa sanh ra tại đế đô nên sớm theo đòi bút nghiên. Dầu học hành khá xuất sắc nhưng qua hai lần ứng thí ông đều không có tên trên "bảng vàng". Trước hết ông ra đời hành nghề Đông Y. Nhưng sau vì ý chí thanh niên muốn vẫy vùng cho thỏa mộng "tang bồng hồ thỉ" nên ông phiêu lưu vào Đà Nẵng (bấy giờ là Tourane).
Vào thập niên đầu thế kỷ 20, tiếng đồn "Đạo Huê Kỳ" đã làm dậy lên làn sóng dư luận xôn xao, kẻ khen người chê, có người chỉ trích, bêu xấu. Ông Thừa là người điềm tĩnh, nhất định truy tầm cho rõ thực hư. Thì ra "Đạo Huê Kỳ" hay "Đạo rối" mà thiên hạ đồn đoán đây chính là Đạo Tin Lành Cứu rỗi của Đức Chúa Trời thương yêu từ Trời ban xuống để cứu vớt kẻ bị trầm luân; mà vì đa số các nhà truyền giáo đã đến xứ này giảng Đạo là người Mỹ, cho nên người ta châm biếm là "Đạo Huê Kỳ" đó thôi. Vì lòng khao khát chân lý thúc đẩy cho nên ông Thừa chẳng màng quan tâm đến những tiếng thị phi, đàm tiếu to nhỏ của người đời, ông đã chịu khó để thì giờ gia công tìm kiếm, kê cứu sách vở, tư liệu Tin Lành, nhất là cẩn thận tra xem Thánh Kinh nữa.
"Đức Chúa Trời Toàn Tri đã biệt riêng ông ra từ trong lòng mẹ" cho công việc Nhà Ngài, nên Ngài cho ông Thừa có cơ hội tốt tiếp xúc và dạy tiếng Việt cho các Giáo sĩ Tin Lành; hẳn nhiên các vị này cũng không bỏ mất cơ hội quí báu, cứ làm chứng, giải nghĩa thêm giáo lý cứu chuộc của Chúa cho ông. Họ cũng khuyên mời ông hãy sớm đến với Chúa. Tuy nhiên, ông vẫn còn lưỡng lự, phân vân một thời gian. Nhưng vào một đêm truyền giảng năm 1916, đang khi ông Thừa ngồi nghe ông Phúc (không rõ chức vụ gì?) tuyên rao Tin Lành, thì ông Thừa được cảm động sâu xa. Vì cho đến lúc này ông Thừa không còn cách nào có thể kháng cự quyền năng thuyết phục của Chúa Thánh Linh được nữa, nên ông đã bằng lòng ăn năn tội, đi bước quyết định chọn Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Một biến động vô song tức thì xảy ra trong tâm hồn ông; thay vì buồn rầu, nặng nề như xưa nay thì giờ đây ông liền nhận được niềm vui mừng, nhẹ nhàng vô hạn. Ông đã trở nên một người mới từ giờ phút đó.
Trong thời gian tiếp theo, qua các giờ dạy tiếng Việt và học hỏi Thánh Kinh chung với các Giáo sĩ, nghe giảng dạy; ông Thừa thường nghe tiếng Chúa kêu gọi, giục giã ông mau cung hiến đời sống mình làm công cụ của Ngài. Nhưng ông đã viện ra lắm lý lẽ để thối thác hay khước từ. Một ngày kia, có Giáo sĩ tiền phong R. A. Jaffray từ Trung Hoa đến thăm Việt Nam và trực tiếp khuyến khích ông Thừa theo học lớp Thánh Kinh Hàm Thụ bằng Hoa ngữ, do Thánh Kinh Học Viện có tên là Kiên Đạo Thánh Kinh Học Viện ở Quảng Tây Trung Hoa đứng ra tổ chức. Trường này do ông Mục sư người Hoa là Triệu Liên Dương làm đốc học và Giáo sĩ E. F. Irwin làm Giáo sư. Nhờ sự vùa giúp và soi sáng của Chúa Thánh Linh, ông Thừa đã hết sức kiên nhẫn theo học trọn khóa và tốt nghiệp năm 1924. Ông Thừa là sinh viên người Việt duy nhứt nhận lãnh học vị tốt nghiệp trong một buổi lễ trang nghiêm tại Nhà thờ đầu tiên của Giáo hội Tin Lành Việt Nam ở Đà Nẵng. Ông Giáo sĩ Jaffray từ Trung Hoa mang văn bằng đến trịnh trọng trao tận tay người học viên ưu tú này. Hai Giáo sĩ E. F. Irwin và W. Cadman thành kính đặt tay cầu nguyện phó dâng ông Thừa cho công việc của Đức Chúa Trời ở Việt Nam.
Ông Hoàng Trọng Thừa nghiễm nhiên trở thành vị Truyền Đạo đầu tiên của Giáo hội Tin Lành đã chịu đựng bao nhiêu thử thách, tấn công của ma quỉ. Nhưng với ý chí cương quyết, ông Truyền Đạo Thừa đã nắm chặt Lời Chúa và được đắc thắng. Bàn chân của nhà Truyền Đạo không hề mệt mỏi này đã bôn ba trên khắp ba miền Trung Nam Bắc của lãnh thổ Việt Nam để chăm lo cho đời thuộc linh của tín hữu được lớn lên, đồng thời ông cũng năng nổ tất bật truyền rao ân phúc cứu độ của Chúa cho đồng bào hư mất, nên đã đem lại nhiều thành quả rất đáng khích lệ. Sau một thời gian hành chức giảng sư, ông Thừa được chính thức thọ lãnh chức vụ Mục sư trong một kỳ Đại Hội Tin Lành toàn quốc (không rõ năm nào và ở đâu?)
Cụ Hoàng Trọng Thừa là vị Mục sư đầu tiên mà cũng là một nhân vật giữ chức vụ Hội Trưởng đầu tiên của Giáo hội Tin Lành Việt Nam non trẻ. Ông cũng được cử vào ban giáo sư Trường Kinh Thánh tại Đà Nẵng, và chủ tọa các Hội Thánh trải qua nhiều năm. Mục sư Thừa có lần vinh dự được mời sang Trung Hoa tuyên rao sứ điệp Chúa cách linh động đầy ơn cho kỳ Hội đồng đông đúc tham dự viên của Hội Thánh Chúa tại Trung Hoa, có Mục sư Quốc Foc Wo (Quách Phục Hòa) thông dịch.
Ông Mục sư Thừa cũng rất thương yêu, chú ý đến đồng bào thuộc các sắc tộc ít người trên miền cao nguyên Việt Nam, ông thường đặc biệt cầu nguyện cho họ. Trong một dịp tiện quí báu kia, Chúa cho ông lên miền cao nguyên truyền giảng Tin Lành cho số người này. Lần đó, đồng bào thiểu số ở một vùng đang bị hạn hán kéo dài, cảnh vật tiêu điều mòn mỏi rất nguy khốn. Những người ngoại đạo liền thách thức cụ Mục sư khả kính hãy kêu cầu Đức Chúa Trời quyền năng ban xuống cho họ một cơn mưa. Như tiên tri Ê-li của Chúa ngày xưa, ngay đêm ấy "Mục sư Thừa quỳ xuống úp mặt giữa hai đầu gối" thiết tha kêu nài Chúa hãy bày tỏ vinh quang quyền năng Ngài cho những người tối tăm này sớm thấy được ánh sáng của Ngài. Quả nhiên, Đức Chúa Trời không để cho đầy tớ Ngài phải hổ thẹn giữa đám dân ngoại giáo đầy mê tín, nên ngay trong đêm ấy Chúa đã ban cho họ một trận mưa dồi dào. Những người thiểu số này liền nhận biết Đức Chúa Trời Chân Thần Độc Nhất nên đã đầu phục Ngài.
Trải qua một chặng đường phục vụ khá dài, hy sinh gian khổ, sức khỏe cụ ngày một kém sức theo thời gian; năm 1942 cụ về nghỉ hưu. Nhưng dầu trong lúc nghỉ hưu, song tinh thần cụ vẫn hăng hái tiếp tay với các bạn đồng lao không ngừng theo ơn sức Chúa cho, cụ dành thì giờ phiên dịch các sách báo Tin Lành từ Hoa văn sang Việt văn; hoặc là đi làm chứng, phát sách báo Tin Lành cho đồng bào ở nơi gần. Lòng nhiệt thành quên cả lao nhọc đó được thể hiện qua bài thơ của cụ làm với tựa đề: "Cỡi ngựa sắt (xe đạp) đi giảng Tin Lành", như sau đây:
"Ngày xuân êm ả lúc trời chiều,
Chân đạp vành xe bạn nối theo,
Mở rộng non sông, bang thẳng đất,
Đạp ngang gò đống khúc khăn đèo,
Nhìn qua đá nhảy mây xanh ngắt,
Ngoảnh lại dòng Gianh nước trắng pheo,
Cảnh đẹp Người Yêu đà dọn sẵn
Giống lành vì Chúa quyết đem gieo".
Tin cụ Mục sư Hoàng Trọng Thừa về an nghỉ trong Nước Trời ngày 28-7-1953 là một tang chung cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Một tấm gương sáng quên mình phục vụ Chúa và đồng bào như vậy chắc không thể nào phai mờ trong tâm trí của các thế hệ hôm nay và ngày mai đâu .
(TNPA)