Lê Văn Thái
(1890-1994(?)
Mục sư Lê Văn Thái là một nhà lãnh đạo nổi bật của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam trong một giai đoạn nhiễu nhương hơn hết của tình hình chánh trị ở đất nước này.
Ông Lê Văn Thái sanh năm 1890, tại làng Văn La, huyện Phú Lộc, tỉnh Quảng Bình. Ông xuất thân trong một gia đình có tiếng tăm và khá giả. Sau đó ông và gia đình di chuyển vào cố đô Huế, rồi định cư hẳn ở Đà Nẵng. Vì thành kiến chính trị và sự căm thù đối với thực dân Pháp, thời bấy giờ đang là đế quốc xâm lược nước Việt Nam, nên ông Thái sớm chẳng có thiện cảm gì đối với các Giáo sĩ người Mỹ và Tây phương cả. Thanh niên Thái đã có lần lấy đá để ném vào Giáo sĩ E. P. Irwin, khi ông này đến giảng Tin Lành tại Đà Nẵng năm 1913. Nhưng sau cùng Đức Chúa Trời đã chinh phục con người cứng cỏi đó. Ông Thái trở lại tin thờ Chúa sau một thời gian tìm hiểu và bắt bẻ, tranh luận khá gay gắt với các nhà truyền giáo cũng như với ông Mục sư ở địa phương ông thời bấy giờ.
Mùa xuân năm 1919, tại nhà thờ Hải Châu (Đà Nẵng) ông Thái đã đi đến chỗ quyết định ăn năn và trở lại thuận phục Chúa. Và ngày 4-7-1920 ông chịu Thánh lễ Báp-têm bởi Giáo sĩ I. R. Stebins hành lễ ở bờ biển Đà Nẵng. Rồi ông Thái được Chúa kêu gọi dâng mình hầu việc Ngài. Ông lập gia đình với cô Công Tôn Nữ Tú Oanh năm 1924, và sau đó là chức vụ đầu hết ở Hội An (Faifo). Năm 1926, ông Thái đổi đến Hội Thánh Mỹ Tho. Đến tháng 4 năm 1928, ông đã hoàn tất chương trình tốt nghiệp của Trường Thánh Kinh Đà Nẵng. Với tư cách là Truyền Đạo thực thụ của Giáo hội Tin Lành, ông Thái khởi mở chức vụ mình ở thành phố Hà Nội từ tháng 8 năm 1928. Ông được chính thức tấn phong Mục sư ngày 28-11-1928.
Tháng 6 năm 1929, Mục sư Thái được cử làm phái viên của Hạt Trung Bắc. Tháng 5 năm 1931, tại Hội Đồng Tổng Liên Hội lần thứ 9, Mục sư Thái đắc cử Chủ Nhiệm Bắc Hạt, và được biệt riêng để chuyên lo truyền giảng Tin Lành lưu động cho toàn miền Bắc và mở mang các Hội Thánh mới. Đến giữa năm 1935 Mục sư Thái lại trở về quản nhiệm Hội Thánh Hà Nội kiêm luôn công tác lưu hành và Chủ Nhiệm Giáo Hạt Bắc. Trong kỳ hành chức tại đây, Đức Chúa Trời đã dùng một trận mưa dầm kéo dài để giải cứu tôi tớ Ngài thoát khỏi một vụ mưu sát vì thành kiến mê tín ở làng Hạ mồ. Cũng năm đó, Mục sư Thái nhuốm phải bệnh lao vì làm việc quá sức, nhưng Chúa cũng đã thương xót cứu chữa tôi tớ Ngài cách diệu kỳ, đến nỗi viên bác sĩ người Pháp lúc ấy là Peterson đã phải ngạc nhiên khi tái rọi điện cho Mục sư và thấy chỗ đau đã lành!
Năm 1940, Mục sư Thái đã chia sớt được gánh nặng ở Chi hội Hà Nội cho một vị Mục sư khác, và ông có nhiều thì giờ để dành cho công việc Giáo hạt và rao giảng Tin Lành lưu động. Trong thời gian này công việc Chúa, qua chức vụ của Mục sư Thái có nhiều tiến bộ thấy rõ. Ngoài Hà Nội ra, các tỉnh khác cũng đón nhận Tin Tức Phước Lành rộng rãi hơn, như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An, Hà Đông, Sơn Tây,... Tại kỳ Hội Đồng toàn quốc lần thứ 9, tháng 8 năm 1942 Mục sư Thái đắc cử chức vụ Hội Trưởng Giáo hội Tin Lành Việt Nam kiêm Chủ nhiệm Bắc Hạt. Đức Chúa Trời thật đã bổ sức, thêm ơn cho đầy tớ Ngài, nên ông có thể chu toàn trách nhiệm một cách tốt đẹp; vì chức nhiệm bấy giờ ngoài Hội Thánh bản xứ, ông còn phải lo kiêm cả Cambodge và Laos nữa.
Đức Chúa Trời đã xức dầu và sử dụng Mục sư Thái, bởi vậy Ngài đã ban cho ông đặc quyền, ân tứ để được tôn kính, trọng vọng trước các cấp chính quyền Bắc cũng như Nam Việt Nam thời đó. Năm 1945, Phái Đoàn Giáo hội Tin Lành do Mục sư Thái dẫn đầu, đã đến hội kiến Chủ Tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập. Sau một cuộc hành trình giữa Cách Mạng mùa thu lịch sử, năm 1945, Chúa đã giữ gìn ông trong một chuyến công tác dài ngày và trở về nhà được bình an. Rồi tại miền Nam Việt Nam, Mục sư Thái cũng gặp gỡ các cấp lãnh đạo có tầm cỡ của Việt Minh lúc ấy như ông Tôn Đức Thắng, Trần Văn Giàu, Phạm Văn Bạch, Hoàng Quốc Việt. Mục sư Thái cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện và làm chứng về Chúa cho hai nhà chí sĩ cách mạng lão thành là Phan Bội Châu và Huỳnh Thúc Kháng ở cố đô Huế năm 1947.
Năm 1945, với tư cách là người đứng đầu Giáo hội Tin lành, Mục sư Thái đã nắm vững Lời Thánh Kinh và sự soi sáng của Chúa Thánh Linh để dập tắt ngọn lửa "Chúa tái lâm giả tạo" do ông Trần Như Tuân khởi xướng. Đây là một đòn khá nặng về tà giáo mà ma quỉ đã đốn ngã nhiều cấp giáo phẩm cũng như các tín hữu chưa đi sâu sát với Lời Chúa.
Năm 1954, sau hiệp định Geneve, Mục sư Thái cùng các tôi tớ Chúa khác vào phục vụ Chúa ở miền Nam Việt Nam. Và cũng ở trong cương vị Hội Trưởng, ông đã đứng đầu một phái đoàn yết kiến Tổng thống Ngô Đình Diệm năm 1956 để thảo luận và can thiệp về việc truyền giáo của Hội Thánh chung đang gặp trở ngại trên các miền Cao nguyên Việt Nam.
Năm 1953, Mục sư Thái đứng ra thành lập Cô Nhi Viện Tin Lành và Trường Trung Tiểu Học Bết-lê-hem ở Hòn chồng Nha trang. Việc nuôi trẻ mồ côi này hoạt động được 22 năm (1953-1975).
Từ tháng 4 đến tháng 6 năm 1957. Mục sư Thái được mời sang Hoa Kỳ để làm diễn giả chính cho kỳ Hội Đồng Thường Niên của Hội Truyền Giáo Liên Minh Cơ Đốc (CMA) ở New York.
Một đặc điểm rất đáng đề bạt nơi cụ Mục sư Lê Văn Thái mà chúng tôi chẳng thể nào bỏ qua được, đó là tinh thần cầu tiến và tự học của cụ. Về phương diện này thì xin nhường lời thực chứng của ông Lạc Giao, như sau: "Tôi đã từng chú ý và khâm phục ý chí tự học của cụ từ lâu. Cụ coi việc cụ mua sách để vào tủ, cần thiết không kém cụ bà mua các thức ăn mỗi ngày... Tôi còn nhớ vào khoảng năm 1930-1931 tôi thường lui tới thăm viếng cụ, khi ấy cụ đang làm Mục sư ở Hà Nội... Hồi đó mỗi khi chúng tôi gặp nhau là thường ra phố chơi. Tôi thấy cụ là người rất ham đọc sách và sưu tầm sách quý. Cụ mua ngay cuốn tư tưởng của Lão Tử. Khi cụ cầm sách về nhà cụ bà chìa tay hỏi tiền cụ để mua thức ăn; cụ cười khì giơ cao cuốn sách lên, nói với cụ bà bằng một giọng lúng túng: "Hết tiền rồi, đã mua sách đây này!". Bởi vậy, cụ Mục sư Lê Văn Thái cũng đã bỏ công biên soạn các sách như: Bóng mát giữa sa mạc, Những bước thuộc linh, Châu ngọc Thi Thiên, Danh ngôn Đông Tây,... Nhất là quyển Hồi Ký rất dồi dào tư liệu lịch sử có tựa là "Bốn mươi sáu năm trong chức vụ". Việc cụ trở thành một tác giả trong Hội Thánh Việt Nam thì không ai lấy làm lạ như lời chứng của ông Lạc Giao ghi ở trên.
Sau 18 năm giữ chức vụ Hội trưởng Giáo hội Tin Lành Việt Nam, cụ Mục sư Thái đã chấm dứt nhiệm vụ này vào năm 1960 tại Hội Đồng Toàn quốc ở Vĩnh Long. Đến năm 1968, cụ chính thức về hưu, giao chức giám đốc Cô Nhi Viện lại cho Mục sư Trần Văn Đệ. Thật ra các chức dịch nặng nề với bề dày thành tích vẻ vang mà Đức Chúa Trời đã kêu gọi, lựa chọn và gia thêm ân tứ, năng lực cho Mục sư Thái... Thế hệ sau không khi nào quên được gương sống và tinh thần hầu việc Chúa, kiên trì phấn đấu, hướng theo một mục đích cao thượng. Lòng nhiệt thành đó mãi mãi sẽ là nguồn cổ vũ và khích lệ chúng ta.
Tư liệu về cuối đời của cụ Mục sư Thái tôi chưa được cầm trong tay. Nhưng điều tôi biết chắc, hiện giờ cụ đang hưởng vĩnh phúc với Thiên Phụ và hàng nghìn trùng thánh đồ trên Nước Chúa, là Đấng mà cụ đã hết tâm tin thờ, phụng sự trên 60 năm.
(TNPA)