Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

PHÚC ÂM THEO SỨ ĐỒ PHAO-LÔ


PHÚC ÂM THEO SỨ ĐỒ PHAO-LÔ

- Rô-ma 1:1, “Phao-lô, tôi mọi của Jesus Christ, một sứ đồ được kêu gọi, được biệt riêng ra cho Tin lành”
- Rô-ma 2:16, “là điều sẽ tỏ ra trong ngày mà Đức Chúa Trời bởi Jesus Christ sẽ xét đoán sự kín nhiệm của người ta y theo Tin lành của tôi”.
- Rô-ma 16:25, “ duy Đức Chúa Trời là Đấng có thể làm vững vàng anh em theo Tin lành của tôi và sự rao giảng Jesus Christ”.
- 2 Timothe 2:8, “hãy nhớ đến Jesus Christ, thuộc dòng giống David, đã từ kẻ chết sống lại, y theo Tin lành của ta”.


Theo 4 câu Kinh thánh trên đây, Phao-lô được biệt riêng ra cho phúc âm của Đức Chúa Trời, và phúc âm đó được gọi là phúc âm theo sứ đồ Phao-lô.

   Các Cherubim có 4 mặt, làm biểu hiệu cho 4 sắc thái 4 phúc âm của kinh Tân ước. Phúc âm Mathio khải thị Chúa Jesus là Cứu Chúa-Vua. Phúc âm Mark bày tỏ Ngài là Cứu Chúa –Nô lệ. Phúc âm Luke phô bày Ngài là Cứu Chúa-Con Người. Phúc âm thứ tư, Giăng, minh họa Ngài là Cứu Chúa- Đức Chúa Trời. Một phần tín đồ biết ý nghĩa 4 phúc âm đó, nhưng rất hiếm người biết phúc âm thứ năm- phúc âm của Phao-lô.

   Dưới ảnh hưởng và sự khải đạo của sứ đồ Phao-lô, y sĩ Luke đã viết phúc-âm thứ ba và sách sử kí hội thánh đầu tiên, công vụ các sứ đồ. Nhưng cái nhân, các tư tưởng trung tâm trong chức vụ cung ứng Lời của Phao-lô vẫn cần có một phúc âm thứ năm, sách Rô-ma, và 13 thư tín khác mới có thể phô diễn cách đầy đủ.
  
   Phao-lô đầy sự can đảm khi nói về sắc thái riêng biệt trong phúc âm của ông như sau: “ vì tôi không nhận Tin lành ấy nơi người nào, cũng chẳng ai dạy dỗ tôi, nhưng đã nhận được bởi sự khải thị của Jesus Christ” (Gal. 1:12). Phao-lô cũng nói rằng những vị danh vọng, có danh là “rường cột” hội thánh Jerusalem, là Gia-cơ, Sê-pha, và Giăng “cũng chẳng truyền đạt gì cho” ông. Cám ơn Chúa, Phao-lô được Chúa ủy thác cho một “phúc âm vinh hiển của Đức Chúa Trời” (1 Tim. 1:11).

   Bốn phúc âm kia chỉ giới thiệu Jesus Christ là Đức Chúa Trời biểu lộ trong xác thịt, là Christ sống giữa vòng các môn đồ, sau khi Ngài nhục hóa, nhưng trước khi Ngài chết và phục sinh. Còn phúc âm của Phao-lô, là phúc âm của Đức Chúa Trời, bàn về Christ là Đức Linh sống bên trong các tín đồ.

   Chủ đề sách Rô-ma là phúc âm của Đức Chúa Trời. Sách đó khải thị rằng Christ đã phục sinh và trở nên Linh ban sự sống (8:9-10). Ngài không còn là Đấng Christ ở bên ngoài các tín đồ, nhưng bây giờ Ngài là Đấng Christ ở bên trong họ. “Nếu quả Linh Đức Chúa Trời ở trong anh em, anh em không thuộc về xác thịt...Nếu Christ ở trong anh em...”(8 :9-10). Do đó phúc âm trong thơ Rô-ma là phúc âm về Đấng Christ hiện giờ đang nội cư trong các tín đồ, như Cứu Chúa chủ quan của họ.

   Về nội dung của phúc âm mình, Phao-lô nói trong 2 Timothe 2:8, “hãy nhớ đến Jesus Christ, thuộc dòng giống David, đã từ kẻ chết sống lại, y theo Tin lành của ta”. Phúc âm của vị sứ đồ là tin mừng về thân vị hằng sống, là Christ, Đấng sở hữu cả bản chất thần thượng và bản chất con người, Đấng đã được nhục hóa làm Con Người và phục sinh làm Con đầu lòng của Đức Chúa Trời. Trong phúc âm của Phao-lô có nói đến sinh hoạt của Jesus, là Con Đức Chúa Trời, sau khi Ngài sống lại.
  
   Trong Rô-ma 1:3, khi khở đầu viết thơ Rô-ma, Phao-lô cũng nói phúc âm của Đức Chúa Trời luận về Con Đức Chúa Trời, Jesus Christ, Chúa chúng ta. Thân vị diệu kì nầy có hai bản chất: (1) nhân tánh (theo xác thịt, sanh bởi dòng giống David), (2) thần tánh ( còn theo Linh của sự thánh khiết, thì nhơn sự từ kẻ chết sống lại đã chứng minh cách có quyền là Con Đức Chúa Trời, tức Jesus Christ, Chúa chúng ta”(c.4).

   Phúc âm của Phao-lô được diễn giảng trong thơ Rô-ma và 13 thơ tín khác mà Phao-lô đã viết ra, bao gồm thơ Hebrew là sách còn bị tranh luận về tác quyền. Phúc âm đầy đủ nầy bao gồm sự dạy dỗ về Christ và hội thánh và được tổng kết trong các hội thánh địa phương. Christ và hội thánh là chuyên đề chính trong phúc âm của Phao-lô.

1. Về Đấng Christ, trong phúc âm Ma-thi-ơ trình bày Ngài là Em-ma-nu-ên. Chúng ta rất cảm kích về danh thánh nầy. Nhưng danh xưng nầy của Chúa Jesus chỉ có nghĩa “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”, Ngài vẫn còn ở bên ngoài tín đồ. Ngài đi lại giữa vòng các môn đồ suốt 33 năm rưỡi. Nhưng Dấng Christ mà phúc âm Phao-lô bày tỏ, thì Ngài là Đấng đang sống trong các thánh đồ.

   Thí dụ, chúng ta dùng thơ Galati để trình bày về Đấng Christ được phác họa trong phúc âm Phao-lô:
  • Christ, thân vị hằng sống, là mục tiêu của phúc âm Phao-lô: do đó thơ Galati đặt Christ là trung tâm, 1:15 16..
  • Christ đã bị đóng đinh để cứu chuộc chúng ta ra khỏi trào lưu thế giới tôn giáo gian ác nầy, 1:4, 3:1, 13.
  • Christ được sống lại từ kẻ chết để Ngài có thể sống trong chúng ta, 2: 20.
  • Việc chúng ta được báp têm vào Christ và chúng ta được đồng nhất hóa với Ngài, 3:27-28; 5:24.
  • Việc chúng ta mặc lấy Christ, 3:27-29.
  • Christ đã được khải thị trong chúng ta, bây giờ Ngài đang sống trong chúng ta, và Ngài đang thành hình trong chúng ta, 1:16;  2:20;  4:19.
  • Trước khi Chúa sống lại, các môn đồ không thể bước vào Ngài và sinh hoạt trong Ngài, nhưng thơ Galati bày tỏ:

* Luật pháp đưa chúng ta đến cùng Christ, chúng ta là các con của Đức Chúa Trời, 3:24,26
* Trong Christ, chúng ta thừa hưởng phước hạnh do Đức Chúa Trời hứa cùng Apraham, và vui hưởng Đức Linh, 3:14.
* Trong Christ, chúng ta đều là một, 3:28.
* Cần Christ cung cấp ân điển cho chúng ta trong nhân linh mình, hầu chúng ta có thể sống Ngài ra.

  • Khác với 4 phúc âm kia, thơ Galati bày tỏ khát vọng của Đức Chúa Trời là tuyển dân Ngài phải tiếp nhận Con Ngài vào trong họ, và họ được sinh hoạt trong Con ấy nữa. Đây là phúc âm của Phao-lô, 1:15-16; 2: 20; 4;19. Còn thơ Epheso bày tỏ Christ định cư, hay lập nhà Ngài trong lòng chúng ta (Eph. 3:17); thơ Colose trình bày Chúa Jesus là sự sống của chúng ta (Col. 3:4); Đấng christ ấy nội cư trong chúng ta (Col. 1:27). Những điểm trên đây bốn phúc âm kia không bao giờ khải thị.

2. Chuyên đề thứ hai của phúc âm Phao-lô là về hội thánh, Thân Thể Christ. Sách Mathio 16 và 18 chỉ nói về hội thánh phổ thông và hội thánh địa phương cách tổng quát và sơ lược. Còn trong thơ Epheso, một phần của phúc âm Phao-lô, chúng ta thấy rằng mình đã trở thành các chi thể của Thân Thể Christ (3:6). Trong Epheso 1:23, chúng ta thấy hội thánh là Thân Thể Christ, sự đầy đủ của Đấng làm đầy dẫy mọi sự trong mọi sự. Hội thánh là Người Mới (2:15), là người nhà của Đức Chúa Trời, là vương quốc (2:19), là Cô Dâu tập thể (5:). Galati còn nói hội thánh là gia tộc đức tin (Ga. 6:11), là Israel ngày nay của Đức Chúa Trời (Ga. 6:16).
   Cho nên, khi luận về hội thánh, phúc âm của Phao-lô cao hơn nhiều trong lời minh khải so với 4 phúc âm kia. Phúc âm thứ năm là phúc âm trong sự khôi phục thần thượng của Chúa, mà chúng ta đều phải rao giảng.

Kết luận:
   Tiêu điểm của Phúc âm Phao-lô là chính Đức Chúa Trời trong Tam Vị Nhất thể của Ngài trở nên Linh, mà do việc sau khi trải qua diễn trình trở nên bao hàm tất cả, để làm sự sống và mọi sự cho chúng ta vui hưởng, đến nỗi chúng ta có thể làm một để biểu lộ Ngài cả cõi đời đời. Đây là tiêu điểm của phúc âm Phao-lô. Đây là phúc âm mà chúng ta công bố. Vâng, chúng ta phải nói về mọi phương diện của phúc âm được tìm thấy trong bốn phúc âm đầu tiên. Nhưng ngày nay, những gì thế giới cần không chỉ là các phương diện đó, các phương diện thấp kém của phúc âm. Toàn bộ trái đất, cả thế giới, cần phúc âm của Phao-lô, phúc âm thứ năm. Chúng ta phải tuyên rao và công bố phúc âm nầy. Chúng ta phải hiểu biết phúc âm nầy, chúng ta phải sống ra nội dung nó, và sau đó chúng ta phải diễn giảng phúc âm nầy ra đến nỗi Đức Chúa Trời có con đường tiến lên trong dân Ngài./.