Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

VINH QUANG ĐỨC THÁNH KHIẾT CỦA CHÚA


Ê-sai 6:

Để mở đầu bài này tôi xin đặt vấn đề: đọc kinh thánh chúng ta bắt gặp các chê-ru-bim và sê-ra-phim, vậy họ là ai và là gì?

Trong bộ Thần đạo học (Tin lành) trang 722 cụ J.D.Olsen luận: “những vị ấy chẳng phải là những vị có nhân cách và ngôi riêng đâu, nhưng chắc là những biểu hiệu (symboles) Đức Chúa Trời dùng đặng dự tả về cuộc tạo hóa vốn bị tội lỗi làm hư hỏng, sẽ nhờ sự cứu chuộc của Christ mà được tái tạo, thừa thọ các tính cách và phẩm đức đã phải mất trong lúc loài người sa ngã… Nhưng nói đặc biệt hơn, thì có lẽ những chê-ru-bin là tượng trưng biểu dương bản tánh của loài người đã được chuộc lại, được hưởng các tính cách và phẩm đức trọn vẹn nguyên bản…
Có lẽ cũng tại đó Thánh Linh dùng hình trạng của bốn sanh vật làm đầu muôn vật thọ tạo trên trái đất, để mô tả hình dung của chúng, tức là hình dạng của sư tử can đảm, con bò nhẫn nại, chim ưng lanh lẹ, có thị năng mạnh và loài người thông minh trí huệ. Các vị này không những chỉ là bóng về các tư cách hoàn toàn thuộc thể, lại cũng chỉ về những phẩm cách thuộc linh, được nên thánh trọn vẹn, vì được gọi là sanh vật, hằng ngày làm chứng cho sự thánh khiết của Đức Chúa Trời…”
Đừng dại dột cho rằng các chê-ru-bim và sê-ra-phim trong kinh thánh là thiên sứ. Chê-ru-bim vì vinh quang của Đức Chúa Trời, sê-ra-phim theo như Ê-sai 6, bênh vực đức thánh khiết của Đức Chúa Trời. Họ là đặc trưng biểu hiệu cho các ý tưởng thuộc linh, các tư tưởng thần thượng. Bộ kinh thánh chúng ta được hình thành từ thế giới đông phương, khác với thế giới tây phương thực nghiệm, nên các tác giả kinh thánh sử dụng nhiều sự biểu hiệu, tượng trưng, biểu thị bằng ký hiệu theo đúng chủ nghĩa tượng trưng thần thượng. Đấng tiên kiến A-sáp nhập vai Christ khi viết rằng: “Ta sẽ mở miệng ra nói thí dụ, bày ra các câu đố của đời xưa” (Thi 78: 2). Do đó kinh thánh đầy dẫy các biểu tượng, tượng trưng, hình ảnh ẩn dụ và thí dụ và phép ẩn ý siêu đẳng -  mà vốn rất khó cho đầu óc nông cạn không được sự mặc khải và soi sáng của Đức Thánh Linh khi đọc sách ấy.
So sánh chê-ru-bim trong nơi chí thánh (I Vua 6: 23) với các sê-ra-phim ở Khải thị 4, chúng ta thấy các sinh vật ấy biết và kinh nghiệm “vinh quang, vinh dự và cảm tạ” đối với Đấng ngự trên ngai, còn 24 trưởng lão, ngụ ý các thiên thần cổ đại chỉ biết kinh quá vinh quang, vinh dự và quyền năng. Tôi tin rằng các hữu thể thuộc linh nầy cũng là các người Đức Chúa Trời, các bậc quyền bính có quyền thế trước mặt Đức Chúa Trời nên biết cảm tạ Đức Chúa Trời về sự cứu rỗi -  và theo khải tượng ở Ê-sai 6 họ canh giữ ngai Đức Chúa Trời cùng bênh vực đức thánh khiết của vị Vua ngự ngai đó. Há Chúa đã chẳng nói đến các vị thánh đồ trưởng thành có thế đứng và quyền thế thuộc linh, từng được Ngài đánh giá cao và quí trọng hay sao? Chúng ta cùng xem lại các lời có sức nặng đó của Đức Chúa Trời:
“Đức Giê-hô-va phán rằng: lẽ nào ta giấu Áp-ra-ham điều ta sắp làm sao?...”
“Đức Giê-hô-va bèn phán cùng tôi rằng: dầu Môi-se và Sa-mu-ên đứng trước mặt ta…”
“Có lời Đức Giê-hô-va phán cùng ta: … dẫu trong đất có ba người này là Nô-ê, Đa-ni-ên và Gióp…”
Đức Chúa Trời như nể trọng các nhân vật thuộc linh cao cấp đó, ít hay nhiều họ cũng đã từng chi phối các sự xử lý tể trị của Ngài trong vũ trụ. Đọc lược qua các điểm chuyển biến trong các chuyển động của Đức Chúa Trời trong kinh thánh và lịch sử Hội thánh chung, anh em sẽ thấy điều đó là sự thật.
Bây giờ chúng ta bước vào Ê-sai 6:

Câu 1. “tôi đã thấy Chúa” rồi câu 6 chú giải rằng Chúa (Adonai: Chủ) đó là: mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đức Giê-hô-va vạn quân”. Đức Giê-hô-va vạn quân, và Chúa, Chủ ở đây là ai mà tiên tri đã thấy chớ? Đức Giê-hô-va từng phán cùng Môi-se rằng: “ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống”. Dù tận cõi đời đời chúng ta không bao giờ có thể nhìn thấy chính bản thể của Đức Giê-hô-va, nhưng nhờ núp trong vầng đá vỡ ra, chúng ta có thể nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-hô-va là Đức Giê-hô-va vạn quân. Ngài là hiện thân, sự biểu lộ của Đức Giê-hô-va – là Con độc sanh từng ở trong lòng, ngực Cha, giải bày Đức Giê-hô-va cho chúng ta – Ngài cũng là Con người từ trời xuống đây, và đang khi còn ở đây vẫn cứ ở trên trời. Đức Giê-hô-va vạn quân đó cụ thể hóa mọi thực tế siêu hình, thuộc linh, thần thượng cho chúng ta nắm bắt.
“Chúa ngồi trên ngôi”. Rất nhiều cơ đốc nhân không phân biệt thân vị, vị phẩm, chức năng và quyền bính của Đức Chúa Trời và của Chúa. Chúa đây là Jesus đăng quang, là Đức Giê-hô-va vạn quân thống lĩnh dân hồi hương theo sách Xa-cha-ri, là Đấng Thống Lĩnh hiện có, đã có và còn đến, đang trị vì cách hiện thực và tối thượng theo sách Khải thị miêu tả. Anh em có thấy Ngài đang mở các ấn huyền nhiệm và điều khiển đội quân kèn 7 thiên sứ đang thổi lên ngày nay chăng? Ngài đang điều khiển lịch sử thế giới và vũ trụ. Rất tiếc anh em chỉ nhìn nhận quyền chủ tể chung của Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hóa,  mà quên lãng và và không đầu phục quyền làm Chúa của Con Người Jesus vinh hóa trên hành tinh này, nhất là trong Hội thánh, Thân Thể Ngài trên trái đất. Anh em còn ra nghị quyết tôn giáo, còn âm mưu chia cắt Thân Thể christ. Anh em đang đá vào mũi đót, đang chọc lòng ghen tức và cơn thạnh nộ của Ngài rồi đó. Ai có thể đứng nổi trước cơn thạnh nộ của Chiên Con đây?! “Jesus là Chúa”, anh em ca tụng hàng ngày như vậy, hay lắm, nhưng rất tiếc Jesus chưa thật sự là Chúa, là chủ tuyệt đối trên anh em!
“Vạt áo Ngày đầy dẫy đền thờ”. Theo phép ẩn ý, “áo” ngụ ý lối cư xử, tính nết của một người. “Áo” nói lên chúng ta là gì trong bước đi, trong hành xử và trong sinh hoạt. Vạt áo dài của Chúa, của Christ ngụ ý sự rực rỡ trong các trong các mỹ đức của Ngài đang mặc lấy toàn Thân Thể - Vì trôn áo dài kéo đến gần bàn chân. Áo dài không chỉ nói lên vinh quang thần tánh của Ngài, nhưng cũng biểu thị các mỹ đức làm người của Ngài, đang biểu bộ trong Thân Thể hữu cơ – đó là đền thờ trên đất. Rất nhiều anh em chúng ta chỉ biểu lộ các mỹ đức thuộc linh trong buổi nhóm, như các diễn viên thuộc linh, nhưng sau giờ nhóm họp, trong sinh hoạt tư gia, anh em không còn biểu lộ các mỹ đức của Christ nữa. Đó là vạt áo dài mà Hội thánh Việt Nam đang mặc. Tiếc thay! Tại sao kinh thánh chép: “mọi nồi ở trong Giê-ru-sa-lem và trong Giu-đa sẽ là thánh khiết cho Đức Giê-hô-va vạn quân”. Người thánh khiết thực nghiệm là người nên thánh trong cuộc sống ăn uống – cách sử dụng cái nồi trong gia đình anh em để lộ cấp bậc thuộc linh, mức độ thánh khiết của anh em rõ nét nhất.
“Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài”. Nếu không đồng nhất hóa, liên hiệp, không lập cứ nơi Christ thăng thiên và đăng quang; các bậc quyền bính, các người Đức Chúa Trời đều trở nên vô dụng, không kiến hiệu. Trong Thi Thiên có chép: “Ngài cỡi chê-ru-bim mà bay”. Cuộc đời, sinh hoạt, bước đi của các người Đức Chúa Trời là phương tiện để khai lối và mở rộng các cuộc chuyển động thần thượng của Đức Chúa Trời. Thí dụ, có sự hiện hữu của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời Chí Cao trở nên sở hữu chủ của trời và đất (Sáng 14); sự có mặt của Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên vượt qua Giô-đanh mang lại sự nhìn nhận danh tước “Chủ của trái đất” (Giô 3: 11, 13) của Chúa từ phía Satan và bè lũ vô hình. Công tác đại sự thần thượng của Chúa sẽ chóng hoàn thành tại xứ này khi có nhiều sê-ra-phim và chê-ru-bim chân thật giữa chúng ta hôm nay.
“Mỗi sê-ra-phim có 6 cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay”.
Về một diện, chúng ta cần để mặt trần ngắm xem Chúa, để hấp thu vinh quang và ánh sáng thần thượng từ Ngài; nhưng về diện khác chúng ta cần cúi mặt, che mình trước Đấng có 7 mắt, có mắt như ngọn lửa dò xét và sẵn sàng chà nát các hiện tượng tiêu cực trong chúng ta dưới đôi chân bằng đồng đen bóng lộn của Ngài. Chỉ có cơ đốc nhân ngu muội như đà điểu sa mạc, tưởng chúi đầu xuống cát là tránh được mắt Đấng thẩm phán kinh hồn, mới còn vênh váo, mới còn lên mặt làm cao mà thôi.
“Hai cái che chân” – “khi chân mình còn lấm mê mê” – mà thực ra hàng ngày chân ta vẫn còn vấy bụi bặm trong hành trình ở đây – chúng ta chớ có “tay cầm bó đuốc mà rê chân người”. Tình thương yêu chân thật trong Christ sẽ che đậy muôn vàn tội lỗi tha nhân, tình thương yêu thần thượng bất vụ lợi mới có thể hạ mình rửa chân cho nhau. Hãy dùng huyết Chúa che lấp đôi chân bụi trần của anh em.
“Hai cái dùng để bay”. Bay ngụ ý đôi cánh sê-ra-phim thắng hơn hấp lực trái đất, họ chấp hành, thi hành mọi ý chỉ Đức Chúa Trời bởi luật của Linh sự sống trong Christ Jesus. Có chép về cách bay lượn của sê-ra-phim Đa-vít rằng: “vả Đa-vít, trong thế hệ mình, tuân phục nghị quyết Đức Chúa Trời rồi ngủ” (Sứ 13: 36 nguyên văn). Nếu có ai chỉ bay bằng một cánh, người đó sa vào lắm cực đoan và quá độ trong giáo lý, cũng có lắm kỳ dị trong sinh hoạt.
“Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân”. Một sê-ra-phim không thể hoàn thành đại cuộc Chúa, Ngài cần nhiều sê-ra-phim phối hợp nhau, nâng đỡ nhau trong thi hành cuộc gia tể Tân ước này. Chữ “cùng nhau” thiếu vắng giữa các công nhân Chúa tại xứ này suốt mấy năm u tối, ấu trĩ vừa qua.
Các sê-ra-phim đang luân phiên hợp đồng nhau tuyên rao đức thánh khiết của Đức Giê-hô-va vạn quân, của Christ. Đây là mục tiêu khó cho lắm công nhân còn ô uế trong tư tưởng thi hành.
Tại Anh quốc vào tiền án thế kỷ 18, Đức Chúa Trời dấy sê-ra-phim Isaac Watts, đóng vai thi nhân thuộc linh dùng ngòi bút có sự cảm thúc thiên thượng đã viết ra 700 thi ca ca ngợi trí tuệ, quyền năng, vinh quang, đức thánh khiết của Chúa. Nguồn tài liệu cùng cảm hứng của ông là các sách Thi thiên và tiên tri. Chúng ta hãy hát lại một trong các thần khúc bất hủ đó:

“Lạ thay khi thiên sứ cực phẩm hát tôn vinh,
Mặt luôn che trong cánh trước ánh sáng muôn nghìn;
Hàng vạn thần bộc trên ngai cao xung quanh ngai thánh,
Quì chung, tung hô, chúc tán, nín thở rất chân thành”.

“Làm chi đây, Cha hỡi, bụi đất với tro dơ?
Lòng con xin tôn kính Đấng sáng chế muôn vật,
Từ bụi bặm, tội ô con kêu lên Cha công nghĩa,
Ngài cao thăng, thanh khiết, xuất chúng, vĩnh cửu, chân thật”

Lời thơ rao giảng của Isaac Watts đã vun trồng và dấy lên hai sê-ra-phim ngay sau đó ít năm. Đó là anh em John Wesley và Charles Wesley. Hai người Đức Chúa Trời này được sự bổ nhiệm và ủy thác của thiên đàng rao giảng đức thánh khiết của Chúa giữa xã hội băng hoại của Anh quốc vào thời đó. Charles Wesley nhận được ân điển lớn từ Chúa dùng ngọn bút thần sáng tác 6000 thi khúc, rồi người khác phổ nhạc làm thánh ca mà chúng ta vẫn còn hát trải các thế đại. John Wesley được ơn thiên triệu thi hành chức vụ lời suốt 53 năm, du hành 400.000 cây số và giảng trên 40.000 bài giảng có chủ đề chung là sự thánh hóa. Hiện nay người ta còn giữ một bộ 32 cuốn bài giảng của ông. Các sử gia đồng ý rằng anh em Wesley đã có công cứu Anh quốc khỏi phải trải qua những cơn khủng khiếp rùng rợn như của cuộc cách mạng Pháp năm 1792.

“Khắp trái đất đầy dẫy vinh quang Ngài”. Ngày nay trên thiên đàng dẫy tràn vinh quang Christ, nhưng dưới đất, trong các hội thánh địa phương, chúng ta thấy mình thiếu hụt vinh quang Đức Chúa Trời, rồi nỗ lực đem vinh quang con người, vinh dự ai đó để điền khuyết, để thay thế.
Kinh thánh chép Christ là vinh quang của Đức Chúa Trời (Lu 2: 32, Ê-sai 40: 5, Hê 1: 3), còn các anh em nam phái (I Cô 11: 7), các sứ giả, sứ đồ của các hội thánh là vinh quang của Đức Chúa Trời, của Christ. Mong rằng hội thánh đầy dẫy vinh quang Đức Chúa Trời, đông đủ các sê-ra-phim, không thiếu vắng nhiều sứ giả, nhiều ngôi sao thần thượng – là vinh quang của Christ.
“Nhơn tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động”. Cửa là gì mà Chúa Jesus nói “Ta là cái cửa”? Cửa để giao lưu trong và ngoài ngôi nhà, cửa để ngăn chặn, hành quyền trong cư dân bên trong, cửa để lập trình, đề phương án, nghị quyết. Cửa là người có quyền bính, và người ngồi nơi cửa là người được tôn trọng như rường cột (Gal. 2: 9). Anh em thấy Áp-ra-ham là cửa trại của gia tộc đức tin (Sáng 18), Mạc-đô-chê là cửa sinh tồn của dân Y-sơ-ra-ên trong đế quốc Ba-tư, Nê-hê-mi là cái cửa trật tự vương quốc cho dân sót hồi hương.

Qua sự rao giảng của các sê-ra-phin, nền tảng kiên cố của các loại cửa tiêu cực, mà đã từng nhốt dân thánh trong sự cơ hàn, thù hận, đui mù đều sẽ bị rúng động và đổ xuống. Các cửa đời đời sẽ cất đầu lên, mở cao lên để Chúa Jesus là Vua vinh hiển vào ra đoái thăm dân mình. Anh em là cửa đóng hay cửa mở đối với dân Ngài?
Câu 5 – Ê-sai nhìn thấy Vua là Đức Giê-hô-va và các sê-ra-phim chầu chực quanh ngai. Chúa và các vị ấy trong suốt như bích ngọc, chiếu ra ánh sáng công nghĩa, thánh khiết, như đám lửa hay thiêu đốt. Khi thấy cảnh tượng đó, Ê-sai thấy mình là gì trước mặt Chúa: “Tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy”. Khải tượng đó, ánh sáng thánh khiết đó đánh ngã ông xuống bụi đất, đem đến cho ông cảm xúc nhức nhối, khó chịu về sự thiếu hụt, nhơ nhớp của mình trước mặt Đức Giê-hô-va vạn quân chí thánh.
“Bấy giờ một sê-ra-phim bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kềm gắp nơi bàn thờ”. Công tác song đôi chủ yếu của các sê-ra-phim ở đây là tuyên rao (kêu la) đức thánh khiết của Chúa cùng tẩy sạch hội thánh và đặc biệt là thanh tẩy môi miệng các công nhân trẻ hơn mình, các Ê-sai đang tập tễnh vào chức vụ. Cái kềm để gắp than hồng tượng trưng sự kiến hiệu của công tác thập tự giá giết chết trong đời sống các tôi tớ Đức Chúa Trời.
Xin chú ý, đương nhiên cái kềm ấy xuất phát từ tay Đức Giê-hô-va vạn quân cách gián tiếp, nhưng khó chịu thay kềm than hồng ấy do các sê-ra-phim ở đây gắp lấy để xử lý cách khắc nghiệt vào môi miệng, vào cuộc đời anh em. Ai có thể chịu nổi?
Tôi từng thấy sê-ra-phim Môi-se nổi giận thánh khiết đập bể hai bảng luật pháp trừng phạt dân chúng, mà việc làm đó được Chúa đánh giá ghi công ở Thi 106: 23; Sa-mu-ên trong cơn nổi giận thuộc linh cầm đốc kiếm vận dụng hết tàn lực vật lý bằm nát A-ga trước mặt Đức Giê-hô-va, để nói lên rằng Đức Chúa Trời thánh khiết không hề khoan dung xác thịt hay dung chịu sự bội nghịch cùng bướng bỉnh (I Sa 15: 22 – 23). Ê-li-sê trừng phạt Ghê-ha-xi, Phao-lô phó bạn đồng công cho Satan, Phi-e-rơ giết hai vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra… Tất cả nói lên thẩm quyền thuộc linh của các sê-ra-phim bênh vực đức thánh khiết của Chúa nên phải xử lý, hình phạt, cấm cố các kẻ vi phạm. Và tôi xin nói rằng mãi đến ngày nào các kẻ vi phạm đó chịu cúi xuống trước mặt Chúa như Ê-sai, nhìn nhận mình là gì, mình làm điều sai quấy thiếu hụt nào, cầu xin sự tha thứ nơi Chúa và xin lỗi các sê-ra-phim đang thi hành án lệnh, thì các anh em phạm tội đó mới được Chúa kêu gọi và đại dụng trong linh trường tươi mới như Ê-sai mà thôi. Sa vào tay Đức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay. Chạy đâu cho thoát bàn tay các sê-ra-phim cầm kềm than hồng đáng sợ ấy? Chúa đang tẩy sạch các hội thánh Ngài. Amen./.