Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Dong chay Cua Linh




Thật có một dòng chảy. Trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta gọi đó là "dòng chảy của [Thánh] Linh". Trong mỗi thời đại, Đức Chúa Trời bảo đảm dòng chảy này không bị gián đoạn, tức là luôn luôn tiến lên. Dòng chảy của [Thánh] Linh đang tiến lên trong các hội thánh ngày nay. Cách đây ít lâu, tôi đọc một bộ sưu tập các bài giảng của Wesley. Tạ ơn Đức Chúa Trời vì tôi có thể thấy dòng chảy của [Thánh] Linh ngày nay đang tiến lên. Nếu nhìn lại và xem xét Wesley, một mặt chúng ta phải thừa nhận công tác của ông trước mặt Chúa rất lớn lao và có lẽ đời sống chúng ta không thể sánh với ông; tuy nhiên, về mặt khác, ngày nay dòng chảy của [Thánh] Linh đang tiến lên. Đây là nguyên tắc cơ bản: Nếu chúng ta làm điều Đức Chúa Trời muốn làm trong thế hệ của mình, chúng ta sẽ có dòng chảy của [Thánh] Linh. Tuy nhiên, nếu luôn luôn bám lấy quá khứ và đòi hỏi Đức Chúa Trời hành động theo những gì chúng ta cho là quan trọng và đáng ước ao, chúng ta sẽ không có dòng chảy của [Thánh] Linh.
Làm một Martin Luther vào thế kỷ thứ mười sáu là điều tốt, nhưng nếu chỉ là Martin Luther vào năm 1950 thì không đủ. Làm một Madame Guyon vào thời Trung Cổ là điều tốt, nhưng chỉ là Madame Guyon vào năm 1950 thì không đủ. Làm một Wesley vào thế kỷ thứ mười tám là điều tốt, nhưng làm một Wesley vào năm 1950 thì không đủ. Làm một Darby vào năm 1828 là điều tốt, nhưng làm một Darby vào năm 1950 thì cũng không đủ. Đức Chúa Trời luôn luôn tiến lên phía trước, và công cụ nào được dùng cũng là để làm trọn chức năng của mình đối với hội thánh. Dòng chảy của [Thánh] Linh trong hội thánh luôn luôn tiến lên.
Nhiều người có nhược điểm cơ bản này, đó là họ không nhận biết dòng chảy của [Thánh] Linh trong hội thánh. Trong hội thánh, có nhiều người khổng lồ thuộc linh là những người đem lại nhiều điều thuộc linh. Ngày nay chúng ta là những người thừa kế sự phong phú của họ. Các thánh đồ như Martin Luther, Madame Guyon, John Nelson Darby, Evan Roberts và Jessie Penn-Lewis đều để lại cho chúng ta ít nhiều sự phong phú thuộc linh. Chúng ta không đủ lời cảm tạ và ngợi khen Chúa về điều ấy. Tuy nhiên, ngày nay, dầu chúng ta thành công trong việc trở nên một Martin Luther, một Madame Guyon, một  Darby,  một  Roberts  hay  một Penn-Lewis, chúng ta vẫn thất bại vì chưa thấy trọng điểm, đó là dòng chảy của [Thánh] Linh.
Mỗi một thời đại đều tùy thuộc vào một dòng chảy. Chúng ta phải thừa nhận rằng toàn bộ chiều hướng của Kinh Thánh, từ Sáng Thế Ký đến Khải Thị, là một chiều hướng tiến lên. Đức Chúa Trời đã được mặc khải dần dần, thậm chí cách tiệm tiến từ thời đại này qua thời đại kia.
Một anh em ở Hồng Kông có lần hỏi tôi ý nghĩa của sách Hê-bơ-rơ. Tôi hỏi lại anh ấy: "Sự khác biệt giữa sách Công Vụ và sách Hê-bơ-rơ là gì?" Công Vụ là một quyển sách tiến tới. Khi đã đến chương tám, chúng ta không thể trở lại chương hai. Chúa đã đi đến Sa-ma-ri rồi. Nếu trở lại Giê-ru-sa-lem, làm thế nào chúng ta đến được đầu cùng trái đất? Nơi nào có Chúa thì có đường lối. Thánh Linh ao ước đi đến Rô-ma, và Thánh Linh ao ước đi đến đầu cùng trái đất. Đi đến Sa-ma-ri là bước thứ nhất, đó cũng là bước chuẩn bị để đi đến đầu cùng trái đất. Các sứ đồ được nảy sinh giữa vòng người Ngoại Bang là một điều đúng đắn và là một bước tiến. Nếu sau khi đã ra khỏi Giê-ru-sa-lem mà chúng ta vẫn ao ước ở lại Giê-ru-sa-lem thì thật là sai lầm. Các sứ đồ công tác cho người Ngoại Bang tiếp tục tiến lên cho tới khi họ đến Rô-ma.
Sách Hê-bơ-rơ bày tỏ cho chúng ta những người có một trong hai nhân dạng, hoặc là người Do Thái   hoặc là Cơ-đốc nhân, nhưng sách Công Vụ bày tỏ những người có hai nhân dạng, vừa là người Do Thái vừa là Cơ-đốc nhân. Trong Công Vụ, có ghi chép về đền thờ. Vào thời đó, các Cơ-đốc nhân một mặt vẫn đến viếng đền thờ, mặt khác họ cầu nguyện tại các buổi nhóm: "Chúa ôi, con dâng chính mình cho Ngài". Khi nhận biết mình phạm tội, một mặt họ xin thầy tế lễ giúp đỡ mình, và mặt khác, họ cầu nguyện. Vào thời đó, các Cơ-đốc nhân vừa làm người Do Thái, vừa làm Cơ-đốc nhân. Có hai sinh tế, hai sự tha thứ và hai của lễ chuộc tội. Có thập tự giá, và cũng có một sinh tế, là chiên con. Sách Hê-bơ-rơ nói về những Cơ-đốc nhân lùi về Do Thái giáo: "Anh em sẽ là Cơ-đốc nhân hay anh em là người Do Thái?" Trong Công Vụ, một người vừa có thể là Cơ-đốc nhân vừa là người Do Thái, nhưng trong sách Hê-bơ-rơ, người ấy không thể làm cả hai. Chúng ta phải chọn một trong hai. Chỉ có thể có một chiên con cứu chuộc, một thầy tế lễ, và một đền thờ. Vì vậy, Hê-bơ-rơ chương 10 nói đừng bỏ qua sự nhóm lại (c. 25). Nếu chúng ta ngưng nhóm lại trong Đấng Christ, sẽ không còn của lễ chuộc tội (c. 26). Vì vậy, chỉ có một tư tưởng cơ bản liên quan đến người Hê-bơ-rơ, đó là tiến lên. Chúng ta phải tiến tới. Dòng chảy của [Thánh] Linh luôn luôn tiến về phía trước.
Vì dòng chảy của [Thánh] Linh không ngừng tiến tới, những gì được thực hiện ở Giê-ru-sa-lem không đủ đáp ứng nhu cầu tại  Rô-ma.  Những  gì  hoàn  thành  tại Sê-sa-rê không đủ cho ngày nay. Sự tiến triển được nói đến ở đây liên quan đến toàn bộ dòng chảy của [Thánh] Linh. Đức Chúa Trời cho phép Titus hủy diệt Giê-ru-sa-lem vì Ngài chỉ có thể cho phép một Giê-ru-sa-lem tồn tại mà thôi. Sau khi hội Thánh được thiết lập trên đất, Đức Chúa Trời hủy diệt Giê-ru-sa-lem kia. Sự hủy phá Giê-ru-sa-lem chấm dứt các sinh tế. Người Do Thái có thể vẫn giữ lễ Vượt Qua, nhưng không còn chiên con nữa. Đó là một sự tiến bộ. Đức Chúa Trời đã hủy diệt chiên con thứ nhất. Trong sách Công Vụ, một người có thể có hai nhân dạng nhưng khi đến sách Hê-bơ-rơ, chúng ta chỉ có thể có một mà thôi. Đó là một mạng lịnh nghiêm trọng - không còn của lễ chuộc tội bằng loài vật nữa.
Vào thời của sách Công-vụ, Phao-lô vẫn còn giữ một lời thề (18:18). Xin đừng đo lường một người ở một thời đại nào đó theo tiêu chuẩn tuyệt đối của Đức Chúa Trời. Ngày nay, chúng ta phải đi theo dòng chảy của [Thánh] Linh. Bất cứ nơi nào Thánh Linh tiến tới, chúng ta phải bước theo. Không có gì sai lầm khi Phao-lô cắt tóc và đi vào đền thờ để thanh tẩy chính mình (21:26), vì dòng chảy của [Thánh] Linh chỉ đến giai đoạn đó. Tuy nhiên, sách Hê-bơ-rơ phá đổ toàn bộ Do Thái giáo. Sách Hê-bơ-rơ nói rằng vì sự hoàn hảo đã đến, Môi-se phải chấm dứt. Đức Chúa Trời đang tiến lên trong sự dạy dỗ và trong dòng chảy của [Thánh] Linh.
Suốt hai ngàn năm lịch sử hội Thánh, Thánh Linh của Đức Chúa Trời luôn luôn tiến tới. Thậm chí sau sách Công Vụ chương 28, Linh của Đức Chúa Trời vẫn còn tiến tới, Ngài không bao giờ dừng lại. Sách Công-vụ không có kết thúc. Chúng ta thật dại dột nếu nghĩ rằng Thánh Linh đã lìa khỏi hội-thánh. Thật ra, trong mỗi thời đại Đức Chúa Trời luôn luôn dấy lên một vài người. Trong mỗi thời đại hội-thánh vẫn tiến tới. Từ thế hệ này sang thế hệ khác, hội Thánh luôn luôn tiến lên và không ngừng tiến bộ, thậm chí cho đến ngày nay. Chỉ có những người bước đi theo lòng của Đức Chúa Trời mới được ban phước bằng cách được Ngài ban cho con cái nối dõi. Mi-canh không có con (2 Sa 6:23), nhưng Bát-sê-ba, mẹ của Sa-lô-môn có các con trai (12:24). Dòng dõi là sự nối tiếp của dòng Linh, đó là điều tôi gọi là dòng chảy của [Thánh] Linh. Chúng ta đã thừa kế tất cả ân điển từ cha ông và các tổ phụ, chúng ta nhận lãnh di sản thuộc linh từ họ. Đường lối của Đức Chúa Trời có đang tiến lên giữa vòng chúng ta hôm nay không, hay Ngài đang chuyển động qua những người khác? Đó là điều tôi gọi là uy quyền của Thánh Linh. Một khi chúng ta thất bại, Thánh Linh sẽ bày tỏ chính Ngài qua những người khác. Uy quyền của Thánh Linh giống như một thân cây phát triển không ngừng. Bất cứ nơi nào có dấu ấn của Thánh Linh, tại đó có đường lối của Đức Chúa Trời.
Nếu dòng chảy này bị gián đoạn thì sao? Chúng ta nên nghiên cứu lịch sử hội Thánh để quan sát dấu chân của Đức Chúa Trời. Những dấu chân ấy có thể được khám  phá  trong  lịch  sử  và  trong hội Thánh. Khi nhìn lại Martin Luther, chúng ta có thể thấy nhiều sự yếu đuối trong ông, nhưng trong thời của ông, công việc của Luther là đỉnh cao công tác của Thánh Linh. Ngày nay chúng ta là kết quả công tác của Luther. Không ai trong chúng ta sống lâu đủ để điều khiển dòng chảy này.
Trải qua các thời đại, hội Thánh giống như những phiến đá dưới một dòng nước để người ta đặt chân lên. Công tác của Thánh Linh trên chúng ta là làm cho chúng ta trở thành những phiến đá mà qua đó Ngài có thể di chuyển. Đó là vinh quang lớn lao nhất của chúng ta. Nếu Ngài không chắc chắn có được một lối đi qua chúng ta, Ngài sẽ chọn một phiến đá khác để bước lên. Nếu Ngài không thể tuôn đổ qua chúng ta, chúng ta sẽ phải chịu mất mát vô cùng. Dấu ấn của Thánh Linh có thể ở một nơi nào đó trong hiện tại, nhưng mười năm nữa, dấu ấn ấy ở đâu là điều chúng ta không thể biết. Mỗi ngày Thánh Linh đi qua loài người rồi để họ qua một bên, từng nhóm người một. Nhiều người dường như đã mất đi sự hữu dụng của mình rồi. Vì vậy, chúng ta phải ở trên lối đi của Thánh Linh. Nếu Thánh Linh không thể hoàn thành điều gì qua chúng ta, thì Ngài sẽ phải bắt đầu cách mới mẻ với một người khác. Thật là một điều nghiêm trọng!
Chúng ta nên luôn bước trên lối đi tích cực. Trong hai mươi năm qua, Anh T. Austin-Sparks đã lưu tâm đến vấn đề phục vụ của Thân Thể. Vài người đã nêu lên điều ấy trước đó một trăm ba mươi năm, nhưng không ai bước đi theo lối ấy cả. Sự khôi phục một lẽ thật rất khác với việc thật sự bước đi trên con đường của lẽ thật ấy. Mãi đến thời T. Austin-Sparks thực tại thuộc linh này mới bắt đầu phát lộ. Bây giờ là thời điểm để chúng ta đi con đường thực hiện chức năng trong sự phục vụ của Thân Thể cách đầy trọn. Mọi sự cần phải được dâng hiến để đẩy mạnh [sự rao giảng] phúc âm. Chúng ta đi học để đẩy mạnh [sự rao giảng] phúc âm, và chúng ta làm việc để đẩy mạnh [sự rao giảng] phúc âm. Sự khôi phục của Chúa trong hội thánh cũng được phản ảnh qua những lãnh vực khác. Khi Chúa có được một chuyển động trong hội thánh, thì Ngài tạo nên một chuyển động tương ứng trên thế giới. Chúng ta phải đạt đến giai đoạn mà toàn bộ Thân Thể phối hợp với nhau trong sự phục vụ và tiến đến giai đoạn mà mọi sự đều vì phúc âm. Khi cả hội thánh đều phục vụ, thì ngày Chúa đến rất gần. Vào thời đó, không những sự dạy dỗ được tuôn tràn, mà Thánh Linh cũng tuôn tràn nữa. Hội thánh chuyển động vì Thánh Linh chuyển động trước. Ngay khi Thánh Linh chuyển động, mọi người sẽ nói "A-men" với sự chuyển động của Ngài. Thánh Linh đã chuyển động trước chúng ta, và chúng ta đang theo Ngài trong chuyển động này. Lời rao giảng và cảm nhận thuộc linh của chúng ta đều phải cập nhật với dòng chảy của [Thánh] Linh.

(Wachtman Nee)