VƯƠNG QUỐC CỦA SỰ SỐNG XUNG ĐỘT
VỚI VƯƠNG QUỐC CỦA SỰ CHẾT.
Kinh văn: Sáng 2:9, 15-17, 3:22-24, Giăng 10:10, Sứ 1:1-5,8
Trong các sứ điệp này chúng ta đang bàn về các lời: “Vương quốc, quyền năng và vinh quang đều thuộc về Cha đời đời”, và tôi muốn chúng ta nhắc lại đôi điều.
Anh em sẽ nhớ những gì chúng tôi đã nói về câu cuối của Mathiơ 16 và câu 1 chương 7. Jésus phán cùng môn đồ mình: “trong những người đứng đây có những kẻ hẳn chẳng nếm sự chết cho đến khi họ thấy Con Người ngự đến trong Vương quốc Ngài”, và vì cớ không có các sự chia đoạn trong tác phẩm Mathiơ theo nguyên văn, nên văn kiện tiếp ngay đến chương 17: “Jésus đem theo Ngài Phierơ, Gia cơ và Giăng, lánh riêng lên núi cao, và Ngài đã biến hình trước mặt họ”. Nhiều người đã tưởng rằng sự biến hóa vốn là sự ứng nghiệm cho các lời đó, vì họ nghĩ đó là lúc “con người ngự đến trong Vương quốc Ngài”, nhưng chúng tôi có các lý do tốt khi nói rằng đó chỉ là nửa lẽ thật. Sự biến hóa là Vua được giới thiệu trong vinh quang Ngài, nhưng Vua đã ngự đến chung với Vương quốc cách thuộc linh vào ngày ngũ tuần.
SỰ QUANG LÂM CỦA ĐỨC THÁNH LINH,
QUYỀN NĂNG CỦA VƯƠNG QUỐC.
Chúng ta có các lời “Vương quốc và quyền năng… thuộc về Cha”. Vương quốc đã đến trong quyền năng vào ngày ngũ tuần, vì dù các môn đồ đã thấy Vua, họ đã chưa nhận được quyền năng của Vương quốc. Ngay đầu sách Sứ đồ, Vua đang phát ngôn cùng họ về “những điều về Vương quốc Đức Chúa Trời”, Ngài phán cùng họ: “các ngươi hãy chờ đợi tại Giêrusalem cho đến khi các ngươi nhận lãnh được quyền năng, mà các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng khi Đức Thánh Linh đến trên các ngươi trong mấy ngày tới đây”.
Những gì chúng ta muốn thấy vào lúc này, như Chúa giúp đỡ, là Vương quốc và quyền năng tập chú vào điều gì. Vương quốc và quyền năng tập chú điều gì? Nói cách khác, nếu sự quang lâm của Đức Thánh Linh là quyền năng của Vương quốc, Đức Thánh Linh sẽ đặt chú tâm của Ngài trên điều gì? Tôi hi vọng anh em sẽ không tưởng rằng tôi nói quá đáng khi tôi nói rằng đây là điều tối quan trọng trong Kinh Thánh, và sự thật rất hiển nhiên khi điều này là việc tối quan trọng trong Tân ước. Hãy thật kiên nhẫn với tôi, vì tôi muốn làm cho thật sáng tỏ điều này. Tiêu điểm của Đức Thánh Linh trong Vương quốc tương quan với Vương quốc và quyền năng là gì?
Dấu vết tối thượng về mối lưu tâm của Đức Thánh Linh là gì? Tôi xin nói theo cách khác: bằng chứng hiển nhiên tối thượng của quyền năng Đức Thánh Linh là gì? Tôi không trả lời như dân chúng ngày nay thường nói. Họ vẫn nói: “ngoại trừ điều này… và điều kia… anh em không biết điều gì về Đức Thánh Linh đâu”. Bất luận có thể có được bằng chứng hiển nhiên nào khác về Đức Thánh Linh, chúng ta không thảo luận đến, nhưng có một bằng chứng tối thượng về Đức Thánh Linh, và lẽ thật đó đã được tìm thấy trong Kinh Thánh, từ chương đầu đến chương cuối. Dĩ nhiên, có nhiều điều khác mà không tìm được trong Kinh Thánh từ Sáng thế ký đến Khải thị, nhưng anh em sẽ tìm thấy điều này khắp mọi nơi trong Kinh Thánh, và điều đó biểu lộ đầy đủ vào đầu sách Sứ đồ. Vâng một chữ: “Sự phục sinh”. Sự phục sinh là điều vĩ đại hơn hết trong Kinh Thánh, và là điều chắc chắn hơn hết trong Tân ước,
SỰ PHỤC SINH TRONG CỰU ƯỚC.
Vừa mở Kinh Thánh chúng ta đọc: “Linh Đức Chúa Trời đã ấp ủ trên mặt nước”. Ngài đã ở đó vì điều gì? Tại sao Ngài đã ấp ủ trên nước? Vì cớ thế giới đã bị báp têm vào trong sụ thẩm phán của sự chết. Các dòng nước báp têm đã tràn ngập toàn trái đất trong sự thẩm phán và mọi sự đều ở trong tình trạng tối tăm và chết, nên Linh Đức Chúa Trời đã có ở đó vì mục đích phục sinh – Điều đó được ghi nhận vào ngày sáng tạo thứ ba, khi các sinh vật đã hiện hữu trên trái đất. Trái đất đã bắt đầu sản xuất các sinh vật vào ngày thứ ba, và mọi người đều biết Chúa Jésus đã phục hoạt vào ngày thứ ba.
Chúng ta không đủ thì giờ trải qua toàn bộ Kinh Thánh về sự việc này. Hẳn nhiên Ápraham đã ở trong lãnh vực của sự chết. Khởi đầu của sinh hoạt ông với Đức Chúa Trời đã giống như phuc sinh từ kẻ chết, và tuyệt đỉnh của đời sống Ápraham là sự phục sinh của Ysác. Về sau toàn dân Ysơraên đã ở Ai Cập, chỗ của sự chết. Thẩm phán của sự chết đã được thi hành trên Ai Cập, nhưng, nhờ quyền năng của sự phục sinh, Đức Chúa Trời đã đem dân Ngài ra khỏi miếng đất của sự chết và tối tăm. Có chép rằng họ đã chịu báp têm vào trong Môise trong đám mây và trong biển” (I Cô 10:2), và chúng ta biết rằng báp têm là xuyên qua sự chết vào sự sống. Sau đó quốc gia đã ở Babylôn, đất của sự chết thuộc linh, và tại đó Chúa đã gọi sự giải phóng ra khỏi Babylôn là một “sự phục sinh”. Qua đấng tiên tri Chúa phán, “Hỡi dân ta, này ta sẽ mở mồ mả các ngươi, làm cho các ngươi lại lên khỏi mồ mả, và ta sẽ đem các ngươi về đất của Ysơraên” (Êxêch 37:12).
Đây chỉ là một sự chỉ dẫn bất toàn rằng sự phục sinh thống trị toàn bộ Cựu ước.
SỰ PHỤC SINH TRONG TÂN ƯỚC.
Bây giờ khi chúng ta bước vào Tân ước, chúng ta đến các lời này do Chúa Jésus phán cùng các môn đồ mình: “các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng, khi Đức Thánh Linh đến trên các ngươi, và các ngươi sẽ là các chứng nhân của ta”. Điều chứng nhân đó đã phát sinh là gì? Có chép trong một lời tuyên bố: “với quyền năng lớn các sứ đồ đã đưa ra lời chứng về sự phục sinh của Chúa Jésus” (Sứ 4:33). Họ đã là các chứng nhân cho hai điều, hay hai diện của một sự việc. Họ đã là các chứng nhân cho thực sự của sự phục sinh, nhưng họ vốn nhiều hơn điều đó, họ đã là các chứng nhân cho quyền năng của sự phục sinh.
Tại sao Chúa Jésus đã cư ngụ 40 ngày tiếp sau sự phục sinh của mình? Luca diễn tả điều này thành một tuyên bố: “sau khi chịu khổ hại, Ngài cũng đã bày tỏ chính mình là sống bằng nhiều bằng cớ, từng hiện ra cho họ trải 40 ngày”. Đó là giải đáp cho vấn nạn – “nhiều bằng cớ”. Ngài đã sắp lìa khỏi họ nên không để lại chỗ nghi vấn nào về sự việc phục sinh này, và họ sắp có bằng cớ hiển nhiên về sự phục sinh bởi nhiều bằng chứng.
Anh em ơi, sự phục sinh không phải là giáo lý. Có thể đó là sự dạy dỗ cơ đốc, nhưng đó không phải là giáo lý cơ đốc không có bằng cớ theo kịp thời. Anh em có biết rằng mọi văn phẩm và sự dạy dỗ về Chúa Jésus và sự phục sinh đều đã không được thực hiện mãi sau khi các việc đó đã xảy ra 35 năm rồi sao? Tôi muốn anh em nắm điều đó. Anh em thấy chúng ta có điều đó trong một quyển sách, và tôi đã có thể bảo anh em về những gì trong quyển sách, vì trong đó có chép rằng Jésus đã chết, đã bị đóng đinh, và Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, và rồi Ngài đã hiện ra cho các môn đồ mình trải 40 ngày. Anh em có thể đọc mọi điều đó trong quyển sách – nhưng không chỉ một sứ đồ đã có sách đó, đó là Tân ước hay một bộ phận của nó. Lời dạy dỗ đã xuất hiện sau lẽ thật, thực sự mọi điều trong quyển sách đã xuất hiện 35 năm sau thực sự. Nếu dân chúng đã phải hỏi các sứ đồ đó: “Làm sao các anh biết rằng Jésus đã sống lại từ kẻ chết?”, họ không bao giờ đáp: “điều đó chép trong quyển sách”. Họ đáp: “điều đó ở bên trong chúng tôi”. Đó là một bộ phận trong lịch sử thuộc linh của chúng tôi, và anh em sẽ chỉ chờ đợi ít lâu anh em sẽ thấy bằng chứng của điều đó. Anh em sẽ làm mọi sự mình có thể làm được trong thế giới này để giết chết chứng cớ này, mọi loại quyền năng biết được đều sẽ được sử dụng để thủ tiêu chứng cớ này – chứng cớ này sẽ minh chứng là nó ở trong quyền năng lớn hơn mọi quyền năng trong vũ trụ này. Khi Jésus phán: “các ngươi sẽ là các chứng nhân của ta”, Ngài ngụ ý rằng chính mình các sứ đồ là các chứng nhân cá thể cho thực sự vĩ đại này. Khi Mathiơ viết phúc âm mình, ông đã làm vậy vì cớ những gì sắp được ông viết ra thì vốn đã được minh chứng là chân thật trong thế giới rồi. Hội thánh Tân ước đã thăng tiến cách rất tốt đẹp, ít ra 35 năm mà lúc đó chưa có một văn kiện thành văn nào, vì hội thánh đã dựa trên các thực sự mà đã được minh chứng trong đời sống của các kẻ rao giảng. Tác dụng của Vương quốc này vốn ở trên một lãnh vực lớn hơn trong thế giới này.
VƯƠNG QUỐC CỦA SỰ SỐNG BẤT HỦ.
Vương quốc Đức Chúa Trời là Vương quốc của sự sống bất hủ. Anh em nắm được điều đó chăng? Tôi xin lặp lại. Đây không chỉ là một tuyên bố về lẽ thật cơ đốc, đó là sự trắc nghiệm về sinh hoạt cơ đốc nhân. Vương quốc Đức Chúa Trời là Vương quốc của sự sống bất hủ, nhưng Vương quốc của Đức Chúa Trời xung đột với Vương quốc khác, và đây là một điều chúng tôi đã từng nhấn mạnh luôn. Chúng ta đã thấy rằng Vương quốc của Đức Chúa Trời là Vương quốc của sự sáng xung đột với Vương quốc của sự tối tăm, và bây giờ nó là Vương quốc của Đức Chúa Trời như Vương quốc của sự sống xung đột với Vương quốc của sự chết.
Tôi ngạc nhiên nếu anh em đã thực sự dừng lại suy nghĩ: “Các ngươi sẽ nhận lãnh quyền năng, khi Đức Thánh Linh đã đến trên các ngươi”. Tôi nghĩ có nhiều ý tưởng sai lầm về sự việc quyền năng này. Nhiều người bảo cùng chúng tôi rằng quyền năng Đức Thánh Linh là điều này hay điều kia. Họ có thể đúng ít nhiều, những gì tôi sắp nói cùng anh em đây, anh em ơi, và điều tôi tin phải là lẽ thật, rằng quyền năng của Đức Thánh Linh là quyền năng của sự sống thần thượng. Nếu có thì giờ tôi đã có thể minh chứng điều này từ Kinh Thánh. Anh em chỉ có thể thấy thế nào quyền năng đã được liên kết với sự phục sinh trong Tân ước để thấy rằng đó là quyền năng của Đức Thánh Linh. Lời chép gì về hành động? Đức Thánh Linh khiến Jésus từ kẻ chết sống lại? Kinh Thánh tập chú vào sự sống vốn ở trong Ngài, và chép rằng khi Jésus còn ở trong phần mộ, Ngài đã không thấy sự hư nát. Phierơ trích dẫn kinh văn về điều này – “Ngài sẽ không để cho Đấng Thánh Ngài thấy sự hư nát” (Sứ 2:27), và ông áp dụng kinh văn đó cho Jésus rằng: “xác thịt Ngài cũng đã không thấy sự hư nát” (Sứ 2:31). Toàn bộ diễn trình tự nhiên của mọi vật đã bị kiểm chế. Rồi Phao lô nói: “Nếu Linh của Đấng đã khiến cho Jésus từ kẻ chết sống lại cư trú trong anh em” (La 8:11). Quyền năng của Đức Thánh Linh đã được minh chứng trong khâu triển hoãn quyền năng của sự chết. Còn có lời cao cấp của sứ đồ Phao lô: “tính cách cực kỳ vĩ đại của quyền năng Ngài hướng về chúng ta, những kẻ tin, theo khâu vận hành của cường lực do đại năng của Ngài mà Ngài đã vận hành trong Christ, khi Ngài đã khiến Đấng ấy từ kẻ chết sống lại” (Êphêsô 1:19-20).
SỰ SỐNG PHỤC SINH LÀ CHIẾN TRƯỜNG.
Tôi tưởng anh em đã sáng tỏ rằng dấu hiệu tối thượng của hiện diện Đức Thánh Linh là sự phục sinh, nhưng sự sống phục sinh này luôn luôn là chiến trường giữa hai Vương quốc.
Hãy xem trường hợp của Chúa Jésus, có chép: “Trong Ngài vốn có sự sống” (Giăng 1:4), và hãy nhớ rằng câu đó được chép ngay ở phần đầu của phúc âm Giăng và liên kết với sự nhục hóa. Sự sống thần thượng này đã không ngự vào Jésus vào thời kỳ sau trong đời sống Ngài. Nó đã ở đó từ ban đầu. Tại sao hài nhi nhỏ bé này, Jésus, là đích điểm tức thì của kẻ sát nhân lớn, Satan vậy? Con người do Satan kiểm chế đó, Hê rốt, sẽ giết mọi trẻ con để nắm được Con Trẻ đó. Satan muốn thủ tiêu sự sống đó trước khi nó có cơ hội trưởng tiến. Đức Thánh Linh đã thấy điều đó, nên Hê rốt đã không thành công.
Rồi khi Chúa Jésus từ nước báp têm bước lên và khởi sự chức vụ rao giảng của mình, Ngài đã bắt đầu nơi mà mọi người rao giảng phải bắt đầu – tại thành của mình. Ngài đến Naxarét, và Ngài đã giảng gì trong nhà hội ở đó? Ngài lấy sách tiên tri Êsai và mở ngay chổ có chép: “Linh của Chúa ngự trên ta” (Lu 4:18). Sự sống thần thượng ở bên trong, còn Linh ở bên ngoài. Rồi việc gì đã xảy ra lúc đó? Dân thành của Ngài đã bắt Ngài, lôi Ngài đến bờ vực thẳm ở chân đồi, với dụng ý ném Ngài xuống và tiêu diệt Ngài. Sự sống, Linh và tình trạng chiến tranh: quyền năng của sự chết luôn tìm cách tiêu diệt sự sống thần thượng đó.
Và rồi tại Giêrusalem. Họ đã lượm đá ném Ngài bao nhiêu lần? Họ đã bàn luận với nhau bao nhiêu lần để thủ tiêu Ngài? Anh em thấy đó, đó là chiến trận vì sự sống thần thượng này.
Những gì đã đúng với Chúa cũng đúng với các sứ đồ của Ngài. Quyền năng của Linh đã đến trên họ - và rồi trận chiến đã bắt đầu! Phierơ bị ném vào ngục. Ông đã bị điệu ra tòa công luận và tòa án ấy quyết định thanh toán ông. Hêrốt quyết định giết ông. Ông ta đã giết Gia cơ, và khi ông ta thấy rằng điều đó vừa lòng dân chúng, ông ta cũng bắt Phierơ. Êtiên cũng đã bị ném đá, và chúng ta sẽ nói gì về Phao lô. Ông nói: “Ghe phen suýt chết” (II Cô 11:23). Họ đã ném đá ông, nỗ lực giết ông nhiều lần.
Lý do của mọi sự này là gì? Đó là vì sự sống thần thượng. Bất cứ điều gì và bất cứ ai thực sự chiếm hữu sự sống vĩnh cửu này đều bị Satan chú ý. Satan không nhịn chịu bất cứ điều gì có sự sống thần thượng này ở bên trong.” Kẻ thù sẽ bị phế thải sau cùng là sự chết” (I Cô 15:26). Sự chết là quyền năng lớn của Satan, và là quyền năng Vương quốc của Satan. Sự sống là quyền năng Vương quốc Đức Chúa Trời.
Dĩ nhiên điều này ngụ ý 2 hay 3 điểm. Vấn đề thứ nhất được đặt ra: nếu điều này thật, vậy chúng ta có nhận được sự sống thần thượng này không? Tôi xin nói cách khác. Ma quỉ có để cho anh em yên ổn chăng? Ma quỉ dung tha anh em chăng? Nếu có một lý do nào đó tỏ ra rằng ma quỉ không gây rối anh em, điều đó phải là một rối loạn rất lớn cho anh em rồi! Nếu ma quỉ không thích anh em, đó là một dấu hiệu rất tốt. Những gì đang chết đồng minh với quỉ. Một hội thánh chết, Ma quỉ không gây rối, vì đó là đồng minh của hắn. Hoặc là một cá nhân hay một hội thánh, nếu họ có sự sống thần thượng này, họ sẽ ở trong mặt trận. Điều này dễ nói, nhưng không dễ kinh nghiệm. Dễ nói: “vâng, tôi tin rằng tôi có sự sống đời đời, và rất dễ nói rằng chúng ta tin nơi sự phục sinh của Jésus Christ, nhưng điều đó sẽ làm chúng ta vướng mắc vào cuộc tranh chấp thiết thực.
Tôi muốn anh em nhớ rằng đây không phải là giáo điều về sự phục sinh. Chúng ta là các nhân chứng cho sự phục sinh, và như tôi đã nói, làm chứng cho sự phục sinh không chỉ là lấy Kinh Thánh và tuyên bố: “Kinh Thánh chép rằng Jésus đã sống lại rồi? Chúng ta không chỉ có một quyển Kinh Thánh, chúng ta phải là Kinh Thánh. Tại sao Chúa cho phép ma quỉ tấn công chúng ta? Để cho chứng cớ về quyền năng của sự phục sinh của Ngài có thể được biểu lộ trong chúng ta. Phao lô giải nghĩa: “luôn luôn mang lấy trong thân thể khâu tử hình của Jésus, hầu sự sống của Jésus có thể được biểu lộ trong thân thể chúng tôi” (II Cô 4:10 bản R.V). Chúng ta là chứng cớ cho sự phục sinh. “Quyền năng Đức Thánh Linh đến trên các ngươi… các ngươi sẽ là chứng nhân của Ta…”.
Vì cớ sự sống thần thượng đã có trong Jésus, trong các sứ đồ, trong hội thánh đầu tiên, chúng ta có cơ hội tốt. Nếu không, cơ đốc giáo đã trở nên một câu chuyện lịch sử trong sách vở từ 2000 năm rồi. Thật vậy dù có quyền năng rất lớn của Vương quốc sự chết chống đối, nhưng vì cớ sự sống bất hủ này ở bên trong, nên hội thánh đã cứ tiến tới trải suốt các thế kỷ. Đôi lúc quyền năng của sự chết quá lớn đến nỗi chúng ta kinh ngạc làm sao chúng ta sống sót, như Phao lô, chúng ta tuyệt vọng về mạng sống mình, nhưng rồi chúng ta lại trồi lên một lần nữa! Chúng ta đồng thanh với Phao lô: “nào như gần chết, mà nay vẫn sống” (II Cô 6:9).
Đây là Vương quốc của Đức Chúa Trời đang tác động theo các giới hạn của sự sống thần thượng. “Dầu các thứ tiếng sẽ dứt, dầu tri thức cũng sẽ thôi” (I Cô 13:8), nhưng điều mà sẽ tồn tại đời đời là sự sống mà Chúa đã che chở từ vườn Ê-đen, cứ tiến lên.