NỘI DUNG
DẪN NHẬP
1. Sự thiết lập Cơ đốc giáo tại Châu Mỹ (1606 -)
2. Cuộc thức tỉnh vĩ đại thứ I (1726 - 1756)
3. Sự lan tràn của Tự nhiên thần giáo – Deism (1756 – 1763)
4. Cuộc cách mạng Mỹ (1776 – 1783)
5. Thần bí thuyết (TK 17)
6. Quyền tự do tôn giáo tại Pennsylvania (1682)
7. Cuộc phục hưng của phái Methodists tại Anh quốc (1738)
8. Giáo hội chánh thống Nga liên kết với chính quyền (1721)
9. Phong trào Trường Chúa nhật (1780)
10. Phong trào Oxford (1833)
11. Phong trào Cứu thế quân (1865)
12. Công cuộc truyền giáo Ấn độ (1792)
13. Phê bình Kinh thánh (1753)
14. Chủ nghĩa duy vật (TK 19)
15. Thuyết tiến hóa (1859)
16. Tuyên bố Giáo hoàng vô ngộ (1870)
17. Chủ nghĩa Phát xít (thập niên 1930 – 1940)
18. Chủ nghĩa Cộng sản (1848)
19. Cuộc Đại thức tỉnh thứ nhì (1776- 1810)
20. Sự xuất hiện các tà giáo (TK 19)
21. Chủ nghĩa tự do trong thần học Mỹ (TK 19)
22. Sự hợp tác liên giáo phái và phi giáo phái (TK 19)
23. Phong trào chống phân biệt chủng tộc (1865)
24. Phong trào nền tảng (Fundamentalism – 1910)
25. Phong trào Giám lý (TK 18 – 19)
26. Phong trào Ngũ Tuần (đầu TK 20)
27. Tin Lành Hiện Đại (1931)
28. Liên hiệp Tin lành thế giới (1951)
29. Chiến dịch truyền giảng của Billy Graham (1949 -)
30. Phong trào nữ quyền (1975)
KẾT LUẬN
DẪN NHẬP
Học lịch sử chính là “nhìn lại quá khứ” để có thể “hướng đến tương lai”. Học lịch sử chính là “ôn cố” để có thể “tri tân”. Học lịch sử chính là học theo những tấm gương tốt, tránh những gương xấu và rút ra bài học cho chính mình ... Đây chính là mục đích của môn lịch sử nói chung và lịch sử Cơ đốc giáo nói riêng. Ba mươi biến cố xảy ra trong lịch sử Hội thánh từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20 được tóm tắt sau đây chính là những bài học quan trọng không riêng của giới nghiên cứu mà còn của mỗi người Cơ đốc hôm nay. Chúng ta cùng khảo sát sơ lược những biến cố này để có thể hiểu thêm cách mà Đức Chúa Trời hành động qua lịch sử.
1. Sự thiết lập Cơ đốc giáo tại Châu Mỹ (1606)
Sự kiện Colombo tìm ra châu Mỹ (1492) trùng hợp với sự kiện Luther Cải chánh (1517) đã giúp cho Cải chánh giáo non trẻ một lối thoát khi gặp cơn bắt bớ của Công giáo. Hàng trăm nghìn người châu Âu đã từ bỏ quê hương để tìm tự do ở Tân thế giới. Những cuộc di cư được công nhận chính thức vào năm 1606 – 1607 tại James town đã khởi sự cho việc xây dựng quê hương mới của những Cơ đốc nhân châu Âu. Tất cả giáo phái: Giám lý, Baptist, Hội chúng, Trưởng lão ... đều hội tụ về đây. Sự thiết lập của Cơ đốc giáo tại Châu Mỹ là một sự kiện quan trọng, mở ra một cơ hội mới cho sự bành trướng của Cải chánh giáo trên qui mô toàn cầu.
2. Cuộc thức tỉnh vĩ đại (1726 - 1756)
Cuộc thức tỉnh vĩ đại (Great Awakening) bao gồm một loạt những cuộc phục hưng tại các Hội thánh ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Khởi đầu vùng nông thôn, trong các làng mạc Northampton, Massachusett dưới sự lãnh đạo của Jonathan Edward và George Whitefield tại Anh quốc. Chính cuộc thức tỉnh này đã tạo sự chia rẽ ở một số hệ phái vừa là tiền đề cho cuộc Thức tỉnh thứ hai, đồng thời phát triển khái niệm dân chủ thúc đẩy cuộc cách mạng Mỹ. Tuy nhiên ảnh hưởng của cuộc phục hưng này không kéo dài vì tác động của cuộc Cách mạng và sự xuất hiện của Tự nhiên thần giáo (Deism).
3. Sự lan tràn của Tự nhiên thần giáo – Deism (1756 – 1763)
Bắt nguồn từ lý thuyết của Copeniccus, Galilei, Isaac Newton, Bancon, Locker ... Phái này cho rằng những qui luật tự nhiên của tôn giáo có thể khám phá được nhờ lý luận. Họ tin rằng Đức Chúa Trời là nguyên nhân đầu tiên của cõi tạo vật, tuy nhiên sau đó Ngài “rút lui”, để cho vũ trụ tự vận hành, tự phát triển theo qui luật tự nhiên. Do đó không có chỗ cho phép lạ, sự mặc khải, Kinh thánh, lời tiên tri, ơn thần hựu hay Đấng Christ đến thế gian. Tự nhiên thần giáo cho rằng Đấng Christ chỉ là vị giáo sư đạo đức và con người phải sống và sửa mình theo đạo đức. Tự nhiên thần giáo đã lan tràn khắp châu Âu, Tân thế giới và đã tạo tiền đề cho chủ nghĩa Thượng phê bình Kinh thánh.
4. Cuộc cách mạng Mỹ (1775 – 1783)
Là cuộc chiến tranh giành độc lập của 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ chống lại Đế quốc Anh khởi sự từ năm 1775 và kết thúc bởi Hiệp định Paris 1783. Chính cuộc cách mạng này tạo sự chia rẽ giữa các hệ phái khi phái Quaker, Mennonite, Moravians không tham dự cuộc chiến. Phái Hội chúng, Baptists, Lutheran và Trưởng lão ủng hộ cuộc chiến, còn Giám lý giữ vai trò trung lập. Tuy nhiên sự chấm dứt cuộc chiến mang ý nghĩa rất quan trọng khi luật tự do thi hành tôn giáo được ban hành, Giáo hội độc lập với chính quyền, giáo hữu được tham gia chính quyền và các Hội thánh cung cấp tuyên úy trong quân đội.
5. Thần bí thuyết - Mystics (thế kỷ XVII)
Bắt nguồn từ phong trào thần bí Công giáo, phong trào này nhấn mạnh lối tiếp cận trực giác với Đức Chúa Trời bởi việc thụ động mở linh hồn ra trước ảnh hưởng của sự sáng bề trong. Sau đó được Molinos, Madame Guyon củng cố thêm, đặc biệt Fenelon với tác phẩm “Sự toàn hảo của Cơ đốc nhân”. Khoa học gia Swedenborg cho rằng đàng sau thế giới thuộc thể của cõi tự nhiên chính là thế giới tương ứng của cõi thuộc linh. Từ đó sản sinh ra giáo phái Hội thánh Giêrusalem Mới, phái Quakers ... chủ trương của họ là sống tách biệt thế gian, không đi lính và quan tâm đến tâm linh nhiều hơn ...
6. Quyền tự do tôn giáo tại Pennsylvania (1682)
Được khởi xướng bởi William Penn (1644 – 1718), ông đã chấm dứt sự bắt bớ khi vua Charles II ban tặng đất tại Mỹ cho ông vào năm 1681 để trả khoản nợ cho cha của ông. Penn đã thành lập Pennsylvania vào năm 1682 trên cơ sở quyền tự do tôn giáo hoàn toàn và mời gọi các hệ phái bị áp bức ở châu Âu đến. Penn là người có công đầu khi áp dụng chính sách tự do tôn giáo tại một vùng đất, mở đường cho chính sách tự do tôn giáo tại Mỹ được thể hiện bởi Bản Tu chính hiến pháp đầu tiên.
7. Cuộc phục hưng của phái Methodists tại Anh quốc (1738)
Cuộc phục hưng của phái Methodists chính là cuộc thức tỉnh thứ ba tại Anh quốc, đến sau cuộc cải chánh thế kỷ 16 và Thanh giáo thế kỷ 17. Cuộc phục hưng này gắn liền với tên tuổi của John Wesley. Các sử gia đều đồng ý rằng cuộc phục hưng này quan trọng ngang với cuộc cách mạng Pháp và John Wesley đã cứu nước Anh khỏi cuộc một cách mạng đẫm máu. Nhờ John Wesley, Tin lành phát triển vững mạnh tại Anh quốc, xã hội được cải cách, chiến tranh và chế độ nô lệ bị lên án, y tế công cộng phát triển, phong trào Trường Chúa Nhật nở rộ ... chuẩn bị cho một thế hệ các nhà thần học nổi tiếng người Anh trong thế kỷ 19.
8. Giáo hội chánh thống Nga liên kết với chính quyền (1721)
Do cuộc Đại Ly giáo năm 1054, do các cuộc chiến tranh của Hồi giáo với Roma và Constantinople, do vị trí địa lý, Giáo hội Nga đã tách rời khỏi hai hệ thống trên và trở thành Giáo hội quốc gia. Sự thất thủ của Roma vào tay quân man rợ và Constantinople rơi vào tay Hồi giáo vào năm 1453 đã khiến người Nga nghĩ rằng Moscow là “Rôma thứ ba”. Năm 1721, Peter Đại Đế đã bãi chức giáo trưởng và đặt giáo hội dưới quyền kiểm soát của Hội Nghị Thánh Sở (Holy Synod) và ở dưới quyền lãnh đạo trực tiếp của ông. Như vậy chính quyền và Giáo hội đã liên kết chặt chẽ với nhau và Giáo hội đã trở thành một ban ngành của nhà nước cho đến năm 1917.
9. Phong trào Trường Chúa nhật (1780)
Được khởi xướng bởi Hannah More (1745 – 1833), một nhà soạn kịch rất có ảnh hưởng và được phổ cập bởi Robert Rikers vào năm 1780 tại Anh quốc, để dạy các em thiếu nhi bậc tiểu học biết về lẽ đạo bên cạnh việc tập đọc, tập viết, toán và số học. Cùng lúc đó tại Mỹ, đầu năm 1786 Trường Chúa Nhật được tổ chức tại một căn nhà ở Virginia, năm 1790 được đưa vào trong Hội thánh tại Philadelphia. Kể từ đó, Trường Chúa Nhật đã là phần không thể thiếu trong tôn giáo tại Mỹ và giúp Hội Thánh dạy dỗ giới trẻ về lẽ thật Thánh Kinh. Việc phân lớp học theo độ tuổi đã giúp cho sự phát triển tiệm tiến của trẻ em trong lẽ thật Cơ đốc.
10. Phong trào Oxford (1833)
Phong trào này liên hệ với đại học Oxford , nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo hội và nghi thức trong nếp sống tôn giáo của cá nhân. Năm 1833, các lãnh tụ của phong trào bắt đầu xuất bản “Tracts for the Times”, trong đó họ kêu gọi chú ý đến tầm quan trọng của sự kế thừa các sứ đồ, sự tái sinh bởi phép Báptêm, và tầm quan trọng của nghi thức sự trong thờ phượng. Đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiện diện của Đấng Christ trong các yếu tố của thánh lễ, sự tái sanh, báp têm. Rất nhiều tín đồ Anh Quốc giáo đã chấp nhận các ý tưởng của họ. Phong trào này là sự thỏa hiệp giữa một số người theo Anh quốc giáo và Công giáo.
11. Phong trào Cứu thế quân (1865)
Là phong trào được khởi xướng năm 1865 bởi William Booth, một Mục sư Giám lý nhằm đem Tin lành đến cho những người thất nghiệp, vô gia cư ... qua truyền giảng và công tác xã hội. Tên gọi Cứu Thế Quân (Salvation Army) được đặt cho tổ chức này vào năm 1878, Booth đã tổ chức theo đường lối quân sự với một tổ chức có cấp bậc và đồng phục. Trụ sở chính đặt tại: 101 đường Nữ hoàng Victoria, London, Anh Quốc. Tổ chức này hiện có mặt trên toàn cầu. Trong thời gian qua, tổ chức này đã góp phần cứu giúp nạn nhân Thảm họa Sóng thần Ấn Độ Dương năm 2004, nạn nhân cơn bão Katrina năm 2005, và mới đây giúp đỡ nạn nhân thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản (2011).
12. Công cuộc truyền giáo Ấn độ (1792).
Được William Carey, một Mục sư Baptist người Anh khởi xướng năm 1792. Ông đã đến Ấn Độ truyền giáo, lập trường học và phiên dịch Kinh thánh ra gần 40 ngôn ngữ. Tấm gương của Carey đưa đến kết quả là hàng loạt Tổ chức truyền giáo được thành lập như: Hội Truyền Giáo Baptist, Hội Truyền Giáo London của phái Hội Chúng, Hội Truyền Giáo Tô Cách Lan, Hội Truyền Giáo Giáo Hội, Hội Truyền Giáo Trung Hoa Nội Địa ... với hàng loạt giáo sĩ nổi tiếng như: John Philip, David Livingstone, Robert Moffat, John Mackenzie, Pilkington, Hudson Taylor ... Nhờ nỗ lực truyền giáo của Carey mà thế kỷ 19 được gọi là “Thế Kỷ Vĩ Đại” trong nỗ lực truyền giáo của giới Tin Lành.
13. Phê bình Kinh thánh (Biblical Criticism) 1753
Bối cảnh của thời kỳ Phục hưng, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa nhân bản, triết lý duy tâm Đức, cuộc cách mạng công nghiệp, thuyết tiến hoá … khiến con người thay đổi tư duy dẫn đến so sánh đánh giá Kinh thánh theo lăng kính thực nghiệm. Từ đó dẫn đến chối bỏ sự hà hơi, chối bỏ thẩm quyền của Kinh thánh, xem Kinh thánh chỉ là sản phẩm của tôn giáo giống như bất cứ tác phẩm văn chương khác. Đặc biệt Thượng phê bình do Jean Astruc khởi xướng năm 1753, ông cho rằng Kinh thánh được viết bởi nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Hermann S. Reimarus, Ferdinand C. Baur, David F. Strauss đều ủng hộ tư tưởng của Astruc. Chủ nghĩa Thượng phê bình rất nguy hiểm vì nó đe doạ niềm tin, khiến Cơ đốc nhân nghi ngờ lời Chúa, đồng thời gây nhiều tranh cãi dai dẳng trong lịch sử.
14. Chủ nghĩa duy vật (T.K. XIX)
Một phong trào khác nổi lên trong thế kỷ 19 đe dọa đức tin là chủ nghĩa duy vật. Tư tưởng này hướng con người lưu tâm đến các giá trị vật chất, cuộc sống giàu có trong hiện tại mà bỏ qua các vấn đề tâm linh. Bối cảnh của thời kỳ Phục hưng khiến con người bị “sốc” trước những biến đổi quá nhanh của xã hội, do đó xao lãng các vấn đề tâm linh mà chạy theo những giáo lý mới, những phát kiến mới. Cả Walter Rauschenbusch, Karl Marx, Adam Smith đều nhấn mạnh cuộc sống hiện tại, của cải vật chất, sự giàu có mà không quan tâm gì đến linh hồn. Tư tưởng duy vật dường như đang uy hiếp niềm tin thuần chánh nơi Lời Đức Chúa Trời.
15. Thuyết tiến hóa (1859)
Một đòn tấn công mạnh mẽ nữa vào Cơ đốc giáo chính là thuyết tiến hoá. Thuyết này gắn liền với Charles Darwin với tác phẩm “Nguồn gốc các loài” xuất bản 1859. Thuyết tiến hoá nhanh chóng được những người theo duy vật nhiệt liệt ủng hộ. Thuyết tiến hoá cho rằng muôn vật đều bắt đầu từ những đơn bào đầu tiên tiến hóa dần theo thời gian ... Thuyết này đã trở nên một loại “vũ khí” của chủ nghĩa vô thần chống lại Cơ đốc giáo, chống lại thuyết Sáng tạo. Thuyết tiến hoá vẫn phát triển và được dạy dỗ trong các trường học trên 100 năm qua tại nhiều quốc gia trên thế giới, hiện nay vẫn có rất nhiều người tin nơi thuyết này kể cả những nhà khoa học nổi tiếng.
16. Tuyên bố Giáo hoàng vô ngộ (1870)
Công đồng Vativcan năm 1870 công bố sắc lệnh Giáo hoàng vô ngộ, được phê chuẩn bởi 533 người có mặt, hai phiếu chống và 100 người vắng mặt. Sắc lệnh này cho rằng: khi Giáo hoàng phán từ trên ngai với tư cách là đầu của Giáo hội trên đất ... bất cứ điều gì ông nói ra đều vô ngộ (không sai lầm) và tín hữu phải tin nếu muốn được cứu. Giáo lý này khiến các hội nghị không còn cần thiết nữa và Giáo hội Công giáo đã đi thêm một bước dài trong sự sa bại, họ đã hoàn toàn lìa bỏ Kinh thánh và bước theo con người
17. Chủ nghĩa phát xít (1930 – 1940)
Trong thập niên 1930 – 1940, thế giới xuất hiện chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, một mối nguy cho Hội thánh chung. Ban đầu phong trào này xuất hiện tại Ý với tên gọi là Fasium (có nghĩa là “bó” hoặc “nhóm”), được xây dựng trên quan điểm quân sự độc tài, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, phân biệt chủng tộc, chống đối tôn giáo để tạo nên một quốc gia, một cộng đồng với sự cai trị chuyên chế. Chủ nghĩa phát xít đã phát triển mạnh ở Đức, Ý, Nhật vào những năm 30, hình thành phe Trục trong Thế chiến thứ II (1939 – 1945), chuyên bắt bớ Hội thánh, tàn sát người Do thái, diệt chủng loài người … Sự chiến thắng của phe Đồng Minh trên Phát xít năm 1945 đã chấm dứt mối nguy cho Hội thánh nói riêng và nhân loại nói chung.
18. Chủ nghĩa Cộng sản (1848)
Phong trào này bắt nguồn từ triết học Duy vật của Karl Marx. Marx với Frederick Engels triển khai cương lĩnh của mình trong quyển sách nhỏ mang tên: “Tuyên Ngôn Cộng Sản” (Communist Manifesto) năm 1848. Từ quan điểm vô thần, Marx cho rằng con người chỉ có cuộc sống vật chất hiện tại, cho nên đấu tranh giai cấp, xoá bỏ chủ nghĩa tư bản, lập nên xã hội công bằng, vô sản ... là lý tưởng cao đẹp. Cố hữu, chủ nghĩa Cộng sản đã mâu thẫn với Cơ Đốc giáo cả về niềm tin lẫn nhận thức, cho nên Hội thánh Cơ đốc không thể phát triển tốt đẹp trong xã hội Cộng sản như lịch sử đã chứng minh.
19. Cuộc Đại thức tỉnh thứ nhì (1776- 1812)
Cơn phục hưng thứ nhì bắt đầu từ một trường đại học nhỏ tại bang Virginia năm 1787, sau đó lan đến Washington College và khắp giáo hội Trưởng lão tại Miền Nam. Ngọn lửa phấn hưng tiếp tục được thổi bùng tại New Englang, lan rộng đến vùng biên giới phía Nam và phía Tây. Với những cuộc nhóm trong trại ước tính có hàng chục nghìn người tin Chúa. Cơn thức tỉnh lan khắp nước Mỹ, đạo đức được cải thiện, truyền giáo phát triển, xã hội được cải cách … Cuộc thức tỉnh thứ hai đã đem đến những tác động tích cực cho nước Mỹ và cả thế giới suốt 200 năm qua cho đến ngày nay.
20. Sự xuất hiện các tà giáo (T.K. XIX)
Bên cạnh sự phát triển của Hội thánh trong cuộc thức tỉnh thứ hai, các hệ phái không chính thống đồng loạt xuất hiện như: Mormon, Cơ Đốc phục lâm, Chứng nhân Giê hô va, Thông Linh Học, Cơ Đốc Khoa học ... và đã có hàng triệu người bước theo. Đây là những niềm tin lệch lạc do hiểu sai Kinh thánh, mê tín, lẫn lộn Cựu ước với Tân ước, nhằm hướng tới một thế giới không tưởng trong tương lai … Tà giáo đã, đang và sẽ lung lạc niềm tin của tín hữu, gây thiệt hại cho Hội thánh Chúa trên phạm vi toàn thế giới.
21. Chủ nghĩa tự do trong thần học Mỹ (T.K. XIX)
Trong bối cảnh thuyết tiến hoá, phê bình Kinh thánh, chủ nghĩa duy tâm Đức đang phát triển … Chủ nghĩa tự do (Liberalism) Tân phái (Modernism) đã bước vào các Hội thánh Mỹ ở thế kỷ 19. Thần học tự do giải thích Thánh Kinh theo cách mới sao cho thích hợp với nhân sinh quan đương thời, nhấn mạnh đến phương diện đạo đức, phương pháp khoa học, dùng các qui luật tự nhiên để giải thích Kinh thánh và các phép lạ. Mặt khác lại phản đối những phép lạ siêu nhiên, nguyên tội, sự chết thay thế của Đấng Christ. Thần học tự do, Tân phái đã có những bước đi từ “duy tâm” sang “duy vật”, chối bỏ Kinh thánh, do đó làm thiệt hại đức tin của nhiều người.
22. Sự hợp tác liên giáo phái và phi giáo phái (TK 19)
Đầu thế kỷ 19 là thời điểm đánh dấu phong trào hợp tác liên hệ phái nở rộ tại Mỹ, như: Thanh Niên Cơ Đốc và Thanh Nữ Cơ Đốc, Thánh Kinh Hội Mỹ Quốc, Hội Nỗ Lực Cơ Đốc, Phong trào sinh viên tình nguyện, Hội Nghị Truyền Giáo Hải Ngoại, Phong Trào Truyền Giáo của Giới Tín Hữu, Hội Đồng Liên Đoàn Các Hội Thánh của Đấng Christ … Năm 1886, ước tính có khoảng 800 hiệp hội đã được tổ chức với mục đích truyền giáo hải ngoại, truyền giáo cho giới trẻ, làm công tác xã hội, làm từ thiện, trường Kinh thánh … Đây là yếu tố rất tích cực góp phần phát triển Hội thánh tại Mỹ và trên thế giới.
23. Phong trào chống phân biệt chủng tộc (1865)
Từ các hậu thuẫn của Hội thánh cho công cuộc giải phóng nô lệ bởi Bản Tu Chính thứ 13 năm 1865. Ý thức không phân biệt chủng tộc đã phát triển qua: sự xuất hiện của Hiệp Hội Quốc Gia Vì Tiến Bộ Của Dân Da Màu 1906, tổng thống Truman bãi bỏ sự phân biệt chủng tộc trong quân đội và các ngành dân sự 1949, tuyên bố chấm dứt các trường học “giáo dục riêng biệt nhưng bình đẳng” dành cho người da đen 1954, và phong trào chống phân biệt chủng tộc của Mục sư Luther King. Đạo luật dân quyền 1964, đạo luật bảo vệ quyền bầu cử của người da đen 1965 … và mới đây sự kiện Thượng Nghị sĩ da màu Barak Obama đắc cử tổng thống Mỹ năm 2008, là những bước tiến dài, tích cực giúp xoá bỏ dần kỳ thị chủng tộc và thúc đẩy sự tiến bộ trên thế giới.
24. Phong trào Nền tảng (Fundamentalism 1910)
Hình thành đầu thế kỷ 20 nhằm phản ứng với các trào lưu Tân phái (Modernism) và Tự do (Liberalism) đang phát triển mạnh trong các giáo hội. Phong trào nền tảng nỗ lực thay đổi xu hướng tự do của thần học và xác tín lẽ thật căn bản Kinh thánh sao cho phù hợp với một thế giới luôn thay đổi. Với 12 tập sách nhỏ được xuất bản năm 1910, Căn bản thuyết đã xác nhận 5 điều xoay quanh đức tin nơi Đấng Christ: sự nhập thể, sự cứu chuộc, sự sống lại, sự thăng thiên và sự tái lâm … Căn Bản Thuyết đã chống lại chủ nghĩa tự do, thần học tân chánh thống, thần học cấp tiến ... để tiếp tục duy trì giáo lý chính thống của Tin lành thuần tuý.
25. Phong trào Giám lý (TK 18 – 19)
Phong trào Giám lý (Methodist) bắt đầu từ cuộc cải cách Thanh giáo tại Anh dưới ảnh hưởng của phong trào Sùng tín (Pietist) tại Đức. Được tiếp nối bởi phong trào của John Wesley thế kỷ 18, nhóm Quaker thế kỷ 18 -19. Phong trào này kêu gọi thánh khiết trong nếp sống đạo, sâu nhiệm trong kinh nghiệm thuộc linh và dấn thân trong công tác xã hội, không uống rượu, hút thuốc … Từ đó hình thành Phong trào Thánh Khiết (Holiness Movement) lan rộng và đem đến những tác động tích cực cho Hội thánh toàn cầu.
26. Phong trào Ngũ Tuần (đầu TK 20)
Phong trào Ngũ Tuần (Pentecostalism) khởi sự từ Hoa kỳ vào đầu thế kỷ 20 và bắt nguồn từ phong trào Thánh Khiết. Phong trào Ngũ tuần chú trọng đến việc tìm kiếm các ân tứ (gift) của Đức Thánh Linh như: nói tiếng lạ, chữa bệnh, làm việc quyền năng … như đã chép trong Tân ước. Phái này khẳng định ân tứ nói tiếng lạ là bằng chứng của “Phép Báp têm bởi Thánh Linh” và là điều kiện để hầu việc Chúa kết quả. Các nhà lãnh đạo tiêu biểu của phong trào này gồm có: Agnes Ozman, Aimee Semple McPherson, Kathryn Kuhlman, Younghi Cho … Dưới ảnh hưởng của phong trào này phát sinh phong trào Linh Ân (Charismatic Movement) và hàng trăm giáo phái tại Hoa kỳ.
27. Tin Lành Hiện Đại (1931)
Còn gọi là Tân Tin lành thuần tuý (Neo-evangelicalism), bắt nguồn từ Phong trào Nền Tảng (Fundamentalism) nhưng cố gắng giảm nhẹ các yếu tố cực đoan, cùng lúc bổ sung khuynh hướng mới như: hội nhập xã hội, dấn thân vào công tác xã hội, phối hợp qui mô lớn công tác giảng Phúc âm, nâng cao học thuật biện giáo (apologetics), cho phép phê bình Kinh thánh, tìm cách dung hoà thuyết tiến hoá với thuyết sáng tạo ... Các nhà thần học của phái này vừa đồng ý Kinh thánh không sai lạc cho đức tin, vừa có lỗi sai trong lịch sử, địa lý và con số. Phong trào này thành lập Chủng Viện Fuller rất lớn tại Hoa kỳ.
28. Liên hiệp Tin lành thế giới (1951)
Liên Hiệp Tin Lành thế giới (World Evangelical Alliance) là một mạng lưới giáo hội có mặt trên 127 quốc gia liên kết với hơn 100 tổ chức quốc tế cùng nhau lập nên một tiếng nói, một diễn đàn toàn cầu cho hơn 420 triệu tín hữu Tin lành. Tổ chức này được thành lập từ năm 1951 bởi tín hữu của 21 quốc gia nhằm kiến tạo sự hợp tác toàn cầu cộng đồng Tin lành. Phương châm của tổ chức là “Ở giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian”, kết hợp rao giảng Phúc âm với tham gia tích cực các hoạt động xã hội, xóa mù chữ, chăm sóc trẻ em, cứu tế, chống phá thai, chống đồng tính ...
29. Chiến dịch truyền giảng của Billy Graham (1949 -)
Tên tuổi của Billy Graham, một mục sư Baptist Mỹ được biết đến qua khả năng tổ chức hàng loạt chiến dịch giảng Tin lành trên khắp thế giới từ năm 1949, đặc biệt tại những nơi mà truyền giáo được xem là bất khả như: Liên xô, Đông Âu, Nam Phi, Bắc Triều Tiên. Ông đã tổ chức truyền giảng tại nhiều nước bao gồm: Hoa kỳ, Anh, Pháp, Scotland, Úc, Thụy sĩ, Hà lan, Na uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Argentina, Puerto Rico, Canada, Philippines, Liên xô, Đông Âu, Nam Phi, Việt nam, Bắc Triều Tiên ... Ước tính có trên 2 tỉ người nghe ông giảng và có hơn 2, 5 triệu người tiếp nhận Phúc âm. Billy Graham là người mở ra một chương mới cho công cuộc truyền giảng Phúc âm trên toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tôn giáo của cả nhân loại.
30. Phong trào nữ quyền (1975)
Từ ảnh hưởng của Charles Finney, giới phụ nữ Tin lành thuần túy đã thành lập tổ chức Evangelical Women Caucus (Cuộc họp của Phụ nữ Tin lành - EWC) tại Washington vào năm 1975, thành lập tổ chức “Cơ Đốc Nhân Đòi Quyền Bình Đẳng Đúng Kinh Thánh” (Christian Biblical Equality) năm 1989 . Những tác phẩm: “Con Gái ngươi sẽ nói tiên tri” (Your Daughters Shall Prophesy), “All We’re Meant to Be” của Nancy Hardresty, “Neither Free Nor Slave” của Patricia Gundry ... đã đẩy mạnh những ích lợi của chủ nghĩa nữ quyền Tin lành và củng cố thêm lập trường này. Đây là những tác động tích cực nhằm nâng cao vai trò phụ nữ trong Phúc âm, giảng dạy, truyền giáo, công tác xã hội, từ thiện ...
KẾT LUẬN
Trong bối cảnh Thời Kỳ Phục Hưng diễn ra vào thế kỷ 16 – 17, nhiều phát hiện mới về địa lý (tìm ra Châu Mỹ), nhiều phát minh về kỹ thuật (máy hơi nước, máy in), những phát hiện mới về sinh động vật (do đi vòng quanh thế giới) ... Đứng trước thay đổi quá lớn về xã hội, kinh tế, chính trị, khoa học, địa lý, toán học, vật lý, hóa học, con người thật sự “choáng ngợp” trước những thay đổi mang tính đột phá này, do đó niềm tin vào Đức Chúa Trời, Kinh thánh và truyền thống Giáo hội có phần bị “lung lay”. Đây là lý do hàng loạt chủ nghĩa xuất hiện như: Thuyết tiến hóa, Phê bình Kinh thánh, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa Phát xít, Thần học tự do, Tân phái, các tà giáo ... Cũng trong bối cảnh đó, Đức Chúa Trời tể trị cho hai cuộc Đại tỉnh thức thế kỷ 18 và 19 để bành trướng Phúc âm, mở rộng Hội thánh, đẩy mạnh truyền giáo ... qua các lãnh tụ vĩ đại như: John Wesley, Jonathan Edward, D. L. Moody, William Carey, Charles Finney, Billy Graham ...
Với những tiến bộ vượt bậc của khoa học, với những khủng hoảng về đạo đức, kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường hiện nay, thế giới sẽ tiếp tục thay đổi cách nhanh chóng. Tuy nhiên trên tất cả, Phúc âm vẫn giữ vai trò “đầu tàu” để tiếp tục biến đổi cả thế giới, biến đổi cả nhân loại trong một tương lai không xa. Ước mong Đức Chúa Trời sẽ lại thăm viếng loài người, thăm viếng Hội thánh toàn cầu bằng cơn Thức tỉnh thứ ba, và cuộc Thức tỉnh lần này sẽ đặt dấu mốc chấm dứt thời đại ngày nay để đưa Chúa Jesus tái lâm. Đây là mong ước của không riêng người viết mà của toàn thể tôi con của Chúa trên khắp trái đất.
March, 2011
Theodore