(Phần 4b của loạt bài "Công trình phục hồi của Đức Chúa Trời"



(Lu-ca 8:11; Thi Thiên 126:5‐6)
Cầu nguyện: Sáng nay, xin Chúa hãy tiếp tục nói với chúng con. Xin làm chúng con trở thành những cây ăn trái. Chúng con muốn xanh tươi trong nhà của Chúa. Chúa ơi! chúng con muốn là những quả tốt cho Chúa. Xin Cha làm chúng con trở thành trái đầu mùa cho Cha!


Nhã Ca 4:16 “Hỡi gió bắc, hãy nổi dậy, hỡi gió nam, hãy thổi đến; Hãy thổi trong vườn tôi, hầu cho các mùi thơm nó bay ra! Nguyện người yêu dấu của tôi vào trong vườn chàng, và ăn các trái ngon ngọt của chàng!

A. Kết quả bởi sự vui hưởng Chúa và bởi sự chăm sóc của Ngài

(Giăng 15:4-5; Thi Thiên 36:8-9)

Nguyện người yêu dấu của tôi vào trong vườn chàng, và ăn các trái ngon ngọt của chàng!” Amen! Những câu này cho thấy Chúa là người yêu dấu của chúng ta, còn chúng ta là vườn của Chúa. Khi Chúa vào vườn Ngài, Ngài muốn thưởng thức ở đó. Hãy tưởng tượng xem nếu Chúa vào vườn mà không có gì ở đó cả. Không thể như thế được. Chúa đến để thưởng thức các trái ngon ngọt của mình. “Ta sẽ hát cho bạn rất yêu dấu ta một bài ca của bạn yêu dấu ta về việc vườn nho người. Bạn rất yêu dấu ta có một vườn nho ở trên gò đất tốt. Người đào xới đất, làm sạch sỏi đá; trồng những gốc nho quý; dựng một cái tháp canh giữa vườn, và đào một hầm ép rượu. Vả, người mong rằng sẽ sanh trái nho tốt; nhưng nó lại sanh trái nho hoang” (Ê-sai 5:1-2 ). Chúa đã làm tất cả vì cái vườn này và đã dành toàn bộ thời gian cho vườn. Chúa không giống như các sếp của chúng ta, họ đòi hỏi chúng ta điều gì đó những không ở bên cạnh. Dù Chúa rất trông đợi quả từ chúng ta, nhưng Chúa đã ban cho chúng ta tất cả để chúng ta có thể kết quả. Chúa đã “đào xới đất, làm sạch sỏi đá; trồng những gốc nho quý”. Câu 4 nói tiếp: “Có điều gì cần làm cho vườn nho của Ta mà Ta không làm cho nó chăng?” Chúa đã làm tất cả cho Hội Thánh để chúng ta có thể kết quả.

Chúa không chỉ làm tất cả cho vườn nho mà chính Ngài còn là gốc nho. Như vậy còn tốt hơn nữa! Chúng ta hãy đọc Giăng 15:4-5 “Hãy cứ ở trong Ta, thì Ta sẽ ở trong các ngươi. Như nhánh nho, nếu không dính vào gốc nho, thì không tự mình kết quả được, cũng một lẽ ấy, nếu các ngươi chẳng cứ ở trong Ta, thì cũng không kết quả được. Ta là gốc nho, các ngươi là nhánh. Ai cứ ở trong Ta và Ta trong họ thì sinh ra lắm trái; vì ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được”. Ở đây cho thấy chúng ta không cần phải suy nghĩ nhiều là làm thế nào để kết quả nhiều hơn, mà nhiệm vụ của chúng ta là phải ở trong Chúa, để tiếp nhận “nhựa sống” của Chúa. Việc ở trong Chúa liên quan đến mối quan hệ giữa chúng ta với Chúa, như thưởng thức Chúa trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta có thể thấy điều này trong Thi Thiên 23:1-3 “CHÚA là Đấng chăn giữ tôi: tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì. Ngài khiến tôi an nghỉ nơi đồng cỏ xanh tươi, dẫn tôi đến mé nước bình tịnh. Ngài bổ lại tâm hồn tôi”. Thật là tuyệt nếu chúng ta có thể thưởng thức Ngài như “đồng cỏ xanh tươi” của chúng ta, Ngài dẫn chúng ta đến và chăn chúng ta ở đó. Rồi Ngài dẫn chúng ta đến “mé nước bình tịnh” và làm tươi mới tâm hồn chúng ta.

Thật là tuyệt nếu chúng ta có thể kinh nghiệm Chúa như “bánh của sự sống”. Trong Giăng 6, khi Chúa bày tỏ chính Ngài là bánh của sự sống thì đồng cỏ xanh tươi cũng xuất hiện. “Chúa Jesus bèn phán rằng: Hãy truyền cho chúng ngồi xuống. Vả, trong nơi đó có nhiều cỏ. Vậy, chúng ngồi xuống, số người ước được năm ngàn. Chúa Jesus lấy bánh, tạ ơn rồi, bèn phân phát cho những kẻ đã ngồi; Ngài cũng lấy cá phát cho chúng nữa, ai muốn bao nhiêu tùy ý” (Giăng 6:10-11). Chúa không giữ lại gì cho mình, chúng ta có thể lấy nhiều như chúng ta muốn. Điều này thực sự là đặc quyền của chúng ta. Chúng ta nên dùng đặc quyền này thật nhiều để có thể kinh nghiệm Chúa như bánh của sự sống, như gốc nho, như người chăn hiền lành và Chúa là toàn bộ nguồn cung cấp của chúng ta. Nếu kinh nghiệm được tất cả những điều này thì việc kết trái không khó khăn lắm. Hơn nữa, chúng ta được trồng ở trong nhà của Chúa, chứ không phải trồng trong sa mạc, là nơi không có nước. Ở trong nhà Chúa có mọi sự cung cấp đầy đủ. Thi Thiên 36:8-9 “Họ nhờ sự dư dật của nhà Chúa mà được thỏa nguyện; Chúa sẽ cho họ uống nước từ dòng sông phước lạc của Chúa. Vì nguồn sự sống ở nơi Chúa; Trong ánh sáng Chúa chúng tôi thấy sự sáng”. Những anh em mới ở trong nếp sống Hội Thánh cũng có thể làm chứng rằng chúng ta thực sự được thỏa nguyện bởi sự dư dật của nhà Chúa. “Chúa sẽ cho họ uống nước từ dòng sông phước lạc”. Mỗi người chúng ta cũng đã trải nghiệm nhiều sự vui mừng ở trong nhà Chúa. Sự hưởng thụ này sẽ tăng theo năm tháng vì mối quan hệ với Chúa ngày càng sâu đậm hơn. Đền thờ trong sách Ê-xê-chi-ên (từ chương 40) có nhiều phòng ăn. Chúng ta thấy rằng càng lên cao thì thức ăn càng hấp dẫn hơn. Bên trong đền thờ có một khu vực mà chỉ có con cháu của Xa-đốc mới được phép vào. Ở đó lại có một nhà ăn với ba tầng. Có nghĩa là sự vui hưởng Chúa ở trong Hội Thánh sẽ tăng theo năm tháng.

B. Mọi người đều có thể truyền lời Chúa

(2.Cô-rinh-tô 9:6, 10; 1.Cô-rinh-tô 3:6, Ê-sai 55:9-11; Ga-la-ti 6:9)
Nếu chúng ta ở trong sự vui hưởng này, thì không lý do nào để chúng ta không kết quả cả. Quả chứa đựng hạt. Đây là điều quan trọng vì nếu một cây không có hạt thì nó là cây cuối cùng. Cũng như sự sống luôn phát triển và lan rộng ra, sự sống thuộc linh cũng tăng trưởng và lan rộng. Không chỉ quả có hạt mà cỏ và thảo mộc cũng có hạt. Có nghĩa là dù chúng ta là cỏ (mới được cứu hay mới chạm được Chúa lần đầu) hay là một cây ăn trái đã vững vàng ở trong nhà Chúa 50 năm rồi, tất cả chúng ta đều có hạt giống và tất cả chúng ta đều có thể gieo những hạt giống này. Nghĩa là tất cả chúng ta có thể nói lời của Đức Chúa Trời vì “hạt giống là lời của Đức Chúa Trời” (Lu-ca 8:11)Chúng ta không cần chờ 10 năm đến khi mình được tăng trưởng, nhưng khi chạm được Chúa lần đầu, chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm này cho người khác và chúng ta có thể nói lời Chúa cách đơn giản.

“Gieo hạt” không có nghĩa là thuyết phục người nào đó hay phải có lời lẽ tốt. Trước đây, tôi hay nép mình vì nghĩ rằng nếu gặp ai đó ngoài đường thì tôi phải nói gì với người đó hoặc nếu người đó hỏi thì tôi không biết trả lời. Tôi cũng nghĩ mình cần phải biết lập luận tốt để thuyết phục mọi người. Không phải như thế đâu! Việc gieo hạt rất đơn giản, ai cũng làm được cả. Mỗi người đều có thể nói lời của Chúa. Dù Phao-lô đã luyện tập nhiều trong việc gieo hạt nhưng trong 1.Cô-rinh-tô 2:3-5, ông vẫn run “Chính tôi đã ở giữa anh em, trong sự yếu đuối, với lắm sợ hãi và run rẩy. Lời nói và sự giảng của tôi chẳng phải bằng bài diễn thuyết khéo léo của sự khôn ngoan, nhưng tại sự tỏ ra Thánh Linh và quyền phép; để anh em không lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn trên trên quyền năng của Đức Chúa Trời”. Những câu này cho thấy điều quan trọng không phải là lời lẽ hay tài hùng biện của chúng ta. Thậm chí, ở đây Phao-lô yếu đuối và run sợ, nhưng ông đã nói lời của Chúa. Và Lời Chúa có sự chữa lành đặc biệt. Chúng ta hãy đọc trong Ê-sai 55:10-11 “Vả, như mưa và tuyết từ trời rơi xuống và không trở lại nữa, mà tưới nhuần đất đai, làm cho đâm chồi nẩy lộc, để có hạt giống cho kẻ giao, có bánh cho kẻ ăn, thì lời của Ta cũng vậy, đã ra từ miệng Ta, thì chẳng trở về không, mà sẽ làm trọn điều Ta muốn, và hoàn tất việc Ta đã sai khiến chúng”. Thật là tốt để chúng ta nói lời của Chúa. Nếu chúng ta có thể thuộc vài câu Kinh Thánh thì tốt. Nếu tôi có năm câu Kinh Thánh thì tôi cũng có thể gieo hạt vì lúc đó trong túi của tôi có năm hạt giống khác nhau. Nhưng nếu thuộc 10 câu thì sẽ tốt hơn. Ai trong chúng ta cũng làm được. Chúng ta có thể tin tưởng một cách đơn sơ rằng Lời Chúa có quyền năng.

C. Đừng nhìn vào hoàn cảnh và phản ứng của người khác

(Truyền Đạo 11:4-6)
Có người tiếp nhận lời Chúa, có người từ chối, nhưng chúng ta đừng để mình bị ảnh hưởng. Thi Thiên 126:5-6 “Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, Sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình”. Thỉnh thoảng nước mắt cũng gắn liền với việc gieo hạt. Ví dụ như chúng ta giảng Phúc Âm cho bạn bè, đồng nghiệp,... nhưng họ không tiếp nhận liền. Chúng ta đừng nản lòng. Lời Chúa thực sự có quyền năng. Chúng ta nên trung tín trong việc gieo hạt và đừng chờ đợi. Truyền Đạo 11:4-6 “Ai xem gió sẽ không gieo; ai xem mây sẽ không gặt. Ngươi không biết đường của gió đi, cũng không biết xương cốt kết cấu trong bụng đờn bà mang thai thể nào, thì cũng một thể ấy, ngươi chẳng hiểu biết công việc của Đức Chúa Trời, là Đấng làm nên muôn vật. Vừa sáng sớm, hãy gieo giống ngươi, và buổi chiều, chớ nghỉ tay ngươi; vì ngươi chẳng biết giống nào sẽ mọc tốt, hoặc giống nầy, hoặc giống kia, hoặc là cả hai đều sẽ ra tốt”. Chúng ta không biết hạt giống nào sẽ mọc tốt, nhưng chúng ta không được dừng việc gieo hạt và đừng nép mình.

Tiếc rằng vừa rồi tôi kinh nghiệm được câu “Ai xem gió sẽ không gieo; ai xem mây sẽ không gặt”. Tôi cứ chờ đợi cơ hội tốt để chia sẻ về Chúa cho một đồng nghiệp mới của tôi. Không ngờ người này không qua được giai đoạn thử việc nên phải chuyển việc, làm tôi không giảng Phúc Âm cho anh ta được. Như vậy thì không thể được. Chúng ta đừng chờ đợi trong việc gieo hạt mà hãy gieo hạt giống của mình liền.