Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

HỘI NHẬP VĂN HOÁ THẾ GIỚI



Trong năm 2013 vừa qua, có một mục sư tại Việt Nam tổ chức một bữa tiệc tại tư gia mình. Ông gởi thiệp mời từ Mục sư Tổng quản nhiệm, các bạn đồng lao, bạn bè thân thuộc, nhưng ông không nói trước là tiệc gì. Đến giờ khai tiệc, đa số thực khách vỡ lẽ và phản ứng vì đó là tiệc đám giỗ thân phụ ông. Đó là gương hội nhập văn hoá của con dân Chúa ngày nay.

Tôi có đọc hai bài viết đăng trên một trang website với chủ đề là: thờ cúng tổ tiên và thờ ông bà. Vì sự phản đối của cư dân mạng nên admin website đó phải gở bỏ bài thứ nhất. Còn tác giả bài thứ hai mạnh dạn gợi ý cơ đốc nhân có thể tạo ra tượng cha mẹ bằng thạch cao để trong phòng, gọi là một chút tưởng niệm người quá cố, vì ông cho đó là văn  hoá vô hại của Tây phương mà cơ đốc nhân Việt nam có thể mô phỏng.


Có nhiều cây đại thụ giữa đại ngàn Hội thánh người Việt. Họ chủ trương hội nhập văn hóa thế giới từ rất nhiều năm trước rồi. Có nhiều luận án, tác phẩm, bài viết cổ động hội nhập văn hoá với đời trong xu thế rất mạnh mẽ. Tôi là ai mà đi ngược lại trào lưu phúc âm văn hoá hiện đại của Hội Thánh chung? Sao tôi dám bẻ nạng chống lại thuỷ triều hội nhập chứ? Nhân dịp tết nguyên đán Giáp Ngọ, 2014, tôi xin mạn đàm vấn đề gây nhiều tranh cãi nầy.

 Đây chỉ là quan điểm riêng của tôi, chưa chắc là đúng theo chủ tâm của Chúa. Tôi không dám lên án hay định tội một ai, chỉ nêu lên lập trường của mình để con dân Chúa suy gẫm. Xin quí vị bỏ qua cho những xúc phạm, nếu có.

1.Người Cũ Và Người Mới:
    Kinh thánh chép:
- Ê-phê-sô 4:23,24, “phải đổi mới trong linh của tâm trí mình, mà mặc lấy người mới (new-kainos), là người đã được dựng nên y theo Đức Chúa Trời trong sự công nghĩa và sự thánh khiết của lẽ thật”.
   Trong thơ Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô minh hoạ 7 phương diện tập thể của Hội thánh chung, đó là: Thân Thể Đấng Christ (1:23; 4:13), Người Mới (2:15), Vương quốc (2:19), người nhà của Đức Chúa Trời (2:19), chỗ cư trú của Đức Chúa Trời (2:21-22), Cô Dâu (5:24-25) và Người chiến sĩ tập thể (6:11-12). Cho nên Người Mới là Hội thánh chung, là một tập thể hữu cơ trong Chúa.

- Cô-lô-se 3;10, “Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng hành vi của nó,  và đã mặc lấy người mới (new—néos) là người đang đổi ra mới theo hình ảnh Đấng dựng nên người ấy, để đưa đến sự tri thức đầy đủ”.
   Theo quan điểm thần thượng, chỉ có hai Con Người trong cả vũ trụ nầy là Người Cũ và Người Mới. Đầu Người Cũ là Satan và toàn thể nhân loại vô tín là các chi thể trong Người Cũ vĩ đại đó. Đầu Người Mới phổ thông là Đấng Christ phục sinh, và mọi chi thể là tất cả nhân loại được cứu trong Chúa. Trong tiếng Hi lạp có hai từ ngữ đều dịch là “mới”. Chữ “mới” dùng trong Ê-phê-sô là kainos, có nghĩa là mới trong bản chất, còn chữ “mới” trong Cô-lô-se là néos, có nghĩa là mới có, còn trẻ theo thời gian. Dưới quan điểm của Đức Chúa Trời, Hội Thánh chung trải các thời đại là tập thể mới chưa hề xuất hiện, và còn tươi trẻ mãi mãi. Và cả nhân loại ngoài Chúa là Người Cũ càng lúc càng hư hoại.

  Đã là người cá thể hay tập thể thiên nhiên, ai cũng có lối sống, nếp sinh hoạt do tổ phụ truyền lại. Nếp sống ấy là văn hoá, là sinh hoạt na ná giống nhau dầu xuất thân từ nhiều dân tộc khác nhau. Văn hoá con người thiên nhiên hay văn hoá Người Cũ qui tập quanh các nan đề và nhu cầu là : mưu sinh, lễ hội thờ cúng, vui chơi, sự an ninh và ăn uống.

   Ê-phê-sô 2:10, 15-16 chép, “Vì chúng ta là kiệt tác của Ngài, được sáng tạo trong Christ Jêsus để làm việc lành, mà Đức Chúa Trời trước kia đã dự bị cho chúng ta noi theo--vì nhờ ở trong xác thịt Ngài mà Ngài đã bãi bỏ sự thù nghịch, là luật pháp bằng điều răn và giới mạng, để đem cả hai mà sáng tạo nên một Người Mới trong chính Ngài, vậy là giải hoà; lại bởi thập tự giá mà Ngài khiến cho cả hai đều hoà lại với Đức Chúa Trời trong một Thân Thể, vì tại nơi đó Ngài đã diệt sự thù nghịch rồi”.

   Người Mới nầy là kiệt tác của Đức Chúa Trời, được sáng tạo khi Đấng Christ sống lại. Dầu Người Mới đã ngót hai ngàn tuổi, nhưng vẫn còn sinh động, tươi trẻ, mới mẻ như ngày nào! Đa số cơ đốc nhân chỉ nhìn thấy người cũ và người mới của cá nhân bản thân mà không nhìn ra Người Cũ và Người Mới hoàn vũ. Thật đáng tiếc! Người Cũ là sáng tạo cũ và Người Mới là sáng tạo mới.

   Hai Con Người vĩ đại nầy sống theo hai nền văn hoá—thần thượng và thế tục. Họ giao tranh nhau cho đến ngày Chúa tái lâm. Điều bi thảm là Người Mới chưa cởi bỏ được hết văn hoá truyền thống, cố hữu, bẩm sinh, mà ngày nay có những kẻ còn muốn tăng cường nếp sống theo văn hoá cũ cho Hội thánh. Thật đáng thương!

2.Gương xấu về sự hoà nhập xã hội của Israel thời xưa:
Bức tranh lịch sử Israel trong Cựu ước có thể ví sánh như quyển sách hình vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho dân Ngài các thời đại xem. Đức Chúa Trời vẫn luôn coi chúng ta như các cháu nhỏ, vẫn cần học tư tưởng Ngài bằng hình trong trường mẫu giáo của Ngài. Còn sự dạy dỗ của các sứ đồ trong Tân ước là lời minh hoạ cho các bức hình sống động đó.

Tôi có bài thơ sau đây:

Tuyển dân vô xứ Ca-na-an,
Không thể hoà đồng với ngoại bang.
Thần tượng, tà dâm vẫn tiếp diễn,
Độc Thần, Thánh khiết phải chu toàn.
Dâng con Mo-lóc, ôi ghê tởm,
Phụng hiến con đầu thật vẻ vang!
Văn hoá hoà đồng cùng thế giới,
Là điều không tốt của thiên dân.

Chúng ta xem qua các huấn lịnh của Đức Jehovah thánh khiết và công nghĩa như sau:
a. Hòa với các dân tộc:
-         Xuất hành 22:21, “Ngươi chớ nên bạc đãi khách ngoại bang, và cũng chẳng nên hà hiếp họ, vì các ngươi đã làm khách kiều ngụ tại xứ Ai cập”
-         Xuất hành 23:9, “Ngươi chớ hiếp đáp người ngoại bang, vì các ngươi đã kiều ngụ tại xứ Ai cập, chính các ngươi hiểu biết lòng khách ngoại bang là thế nào”.
-         Lê-vi-ký 19:33, “Khi kẻ khách nào kiều ngụ trong xứ các ngươi, thì chớ hà hiếp người”.
Nếu được, dân Israel phải sống hoà bình với các dân ngoại bang. Hội thánh ngày nay cũng phải sống như vậy.

b. Không bắt chước các thói tục các dân tộc:
- Xuất hành 23:24, “Ngươi chớ quì lạy và hầu việc các thần chúng nó; chớ bắt chước công việc họ, nhưng phải diệt hết các thần đó và đạp nát các pho tượng họ đi”.
- Lê-vi-ký 18:24-30, “Các ngươi chớ làm một trong mấy việc đó mà tự gây cho mình ô uế; bởi dân mà ta sẽ đuổi khỏi trước mặt các ngươi đã thành ô uế vì cớ làm các việc đó.  Đất vì chúng nó mà bị ô uế; ta sẽ phạt tội ác họ; đất sẽ mửa dân nó ra vậy. Còn các ngươi, hoặc dân bổn xứ, hoặc kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi, phải giữ luật pháp và mạng lịnh ta, đừng làm một trong những điều quái gớm nầy.  Vì những điều quái gớm ấy, những người ở tại xứ trước các ngươi đã làm; và đất vì cớ đó phải thành ô uế. Vậy, chớ làm đất thành ô uế, e khi đất mửa các ngươi ra, như đã mửa dân cư trú tại xứ trước các ngươi chăng; vì phàm ai làm một trong những điều quái gớm ấy sẽ bị truất khỏi dân sự mình.  Thế thì, các ngươi phải giữ điều ta phán dặn, để đừng làm theo một trong các thói tục gớm ghiếc nào đã làm trước các ngươi, và các ngươi chớ vì các thói tục đó mà gây cho mình ô uế. Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi”.

  Ngoài các thói tục về tình dục, dân Israek không đuợc bắt chước các thói tục khác của dân bản xứ như dâng con mình cho Mo-lóc qua lửa, bói toán, đồng cốt…. Nếu dân Chúa thực hành các thói tục đó, đất đai sẽ mửa họ ra, có nghĩa họ sẽ mất nước và bị lưu đày.

-         2 Các vua 17:13-18, “Song Đức Giê-hô-va cậy miệng các đấng tiên tri và những kẻ tiên kiến mà khuyên Y-sơ-ra-ên và Giu-đa rằng: Khá từ bỏ đường ác của các ngươi, hãy gìn giữ điều răn và luật lệ ta, tùy theo các mạng lịnh ta cậy những tiên tri, là tôi tớ ta, mà truyền cho tổ phụ các ngươi.  Nhưng chúng không muốn nghe, cứng cổ mình, y như các tổ phụ của chúng không có lòng tin Giê-hô-va Đức Chúa Trời của họ.  Chúng khinh bỏ các luật lệ và giao ước Ngài đã lập cùng tổ phụ họ, và những lời chứng mà Ngài đã phán với họ. Chúng đi theo các thần hư không, và trở thành hư không, bắt chước các dân tộc ở chung quanh mình, mà Đức Giê-hô-va đã cấm làm theo gương của chúng nó.  Chúng khinh bỏ hết thảy giới mạng của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình, tự đúc lấy hai tượng bò con, cùng làm thần tượng A-sê-ra, thờ lạy hết thảy cơ binh trên trời, và thờ phượng Ba-anh.  Chúng cũng đưa con trai con gái mình qua lửa, dùng tà thuật, tin bói khoa, chuyên làm điều dữ trước mặt Đức Giê-hô-va, để chọc giận Ngài.  Bởi cớ ấy, Đức Giê-hô-va rất nổi giận dữ cùng dân Y-sơ-ra-ên, xua đùa chúng khỏi trước mặt Ngài; chỉ còn lại chi phái Giu-đa mà thôi”.

   Trong Xuất hành 19:4-6  “Các ngươi đã thấy điều Ta  (Chúa) làm cho người Ai-cập, Ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến cùng Ta thế nào. Vậy, bây giờ, nếu các ngươi vâng lời Ta và giữ sự giao ước Ta, thì trong muôn dân, các ngươi sẽ thuộc riêng về Ta, vì cả thế giới đều thuộc về Ta.  Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế lễ, cùng một dân tộc thánh cho Ta. Bấy nhiêu lời đó ngươi sẽ nói lại cùng dân Y-sơ-ra-ên”.

  Sau khi ra khỏi Ai-cập Chúa phán cùng dân Israel là họ “thuộc riêng về” Ngài. Câu nầy theo nguyên văn là: “You shall be my personal treasure”. Israel là bửu vật thuộc riêng về Chúa. Tiên tri Balaam nhờ khải tượng và cảm thúc của Linh Chúa cũng nói về Israel, “Vì từ đỉnh các núi, tôi thấy người (Israel), từ đầu cao gò đống, tôi nhìn người: kìa, là một dân ở riêng ra, sẽ không nhập số các nước” (Dân. 23:9). Theo nguyên văn, thành ngữ “ở riêng ra” là “live alone”. Chữ nầy chỉ dẫn rằng con cái Israel là một dân thánh khiết, được thánh hoá, một dân tách riêng với các nước. Điều nầy cũng đúng với Hội thánh. Hội thánh không thể hoà nhập vào các dân tộc mà phải sống cách biệt về mặt thuộc linh. Xem 1 Cor. 3;17; Ê-phê-sô 1:4; 1 Phi-e-rơ 2:9).  Các tôi tớ Chúa sợ cô đơn, sợ bị thế giới ghen ghét, trong khi Chúa không muốn có sự hoà nhập mà anh em cổ vũ ngày nay.

3. Giáo huấn của các sứ đồ về văn hoá thế giới:
Kinh thánh Tân ước dạy dỗ rõ ràng:
- Ê-phê-sô 5:6-8, “Đừng để cho ai lấy lời hư không mà lừa dối anh em, vì tại những điều đó mà sự thạnh nộ của Đức Chúa Trời giáng trên con cái bội nghịch (người vô tín).  Vậy, chớ đồng loã với họ, vì trước kia anh em vẫn là tối tăm, nhưng bây giờ là sáng láng trong Chúa; hãy bước đi như con cái của sự sáng”.
-1 Phi-e-rơ 1:18, “Vì biết rằng chẳng phải bởi vật hay hư nát, như bạc hoặc vàng, mà anh em đã được chuộc khỏi cách ăn ở hư không của tổ phụ truyền lại”.
- 1 Phi-e-rơ 4:2-4, “hầu cho còn sống trong xác thịt bao lâu, thì chớ theo tư dục của người ta nữa, nhưng phải theo ý chỉ của Đức Chúa Trời.  Vì ngày trước đã làm nên ý muốn người Ngoại bang, ăn ở theo sự buông tuồng, tư dục, đắm rượu, tiệc tùng liên miên, chè chén li bì, thờ hình tượng gớm ghiếc, thì cũng đã đủ rồi. Họ thấy anh em chẳng cùng họ đua bơi trong sự phóng đãng dầm dề dường ấy, thì họ lấy làm lạ và nhạo báng”.

    Các sứ đồ khuyên chúng ta phải có lối sống khác lối sống dân ngoại bang. “Cách ăn ở hư không của tổ phụ” là văn hoá của tổ phụ. Bản recovery dịch là, “from your vain manner of life handed down from your fathers”.
   Tại sao một số nhà lãnh đạo hội thánh chung chủ trương hội nhập văn hoá? Một mục sư nọ chỉ nói được với tôi về lý do lâm thế giáng trần của Chúa Jesus là  gương mẫu hoà nhập của Chúa, khi Ngài đến cùng loài người tội lỗi.

   Bạn tôi quá nhầm lẫn. Sự nhục hoá lâm trần của Chúa Jesus không vì mục đích hội nhập văn hoá. Ngài đến để biểu lộ Đức Chúa Trời trong xác thịt Ngài. Ngài nhập thế còn vì mục đích thứ hai là cứu rỗi, cứu chuộc nhân loại. Ngài từng ăn chung với các tội nhân, thông công với dân thâu thuế trong tư gia của Ma-thi-ơ. Ngài tiếp nhận và giao thông với đại tội nhân, như Xa-chê, trưởng ban thuế vụ, và Ngài tiếp nhận người tội nhân kỹ nữ trong Lu-ca 5. Đó chỉ là cách giao tiếp của Ngài, chứ không phải sự hội nhập mà các mục tử ngày nay kêu gọi và cổ xuý. Các bạn ơi! Khá nhớ rằng Chúa hoà với loài người, nhưng bất đồng với họ tận căn bản, vì Ngài không bao giờ làm theo tập tục của họ như rửa tay trước khi ăn (theo nghĩa giáo lý), ngay cả truyền thống tuân thủ ngày sa-bát cũng không.. Hê-bơ-rơ 7:26 chép, “Một thầy tế lễ thượng phẩm dường ấy mới xứng hiệp cho chúng ta, thánh khiết, không hiểm ác, không ô uế, biệt khỏi tội nhân, được cao hơn các từng trời”. Chúa cho phép các tội nhân tiếp xúc Ngài, và Ngài tiếp cận họ trong hạn chế, nhưng Ngài vẫn biệt mình khỏi các tội nhân, để không bị họ lây nhiễm tội ô. Từ ngữ “biệt khỏi” đây là “separated from”. Chúa đến với loài người, nhưng Ngài biệt riêng chính mình khỏi họ trong mối liên hệ sâu xa trong tâm linh và trong tấm lòng.

    Sự sai lầm của các tôi tớ Chúa là: --Họ nói: “chúng ta phải hoà nhập, làm cho mình giống như họ mới có thể giảng Lời Chúa cho họ. Có ông còn lớn tiếng kêu gọi chúng ta phải hoà tan vào xã hội, và phải khéo léo đừng nói rằng họ là “tội nhân”. Thực ra Hê-bơ-rơ 12:14 nói, về một mặt, chúng ta phải hoà với mọi người ở bên ngoài, nhưng trong thực chất, chúng ta vốn dĩ là dân biệt riêng, dân được tách khỏi sáng tạo cũ ngay sau khi tin Chúa. Mác 16;15 chép, “Ngài phán cùng họ rằng: “Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Tin lành cho muôn dân”. Thành ngữ “hãy đi khắp thế giới” thực ra là “go into all the world…”. Chúng ta vốn từ bên ngoài, là người ngoại quốc, là kiều dân thuộc linh, vào thế giới để giảng phúc âm, chớ không phải hoà nhập với thế giới rồi mới rao giảng cho họ.

   Lời Kinh Thánh bảo chúng ta phải lột bỏ Người Cũ tập thể, cởi bỏ lối sống của người đời, loại trừ văn hoá Người Cũ của Sa tan. Nhưng tôi nhìn thấy ngoại trừ tâm linh người tin đồ đã được đổi mới, còn tâm hồn, thân thể họ thì còn vướng mắc rất nhiều trong hệ văn hoá bẩm sinh của Người Cũ. 2 Cô-rinh-tô 5:17 nói “mọi sự cũ đã qua đi”. Thực ra, mọi sự cũ chưa qua đi đối với đa số tín đồ, mà ngày nay nhiều mục tử danh vọng của Chúa lại kêu gọi dân Ngài trở về cội nguồn văn hoá của dân tôc.—mà cứu cánh của cội nguồn văn hoá dân tôc chỉ là thờ hình tượng của đa thần giáo nguyên thuỷ. Chẳng khác chi Áp-ra-ham, đã được thoát ra khỏi văn hoá đa thần ở U-rơ, vùng Lưỡng hà, nhưng khoảng chừng 1400 năm sau, con cháu ông đã quay lại xứ thờ thần tượng đó trong cảnh lưu đày cưỡng bách. Lý do cuộc lưu đày là vì dân Israel còn ham thích lễ hội thờ hình tượng của Babylon. Tại sao dân Chúa ngày nay ham thích hoà nhập văn hoá dân tộc? Tôi không dám nói ra lý do và hậu quả tất yếu theo sau!!!

  Satan rất nhạy bén cập nhật kế hoạch, chiến lược, chiến thuật của hắn trong mỗi thời kỳ để vô hiệu hoá Hội thánh. Trong 3 thế kỷ đầu, nhờ tính khác biệt thuộc linh với thế giới mà Hội Thánh phát triển rất nhanh về số lượng và thực chất, dầu họ bị bách hại khốc liệt. Satan dùng hoàng đế Constantine thay đổi phương lược tấn công bằng cách mở ra, đổi thái độ và nhìn nhận Hội Thánh là quốc giáo. Vào thời đó, Hội thánh bắt đầu hội nhập với văn hoá của các dân tộc vào các lẽ thật Kinh thánh. Kết quả, Hội thánh trở thành chiếc bình to lớn, nhưng trống rỗng, không còn là bảo vật Chúa ưa chuộng nữa. Thế giới ngày nay rầm rộ cổ động, đề cao, phát huy văn hoá cổ truyền của mỗi dân tộc. Một lần nữa Hội Thánh chung đang bị mắc lừa quỉ kế của Satan. Hội thánh muốn sống an ổn, không bị xáo trộn trong đại gia đình văn hoá của các dân tộc. Thật vậy, thế giới lúc nào cũng hoan nghinh việc làm từ thiện, bác ái, cứu tế của Hội Thánh, nhưng trong bản chất cố hữu của thế giới, do Satan xúi giục ngấm ngầm, lúc nào họ cũng ghét Hội thánh vì Hội thánh là chứng cớ của Chúa. Nhưng chứng cớ nầy của Hội thánh đã bị vô hiệu hoá dần dần trong phong trào hội nhập văn hoá của mình với các dân tộc.

  Satan đã dùng hoàng đế Constantine đưa Hội Thánh chung hoà nhập và hoà tan vào trong văn hoá La-Hi từ sau năm 313, kết quả Hội Thánh hư hoại bên trong. Đầu thế kỷ 16, Chúa dùng nhà Cải chánh Martin Luther và các đồng công giải phóng dân Chúa ra khỏi tình trạng hội nhập đó. Hôm nay, sau 500 năm, con cháu của vĩ nhân Martin Luther lại bị Satan xúi giục hội nhập lần nữa vào văn hoá các dân tộc. Thật đáng tiếc lắm!

Con cháu Mô-áp và Am-môn là kết quả của lối sống hội nhập văn hoá của thánh đồ Lót vào văn hoá thành Sô-đôm. Phúc âm văn hoá ngày nay, tôi xin nói mạnh mẽ rằng chỉ sản xuất những đứa con ngoại tình cho Hội thánh của Đức Chúa Trời. Vị sứ đồ chép thơ Hê-bơ-rơ 12:8 nói, “Nhưng nếu anh em không được sửa trị mà ai nấy cùng chịu, thì anh em là con ngoại tình, chớ không phải con chánh.”.

  Đây là một câu Kinh thánh rất khó giải nghĩa. Có hai loại con của Đức Chúa Trời được minh định tại đây: Các con chánh (sons) - và các con ngoại tình. Từ ngữ “các con ngoại tình” theo nguyên văn là những kẻ “born out wedlock, illegitimate ”—nghĩa đen là những kẻ sinh ra ngoài hôn thú, bất hợp pháp. Đó là những tín đồ được cứu trong giai đoạn Hội Thánh hội nhập văn hoá, trong lúc Hội thánh đồng hoá với các dân tộc. Tôi tin rằng hậu cảnh của từ ngữ “những đứa con ngoại tình là Ô-sê 2:4-5.—“Ta sẽ không thương xót con cái nó, vì ấy là con cái của sự gian dâm.  Thật vậy, mẹ chúng nó làm sự gian dâm, kẻ mang thai chúng nó đã làm sự ô nhục”. Đồng hoá với các dân tộc là tà dâm thuộc linh. Con dân được cứu trong thời kỳ đó là các con ngoại tình thuộc linh. Hàng vạn con ngoại tình được sản sinh vào thời Costantine đại đế. Phúc âm ân điển sinh sản tín đồ chân thật, phúc âm vương quốc sản sinh người ýăc thắng, còn phúc âm văn hoá sinh ra tín đồ mà Chúa gọi là “con cái của sự gian dâm” thuộc linh. Đáng sợ thay.

Kết luận:
Anh em tôi lạm dụng những lời sau đây của sứ đồ Phao-lô, “Vì tôi đâu được tự do đối với mọi người, thì tôi cũng đành làm tôi mọi cho hết thảy, hầu cho tôi được nhiều người hơn. Đối với người Do-thái, tôi trở nên như người Do-thái, hầu được người Do-thái; đối với người dưới luật pháp - dầu chính tôi chẳng ở dưới luật pháp, hầu được người dưới luật pháp. Đối với người không luật pháp, tôi cũng như kẻ không luật pháp - mặc dầu đối với Đức Chúa Trời, tôi không phải là không luật pháp, bèn là dưới luật pháp của Christ - hầu được người không luật pháp.  Đối với kẻ yếu đuối, tôi trở nên như người yếu đuối, hầu được người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi cách cho mọi người, để tôi có thể cứu được ít nhiều người không cứ cách nào.  Mọi điều tôi làm thì làm vì cớ Tin Lành, hầu cho tôi cũng được đồng dự phần trong đó”..

  Phao-lô hoà dịu với mọi người ngoài Chúa, với mục tiêu chinh phục họ cho Chúa, trong khi ông vẫn còn bị Luật sự sống của Đấng Christ chi phối ở bên trong. Hoà hợp với người ngoại là phương cách, là phương tiện chớ không phải là mục tiêu, hay định mệnh.
   Satan rất hài lòng, còn Đức Chúa Trời thì phẩn nộ khi Hội Thánh bỏ tính khác biệt thuộc linh của mình—Hội thánh đang suy thoái và mất đi quyền năng thu hút thuộc linh của mình đối với thế giới khi hội nhập văn hoá với thế giới.

   Anh em ơi, nếu anh em chịu hoà tan, muốn hội nhập sâu hơn vào thế giới, không muốn sống tách biệt thuộc linh, tôi e sợ cho anh em. Liệu anh em có thể từ chối thắp hương trước bàn thờ vua Hùng hay trước hình tượng vĩ nhân nào đó, khi vì sự bảo toàn địa vị và cuộc sống của mình, lúc anh em đứng tại đó chung với các đồng nghiệp hay không? Thưa anh em, sống mọi cách với mọi người không có nghĩa là làm đám giỗ bố mẹ mình đâu nhé, dầu anh em không có đốt nhang.! Xin Chúa thương xót Hội Thánh Ngài.

  Tại Việt Nam ngày nay có nhiều phường, nhiều xã văn hoá xuất hiện, tôi cầu nguyện để không có sự ra đời của các Hội thánh văn hoá trong thế kỷ 21 nầy. Amen.

HỘI NHẬP VĂN HOÁ THẾ GIỚI

Văn hoá là sinh hoạt thế nhân,
Phô bày lối sống của muôn dân.
Lửa thiêu đốt sạch Sô-đôm xấu,
Đất mửa Ca-na-an một lần.
Bỏ lối sống hư không tổ phụ,
Lột đi Người Cũ của tiền nhân;
Đổi đời mình hoá theo Chân Chúa,
Bạn khoác vào Người Mới cải tân.

Minh Khải –mùng 2 Tết Giáp Ngọ --2014