Thứ Hai, 27 tháng 1, 2014

Ngày thứ ba - ngày của sự phục sinh


(Sáng Thế Ký 1:9‐10)
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tối nay xin Chúa làm cho chỗ khô cạn được nhìn thấy. Xin Chúa ban cho chúng con sự sống qua lời của Ngài. Chúa Jesus, chúng con cần Chúa, chúng con yêu Chúa. Vâng, chúng con ở đây vì Chúa. Chúng con đến đây để cùng tiến lên với Chúa.

Chúng ta ở đây để cùng tiến lên với Chúa. Chúng ta không ở đây vì không có chuyện gì khác để làm trong một tuần hay vì cảnh đẹp ở đây. Thánh Linh đã mang chúng ta đến đây. Trong thời gian này, mỗi người chúng ta hãy hướng lòng đến Chúa và nói với Ngài: “Chúa ơi, hãy thay đổi tình trạng của con. Con muốn có tiến bộ. Con đến đây để cùng tiến lên với các thánh đồ”. Chúng ta không tổ chức hội nghị thanh thiếu niên mỗi năm để gặp gỡ nhau mà Đức Chúa Trời có một sự khao khát đặc biệt đối với những người trẻ tuổi. Trong Kinh Thánh, những người được Đức Chúa Trời kêu gọi cho ý định của Ngài là già hay trẻ? Anh em có thể nghĩ rằng lúc đó Môi-se 80 tuổi, lớn tuổi hơn chúng ta nhiều. Nhưng không phải như thế. Lúc còn trai trẻ, Môi-se đã có một trái tim dành cho Đức Chúa Trời, ông đã từ bỏ thế gian, không muốn mình thuộc về thế gian (Hê-bơ-rơ 11). Còn các môn đồ của Chúa thì sao? Lúc đó họ bao nhiêu tuổi? Tất cả đều đã về hưu và có nhiều thời gian hơn phải không? Không phải, lúc đó họ còn rất trẻ, nhỏ hơn 30 tuổi. Ngày nay, Chúa cũng muốn gọi những người trẻ tuổi cho kế hoạch của Ngài. Chúng ta không chỉ được cứu rỗi mà chúng ta còn được kêu gọi. Chúa kêu gọi chúng ta để làm gì? Chúng ta được kêu gọi đến sự vinh hiển. Ngợi khen Chúa! Và với mục đích này mà Chúa đã mang chúng đến đây. Chúng ta hãy nói với Chúa: “tối nay hãy kêu gọi con một cách mới mẻ. Hãy gọi con mỗi ngày trong thời gian này để con tiến lên trong kế hoạch của Đức Chúa Trời”.

A. Thực hiện sự phân rẽ trong đời sống hàng ngày

Những gì chúng ta đã nghe cho đến bây giờ là rất căn bản và quan trọng. Tôi nghĩ khi đọc Sáng Thế Ký 1, chúng ta ngạc nhiên vì Đức Chúa Trời đã cần đến ba ngày để phân rẽ. Ngày đầu tiên Chúa phán hãy có ánh sáng, thì có ánh sáng. Chúa phân rẽ ánh sáng ra khỏi bóng tối rồi gọi tên. Như thế ngày đầu tiên đã kết thúc. Có lẽ chúng ta nghĩ rằng như thế đâu có nhiều, vì Chúa làm một chút là xong hết. Ngày thứ hai cũng vậy. Chúa phân rẽ theo một cách đặc biệt hơn: cụ thể là phân rẽ giữa nước ở trên và nước ở dưới, là sự phân rẽ giữa trời và đất. Rồi vào ngày thứ ba, Đức Chúa Trời lại phân rẽ. Tại sao Chúa lại không làm tất cả điều này trong một ngày? Tại sao Ngài lại dành nhiều thời gian cho ba sự phân rẽ này trong việc phục hồi của Ngài? Ngài làm như vậy để cho chúng ta thấy rằng những sự phân rẽ này đối với chúng ta là quan trọng ra sao. Chúng ta thích nói về sự sống, về hưởng thụ sự sống của Chúa. Tuy nhiên, điều huyền nhiệm mà Chúa đã bày tỏ trong Sáng Thế Ký 1 rằng nếu không có ba sự phân rẽ thì không có sự sống. Ngay cả cỏ dại cũng không tồn tại và cũng không thể phát triển được. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng tại sao thỉnh thoảng chúng ta có rất ít sự sống và dậm chân tại chỗ. Chúng ta được cứu rỗi, nhưng Chúa đã không tăng trưởng trong chúng ta nhiều. Tại sao lại như vậy? Đây là một câu hỏi rất quan trọng. Chắc chắn Đức Chúa Trời không muốn chúng ta chỉ được cứu rỗi, mà sau nhiều năm vẫn như vậy. Hê-bơ-rơ 5:11-14 giải thích tại sao việc phân rẽ lại rất quan trọng đối với các tín đồ: “Chúng tôi có nhiều điều cần nói về vấn đề nầy nhưng rất khó giải thích, vì anh em đã trở nên chậm hiểu. Đáng lẽ, bây giờ anh em phải làm thầy rồi; thế mà anh em vẫn cần người ta dạy những điều sơ học của lời Đức Chúa Trời cho anh em. Anh em vẫn còn phải uống sữa thay vì dùng thức ăn đặc. Ai chỉ uống sữa thì chưa hiểu lời của sự công chính, vì còn thơ ấu. Nhưng thức ăn đặc dành cho người trưởng thành, là cho những người nhờ thực hành mà luyện tập khả năng phân biệt điều tốt và điều xấu”. Ở đây, chúng ta có thể thấy được lý do tại sao mà sau nhiều năm chúng ta không tiến bộ nhiều, mà dẫm chân tại chỗ. Tại vì chúng ta đã trở nên chậm hiểu khi nghe.

Những sự phân rẽ trong Sáng Thế Ký 1 luôn bắt đầu bằng: “Đức Chúa Trời phán”. Sự phân rẽ giữa ánh sáng và bóng tối trong ngày thứ nhất rất rõ. Những trái của xác thịt trong Ga-la-ti 5, như xay xỉn, ham muốn xấu xa,dâm dục,..., là bóng tối. Chúng ta thực hiện sự phân rẽ đầu tiên này như thế nào trong đời sống hàng ngày? Một mặt, sự phân rẽ này có liên quan đến Lời Chúa, như Ga-la-ti 5 hay Cô-lô-se 3 nêu rõ những gì không được làm. Kinh Thánh nói rõ rằng nếu chúng ta phạm chúng thì bảo đảm sẽ không được thừa kế nước Trời. Có nghĩa rằng sự phân rẽ này rất quan trọng, nếu không có nó thì chúng ta sẽ không nhận được phần thưởng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại đây, chúng ta không lớn lên được. Ví dụ nếu mỗi tối anh em không đi nhậu, anh em cũng không thể lớn lên trong sự sống được. Dĩ nhiên không nhậu nhẹt thì tốt rồi. Nhưng chỉ như vậy thì không đủ, chúng ta cần có tai để nghe tiếng của Thánh Linh. Hê-bơ-rơ 5 nói chúng ta trở nên chậm hiểu, bản dịch tiếng Đức ghi là đã trở nên nặng tai, như vậy chính xác hơn. Mỗi ngày Thánh Linh nói với chúng ta thường xuyên như thế nào? Chúa đã nói với chúng ta “hãy bỏ điều này đi, đừng làm vì nó không có quan trọng. Nó chỉ cướp thời gian của con thôi” nhiều như thế nào? Và chúng ta đáp lại “Amen” với Chúa không? Đây chính là sự phân rẽ thực tiễn vì khi Đức Chúa Trời phán “hãy có ánh sáng” và sau đó Ngài phân rẽ ánh sáng. Khi nghe tiếng Chúa, nhưng chúng ta cần phải làm theo. Nếu Chúa nói với tôi là "hãy bỏ nó" nhưng tôi không bỏ thì một lúc nào đó tôi sẽ bị mất sự cảm biết, và tôi không có tai để nghe nữa. Sau đó, tôi lại ngạc nhiên vì Chúa không tăng trưởng trong tôi được. Sự sống không thể lan tỏa ra vì có nhiều điều trong chúng ta đã cản trở Chúa chiếm hữu lòng chúng ta. Hãy nói với Chúa rằng: "Chúa ơi, ban cho con tai để nghe Thánh Linh”. Dù đã là Cơ Đốc nhân nhiều năm rồi, nhưng việc phân rẽ này trong chúng ta không bao giờ được ngừng lại, nếu không chúng ta sẽ bị đi lùi. Khi Chúa phán, chúng ta nên tập nói "Chúa ơi, Amen. Con bỏ nó". Tất cả chúng ta đều dùng máy vi tính vì công việc, học tập, hay cho cá nhân... Nhiều việc rất có ích, nhưng nó làm chúng ta quá bận rộn. Chúng ta đáp "Amen” với Chúa và bỏ việc mình đang làm nhanh như thế nào khi Ngài phán "Hãy bỏ nó, vì nó không cho con sự sống. Hãy đến với Ta"? Câu hỏi không phải là anh em dùng máy vi tính nhiều hay ít mà câu hỏi là anh em có sự tự do hay bị nó giam giữ? Tự do có nghĩa là khi Chúa phán, anh em đáp "Amen". Anh em hãy luyện tập việc phân rẽ này mỗi ngày và luôn nói "Amen" với Chúa khi Ngài phán với anh em.

Trong Hội Thánh, chúng ta không cần một danh sách thô kệch về những điều không được làm, mà vấn đề là Thánh Linh nói gì với chúng ta. Chúng ta hãy luyện tập lắng nghe Chúa. Hãy xin Chúa ban cho khả năng phân biệt giữa những điều thuộc trời và những điều thuộc đất, giữa tâm linh và tâm hồn. Làm sao mà anh em có thể biết được điều gì đến từ tâm linh, điều gì đến từ tâm hồn? Bằng cách xoay lòng về tâm linh. Chúng ta hãy đọc Hê-bơ-rơ 4:12:"Vì lời của Đức Chúa Trời là lời sống động và linh nghiệm, sắc hơn mọi gươm hai lưỡi, xuyên thấu đến nỗi phân tách tâm hồn với tâm linh, khớp với tủy, phán đoán các tư tưởng và ý định trong lòng". Nếu không có Đức Chúa Trời thì không có gì cả. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đức Chúa Trời hằng sống, nên chúng ta muốn Ngài phán với chúng ta và phân rẽ trong chúng ta. Chúng ta không chỉ muốn phân rẽ giữa xác thịt và tâm linh mà chúng ta muốn Ngài phân tách tâm hồn khỏi tâm linh và phơi bày ra khi chúng ta sống bằng tâm hồn. Chúng ta có thường xin điều này không? Khả năng phân biệt giữa tâm hồn và tâm linh của chúng ta như thế nào? Khi nói, chúng ta có biết điều mình nói là đến từ tâm linh hay đến từ tâm hồn không? Điều chúng ta nói có đến từ Chúa không? Đây là điều rất quan trọng. Chúng ta hãy xin Chúa phân rẽ tâm hồn và tâm linh. Ngày đầu tiên liên quan đến việc phân biệt giữa tội lỗi và không tội lỗi, giữa tốt và xấu. Nhưng ngày thứ hai liên quan đến tâm hồn và tâm linh, nghĩa là giữa tốt với tốt. Đó là sự khác nhau giữa những gì thuộc trời và những gì thuộc đất. Chúng ta cần phải luyện tập, hãy mở lòng nói với Chúa rằng: "Chúa ơi con muốn học sự phân rẽ này. Hãy nói với con. Hãy phân rẽ tâm hồn và tâm linh khi con nói. Không làm điều xấu đối với con thì không đủ mà con muốn ở trong tâm linh. Con không muốn ở trong tâm hồn. Con muốn ở trong tâm linh khi chúng con nói chuyện với nhau".

Có phải bức tường bao quanh đền thờ trong Ê-xê-chi-ên 42:20 dùng để biệt riêng nơi thánh với nơi xấu xa không? Không phải, để biệt riêng nơi thánh với nơi tục, nghĩa là với nơi bình thường. Việc sống trong tâm hồn ngăn cản sự sống của Chúa phát triển trong chúng ta. Đó là một thiệt hại lớn vì nó làm chúng ta không tiến bộ được. Chúng ta cần một bức tường như vậy, cần sự phân rẽ giữa nơi thánh và nơi bình thường. Chúng ta đặc biệt cần khi nói chuyện với nhau. Trong Ê-phê-sô 5:3, Phao-lô nói đến ngày thứ nhất: ”những sự dâm dục, hoặc sự ô uế, hoặc sự tham lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, như vậy mới xứng đáng là các thánh đồ. Đừng nói những lời tục tĩu, nhảm nhí, thô bỉ, là những điều không xứng đáng; tốt hơn nên dâng lời cảm tạ Chúa”. Chúng ta nghĩ Phao-lô làm lớn chuyện. Không, Phao-lô không phóng đại lên mà ông muốn cho sự sống tăng trưởng trong chúng ta. Ngày thứ hai cực kỳ quan trọng, Phao-lô có khả năng phân biệt được những gì xứng đáng với những gì không xứng đáng. Xin Chúa ban cho chúng ta khả năng phân biệt này.

B. Đất khô được lộ ra - Đấng Christ phục sinh

(Giăng 11:25, Ê-sai 25:8, 2.Ti-mô-thê 1:10, Khải Huyền 1:17-18)
Vậy, Chúa muốn phân rẽ điều gì nữa vào ngày thứ ba này? Sáng Thế Ký 1:9-10 “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và chỗ khô cạn phải xuất hiện; thì có như vậy. Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành”. Đây là sự phân rẽ thứ ba. Trong Kinh Thánh, ngày thứ ba có nghĩa là ngày phục sinh. Ở đây, Chúa làm thêm một sự phân rẽ nữa: đó là sự phân rẽ giữa sự chết và sự sống. Sự phân rẽ này tinh tế hơn. Càng quen biết Chúa càng nhiều, chúng ta càng phân biệt được giữa sự sống và sự chết. Đây là một sự khác biệt tuyệt vời. Chúa muốn mang chúng ta vào hiện thực nhiều hơn. Chúng ta hãy đọc trong 2.Cô-rinh-tô 3:6: “Chính Ngài đã ban cho chúng tôi khả năng phục vụ giao ước mới, không phải giao ước bằng chữ viết, mà là giao ước trong Thánh Linh, vì chữ viết đem lại sựchết, nhưng Thánh Linh làm cho sống”. Rô-ma 7:6: “Nhưng bây giờ chúng ta đã chết về luật pháp, là điều đã cầm giữ mình, thì được giải phóng khỏi luật pháp để phục vụ Đức Chúa Trời theo cách mới của Thánh Linh, chớ không theo cách cũ của văn tự”.
ngayba1
1.Tê-sa-lô-ni-ca 5:23 cho biết con người được cấu tạo bởi ba phần: thân thể, tâm hồn và tâm linh, tâm linh ở trong cùng là phần quan trọng nhất. Ê-phê-sô 2:1 nói rằng khi chưa tin Chúa thì chúng ta đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình. Làm thế nào mà chúng ta đã chết nếu chúng ta còn phạm tội được? Điều mà Lời Chúa muốn nói là tâm linh chúng ta đã chết. Rô-ma 5:12 cho biết sự chết đã lan tràn qua tất cả mọi người. Trong mắt của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta đều sa ngã và đều đã chết. Thân thể đã trở thành xác thịt, tâm hồn thì trở thành cái tôi và tâm linh thì đã bị chết nên không hoạt động được. Đó là tình trạng của một người chưa được cứu rỗi: có xác thịt, có cái tôi và có một tâm linh chết. Thật là buồn thảm giống như ban đầu vậy: hỗn độn, trống không, vực thẳm và nước sự chết. Tất cả đều bị chìm trong nước sự chết.

Ngợi khen Chúa vì Ê-phê-sô 2:4: “Nhưng Đức Chúa Trời, là Đấng giàu lòng thương xót, vì cớ lòng yêu thương lớn Ngài đem mà yêu chúng ta, nên đang khi chúng ta chết vì tội mình, thì Ngài làm cho chúng ta sống với Đấng Christ, ấy là nhờ ân điển mà anh em được cứu”. Amen! Thật tuyệt vời! Đây chính là một tin mừng. Khi chúng ta tin và tiếp nhận Chúa lần đầu, Đấng Christ đi vào trong chúng ta. Ngài không vào đâu đó mà chính xác là đi vào trong tâm linh chúng ta và làm tâm linh trở nên sống. ”Đất khô được lộ ra”. Tâm linh chúng ta chính là đất khô trong Sáng Thế Ký 1. Từ lúc chúng ta được sinh lại, tâm linh chúng ta xuất hiện, lộ ra khỏi nước sự chết. Bởi tâm linh mà sự sống của Đức Chúa Trời có thể phát triển được trong chúng ta được. Ngợi khen Chúa! Tất cả chúng ta đều được sinh lại trong tâm linh. Ngày nay, tâm linh trong chúng ta đang sống, nhưng tâm hồn và xác thịt vẫn còn đang chết. Nước sự chết vẫn còn bao phủ khắp nơi.
ngayba2
Bây giờ, Chúa muốn chúng ta dùng tâm linh để đẩy lùi nước sự chết nhiều hơn. Chúng ta hãy đọc Khải Huyền 21:1 để thấy kết quả cuối cùng: ”Đoạn, tôi thấy trời mới và đất mới; vì trời thứ nhất và đất thứ nhất đã biến đi mất, và biển cũng không còn nữa”. “Biển không còn nữa”. Lúc đó sẽ không còn sự chết nào trong chúng ta, sự chết đã bị tâm linh đẩy lùi. Ngợi khen Chúa vì tâm linh trong chúng ta! Tâm linh là phần tuyệt nhất của con người và tâm linh sẽ đẩy lùi mọi nước sự chết trong chúng ta. Tâm linh làm như thế nào? 1.Cô-rinh-tô 15:45: “có lời chép rằng: Người thứ nhứt là A-đam đã nên tâm hồn sống. A-đam sau hết là linhban sự sống”. Mỗi khi linh ban sự sống cho chúng ta thì nước sự chết bị đẩy lùi. Lạy Chúa, xin hãy làm sự phân rẽ này trong chúng con! Ê-phê-sô 5:14-18 “Cho nên có chép rằng: Hỡi người đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi. Vậy, hãy giữ cho khéo về sự ăn ở của anh em, chớ xử mình như người dại dột, nhưng như người khôn ngoan. Hãy tận dụng thì giờ, vì những ngày là xấu. Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào. Đừng say rượu, vì rượu làm cho buông tuồng; nhưng phải đầy dẫy trong tâm linh”. Hãy đầy dẫy trong tâm linh! Amen! Như thế sự chết sẽ bị đẩy lùi. Lúc canh thức buổi sáng, chúng ta làm bởi vì nó tốt mà để tâm linh chúng ta được đổ đầy, để sự chết trong chúng ta bị nuốt chửng. Mỗi khi thức dậy vào buổi sáng, chúng ta thường kinh nghiệm sự chết. Chúng ta phải làm sao? “Hỡi người đang ngủ, hãy thức, hãy vùng dậy từ trong đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng ngươi”. Anh em hãy nói vào Chúa vào buổi sáng “xin Chúa hãy tiêu diệt mọi sự chết trong con. Xin cho ban cho con linh của sự sống”.

Sự sống phục sinh mà Chúa ban cho chúng ta rất tuyệt vời. “Khi nào thể hay hư nát nầy mặc lấy sự không hay hư nát, thể hay chết nầy mặc lấy sự không hay chết, thì được ứng nghiệm lời Kinh Thánh rằng: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng. Hỡi sự chết, sự thắng của mầy ở đâu? Hỡi sự chết, cái nọc của mầy ở đâu? Cái nọc sự chết là tội lỗi, sức mạnh tội lỗi là luật pháp. Nhưng, tạ ơn Đức Chúa Trời đã cho chúng ta chiến thắng, nhờ Đức Chúa Jesus Christ chúng ta” (1.Cô-rinh-tô 15:54-57). Chúa đã phục sinh và chúng ta cũng đã cùng sống lại với Ngài. Chính vì vậy, khi thấy sự chết thuộc linh đến và muốn làm tràn ngập đất khô của anh em, anh em hãy nói với Chúa rằng: “Không! Sự chết đã bị nuốt chửng trong chiến thắng rồi”. Anh em hãy vận dụng đức tin của mình. Sự chết không còn quyền lực trên chúng ta nữa. Có lẽ chúng ta cảm nhận được sự chết, nhưng cảm xúc của chúng ta không phải là sự thật mà Lời Chúa mới là sự thật. Chính vì vậy chúng ta phải dùng Lời Chúa để luyện tập đức tin của chúng ta. Chúng ta không tin một cái gì đó, mà chúng ta tin Lời Chúa. Đây là điều rất quan trọng! Thánh Linh sẽ cùng tác động nếu chúng ta đặt niềm tin vào Lời Chúa. Trong buổi canh thức ở hội nghị, anh em đừng ngồi im lặng cho đến khi hết giờ mà hãy luyện tập đức tin của mình. Anh em hãy mở miệng ra dù cảm thấy không khỏe hay hay thấy mệt mỏi. Nếu anh em nói bằng đức tin: “sự chết đã bị chiến thắng nuốt chửng rồi” thì buổi canh thức đó sẽ khác hẳn vì sự chết trong chúng ta bị đẩy lùi. Đây là điều quan trọng để Chúa có thể tiến lên với chúng ta được.

C. Kinh nghiệm của chúng ta với sức mạnh của sự phục sinh

(Phi-líp 3:10-11; Ê-phê-sô 1:19-20, Giăng 3:6, Rô-ma 6:4-5, 8-10)
Ê-xê-chiên 37:7-10: “Vậy tôi nói tiên tri như Ngài đã phán dặn tôi; tôi đang nói tiên tri, thì có tiếng, và nầy, có động đất: những xương nhóm lại hiệp với nhau. tôi nhìn xem, thấy những gân và thịt sanh ra trên những xương ấy; có da bọc lấy, nhưng không có hơi thở ở trong. Bấy giờ Ngài phán cùng tôi rằng: Hỡi con người, hãy nói tiên tri cùng gió; hãy nói tiên tri và bảo gió rằng: Chúa Giê-hô-va phán như vầy: Hỡi hơi thở, khá đến từ gió bốn phương, thở trên những người bị giết, để cho chúng nó sống. Vậy tôi nói tiên tri như Ngài đã phán dặn tôi, và hơi thở vào trong chúng nó; chúng nó sống, và đứng dậy trên chân mình, hiệp lại thành một đội quân rất lớn”. “Nói tiên tri” chính là chìa khóa để chiến thắng sự chết. Chúng ta hãy học để nói tiên tri, nghĩa là nói Lời Chúa bằng đức tin. Cảm xúc của chúng ta không phải là sự thật và những gì chúng ta nghĩ cũng không phải là chân lý, nhưng Lời Chúa là chân lý. Nếu chúng ta nói bằng đức tin thì Thánh Linh sẽ đến để nuốt sự chết. Và chúng ta đã kinh nghiệm điều này thường xuyên như thế nào? Chúng ta muốn cầu nguyện nhưng để ý rằng mình không thể, cảm thấy mệt mỏi. Khoảng hai phút sau thì chúng ta cảm thấy buồn ngủ, mặc dù chúng ta trước đó thấy khỏe khoắn. Nếu là chuyện khác thì chúng ta có thể làm đến nửa đêm cũng không thấy mệt mỏi. Nhưng trong buổi nhóm cầu nguyện thì sau 5 phút là chúng ta cảm thấy nặng nhọc. Đó là gì vậy? Đó là sự chết thuộc linh. Xác thịt và cái tôi của chúng ta không thích cầu nguyện. Khi giảng Phúc Âm, miệng chúng ta tự nhiên không mở ra được mặc dù trước đó chúng ta có thể nói chuyện hàng giờ. Nhưng khi định giảng Phúc Âm cho ai đó thì chúng ta không biết mình phải nói gì. Sự chết trong chúng ta phải được đẩy lùi, sự chết này phải bị nuốt chửng. Như vậy khi giảng Phúc Âm thì chúng ta có gì đó để nói. Khi cầu nguyện, chúng ta trở nên sống động. Đó là sự phục sinh. Ngợi khen Chúa! Thật là tốt để tất cả chúng ta kinh nghiệm sự phục sinh mỗi ngày cho đến khi biển không còn nữa. Nếu kinh nghiệm được sức mạnh của sự phục sinh, chúng ta sẽ trở nên sống và Chúa sẽ có một đội quân rất lớn. Chúng ta cần sự sống để Chúa có thể tiến lên trong chương trình của Ngài. Xin Chúa hãy hoàn tất công việc của Ngài trong chúng ta.

Tối hôm qua, chúng ta nghe rằng Chúa sắp trở lại. Nếu chúng ta nghĩ như vậy thì mọi thứ khác không còn quan trọng nữa. Việc học hành của anh em có ý nghĩa gì khi Chúa trở lại? Công việc mà tôi đang làm có quan trọng như thế nào nếu ngày mai Chúa trở lại? Chúa không có quan tâm đến nó. Việc xây dựng Hội Thánh là quan trọng như thế nào đối với chúng ta? Ôi Chúa Jesus ơi! Chúng ta cần phải luyện tập nói tiên tri như trong Ê-xê-chiên 37 chứ đừng đầu hàng cảm xúc của chúng ta. Khi cảm xúc chúng ta nói rằng: “ngươi không thể cầu nguyện được, ngươi đã có một ngày tồi tệ. Nếu ngươi đi cầu nguyện buổi tối thì đừng nói gì cả. Hay đừng đi, ngươi không làm được gì đâu vì người đang ở trong sự chết mà. Ở nhà tốt hơn”. Anh em có từng nghĩ như vậy không? Nếu vậy thì hãy nói tiên tri: “hỡi hơi thở, hãy đến và thổi vào con để con trở nên sống động”. Chúng tôi có thể làm chứng rằng mình thường đến buổi nhóm cầu nguyện như người chết vậy, Nhưng sau đó, chúng tôi trở nên sống động và như một đội quân. Ngợi khen Chúa! Tôi khích lệ tất cả anh em hãy đi buổi nhóm cầu nguyện, nhưng không chỉ đi đến đó mà hãy tham gia cầu nguyện, hãy nói tiên tri rồi hơi thở sẽ đi vào anh em. Nếu anh em chỉ ngồi im thì đừng ngạc nhiên là không có sự sống đi vào trong anh em. Hơi thở đi vào anh em qua đường miệng. Thánh Linh cần sự cộng tác của chúng ta để sự chết này bị đẩy lùi. Đây là điều rất quan trọng cho chương trình của Đức Chúa Trời. Chúng ta hãy cùng làm việc với Chúa để sự sống của Chúa lan tỏa ra nhiều hơn và qua đó Chúa có thể hoàn tất công việc của Ngài với chúng ta được. Chúa đã nói với Hội Thánh tại Sạt-đe: “ngươi có tiếng là sống nhưng ngươi chết”. Ngài thấy công việc của họ chưa hoàn tất. Sự chết như là một cái thắng, nó kiềm hãm chúng ta. Nhưng trong Lời Chúa, chúng ta có một con đường để chiến thắng sự chết này. Đó là chúng ta nói tiên tri và vận dụng đức tin để cùng nhau thực hiện công việc của Chúa. Thật là tuyệt vời nếu chúng ta là thế hệ có thể hoàn tất chương trình của Chúa. Đó là lý do mà Chúa sống trong chúng ta. Ngợi khen Chúa, chúng ta có Đấng Christ phục sinh đang ở bên trong.Tất cả chúng ta hãy luyện tập để chiến thắng sự chết và để việc của Chúa được tiến. Amen!