Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Đa-ni-ên -5

Chương 4 - Chủ quyền của Đức Chúa Trời và sự phát xét của Ngài dành cho vua Nê-bu-cát-nết-sa


Trong Hội Thánh, vương quốc Ngài, trong nhà của Chúa, chỉ một mình Chúa là Vua và Đầu. Vì Nê-bu-cát-nết-sa đã không hiểu nguyên tắc này nên Đức Chúa Trời đã sửa trị ông một cách triệt để (chương 4).

Giấc chiêm bao đầu tiên chưa đủ, ông đã cần thêm cái thứ hai. Phao-lô cũng có một kinh nghiệm tương tự: ông có một mạc khải siêu việt mà Đức Chúa Trời đã đặt ông lên đến tận tầng trời thứ ba. Nhưng Đức Chúa Trời cũng đã chăm sóc ông. Để Phao-lô không lên mình kiêu ngạo về những khải thị này, Đức Chúa Trời đã cho một cái dằm đâm vào thân xác ông (2.Cô-rinh-tô 12:7). Chúng ta phải được sửa trị - trong bất cứ cách nào. Đức Chúa Trời phải sửa trị chúng ta. Thật khốn khổ cho chúng ta, nếu chúng ta không chấp nhận sự sửa trị của Đức Chúa Trời và không sẵn sàng cho điều đó! Giấc chiêm bao của Nê-bu-cát-nết-sa là một lời cảnh báo cho chúng ta.

Vì chúng ta ngày nay đã đến được núi Si-ôn và đến thành của Đức Chúa Trời hằng sống, Giê-ru-sa-lem thiên thượng (Hê-bơ-rơ 12:22), chúng ta có thể dễ dàng ngạo mạn - đặc biệt là đối với các tín đồ khác ở Ba-by-lôn. Anh em đã làm gì để được điều đó? Anh em giỏi hơn người khác sao? Đó là ân điển và sự thương xót của Chúa. Hoàn cảnh của Nê-bu-cát-nết-sa không được nhắc tới. Ai đã định trước ông là con của cha mình? Đó không phải là lựa chọn của ông. Đối với nhà của Chúa chúng ta và vương quốc Ngài, tất cả chúng ta phải học bài học này.

Chúa là Đức Chúa Trời; Ngài đã sẵn sàng để tự hạ mình. Ngài không chỉ là một con người, thậm chí Ngài đã trở thành một nô lệ. Ngài đã có quyền lựa chọn, là một nhà vua, sinh ra trong một cung điện hay là sinh ra trong nhà của người nghèo. Anh em sẽ chọn gì? Chúa đã chọn để được sinh ra trong cảnh nghèo khổ. Ngài là Đấng Tối Cao, nhưng Ngài đã sẵn sàng để trở thành kẻ thấp hèn nhất, thậm chí là một con trùng: "Nhưng tôi là một con trùng, chớ chẳng phải người đâu" (Thi Thiên 22:6). Chúng ta không được phép quên điều này. Đây không phải là một câu không đáng kể, mà là một câu rất quan trọng. Chúa đã hạ mình rất nhiều, khi Ngài nói: "Tôi không phải là người, mà là một con trùng". Ngài đã sẵn sàng để bị xử lý bởi tạo vật của mình.

Trái lại, ở đây chúng ta thấy Nê-bu-cát-nết-sa sau sự hiện thấy đã tự nâng cao mình đến nỗi ra lệnh làm một bức tượng vàng. Ông muốn là tất cả. Loài người chúng ta là như thế. Nếu chúng ta có được chút năng lực gì và Chúa sử dụng chúng ta được một chút thôi, thì chúng ta đã cho là mình biết tất cả và mọi người phải nghe theo mình. Nhưng cuối cùng là sự hủy hoại và sụp đổ.

Cho nên, chương này rất quan trọng cho chúng ta, để chúng ta đừng bao giờ cho mình là rất phi thường. Ngài phi thường, chúng ta chẳng là gì cả. Chúng ta là cái gì? Không phải Chúa đã nói: "ngoài Ta, các ngươi chẳng làm chi được" (Giăng 15:5)? Điều này chúng ta không được quên. Tất cả đến từ Ngài. Ngài là Đấng lập vua này và bỏ vua kia.

Phản ứng của Nê-bu-cát-nết-sa đối với khải thị thứ hai của Đức Chúa Trời

Vì thế, trong Đa-ni-ên chương 4, Nê-bu-cát-nết-sa phải nằm chiêm bao một lần nữa. Ngay cả sau giấc chiêm bao này và sau sự giải nghĩa của Đa-ni-ên, ông vẫn không có tai để nghe.

"Ta, Nê-bu-cát-nết-sa, sống vô tư và vui thỏa trong cung điện ta. Ta thấy một điềm chiêm bao làm cho ta sợ sệt; những ý tưởng của ta ở trên giường, và những sự hiện thấy của đầu ta làm cho ta kinh hoàng" (Đa-ni-ên 4:4-5). Thật là lành mạnh khi được Đức Chúa Trời làm hoảng sợ theo cách này để chúng ta đừng đánh giá mình cao quá. Ở trong sự kính sợ và run rẩy là tốt, không phải trước con người mà trước Chúa. Chúng ta không cần sợ con người. Nhưng đối với Đức Chúa Trời hằng sống, chúng ta phải kính sợ. Chính Chúa đã nói: "Ðừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được tâm hồn; nhưng thà sợ Ðấng làm cho mất được tâm hồn và thân thể trong địa ngục" (Ma-thi-ơ 10:28). Tất cả những gì họ có thể làm được là giết chết người khác. Nhưng sau đó họ không làm gì được nữa. Nhưng đối với Đức Chúa Trời, cái chết không phải là sự kết thúc. Sau đó còn sự phán xét nữa. Và sau sự phán xét là sự chết thứ hai. Vậy anh em phải sợ ai hơn?

Vì thế, trong Thi Thiên 147:11 nói rằng: "Ngài đẹp lòng người kính sợ Ngài, Và kẻ trông đợi sự nhơn từ của Ngài". Tại sao chúng ta nói nhiều điều vô nghĩa và nhiều điều tiên tri kỳ cục và nghĩ mình là những nhà tiên tri? Vào thời Xa-cha-ri, không ai dám nói mình là nhà tiên tri nữa (Xa-cha-ri 13:4). Tất cả chúng ta phải học kính sợ Đức Chúa Trời hằng sống này.

"Vậy ta truyền chiếu chỉ, đem hết thảy những nhà thông thái của Ba-by-lôn đến trước mặt ta, hầu cho họ giải nghĩa điềm chiêm bao cho ta. Bấy giờ, các pháp sư, thuật sĩ, người Canh-đê, và các nhà chiêm tinh đều đến". Lẽ ra ông phải hiểu biết hơn. Loài người chúng ta không học nhanh được, chúng ta quên nhiều thứ. Mặc dù chúng ta thực sự biết rằng, con người không phải là những cố vấn đích thực, chúng ta cứ tìm kiếm họ. Tại sao anh em không đến thẳng với Đức Chúa Trời hằng sống? Đối với nhiều người trong chúng ta, Ngài vẫn còn ở quá xa. Chúng ta nghĩ: "Ngài không nghe tôi và tôi cũng không nghe thấy Ngài. Hay có lẽ Ngài nghe tôi, nhưng tôi không nghe Ngài được. Nhưng nếu tôi đến với người anh em này, thì anh ta có thể nghe tôi và tôi cũng có thể nghe anh ta được". Hãy thay đổi thói quen của anh em! Hãy học cách luôn đến với Đức Chúa Trời hằng sống! Trong Khải Huyền 2 và 3, ở các thư tín luân lưu gửi các Hội Thánh luôn được lặp lại câu: "Ai có tai, hãy nghe". Hãy nói với Chúa: "Lạy Chúa, xin ban cho con tai để nghe Ngài!" Chúng ta muốn học để nghe tiếng Ngài.
"...ta thuật chiêm bao cho họ nghe, nhưng không ai giải được ý nghĩa chiêm bao cả. Cuối cùng, Đa-ni-ên vào chầu ta, gọi là Bên-tơ-xát-sa theo tên thần của ta, và linh các bậc thần thánh ngự trong người. Ta thuật lại chiêm bao cho người" (Đa-ni-ên 4:7b-8). Chắc hẳn Nê-bu-cát-nết-sa đã nhận ra được rằng, vị thần của ông chẳng làm được gì cả. Nếu vị thần của ông có khả năng gì đó thì tất cả các pháp sư, thuật sĩ, người Canh-đê, nhà chiêm tinh này đã có thể giải nghĩa được giấc chiêm bao thứ nhất lúc trước và bây giờ có thể giải thích giấc chiêm bao thứ hai. Nhưng Nê-bu-cát-nết-sa cứng đầu, ông không muốn đổi thần của mình.

Nhiều người đến Hội Thánh và thực sự đã nếm được mùi vị gì đó: "Ở đây là tốt". Nhưng họ không muốn thay đổi, họ không muốn rời bỏ "thần cũ" của mình. Họ giữ chặt "thần cũ" - mặc dù họ biết rằng "thần của Đa-ni-ên" tốt hơn nhiều, thậm chí đã được chứng minh.

Khi Chúa Giê-su đến trái đất này, con người đã thấy thật nhiều phép lạ và dấu hiệu, họ đã nghe lời của Ngài, những lời đầy uy quyền, sự sống và quyền năng, hoàn toàn khác hẳn lời dạy của các thầy dạy Kinh Thánh (thầy thông giáo) - tuy vậy, họ không muốn thay đổi, không muốn "đổi thần". Vì thế Chúa thực sự phải sửa trị nặng chúng ta để sửa đổi chúng ta.

Sự phán xét, sửa trị và lòng thương xót của Đức Chúa Trời

Nhiều người cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, chúng con muốn được biến đổi!". Chúa sẽ hỏi: "Các ngươi có thực sự muốn điều đó không?" Sự biến đổi không xảy ra sau một đêm như là anh em đi ngủ vào buổi tối, sáng sớm hôm sau thức dậy thì được biến đổi. Nếu được như vậy thì tuyệt quá. Tôi ước rằng nó đơn giản như thế. Tiếc rằng nó không phải như vậy. Và Đức Chúa Trời cũng không thể thay đổi Nê-bu-cát-nết-sa một cách nhanh chóng như vậy được. Nhưng Ngài đã cảnh báo ông.

Qua việc Đức Chúa Trời xử A-na-nia và Sa-phô-ra (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:1-10) chúng ta thấy nguyên tắc rất quan trọng là anh em không được phép lừa dối Đức Thánh Linh! Đó phải là sự cảnh báo cho tất cả trong 2000 năm qua cho đến ngày nay. Chúng ta cho rằng Chúa không còn cho nó là nghiêm trọng nữa, vì ngày nay không ai còn bị chết và khiêng đi chôn cả. Như vậy là dại dột. Nếu anh em không học được trong trường hợp này, anh em sẽ không học được trong 1000 trường hợp khác. Một ngày nào đó, anh em sẽ lãnh chịu hậu quả. Không phải ngẫu nhiên mà có câu: "Sa vào tay Ðức Chúa Trời hằng sống là sự đáng kinh khiếp thay!" (Hê-bơ-rơ 10:31). Đừng nghĩ rằng, nếu chúng ta ở trong Hội Thánh không bị xử lý việc gì đó, thì không có gì xấu cả và có thể để tiếp tục như vậy. Không, Đức Chúa Trời sẽ xử lý.

"Bên-tơ-xát-sa, người làm đầu các thuật sĩ ... " (Đa-ni-ên 4:9). Đây không phải là một danh hiệu tốt. Anh em muốn có một danh hiệu không? Tốt hơn là chúng ta từ bỏ nó. Danh hiệu này không đến từ Chúa mà bởi Nê-bu-cát-nết-sa. Trong Hội Thánh, chúng ta dị ứng vơi những danh hiệu như vậy, ví dụ như "người được tôn trọng" (danh hiệu dành cho các linh mục, mục sư... cao cấp của Công Giáo và Tin Lành). Một danh hiệu như thế không thuộc về nước Đức Chúa Trời. "...bởi ta biết rằng linh của các thần thánh ở trong người, và không có một điều kín nhiệm nào là khó cho ngươi, vậy hãy bảo cho ta những sự hiện thấy trong chiêm bao ta đã thấy, và hãy giải nghĩa!" Nếu Nê-bu-cát-nết-sa đã biết vậy, tai sao ông lại không gọi Đa-ni-ên liền.

Sửa trị cho sự cứu rỗi và cho đầy đủ phẩm chất để lãnh nhận vương quốc

Đức Chúa Trời đã sửa trị Nê-bu-cát-nết-sa rất nặng trong bảy năm. Nhưng điều này nhằm mục đích cứu rỗi ông. Sự sửa trị này không phải là kết cục của ông, mà là sự cứu rỗi cho ông. Chúng ta phải sẵn sàng để Đức Chúa Trời sửa trị mình. Phục vụ cho việc đó là những hoàn cảnh và những khó khăn khác nhau mà chúng ta vượt qua. Chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận việc sửa trị của Chúa và thấy bàn tay Ngài trong đó. Mọi thứ đều có nghĩa, đặc biệt là đối với chúng ta, vì Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta. Vì thế, Phao-lô đã nói: "Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Ðức Chúa Trời" (Rô-ma 8:28). Tất cả mọi thứ phục vụ tốt nhất là cho việc sửa trị, cứu rỗi và biến đổi, để chúng ta có đủ phẩm chất và được trang bị cho việc nhận lãnh vương quốc Đức Chúa Trời.

Nếu anh em không sẵn sàng để được sửa trị bây giờ, Đức Chúa Trời sẽ đợi đến khi Ngài thiết lập xong vương quốc của Ngài. Sau đó, Ngài sẽ sửa trị anh em trong thời gian của Vương Quốc Ngàn Năm. Sớm muộn gì mỗi người trong chúng ta cũng bị sửa trị. Bây giờ thì nó diễn ra bởi ân điển Ngài. Nếu anh em để mình được sửa trị lúc này, thì thời gian của sự sửa trị có giới hạn và anh em gặt hái được sự sống. Nếu anh em đợi đến lúc Chúa chúng ta đến, Ngài sẽ sửa trị anh em không theo ân điển mà theo sự công chính của Ngài. Điều này sẽ như là qua lửa vậy. Và thời gian sửa trị chắc chắn sẽ kéo dài hơn – xa cách Chúa, ở nơi tối tăm bên ngoài, nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng (Ma-thi-ơ 22:13; 24:51; 25:30). Chúng ta không được phép quên điều đó, và thật là tốt để được nhắc nhở liên tục về nó.

Lời Đức Chúa Trời được ứng nghiệm

Nê-bu-cát-nết-sa đã rất ấn tượng về giấc mơ của ông, nhưng chỉ mình hiểu biết và giáo lý thôi thì không đủ. Điều này chúng ta phải học hỏi.

"Bấy giờ Ða-ni-ên, gọi tên là Bên-tơ-xát-sa, bị sững người trong chốc lát, và những ý tưởng làm cho người hoảng sợ" (Đa-ni-ên 4:19). Mặc dù không liên quan đến mình, nhưng Đa-ni-ên đã kinh hoàng về lời này. Nó cho thấy, Đa-ni-ên là một người như thế nào và cách ông xử sự với Lời Chúa ra sao. Lời Đức Chúa Trời không chỉ được chấp nhận như một sự dạy dỗ hay một lời cảnh báo, mà Lời Đức Chúa Trời sẽ còn được ứng nghiệm. Chúng ta quá hời hợt với Lời Chúa. Chúng ta nghĩ mình có thể hiểu và giải thích Lời theo cách này hay cách khác để phù hợp với chúng ta. Nhưng Đa-ni-ên đã có sự kính sợ. Chúng ta cần phải có một ý thức bên trong như vậy để xem trọng Lời Đức Chúa Trời.

Trong những câu kế, Đa-ni-ê mô tả giấc chiêm bao rất chính xác. Điều này nói lên rằng, khi liên hệ với Lời Chúa, Đa-ni-ên đã chính xác như thế nào.
Đức Chúa Trời đã cho Nê-bu-cát-nết-sa thấy bản chất thực của ông là gì - một con thú (4:32). Trong xác thịt của mình, chúng ta cũng giống như loài vật bốn chân. Lúc đầu, Nê-bu-cát-nết-sa có thể đã sợ hãi, nhưng chỉ sau 12 tháng, ông đã quên tất cả mọi thứ! Đó cũng là kinh nghiệm của chúng ta. Ngay sau hội nghị thì chúng ta hoàn toàn cho vương quốc Đức Chúa Trời, nhưng một thời gian sau, lại mất dần viễn tượng, chúng ta không còn nghĩ nhiều về vương quốc nữa, và sau 12 tháng thì tất cả sẽ mất hết.

"Hết thảy những sự đó đều đến cho vua Nê-bu-cát-nết-sa. Khi khỏi mười hai tháng, vua đi dạo trong hoàng cung Ba-by-lôn, thì cất tiếng mà nói rằng: Ðây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao cả ta, để làm đế đô ta, và làm sự vinh hiển oai nghi của ta sao?" (Đa-ni-ên 4:28-30). Điều này chúng ta cũng từng nghe: "Nếu không có tôi thì Hội Thánh ở đâu?" Một lời như vậy thật đáng sợ! Nhưng lúc đó, nhiều anh em đã nói: "Vâng, amen". Như thế, họ cũng phạm tội chung. Anh em, hãy học từ điều này! Tất cả chúng ta ngày nay phải học. Nếu không, chúng ta cũng sẽ kinh nghiệm giống như vậy. Những điều Đức Chúa Trời đã phán sẽ ứng nghiệm - không chỉ ở Nê-bu-cát-nết-sa.

"Lời chưa ra khỏi miệng vua, thì có tiếng từ trên trời xuống rằng: Hỡi Nê-bu-cát-nết-sa, đã báo cho ngươi biết rằng: Ngôi nước đã lìa khỏi ngươi" (Đa-ni-ên 4:31). Đức Chúa Trời đã không chờ một giây nào cả. Những gì Đức Chúa Trời phán sẽ được ứng nghiệm. Điều này tất cả chúng ta phải học trong Hội Thánh.

Sự sửa trị bởi ân điển

Mỗi suy nghĩ mà nói rằng anh em là cái gì đó, anh em phải ghét nó, thậm chí phải dùng áp lực để từ chối nó. Chúa đã nói: "Vậy nếu con mắt bên hữu xui cho ngươi phạm tội, thì hãy móc mà quăng nó cho xa ngươi đi; vì thà chịu một phần thân thể ngươi phải hư, còn hơn là cả thân thể bị ném vào địa ngục" (Ma-thi-ơ 5:29). Anh em phải để Chúa sửa trị con mắt của mình, đừng chỉ nói rằng: "Tôi là như vậy đó". Hãy hướng lòng mình tới Chúa và thưa: "Lạy Chúa, hãy sửa trị con bằng thập tự giá của Ngài!". Chính vì thế mà Chúa đã chịu chết. Chúa không ám chỉ rằng chúng ta theo nghĩa đen phải dứt bỏ các chi thể của mình, nếu vậy thì chúng ta sẽ sớm không còn mắt, tay chân, môi và lưỡi nữa, và chúng ta ngồi ở đây như những người tàn tật, mù lòa, què quặt. Chúng ta phải dứt bỏ như thế nào? Chúng ta hãy để Chúa cắt bỏ nó. Anh em phải nói trước Chúa rằng: "Lạy Chúa, con không muốn có nó nữa. Con xét đoán nó. Hãy cứu con khỏi nó, Chúa Giê-su. Con không muốn nó ở trong con". Nếu anh em không xử lý nó, nó sẽ làm hỏng anh em. Cuối cùng, anh em đánh mất vương quốc Chúa. Vì thế Chúa Giê-su đã phán: "thà rằng què chân mà vào sự sống, còn hơn là đủ hai chân mà bị quăng vào địa ngục" (Mác 9:45, Ma-thi-ơ 18:8). Hãy học cách để Chúa sửa trị mình! Ngay từ bây giờ! Đừng đợi! Thưa với Chúa: "Lạy Chúa, bây giờ con rất muốn học từ Chúa và để Chúa sửa trị con. Hãy làm điều đó bởi ân điển Ngài, lạy Chúa Giê-su!" Ngày nay vẫn còn là thời kỳ ân điển. Chúa có thể sửa trị bởi ân điển của Ngài. Ngài sẽ dạy dỗ và rèn luyện anh em bởi ân điển (Tít 2:11-12). Ân điển ngày nay rất hữu ích. Đừng nghĩ rằng ân điển chỉ dùng để thưởng thức! Ân điển cũng như một lưỡi dao phẫu thuật và cắt bỏ điều xấu. Đó là một ân điển để được Chúa sửa trị và chịu khổ vì nó. Phao-lô đã nói: "Ngài nhơn Ðấng Christ, ban ơn cho anh em, không những tin Ðấng Christ mà thôi, lại phải chịu khổ vì Ngài nữa" (Phi-líp 1:29).

Sự sửa trị triệt để

"Ngươi sẽ bị đuổi khỏi giữa loài người, sẽ ở với thú đồng; sẽ bị buộc phải ăn cỏ như bò, rồi bảy kỳ sẽ trải qua trên ngươi..." (Đa-ni-ên 4:32). Nghĩa là, sự sửa trị cần có thời gian. "Bảy" có nghĩa là một thời gian trọn vẹn cho sự tác động của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời sửa trị chúng ta, Ngài sẽ làm một cách triệt để - ở đây không có sự rút ngắn. Nếu không như vậy, một ngày nào đó nó lại nổi lên, vì gốc rễ chưa được chữa trị. Nhiều người trong chúng ta chỉ muốn cắt ngắn và che đậy, nhưng cuối cùng họ có nan đề. Chúa phải sửa trị chúng ta một cách triệt để - "bảy năm dài".

Kết quả việc sửa trị của Đức Chúa Trời

Sau bảy năm, Đức Chúa Trời đã phục hồi Nê-bu-cát-nết-sa trở lại. "...Cho đến khi ngươi nhận biết rằng Ðấng Tối Cao cầm quyền trên mọi vương quốc của loài người, và Ngài muốn giao quyền thống trị cho ai tùy ý Ngài" (Đa-ni-ên 4:32). Sự nhận biết này không phải là hiểu biết trong đầu, mà là một nhận thức sâu bên trong. Bảy năm trước, ông đã nghe từ Đa-ni-ên và có ấn tượng về nó. Nhưng có ấn tượng vẫn chưa đủ. Ông phải đi qua bảy năm. Sau đó ông đã nhận ra rằng "Ðấng Tối Cao cầm quyền trên mọi vương quốc của loài người, và Ngài muốn giao quyền thống trị cho ai tùy ý Ngài". Bây giờ ông đã biết, không phải bởi quyền lực và sức mạnh của mình mà ông đã xây dựng tất cả; đó là bởi Đức Chúa Trời hằng sống ở trên trời.

"Ðến cuối cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng tạ Ðấng Tối Cao. Ta bèn ngợi khen và làm sáng danh Ðấng sống đời đời, uy quyền Ngài là uy quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia. Hết thảy dân cư trên đất thảy đều coi như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ binh trên trời, và ở giữa cư dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?" (Đa-ni-ên 4:34-35). Thật là một bài học mà Nê-bu-cát-nết-sa đã học! Anh em là gì trong Hội Thánh vậy? Anh em tự cho mình là ai?

"Trong lúc đó, trí khôn phục lại cho ta, ta lại được sự vinh hiển của ngôi nước ta, sự oai nghi chói sáng trở lại cho ta..." (câu 36). Hãy ngợi khen Chúa! Điều này không tuyệt sao? Nếu chúng ta được sửa trị, chúng ta cũng sẽ nhận được điều mà Chúa muốn ban cho chúng ta. "... Những nghị viên và đại thần ta lại chầu ta. Ta lại được lập lên trên ngôi nước, và sự uy nghi quyền thế ta càng thêm" (câu 36). Đức Chúa Trời thật tuyệt diệu! Ngài còn ban cho ông thêm nữa. Sau sự sửa trị, Chúa sẽ ban cho chúng ta còn nhiều hơn điều mà chúng ta đã có rồi.

"Bây giờ, ta, Nê-bu-cát-nết-sa, ngợi khen, tôn vinh, và làm cả sáng Vua trên trời; mọi công việc Ngài đều chân thật, các đường lối Ngài đều công bình; và kẻ nào bước đi kiêu ngạo, Ngài có thể hạ nó xuống" (câu 37). Đó là một nhận thức sâu sắc tuyệt vời. Nếu Nê-bu-cát-nết-sa đã bị sửa trị như vậy, chỉ để nhận lại vương quốc của mình, thì Chúa cần phải sửa trị chúng ta, những người muốn nhận vương quốc đời đời, nhiều hơn thế nào nữa! Chúng ta phải ngợi khen Đức Chúa Trời và cảm tạ Ngài về sự sửa trị của Ngài trong Hội Thánh. Hội Thánh thật tuyệt diệu và vinh hiển. Nhưng sẽ tai họa cho chúng ta, nếu chúng ta cho rằng Hội Thánh được vinh hiển như vậy nhờ vào quyền lực và sức mạnh của mình. Nó không có nghĩa là chúng ta không làm gì cả trong Hội Thánh nữa, mà chúng ta phải học như Phao-lô, nói lời từ trái tim chứ không phải như một giáo điều: "Trái lại, tôi đã làm nhiều việc hơn các người khác, nhưng nào phải tôi, bèn là ân điển Ðức Chúa Trời đã ở cùng tôi" (1.Cô-rinh-tô 15:10).

Điều này là điều cần thiết để kế thừa vương quốc. Chúa muốn ban vương quốc cho chúng ta. Chúa đã phán rằng: "Hỡi bầy nhỏ, đừng sợ chi; vì Cha các ngươi đã bằng lòng cho các ngươi nước Đức Chúa Trời" (Lu-ca 12:32). Nhưng Cha không ban cho một cách đơn giản như vậy, mà Cha phải còn tác động, chữa lành và sửa trị rất nhiều bên trong chúng ta. Điều này không phải lúc nào cũng đơn giản vậy. Bảy năm này có nghĩa là cả đời sống anh em. Ở Nê-bu-cát-nết-sa, sự sửa trị đã được rút ngắn rất nhiều. Nhưng ngày nay, Đức Chúa Trời sửa trị chúng ta bởi ân điển Ngài trong suốt cuộc đời chúng ta, cho đến khi công việc của Ngài trọn vẹn trong chúng ta. Đức Chúa Trời không làm nửa vời.

Nhiều anh em ở đây có thể kể thật nhiều những gì Đức Chúa Trời đã làm trong Hội Thánh trong 40 năm qua. Qua đó, chúng tôi không muốn khoe khoang, mà là làm chứng trước Đức Chúa Trời hằng sống rằng, Chúa đã sửa trị chúng tôi rất nhiều. Vì thế, đối với chúng ta trong hội nghị không chỉ học các điều tiên tri. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta những lời này. Nó thật rất quan trọng đối với chúng ta! Hơn mọi lời tiên tri và mọi câu chuyện. Không có sự khiêm nhường thì những điều này chẳng có nghĩa gì đối với chúng ta cả. Cuối cùng chúng ta cũng sẽ như Nê-bu-cát-nết-sa, làm một bức tượng bằng vàng cho chính mình. Mọi kẻ thống trị thế gian này đã giữ nguyên lý này để làm tượng cho mình. Và lịch sử nói lên rằng, chúng ta là những Cơ Đốc nhân cũng không tốt hơn - chúng ta cũng có cùng nguy hiểm nếu chúng ta không được sửa trị. Có ích chi, nếu chúng ta có thể giải thích thật nhiều, nhưng sau cùng lại làm tượng của mình? Nguyện xin Chúa thương xót chúng ta!