Chương 6 - Đa-ni-ên được cứu khỏi miệng sư tử
(Thi Thiên 22:21, Hê-bơ-rơ 11:32-33)
Lời chứng của Đa-ni-ên trong thời cai trị của Ða-ri-út
Vào thời Đa-ri-út, Đa-ni-ên được khoảng 85 tuổi. Nếu chúng ta luyện tập hằng ngày sống trong tâm linh, và nhờ đó làm quen với Chúa là Đức Chúa Trời hằng sống của chúng ta bởi kinh nghiệm và thử thách, thì khi về già chúng ta cũng sẽ trở nên những người trưởng thành về tâm linh. Để cuộc sống Hội Thánh được lành mạnh, Chúa cần cả hai: một thế hệ trẻ sẵn sàng học và rèn luyện cũng như những anh chị em có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành về mặt thuộc linh. Đa-ni-ên đã chứng minh bản thân trong sự hiến dâng và sự trung tín với Đức Chúa Trời từ thời thanh thiếu niên cho đến lúc cao tuổi.
"Rồi Ða-ri-út là người Mê-đi được nước, bấy giờ tuổi người độ sáu mươi hai. Vua Ða-ri-út ưng đặt trong nước một trăm hai mươi quan trấn thủ, để chia nhau trị cả nước, và trên họ có ba quan thượng thơ, mà một là Ða-ni-ên. Các quan trấn thủ phải khai trình với ba quan đó, hầu cho vua khỏi chịu một sự tổn hại nào. Vả, Ða-ni-ên lại trổi hơn hai quan thượng thơ kia và các quan trấn thủ, vì người có tâm linh phi thường; thì vua định lập người trên cả nước" (Đa-ni-ên 5:31-6:3). Trong Đa-ni-ên có một tâm linh phi thường. Lúc 15 tuổi, chắc chắn ông chưa có tâm linh này. Tâm linh này đã phát triển trong ông và đã trở nên trưởng thành. Tâm linh ông không chỉ rất tốt, tinh sạch và phong phú, mà thậm chí phi thường nữa. Khi chúng ta bước và nếp sống Hội Thánh và phát hiện ra tâm linh của chúng ta, chúng ta đã như ngọn lửa hừng. Chúng ta đã tận hưởng và kinh nghiệm tâm linh. Kể từ đó, một số người trong chúng ta đã qua 40 năm, và tâm linh này sẽ càng rõ ràng và trưởng thành hơn. Phao-lô đã nói: "vì tâm linh (Ðức Thánh Linh) dò xét mọi sự" (1.Cô-rinh-tô 2:10). Và cuối cùng, tâm linh bắt đầu cai trị trên lý trí, cảm xúc và cảm nhận của anh em. Hầu hết mọi người chỉ sống trong lý trí của họ. Nhưng tâm linh bao la hơn nhiều. Nó thỏa mãn bản thể của chúng ta và dò xét cả "sự sâu nhiệm của Ðức Chúa Trời nữa". Vì thế, tôi muốn khích lệ mọi thánh đồ sống bởi tâm linh mình.
"Còn ai kết hiệp với Chúa thì trở nên một tâm linh cùng Ngài" (1.Cô-rinh-tô 6:17). Nếu vào thời giao ước cũ lúc đó, một tâm linh phi thường như vậy có thể cai trị trong một người, thì ngày nay càng nhiều hơn nữa, vì chính Chúa là dầu xức (Thánh Linh) đang sống trong chúng ta. Do đó, Phao-lô đã có thể nói: "Tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Chúa Cứu Thế sống trong tôi" (Ga-la-ti 2:20). Tại sao chúng ta còn rất nhiều nan đề trong Hội Thánh? Vì anh em chỉ sống trong lý trí mình và cho rằng mình đã hiểu tất cả, vì thế anh em sẽ gây ra nhiều nan đề cho chính bản thân mình, cho gia đình, cho anh em trong Hội Thánh và người khác. Trong vương quốc Chúa hôm nay, hãy học cách bước đi trong tâm linh. Phao-lô nói: "Hãy bước đi bởi tâm linh" (Ga-la-ti 5:16). Đó là con đường duy nhất mà Chúa có thể xây dựng Hội Thánh của Ngài và cai trị trong chúng ta.
Bị bắt bớ bởi các quan thượng thư và quan trấn thủ
"Vua định lập người trên cả nước" (câu 3). Do đó, các quan thượng thư đã ghen tỵ với Đa-ni-ên. Đột nhiên Đa-ni-ên trở thành một đối thủ cạnh tranh của họ. Ở giữa Cơ Đốc nhân chúng ta cũng vậy. Mỗi nhóm làm chuyện của mình, mỗi hệ phái có hướng riêng, và có nhiều sự cạnh tranh với nhau: Nguyên nhân thực tế là: Chính chúng ta, có ý thức hay vô ý thức, cùng với ý định và mong muốn riêng của mình đang cạnh tranh với vị Vua thiên thượng và ý định của Ngài.
"Các quan thượng thơ và trấn thủ bèn tìm cớ kiện Ða-ni-ên về việc nước; nhưng họ không thể tìm được một cớ nào, hay một sự xấu nào của người, bởi người là trung tín, trong người chẳng có điều lỗi và cũng chẳng có sự xấu" (câu 4). Cũng như các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đối với Chúa Giê-su, các quan thượng thư cũng tìm một cái cớ để chống lại Đa-ni-ên, nhưng họ đã không thể tìm thấy lỗi trong việc thực hiện nhiệm vụ của ông. Họ cũng đã tìm trong ba năm rưỡi một lý do để kiện Chúa Giê-su, tuy nhiên không thể tìm thấy gì. Ở Đa-ni-ên cũng vậy, họ đã tìm lỗi, nhưng không tìm được gì cả. Nếu chúng ta không trưởng thành thuộc linh, càng lớn tuổi thì càng nhiều lỗi được tìm thấy ở chúng ta. Nhưng phải ngược lại, càng trưởng thành trong sự sống, người ta phải càng thấy ít lỗi nơi chúng ta.
Đức Chúa Trời không chỉ muốn cứu rỗi chúng ta, làm chúng ta được xưng công bình, hay làm chúng ta nên thánh, mà Ngài muốn làm chúng ta trở nên giống hình ảnh con Ngài. Lời chứng của Đa-ni-ên khích lệ chúng ta rằng điều này là có thể. Càng tăng trưởng, chúng ta càng trở nên giống Chúa hơn. Chúng ta không được nhìn vào sai lầm của người khác. Nan đề của Hội Thánh thường là do mọi người cứ nhìn vào sai lầm của người khác, nhưng lại không nhận ra sai lầm riêng của mình. Vì thế Chúa cảnh báo chúng ta: "Sao ngươi dòm thấy cái dằm trong mắt anh em ngươi, mà chẳng thấy cây đà trong mắt mình?" (Ma-thi-ơ 7:3). Càng tăng trưởng, anh em càng sẽ thấy lỗi lầm mình nhiều hơn và anh em sẽ cầu xin Chúa: "Lạy Chúa, xin loại bỏ lỗi lầm này!".
Thư Hê-bơ-rơ cho biết Ngài có thể cứu chúng ta một cách toàn vẹn (Hê-bơ-rơ 7:25). Nhiều người chỉ muốn được cứu khỏi sự phán xét. Nhưng bởi sự sống trong chúng ta, Chúa muốn cứu chúng ta để chúng ta được biến đổi theo hình ảnh của Ngài. Ngài muốn mang chúng ta vào sự vinh hiển. Phao-lô đã nói: "...chúng ta sẽ nhờ sự sống của Con ấy mà được cứu là dường nào!" (Rô-ma 5:10). Chúng ta không chỉ cần huyết Ngài, mà cần nhiều sự cứu rỗi hơn nữa. Chúng ta không thể tự cứu chính mình, do đó chúng ta cần Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.
Không tìm thấy được lỗi nào ở Đa-ni-ên cả, "bởi người là trung tín". Từ "trung tín" này luôn được nhắc đến trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Ma-thi-ơ chương 24 và 25, khi nói đến sự trở lại của Chúa. Khi Chúa đến, chúng ta phải được Ngài thấy là trung tín. Không tùy vào hoàn cảnh bên ngoài, chúng ta phải trung tín và đứng vững. Tất cả chúng ta cần ân điển Ngài để trung tín. Tôi chỉ biết một người thực sự trung tín. Vì thế, trung tín cũng là tên của Ngài (Khải Huyền 19:11). Sau nhiều năm, trong cuộc sống Hội Thánh có nhiều nan đề, khó khăn, hiểu lầm, lỗi lầm cá nhân và của người khác - thời kỳ thử thách, và thỉnh thoảng như là đi xuyên qua lò lửa vậy. Nếu đức tin chúng ta đã được thử bằng lửa, thì nó sẽ quý hơn vàng (1.Phi-e-rơ 1:7).
Thật tốt và bình thường để được thử nghiệm, có thể không ngay lúc còn là người tin trẻ, nhưng thử thách sẽ đến, vì nó cần thiết để được trưởng thành trong sự sống. Tương thích với sự tăng trưởng của sự sống, Đức Chúa Trời sẽ thử nghiệm chúng ta. Áp-ra-ham cũng đã được thử nghiệm. Sau khi ông đã có nhiều kinh nghiệm với Chúa, một ngày nọ, Chúa thử nghiệm sự vâng lời của ông. Áp-ra-ham đã nhanh chóng vâng lời, dâng con mình ở núi Mô-ri-a. Vào thời đó, Áp-ra-ham đã học trung tín và vâng lời. Mọi điều mà chúng ta kinh nghiệm, sẽ không chỉ đến từ một thông điệp, mà Chúa phải và sẽ nói riêng với từng người chúng ta. Những gì Ngài nói với anh em, thì không ai có thể lấy đi khỏi anh em được. Càng có nhiều kinh nghiệm với Chúa, thì sẽ càng dễ trung tín hơn. Trung tín là những người theo sau Chiên Con (Khải Huyền 14:4). Chúa nói với Si-miệc-nơ rằng: "Khá giữ trung tín cho đến chết" (Khải Huyền 2:10). Đa-ni-ên đã trung tín cho đến chết.
"Vậy những người đó nói rằng: Chúng ta không tìm được một cớ nào mà cáo Ða-ni-ên nầy..." (Đa-ni-ên 6:5). Cho tới thời điểm này, Đa-ni-ên là một hình ảnh của Chúa chúng ta. Những gì ông từng trải cũng giống như Chúa đã từng trải. Họ không tìm được sai lầm nào ở ông cả. Trong vô ích, họ đã tìm kiếm một cớ để kiện ông. "... nếu chúng ta chẳng tìm trong sự thuộc về luật pháp Ðức Chúa Trời nó" (câu 5). Họ làm một âm mưu, làm một luật lệ nào đó để chống lại niềm tin của ông.
"Các quan thượng thơ và trấn thủ đó bèn vào chầu vua và tâu rằng: Hỡi vua Ða-ri-út, chúc vua sống đời đời! Hết thảy các quan thượng thơ trong nước, các quan lãnh binh, các quan trấn thủ, các nghị viên và các đại thần đều đồng tình xin vua ra chỉ dụ, lập một cấm lịnh nghiêm nhặt trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư tử" (câu 6-7). Đa-ri-út đồng ý điều vô nghĩa này.
"Khi Ða-ni-ên nghe rằng chỉ dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Ðức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước" (câu 10). Thậm chí Đa-ni-ên cũng đã không đóng các cửa sổ. Chúng ta có lẽ sẽ hành động "khôn ngoan hơn" và thích ứng để không thu hút sự chú ý. Điều đó không có nghĩa là khôn ngoan mà là thỏa hiệp và có sợ hãi. Đa-ni-ên đã không thỏa hiệp và đã không muốn thay đổi mối quan hệ tốt đẹp của ông với Chúa chỉ vì một điều vô lý như vậy. Chúng ta thường hay thích ứng. Chúng ta có thể xây dựng được gì với suy nghĩ và khả năng của mình? Thậm chí, anh em cũng không có khả năng xây dựng gia đình mình và mang bản thân đi theo con đường đúng. Chúng ta phải kinh nghiệm và biết Đức Chúa Trời như vậy, và điều này đòi hỏi một sự trưởng thành.
Đừng nghĩ rằng, Đa-ni-ên đã có rất nhiều thời gian. Ông là một quan thượng thư và là một người có lương tâm. Ai làm việc có lương tâm, luôn có nhiều việc để làm. Tuy vậy, ba lần trong ngày, ông đã ngưng mọi chuyện và dành thời gian để cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem. Tôi thường nghe từ các thánh: "Tôi không có thời gian". Nhưng chúng ta lại có thời gian cho thật nhiều điều khác trong ngày! Chúng ta không được bận rộn như vậy, để cuối cùng chúng ta không còn thời gian để cầu xin cho việc của Đức Chúa Trời. Đa-ni-ên đã rất nghiêm túc đối với kế hoạch của Đức Chúa Trời. Không có gì ngạc nhiên khi Đức Chúa Trời đã yêu thương người này. Ông đã trung tín và được Đức Chúa Trời yêu. Anh em có thường xuyên đến với Chúa để cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem không?
"Bấy giờ những người đó nhóm lại, thấy Ða-ni-ên đương cầu nguyện nài xin trước mặt Ðức Chúa Trời mình" (câu 11). Chúng ta cầu nguyện với Đức Chúa Trời hằng sống như thế nào? Chúng ta có cầu nguyện với cả tấm lòng cho mối quan tâm của Đức Chúa Trời, cho ý định Ngài? Sau nhiều năm, lòng của Đa-ni-ên vẫn còn cháy bỏng cho chương trình của Đức Chúa Trời. Ông nài xin, có nghĩa là ông có sự khát khao cho việc khôi phục lại nước Đức Chúa Trời. Điều này đối với chúng ta thì sao? Đối với chúng ta, tình trạng Hội Thánh ra sao cũng được? Anh em đã từng phàn nàn với Đức Chúa Trời rằng tình trạng của Hội Thánh chúng ta còn thật nhiều thiếu sót?: "Lạy Chúa, xin thương xót chúng con. Xin cho chúng con ánh sáng về những gì chúng con làm, xin phơi bày chúng con!". Anh em nghĩ Ngài không chăm lo các Hội Thánh sao? Nhưng có chép rằng, Ngài đi giữa các chân đèn vàng (Khải Huyền 1:13). Lúc đó, Ngài rất quan tâm đến các Hội Thánh, nhưng các Hội Thánh không muốn nghe Ngài. Năm thánh đồ trong Hội Thánh đối với anh em là đủ sao? "Lạy Chúa, tất cả chỉ nhiêu đó thôi sao? Những người trung tín ở đâu? Chúa không còn người trung tín nào khác trong thành phố này sao?" Anh em đã từng đổ nước mắt vì Giê-ru-sa-lem chưa, hay chỉ cho riêng mình thôi?
"Họ bèn đến chầu vua và tâu cùng vua về cấm lịnh của vua rằng: Hỡi vua, vua chẳng từng ký tên vào một cấm lịnh rằng trong ba mươi ngày, hễ ai cầu xin thần nào hay người nào ngoài vua, thì sẽ phải quăng vào hang sư tử đó chăng? Vua trả lời rằng: Sự đó là thật, theo như luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được" (câu 12). Nhà vua đã phạm một sai lầm, nhưng ông không thể hủy bỏ nó được. Phạm lỗi không phải là nan đề lớn nhất. Nhưng phạm lỗi và không ăn năn hay thậm chí còn biện minh, còn là một lỗi lớn hơn nữa.
"Khi vua nghe những lời đó, thì lấy làm buồn bã lắm; vua định lòng giải cứu Ða-ni-ên, và mãi đến khi mặt trời lặn, cố hết sức tìm thể để giải cứu người. Nhưng các người đó nhóm lại cùng vua và tâu rằng: Hỡi vua, xin biết rằng theo luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, hễ là cấm lịnh hay chỉ dụ nào mà vua đã lập định rồi, thì không thể thay đổi được" (câu 14-15). Ở đây cho thấy rằng đế chế Ba Tư không còn quý giá như đế chế Ba-by-lôn nữa. Chỉ mình Nê-bu-cát-nết-sa có quyền lực tuyệt đối, nhưng Đa-ri-út thì không còn nữa. Nê-bu-cát-nết-sa với quyền tuyệt đối của mình có thể hủy bỏ mọi luật pháp. "Bấy giờ vua truyền điệu Ða-ni-ên đến, và phải ném người vào hang sư tử" (câu 16).
Bởi Đức Chúa Trời hằng sống mà được cứu khỏi hàm của các sư tử
Buổi sáng hôm sau xảy ra những điều sau đây: "Ðoạn, vua dậy sớm, khi hừng sáng, vội vàng đi đến hang sư tử. Khi vua đến gần hang, lấy giọng rầu rĩ mà kêu Ða-ni-ên; vua cất tiếng nói cùng Ða-ni-ên rằng: Hỡi Ða-ni-ên, tôi tớ Ðức Chúa Trời hằng sống! Ðức Chúa Trời ngươi mà ngươi hằng hầu việc có thể giải cứu ngươi khỏi sư tử được chăng?" (câu 19-20). Đa-ri-út dường như có hy vọng rằng Đức Chúa Trời có thể cứu Đa-ni-ên. "Bấy giờ Ða-ni-ên tâu cùng vua rằng: Hỡi vua, chúc vua sống đời đời!" (câu 21). Đa-ni-ên vẫn luôn chào đón nhà vua như vậy, và cũng trong tình huống này đối với ông cũng bình thường. Có vẻ như tình huống này không có gì đặc biệt đối với ông vậy, chỉ là một kinh nghiệm tiếp theo đối với Đức Chúa Trời hằng sống. "Ðức Chúa Trời tôi đã sai thiên sứ Ngài, và bịt miệng các sư tử, nên chúng nó không làm hại chi đến tôi, bởi tôi đã được nhận là vô tội trước mặt Ngài" (câu 22). Có lẽ nhiều người khác tìm thấy tội nơi anh em, nhưng miễn là Đức Chúa Trời hằng sống nói anh em vô tội, thì đủ tốt rồi. Chúng ta không phải lúc nào cũng cần bào chữa cả. Hãy để Đức Chúa Trời biện minh cho anh em. Sau đó, các sư tử không thể chạm đến anh em được.
"Hỡi vua, đối với vua cũng vậy, tôi chẳng từng làm hại gì. Bấy giờ vua mừng rỡ lắm, và truyền đem Ða-ni-ên lên khỏi hang. Vậy Ða-ni-ên được đem lên khỏi hang, và người không thấy một vết tích nào trên người, bởi người đã nhờ cậy Ðức Chúa Trời mình. Theo lịnh vua, những kẻ đã kiện Ða-ni-ên ấy cùng con cái và vợ họ đều bị điệu đến quăng vào hang sư tử. Khi họ chưa đến dưới đáy hang, thì những sư tử đã vồ lấy và xé xương hết thảy" (câu 22-24).
Nếu chúng ta làm được lời chứng như vậy, chúng ta sẽ để lại ấn tượng trong toàn vương quốc - một minh chứng cho sự tác động của Đức Chúa Trời hằng sống. Ngợi khen Chúa - sau sự chết là sự phục sinh! Một lời chứng như vậy thật mạnh mẽ.
"Bấy giờ, vua Ða-ri-út viết cho hết thảy các dân, các nước, các thứ tiếng ở khắp trên đất rằng: Nguyền cho sự bình an các ngươi được thêm lên! Ta ban chiếu chỉ rằng, trong khắp các miền nước ta, người ta phải run rẩy kính sợ trước mặt Ðức Chúa Trời của Ða-ni-ên" (câu 25-26). Một lời chứng như vậy làm ảnh hưởng cả trái đất. Cũng như ở các môn đệ Chúa Giê-su. Không chỉ lời giảng tốt của họ mà lời chứng của họ đã làm đảo lộn thế giới. Họ đã là nhân chứng cho sự oai nghi của Ngài (2. Phi-e-rơ 1:16). Họ làm chứng cho những gì mắt họ đã thấy. Đó là một lời chứng mạnh mẽ. Nếu chúng ta chỉ trích dẫn Kinh Thánh thì không đủ. Ngày nay, chúng ta cần nhiều kinh nghiệm với Đức Chúa Trời hằng sống - trưởng thành nhiều trong sự sống. Chúng ta hãy trung tín đến cuối cùng.