Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

BABEL, BABYLON VÀ BABYLON LỚN – KẾT QUẢ CỦA SỰ CHIA RẼ

 Image result for photo of the harlot on the beast

Đọc Kinh Thánh: Sáng 2:9b, 17; 11:4, 9; 1 Vua 12:26-30;
15:34; 2 Sử 36:5-20; 1 Cor. 1:11-13a; Khải 17:3-5
HAI ĐƯỜNG HƯỚNG
Trong Kinh Thánh có hai đường hướng: đường hướng sự sống và đường hướng sự chết. Hai đường hướng này ra từ hai nguồn hiện hữu trong vũ trụ. Một nguồn là Đức Chúa Trời, còn nguồn kia là Ma Quỉ, Satan. Hơn nữa, mỗi đường hướng sẽ có một kết quả, hậu quả cụ thể. Đường hướng sự sống bắt đầu bằng cây sự sống và kết thúc với Jerusalem Mới. Đường hướng sự chết bắt đầu bằng cây biết điều thiện và điều ác, trải qua Babylon lớn, và kết thúc với hồ lửa. Sự hiệp nhất ở trên đường hướng sự sống, bắt nguồn từ  Đức Chúa Trời và dẫn đến Jerusalem mới. Trái lại, sự chia rẽ ở trên đường hướng sự chết, bắt nguồn từ Satan, dẫn đến Babylon lớn và cuối cùng là hồ lửa. Nếu muốn thấy lẽ thật hiệp nhất vĩ đại trong Kinh Thánh, chúng ta cần phải sáng tỏ về hai nguồn, hai đường hướng và hai kết quả này. Sau đó chúng ta sẽ biết sự hiệp nhất và sự chia rẽ thuộc về nơi nào.

Nhiều Cơ Đốc nhân không để ý đến sự chia rẽ vì họ không thấy sự nghiêm trọng của hai đường hướng này. Đừng bao giờ xem sự chia rẽ như một vấn đề vô nghĩa. Sự chia rẽ cực kỳ nghiêm trọng, một vấn đề sống hoặc chết. Ở trong sự hiệp nhất là ở trong sự sống, còn ở trong sự chia rẽ là ở trong sự chết. Trong chương trước chúng ta đã chỉ ra thể yếu của sự hiệp nhất là sự sống và sự sáng. Trong chương này chúng ta tiến lên để thấy kết quả của sự chia rẽ trước hết là Babel, rồi đến Babylon, và cuối cùng là Babylon lớn.
KHÔNG CÒN SỰ CHIA RẼ NỮA
Bốn hành động vĩ đại của Đức Chúa Trời có liên hệ đến sự sáng tạo, sự tuyển chọn, sáng tạo mới và Jerusalem mới trong trời mới và đất mới. Ngoài Đức Chúa Trời, nguồn đúng đắn duy nhất trong vũ trụ ra, còn có một nguồn khác, Satan, với một yếu tố và kết quả khác. Vào thời kỳ Jerusalem mới, tất cả nguồn, yếu tố và kết quả này sẽ bị ném vào trong hồ lửa. Vì vậy, trong trời mới và đất mới, Đức Chúa Trời sẽ là nguồn duy nhất, và chỉ có yếu tố và kết quả của Ngài mới tồn tại. Vì lý do này, trong vũ trụ mới sẽ không có sự chia rẽ. Sẽ không còn sự chết, không còn buồn rầu, không còn khóc lóc, không còn đau đớn và không còn sự tối tăm nữa. Chúng ta có thể tiến lên để nói rằng trong trời mới và đất mới, sẽ không còn tội lỗi, tính thế tục, xác thịt, bản ngã hoặc Satan nữa. Sẽ không có bất cứ điều tiêu cực nào. Điều này nghĩa là sẽ không còn sự chia rẽ nữa.
Sự chia rẽ là tổng bao hàm, bao gồm những điều tiêu cực như Satan, tội lỗi, tính thế tục, xác thịt, bản ngã, người cũ và tính ác độc. Nếu được soi sáng về bản chất của sự chia rẽ, chúng ta sẽ thấy nó bao hàm mọi điều tiêu cực. Đừng nghĩ là sự chia rẽ đứng đơn độc và không liên hệ gì đến những điều xác thịt, bản ngã và tính thế tục. Sự chia rẽ không chỉ liên hệ mà còn bao hàm mọi điều tiêu cực.
Giống như sự chia rẽ là tổng bao hàm, thì theo cùng một nguyên tắc, sự hiệp nhất cũng tổng bao hàm. Sự hiệp nhất bao hàm Đức Chúa Trời, Đấng Christ và Linh. Ephesus 4:3-6 chỉ tỏ điều đó. Về sự hiệp nhất đã khải thị trong các câu này, chúng ta có Đức Chúa Trời Cha, Đấng Christ, Chúa, và Linh như Đấng ban sự sống. Sự hiệp nhất này bao gồm những điều tích cực như tâm linh tái sanh với tâm trí được biến đổi và đổi mới của chúng ta. Mọi điều tích cực được bao hàm trong sự hiệp nhất đúng đắn.
Jerusalem mới sẽ là sự tổng kết sau cùng của sự hiệp nhất và mọi điều tích cực được bao hàm trong đó. Còn hồ lửa sẽ là hồ chứa sau cùng của sự chia rẽ và mọi điều tiêu cực được bao hàm trong đó. Chúng ta có thể nói hồ lửa sẽ là biển chết đời đời chứa mọi điều tiêu cực trong vũ trụ. Hồ lửa sẽ là hố rác hoàn vũ sau cùng. Trái lại, Jerusalem mới sẽ là sự tổng kết và biểu hiện sau cùng của sự hiệp nhất. Thành phố này sẽ có đặc điểm là một ngai, một con sông, một cây và một con đường. Trong con đường sẽ tuôn chảy sông nước sự sống, và hai bên bờ sông sẽ có cây sự sống. Cho nên, chúng ta có thể gọi con đường của Jerusalem mới cách đúng đắn là con đường sự sống, con đường duy nhất này sẽ làm cho sự chia rẽ trở nên bất năng. Sư chia rẽ cùng với mọi điều tiêu cực có liên hệ tới nó sẽ chỉ được tìm thấy trong hồ lửa.
NGUỒN CỦA BABEL
Kết quả thứ nhất của sự chia rẽ là Babel. Nguồn của Babel là cây tri thức. Nếu Adam không ăn trái cây tri thức, hậu duệ của ông sẽ không thể xây tháp và thành phố Babel. Theo ký thuật trong Sáng Thế Ký 3, Adam đã đồng dự phần vào trái cây biết điều thiện và điều ác. Khi ông đã ăn trái cây này, cây tri thức này đã thật sự bước vào trong ông và trở nên thành phần của ông cách chủ quan. Ký thuật của Sáng Thế Ký 4 chỉ tỏ điều đó. Trong chương này, chúng ta thấy sự căm ghét, sát nhân, đa thê, và sự phát minh vũ khí chiến tranh. Sáng Thế Ký 6 khải thị về một tình hình tồi tệ. Con người đã trở nên xác thịt (c.3), và “sự gian ác của con người quá nhiều trên đất” (c.5). Hơn nữa, như câu 11 tuyên bố: “Đất cũng đã bị bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời; và đất đầy dẫy bạo lực.”. Khi Đức Chúa Trời nhìn xuống trái đất, Ngài đã trông thấy sự bại hoại của nó, “vì mọi xác thịt đã làm bại hoại con đường của mình trên đất” (c.12). Như tất cả chúng ta đều biết, Đức Chúa Trời đã thẩm phán thế hệ bại hoại đó bằng nước lụt. Tuy nhiên, ngay cả sự thẩm phán này cũng không khiến cho bản chất con người được thay đổi. Theo Sáng Thế Ký 11, con người thậm chí còn dám chiến đấu chống lại Đức Chúa Trời. Trong Sáng Thế Ký 11:4, họ nói: “Chúng ta hãy xây dựng cho mình một thành phố và một ngọn tháp…và chúng ta hãy làm nổi danh mình.” Trong việc tìm cách làm nổi danh mình, họ đã phản loạn chống lại Đức Chúa Trời. Kết quả của sự phản loạn này là sự chia rẽ và lộn xộn. Đây là Babel, kết quả thứ nhất của sự chia rẽ. Kết quả sự phản loạn ở Babel là nhân loại đã bị chia rẽ.
Ý NGHĨA CỦA BABEL
Sự chia rẽ ở Babel có liên quan đến sự thờ thần tượng. Một số sử gia tin là chữ được khắc trên các viên gạch dùng để xây tháp và thành phố Babel là tên các thần tượng. Joshua 24:2 nói: “Chúa Đức Chúa Trời của Israel phán như vầy: Ngày xưa tổ phụ các ngươi đã cư trú bên kia sông, ngay cả Terah, cha Abraham, và cha của Nachor, cũng đã phục vụ các thần khác.” Câu  này chỉ tỏ là trước khi Abraham được Đức Chúa Trời kêu gọi, ông đã phục vụ các thần khác tại xứ Chaldea. Điều này có nghĩa là ông đã thờ thần tượng. Cho nên, sự chia rẽ của nhân loại ở Babel có liên quan đến sự thờ thần tượng.
Từ các chương này trong Sáng Thế Ký, chúng ta thấy sự chia rẽ bao hàm những điều tiêu cực như là sự căm ghét, sát nhân, đa thê, chiến tranh, bại hoại, phản lọan và thờ hình tượng. Kết quả yếu tố tổng bao hàm của sự chia rẽ này trước hết là Babel với các sự chia rẽ và lộn xộn. Vì vậy, ý nghĩa của Babel là chia rẽ và lộn xộn.
SỰ HIỆP NHẤT CỦA DÂN ĐỨC CHÚA TRỜI
Mặc dù Đức Chúa Trời cần phải từ bỏ dòng giống được tạo dựng, nhưng Ngài không từ bỏ chủ đích đời đời của Ngài với con người. Thay vì vậy, theo sự thương xót của Ngài, Ngài đã hiện ra với một thành viên của dòng giống Adam là Abraham, và kêu gọi ông ra khỏi môi trường của mình. Trong điều này chúng ta thấy sự tuyển chọn của Đức Chúa Trời. Như chúng ta đã chỉ ra, trong sự tuyển chọn Abraham, Đức Chúa Trời đã hành động theo bản chất hiệp nhất của Ngài. Vì lý do đó, Ngài đã tuyển chọn một người, không phải một số đông người. Đức Chúa Trời đã truyền bảo Abraham lìa khỏi quê hương và bà con mình rồi đi đến miền đất Ngài sẽ ban cho Abraham và hậu duệ của ông.
Cuối cùng, dưới sự chúc phước của Chúa, hậu duệ của Abraham, con cái Israel, đã lên đến hàng trăm ngàn người. Sau đó con cái Israel đã xuất hành khỏi Ai Cập, họ đã bước vào miền đất tốt lành, miền đất Đức Chúa Trời đã hứa với Abraham. Theo sách Phục Truyền, Đức Chúa Trời đã truyền lệnh là họ không được vận dụng sự lựa chọn riêng về nơi thờ phượng tập thể (Phục 12). Hơn nữa, họ đã hạ mình trước mặt Chúa và chấp nhận sự lựa chọn của Ngài. Bởi việc tôn trọng Chúa trong vấn đề nơi thờ phượng tập thể và chấp nhận sự lựa chọn của Đức Chúa Trời về nơi duy nhất, con cái Israel đã được bảo tồn trong sự hiệp nhất. Theo sự lựa chọn của Đức Chúa Trời, đền thờ được xây dựng trên núi Zion, và ba lần một năm, dân Đức Chúa Trời đã hành trình đến đó. Nơi Chí Thánh trong đền thờ xây dựng trên núi Zion là trung tâm sự hiệp nhất của dân Đức Chúa Trời. Trung tâm này là nơi của sấm ngôn Đức Chúa Trời, và nơi đó đã bảo tồn sự hiệp nhất của tuyển dân Đức Chúa Trời.
SỰ CHIA RẼ ĐƯỢC TẠO RA
BỞI TÍNH ÍCH KỶ VÀ THAM VỌNG
Tuy nhiên, một ngày kia quốc gia đã bị chia xé thành hai vương quốc, vương quốc Israel phía Bắc và vương quốc Judah phía Nam. Jeroboam trở nên vua của bắc quốc, còn Rehoboam, vua của nam quốc. Sau khi sự chia rẽ này được hình thành, sự thờ thần tượng đã bước vào. Jeroboam không chỉ gây chia rẽ; ông cũng dựng lên các thần tượng tại Bethel và Dan (1 Vua 12:29). Khi đã làm nên hai bò con vàng, Jeroboam nói với dân chúng: “:Thật quá đáng khi để các ngươi đi lên Jerusalem: Hỡi Israel, kìa các thần của ngươi, đã đem ngươi ra khỏi xứ Ai cập) (c.28). Nguồn của hai thần tượng này là tính tham vọng ích kỷ của Jeroboam. Jeroboam đã lập nên một trung tâm thờ phượng khác vì ông sợ mất vương quốc của mình. 1 Các Vua 12:26 và 27 nói: “Và Jeroboam thầm nói rằng: Bây giờ vương quốc chắc sẽ trở về với nhà David, nếu dân này đi lên dâng sinh tế tại nhà của Chúa ở Jerusalem thì lòng của dân này sẽ xoay lại với Chúa của họ, thậm chí với Rehoboam vua Judah, và họ sẽ giết ta, rồi trở lại với Rehoboam vua Judah.’ Để ngăn không cho điều này xảy ra và bảo tồn vương quốc của mình, Jeroboam đã dựng lên các thần tượng trong một trung tâm thờ phượng cạnh tranh. Điều này chứng tỏ rõ ràng rằng nguồn gốc của các thần tượng này là tham vọng của ông.
Chúng ta cần áp dụng nguyên tắc này cho tình trạng giữa vòng các Cơ Đốc nhân ngày nay. Các sự chia rẽ trong Cơ Đốc Giáo được tạo nên bởi tính ích kỷ và tham vọng. Bởi vì một vài người nào đó tham vọng có đế quốc riêng, họ bỏ lơ sự lựa chọn của Đức Chúa Trời. Tham vọng của họ là có một vương quốc để làm thỏa mãn niềm ao ước vị kỷ của riêng mình. Trong Cựu Ước, sự lựa chọn của Đức Chúa Trời là một nơi duy nhất: núi Zion tại Jerusalem. Tại nơi này, đền thờ với Nơi Chí Thánh theo sấm ngôn đã được xây dựng. Tuy nhiên, Jeroboam, một người tham vọng, ích kỷ và tìm tư lợi, đã thiết lập một trung tâm thờ phượng khác. Một số người có thể bênh vực hành động của ông bằng cách chỉ ra rằng ông không thiết lập một trung tâm cho thú tiêu khiển thế tục, nhưng một nơi để thờ phượng Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, trung tâm thờ phượng này thực ra là một bức bình phong cho tham vọng của Jeroboam. Ngày nay cũng vậy. Vì tính ích kỷ và tham vọng của mình, nhiều nhà lãnh đạo Cơ Đốc đã thiết lập các trung tâm thờ phượng. Hiển nhiên, các trung tâm này được thiết lập để thờ phượng Đức Chúa Trời. Thực ra chúng được thiết lập để làm trọn tham vọng có một vương quốc của một người. Cho nên, theo một ý nghĩa rất thực tế, các nhà sáng lập nhiều nhóm Cơ Đốc là các Jeroboam ngày nay. Các trung tâm thờ phượng được thiết lập bởi các Jeroboam ngày nay thực ra là các trung tâm tham vọng. Vì lý do đó, “các thần tượng” có thể được tìm thấy tại những nơi này.
Theo nguyên tắc trong 1 Các Vua 12:26-30, trong nhiều nhóm Cơ Đốc có “các thần tượng” được thiết lập để thu hút dân chúng và nắm giữ họ. “Các thần tượng” này ngăn cản dân chúng với Đức Chúa Trời. Noi theo gương mẫu Aaron ở núi Sinai, Jeroboam đã làm hai bò con vàng và bảo với dân chúng đó là Đức Chúa Trời đã đem họ ra khỏi Ai Cập. Chúng ta có thể tự hỏi là tại sao con cái Israel lại đui mù chấp nhận các thần tượng này làm Đức Chúa Trời như vậy. Vì chúng ta nhìn tình trạng từ xa, nên chúng ta có thể thấy điều đó cách sáng tỏ. Tuy nhiên, nếu có mặt ở đó, có lẽ chúng ta đã theo Jeroboam và muốn làm một với ông.
Chúng ta cần phải sáng tỏ về tình trạng trong Cơ Đốc giáo ngày nay. Nếu ở dưới sự chiếu sáng của ánh sáng thiên thượng, chúng ta sẽ nhận thức rằng trong rất nhiều nhóm Cơ Đốc “các thần tượng” đã được thiết lập để thay thế Đức Chúa Trời. “Các thần tượng” đó thu hút dân chúng để thành lập những nhóm này, rồi kế đến giữ họ lại ở đó.
NIỀM AO ƯỚC VỀ NHÀ ĐỨC CHÚA TRỜI
Chúng ta đã chỉ ra sự phát ngôn chân thật của Đức Chúa Trời ở tại Nơi Chí Thánh trong đền thờ. Thi Thiên 24:7 diễn đạt khát vọng sâu xa của dân Đức Chúa Trời về nhà Đức Chúa Trời. Câu này nói: “Tôi đã ao ước một điều của Chúa, và tôi sẽ tìm kiếm; đó là tôi có thể cư trú trong nhà Chúa trọn đời, để ngắm xem vẻ đẹp của Chúa, và cầu hỏi trong đền thờ Ngài” Tác giả Thi thiên thật đã ao ước ở lại trong nhà Đức Chúa Trời để ngắm xem Chúa!
Một niềm khao khát tương tự được chuyển tải trong Thi Thiên 84. Trong câu 2, tác giả Thi thiên nói: “Vâng, hồn tôi khao khát đến nỗi hao mòn về các hành lang của Chúa”. Trong câu 10 ông tiếp tục nói: “Vì một ngày trong các hành lang của Chúa tốt hơn một ngàn ngày. Thà tôi là một người giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, còn hơn là cư trú trong lều kẻ gian ác” Tại đây chúng ta thấy khát vọng về nhà Đức Chúa Trời mạnh mẽ đến nỗi tác giả Thi thiên thậm chí ao ước ở trong các hành lang của Chúa. Ông chỉ đơn giản vui sướng làm một người giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời
Thi Thiên 36 và 23 cũng diễn đạt một niềm ao ước sâu xa về nhà Đức Chúa Trời. Trong Thi thiên 36: 8, tác giả nói rằng dân Đức Chúa Trời “sẽ được thỏa mãn dư dật bằng sự màu mỡ của nhà Ngài” Chính ở trong nhà Chúa mà họ được uống nơi con sông của niềm vui thích Đức Chúa Trời. Hơn nữa, chính ở trong nhà mà họ vui hưởng nguồn mạch sự sống và thấy ánh sáng trong sự sáng của Đức Chúa Trời (c.9) Thi Thiên 23 kết luận bằng những câu: “Tôi sẽ cư trú trong nhà Chúa mãi mãi” (c.6). Trong thời Cựu Ước, những người tin kính có khát vọng ở trong đền thờ, là nơi có sự hiện diện của Đức Chúa Trời
Một khát vọng như vậy đẩy lùi điều ác. Niềm ao ước ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong nhà Chúa hoàn toàn đẩy lùi tình trạng chia rẽ và mọi điều tiêu cực bao hàm trong đó. Niềm ao ước này khiến cho chúng ta trở nên tin kính, thánh khiết, và cuối cùng, làm một với con cái Đức Chúa Trời.
Khi con cái Đức Chúa Trời đang hát Thi thiên 133 trên đường lên núi Zion, chắc chắn điều đó làm cho họ không thể căm ghét hoặc khinh miệt lẫn nhau. Thi thiên 133 là một Thi thiên về sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất này bao hàm mọi thuộc tính và mỹ đức tích cực. Bởi việc gìn giữ sự hiệp nhất, chúng ta tự phát vui hưởng mọi thuộc tính và mỹ đức này. Hơn nữa, chúng ta có sự hiện diện của Đức Chúa Trời.
SỰ HIỆP NHẤT GÌN GIỮ CHÚNG TA KHỎI ĐIỀU ÁC
Bởi việc ở lại trong sự hiệp nhất, chúng ta có phước hạnh được Đức Chúa Trời ban truyền, sự sống cho đến mãi mãi. Tuy nhiên, nếu bất cứ con cái Israel nào trở nên chia rẽ và từ chối đi lên đền thờ trên núi Zion, họ sẽ tự động đánh mất mọi điều tích cực này. Qua việc tự phân rẽ khỏi sự hiệp nhất của dân Đức Chúa Trời, họ sẽ tự phát đầy dẫy những điều tiêu cực như kiêu ngạo, căm ghét, chỉ trích, đồn đại và nói dối. Khi làm ra vẻ vẫn còn ở trong sự tương giao với Đức Chúa Trời, một số người có thể thiết lập một trung tâm thờ phượng khác. Nhưng, như trường hợp của Jeroboam đã làm sáng tỏ, một hành động chia rẽ như vậy mở đường cho sự thờ thần tượng và mọi loại điều ác bước vào
Theo ký thuật trong Cựu Ước, tội của Jeroboam, tội chia rẽ, mở đường cho mọi loại điều ác bước vào. Cuối cùng, tình trạng của dân Đức Chúa Trời đã bại hoại đến nỗi Đức Chúa Trời đã khiến cho Nebuchadnezzar, vua Babylon, phóng hỏa nhà Đức Chúa Trời, phá vỡ tường thành Jerusalem, và đem dân chúng đến Babylon. Do đó tình trạng phu tù tại Babylon là một kết quả thêm nữa của sự chia rẽ. Sự hiệp nhất được đại diện bởi Jerusalem, còn sự chia rẽ được đại diện bởi Babylon cùng với mọi điều ác trong đó.
Trước khi bước vào nếp sống hội thánh, nhiều người giữa vòng chúng ta khá lơi lỏng và đã làm nhiều điều theo sở thích riêng. Nhưng chúng ta có thể làm chứng rằng không bao lâu sau khi bước vào trong nhà của Chúa, lương tâm của chúng ta đã bắt đầu tác nhiệm một cách đúng đắn. Từng chút một, chúng ta đã xử lý nhiều điều và đã bỏ đi một vài hành vi. Tuy nhiên, tôi biết có nhiều trường hợp, những người đã kinh nghiệm trái với điều đó và kết quả là họ lìa khỏi nếp sống hội thánh. Lương tâm họ đã bắt đầu mất đi chức năng, rồi những điều tiêu cực và thế tục mà họ lột bỏ đã dần dần trở lại. Nhiều người đã quay lại nuông chiều dục vọng trước kia trong các trò tiêu khiển thế tục. Dần dần, những điều thế tục, thậm chí là những điều tội lỗi, đã trở lại. Điều này chứng tỏ rằng sự hiệp nhất gìn giữ chúng ta khỏi điều ác, trong khi đó sự chia rẽ mở cửa cho điều ác.
Cách đây hơn ba mươi lăm năm, một phụ nữ trẻ từ một gia đình giàu có bước vào một trong các buổi nhóm hội thánh. Chị có sự biểu hiện rất thế tục, mái tóc chải thành hình tháp. Sau đó chị nói rằng chị cố ý tạo kiểu tóc mình theo cách đó như một sự cải cách. Khi tiếp tục đến với các buổi nhóm hội thánh, vẻ bề ngoài của chị đã bắt đầu thay đổi. Chúng tôi không nói gì về tính thế tục trong các buổi nhóm. Chúng tôi chỉ nói về việc yêu Đấng Christ và hội thánh. Không ai cố gắng điều chỉnh hành vi của người phụ nữ trẻ này. Nhưng qua việc bước vào tiếp xúc với hội thánh, lương tâm chị đã bắt đầu tác nhiệm. Tự phát, không có người nào hướng dẫn, chị đã thay đổi kiểu tóc và cách ăn mặc.
ĐÚNG ĐẮN VỚI ĐỀN THỜ
Đền thờ là trung tâm hiệp nhất cho con cái Israel. Cho nên, thật hết sức nghiêm trọng cho người nào trong dân Đức Chúa Trời trở nên sai trật đối với đền thờ. Nhưng người đúng đắn đối với đền thờ và bởi đó duy trì sự hiệp nhất, đã vui hưởng sự hiện diện của Đức Chúa Trời, phước hạnh sự sống, và mọi điều tích cực khác. Nhưng những người sai trật đối với đền thờ qua sự chia rẽ, mở cửa cho mọi cách sống gian ác. Giữa vòng các Cơ Đốc nhân ngày nay cũng y như vậy. Nhiều người nói về sự thánh khiết, chiến thắng và thuộc linh. Tuy nhiên, nếu muốn có các mỹ đức này, chúng ta cần phải ở trong sự hiệp nhất đúng đắn.
Hãy xem lại kinh nghiệm của con cái Israel. Sự thánh khiết, chiến thắng và thuộc linh đều không phải là kết quả sự nỗ lực của họ. Các mỹ đức này là đơn giản của họ, vì họ đúng đắn đối với đền thờ, Nơi Chí Thánh và hòm giao ước. Khi ở lại trong sự hiệp nhất qua việc đúng đắn đối với đền thờ, họ không cần phải cố gắng để thánh khiết, chiến thắng hoặc thuộc linh. Tự phát, như phần phước hạnh của việc ở trong sự hiệp nhất, họ đã có các mỹ đức này. Lý do nhiều Cơ Đốc nhân không có sự chiến thắng, thánh khiết hoặc thuộc linh là vì họ sai trật đối với hội thánh và với hòm giao ước, là Đấng Christ, trong Nơi Chí Thánh. Nếu muốn thánh khiết, thuộc linh và chiến thắng, chúng ta phải đúng đắn với Đấng Christ và hội thánh. Nói cách khác, chúng ta phải ở lại trong sự hiệp nhất đúng đắn. Chính sự hiệp nhất ban cho chúng ta lồi vào với mọi mỹ đức và các thuộc tính tích cực
Điều duy nhất có thể bảo tồn chúng ta cách thuộc linh là sự hiệp nhất. Nếu chúng ta ở lại trong sự hiệp nhất, thì mọi điều tích cực là của chúng ta. Còn nếu nhận lấy đường lối chia rẽ, chúng ta sẽ được thăm viếng bởi mọi loại điều ác: căm ghét, ganh tị, khinh miệt, và có lẽ ngay cả những điều như sự thờ thần tượng và sự gian dâm. Sớm muộn gì, những kẻ chia rẽ cũng bị đem đến “Babylon” như những người phu tù.
BABYLON LỚN
Khải Thị 17 cũng chỉ tỏ là điều ác có liên hệ đến sự chia rẽ. Chương nầy trình bày khải tượng về Babylon Lớn. Theo câu 5, Babylon lớn được gọi là “mẹ của các Kỹ Nữ và những Sự Ghê Tởm trên Đất”. Câu 4 vạch trần sự kiện là dù người đàn bàn này có một diện mạo dễ chịu, nhưng điều ác được giấu bên trong bà: “Và người đàn bà đã mặc màu tía và màu đỏ tươi, thắt lưng bằng vàng, đá quí và ngọc trai, trong tay cầm cái chén vàng chứa đầy những sự ghê tởm và những điều bất khiết về sự gian dâm của bà”. Bên ngoài Bobylon lớn được mặc màu tía và màu đỏ tươi, thắt lưng bằng vàng, đá quí và ngọc trai. Hơn nữa, bà cầm cái chén vàng trong tay mình, nhưng chén này chứa đầy những sự ghê tởm và những điều bất khiết về sự gian dâm của bà. Đây là một bức tranh về Cơ đốc giáo giới ngày nay. Cơ Đốc giáo giới có thể có chén bằng vàng, nhưng nội dung trong chén là thờ thần tượng, gian dâm và mọi loại điều ác. Đây là yếu tố, thành tố, của sự chia rẽ. Kết quả sau cùng của sự chia rẽ là Babylon lớn, đã được mặc khải trong Khải Thị 17
Cơ Đốc giáo ngày nay hoàn toàn ở trong tình trạng chia rẽ. Sự chia rẽ này đã mở đường cho sự thờ thần tượng và sự gian dâm thuộc linh. Trong nhiều trường hợp, nó đã mở đường cho sự thần tượng theo nghĩa đen và sự gian dâm thuộc thể. Như chúng ta đã chỉ ra nhiều lần, đây là kết quả của sự chia rẽ
TÍNH NGHIÊM TRỌNG CỦA SỰ CHIA RẼ
Khi chúng ta trở lại với đường lối của Chúa và bước vào trong nếp sống hội thánh, những điều tiêu cực vốn liên kết với sự chia rẽ tự phát bị đặt sang một bên. Tuy nhiên, như chúng ta đã chỉ ra, những người lìa bỏ sự hiệp nhất đúng đắn tự động bị lệ thuộc vào chính những điều ác mà đã từng được lột bỏ khỏi họ. Điều này khiến cho chúng ta thấy rằng sự chia rẽ là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Không có gì đáng sợ hơn sự chia rẽ. Satan biết rằng ngay cả ý tưởng chia rẽ củng đủ làm suy yếu nếp sống Cơ Đốc của chúng ta. Điều đó giống như con mối ăn mục cấu trúc của ngôi nhà. Vì vậy, ngay cả ý tưởng chia rẽ cũng phải bị khước từ.
Khi ở trong sự hiệp nhất, chúng ta ở trong sự sống, và chúng ta vui hưởng mọi mỹ đức và thuộc tính tích cực. Hơn nữa, tình trạng thuộc linh của chúng ta dần dần tiến bộ. Tuy nhiên, qua việc đơn giản chấp nhận ý tưởng chia rẽ, thì con đường mở ta cho điều ác lại bước vào một lần nữa.

Chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng lập trường hội thánh không phải là vấn đề sự sống. Lập trường hội thánh chính là nền tảng kinh nghiệm sự sống của chúng ta. Ở lại trong sự hiệp nhất là ở lại trong sự sống. Ngoài lập trường hội thánh ra, thì nói về sự khánh khiết và thuộc linh là vô ích. Những điều như vậy có liên hệ trực tiếp đến sự hiệp nhất. Ở lại trong sự hiệp nhất là lạ lùng, nhưng thật đáng sợ khi có dính dáng đến sự chia rẽ. Nhiều người trong Cơ Đốc giáo ngày nay đã đánh mất phước hạnh và ân điển của Chúa chỉ đơn giản là vì sự chia rẽ. Điều đó phải là một lời cảnh báo đối với chúng ta trong nhà của Chúa. Chúng ta đừng lặp lại lịch sử về tình trạng chia rẽ của Cơ Đốc giáo. Nguyện tất cả chúng ta đều ngưỡng trông Chúa để Ngài có thể bảo tồn chúng ta trong sự hiệp nhất của Ngài. Chúng ta cần phải kinh tởm ngay cả ý tưởng chia rẽ. Ngợi khen Chúa vì sự hiệp nhất! Nguyện Chúa gìn giữ chúng ta trong sự hiện diện của Ngài bằng cách gìn giữ chúng ta trong sự hiệp nhất này./.