Chúa nói cùng cha mẹ của Samson khi họ hỏi Danh của Ngài,
“Sao ngươi hỏi danh Ta như vậy? Danh Ta lấy làm diệu kỳ (Quan 13:18). Chữ “diệu
kỳ” được tự điển của Ông Strong giải nghĩa là: remarkable, secret, wonderful,
marvelous—đáng kể, bí mật, lạ lùng, kỳ diệu.
Trong sách Xuất hành 6:2 Chúa phán với Moses , “Đức Chúa Trời
lại phán cùng Môi-se rằng: Ta là Đức Giê-hô-va. Ta đã hiện ra cùng Áp-ra-ham,
cùng Y-sác, và cùng Gia-cốp, tỏ mình là Đức Chúa Trời toàn-năng (toàn túc);
song về danh Ta là Giê-hô-va, thì Ta chưa hề tỏ cho họ biết”. Kinh văn nầy bày
tỏ Chúa có nhiều danh xưng, nhiều danh hiệu.
Trong bài nầy tôi muốn tóm lược vài suy nghĩ về các danh xưng
của Đức Chúa Trời trong sách Sáng thế Ký. Tôi không có ý định viết một luận văn
thần học khô khan. Một số nhà thần học tân phái vin lý do Sáng thế ký chép nhiều
danh xưng của Chúa và lý luận rằng Sáng
thế ký không do một tác giả là Moses mà phải có nhiều tác giả. Thực ra Môi-se là
tác giả độc nhất, ông dùng nhiều danh hiệu của Chúa để nói lên các thuộc tính,
tính chất, đường lối đa diện của Chúa, cũng như những tác gia lớn thường có nhiều
biệt hiệu và bút hiệu
1.
Đức Chúa Trời—Elohim
Danh xưng Đức Chúa Trời (Elohim) xuất hiện chừng 2500 lần
trong Cựu ước, và 2310 lần trong số đó áp dụng cho Đức Chúa Trời. Elohim nói
lên Đấng quyền năng, sáng tạo, thiết đặt và thống trị vạn vật. Elohim xuất hiện
thường xuyên trong sách Phục truyền và Thi thiên. Thi thiên 68 chép chữ Elohim
26 lần, bao gồm mọi sự trong chuyển động cứu rỗi của Chúa. Thi thiên 62 minh họa
các phương diện: cứu rỗi, trông cậy, vui mừng, nền tảng và bảo vệ của Đức Chúa
Trời.
Elohim là Đức Chúa Trời trong đa số, nhưng động từ theo sau
Elohim lại thuộc số ít (đơn số). Tự điển Strong định nghĩa, “el-o-heem': plural
of gods in the ordinary sense”. Sáng 1:1 chép, “Ban đầu Đức Chúa Trời đã sáng tạo
các từng trời và trái đất”. Ba thân vị sáng tạo là : Cha (Xuất 20:11), Con
(Colose 1:16) và Thánh Linh (Gióp 26:13).
Sáng thế ký 1:26-27 chép, “Đức Chúa Trời phán rằng: Chúng ta
hãy làm nên loài người như hình ảnh chúng ta và theo hình dạng chúng ta, đặng
quản trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, loài côn trùng bò trên mặt
đất, và khắp cả đất. Đức Chúa Trời dựng
nên loài người như hình ảnh Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình ảnh Đức
Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”.
Trong câu 26, Đức Chúa Trời tam nhất phán” chúng ta hãy sáng
tạo con người theo hình ảnh “chúng ta” (Our image), nhưng khi thực hiện thì
Ngài sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài (His image). Trong câu 27 có ba lần
chữ “dựng nên” (sáng tạo) ngụ ý Đức Chúa Trời tam nhất là Tam Vị Nhất Thể.
2.
Jehovah -Đức Chúa Trời
Sáng thế ký 1:1 đến 2:3 đều chép về công cuộc sáng tạo và tái
tạo cách tổng quát của Đức Chúa Trời. Từ đoạn 2: 4 đến hết đoạn 3, Môi se đặc
biệt ghi chép về sự sáng tạo và sự sa ngã của con người, do đó ông dùng danh
xưng thân mật của Chúa là “Jehovah Đức Chúa Trời”. Danh xưng nầy nói lên sự
tương giao và mối liên hệ của Ngài với con người. Nghĩa đen của danh xưng “Jehovah
Đức Chúa Trời” là: Đấng hằng hữu là Đức
Chúa Trời.
Tên của Đức Chúa Trời là Jehovah, còn ý nghĩa của Jehovah là
“Hằng hữu” (I Am). Sau sách Sáng Thế ký, danh xưng “Jehovah Đức Chúa Trời”, được
trở nên đậm đà hơn với danh ““Jehovah Đức Chúa Trời ngươi”. Ngài không là Đấng
hằng hữu, quyền năng cao vời, nhưng là Đấng
gần gũi với con người. Đó là lý do Moses chép 16 lần danh ““Jehovah Đức Chúa Trời
ngươi ” cách thân mật trong Phục truyền 16.
3.
Đức Jehovah
Danh của Đức Jehovah xuất hiện độ 7000 lần trong Cựu ước. Đây
là tên của Elohim. Jehovah có nghĩa là “Đấng Hằng Hữu”. Newberry định nghĩa danh
Jehovah là: “Đấng vốn đã có, hiện tự tại và mãi mãi về sau vẫn còn”.
Tôi không hiểu lý do vì sao Moses dùng danh Đức Jehovah ngay từ
đầu chương 4 Sáng thế ký, sau khi đã dùng hai danh : Elohim và Jehovah Đức Chúa
Trời.
Chúa tự xưng Ngài là Đức Chúa Trời toàn túc ở 17:1, và nhiều lần Ngài nói “Ta là Đức
Jehovah” trong Lê vi ký. Trong Giăng 18, khi Giu đa Ích-ca-ri-ốt dẫn nhóm người
đến bắt Chúa trong vườn, tình tiết như sau: “Jêsus biết mọi điều sắp xảy đến
cho mình, bèn ra mà hỏi rằng: “Các ngươi tìm ai?” Chúng đáp rằng: “Jêsus người
Na-xa-rét.” Jêsus phán rằng: “Chính ta đây (I Am).” Giu-đa, là kẻ phản Ngài,
cũng đồng đứng với họ. Khi Ngài phán
cùng chúng rằng: “Chính ta đây,” thì chúng lui lại, té xuống đất”. Chúa nói
“chính ta đây” (I Am) là Ngài tự xưng là Đức Jehovah, vinh quang, ánh sáng siêu
nhiên của Ngài tỏa ra, và họ phải té xuống đất. Anh em cảm biết Chúa như vậy
chưa?
Tôi ngạc nhiên vì sao Moses hai lần ghi: “Hê-nóc …đồng đi
cùng Đức Chúa Trời” (5: 24) và “Nô-ê trong đời mình …đồng đi cùng Đức Chúa Trời”
(6:9). Tại sao hai ông không đồng đi với Đức Jehovah mà đồng đi với Đức Chúa Trời?
Sứ đồ Phao-lô nói đồng đi trong Thánh Linh, đồng đi với Thánh Linh. Chúng ta dễ
cảm nhận những việc quyền năng của Đức Chúa Trời, nhưng khó cảm biết hiện diện
của Linh hằng hữu, siêu hình (Galati 5: 16, 25).
Sáng 6: 13 chép, “Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng….”
Sáng 7:1 lại chép, “Đức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê rằng…”.
Trong các chương 8, và 9, Moses nhiều lần chép Đức Chúa Trời
phán cùng Nô-ê, và chỉ có một lần duy nhất chép Đức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê. Tại
sao? Chúng ta dễ cảm nhận tiếng Elohim qua các hành động quyền năng của Ngài,
nhưng khó cảm biết tiếng Ngài qua thân vị, qua hiện điện của Jehovah, phải
không?
4.
Đức Chúa Trời Chí Cao, Sỡ hữu Chủ trời và đất
Sau hơn 1900 năm vong quốc, lần đầu tiên khi đứng trước đại hội
của những người Do Thái phục quốc, David Ben-Gurion, đại diện cho chính phủ lâm thời của Israel, đã đọc
tuyên ngôn thành lập quốc gia Israel vào ngày 14/5/1948 tại Tel-Aviv, xứ
Palestine, giữa vùng đất tổ mà đã bị kẻ thù chiếm đóng từ nhiều thế kỷ.
Tuyên ngôn thành lập quốc gia Israel cũng giống như tuyên bố
của Mên-chi-xê-đéc, vua Sa-lem, là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời Chí Cao. Trên
trái đất do Satan, kẻ thù của Đức Chúa Trời chiếm đoạt, lời tuyên bố “Đức Chúa
Trời Chí Cao, là Sở Hữu Chủ của trời và đất” (Sáng 14: 18-19 K.J) rất có ý
nghĩa.
Qua quản gia trái đất là A-đam sa ngã, Satan đã chiếm đoạt
trái đất. Những ai có đức tin mới dám tuyên bố đất nầy thuộc về Đức Chúa Trời
Chí Cao. Ngay sau đó, Abraham cũng tuyên bố lời nầy trước mặt vua Sô-đôm và dân
chúng Sô-đôm. Bạn có tin Chúa là Sở hữu chủ trái đất nầy không? Ai tuyên bố quyền
sở hữu của Chúa trên trái đất nầy sẽ đối đầu sự tấn công khắc nghiệt của satan.
Chừng nào có nhiều người tuyên bố như vậy
trên cả địa cầu, chúa Jesus sẽ tái lâm.
5.
Chúa , Chủ -Adonai
Đến 15:2, Danh “Chúa Jehovah” xuất hiện. Hợp danh nầy gồm có
chữ “Chúa” (Chủ- Master) và Jehovah. Đây là lần đầu tiên Abraham nhìn nhận Chúa
là Chủ của ông. Tiếng Hê-bơ-rơ Adonai có nghĩa là Chủ. Hợp danh “Chúa Jehovah”
xuất hiện khoảng 200 lần trong sách Ezekiel, mà gốc rễ là Sáng 15:2.
Bạn có nhận biết và nhìn nhận quyền Chủ tể của Chúa trong đời
sống của mình chăng?
6.
El Rai -- El of sight.—Đức Chúa Trời
đoái xem
Không ai có thể đặt tên cho Đức Chúa Trời. Nhưng bà A-ga có
kinh nghiệm về sự chăm sóc của Ngài, nên bà đặt tên cho Đấng cứu sống và nuôi
dưỡng mẹ con là El Rai- El of sight-- Đức Chúa Trời đoái xem (16:3). El là thể rút gọn của
Elohim. Đức Chúa Trời vô hạn, bà A-ga chỉ
kinh nghiệm một phương diện đoái xem của Ngài đối với bà. Danh Chúa lắm khi phô
bày sự kinh nghiệm của con dân Ngài.
7.
Đức Chúa Trời toàn túc- The all sufficient God
Chúa ẩn mình mười ba năm sau khi Abraham sinh Ích-ma-ên theo
khả năng con người, rồi Chúa hiện ra với ông và phán “Ta là Đức Chúa Trời toàn
năng; ngươi hãy bước đi trước mặt Ta làm một người trọn vẹn” (17:1).
Theo tiếng Hê-bơ-rơ chữ “Đức Chúa Trời toàn năng” là The Shaddai
God, nghĩa đen là The all sufficient God—Đức Chúa Trời toàn túc. Shaddai có
nghĩa “bộ vú”, ngụ ý có khả năng cung cấp đầy đủ.
Sáng thế ký là mảnh đất gieo mọi loại hạt giống lẽ thật trong
Kinh thánh, nên đây là gốc rễ của Danh Đức Chúa Trời toàn túc. Sau Sáng 17:1, Cựu
ước còn chép 7 lần danh Đức Chúa Trời toàn túc, và 40 lần chữ “Đấng Toàn Túc”.
Bản Truyền thống Việt văn dịch sai là “Đức Chúa Trời toàn năng” và “Đấng toàn năng”. Sách Gióp chép
31 lần danh Đấng toàn túc. Câu có ý nghĩa là , “Người nào ở nơi kín đáo của Đấng
Chí Cao, Sẽ được hằng ở dưới bóng của Đấng Toàn Túc (Thi 91:1)..
Chúa muốn Abraham kinh nghiệm Ngài là Đấng ban đầy đủ cho
ông, ngay cả người thừa kế. Ngài không cần ông cung ứng Ích- ma- ên cho Ngài,
vì Ngài toàn túc. Chúa nói với Phao-lô , “Ân điển ta đủ cho ngươi rồi” (2 Cor.
12: 9). Ân điển là Đức
Chúa Trời toàn túc đó. Bạn thấy như vậy chưa?
8.
El Olam- Đức Chúa Trời hằng hữu:
Để phân biệt người với người, chúng ta cần có tên họ khác
nhau. Nhưng với Chúa, danh Ngài không để phân biệt, vì trong cả vũ trụ chỉ có
Ngài là Chân Thần độc nhất, không thể lẫn lộn với ai. Do đó danh của Chúa chỉ để
phô bày thuộc tánh của Ngài. Đến chương
21, Moses viết, “Áp-ra-ham …cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời hằng
hữu”. “Đức Chúa Trời hằng hữu” theo nguyên văn là El Olam.
Thi thiên 103: 7 nói lên hai mưc độ hiểu biết Chúa, “Ngài bày
tỏ cho Môi-se đường lối Ngài. Và cho Y-sơ-ra-ên biết các công việc Ngài”. Nhận
biết và cầu nguện với Đức Chúa Trời quyền năng thì dễ, còn thâm giao với El
Olam mới là nếp sống thuộc linh sâu nhiệm.
9.
Jehovah Jireh- Đức Giê-hô-va sắm sẵn:
Moses ghi lại danh sách các danh xưng của Đức Chúa Trời trong
Sáng Thế ký với mục đích tỏ bày tiến trình phát triển thuộc linh của dân Chúa
nói chung, đặc biệt là của Abraham.
Sau khi học hiểu danh Đức Chúa Trời toàn túc, Abraham có đức
tin khi ông nói cùng Y-sác, con ông, về chiên con làm sinh tế. Ông nói, “Con
ơi! Chính Đức Chúa Trời sẽ sắm-sẵn lấy chiên con đặng dùng làm của-lễ thiêu”
(22: 8).
Ân điển Chúa đã đủ cho Abraham trong sự thử nghiệm. Moses ghi
lại, “Áp-ra-ham nhướng mắt lên, xem thấy sau lưng một con chiên đực, sừng mắc
trong bụi cây, bèn bắt con chiên đực đó dâng làm của lễ thiêu thay cho con
mình. Áp-ra-ham gọi chỗ đó là Giê-hô-va Di-rê, nghĩa là Đức Giê-hô-va sẽ sắm-sẵn
tại đó. Bởi cớ ấy, ngày nay có tục ngữ rằng: Trên núi của Đức Giê-hô-va sẽ có sắm
sẵn” (13-14). Chữ “Di-rê” có nghĩa là “sẽ được dự bị hay chính Ngài sẽ được
nhìn thấy”.
Danh Đức Giê-hô-va Di-rê có nghĩa là : trên núi của Chúa,
chúng ta nhìn thấy Ngài là sự dự bị cho chúng ta. Ha-lê-lu-gia! Sự dự bị toàn
túc đó là Chúa Jesus. Anh em thấy và nhận lãnh sự dự bị đó chưa?
10. Đức
Chúa Trời của trời và Đức Chúa Trời trái đất
Nan đề của Chúa là tái chiếm trái đất để cho ý chỉ Ngài được
thành tựu trên trái đất như đã hoàn thành trên trời rồi. Tôi nghĩ Chúa rất hài
lòng vì Ngài đã thu hoạch được một con chiên đầu đàn, thánh tổ đức tin của
chúng ta, là Abraham. Ông đã yêu cầu quản gia của mình hứa nguyện trong danh của
“Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của trời và Đức Chúa Trời của trái đất” (24: 3).
Anh em ơi, anh em có thấy nhu cầu bức thiết của Chúa là Ngài
phải trở nên Đức Chúa Trời của trái đất chăng? Khi nào tước danh “Chúa (Chủ) của
trái đất” được biểu dương trong cơn đại nạn, chúa Jesus mới có thể đến trị vì cả
địa cầu trong vương quốc của Ngài. Sứ đồ Giăng nói tiên tri như vậy, “Hai người
ấy (hai chứng nhân) tức là hai cây ô-li-ve và hai giá đèn đứng trước mặt Chúa của
đất” (khải 11:4).
Chừng nào Chúa Jesus là Chủ của đất nước anh em về mặt thuộc
linh?
11. Đức Chúa Trời của Abraham, Đức Chúa Trời của
Y-sác và Đức Chúa Trời của Israel
Đức Chúa Trời phán với Y-sác, “Ta là Đức Chúa Trời của
Áp-ra-ham” (26:13). Ngài phán với Gia-cốp, “Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của
Áp-ra-ham, tổ phụ ngươi, cùng là Đức Chúa Trời của Y-sác” (28:10). Còn Gia-cốp,
sau khi về đến Si-chem, ông “lập một bàn thờ, đặt tên là Ên-Ên-ô-hê-Y-sơ-ra-ên”
(33: 20). Tên nầy có nghĩa Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của Israel.
Chúa nói với Moses, “Ta là Đức Chúa Trời của tổ phụ ngươi, Đức
Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác, và Đức Chúa Trời của Gia-cốp”
(Xuất 3:6). Đây là khải thị về Đức Chúa Trời tam nhất. Cả ba thánh tổ đã kinh
nghiệm phần nào thể yếu, công tác, chức năng của Đức Chúa Trời tam nhất nầy.
Ngài là Đấng duy nhất trong thể yếu, nhưng khác biệt trong chức năng. Anh em hiểu
Ngài nhiều không?
12. Đức Chúa Trời của Bê-tên- El Bethel
Sau khi sống 20 năm tại nhà La-ban, Chúa hiện đến trong giấc
mơ và phán cùng Gia-cốp, “Ta đây là Đức Chúa Trời của Bê-tên, tức nơi ngươi đã
thoa dầu đầu cây trụ và đã khấn vái Ta. Bây giờ, hãy đứng dậy, ra khỏi xứ nầy
và trở về xứ của bà con ngươi” (31:13).
Hai mươi năm trước, khi chạy trốn ra khỏi nhà cha mẹ, Gia-cốp
thấy khải tượng về nhà Đức Chúa Trời. Ông đặt tên nhà ấy là Bê-tên ( 28: 18).
Bê-tên tượng trưng Hội thánh. Bây giờ Chúa muốn Gia-cốp hiểu và kinh nghiệm
Ngài là Đức Chúa Trời của Bê-tên.
Khi thực sự về lại Bê-tên, Gia cốp lập “ tại đó một bàn thờ,
đặt tên chốn nầy Ên-Bê-tên, vì là nơi Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng người trong
lúc chạy trốn khỏi anh mình”( Sáng 35 : 7). Có thể anh em đã thấy Bê-tên rồi, và đang cư ngụ trong nhà Chúa, nhưng anh em
có hiểu El Bethel không? Chúng ta thờ lạy, hầu việc Đức Chúa Trời của Bê-tên,
chứ không qui phục Bê-tên bao giờ, vì lắm khi Bê-tên là một hệ thống loài người
đang chủ trị công việc Chúa. Tôi muốn ở dưới sự cai trị trực tiếp của El Bethel,
và khước từ quyền lực nhân tạo của Bê-tên!
13. Đấng Chăn Chiên
Trong lời chúc phước của Gia-cốp cho 12 con trai, Gia cốp nói
, “Nhờ tay Đấng toàn túc của Gia-cốp, Nên cung người vẫn bền chắc; Nhờ Đấng
Chăn chiên, là Đá của Y-sơ-ra-ên, Nên hai tay người thêm mạnh). (49: 24). Động
từ “chăn bầy” ( roe- tzan) xuất hiện lần đầu trong cả Kinh thánh, khi Moses nói
về nghề nghiệp của Abel (4:1-2). Sáng
13:7 nói về “bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót”. Chữ “bọn chăn
chiên” đây là danh từ “các mục tử” hay “các người chăn bầy”. Danh từ nầy được
Gia cốp gọi là Đấng Chăn Chiên hay Đấng Chăn Bầy ở trên đây.
Đến Thi thiên 23:1, Thánh Linh nói về Jehovah Ro- hi, Jehovah
Đấng Chăn Bầy của tôi. Còn Tân ước nói đến Đấng Chăn chiên tốt (hiền lành) đã chết
vì bầy (Giăng 10:11), Đấng Chăn Chiên lớn (Heb. 13:20), phục sinh, đang chăn bầy
Đức Chúa Trời cho đến ngày Chúa tái lâm, và Đấng Chăn Chiên trưởng sẽ tái lâm
(1 Phi-e-rơ 5: 4). Sách Khải thị nói Ngài sẽ còn chăn bầy của mình suốt cõi đời
đời. Khải thị 7:17 chép, “Vì Chiên Con ở giữa ngai sẽ chăn giữ chúng, đưa chúng
đến suối nước sống, và Đức Chúa Trời sẽ lau ráo mọi giọt lệ nơi mắt chúng.
14. Thiên sứ của Đức Jehovah,
Cuối cùng Moses chép về Thiên sứ của Đức Jehovah. “Rồi người (Gia cốp) chúc phước cho Giô-sép rằng: Cầu xin
Đức Chúa Trời mà trước mặt Ngài, tổ phụ tôi là Áp-ra-ham và Y-sác đã bước đi,
là Đức Chúa Trời đã chăn nuôi tôi từ khi mới lọt lòng cho đến ngày nay, Thiên Sứ đã cứu tôi ra ngoài vòng hoạn nạn,
hãy ban phước cho hai đứa trẻ nầy”(48:15-16). Chữ “Thiên sứ “ đây là Malak.
Malak có nghĩa: sứ giả, đại sứ. Danh từ Malak đồng nghĩa với danh từ apostolos
trong Tân Ước và
với chữ missionary trong tiếng Latin. Sáng thế ký 48 nói Chúa là Thiên sứ, là Sứ giả của Đức Jehovah,
còn thơ Hê-bơ-rơ nói Chúa Jesus là Sứ đồ của Đức Chúa Trời. “hãy nghĩ đến Jêsus
là Sứ giả (Sứ Đồ) và Thầy tế lễ thượng
phẩm mà chúng ta thừa nhận” (Heb. 3:1). Danh từ sứ đồ và giáo sĩ đồng nghĩa,
nhưng dân Chúa thích từ ngữ “giáo sĩ “ hơn.
Kết luận:
Thi thiên 9: 10, “Hỡi Đức Giê-hô-va, phàm ai biết danh Ngài sẽ
để lòng tin cậy nơi Ngài”.
Trong 14 danh của Chúa trong Sáng Thế ký có ba đơn danh nổi bật
là : Đức Chúa Trời, Jehovah và Chúa (Adonai), còn những danh kia là hợp danh. Tất
cả 14 danh nầy đều tập trung trong danh tối hậu là Jesus. “Jesus” có nghĩa “
Jehovah Đấng Cứu Rỗi”.
Sau khi phục sinh, Chúa phán, “Go ye therefore, and make
disciples of all the nations, baptizing them into the name of the Father and of
the Son and of the Holy Spirit:- (bản
ASV)- “Vì vậy các ngươi hãy đi, tạo ra các môn đồ (môn đồ hóa) từ các nước,
báp-têm họ vào Danh của Đức Cha, Đức Con và
Đức Thánh Linh”.
Anh em chú ý, ba thân vị mà chỉ có một Danh. Danh đó là
“Jesus”, Chúa và Cứu Chúa yêu quí của chúng ta. Anh em ơi, hãy yêu quí danh
Jesus, hãy thường xuyên kêu cầu Danh Jesus, và sử dụng danh Jesus để tấn công
ma quỉ.
Minh Khải 29-8-2014