NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ NHẬN ĐƯỢC
KHẢI TƯỢNG THUỘC LINH
Trong sứ điệp trước, chúng ta đã nhìn thấy
một bản tóm tắt ngắn về ý muốn của Đức Chúa Trời. Điều này có thể khó khăn đối
với một vài người phải lĩnh hội tất cả trong một lần. Do đó anh em hãy đọc
những câu Kinh Thánh một lần nữa và tương giao về những câu Kinh Thánh đó, Chúa
sẽ ban cho anh em ánh sáng. Toàn bộ Kinh Thánh chỉ cho chúng ta rằng Đức Chúa
Trời muốn xây dựng Jerusalem mới. Mục đích tối hậu của Ngài là thành phố này.
Trong đề mục của những sứ điệp này, chúng ta sử dụng từ ngữ “kiệt tác”. Trong
Eph 2:10 nói: “Vì chúng ta là kiệt tác
của Ngài, được tạo dựng cho Christ Jesus cho các công tác tốt lành mà Đức Chúa
Trời đã chuẩn bị trước để chúng ta bước đi trong đó” Ban đầu Đức Chúa Trời đã tạo dựng cả vũ trụ.
Tuy nhiên, đó không phải là tác phẩm tuyệt vời nhất của Ngài. Cô dâu, Jerusalem
mới mà Ngài muốn có được cho Con Ngài mới là tác phẩm tuyệt vời nhất của Đức
Chúa Trời trong vũ trụ này. Trong Khải Thị chương 21 và 22, anh em có thể hình
dung được niềm vui thích của Đức Chúa Trời khi Ngài có được những gì mà Ngài đã
nhìn thấy trước buổi sáng thế không? Sự xây dựng hội thánh hiện tại dành cho
Ngài thật vô giá như vậy. Nếu chúng ta chỉ hiểu biết này bằng tâm trí mình,
chúng ta không thể nào đánh giá cao điều này được. Tốt nhất chúng ta phải hiểu
lòng của Đức Chúa Trời
Bởi sự tò mò, nhiều Cơ Đốc nhân muốn biết
điều gì đó mới mẻ từ nơi Đức Chúa Trời. Đây là một thái độ sai trật. Đức Chúa
Trời muốn bày tỏ Ngài cho con người. Tuy nhiên Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta
rằng Ngài sẽ không làm điều này mà không có điều kiện gì theo sau. Ngài đòi hỏi
từ nơi con người chúng ta những điều kiện tất yếu.
Chúng ta hãy xem xét điều này qua gương mẫu
của Noah. Đức Chúa Trời đã khải thị riêng cho ông thấy cơn đại nạn nước lụt sắp
xảy ra. Dĩ nhiên Đức Chúa Trời cũng đã cảnh cáo mọi người, nhưng chẳng ai làm
theo các yêu cầu của Ngài, không ai tin lời của Đức Chúa Trời. Nhưng Noah là
người công nghĩa, không chỗ trách, đồng đi cùng Đức Chúa Trời (Sáng 6:9). Do đó
Đức Chúa Trời đã khải thị cho ông biết ý
định của Ngài (c.13). Còn nhiều gương mẫu khác nữa cho đến sách Khải Thị, bày
tỏ cho chúng ta biết rằng con người chúng ta chỉ có thể nhận biết được một điều
gì đó từ nơi Đức Chúa Trời, nếu chúng ta làm theo các điều kiện đã được chỉ
định. Trước khi tiếp tục, chúng hãy tuân thủ một vài điều trong các điều kiện
này
SỐNG TRONG LINH
(Khải 1: 10)
John là một người sống trong linh. Chúng ta
chỉ nhận được những khải thị thuộc linh trong linh. Sự huyền nhiệm của Đấng
Christ được giấu kín trải qua các thời đại, được bày tỏ cho các sứ đồ và các
tiên tri của Ngài (Eph 3: 5) Thông thường chúng ta không nhìn thấy những việc
thuộc linh vì chúng ta không sống trong tâm linh. Có thể chúng ta hiểu những
điều này theo giáo lý. Nhưng điều này không có nghĩa là một thời gian dài sau
đó chúng ta cũng nhìn thấy được những việc thuộc linh. Chúng ta chỉ có thể thấy
những việc thuộc linh khi chúng ta sống trong linh. Nếu hàng ngày chúng ta sống
trong hồn hoặc là thậm chí trong xác thịt và chúng ta không quan tâm đến linh,
thì chúng ta sẽ chuyển động trong một
lĩnh vực không có ánh sáng thiên thượng, và thiếu điều kiện để nhìn thấy Jerusalem
mới. Trong nếp sống hàng ngày của chúng ta, việc áp dụng Jerusalem mới còn ít
hơn nữa, thậm chí khi chúng ta đã nghe và hiểu một vài điều gì đó về Jerusalem . Do đó sống
trong linh là một điều kiện quan trọng cho việc nhìn thấy thuộc linh của chúng
ta. Tại sao nhiều điều còn kín giấu đối với chúng ta. Chúng ta không đủ thông
minh sao? Việc thiếu khải thị chẳng liên quan gì đến việc thiếu thông minh. Một
công trình nghiên cứu ở đại học không phải là điều kiện cho khải thị thuộc
linh. Đừng nghĩ rằng một công trình nghiên cứu thần học có thể giúp đỡ anh em
trong việc nhìn thấy thuộc linh. Quan trọng nhất là chúng ta có sống trong linh
hay không. Tiếc rằng chúng ta phung phí
quá nhiều thì giờ trong cái tôi của mình. Chúng ta sống như thế nào, chúng ta
phải coi chừng. Nếu anh em mong ước những người trẻ ngày nay theo đuổi những
vệc thuộc linh, ưu tiên đọc lời Chúa, đọc các sứ điệp, nhưng họ không luyện tập
sống theo Linh thì sẽ không khả thi.
John sống trong sự lưu đày trên đảo Patmos . Ông sống một mình nơi đó. Điều kiện sống của ông
chắc chắn không dễ dàng. Ông chịu đau khổ dưới cơn bắt bớ, nhưng chắc chắn còn
đau khổ nhiều hơn nữa dưới sự suy thoái liên tục của các hội thánh. Nếu ông đã
sống trong bản ngã của mình, rõ ràng tất cả những điều này là lý do để ông cam
chịu. Tuy nhiên John đã sống trong linh và chắc chắn ông đã cầu nguyện nhiều
cho các hội thánh. Đức Chúa Trời có thể ban cho ông sự khải thị. Nếu John phàn nàn
về tình trạng thảm hại của mình cùng Đức Chúa Trời là Đấng mà ông phục vụ trọn
đời sống thì ông đã không nghe được tiếng của Đức Chúa Trời, thậm chí dù tiếng
đó vang to như mười cái kèn.
Tương tự, nếu những nan đề làm cho chúng ta
bối rối, chúng ta phải học tập xoay qua Chúa để sống trong linh và ở trong sự
yên nghỉ của Ngài. Thậm chí khi yếu đuối hoặc ở trong sự cám dỗ, chúng ta phải
luyện tập hướng lòng mình về Ngài. Chúng
ta phải sống trong linh, điều kiện này luôn luôn phải được thực hành, bất luận
chúng ta theo Chúa được bao lâu rồi. Nếu chúng ta có ý tưởng là mình đã trưởng
thành rồi, vậy thì chúng ta càng phải chứng minh nhiều hơn nữa trong việc chúng
ta tự thực hành sống trong linh trong mọi tình trạng khó khăn
Vào thời điểm đó, có lẽ John đã trên 90 tuổi
rồi và ông đã học cách sống trong linh. Do đó ông đã nghe được tiếng của Đức
Chúa Trời, và Đức Chúa Trời đã có thể bày tỏ cho ông nhiều điều.
GIỮ LỜI VÀ CHỨNG CỚ CỦA
JESUS
John không chỉ sống trong linh mà còn giữ lời
của Đức Chúa Trời và chứng cớ của Jesus. Một điều kiện nữa cho việc nhìn thấy
thuộc linh là chúng ta hành động đúng đắn với lời của Đức Chúa Trời. Chúng ta
cũng không được phép bỏ qua điều kiện này. Hành động đúng đắn với lời của Đức
Chúa Trời tùy thuộc vào tấm lòng của chúng ta. Nếu lòng chúng ta sai trật thì
lời của Đức Chúa Trời bày tỏ cho chúng ta sau đó cũng bị chúng ta nhận lấy cách
sai trật. Nếu lòng chúng ta ô uế, tiếp theo là tất cả đều ô uế (Titus 1:15) Do
đó chúng ta cần phải luôn luôn đến với lời bằng tấm lòng mong muốn thành thật:
“Cha ơi, con không chỉ muốn lĩnh hội lời
Cha như là sự hiểu biết nhưng được giữ gìn trong một tấm lòng lành mạnh. Con
muốn kinh nghiệm lời Cha, thực hiện và sau đó sống theo lời Cha” John và các sứ
đồ khác cũng đã nhận biết lời của Chúa là lời của sự sống (John 6:68); 1 John
1:1) Lời của Đức Chúa Trời dành cho đời sống của chúng ta, nếu không phải như
vậy, lời Chúa là vô ích. Chắc chắn John đã sống theo lời của Đức Chúa Trời. Đây
là một thái độ tốt để ao ước giữ lời của Đức Chúa Trời. Mọi sự đều thay đổi,
những lời Ngài còn lại.
Chứng cớ của Jesus cũng phải được gìn giữ. Về
điều này, không chỉ nghĩ đến chứng cớ sống Chúa cách cá nhân mà còn nghĩ đến
nếp sống hội thánh nhiều hơn nữa. Chúa Jesus là chứng cớ của Đức Chúa Trời như
thế nào thì nếp sống hội thánh cũng là chứng cớ của Jesus như vậy. Trong buổi
họp vừa qua, điều chính yếu là chứng cớ của Đức Chúa Trời mà chúng ta đã nói đến. Bảng chứng cớ của Đức
Chúa Trời đã đặt trong hòm giao ước – hình bóng chỉ về Chúa Jesus và do đó hòm
giao ước cũng được gọi là “hòm chứng cớ”. Một lần nữa hòm chứng cớ được đặt
trong đền tạm, hình bóng chỉ về hội thánh, vì lẽ đó hội thánh cũng được gọi là
nhà chứng cớ (Xuất 25:21; 38:21). Khi Chúa Jesus sống trên đất này, Ngài là
chứng cớ sống động của Đức Chúa Trời. Sau khi Ngài chết và sống lại, Ngài đã
vào trong con người chúng ta. Nhưng Ngài không chỉ có chứng cớ của Ngài trong
từng cá nhân nhưng mà hội thánh là chứng cớ trọn vẹn của Ngài. Chứng cớ của
Chúa Jesus ở nơi làm việc của anh lớn hơn hay chứng cớ của cả hội thánh lớn
hơn? Một người Đức ở hải ngoại mô tả một chứng cớ chắc chắn về nước Đức. Nhưng
khi một người xa lạ đến nước Đức, họ có một ấn tượng rõ ràng về nước Đức, một
chứng cớ lớn hơn chưa từng thấy. Đức Chúa Trời
muốn rằng chứng cớ của Ngài được gìn giữ trong hội thánh. John không chỉ
giữ lời của Đức Chúa Trời, lẽ thật, cho đời sống ông mà còn giữ chứng cớ của
Jesus, thậm chí đã dâng trọn đời sống cho điều đó nữa.
John không mang duy nhất lời và lẽ thật trong
lòng ông mà còn mang chứng cớ của Jesus. Ở nơi lưu đày, chắc chắn ông thường
xuyên nghĩ đến các hội thánh và cầu nguyện cho các hội thánh. Khi ông ở trong
tình trạng khó khăn trên đảo Patmos, anh em có nghĩ rằng Đức Chúa Trời có thể
nào khải thị cho ông thấy khải tượng về bảy chân đèn bằng vàng, nếu ông hoàn
toàn không còn quan tâm đến các hội thánh nữa không? Tôi xin chắc rằng Đức Chúa
Trời chỉ có thể ban cho ông Khải tượng này, vì ông có một tấm lòng dành cho các
hội thánh. Tại sao Đức Chúa Trời phải khải thị Jerusalem mới cho một người mà
sự tương giao cách cá nhân của người đó với Chúa thì có đủ, còn đối với hội
thánh thì lại thờ ơ? Chúa chỉ có thể khải thị Jerusalem mới cho người nào có
lòng mong muốn cho chứng cớ của Jesus. Điều kiện này dành cho John, và điều
kiện này cũng dành cho chúng ta giống như cho John. Sự khác biệt duy nhất là
ngày xưa John sống trên đảo Patmos , và ngày
nay chúng ta sống vào cuối thời đại này. Thật ân điển vô cùng bởi vì cuối thời
đại này, chúng ta được xây dựng với nhau và đang hoàn tất công tác. Ngày nay
chúng ta có thể hoàn thành công tác xây dựng của Đức Chúa Trời! Có đặc ân chứng
kiến viên đá cuối cùng được đặt vào như thế nào, điều này không tuyệt diệu sao?
Tôi thường cầu nguyện: “Cha ơi, hãy cho chúng tôi hoàn thành công tác của Cha
trong thời đại này”. Đặc ân mà ngày nay chúng ta có lớn lao là dường nào! Tôi
rất muốn nhìn thấy viên đá cuối cùng hoàn tất công tác. Paul đã đặt nền và đá
góc nhà, còn chúng ta có thể đặt viên đá cuối cùng để hoàn thành. Đây không
phải là ước muốn của anh em sao? Đừng nghĩ rằng chỉ có một người duy nhất có
thể đặt viên đá cuối cùng để hoàn tất công tác xây dựng này. Không, mọi người
chúng ta phải cùng nhau làm việc này.
ĐƯỢC ĐEM LÊN
MỘT NGỌN NÚI CAO
(Khải 21:10)
Còn một điều kiện tiếp theo để nhìn thấy Jerusalem
mới là chúng ta phải được đem lên một ngọn núi lớn và cao. Điều này có nghĩa là
chúng ta phải ra khỏi mọi điều thấp kém và thường xuyên leo lên cao hơn. Tôi
lấy làm tiếc cho một số người đi với chúng ta nhiều năm, nhưng thay vì leo lên
cao hơn để nhìn thấy khải tượng rõ ràng hơn, cuối cùng lại đi xuống núi, đến
lúc họ hoàn toàn không còn thấy gì cả vào lúc kết thúc. Để có thể nhìn thấy Jerusalem
mới rõ ràng hơn, chúng ta phải sẵn sàng và không bị ràng buộc để được đem lên
chỗ cao hơn. Trước đây một năm chúng ta đã hát bài thánh ca “Chúa ơi, hãy đem
tôi thật lên cao”. Tôi hy vọng rằng anh em còn muốn hát bài thánh ca này luôn
luôn và tiếp tục leo lên cao
Để leo lên một ngọn núi cao, anh em phải nỗ
lực tối đa. Anh em hãy cũng làm việc với Chúa và nói với Ngài: “Chúa ơi, hãy
đem tôi lên cao”. Kế tiếp anh em hãy sẵn sàng và tiếp tục học đi với Chúa. Đừng
nản lòng và than vãn, nếu không anh em không lên núi được. Có một vài nan đề
muốn kéo chúng ta xuống, nhưng chúng ta hãy nói trong linh: “Chúa ơi, tôi muốn
leo lên cao”. Thiên sứ mà đã cầm bảy bát đầy cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời đến
với John để đem ông lên núi. Nếu vị thiên sứ này đến với tôi, chắc chắn những
bát này sẽ làm tôi sợ. Nhưng để Chúa có thể đem chúng ta lên cao, Ngài phải cất
bỏ khỏi chúng ta tất cả những gì làm cho chúng ta nặng nề và kinh sợ. Chúng ta
hãy đi với Chúa. Ai muốn nhìn thấy một điều gì đó, người đó phải được tự do
khỏi mọi cản trở.
Theo thời gian, ít nhiều chúng ta có tất cả
những kinh nghiệm đau đớn như nhau, và nhiều điều muốn đè nén chúng ta. Đặc
biệt là những người đã ở trong nếp sống hội thánh một thập niên rồi, họ đang
đứng trong mối nguy hiểm này. Ban đầu, tất cả chúng ta đều nóng cháy và vô tư,
chưa lập gia đình, không có gánh nặng và tự do, vui hưởng nếp sống hội thánh và
phục vụ Chúa. Chúng ta có thể leo lên ngọn núi và băng qua mọi đại dương. Nhưng
dần dần sự tự do của chúng ta càng ngày càng bị giới hạn nhiều hơn. Thí dụ như
bị giới hạn bởi hôn nhân và gia đình, và điều này luôn trở nên khó khăn hơn.
Sau đó bão tố và nhiều thử nghiệm đến trên hội thánh. Nếu tất cả những khó khăn
và nan đề chồng chất quá nặng nề cho chúng ta, chúng ta không thể nào leo núi
với Chúa. Thật ra thì những khó khăn và nan đề là để giúp chúng ta có được
Chúa. Nhưng nhiều khi tôi nhận thấy rằng những điều này hình như gây nên một
trở ngại đối với một số anh chị em.
Khi Chúa Jesus sống trên đất, nhiều người bị
gánh nặng bởi truyền thống và Do Thái giáo, họ không một lần nhận biết Ngài.
Vậy thì đừng nghĩ rằng những kinh nghiệm lâu năm có thể làm cho anh em trở nên
chuyên nghiệp trong nếp sống hội thánh. Một thái độ như vậy sẽ ngăn trở anh em
leo lên núi và nhận được khải thị. Dù anh có nhiều kinh nghiệm, anh vẫn phải
luôn nghèo khó trong linh.
Khi John ở trên đảo Patmos, ông không được
xem như là một sứ đồ vĩ đại bởi việc nhiều hội thánh được sản sinh và nhận được
sự trợ giúp từ ông, hay việc ông đã cung ứng nhiều sứ điệp lành mạnh. Nếu chúng
ta muốn nhìn thấy khải tượng, chúng ta phải nghèo trong linh như John. Chúng ta
hãy buông bỏ khỏi mọi gánh nặng, leo lên núi cao với Chúa để nhìn xem cô dâu
Đây là những điều kiện để
tiếp nhận khải tượng thuộc linh. Đặc biệt đối với những người ở lâu trong nếp
sống hội thánh, điều quan trọng là họ học tập duy trì tình trạng tươimới trong
sự cầu nguyện: “Chúa ơi, tôi muốn nhìn xem hội thánh như lúc ban đầu tôi đã
thấy hội thánh vậy”. Sự nhìn thấy hội thánh của chúng ta phải trở nên chính xác
hơn, rõ ràng hơn và sâu xa hơn, và hội thánh luôn luôn tươi mới như lúc ban
đầu. Đức Chúa Trời yêu và ban ân điển cho người hạ mình xuống trước mặt Ngài.
Tôi hy vọng rằng chúng ta luôn đáp ứng với những điều kiện này trong tất cả các
hội thánh, hầu cho vào lúc cuối cùng chúng ta không gặp rắc rối và đánh mất
khải tượng.