Thứ Hai, 5 tháng 8, 2019

LỊCH SỬ ĐỀN TẠM KHÔNG CÓ HÒM GIAO ƯỚC-



Theo hình bóng học Cựu ước, hòm giao ước làm tiêu biểu cho Đấng Christ. Với Đức Chúa Trời, nó là hòm chứng cớ- hiện thân hay một bằng chứng của Ngài. Với thiên dân, nó là hòm giao ước, nói lên việc Đức Chúa Trời chủ động kết ước cách vô điều kiện với con cái Ngài.
Hòm giao ước luôn luôn được đặt nằm trong nơi chí thánh của đền tạm. Trong cuộc hành trình trong sa-mạc, hay khi ra trận đánh kẻ thù, dân Israel phải khiêng hòm giao ước trên vai, và cái hòm đi kế sau đạo binh tiền đạo. Cái hòm luôn luôn xuất ra khỏi đền tạm theo lệnh trực tiếp và tức thì của Chúa. Nhưng vào thời Sa-mu-ên còn thơ ấu, đang tập sự hầu việc Chúa trong đền tạm tại Si-lô, dân Israel tự ý mang cái hòm ra mặt trận chống lại quân Phi-li-tin. Vào lúc ấy dân Israel muốn lợi dụng sự hiện diện của Chúa trên cái hòm để làm thần hộ mạng chống lại lực lượng thắng thế của dân Phi-li-tin.
Thật ngạc nhiên Đức Chúa Trời không chiến đấu thay cho dân Ngài, mà Ngài còn phó nộp cái hòm thánh vào tay quân địch. Kể từ ngày đó, hòm giao ước không trở lại đền tạm nữa. Cái hòm lưu lạc mãi cho đến khi vua Sa-lô-môn xây dựng xong đền thờ tại núi Mô-ri-a, thì người ta mới đưa hòm vào an nghỉ trong nơi chí thánh của đền thờ mới.
Hòm giao ước tiêu biểu Đấng Christ, còn đền tạm thì làm hình bóng cho hội thánh Tân ước. Ê-phê-sô 5:32, sứ đồ Phao-lô nói huyền nhiệm lớn nhất trong 11 huyền nhiệm Tân ước là: “Sự mầu-nhiệm này là vĩ-đại; song tôi đang nói có liên-quan tới Christ và hội-thánh”.
Hôm nay tôi muốn cùng các bạn nhìn thoáng qua lịch sử đền tạm không có hòm giao ước trong khoảng thời gian chừng 143 năm.—kéo dài từ khi quân Phi-li-tin cướp cái hòm cho đến khi nó được an nghỉ trong đền thánh tại Jerusalem,--là thời kì tượng trưng vương quốc Đấng Christ trên trái đất.
-

Hòm giao ước đã cư trú những nơi sau đây:
- 7 tháng tại đất Phi-li-tin (1 Sa-mu-ên 6:1).
- Lần thứ nhất 20 năm tại nhà A-mi-na-đáp ở Ki-ri-át Giê-a-rim (1 Sa 7:1). Theo Giô suê 18:14, Ki-ri-át Giê-a-rim là thành phố của chi phái Giu đa, nhưng nằm trên đường ranh giới của hai chi phái Giu đa (phía tây) và Bên Gia min, phía đông.
- Hòm giao ước được đặt ở thành Ghi-bê-a, tạm gọi thủ đô của nước Vua Sau-lơ, trong một thời gian không biết rõ. Có thể là 40 năm bằng thời gian trị vì của Sau-lơ chăng? Xem 1 Sa 11:4, và 1 Sa 14: 17-18, “Và Sau-lơ nói với các người đang ở với mình: "Bây giờ, hãy tập-hợp và xem ai đã đi khỏi chúng ta." Và khi chúng đã tập-hợp, kìa, Giô-na-thanvà kẻ vác áo giáp của người không có ở đó. Thế thì Sau-lơ nói cùng A-hi-gia: "Đem rương của Đức ChúaTRỜI lại đây." Vì những con trai Y-sơ-ra-ên có được rương của Đức ChúaTRỜI vào thời đó”.
- Có lẽ sau khi vua Sau-lơ tử trận, do lệnh của vua Đa-vít, người Giu –đa đã dời hòm giao ước trở lại nhà của A-mi-na-đáp ở Ki-ri-át Giê-a-rim như cũ, cho nên sau 7 năm cai trị tại Hếp-rôn, vua Đa vít cùng dân chúng rước hòm từ nhà của A-mi-na-đáp ở Ki-ri-át Giê-a-rim lên núi Si-ôn- 2 Sa. 6:3, 1 Sử 13:5-8.
- Hòm giao ước ở nhà Ô-bết Ê-đôm, người ngoại bang, thuộc dân tộc Gát, trong ba tháng. Vì con bò kéo xe chở cái rương giao ước bị vấp chân, cái hòm sắp đổ, U-xa đưa tay đở cái hòm và bị Chúa giết chết. Vua Đa-vít sợ hãi, nên đem hòm trấn vào nhà của Ô-bết Ê-đôm 3 tháng. Sau đó Đa vít hiểu ra là phải nhờ các thầy tế lễ dòng Kê-hát khiêng hòm thánh mới an toàn. Do đó cái hòm được đem lên Si-ôn và đặt nằm trong cái trại do Đa vít cất, mãi cho đến ngày đền thờ xây dựng xong. Đa vít cai trị 33 năm tại Si-ôn và Sa-lô-môn dành 7 năm xây đền thờ, nên cái rương của Chúa ở trong trại của Đa-vít khoảng 40 năm.
Như tôi đã nói sau khi lọt vào tay dân Phi-li-tin, rương chứng cớ đã không trở lại đền tạm nữa. Rương nầy chỉ lưu lạc nhiều nơi và cuối cùng vào an nghỉ trong đền thờ mới.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu những gì đã xảy ra cho đền tạm không có hòm giao ước:
- Sau khi hòm giao ước ra khỏi đền tạm Si-lô 20 năm, dân Israel nhớ thương Đức Giê-hô-va. Đó là cơ hội cho người na-xi-rê là Sa-mu-ên đứng lên phụng sự Chúa, và được dân chúng công nhận là thầy tế lễ thượng phẩm.
- Đền tạm dời về Bê-tên. Trong 40 năm phụng sự Chúa, dường như tiên tri Sa-mu-ên kiêm thầy tế lễ thượng phẩm, không hầu việc Chúa tại đền tạm Si-lô, và chúng ta không biết đền tạm đã dời về Bê-tên, gần Ra-ma, quê hương của Sa-mu-ên hồi nào. Vì khi Sa-mu-ên xức dầu cách kín đáo cho Sau-lơ thì Sa-mu-ên có nói đến đền tạm ở tại Bê-tên. “Đoạn, từ chỗ đó ngươi sẽ đi tiếp xa hơn, và ngươi sẽ đến xa tận cây sồi của Tha-bô; và ở đó có 3 ông đi lên đến Đức Chúa TRỜI tại Bê-tên sẽ gặp ngươi, người nầy chở 3 con dê non, người kia mang 3 ổ bánh, còn người nọ mang 1 bầu rượu nho; và chúng sẽ chào ngươi và cho ngươi 2 ổ bánh, mà ngươi sẽ nhận từ tay chúng” (1 Sa 10:3-4).
- Vua Sau lơ cai trị 40 năm trong xứ, và có lẽ vua đã ra lệnh dời đền tạm từ Bê-tên đến thành Nóp, có lẽ nằm trong đất Bên-gia-min của nhà Sau-lơ (1 Sa 21:1). Đền tạm ở đó chừng 40 năm.
- Sau khi vua Sau-lơ tàn sát 85 thầy tế lễ tại đền tạm Nóp và dân chúng thành Nóp, dân chúng đã dời đền tạm về Ga-ba-ôn. Đền tạm ở đó chừng 40 năm. Vua Sa-lô-môn gặp Chúa trong đền tạm nầy lần đầu sau khi vừa lên ngôi. 1 Các vua 3: 4-15
-
Bài Học Áp Dụng:
- Hòm giao ước tiêu biểu Đấng Christ, là hiện thân Đức Chúa Trời. Trong thời Môi se và Giô suê, cái rương nầy biểu lộ quyền uy lãnh đạo và vinh quang của Đức Chúa Trời. Dân Israel thời cụ Hê-li đã lìa bỏ Chúa, nên cái rương không biểu lộ quyền năng của Chúa nữa. Thời Sau-lơ, dân Israel sử dụng cái rương theo cách mê tín, và coi nó như lá bùa hộ mệnh. Nhưng Chúa không hề bày tỏ chút quyền năng nào để nâng đỡ họ. Nhiều hội thánh ngày nay, danh Chúa Jesus chỉ còn như là lá quốc kì của một nước, một vật tượng trưng vô quyền, vì mọi quyền lực đều nằm trong tay con người.
- Sau khi gặp Chúa tại đền tạm không có hòm thánh, tại Ga-ba-ôn, Sa- lô môn về Si-ôn và còn đứng trước hòm giao ước để cầu nguyện thêm. Chúa là Đấng thương xót, có lòng rộng rãi, vẫn cho tín đồ trong những hội thánh không cỏ Christ làm Đầu, gặp gỡ Ngài và Ngài ban phước cho họ. Nhưng trong thâm tâm những tín đồ các hệ phái vẫn còn cảm thấy như thiếu hụt cái gì đó, nên chưa thỏa mãn, như trường hợp vua Sa-lô-môn vậy.
- - Trong thời Sa-mu-ên, thời Sau-lơ, thời Đa-vít, hầu hết dân Chúa đều đến nhóm họp thờ phương Chúa tại đền tạm không có hòm giao ước nầy.
- Tôi không nghĩ rằng suốt mấy mươi năm, gia đình ông A-bi na-đáp biết cầu nguyện với Chúa trước hòm giao ước đặt tại nhà ông hai thời kì..
- Theo 1 Sử kí 16:37-42, vua Đa-vít sắp đặt hai đoàn người, một tại trước hòm giao ước, và một nữa tại đền tạm không có hòm thánh tại Ga ba-ôn. Cả hai đoàn đó đều ngợi khen, hầu việc Đức Chúa Trời ở hai nơi.
- Tại Ga-ba-ôn vẫn còn có sự dâng của lễ mỗi ngày, xông hương, thắp đèn bảy ngọn, và mỗi năm ba kỳ đại hội, mỗi kì 7 ngày cho dân Israel tham dự. Nhưng tại trước hòm thánh chỉ có sự phụng thờ và ngợi khen của một thiểu số mà thôi.
- Nếu bạn là dân Chúa, mà sống thời Đa-vít bạn sẽ thờ phượng Chúa ở đâu?
- Cũng vậy, hôm nay đâu là hội thánh đông vầy, nhưng không có sự đầy đủ của Đấng Christ, và đâu là nơi có Đấng Christ, nhưng không có đông người tham dự, không nhiều lễ hội tôn giáo? Bạn chọn chỗ nào.
Bát-xi-lai 5-8-2019